NGHỀ NÀO KHÔNG LÀ NGHỀ?

Nguyễn Thị Hậu

 

Một lần nữa một thực trạng xã hội lại được đặt ra từ góc độ đạo đức và từ thực tiễn: công nhận hay không công nhận sự tồn tại của mại dâm như một “nghề”. Từ nhiều năm nay luôn có hai luồng ý kiến từ hai cách tiếp cận khác nhau với cùng một đối tượng.

Một, đứng trên quan niệm đạo đức truyền thống thì không thể công nhận “nghề mại dâm”, coi đó là việc làm bất hợp pháp, là tệ nạn và chỉ có thể loại trừ, triệt tiêu nó hoàn toàn. Tuy nhiên, lên án về đạo đức và “trừng phạt” người bán dâm cũng không thể bài trừ mại dâm, mà ngược lại ngày càng “phát triển” đa dạng và phức tạp.

Hai, căn cứ vào thực tiễn và sự cần thiết của quản lý xã hội, cần coi mại dâm là một thực trạng có “cầu” thì có “cung” và ngược lại. Do đó, hạn chế hay loại bỏ nó phải xuất phát từ thực tế, giải quyết từng bước, trước mắt cần có biện pháp “quản lý” phù hợp để có thể hạn chế tác hại của nó đến xã hội và những người làm việc này.

Vậy, có thể coi mại dâm là một “nghề nghiệp” hay không?

Nghề, theo cách hiểu thông thường, là một việc làm có tính ổn định, đem lại thu nhập để duy trì và phát triển cuộc sống cho mỗi người. Nhưng nghề không đơn giản chỉ để kiếm sống mà còn là con đường để mỗi người thể hiện và khẳng định giá trị của bản thân. Mỗi một nghề ra đời đều nhằm đáp ứng một nhu cầu nào đó của con người, vì vậy mỗi nghề đều có nhiệm vụ riêng của nó.

Như vậy, với thực trạng ở nước ta thì có nhiều việc làm để kiếm sống khó có thể công nhận là một nghề theo nghĩa tích cực như trên. Như mại dâm, có thể coi đó là hoạt động của một nhóm người nhằm “đem lại thu nhập để duy trì cuộc sống”, có trường hợp “thu nhập ổn định” thậm chí một số “người đẹp chân dài” còn có giàu có về vật chất. Nhưng phần lớn người làm việc này cuộc sống không ổn định, luôn bị những nguy hiểm rình rập: “má mì” chủ chứa chăn dắt, xã hội đen bảo kê, bạo hành, cho vay nặng lãi, bệnh “nghề nghiệp”… Mặt khác về tinh thần, người làm nghề mại dâm bị coi thường ngay từ người mua dâm, nhiều người mang định kiến coi người bán dâm là không có nhân phẩm, nếu gặp chuyện oan ức thì hiếm khi nhận được cái nhìn thiện cảm của xã hội. Khi hành nghề bị bắt cũng không được đối xử công bằng: truyền thông luôn nêu rõ tên tuổi, hình ảnh, cả gia đình quê quán người bán dâm nhưng thông tin về người mua dâm hầu như rất ít, kể từ những đợt “thu gom gái đứng đường” đến những vụ “bán dâm cao cấp nghìn đô”.

Thế nhưng hiện nay bán dâm không phải chỉ có phụ nữ mà còn cả nam giới, người đồng tính… “Môi trường làm việc” thì có thể bất cứ chỗ nào: nhà hàng, quán xá, nhà nghỉ bình dân, khách sạn sang trọng đến công viên, bến tàu xe, vỉa hè… Nơi nào cũng “lén lút” mà như công khai vì ai cũng biết. Theo nhận định của một quan chức “Công tác phòng, chống mại dâm đang đứng trước không ít khó khăn và thách thức. Vẫn còn những quan điểm, nhận thức trái chiều đối với mại dâm, hệ thống pháp luật về mại dâm cũng đã bộc lộ nhiều bất cập, không còn phù hợp”. Vậy phải giải quyết thế nào đây khi mà tình trạng mại dâm “danh không chính”?

Với điều kiện hoàn cảnh của một xã hội còn có nhiều người phải làm mọi việc để kiếm sống, lấy tiêu chí một nghề là phải có tổ nghề để thờ cúng (như nghề truyền thống?), có “giáo trình dạy nghề” (và trường dạy nghề?), có bậc thang lương (và phải thi nâng bậc?) là một tư duy quản lý rất máy móc và quan liêu. Mại dâm không là “nghề” theo ý nghĩa tích cực như trên đối với con người và xã hội như những nghề khác nhưng trên thực tế là “nghề” để kiếm sống của một bộ phận người, trong đó phần lớn là phụ nữ - nhóm người yếu thế và dễ bị tổn thương trong xã hội. Thừa nhận mại dâm là một nghề (dù chỉ có số ít người làm nghề đó), công khai những gì liên quan đến môi trường “làm việc”, đến người hành nghề và cả đối tượng “cộng tác” với người hành nghề... là cách thức quản lý mà nhiều nước có hoàn cảnh văn hóa – xã hội gần với nước ta đã áp dụng hiệu quả. Cách thức này thể hiện sự nhân văn vì hạn chế người bán, mua dâm bằng sự công khai của luật định, chế tài, nhằm thay đổi số phận người hành  nghề, trước mắt cải thiện, giảm thiểu tác hại, hậu quả của nó với người “hành nghề” và với xã hội.

 “Nghề nghiệp” trong đó “Nghiệp” là sự cống hiến hết mình cho nghề, là niềm vui, trách nhiệm và mục đích của cuộc sống. Nhưng khi mại dâm không là một nghề thì rất nhiều người làm “nghề” ấy lại coi đó là cái “nghiệp” của mình, không phải mục đích tốt đẹp như trên mà vì họ không biết sẽ phải thoát khỏi nó bằng cách nào. Công nhận mại dâm là một “nghề” như một biện pháp cần thiết để quản lý xã hội chứ không phải là sự xóa bỏ “đạo đức truyền thống Á Đông”. Lĩnh vực quản lý xã hội coi “nghề mại dâm” là một thực tế phải giải quyết, hướng đến việc loại trừ căn nguyên và những yếu tố tác động đến sự tồn tại và “phát triển” của nghề này ngay trong lòng một xã hội có “truyền thống đạo đức Á Đông”.

 

Sài Gòn 31.3.2018