Joshua Kurlantzick: Australia, New Zealand Face China’s Influence

Council on Foreign Relations, 13/12/2017

Người dịch: Huỳnh Hoa

 

 

Úc và Tân Tây Lan đối mặt với ảnh hưởng của Trung quốc

Joshua Kurlantzick (*)

 

Các báo cáo cho thấy Trung quốc đẩy nhanh các nỗ lực gây ảnh hưởng lên các hệ thống chính trị nước ngoài đã khơi dậy nỗi lo lắng ở Úc, Tân Tây Lan và nhiều nước khác giữa những dấu hiệu rằng có thể đang có một chiến dịch uốn nắn cuộc tranh luận về các vấn đề khu vực ở châu Á.

Trong một năm qua, cả chính phủ Úc và Tân Tây Lan đều đối mặt với các báo cáo rằng chính phủ Trung quốc đang gây ảnh hưởng lên hệ thống chính trị, hệ thống đại học và các thị trường truyền thông của nước họ. Cho đến nay mới chỉ có Canberra đáp ứng một cách mạnh mẽ. Cơ quan tình báo quốc nội Úc, gọi tắt là ASIO, trong báo cáo thường niên gửi tới quốc hội Úc năm nay, đã viết, ASIO tin rằng các chính phủ nước ngoài đang cố gắng mở rộng ảnh hưởng trong xã hội Úc, đặt ra “mối đe dọa cho chủ quyền của chúng ta, tính liêm chính của các thiết chế quốc gia của chúng ta và cả sự thực hiện quyền công dân của chúng ta”.

Đặc biệt, cơ quan tình báo tin rằng các doanh nhân có quan hệ mật thiết với Bắc Kinh và mong muốn quảng bá các quan điểm thân Trung quốc đã tài trợ hàng triệu đô la cho hai đảng chính trị lớn nhất nước. Năm 2015, cơ quan này đã đưa ra cảnh báo tới các đảng chính trị lớn về cái mà công ty truyền thông Fairfax Media gọi là “sự can thiệp của Trung quốc vào chính trị Úc thông qua các khoản tài trợ khổng lồ bằng tiền mặt”. Bất chấp lời cảnh báo này, các nhân vật chính trị quan trọng ở Úc vẫn tiếp tục nhận hàng trăm ngàn đô la từ các nhà tài trợ đó. Một phân tích mới đây của Cơ sở dữ liệu Đồng Đô la và nền Dân chủ thuộc trường Luật đại học Melbourne phát hiện rằng, giữa năm 2000 và 2016, khoảng 80% tiền tài trợ chính trị nước ngoài đóng góp cho các đảng chính trị của Úc đến từ Trung quốc.

Chiến dịch gây ảnh hưởng của Trung quốc có vẻ như đã mở rộng rất nhiều. Đã có báo cáo về lực lượng an ninh nhà nước Trung quốc tham gia vào chiến dịch giám sát người Trung quốc ở Úc, trong đó có nhiều sinh viên học sinh – thậm chí cảnh cáo họ không được đưa ra ý kiến phê bình Bắc Kinh, nếu không thì thân nhân của họ ở Trung quốc sẽ bị phiền phức. Cơ quan tình báo ASIO và nhiều quan chức cao cấp chung quanh thủ tướng Malcolm Turnbull đã bắt đầu đặt vấn đề có hay không có mối đe dọa giám sát sinh viên và những thủ thuật mà các quan chức Trung quốc sử dụng để theo dõi việc dạy học về Trung quốc trong các giảng đường nhằm kiểm duyệt cuộc thảo luận về Trung quốc ngay bên trong hệ thống giáo dục đại học của Úc. Lãnh đạo của cơ quan tình báo, ông Duncan Lewis, tường trình trước quốc hội Úc hồi tháng 10 rằng Canberra cần phải “hết sức tỉnh táo trước khả năng có sự can thiệp của nước ngoài vào hệ thống đại học của chúng ta”.

Trong vài năm gần đây, các tổ chức truyền thông của nhà nước Trung quốc đã lập liên doanh với các báo đài tiếng Trung nổi bật của Úc, bảo đảm các báo đài này đăng lại những bài báo của báo chí nhà nước Trung quốc. Bắc Kinh cũng đã lập các trung tâm nghiên cứu ngôn ngữ và văn hóa Trung quốc, gồm cả các viện Khổng tử, mà nhiều học giả cho biết là nơi kiểm duyệt các ý kiến phê phán Bắc Kinh. Tờ báo The Guardian (Anh) gần đây tường thuật rằng, một trong các viện như vậy còn được thiết lập bên trong một chính quyền tiểu bang của Úc, làm dấy lên mối lo ngại trong giới chuyên gia tình báo rằng một nhân tố liên kết với nhà nước Trung quốc đang hoạt động bên trong chính phủ Úc.

Những động thái tác động tới cuộc tranh luận chính trị ở Úc xảy ra vào thời điểm mà chủ tịch Trung quốc Tập Cận Bình đang giám sát cuộc chuyển đổi chiến lược trong cách thức mà Bắc Kinh tương tác với thế giới. Khác với những người tiền nhiệm, ông Tập không ngần ngại tuyên bố rằng Bắc Kinh có ý định sử dụng sức mạnh toàn cầu – thứ quyền lực mà ông muốn sử dụng để thúc đẩy các mục tiêu chiến lược và kinh tế của Trung quốc, để tác động tới chính trị nội bộ của các quốc gia khác. Cách tiếp cận ngày càng liều lĩnh của Trung quốc đang làm xáo động chính trị Úc và buộc Canberra phải suy nghĩ lại về luật lệ liên quan tới nguồn tài trợ của nước ngoài đổ vào chính trị, kinh doanh và cơ sở giáo dục đại học của mình. Về phần mình, Trung quốc bác bỏ lời tố cáo can thiệp đang nổi lên ở Úc, Tân Tây Lan và nhiều nơi khác; một bài xã luận trên tờ Global Times (Hoàn cầu thời báo) của Trung quốc hồi đầu tháng 12 gọi những lời tố cáo này là “đáng xấu hổ”, là “triệu chứng của chủ nghĩa McCarthyism”.

Chiến dịch ảnh hưởng ở Tân Tây Lan?

Tân Tây Lan cũng đối mặt với một thách thức tương tự như Úc. Hồi đầu năm nay, bà Anne-Marie Brady, giáo sư trường đại học Canterbury, công bố một báo cáo nổ như một quả bom, trình bày nhiều thủ đoạn mà Bắc Kinh sử dụng để gây ảnh hưởng tới chính trị Tân Tây Lan. Bà Brady báo cáo rằng Bắc Kinh đã ra sức hành động để đưa những cá nhân thân Trung quốc vào vị trí lãnh đạo các hội đoàn người Hoa ở Tân Tây Lan, và quản lý đồng tiền tài trợ cho các đảng chính trị của đất nước.

Bà Brady tin rằng những chiến lược này đã có kết quả trong việc thuyết phục Wellington chấp nhận cái gọi là chính sách “không gây bất ngờ” cho Trung quốc, những vấn đề còn tranh cãi chỉ được nêu trong các cuộc gặp riêng tư với Bắc Kinh. Trong khi đó, báo Financial Times (Anh quốc) và báo Newsroom của Tân Tây Lan tường thuật hồi đầu năm nay rằng Dương Kiện (Yang Jian), một thành viên lãnh đạo của quốc hội, đại diện đảng Dân tộc, có lý lịch là tình báo quân sự Trung quốc mà ông ta đã giấu nhẹm khi di cư tới Tân Tây Lan và hiện nay ông ta vẫn liên hệ chặt chẽ với một cơ quan của đảng Cộng sản Trung quốc. Ông Dương được biết đã thúc đẩy đảng Dân tộc – lãnh đạo chính phủ Tân Tây Lan từ năm 2008 tới năm nay – thực thi những mối liên kết gần gũi hơn với Bắc Kinh.

Trung quốc có những lý do quan trọng để triển khai và mở rộng chiến dịch gây tác động chính trị ở Úc và Tân Tây Lan – hai xã hội dân chủ rất cởi mở về thương mại, di dân, ảnh hưởng văn hóa nước ngoài. Trong những năm gần đây, hai nước này ngày càng trở nên phụ thuộc vào Trung quốc về kinh tế. Trung quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Úc. Năm 2008, Tân Tây Lan trở thành quốc gia phát triển đầu tiên ký hiệp định thương mại tự do với Trung quốc và hiện thời Trung quốc là đối tác lớn nhất của Tân Tây Lan về thương mại hàng hóa, lớn thứ hai về thương mại dịch vụ.

Xuất khẩu ‘mô hình Trung quốc’ và lợi dụng các Xã hội Mở

Ngoài việc thúc đẩy Trung quốc gây thêm nhiều ảnh hưởng lên các nước khác, ông Tập còn đề cao Bắc Kinh như một hình mẫu cho các nước khác – một bước mà những người tiền nhiệm của ông ta không dám đảm nhận. Hồi tháng 10, báo Financial Times của Anh tường thuật rằng chính phủ của ông Tập đã giao nhiệm vụ đó cho Cục công tác Mặt trận thống nhất – một cơ quan của đảng Cộng sản Trung quốc xử lý nhiệm vụ gây ảnh hưởng ở nước ngoài, mà báo Times cho biết đã sử dụng “sức mạnh của Trung quốc nhằm lôi kéo, tập hợp hoặc tấn công những cá nhân, những tập thể có tên tuổi “ở nước ngoài. Ủy ban điều hành về Trung quốc của quốc hội Hoa Kỳ trong tháng này sẽ tổ chức cuộc điều trần về nỗ lực của Bắc Kinh trong việc gây ảnh hưởng tại nước Mỹ.

Dưới thời ông Tập, các đại sứ quán Trung quốc trên khắp thế giới đã được gia tăng nhiệm vụ theo dõi, giám sát các sinh viên Trung quốc theo học các trường đại học nước ngoài. Trong khi đó, bằng việc thiết lập các chương trình tác động mới và nâng cấp các phương tiện truyền thông toàn cầu của mình, chính phủ Trung quốc đã gia tăng các nguồn lực cho việc ảnh hưởng tới các nhà báo, nhà hoạt động văn hóa, và các hiệp hội Hoa kiều ở nước ngoài. Một ví dụ, năm 2012, Bắc Kinh thành lập hội ngoại giao nhân dân Trung quốc (CPDA); hội này có nhiệm vụ mời các nhà báo, người dẫn dắt dư luận nước ngoài đến Trung quốc để huấn luyện.

Chính phủ của ông Tập cũng đã bỏ ra một nguồn lực mới, rất to lớn để toàn cầu hóa các phương tiện truyền thông do nhà nước kiểm soát của Trung quốc, vượt ra ngoài khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Năm 2009, Bắc Kinh công bố dành 6,5 tỉ USD cho việc nâng cấp mạng lưới truyền thông nhà nước. (Để so sánh, Hoa Kỳ dành ra mỗi năm không quá 700 triệu USD cho các kênh truyền thông quốc tế được chính phủ tài trợ). Bắc Kinh đang hiện đại hóa kênh truyền hình nhà nước phát trên toàn cầu của mình, có tên là CGTN. Trong khi đó, hãng thông tấn chính thức của chính phủ Trung quốc, Tân hoa xã, đang mở thêm nhiều văn phòng khắp thế giới, kể cả ở Hoa Kỳ, vào thời điểm mà nhiều tổ chức truyền thông lớn ở các nền dân chủ phát triển phải giảm bớt nhân viên do bị áp lực về tài chính.

Ngụ ý về an ninh khu vực

Ảnh hưởng chính trị của Trung quốc có những ngụ ý quan trọng về kinh tế và chiến lược. Úc là một trong các đồng minh thân cận nhất của Hoa Kỳ. Bất kỳ sự chuyển hướng nào của Canberra ra khỏi Washington đều sẽ có hậu quả làm rung chuyển khắp vùng châu Á-Thái Bình Dương. Cả Úc và Tân Tây Lan đều là thành viên của mạng lưới chia sẻ thông tin tình báo có tên là Năm Con Mắt (Five Eyes), gồm cả Hoa Kỳ, Canada và Anh quốc; bất kỳ sự thâm nhập nào của Bắc Kinh vào cơ quan cấp cao của chính phủ một trong năm nước thành viên Five Eyes đều gây lo lắng cho các thành viên còn lại.

Gia tăng ảnh hưởng ở Úc và Tân Tây Lan còn cho phép Bắc Kinh gây áp lực buộc hai quốc gia này – vốn là những nước lãnh đạo khu vực – phải giữ lập trường trung lập trong các cuộc tranh chấp ở Đông Nam Á. Trong những năm gần đây, các nhà lãnh đạo Tân Tây Lan đã trở nên ít nói hơn về vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. Úc còn đi xa hơn, từ chối tham gia các hoạt động bảo vệ tự do hàng hải do Hoa Kỳ dẫn đầu ở vùng biển đó, và nhiều lần nhắc lại rằng Úc không đứng về phía nào trong cuộc tranh chấp lãnh thổ trên biển. Và nếu như có thêm nhiều người dân Úc, Tân Tây Lan và các nước khác tin vào các thông tin mà truyền thông nhà nước Trung quốc đưa ra thì câu chuyện về chính sách của Trung quốc ở các quốc gia này có thể được uốn nắn lại.

Trong một trường hợp đáng chú ý, cựu nghị sĩ hàng đầu của đảng Lao động, ông Sam Dastyari nói với báo chí Trung quốc vào năm ngoái rằng Úc không nên dính líu cào các hoạt động của Trung quốc ở Biển Đông – cho dù Bắc Kinh đòi hỏi gần như toàn bộ vùng biển này. Sau khi Dastyari đưa ra đề nghị trên, báo chí mới tiết lộ rằng, ông ta có lập trường như vậy sau khi một nhà tài trợ quan trọng, thân thiết với Trung quốc – người đã thanh toán các hóa đơn pháp lý của Dastyari trong quá khứ - đe dọa sẽ rút lại khoản tài trợ 400.000 đô la cho đảng Lao động của ông ta. Đầu tuần này, Dastyari đã từ chức giữa lúc cuộc tranh cãi về ông ta dâng lên, và báo Washington Post tường thuật rằng bộ trưởng y tế Úc, ông Peter Dutton, đã tố cáo Dastyari là “’điệp viên ‘hai mang’ của Trung quốc”. Các hội đoàAn Hoa kiều ở Úc cũng gây áp lực liên quan đến vấn đề Biển Đông. Tờ Sydney Morning Herald tường thuật năm 2016 rằng, trước khi ông Malcolm Turnbull lên đường đi thăm Trung quốc lần đầu tiên trong cương vị thủ tướng Úc, “có khoảng 60 nhà lãnh đạo cộng đồng Hoa kiều ở Úc đã họp ở Sydney và khuyến cáo ông phải giữ mồm giữ miệng khi thảo luận vấn đề Biển Đông ở Bắc Kinh”.

Trong khi đó kết quả thăm dò dư luận lại cho thấy những nỗ lực của Trung quốc ở Úc và Tân Tây Lan là có hiệu quả. Trong một cuộc khảo sát của trung tâm nghiên cứu Pew hồi đầu năm nay, Trung quốc giành được thiện cảm của 64% dân Úc, tăng từ mức 57% hai năm về trước. Một cuộc thăm dò trong năm nay do trường đại học Massey và trang mạng tin tức Stuff của Tân Tây Lan tiến hành cho thấy, nếu phải chọn xây dựng quan hệ song phương gần gũi hơn với Hoa Kỳ, Anh quốc hoặc Trung quốc thì đa số người Tân Tây Lan chọn Trung quốc.

Quản lý mối căng thẳng song phương

Trong khi Úc bắt đầu phát triển một phản ứng mạnh mẽ, nước này cũng đối mặt với thách thức làm sao bảo vệ các lợi ích chiến lược của mình trong khi cẩn thận không gây bất mãn cho người dân Úc gốc Trung quốc. Bên cạnh việc cơ quan tình báo hàng đầu của Úc tăng cường điều tra về ảnh hưởng của Trung quốc thì ủy ban duyệt xét đầu tư nước ngoài của Úc cũng đã bắt đầu áp dụng quy trình thận trọng hơn để rà soát nguồn vốn đầu tư. Liên minh chính trị đang cầm quyền của Úc sẽ thông qua các điều luật cấm tài trợ từ nước ngoài cho các đảng chính trị và các nhóm hoạt động trong nước, và buộc bất kỳ người nào làm đại diện cho quyền lợi của nước ngoài tại Úc đều phải đăng ký hoạt động, tương tự như đạo luật đăng ký người đại diện nước ngoài tại Hoa Kỳ.

Tân Tây Lan tỏ ra chậm chạp hơn trong việc đưa ra một phản ứng rõ ràng. Thủ tướng Jacinda Arden được tường thuật đã từ chối bình luận về triển vọng cơ quan tình báo quốc gia sẽ tiến hành điều tra ảnh hưởng chính trị của Trung quốc ở Tân Tây Lan. Tờ Financial Times đưa tin hồi tháng 12 này rằng các báo cáo mà lãnh đạo cơ quan an ninh quốc gia Tân Tây Lan trình lên thủ tướng Arden đã làm dấy lên các mối lo mới về sự can thiệp chính trị từ Bắc Kinh.

Ngay cả với nước Úc, ứng phó với những hình thức gây ảnh hưởng khác, ngoài việc tài trợ cho các đảng chính trị hoặc cho cá nhân các chính trị gia, là chuyện rất khó khăn. Nhiều nỗ lực tạo quyền lực mềm được công chúng coi là thiện chí, và có những lợi ích văn hóa tích cực.

Tuy vậy, ở Úc, dường như vẫn không rõ liệu các nỗ lực của Trung quốc có đạt được hiệu quả dài hạn là thật sự thúc đẩy quan hệ song phương, hay thay vì vậy sẽ dẫn tới sự lạnh nhạt giữa Bắc Kinh và Canberra. Úc đang thúc đẩy sự phòng vệ của mình chống lại Trung quốc – có lẽ đó không phải là điều Bắc Kinh mong muốn. Khi chính phủ của thủ tướng Turnbull đã công khai nói rõ về những nỗ lực gây tác động của Bắc Kinh và Canberra đã hành động để thông qua luật lệ về tài trợ nước ngoài cho các đảng chính trị thì giới tinh hoa Trung quốc lại trở nên ngày càng hoài nghi và thậm chí giận dữ với Úc, như báo cáo của viện nghiên cứu Lowy của Úc công bố tuần trước. Nỗi nghi ngờ, không tin tưởng nhau có nghĩa là chiến lược gây ảnh hưởng của Trung quốc ở đó có thể tác dụng ngược.

(*) Joshua Kurlantzick là chuyên gia về Đông Nam Á của Hội đồng Quan hệ đối ngoại (CFR), một cơ quan nghiên cứu và tư vấn chính sách của Hoa Kỳ.

Nguồn: https://www.cfr.org/expert-brief/australia-new-zealand-face-chinas-influence?sp_mid=55564822&sp_rid=