Làm thế nào để cứu vãn thế giới

 

Vesa Sirén

 

Đây là nội dung cuộc phỏng vấn với giáo sư Jared Diamond (sinh năm 1937), tác giả của cuốn sách “Upheaval: Turn Point for Nations in Crisis” (2019) cho báo Helsingin Sanomat, nhật báo hàng đầu ở Phần Lan. Jared Diamond cũng là tác giả đã giành giải Pulitzer năm 1997 với tác phẩm “Guns, Germs and Steel”.

 

Hỏi: Giáo sư Diamond, trong bài báo gần đây của ông trên tờ Financial Times (Thời báo Tài chính), ông đã viết rằng “không giống như nhiều dịch bệnh trong quá khứ, coronavirus không đe dọa gây ra thất bại quân sự, thay thế dân số hoặc sụp đổ, hoặc đất canh tác bị bỏ hoang”. Có phải chúng ta đã phản ứng thái quá?

Diamond: Không, dĩ nhiên, chúng ta đã không phản ứng thái quá với đại dịch. Vâng, nó đang giết chết một tỷ lệ người thấp hơn so với cái chết đen trong thời Trung cổ, nhưng nó xảy ra trên toàn thế giới, và chúng ta không thể chống lại điều đó. Vào thời cái chết đen, người Á-Âu đã có một lịch sử lâu dài tiếp xúc với virus, và kết quả là một số người đã đề kháng lây nhiễm nó. Ngày nay, chưa có ai đề kháng lây nhiễm với Covid.

Hỏi: Ông cũng đã viết rằng coronavirus có thể thống nhất thế giới như cuộc chiến chống Liên Xô thống nhất Phần Lan. Làm thế nào điều đó có thể xảy ra?

Diamond: Hầu như tất cả mọi người dân Phần Lan đều bị ảnh hưởng bởi chiến tranh. Tôi đã rất ngạc nhiên về chuyến thăm gần đây nhất của tôi đến Nghĩa trang Hietaniemi vào năm 2017, để xem hoa tươi trên cấc ngôi mộ. Khi trò chuyện với một gia đình Phần Lan đến thăm mộ, tôi đã nhận xét về những bông hoa, người lớn tuổi nhất trong gia đình, một người đàn ông khoảng 40 tuổi, có lẽ đã biết chiến tranh qua ông bà, giải thích với tôi, “hoa là vì mỗi gia đình Phần Lan mất một ai đó.

Covid là cuộc khủng hoảng toàn cầu đầu tiên trong lịch sử thế giới mà mọi người ở khắp nơi trên thế giới buộc phải thừa nhận là một cuộc khủng hoảng toàn cầu.

Tôi cho là thế giới sẽ rút ra bài học từ cuộc khủng hoảng Covid. Thế giới đã không học được từ các cuộc khủng hoảng của biến đổi khí hậu và sử dụng tài nguyên không bền vững, bởi vì biến đổi khí hậu không giết chết con người trong vài ngày: hậu quả của biến đổi khí hậu diễn ra từ từ và thường khó nhận ra. Nhưng Covid giết người trong vòng vài ngày, và không còn nghi ngờ gì nữa rằng ai đó đã chết vì Covid là chết vì nó mà không chết vì một số yếu tố khác.

Cách tiếp cận đơn lẻ không thể giải quyết vấn đề thế giới. Ngay cả khi một quốc gia thành công trong việc loại bỏ Covid trong biên giới của mình, quốc gia đó sẽ bị tái nhiễm bởi các trường hợp Covid ở các quốc gia khác. Sẽ không có quốc gia nào an toàn cho đến khi cả thế giới an toàn: Covid là một vấn đề toàn cầu và tôi cho là Covid sẽ huy động thế giới tìm kiếm các giải pháp toàn cầu. Tôi cũng hy vọng rằng thành công toàn cầu trong việc chống lại Covid mà chúng ta có khả năng đạt được trong vòng một hoặc hai năm, bằng cách phát triển vắc-xin, sẽ thuyết phục mọi người rằng các vấn đề toàn cầu khác như biến đổi khí hậu cũng cần và có thể giải quyết bằng các giải pháp toàn cầu. Điều nghịch lý đó sẽ là kết quả tốt của một sự kiện khủng khiếp.

Hỏi: Phần Lan và Thụy Điển có cách tiếp cận rất khác nhau trong đại dịch này. Phần Lan đóng cửa trường học và nhà hàng, Thụy Điển thì không. Sự khác biệt này có gây ngạc nhiên cho ông không?

Diamond: Phần Lan và Thụy Điển đã áp dụng các cách tiếp cận khác nhau, bởi vì ngay từ đầu không ai biết cách tiếp cận nào sẽ hiệu quả nhất. Khi đại dịch mới bắt đầu, một người bạn là nhà virus học của tôi đã gợi ý cách tiếp cận của anh ta gọi là bữa tiệc thủy đậu gà - nghĩa là, hãy để tất cả những người trẻ tuổi bị nhiễm bệnh trong khi những người già ở trong nhà, để bây giờ những người trẻ tuổi sẽ sống sót và miễn dịch, và đại dịch sẽ biến mất vì miễn dịch bầy đàn. Thụy Điển đã thử như thế và dường như đây không phải là cách tiếp cận tốt nhất, nhưng ngay từ đầu chúng ta không biết cách nào hữu hiệu.

Hỏi: Những gì của Phần Lan và các thay đổi của nó đã mang đến cho ông bất ngờ lớn nhất từ năm 1959 đến nay?

Diamond: Vào thời điểm chuyến thăm Phần Lan đầu tiên của tôi vào năm 1959, những ký ức về cuộc chiến tranh mùa đông vẫn còn rất sâu sắc. Chủ nhà của tôi là các cựu chiến binh, góa phụ và trẻ mồ côi của cuộc chiến. Phần Lan thời đó không phải là một điểm du lịch phổ biến với người Mỹ: Tôi cảm thấy như một nhà thám hiểm dũng cảm sẽ đến đất nước của các bạn. Nhiều xe của các bạn hồi đó là Moscovitch khét tiếng: máy kéo nông trại nhanh nhất thế giới, như chủ nhà Phần Lan của tôi đã giải thích cho tôi! Các vùng nông thôn ngoài Helsinki, rất ít người nói tiếng Anh, và điều đó thúc đẩy tôi vui thích học những kiến thức cơ bản về ngôn ngữ tuyệt vời của các bạn.

Ngày nay, ngược lại, Phần Lan giàu có, các bạn không còn lái xe Moscovitch nữa và mọi người nói tiếng Anh ở nông thôn.

Hỏi: Trong Upheaval[1], ông xác định bốn loạt vấn đề có khả năng gây hại và nguy cơ tồn tại trên toàn thế giới đối với nhân loại: các vụ nổ vũ khí hạt nhân, biến đổi khí hậu toàn cầu, khai thác cạn kiệt tài nguyên và bất bình đẳng về mức sống trên toàn cầu. Ông cũng viết rằng, trong tương lai gần, Hoa Kỳ sẽ trải nghiệm bạo loạn đô thị. Điều này chắc chắn rất chính xác. Ông có thấy những cuộc bạo loạn này là hậu quả hợp lý của sự bất bình đẳng ngày càng tăng?

Diamond: Ngay cả trước các cuộc bạo loạn George Floyd, tôi đã chứng kiến hai cuộc bạo loạn đô thị trong 44 năm sống ở Los Angeles. Tôi chờ đợi nhiều cuộc bạo loạn hơn, bởi vì các điều kiện dẫn đến những cuộc bạo loạn đô thị trước đó vẫn tiếp tục tồn tại. Câu hỏi duy nhất là điều gì sẽ kích hoạt cuộc bạo loạn tiếp theo. Chính quyền liên bang Mỹ hiện tại trong ba năm qua dĩ nhiên đã làm cho những xu hướng xấu đó trở nên tồi tệ hơn. May mắn thay, thành phố Los Angeles của tôi có một thị trưởng tốt, và tiểu bang California của tôi có một thống đốc giỏi, người đã có thể chống lại một số chính sách tồi tệ của chính phủ quốc gia.

Hỏi: Trong Upheaval, ông mô tả làm thế nào trong năm 2018 “Cảnh sát Phần Lan chỉ bắn sáu phát súng, năm trong số đó chỉ là những phát súng cảnh cáo: điều đó ít hơn tiếng súng trung bình trong một tuần của cảnh sát ở thành phố Los Angeles của tôi. Điều gì trong sự phát triển của hai quốc gia này đã góp phần cho kết quả khác nhau như vậy?

Diamond: Niềm tin của gười Mỹ khác với của người Phần Lan và cả ở nhiều khía cạnh khác, bởi vì địa lý và lịch sử khác nhau của hai quốc gia. Một điều có ảnh hưởng lớn đến lịch sử của Hoa Kỳ là biên giới của chúng tôi, một hiện tượng gần đây hơn nhiều so với biên giới của các bạn. Người châu Âu định cư ở Mỹ trên Bờ Đông và dần dần di chuyển về phía Tây, do đó, mỗi mảnh đất nhỏ ở Mỹ ban đầu là một biên giới. Biên giới của chúng tôi đã không đóng cửa cho đến khoảng năm 1890. Nhưng biên giới của chúng tôi cách xa thủ đô quốc gia của chúng tôi ở Bờ Đông, những người định cư đã đến biên giới của chúng tôi trước khi có chính quyền địa phương hiệu quả, và vì vậy mọi phần của Hoa Kỳ bắt đầu với các cá nhân phải tự bảo vệ mình.  Đó là nguồn gốc của sự tôn sùng súng của rất nhiều người Mỹ ngày nay, một tâm lý khiến người châu Âu phát điên và điều đó thực sự điên rồ một cách nguy hiểm, nhưng đó là kết quả của lịch sử chúng tôi. Cảnh sát của chúng tôi nổ súng, một phần vì người Mỹ đã có lịch sử bắn súng lâu đời.

Hỏi: Trong Upheaval, ông đã viết rằng thập kỷ 2010 hiện tại là một trong những nguyên nhân gây lo lắng nhất cho Hoa Kỳ. Điều đó, tất nhiên, được viết trước đại dịch và trước cái chết của George Floyd.

Diamond: Ít nhất là ở Hoa Kỳ trong suốt cuộc đời tôi, mỗi thập kỷ của cuộc đời tôi dường như là thập kỷ nguy hiểm nhất trong lịch sử của chúng tôi. Tôi là một đứa trẻ trong chiến tranh thế giới, sau đó tôi là một thiếu niên trong Chiến tranh Lạnh, khi đó tôi ở độ tuổi 20 trong cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba, sau đó tôi ở độ tuổi 30 trong chiến tranh Việt Nam, và mỗi cuộc khủng hoảng đó dường như điều tồi tệ nhất mà chúng tôi từng trải qua. Do đó, khi tôi nói rằng thập kỷ hiện tại dường như là thập kỷ nguy hiểm nhất của cuộc đời tôi, tôi phải tự nhắc nhở mình rằng tôi đã liên tục nói điều đó trong suốt cuộc đời mình. Nhưng ngay cả khi tôi tự nhắc nhở mình về điều đó, tôi vẫn nghĩ rằng đó là sự thật: thập kỷ hiện tại thực sự là thập kỷ nguy hiểm nhất trong lịch sử nước Mỹ!

Đó là vì chúng tôi phải đối mặt với nguy cơ thực sự về một sự kết thúc sắp xảy ra của nền dân chủ Mỹ.

Hỏi: Ngay trong Upheaval, ông đã viết: “Tôi đã thấy một đảng chính trị nắm quyền lực trong chính phủ Hoa Kỳ hoặc trong các chính phủ tiểu bang ngày càng thao túng việc đăng ký cử tri, sắp xếp các tòa án với các thẩm phán dễ dãi… và sử dụng cảnh sát, Vệ binh Quốc gia, quân đội dự bị hoặc quân đội thường trực trấn áp phe chính trị đối lập. Ông có thể nói rằng rủi ro này đã tăng lên trong suốt 3,5 năm của chính quyền hiện tại hay nó là sự tiếp nối hợp lý của những gì đã xảy ra trước đó?

Diamond: Vâng, sự thao túng nền dân chủ Mỹ đã phát triển trong suốt 3,5 năm của chính quyền liên bang hiện tại của chúng tôi. Nhưng nó cũng là hậu quả của những gì đã xảy ra trước đây: sự phân cực chính trị ở Hoa Kỳ bắt đầu từ những năm 1990, và nó đã không ngừng gia tăng kể từ đó. Không có Tổng thống Trump, nó sẽ không tệ như vậy, nhưng nó vẫn tồi tệ hơn bao giờ hết và sẽ trở nên tồi tệ hơn.

Hỏi: Ông nghĩ gì về cuộc bầu cử tổng thống, sự khác biệt của chính quyền hiện tại với trước đây và các ứng cử viên hàng đầu là gì?

Diamond: Sự khác biệt giữa chính quyền hiện tại và chính quyền quốc gia trước đây của chúng tôi có thể được tóm tắt một cách đơn giản, như sự khác biệt giữa cái ác và cái thiện. Suy nghĩ của tôi về cuộc bầu cử tổng thống sắp tới là không rõ liệu đây có phải là một cuộc bầu cử tự do hay không.”

“Sự khác biệt giữa hai ứng cử viên của chúng tôi là rõ ràng. Một người là một con người bình thường. Người kia là một sự chối bỏ của thực tế.”

Hỏi: Trong Upheaval, ông cũng xác định 12 yếu tố liên quan đến kết quả của các cuộc khủng hoảng quốc gia[2]. Chính quyền hiện tại của ông  đối phó với yếu tố 2 như thế nào: Thừa nhận trách nhiệm; tránh đối xử tàn nhẫn, tự thương hại và đổ lỗi cho người khác?

Diamond: “Chính quyền quốc gia hiện tại ở nước tôi đã thất bại nặng nề về dự đoán kết quả này. Tổng thống Trump thường xuyên đổ lỗi của các vấn đề của Hoa Kỳ cho các quốc gia khác, đặc biệt là Trung Quốc, Mexico và Canada, thay vì chấp nhận trách nhiệm của Hoa Kỳ là nguyên nhân chính của các vấn đề của chính họ. Điều này gợi nhớ đến sự từ chối trách nhiệm của Đức sau Thế chiến I, vì vai trò của họ trong việc dẫn đến thảm họa của Thế chiến I.

Hỏi: Trong Upheaval ông có nói rằng cuốn sách là một cuộc khám phá mang tính kể chuyện, mà ông hy vọng sẽ khuyến khích số lượng người đọc. Ông đã đi xa hơn với các phương pháp định lượng và ông đã tìm thấy bất kỳ thông tin mới đáng ngạc nhiên nào về Phần Lan chưa?

Diamond: Bản thân tôi đã đi xa hơn với các phương pháp định lượng, vì tôi không biết sử dụng máy tính và tôi dựa vào các cộng tác viên để nghiên cứu định lượng. Vâng, trong chuyến thăm Phần Lan gần đây nhất của mình vài năm trước, tôi đã rất ngạc nhiên khi biết về sự thấu đáo và ý thức mà Phần Lan chuẩn bị cho bất kỳ nguy hiểm nào. Đó là một thái độ rất phù hợp với quan điểm của riêng tôi, bởi vì công việc trong rừng rậm ở New Guinea trong 56 năm qua của mình đã buộc tôi cũng phải chuẩn bị cho mình trước mọi nguy hiểm. Tôi gọi thái độ của tôi là “hoang tưởng mang tính xây dựng” - nghĩa là tôi phải nghĩ về mọi thứ có thể xảy ra, và tôi chuẩn bị cho nó. Thái độ hoang tưởng mang tính xây dựng đó rất cần thiết đối với người Phần Lan, trong hoàn cảnh địa lý của các bạn, giống như với tôi trong những khu rừng ở New Guinea.

Hỏi: Ông có thể tiết lộ về cuốn sách tiếp theo của mình được không?

Diamond: Cuốn sách tiếp theo của tôi là một bí mật được bảo vệ chặt chẽ mà bí ẩn của nó sẽ được tiết lộ sau bốn hoặc năm năm nữa!

 

Lê Lam (dịch)

Nguồn: https://www.hs.fi/ulkomaat/art-2000006555567.html

 

 

 


 



[1] Jared Diamond, Upheaval: Turn Point for Nations in Crisis, London: Allen Lane, 2019

[2] 12 yếu tố liên quan đến việc giải quyết các cuộc khủng hoảng cá nhân được áp dụng cho nhà nước mà Diamon nêu ra trong Upheaval là:

1. Thông tin về sự tồn tại của cuộc khủng hoảng

2. Nhận trách nhiệm: tránh hy sinh, tự thương hại và đổ lỗi cho người khác

3. Thu hẹp các vấn đề cần giải quyết và thực hiện các thay đổi cho hành động của bạn

4. Nếu có thể, hãy nhờ sự giúp đỡ của người khác

5. Học hỏi từ các giải pháp của người khác

6. Tận dụng tối đa bản sắc dân tộc

7. Tự đánh giá một cách trung thực

8. Tận dụng kinh nghiệm lịch sử từ các cuộc khủng hoảng trong quá khứ

9. Hãy kiên nhẫn khi thử giải pháp cho những thất bại của quốc gia

10. Tận dụng sự linh hoạt có chọn lọc

11. Bảo tồn các giá trị cốt lõi của quốc gia

12. Hãy lựa chọn có tính đến các điều kiện biên địa chính trị