Thời báo Kinh tế Sài Gòn
Số Tân niên 2008

 

THAO THỨC GIỮA ĐỒNG BẰNG

 

Huỳnh Kim

 

GSTS Võ Tòng Xuân bàn giao chức Hiệu trưởng trường Đại học An Giang cho Thạc sĩ Lê Minh Tùng - Phó Chủ tịch tỉnh An Giang, vào tháng 11-2007, khi ông 67 tuổi. Một tháng sau sự kiện này, tình cờ gặp nhau tại TPHCM, tôi vẫn gặp lại những thao thức của “anh Ba Xuân” hồi năm 1985, khi anh 45 tuổi...

 

1985

Dạo đó, nhiều nông dân đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích  gọi anh như vậy. Tôi nhớ, trong một căn phòng làm việc chật chội ở Đại học Cần Thơ, anh Ba Xuân nói: “Anh nghĩ coi, người nông dân mình ở đây, hễ trời sụp tối là phủi sơ hai bàn chân khô sình đất, leo lên giường. Trong lúc đó, ở các nước tiến tiến, người nông dân họ đi giày trong nhà, ngồi trước ti-vi, lò sưởi hoặc đi câu lạc bộ nông trang. Mà chắc chắc là những dân tộc đó không anh hùng hơn dân tộc mình, tài nguyên của họ không giàu hơn của mình”. Anh lại đăm chiêu: “Cây lúa ĐBSCL còn bề bộn công việc vây quanh nó. Lúa mùa, đất ngập mặn, nhiễm phèn, trình độ dân trí… Làm sao để tìm ra được giống lúa thích hợp kèm theo các kỹ thuật tương ứng? Tôi thao thức nhiều về những vùng đất hoang lớn ở đồng bằng này, mà nông dân thì họ bỏ đi, bu bám sống ven quốc lộ với tỉ lệ sinh đẻ quá cao, cứ như phó mặc cho một số phận vô hình nào đó”.

Trước đó, những năm 1975-1977, người ta thấy anh và những đồng nghiệp cùng hàng trăm sinh viên say mê khoa học, lặn lội qua hàng ngàn héc ta ruộng lúa cháy rụi vì giặc rầy nâu, băng qua những cánh rừng tràm xơ xác vì thuốc khai hoang thời chiến tranh, những đồng cỏ năng dày mịt, hoang vắng mênh mông. Khi thì lội bì bõm, khi thì lắc lư trên chiếc xuồng nhỏ hoặc ngồi nghêu ngao trên những mui tàu đò; lúc đi xe đạp, lúc chạy Honda hay đeo cửa một chuyến xe đò cuối cùng nào đó trên môt tuyến hương lộ đồng bằng.

Mười năm đầu sau ngày hòa bình 1975, hoạt động khoa học của anh Ba Xuân, hiệu phó Đại học Cần Thơ, chỉ nhằm một hướng: phát triển nông thôn. Anh đã linh động vượt qua nhiều thử thách trong cơ chế bao cấp lúc đó để làm cho được mục tiêu đào tạo kết hợp với nghiên cứu khoa học, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào phục vụ sản xuất.

Anh Ba Xuân sinh ra trong một gia đình nghèo ở Ba Chúc, An Giang. Lúc nhỏ anh lên Sài Gòn tự lập để phụ cha mẹ nuôi các em và để có tiền đi học đến khi thành tài. Anh đã từng trải qua một thời bán báo dạo dọc các bến xe đò, đêm đi dạy kèm cho học sinh luyện thi. Rồi đến quãng đời làm giám đốc kỹ thuật cho một công ty thuốc trừ sâu. Anh nói: “Sự giàu có của dân lao động các nước nghèo tài nguyên thiên nhiên mà tôi đã đi qua làm tôi nghĩ đên dân mình – những người chủ nghèo sống trên tài nguyên giàu có. Từ đó tôi đã xác định mục đích sống cho đời mình: phải đem hết tri thức của mình để đóng góp cho đất nước, làm sao cho dân mình mau trở thành những người chủ giàu như dân các nước tiên tiến. Cách cơ bản nhất theo tôi là phải đào tạo con người có tri thức và lý tuởng để cùng tham gia phát triển đất nước”.

Thảo nào, không ai thấy lạ khi anh quyết định quay về Việt Nam ngay sau khi trình luận án tiến sĩ nông học ở Nhật; bữa đó chỉ 28 ngày nữa là đất nước hòa bình thống nhất.

2007

          Tối 14-12-2007, tại buổi lễ ra mắt Trung tâm Nghiên cứu Saigon Times (STR) thuộc TBKTSG, Giáo sư Võ Tòng Xuân đã nói nhiều điều tâm huyết. Tôi nhớ nhất một ý: “Cũng con người này, đất nước này, nhờ có thay đổi chính sách một chút là có cải cách, đổi mới mà từ một đất nước thiếu thốn đủ thứ, phải ăn gạo theo tem phiếu… trở nên một nước xuất khẩu gạo đứng hàng thứ hai trên tế giới, dân mình đã khá hơn xưa. Nhưng, đến giờ đại bộ phận nông dân vẫn còn nghèo và thua thiệt. Cái chính của thời hội nhập WTO này là nhà nước mình phải dám thay đổi thêm chính sách, cải cách mạnh hơn, đổi mới mạnh hơn thì chúng ta mới có thể thắng được giặc nghèo”.

          Sau buổi lễ, Giáo sư Xuân đã ngồi lại với chúng tôi hơn một giờ để nói tiếp câu chuyện ngày xưa mà dường như nó cũng không xa lạ gì với mục tiêu hoạt động của STR mà Giáo sư Xuân là một thành viên trong nhóm chuyên viên.

          - Dường như thầy vẫn còn thao thức với những dự án đang dang dở?

          - Công việc của tôi quá nhiều vì không nỡ từ chối mỗi khi được cơ quan nào đó yêu cầu làm việc gì. Thí dụ như vừa qua, ông Giám đốc điều hành Trung tâm Phát triển Phân Bón Quốc tế (IFDC) tại Alabama, Hoa kỳ, yêu cầu bầu tôi vào thành viên mới của Hội đồng. Tôi nói với ông ấy là tôi đã là thành viên của 15 hội đồng tư vấn trong nước và quốc tế rồi, ông ấy vẫn nhất quyết không đổi ý định, và giải thích rằng Trung tâm IFDC mỗi năm chỉ cần tôi họp HĐQT một lần trong 3 ngày mà thôi. Và kết quả là họ vẫn bầu tôi.

Ở trong nước thì dự án kỳ vọng nhất của tôi là xây dựng Đại học An Giang thành một trường đại học có tầm cỡ ở ĐBSCL. Tám năm qua, trong hai nhiệm kỳ hiệu trưởng, tôi đã tham khảo nhiều nơi và đã được tỉnh An Giang và Chính phủ chấp thuận cho xây khu đại học mới rộng 39,5 héc ta, và dự án này mới khởi công được hai năm. Tôi sẵn sàng phụ với các anh em trong trường để dự án lớn lên theo dự kiến. Mầy năm qua tôi rất cố gắng chỉ đạo nhưng rất tiếc chưa thực hiện một cuộc đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục Việt nam như Nghị quyết Đại hội Đảng lần IX và X đã kêu gọi, lấy Đại học An Giang làm một mô hình đại học lý tưởng - nơi tạo ra động lực nghiên cứu phát triển cho An Giang và cả ĐBSCL đồng thời là một nơi ươm mầm nhân tài cho tỉnh và cho cả vùng này. Chứ nếu vẫn đào tạo theo cách hiện nay thì khó có nhiều người tài giỏi cho đất nước.

Trong sự đổi mới về sản xuất nông nghiệp trước đây tôi đã khá thành công, nhưng xem ra sự đổi mới trong giáo dục rất gay go vì thiếu người tài trong lĩnh vực này để cùng thực hiện. Phải là người tài mới thấy xa và hiểu rộng, mới dám bỏ bảo thủ để có sáng kiến, biết đổi mới.

          - Chuyện này dường như không chỉ ở An Giang?

- Trăn trở của tôi là đối với cả hệ thống giáo dục Việt Nam từ phổ thông đến đại học. Mỗi trường phải có khả năng cung cấp cho người học nhiều kiểu đào tạo - ngắn hạn, trung hạn, dài hạn; nhiều ngành nghề địa phương cần chứ không phải cứ theo chương trình khung như của Bộ Giáo dục hiện nay. Rồi trong nghiên cứu khoa học cũng phải sao cho đúng tiêu chuẩn quốc tế thì mới đi lên được. Muốn thế mỗi trường phải có một hiệu trưởng thực sự có khả năng chuyên môn, và nhà nước phải cho các đại học quyền tự chủ để quản trị cả con người, chương trình học, và tài chính.

Tôi cũng lo nhất là giáo dục phổ thông của Việt Nam đang quá kém so với các nước chung quanh ta. Trước 1975, sinh viên vào Đại học Cần Thơ giỏi hơn sinh viên bây giờ rất nhiều. Hồi những năm 1960, học sinh đậu tú tài xong có thể làm được nhiều việc; còn bây giờ thi đậu trung học phổ thông rồi mà cứ “ngơ ngơ ngác ngác”, không biết làm gì; chỉ lo trả bài xong rồi quên hết, ngoại ngữ thì hầu như không nói được. Chương trình thì “nhồi sọ” đủ các môn trong khi môn chính cũng như các môn phương tiện như vi tính và ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh, thì không rành. Phải sửa đổi chương trình đào tạo để dạy cho sinh viên khi ra trường phải giỏi chuyên môn kèm theo kỹ năng vi tính và ngoại ngữ, dễ được tuyển dụng vào các công ty trả lương cao hoặc về địa phương giúp được cho dân hữu hiệu.

- Theo thầy thì việc cải cách hiện nay trong ngành giáo dục, liệu có thoát ra được những điều đó không?

- Tôi thấy rất khó. Tôi đã phát biểu nhiều lần trước Bộ Giáo dục và đào tạo và với Hội đồng Quốc gia giáo dục rồi nhưng vẫn chưa thấy những chỉ thị cụ thể. Các trường vẫn đang rất ngoan ngoãn chờ lệnh bộ, không dám có sáng kiến. Hiệu trưởng đại học không thể quyết định được nếu không được bộ giao quyền tự chủ trong quản trị nhà trường.

- Trong lĩnh vực nông thôn, nông nghiệp, thầy đang tâm huyết chuyện gì nhất?

- Cái nghèo của nông dân Việt nam. Nông dân ta cần cù làm ra quá nhiều gạo cho xã hội hưởng, nhưng chính mình thì không giàu lên được. Tại ai? Nông dân Philippines, Indonesia, Thái Lan, Malaysia giàu hơn nông dân mình. Nhìn xa hơn chút, nông dân Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản còn giàu gấp mấy mươi lần nông dân mình. Mà con người và tài nguyên của mình không thua ai hết. Chỉ vì mình thiếu một chính sách tốt và cách quản lý tốt. Cách quản lý hiện nay không làm cho mỗi người có thể phát huy hết khả năng của mình, tài nguyên và xã hội của mình. Cũng như trong giáo dục, mình đang đào tạo ra cái mà xã hội không cần. Đất đai, tài nguyên mình giàu, nông dân cần cù, chịu cải tiến nhưng nhà nước không cải cách quản lý thì nông dân, nông thôn vẫn nghèo. Thí dụ, cứ để cho những công ty quốc doanh chỉ chạy theo lợi nhuận, câu kết với nhiều trung gian mà không biết đầu tư cho nông thôn để nông dân sản xuất theo đúng yêu cầu thị trường thì làm sao nông dân khá lên được. Rốt cuộc là nông dân, doanh nghiệp, nhà nước cứ tách rời nhau. Phải có chính sách tốt để ba người này “dính” lại một cách hữu cơ.

Tôi còn lo là nông dân ta, nhất là ở đồng bằng sông Hồng và ĐBSCL, dần dần sẽ thiếu đất sản xuất vì xu thế đô thị hoá không thể dừng lại được. Vì thế tôi đã nghĩ đến việc đưa nông dân Việt Nam làm chuyên gia giúp nông dân Tây châu Phi sản xuất lương thực. Chương trình này hiện đã bắt đầu từ tháng 6-2006, chuyên viên Việt nam đã sang nước Sierra Leone để chuẩn bị cơ sở hạ tầng để đưa nông dân Việt Nam sang vào tháng 5-2008. Đây là một chương trình mang ý nghĩa lớn tầm cỡ quốc tế vì sự giúp đỡ thành công của chúng ta vào công cuộc an toàn lương thực, xoá đói gảm nghèo cho châu Phi sẽ làm tăng uy thế nước ta trong Liên Hiệp Quốc. Rất nhiều quốc gia phương Tây đã tiêu tốn hàng trăm triệu đô la hàng năm giúp châu Phi nhưng đến nay, châu lục này vẫn bị đói và nghèo triền miên. Tôi rất lạc quan về sự thành công của Chương trình Tây châu Phi, vì đã thử nghiệm rất có hiệu quả kỹ thuật trồng lúa cao sản của ĐBSCL trên đất châu Phi. Và một độc đáo nữa là chúng ta dùng nông dân làm chuyên gia sang hướng dẫn, kèm cặp nông dân châu Phi sản xuất lúa, theo công thức 1 nông dân Việt nam làm với 4  nông dân châu Phi.

- Về hưu nhưng thầy vẫn còn nhận nhiều công việc khác ở trong và ngoài nước?

- Hưu về chức vụ hiệu trưởng, nhưng chuyên môn đâu có nghỉ hưu. Còn sáng suốt và khoẻ mạnh thì còn đóng góp được cả ở trong và ngoài nước. Nhiệm vụ tư vấn khoa học tôi vẫn tiếp tục, vì người ta không giới hạn tuổi tác.  

- Vậy thì kinh nghiệm làm việc của thầy là gì?

- Cái nền là kiến thức và kỹ năng, tôi phải học rất căn bản và không ngừng tự cập nhật kiến thức. Và tôi truyền đạt cho những cộng sự của tôi,  không giấu ai kỹ thuật gì. Khi kiến thức mở mang, mình có thể thấy trước những gì mà người thường chưa thấy. Dĩ nhiên mình không bảo thủ, mà trái lại, luôn có sáng kiến nghĩ ra những chương trình mới, rồi truyền đạt nội dung, phương pháp thực hiện, tìm kinh phí và giao công việc cho người khác cùng làm. Đồng thời với giao công việc, tôi phải kiểm tra đôn đốc. Và tôi đã sớm sử dụng hệ thống Internet và thư điện tử để chỉ đạo từ xa, nên bất cứ đi xa bao nhiêu tôi cũng liên lạc được với các cộng sự của mình không chậm trễ. Như thế một cách gián tiếp, tôi làm được rất nhiều việc, nhiều chương trình. Quan trọng là cần phải được đào tạo căn bản, sâu và rộng để thấy được cái mới. Trái với những người bảo thủ thường ít được đào tạo căn bản nên ít thấy xa hiểu rộng nên khó tiếp thu cái mới, hoặc khó nghĩ ra sáng kiến. Thêm vào đó tính sợ trách nhiệm cũng triệt tiêu những sáng kiến. Không có sáng kiến thì không thể cạnh tranh lành mạnh với các đối thủ trong thời hội nhập kinh tế toàn cầu./.

 

GSTS Võ Tòng Xuân & Đại úy Phạm Ngọc Trọng
ở Nông trường  Giồng Găng (Đồng Tháp) năm 1985.

 

GSTS Võ Tòng Xuân hiện đang đảm đương một số công việc như sau:

* Trong nước:

 

-    Chủ tịch 08 Hội đồng thẩm định khoa học, Sở KH và CN An giang (năm 2006);

-    Chủ tịch, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh An giang;

-    Chủ tịch Hội Việt Nhật tỉnh An giang (2000 đến nay).

-    Chủ nhiệm Câu lạc bộ Xây dựng thương hiệu Nông thuỷ sản Việt nam (thuộc TBKTSG)

-    Cố vấn khoa học cấp trung ương:

-      Uỷ viên, Hội đồng quốc gia giáo dục, Hà nội;

-      Uỷ viên, HĐ Khoa học công nghệ quốc gia, Hà nội;

-      Chủ tịch, HĐ Chức danh giáo sư liên ngành nông lâm học, Hà nội;

-      Uỷ viên, HĐ Chức danh giáo sư nhà nước, Hà nội;

-      Uỷ viên, HĐ Chỉ đạo biên soạn từ điển bách khoa VN, Hà nội.

-      Uỷ viên Đoàn Chủ tịch, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt nam (từ 2005), Hà nội;

-  Uỷ viên, Hội đồng quản trị, Công ty Cổ phần XNK Thuỷ sản An giang (AGIFISH Co.), An giang (từ 04-2003)

 

* Quốc tế:

 

-        Viện sĩ, Viện hàn lâm khoa học kỹ thuật Australia (bắt đầu từ tháng 11-2006);

-        Uỷ viên, Hội đồng quản trị, Viện Quản lý A châu (Manila, Philippin, từ 1997 đến nay);

-        Uỷ viên, Hội đồng quản trị, Tổ chức dịch vụ quốc tế về tiếp thu và ứng dụng công nghệ sinh học nông nghiệp (ISAAA, Manila, Philippin, từ 1999 đến nay);

-        Uỷ viên, Hội đồng cố vấn Diễn đàn Nghiên cứu các vấn đề phát triển A châu (Asian Development Research Forum, từ 01-2001 đến nay);

-        Uỷ viên, Hội đồng quản trị Quỹ Rockefeller (New York, từ 01-01-2002 đến nay);

-        Uỷ viên, Hội đồng quản trị Trung tâm phát triển bền vững vùng lưu vực sông Mê kông (Đại học Chiangmai, Thái lan, từ 04-2003);

-        Uỷ viên, Ban điều hành dự án Giám sát Hệ sinh thái sông Mê kông (2003 đến nay);

-        Chủ trì chương trình xoá đói giãm nghèo cho đồng bào Khmer ở Ô môn – do Quỹ “Mình vì mọi người” của Bỉ đài thọ.

-          Ủy viên HĐQT Trung tâm Phát triển Phân bón Thế giới (Đại học Alabama - Mỹ)

-        Chủ trì Chương trình “An toàn lương thực Tây Phi châu – Sierra Leone” (bắt đầu từ tháng 5-2006).