Trần Bạch Đằng trong ký ức tôi

Trích Hồi ký  "Tuổi 80 nhớ gì ghi nấy"

Hoàng Lại Giang

 

... Cũng tại hội trường của Hội trí thức 43 Nguyễn Thông này có một cuộc hội thảo về ngôn ngữ tổ chức sau hội thảo về Phan Thanh Giản không bao lâu. Lần này tôi không thấy GS Trần Văn Giàu, mà thấy Trần Bạch Đằng. Tôi ngồi ở hàng ghế giữa, cạnh GS Cao Xuân Hạo, một nhà ngôn ngữ học hàng đầu của đất nước... Khi Trần Bạch Đằng được chủ tọa mời phát biểu. Lên đến giữa hội trường, ông ngước nhìn lên, chỉ tay vào tấm băng rôn treo phía trên bục nói: Như chữ này là từ Hán Việt... Tôi liếc sang cạnh, thấy GS Cao Xuân Hạo mặt hầm hầm, nói giọng gằn xốc: Cái thằng cha không biết cái đếch gì, mà cái gì cũng xía vô! Xong, anh vứt điếu thuốc hút dở xuống đất, dùng mũi giày dí đi, dí lại cho nát rồi đứng dậy ra ngoài.

Đúng Trần Bạch Đằng là một tay dốt, quá dốt, mà luôn phách lối làm cho thiên hạ coi mình như một nhà trí thức tầm cỡ của cách mạng, của đảng. Tôi đụng trực tiếp với ông một lần. Đấy là lúc tổ chức viết và xuất bản cuốn sách về luật sư Nguyễn Hữu Thọ, tại nhà riêng Trần Bạch Đằng ở góc đường Điện Biên Phủ và Phan Kế Bính. Ngoài anh Nguyễn Hữu Châu, con trai cả của luật sư, còn có các nhà văn, nhà báo như anh Trình Quang Phú, bạn thân với tôi. (Gia đình anh, đặc biệt là cậu ruột anh, một bí thư chi bộ được trên giao trọng trách tổ chức đường dây bảo vệ luật sư Nguyễn Hữu Thọ ở tại rừng núi Tuy Hòa) Anh Nguyễn Phú Thắng, bác Nguyễn Đình Tư...

Trần Bạch Đằng đề nghị lấy tên cuốn sách là: “Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, cả nước tấn phong anh.” Tất cả đều im lặng. Người này nhìn người kia. Riêng tôi thấy hai chữ tấn phong đặt vào đây không đúng chỗ. Cuối cùng tôi nói: Đứng về mặt ngữ nghĩa, hai chữ “Tấn phong” đưa vào đây không ổn lắm. Ngày xưa vua chúa hay dùng hai chữ này để tấn phong hoàng hậu hay vị đại thần nào đấy...Trong trường hợp naỳ nên thay hai chữ Tấn phong bằng hai chữ tôn vinh thì hợp hơn. Tất cả lại im lặng. .. Cuộc họp đã buộc phải tạm dừng .

Hai hôm sau anh Nguyễn Hữu Châu đến cơ quan gặp tôi. Anh nói: thật khó nói quá. Ai cũng thấy ý kiến của anh là hợp lý, nhưng không ai dám nói. Có vẻ ai cũng sợ chú Tư Ánh. Tôi nói : vậy thì chịu. Chúng tôi ngồi im lặng một lúc lâu. Rồi tôi nói: Anh nên mạnh dạn nói thẳng ra với Tư Ánh có gì mà ngại. Tuần sau Trần Bạch Đằng lại mời họp. Ông nói: Về tên sách Luật sư Nguyễn Hữu Thọ tôi thiểu số, phải phục tùng đa số. Cuốn sách Luật sư Nguyễn Hữu Thọ cả nước tôn vinh anh ra đời từ đấy.

Một lần tôi nói với cố vấn ban chấp hành trung ương Võ Văn Kiệt: Sao Thành phố mình đổi tên đường lạ vậy anh. Hiền Vương, một vị chúa có công rất lớn trong việc mở cõi, tạo thành đất nước Việt Nam hình chữ S như hôm nay sao lại thay bằng Võ Thị Sáu? Đường Yên Đỗ tại sao lại thay bằng đường Lý Chính Thắng? Đất nước chúng ta, dân tộc chúng ta biết khi nào mới xuất hiện một nhà thơ như Yên Đỗ?

Phan Thanh Giản một vị đại thần yêu nước thương dân dám can vua ba lần, sao lại thay bằng Điện Biên Phủ. Đặc biệt là đường Lê Văn Duyệt, một vị Tổng trấn Gia Định thành; một nhà canh tân đầu tiên của nước Việt. Dưới thời ông tàu bè các nước tự do ra vào buôn bán. Tất nhiên chỉ được bán cái gì, chở ra khỏi nước cái gì mà chính quyền cho phép. Đấy là thời kỳ nhân dân Gia Định thành có cuộc sống đầy đủ nhất. Nhân dân vui vẻ nhất. Sài Gòn Hòn ngọc Viễn Đông ra đời từ đấy. Xiêm La (Thái Lan) sợ ta một phép. Vào mùa (tịch điền), Lê Văn Duyệt đích thân xắn quần xuống cày ruộng... Đấy cũng là thời kỳ các cha cố được vào giảng đạo tự do ở Gia Định thành. Trong khi triều đình lại cấm ngặt. Có một lần hai cha cố ra kinh thành bị triều đình bắt giam. Ông đi ghe bầu ra thuyết phục nhà vua thả về. Một con người như thế đặt một tên đường ở Tổng trấn Gia Định thành là đúng lắm. Vậy mà Trần Bạch Đằng lại thay bằng Cách Mạng tháng Tám. Cách mạng tháng Tám, Điện Biên Phủ có thể đặt tên cho một Công viên, hay quãng trường nào đó...

Võ Văn Kiệt im lặng, trầm ngâm một lúc rồi nói: Lúc bấy giờ tôi bận lo cơm áo gạo tiền cho dân tối mặt tối mũi. Tôi giao việc này cho Tư Ánh. Không ngờ anh ấy lại xáo trộn lên như thế. Nhân dân bức xúc cũng có cái lý của họ. Đặt tên đường kiểu này thì bờ vùng,bờ thửa cũng không đủ để đặt.

Suy cho cùng có những sự dốt nát không ảnh hưởng bao nhiêu đến dân chúng. Nhưng có những sự dốt nát, gây những hậu họa khôn lường. ảnh hưởng không tốt đến lòng dân, làm mất danh dự, uy thế và cả văn hóa của một dân tộc. Đấy là một tội lớn mà lịch sử không thể không ghi nhận.

Trần Bạch Đằng là con người vừa dốt vừa nát, không hiểu gì về lịch sử cả mà dám tự tung tự tác, dám liều mạng đạp đổ cha ông một thời mở cõi, dựng nước xuống và đưa đám con cháu của thời đại mình lên mà thiếu cân nhắc là một tội phải được lịch sử ghi tên rõ ràng! Lenin đã từng dự báo: Sư ngu dốt cộng với quyền lực sẽ thành phá hoại. Trần Bạch Đằng là con người như vậy!

Còn cái gọi là “tác phẩm” của ông, như một vài người nhầm tưởng, với tôi không có bao nhiêu giá trị văn chương, chủ yếu nó là những công cụ tuyên truyền như chính cuộc đời và sự nghiệp của ông!

Trần Bạch Đằng đã làm sai, như cố thủ tướng Võ Văn Kiệt lúc bấy giờ và không ít người dân đã xác nhận, thì bổn phận của chúng ta, những thế hệ sau phải sửa chữa...Cơ quan có đủ chuyên môn về sử học và nhân vật lịch sử không ai khác là Hội khoa học lịch sử và những nhà khoa học Việt Nam. Mọi thờ ơ và muốn đùn đẩy cho thế hệ sau là thiếu lương tâm với chính nhân dân mình!

 

HLG

 

Tác giả gửi cho viet-studies ngày 17-4-20