Nhớ lại một buổi gặp chú Lành

 

Từ Sơn 

 

Nhân Đại hội nhà văn Việt Nam lần thứ VIII sắp họp, tôi bỗng sực nhớ đến một kỷ niệm khó quên về một trong những người đầu tiên sáng lập Hội nhà văn Việt Nam.

Kỷ niệm ấy đến với tôi vào một ngày cuối tháng 11 năm 1995.

Tôi nhận được một cuộc gọi. Đầu dây có tiếng nói: Từ Sơn đó hả? Chú Lành đây”. “Thưa chú, có chuyện gì chú gọi cháu vậy?”. “Chẳng có chuyện chi. Chú muốn rủ cháu và Phan Hồng Giang lên bàn chuyện văn chương chơi vậy thôi. Ngồi nhà đọc sách báo mãi cũng buồn. Hai anh em lên chơi cho vui”.

Tôi và Giang đạp xe lên 76 Phan Đình Phùng. Không như hồi nhà thơ còn “làm lớn”: trước nhà không có lính gác, không hỏi giấy tờ, không hỏi đến có việc gì, có được thủ trưởng hẹn không v.v. Chúng tôi thản nhiên đẩy nhẹ cánh cửa sắt khép hờ, dắt xe đạp vào sân thì đã thấy chú Lành hồ hởi ra đón ở bậc thềm.


Tố Hữu và Từ Sơn
(phòng khách nhà Tố Hữu, tháng 11/1995)

Tiếp hai anh em tôi trong phòng khách có đặt cặp ngà voi của cơ sở cách mạng thời chú hoạt động ở Tây nguyên biếu, chú vào chuyện ngay:

- Sắp hết thế kỷ thứ hai mươi rồi. Chú rất mong anh chị em làm công tác nghiên cứu cùng các nhà văn có một sự nhìn lại, đánh giá văn học dân tộc ta suốt chiều dài thế kỷ hai mươi với biết bao tác giả, tác phẩm tiêu biểu trong suốt một chặng dường đầy biến động thăng trầm của lịch sử dân tộc và của sự phát triển văn học dân tộc… Nhiều điều đáng nói lắm chứ. Nên chăng bắt đầu từ Phan Bội Châu rồi kế đó là các trào lưu văn học có sức sống lâu dài trong tâm hồn dân tộc, cùng với dân tộc làm nên lịch sử. Đương nhiên là tiến trình phát triển nào cũng có thành tựu đổi mới nhưng cũng phải trải qua nhiều vấp váp, trăn trở và thậm chí có khi còn lầm đường, lạc lối… Dù sao văn học Việt Nam thế kỷ hai mươi cũng đã đọng lại những giá trị đích thực làm phong phú thêm nền văn học dân tộc.

Chúng tôi thưa với chú Lành rằng đấy là một công việc cần nhiều trí tuệ của giới khoa học, của nhiều nhà văn góp sức thì mới đạt được yêu cầu mong muốn. Chú yên lặng một lúc rồi nói: Đúng là như vậy. Trước hết là phải có một tổ chức đứng ra đảm nhận. Hội nhà văn, Viện Văn, các trường đại học nếu biết tổ chức, tập họp lực lượng nghên cứu chuyên sâu thì chắc sẽ cho ra được những công trình nghiên cứu giá trị. Tiếc là hồi chú còn phụ trách văn hóa, văn nghệ mải lo nhiều sự vụ quá nên chưa tính được chuyện đường dài…”

Nhân chú nói vậy, tôi ướm hỏi:

- Hay là bây giờ chú “xung phong” đứng ra chỉ đạo công việc này đi?

- Không ổn. Lâu nay chú có nghiên cứu gì nhiều đâu. Một thời gian lại chúi đầu vào lo chuyện tem phiếu, cơm áo gía, lương, tiền…chẳng đâu vào đâu để rồi bị “thẻ đỏ” phải ra khỏi sân mặc dầu cả đội yếu kém, chơi xấu…

Trầm ngâm một lát, chú nói:

-  Thôi, không nói chuyện “thẻ vàng, thẻ đỏ” nữa. Hôm nay chú chỉ muốn nói chuyện văn chương.

Thời gian tiếp theo, chú nhắc lại những kỷ niệm khi được đọc những tác phẩm sục sôi long yêu nước và ý chí cứu nước của Phan Bội Châu và các nhà thơ, nhà văn yêu nước khác. Chú bảo, ban đầu, nhờ những tác phẩm ấy mà chú quyết dấn thân vào con đường cách mạng. Chú trân trọng ghi nhận giá trị nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật ngôn từ đã hiện đại hóa tiếng Việt, thoát khỏi ngôn từ, niêm luật gò bó của thơ cũ  mà vẫn gin giữ và nâng cao “cái hồn dân tộc” sâu lắng trong thơ của các nhà “Thơ mới”. Chú cũng không quên bày tỏ sự quý mến các nhà thơ  xuất hiện khá sắc sảo trong thời chống Pháp, chống Mỹ… Chú nhắc đi nhắc lại nếu tổng kết văn học dân tộc trong thế kỷ hai mươi không thể không đánh giá cao thơ ca cách mạng và kháng chiến.

 Trò chuyện một hồi lâu, tôi bắt sang chuyện khác:

-  Dạ, dạo này chú có làm thơ?

-  Vẫn nghĩ về thơ nhưng viết ra thấy chưa ưng nên bỏ đấy. Chú đang tìm một hướng mới cho thơ của mình.

Tôi bắt đầu có ý “trêu chọc”:

-  Cháu thấy chú có viết bài thơ về cuộc thi hoa hậu…

-  Ừ, có đấy. Nói chuyện thi hoa hậu là cốt để nói chuyện đời thôi.

Tôi mạnh dạn hỏi chú:

-  Thưa, hiện nay có lúc nào chú đi “thực tế” tiếp xúc với người dân bình thường trong tư cách nhà thơ Tố Hữu chứ không phải là…

- “Quan lớn” chứ gì? Chú cười vui thoải mái rồi nói tiếp:

- Thỉnh thoảng chú cũng đạp xe hoặc đi bộ dạo loanh quanh, hỏi chuyện bà con. Vui lắm. Nói chuyện một hồi cũng có người nhận ra là Tố Hữu thì lại ngại ngần không muốn kể cho nghe các chuyện tiêu cực này nọ nữa.

“Máu”làm báo của tôi lại nổi lên. Tôi hỏi tiếp:

- Thưa, chú nghĩ thế nào về những “cô gái sông Hương”* và “ những tiếng rao đêm”** đang nhan nhản trên các đường phố hôm nay?

Tôi rất ngại chú Lành bực mình sau câu hỏi của tôi. Nhưng không. Chú bình tĩnh nói:

- Chú biết, chú biết trong xã hội ta hiện nay đang có nhiều hiện tượng đau lòng xảy ra ngoài ý muốn.

Người phục vụ vào rót nước tiếp cho ba chú cháu. Chú nhắc hai anh em tôi uống rồi đứng dậy rủ chúng tôi ra sân cho thoáng. Sát thềm nhà là một cây hồng đang có trái chín ngả màu vàng. Chú với tay vào cành thấp bứt mấy quả cho chúng tôi. Nó đẹp - chú nói. Đem về cho bọn trẻ nó ngắm chứ ăn thì chát lắm đó.

Chúng tôi liếc nhìn sang “cây táo ông Lànhở gần cây hồng. Chú Lành thấy vậy nói: Cây táo này gần tết mới ra quả. Quả cũng chua lắm”.

Chúng tôi xin phép được cùng chú chụp ảnh kỷ niệm cho buổi gặp chân tình hôn nay. Chú vui vẻ nhận lời.


Từ Sơn và Tố Hữu
(Trước nhà Tố Hữu, tháng 11/1995)

 Tiễn chúng tôi ra cửa, chú bắt chặt tay hai anh em tôi và nói:

-  Có lẽ chúng ta phải làm lại một cuộc cách mạng.

Chúng tôi chào chú một lần nữa. Chú dặn với theo khi chúng tôi bắt đầu đạp xe rời khỏi cổng nhà chú:

-  Hai đứa thỉnh thoảng lên nói chuyện thơ văn, chuyện đời với chú nhé.

Mười lăm năm đã trôi qua từ sau buổi gặp chú Lành hôm đó. Trong đầu óc tôi cho đến hôm nay vẫn còn nhớ câu nói của chú: Có lẽ chúng ta phải làm lại một cuộc cách mạng”. Vâng, thưa chú Lành, cần phải có một cuộc cách mạng, mà theo cách hiểu của cháu - một người cầm bút, một công dân bình thường - cần phải làm cuộc cách mạng đó từ chính mình, luôn gắn bó với số phận và khát vọng của dân tộc để có thể một ngày nào đó thực hiện được niềm tin chú đã viết trong bài thơ “Tiếng hát sông Hương”:

Ngày mai bao lớp đời dơ
Sẽ tan như đám mây mờ đêm nay.

                                                                                                                    Hà Nội, 3-8-2010

                                                                                                                                T.S.

 

----

 (*) và (**) Trong các bài thơ:”Tiêng hát sông Hương” và “Một tiếng rao đêm” trong tập thơ Từ ấy của Tố Hữu

 

   

 Lên trang viet-studies ngày 3-8-2010