Đọc tại lễ truy điệu GS Trương Tửu tại Hà Nội ngày 19-12-1999

 

Nguyễn Đình Chú

 

VĨNH BIỆT THẦY TRƯƠNG TỬU

 

 

  Kính lạy hương hồn Thầy!                                                                                        

  Thầy ơi!

  Như thế là Thầy đã đi qua giữa cõi đời này, 87 năm tròn với bao nhiêu vinh quang và cũng với bao nhiêu nhọc nhằn để hôm nay trở thành người thiên cổ.

  Thầy ơi! Chuyện đời cái gì đáng qua đi, sẽ qua đi. Cái gì đáng còn lại, sẽ còn lại. Những vinh quang của Thầy là sẽ còn lại.

            Đó là cái vinh quang của một tuổi trẻ sôi động, khao khát dân chủ, ghét bất công mà hô hào bãi khóa, làm reo, để rồi hai lần bị nhà trường thực dân đuổi học, nhưng cũng là hai lần bạn bè kính nể và hậu thế, ai biết sẽ biểu dương.

            Đó là cái vinh quang của một thanh niên xuất thân trong một gia đình nghèo, nhưng giàu thông minh và giàu nghị lực, đã quyết tâm, bằng con đường tự học, vươn lên chiếm lĩnh kho tàng văn hóa dân tộc, văn hóa nhân loại mà cái tên ba chữ Nguyễn Bách Khoa đã như một lời hứa.

            Đó là cái vinh quang của một nhà văn, lúc với bút danh Trương Tửu, lúc với bút danh Nguyễn Bách Khoa, ròng rã 27 năm trời, tính từ năm 1931, tung hoành bút mặc trên văn đàn Việt Nam và đã để lại với đời một khối lượng văn phẩm không nhỏ trong đó vừa có tiểu luận phê bình, vừa có sách nghiên cứu, vừa có tiểu thuyết, nhưng làm nên tên tuổi trước hết là ở lĩnh vực nghiên cứu phê bình văn chương. Và dù văn chương có là chuyện: “tự cổ vô bằng cứ” như cổ nhân đã nói, thì người đời chắc cũng không thể quên nhiều thành tựu đáng giá của Thầy. Đất nước Trung Hoa tự hào có Kinh Thi. Khoảng hai ngàn rưỡi năm về trước, Khổng Tử chẳng đã từng khuyên bảo học trò: “bất học thi, vô dĩ ngôn” (không học Kinh Thi, lấy gì mà nói). Ở Việt Nam ta, đầu những năm 40 của thế kỷ này, Thầy viết sách Kinh Thi Việt Nam. Người đời có học vấn, ai dễ quên, nỡ quên. Thầy viết sách Nguyễn Công Trứ. Không chỉ một người đã cho đó là thành tựu nghiên cứu phê bình văn học theo quan điểm Mác xít đầu tiên ở Việt Nam. Theo dõi nhiều sách báo viết về Nguyễn Công Trứ sau này, ai để ý, sẽ nhận ra bóng dáng những gì nhà soạn giả Nguyễn Bách Khoa đã khai mở ra từ thuở ấy. Rồi nữa là với Truyện Kiều, kiệt tác thiên tài số 1 của lịch sử văn chương dân tộc, ai đó hôm nay và mai sau, tìm hiểu lịch sử nghiên cứu Truyện Kiều, làm sao có thể bỏ qua những công trình của Nguyễn Bách Khoa, của Trương Tửu  và cho dù trong đó cái được và cái chưa được còn tha hồ mà bàn mà luận, nhưng hẳn là sẽ ghi nhận một trạng thái lao động thuộc về bản chất của khoa học là sự tìm đi tìm lại như từ “Recherche” trong ngôn ngữ Pháp đã mệnh danh cho nó. Và nghĩ đến đời văn của nhà văn Trương Tửu, hẳn là không ai quên Hoài Thanh trong Thi nhân Việt Nam. Ở phần viết về nhà thơ Nguyễn Vỹ, chỉ cho rằng bài thơ Gửi Trương Tửu, “mới thực là kiệt tác của Nguyễn Vỹ”. Ở đây khen thơ Nguyễn Vỹ, thực tế cũng là để lộ sức hấp dẫn của cội nguồn cảm hứng đối với Nguyễn Vỹ, bạn văn Trương Tửu và cả hai sẽ trường tồn.

            Thầy ơi! Cái vinh quang của Thầy, đặc biệt hơn nữa, còn là những năm tháng Thầy gắn bó với cách mạng, với thời đại mới, được chế độ mới sủng ái, giao cho nhiều trong trách cao quý. Thầy là thanh niên sớm có mặt trong Hội Văn hóa cứu quốc Việt Nam. Thầy là người cùng với giáo sư Đặng Thai Mai phụ trách Ban Bí thư Chi hội Văn nghệ Kháng chiến Khu IV, đã vừa đứng ra tổ chức, vừa trực tiếp giảng dạy ba lớp văn hóa kháng chiến khu IV cũ mà sau này không ít học viên đã thành danh trên văn đàn Việt Nam như: Hoàng Trung Thông, Nguyễn Khải, Bùi Hiển, Vũ Tú Nam, Hoàng Minh Châu…Ai có dịp đọc kỷ yếu, 45 năm văn hóa kháng chiến do khu IV xuất bản vào năm 1994, và bài viết của nhà thơ Hoàng Minh Châu cũng đã đăng trên báo Văn nghệ cùng dịp ấy, hẳn sẽ thấy rõ thế nào là tấm lòng của một bộ phận nhà văn Việt Nam quý trọng thầy Trương Tửu.

            Từ năm 1951, ngay buổi đầu thành lập Trường Đại học Sư phạm Văn khoa của nước Viêt Nam Dân chủ Cộng hòa, Thầy đã được nhà nước bổ nhiệm chức vị giáo sư, và quả thực tại đây trong nhiều năm, Thầy đã là một vị giáo sư sáng giá bên cạnh các vị giáo sư sáng giá khác như: Đặng Thai Mai, Trần Văn Giàu, Nguyễn Mạnh Tường, Đào Duy Anh, Cao Xuân Huy, Trần Đức Thảo… Chúng em là thuộc các thế hệ sinh viên đầu tiên được may mắn làm học trò của Thầy cũng như những thầy khác. Qua công lao dậy dỗ của các thầy trong đó có Thầy, chúng em hầu hết đã trưởng thành, không ít đã trở thành những nhà khoa học, những giáo sư, những văn nghệ sĩ, những nhà quản lý giỏi, một số là nghệ sĩ nhân nhân, nhà giáo nhân dân, có người được giải thưởng Hồ Chí Minh…tất cả đều gắn bó với đất nước, với nhân dân, với thời đại.

            Vốn là người được học hành, thấm nhuần sâu sắc và cũng thiết tha bảo vệ truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc bao đời nay, chúng em không bao giờ quên rằng cái vinh quang của học trò là gắn với vinh quang của các thầy, một phần là nhờ có cái vinh quang của các thầy trong đó có Thầy. Nhất là cái vinh quang đó lại được sản sinh ra từ trong không khí kháng chiến chống thực dân Pháp hào hùng của dân tộc, trong niềm hân hoan dạt dào của những năm đầu nửa nước được trở lại hoà bình.

            Thầy ơi! Cái vinh quang của Thầy còn là ở ngay trong cảnh ngộ vất vả, nhọc nhằn. Bởi dù cảnh ngộ có nhọc nhằn, Thầy bằng bản lĩnh và tài năng vốn có của mình, đã giữ lấy sự thanh thản, yên bình trong tâm hồn, để từ đó, vẫn tiếp tục sống có ích cho gia đình, cho nhân quần, cho cuộc đời. Không còn điều kiện cầm bút, Thầy đã cầm kim châm cứu để dành lại sự sống cho hàng vạn người dân lành. Không cầm bút viết văn thì Thầy cầm bút viết sách Đông y, sách Châm cứu để người đời ai biết thì tốt, chưa biết sẽ biết sau. Riêng chúng em, sau nhiều năm tháng thầy trò cách biệt, gặp lại Thầy, nghe Thầy trò chuyện, quả thật là rất mát lòng, mát dạ và vẫn thấy được Thầy dạy bảo như ngày nào. Thầy nhắc lại câu chuyện Đường Tăng đi thỉnh kinh ở Tây Trúc sau bao nhiêu thời gian vất vả, thỉnh được kinh nhưng không may kinh bị mất, hỏng trang cuối do đó cứ phải áy náy, băn khoăn. Nhưng Tôn Ngộ Không đã an ủi: Sư phụ ạ! Trời đất cũng có trọn vẹn đâu nữa là cuốn kinh. Và từ đó Thầy bảo với chúng em: Trười đất đã không trọn vẹn, huống gì mỗi chúng ta đều là những kiếp đời bé mọn. Chỉ biết hôm nay, đất nước đã đổi mới thì hẵng cứ vui với đổi mới, mà đổi mới là phải từ chuyện lớn đến chuyện nhỏ, chuyện cụ thể, chuyện soạn một bài giảng sao cho hay. Và mới đây chưa đầy một năm thôi, chúng em lại được nghe Thầy nói: cuộc đời tôi quả có nhiều bất hạnh, vất vả, nhưng tôi chưa bao giờ không kính trọng những nhà cách mạng đã vào sinh ra tử cho đất nước trong đó có tôi, gia đình tôi, mặc dù tôi thấy cách mạng cũng có sai lầm.Và lại mới đây chưa đầy một tháng, dù nói năng đã khó khăn lắm rồi, Thầy vẫn cố gắng nói với chúng em: cuộc đời tôi quả là có nhiều vất vả. Đến nay thì tôi cũng đã sắp từ giã cõi đời. Nhưng cũng mừng là không có gì phải tự xấu hổ với chính mình. Không có gì để phải gục mặt xuống với đời.

            Thầy ơi! Trước những lời tự bạch chân thành đó của Thầy, người đời nghe ai mà ai không xúc động. Riêng chúng em, lớp học trò của Thầy những năm xưa cũ, xin được gửi thêm vào đó những giọt nước mắt của tuổi già, Thầy ơi! Và bây giờ thì tất cả đã an bài rồi.

            Thầy đã thành người thiên cổ, chúng em xin vĩnh biệt Thầy, cầu nguyện cho hương hồn Thây siêu sinh tĩnh độ. Xin thống thiết chia buồn cùng gia quyến, gia tộc. Một lần nữa, xin bái lạy Thầy, xin vĩnh biệt Thầy kính mến./.

                             

 Trở về trang Hồ sơ Trương Tửu

3-11-10