Lâm Võ Hoàng, Một Người Quân Tử Cô Độc?

 

Trần Văn Chánh

 

 

Tôi với anh Lâm Võ Hoàng vốn chưa đáng gọi là chỗ thâm giao, trước đây chỉ thỉnh thoảng gặp nhau trong những buổi họp mặt chung mỗi năm đôi ba lần vì cùng là cộng tác viên khá lâu năm của báo Công Giáo & Dân Tộc. Tuy vậy, tôi đặc biệt có cảm tình và tin cậy ở anh trước đó, chủ yếu qua những bài viết vừa rất duyên dáng vừa đầy tâm huyết của anh đăng trên báo Công Giáo & Dân Tộc, và nhất là trên tờ Tuổi Trẻ, trong những năm 90 của thế kỷ trước, với đủ loại đề tài đa dạng, từ đạo đến đời, từ chuyên môn kinh tế-tài chính tới văn hóa-giáo dục và những việc đời thường khác ngoài xã hội đa tạp, trong giai đoạn chuyển hình kỳ của đất nước.

Theo lời tự thuật của anh, ghi lại trong tập sách nhỏ Mặt trời tình yêu (tức «Hành trình đến với đức tin Công giáo», thì cha Lâm Võ Hoàng theo đạo Cao Đài, mẹ đạo Hòa Hảo, lúc 15 tuổi, anh học lớp 8 tại trường trung học Phan Thanh Giản Cần Thơ; cuối niên khóa 1950-1951, sau khi đậu tú tài I, ghi danh học lớp 12 (ban Triết) ở trường Chasseloup-Laubat Sài Gòn (nay là trường Lê Quý Đôn); năm 1961, do nhiều cơ duyên liên tục đưa đẩy, sau khi xin phép cha mẹ, anh chính thức gia nhập Công giáo. Khi ngỏ lời xin phép, mẹ anh buồn phiền ra mặt, lẽ tất nhiên, nhưng ông cụ thân sinh thì trầm tĩnh phán quyết: “Mày đã lớn rồi và toàn quyền hành động theo ý muốn và lương tâm của mình. Chỉ có điều mầy phải đeo đuổi tới cùng điều mày cho là tốt và đúng. Còn nếu bỏ nửa chừng thì không khỏi người ta chê cười mày và trước mặt những người đàng hoàng, mày sẽ không còn được kính trọng nữa”.

Sau khi tốt nghiệp Đại học Luật Khoa Sài Gòn, khóa cuối cùng bằng Pháp văn năm 1955, anh Hoàng thi đậu cán sự Ngân hàng Việt Nam Thương tín do Chính phủ thời đó thành lập. Năm 1965, nhập ngũ vào Trường Bộ binh Thủ Đức theo lệnh tổng động viên, rồi ra trường một năm sau với cấp bậc chuẩn úy trừ bị. Trong khi chờ đợi ra chiến trường, nghị định của thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ, thủ tướng chính phủ quân nhân (lúc đó gọi là Chủ tịch Ủy ban Hành pháp Trung ương), biệt phái anh làm Thứ trưởng Bộ Thương mãi, phụ trách ngoại thương. Sau biến cố Tết Mậu Thân 1968, lại được biệt phái về Ngân hàng Việt Nam Thương tín, với chức vụ Phó Tổng giám đốcphụ trách kế hoạch và phát triển…, cho tới khi chế độ Sài Gòn bị sụp đổ ngày 30.4.1975.

Mười ngày sau khi thành lập chính quyền mới, anh Hoàng nhận được lệnh đi cải tạo, theo diện “sĩ quan ngụy” của chế độ cũ. Anh viết trong bản tự thuật: “Với tâm hồn bình an, trí óc thanh thản, túi hầu như trống rỗng (vì không được rút tiền trong tài khoản), tôi trình diện đúng hẹn và lên đường đi “học tập”, như học sinh ngày tựu trường, không chút bận lòng về tương lai, nhưng hoàn toàn phó thác trong tay Chúa. Thậm chí tôi còn coi trại tập trung cải tạo là một “trường chuyên môn” do Chúa gởi tôi đến học bổ túc những chương trình còn thiếu sót trong việc đào tạo trước đây. Đó là: đói, rét, lao động cực nhọc, thiếu thốn mọi thứ, lòng lân tuất, chia sẻ, nhường nhịn với mọi anh em đồng cảnh ngộ. Từ đó, tôi quyết tâm vui vẻ học tập tốt, chấp hành nội quy tốt, mặt khác cố gắng sống trong hoàn cảnh bó chặt mà vẫn giữ tư thế một trí thức Công giáo có nhiều nghĩa vụ hơn quyền lợi và biết nhường nhịn hơn là đòi hỏi. Vả chăng, thời gian trước đây, vị trí xã hội đã bảo đảm đầy đủ cho tôi sống sung túc thì nay đến thời tôi phải sống chia sẻ, như “lá rách đùm lá tả tơi”, với những anh em đau ốm, yếu đuối, thiếu thốn, bơ vơ. Thái độ sống nầy giúp tôi không rơi vào tình trạng tự dày vò, sốt ruột chờ đợi ngày vô định được thả ra, như nhiều anh em tóc râu bạc phếu trước tuổi”. 

Đến năm 1979, sau 52 tháng cải tạo không có vấn đề, tức hơn 4 năm học tập đường lối mới, anh được phóng thích. Khi đó, căn nhà anh sở hữu đã được Nhà nước mới “quản lý”, cấp cho một cán bộ, nhưng anh vẫn bình thản như không: “Đối với tôi, đây không phải là một tin dữ, vì tôi thiết nghĩ ‘cả thành trì sụp đổ, tiếc chi một miếng ngói?’” (trích Mặt trời tình yêu)… Thế rồi anh bình thản trở về tá túc với người em trai kế ở Quận 3 Sài Gòn, với toàn bộ tài sản là hai bộ đồ tù, và một lon sữa bột Guigoz, rất tiện gọn cho việc nấu nướng dã chiến, mọi nơi, mọi lúc, cùng với mọi thứ thu nhặt được khi đi lao động ở trại cải tạo. 

Chỉ một tuần rời khỏi trại cải tạo, nhờ có chuyên môn giỏi, anh Hoàng được chọn vào làm chuyên viên kinh tế tại Ban Khoa học và Kỹ thuật TP. HCM, trong suốt 9 năm, rồi xin thôi việc, từ đó bắt đầu viết báo tự do cho nhiều tờ báo ở TP. HCM (như Công Giáo & Dân Tộc, Tuổi Trẻ, Thời báo Kinh tế Sài Gòn…), trở thành thông tín viên thường trực của RFI (đài phát thanh quốc tế Pháp); cuối cùng được mời tham gia Tổ Tư vấn cải cách kinh tế, hành chính của cố Thủ Tướng Võ Văn Kiệttừ năm 1993 đến cuối năm 1996.

Cá nhân tôi chỉ có hai lần đến gặp riêng nói chuyện với anh Lâm Võ Hoàng. Lần đầu năm 1990, khi anh còn sinh hoạt hàng tuần trong “Nhóm thứ sáu” (một nhóm tư vấn kinh tế tạm gọi là “nghiệp dư” do Công ty Cholimex bảo trợ từ sự gợi ý của cố Thủ tướng Kiệt). Khi đó đang có hiện tượng “bể tín dụng” gây hoang mang trong dư luận toàn quốc,  tôi đến để nhờ anh tham gia một cuộc hội thảo về tín dụng do ông Đào Công Tiến, hiệu trưởng Đại học Kinh tế tổ chức. Anh vui vẻ nhận lời, thấy cũng là cơ hội để đóng góp sở trường chuyên môn của mình, và cuộc hội thảo đã mang lại cho các cán bộ, giáo viên, sinh viên của nhà trường nhiều nhận thức mới, trong khi những người này lúc đó vẫn còn khá lơ mơ về hệ thống tín dụng trong cái gọi là kinh tế thị trường. Lần thứ hai, vào tháng 11.2017, đi cùng với 4-5 anh em Phật giáo Hòa Hảo ở An Giang đến thăm anh ở Đan viện Biển Đức Thiên Phước (Thủ Đức), do anh Giang Quốc Chung hướng dẫn, nhân dịp tôi chủ biên xuất bản tập sách Phật giáo Hòa Hảo, một tôn giáo cận nhân tình trong lòng dân tộc (NXB Tổng Hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2017), mà ở trong một tờ bìa gấp của tập sách, có trân trọng trích dẫn câu viết của anh: “Khi Thủ tướng Chính phủ ký quyết định cho phép Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo hoạt động hành đạo công khai trở lại, tôi là một trong những người mừng nhất (…). Đức thầy vắng mặt, nền đạo chuyên lo tu hành vẫn tiếp tục tồn tại…”.

Tôi cùng anh em đến thăm, một phần có ý muốn cho anh đọc câu trích dẫn nêu trên để anh mừng, nhưng lúc này anh đã mắc chứng lú lẫn tuổi già, phải lâu lắm mới nhận ra anh em chúng tôi và mở sách ra đọc. Khi cả nhóm từ giã ra về, tôi linh cảm dự đoán có lẽ đây là lần cuối cùng anh em chúng tôi được gặp anh. 

Buổi trưa ngày 28.3.2019, anh Giang Quốc Chung gọi điện thoại cho tôi hay anh Lâm Võ Hoàng đã qua đời vào lúc sáng sớm hôm đó tại Đan viện Biển Đức Thiên Phước, hưởng thọ 86 tuổi. Tiếp theo, lại có hàng loạt bạn khác gọi điện báo tin, tôi không ngạc nhiên  vì biết anh tuổi đã cao mà cuộc sống không còn chất lượng như trước, nhưng cảm khái xúc động, trong đầu óc tuôn ra luôn hồi những suy nghĩ tốt đẹp về anh…

Là một tín hữu Công giáo thuần thành, nhưng anh Lâm Võ Hoàng lại có tấm lòng rất khoan dung tôn giáo, câu anh viết như vừa trích dẫn ở trên về đạo Hòa Hảo cho thấy rất rõ điều này. Đối với anh, phàm bất cứ việc gì có lợi lạc cho nhân sinh thì anh đều ủng hộ, không câu chấp sự khác biệt về tôn giáo, hay ý thức hệ. Bản thân anh là một cán bộ quản lý cấp cao của ngành tài chính ngân hàng chế độ cũ, bị đi “học tập cải tạo” trong gian khổ suốt 52 tháng, nhà cửa bị “quản lý”, nhưng anh vẫn thanh thản tình nguyện ở lại với quê hương xứ sở, lòng không chút trách móc oán hờn;  các bài báo anh viết đầy tâm huyết với chỉ một ý hướng xây dựng, không hề tỏ lộ một chút gì bực dọc, trái lại vẫn cứ một lòng cúc cung tận tụy đóng góp, những mong cho đất nước mau vượt khó khăn để ngày một thêm tươi đẹp, nhân dân sớm được hạnh phúc ấm no. Nhờ thế văn anh cũng rất giản dị dễ hiểu, nhưng dụng ngữ dồi dào mà hồn văn thanh thoát, vui vẻ, gây sức hấp dẫn cao cho người đọc, và khi đọc, ta dễ có cảm giác như tác giả viết rất nhanh rất dễ, chẳng khác nào một hành giả đắc đạo đang tuôn ra như nước chảy những lời lẽ rất tự nhiên để giảng đạo. Được như vậy, có lẽ một phần do đức tin Công giáo thúc đẩy nuôi dưỡng, phần khác do bản chất phóng khoáng vị tha, với tấm lòng bao dung trực đạt của một bậc chân quân tử, trọng nghĩa khinh tài, xả thân cầu đạo.

Có thể nói, về mặt tôn giáo, anh Lâm Võ Hoàng là một người “sống đạo” gương mẫu; về mặt nghĩa vụ công dân, anh là một trí thức chân chính, có trách nhiệm với tiền đồ dân tộc, tiêu biểu và xứng đáng làm gương cho tinh thần hòa giải hòa hợp dân tộc thứ thiệt. Nhớ hơn 15 năm trước, anh có viết một bài trên nguyệt san Công Giáo & Dân Tộc, nói về mối tình thắm thiết đoàn kết giữa hai nhân vật mà anh gọi là người quân tử, đó là cố Đức Tổng Giám mục Nguyễn Văn Bình và cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, hai người tuy ở hai cương vị hoàn cảnh khác nhau, với hai ý thức hệ hầu như đối lập, nhưng giữa họ có một mẫu số chung, là cùng lo cho “đạo” của mình, hết lòng vì dân vì nước.   

Anh sống liêm chính, trinh bạch, trước khi vào tu niệm ở Đan viện Biển Đức Thiên Phước Thủ Đức, anh chỉ ở trong một căn nhà nhỏ rất khiêm tốn ở đường Hồ Xuân Hương (quận 3, TP.HCM), và vì sống độc thân không vợ con, nên nhà lúc nào cũng bụi bặm bám đầy, nhện giăng cửa mốc, như có lần tôi đã tận mắt chứng kiến khi có dịp nọ đến thăm. Nghĩ đến anh, tôi liên tưởng nhớ đến linh mục Thiện Cẩm đã quá cố mấy năm trước, một đồng đạo anh Hoàng và cũng là cộng tác viên chí cốt của tờ Công Giáo & Dân Tộc, cả đời viết lách đóng góp không mệt mỏi, canh cánh bên lòng nỗi ưu tư lo cho số phận người nghèo và cho những thành phần bị lép vế trong bữa tiệc chung cuộc đời, đến ngày nhắm mắt xuôi tay vẫn còn mang theo những hoài vọng chưa kịp trông thấy được thực hiện đầy đủ. Cả hai vị khả kính này đều sống độc thân, hôm nay tôi muốn gọi họ là hai vị quân tử độc thân nhưng không cô độc, bởi trên con đường trước mặt vẫn còn tiếp diễn ở thế gian, họ hoàn toàn không cô đơn, trái lại ngôn luận hay là “đạo” của họ đã được nhân dân chia sẻ, trở thành nhân tố tư tưởng cải cách xã hội, gợi ý cho những thế hệ tiếp sau. Nếu chết mà còn có biết, anh Lâm Võ Hoàng chắc chắn sẽ không buồn, mà luôn được sự an ủi, động viên của nhiều người tri kỷ, như lời của Cao Thích (?-675) khi tiễn biệt bạn là  Đỗng Đại: Chớ buồn lo trước không tri kỷ, thiên hạ ai người chẳng biết anh? (Mạc sầu tiền lộ vô tri kỷ, thiên hạ hà nhân bất thức quân?).

 

1.4.2019                

 

 

     

 Tác giả gửi cho viet-studies ngày 9-4-19