Ký ức làm nghề

Trần Chiến

 

 

Đường số 4 từ Cao Bằng sang Lạng Sơn khá tốt. Tiếu lâm đang ròn rã thì tắc đường. Đoạn sạt do mưa đêm qua, con xe tải chở nặng đi cố nó kềnh luôn ra. Thằng lái méo xệch sủa vào điện thoại. Thằng khác văng  “Éo gọi cứu hộ còn xin ý kiến công ty bắt chúng ông đợi đến bao giờ”. Chỉ nửa tiếng, đoàn quân mì tôm trứng luộc bắt đầu ra “phục vụ”. Vài người lo xa chỗ nghỉ đêm.

“Mày mang ghi âm ra hỏi thằng lái “Giờ xe lật thế cảm tưởng anh thế nào?”, mình xui Tuấn “béo”. Trả lời “Lâu nay em có tập chạy đâu”.

                                                              *

Các báo địa phương có lệ làm chủ nhà khi đồng nghiệp đến xứ mình. Làm nghề khi đó rất sướng vì có thổ công, nhưng đừng vạch áo tỉnh ấy ra thì tốt hơn. Và thêm “nhiệm vụ chính trị” nữa là làm khách cho đáng mặt. Sinh ra câu “đi hùng hục uống quần quật”.

Báo Sơn La có “cụ chánh” (chánh văn phòng), được phong “nỗi kinh hoàng của Hà Nội mới”. Lắm “võ”, kiểu “Anh tuổi gì? Anh rể của anh rể em cũng tuổi hổ, uống mừng phát”. Chén hạt mít thôi nhưng “cả lể” chục phát là xong đời. Mà không cho dằn bụng trước chiến đấu, chả chuyện trò  hát then xòe sạp gì, cứ trâu luộc cả con. Được cái rượu men lá lành, đêm khát sùng sục dậy kiếm nước.

Hôm sau chào buổi sáng “ uống cho tỉnh rượu” đến gần trưa. Một ông bên ta uống thuốc liều thách đấu, đang đi đột ngột kêu lái xe dừng, lao xuống rệ cho chó ăn chè.

                                                              *

Thị xã Sơn La dễ thương. Những con dốc chập chùng lên xuống, vòng vèo, tưởng đã kịch đường lại quành ngả khác, hiện ra dây nhót bò trên nhãn mít, quả bí tròn xoay ngủ mái nhà. Rất sướng nếu không có chó, có khi bị cả đàn quây sợ vãi đái. Những đàn bà khăn piêu váy bó (leo nương thế nào nhỉ?) ngồi bán cá bọc lá dong đem hấp đến tơi xương, quên gọi gì rồi, hay lạp xường xúc xích gì đấy hun gác bếp, tròn ủng, “béo” hơn chúng bạn dưới xuôi, ăn có mùi khói, tốn rượu. Loại này giờ bán đầy nhưng hong than hay điện do không còn củi, nhất là củi nhãn. Nhìn vào sân “xưởng” những dây thịt dãi nắng cứ đỏ ối bắt mắt bắt miệng lắm. Nhà cửa không to, đông đúc nhất quanh khu Cầu Trắng (?) qua Nậm La, phường Quyết Thắng, chạy xuống bến xe nhiều nhà xưởng. Mấy tòa công sở leo dốc Chiềng Lề lên, Tây cất nên chập chùng long não, không đè nén xung quanh. Đứng đây nhìn xuống thung lũng thấy con suối, cây cầu, ruộng su hào bắp cải, những nếp nhà giăng ngang sườn, nghĩa là còn khá hình thù cái bản tiến lên thị thành. Chốc chốc nhà sàn dưới bóng quéo, nhãn. Sơn La nhiều nét giống phố núi Pleiku, nhiều góc bí ẩn, mỗi bước chân mỗi phát hiện. Oai hùng phóng ô tô là hết vị.

Bên Điện Biên khác hẳn. Phẳng phiu, xứng đáng “nhất Thanh”, cánh đồng lớn nhất Tây Bắc, nhưng nếm “vị” Thái phải vào bản. Chứ thị xã, giờ đã lên thành phố, hai tòa ủy ban, tỉnh ủy chạy dài diệu vợi, dân có nhẽ ít thấy gần gũi. Gió Lào hành khổ sở, năm ’94 lên lần đầu phải ra kênh tắm giặt, gặp ông cán bộ xã ra khai tử gộp cho chục người chết đã mấy tháng. Cảm tưởng về nhà cửa, kiến trúc, thế đất của Đắc Lắc cũng vậy, nhưng chất đô thị nhiều hơn. Điện Biên mất chất càng nhanh vì có sân bay, khách đổ lên nhiều mà “em” lại chất phác, không bảo tồn được bản sắc.                                                                    

                                                              *

Hỏi là thao tác cực kỳ quan trọng của nghề. Để mà moi thông tin. Không thì biết lấy gì mà thuật. Nhưng có những câu cực kỳ “chuối”, hình như được truyền dậy từ nhà trường. Nghĩa là chính quy, cho mọi tình huống, đối tượng!

Gia đình ở Sơn La trồng dâu nuôi tằm, còn chỉ huy hàng xóm dệt thổ cẩm, được đem ra khoe “hộ làm ăn kinh tế giỏi”. Bà chủ Thái đen lúng túng trước câu “Thế kinh tế khấm khá lên, cảm tưởng của chị thế nào?”, nhớ là của ông báo Hải Phòng.

“Ông / Anh / Chị có thể cho biết…”, trong khi trước đó đã rào đón đây là bài phỏng vấn. Lịch sự không phải chỗ, và trong văn hóa Việt nó cứ lơ lớ. Nhưng khi hỏi cầu thủ thì luôn coi là trẻ ranh, cứ réo tên không chịu “anh / chị”.

“Cho biết”, “bộc bạch”, “bật mí” luôn xuất hiện trên thể tài phản ánh. Chỉ là “kể” nghe không oách. Đến “tâm sự” thì thôi rồi. Giám đốc ‘hạ giọng thầm thì” từ khó khăn thuận lợi đến khắc phục thành công, thế nào cũng chốt “Mong được các cấp ngành tạo điều kiện thuận lợi”. Lại những dấu ngoặc đơn thừa. Cuối bài ghi “A. (thực hiện)”, dù đã bô bô “phỏng vấn” trên sa pô. Lại những B. (ghi)” với “C. (dịch)”, cẩn thận quá đọc nặng trịch.

                                                                            *

Người Việt có tự ty với tiếng nói của mình không? Ông “em xi quốc dân” sang sảng trên tivi “Thí sinh Z. đến từ Lào Cai”, chắc “quê / người Lào Cai” nghe không sang. Dùng từ phải sành điệu, như “combo”, “trải nghiệm” đang mốt (à, chữ này của Tây). Câu bị động kiểu “Nàng đã được hưởng tình yêu bởi chàng”.

                                                                            *

Chân ướt chân ráo về báo, tôi ngồi tòa soạn đọc phụ anh Quang Tôn, đại để có lỗi gì thì thưa lại. Anh Tôn khô đét, gầy như tượng Tuyết Sơn, mặt mũi buồn tẻ mà lại đứng trong “Thất tinh guitare” Hà Nội cùng những Hải Thoại, Phạm Phúc, Nguyễn Tỵ... Một công tử đúng nghĩa. Nhà Cầu Gỗ, con chủ hãng sơn, có lẽ anh chả biết làm gì ngoài cây đàn. Vợ là bà Tuyết ‘béo”, chắc phục vụ chồng hết mức. Anh nói lắp, chơi  cà phê thuốc lá, coi thường thói quê mùa nhưng không đốp chát. Thế mà Quang Tâm, con trai, đá cầu lại mả, ba lần vô địch thế giới, thắng cả đội Trung Quốc “đồng hương Cao Cầu”.

Trương Uyên, tức Tô Úy, Cao Đình Pháo, trông rất hóm khi gần đến báo phi xe đạp ngược chiều, leo cả lên hè. Sinh khoảng 1927, một mực “anh - tôi” với bọn trẻ, đề đạt gì với sếp chỉ nói một lần, khiêm nhường. Lại từng là tay khét tiếng. Thời tạm chiếm chắc ông làm nhiều tờ và bị Tây đóng cửa không ít. Sau ’54, chắc quen thói tự do tư sản, báo Giang sơn ông cầm bị hành mất mặt, chịu giá giấy trên trời, ngắc ngoải rồi tàn đời. Nên tạo ra một Trương Uyên “lễ độ” chăng?

Tuần đầu ở tòa soạn, tôi kinh ngạc nhìn ông nhặt ruồi. Khoảng bốn năm giờ chiều bản in thử về, ông cầm bút chì lom dom dòm. Vù vù, khoanh lỗi ngoạch ra lề sửa lại, to thì vài chữ, cụm từ, nhỏ và khó thì dấu á ớ, cái râu trên chữ “ư”. Nhanh kinh khủng. Nhưng khi đọc lần hai lần ba thì chán lắm, tôi nghĩ thế. Mà ông vẫn soi ra lỗi. Những lỗi có thể chết người.

Thế hệ Tây học vắng dần, Trương Uyên vẫn được tòa soạn giữ lại. Tay nghề, kiến thức là những thứ độc lập, tờ báo thuộc về ai sở hữu  cũng cần. Tôi không gần gũi ông, nhưng tha hồ hỏi kiến thức và tiếng Tây. Có lần ông bảo “RFI tối qua phát có vài quyển “Hà Nội phố và chợ” của Trần Chiến đã sang Paris, tôi nghĩ cái cậu này cũng kín đáo nhỉ”. Vụ này thì “Trương Uyên” vô cùng: “Bà nhà tôi có cái khách sạn nhỏ. Đầm đưa hộ chiếu, tôi bảo giống họ ông chủ tịch ủy ban Nguyên tử Pháp. “Ừ đúng rồi, ông tôi đấy, tôi phải ôm ông cái mới được”. Mà éo ẹ vú nó to quá”. Một cái kho mênh mông, đặc sắc nhưng đóng lại được khi cần phải đóng.

                                                                            *

Đợt thi tuyển phóng viên gần 20 năm trước làm báo trẻ hẳn ra. Những đoàn viên ngót nghét bốn sọi được xuất chuồng. Đàn em, với thủ lĩnh Xuân Trường, rộn ràng thể thao văn nghệ. Như là song ca “A èn A” của Hoàng Anh, Phan Anh. Đâu như có cả bài ca riêng của báo, ông nhạc sĩ gì tặng.

Đội bóng đá có Tâm “ba đô” đá cả hai chân, chơi tiền vệ. Đức Trường ghi ba bàn vào lưới báo Hải Phòng “sau nó chỉ cho uống bia lạc”. Vũ Quỳnh đá hậu vệ chân phương, khá chắc. Ngoài ra là những ông mắt cận, “tốt mông”, những ông chỉ chạy phần sân không nắng. Các “chân quấy” giao lưu với báo tỉnh bạn xong, lúc nhậu thế nào cũng thết lại món hò dô, lĩnh xướng Xuân Trường:

Niềm mơ ước của người Thanh Hóa

Rau má to bằng cái lá sen

… của người Nghệ An

Mả ông bà to bằng lăng Bác

… của người Hà Tĩnh

Cả thế giới ăn kẹo cu đơ

… của người Quảng Bình

Là đèo Ngang hóa thành đèo Đứng

… của người Hà Nội

Là đi kinh tế mới ở Lâm Đồng

Cứ sau mỗi câu cả đội lại “dô tá dô tà”, bên “bản địa” tròn mắt vì đùa quá “mặn”.

                                                              *                                                                                 

“Tầu ko số” là vệt bài dài, tên chính thức là “50 năm đường Hồ Chí Minh trên biển”. Tôi góp vài số. Dễ viết nhất là ông Hồ Đắc Thạnh ở Tuy Hòa, ba lần đưa tầu vào Vũng Rô đều trót lọt, sau phong Anh hùng. Ông Thạnh chắc đi kể nhiều lần, vẫn chân thực nhưng có vẻ bài bản quá tôi không khoái, tuy có “kỉ niệm” ông quyển bản đồ Việt Nam. Ông Nhạn ở Nha Trang dễ thương, nhiều chuyện “bất chợt”, như giải ngũ làm tổ dân phố giải phóng một khu vực ngập úng. Ông Khiêm ở Đông Hà rất giản dị, chả biết “nhấn mạnh” chỗ nào, phải khêu mới ra chuyện, như đang bán cây cảnh, tham gia việc xã hội.

Nhưng có những cái chả ra chuyện, hoặc ra mà không kể được, lại sống dai trong ký ức. Ông Tân ở Đồ Sơn, chuyện sinh động, vợ được ông Tố Hữu cho đi chuyến đầu vào Nam Bộ gặp chồng sau 30/4/75. Cởi áo lính, ông mở quán ăn, đang được khách thì địa phương “quy hoạch” lại, không cho thuê đất mặt đường nữa, thằng khác xơi không. Mình không kêu giúp được. Bài “Trí nhớ làng cát” không (thể) quá chân thực, nhưng mình vừa lòng vì kể về tàu 43 vào Quảng Ngãi hai lần đều phải tự hủy.

Nhóm đi Đà Nẵng gặp đại tá (?) Ích, tầu hơn một lần không hoàn thành nhiệm vụ, khi gặp bão khi bị lộ phải tự hủy (tầu nào cũng trữ sẵn thuốc nổ, sẵn sàng hy sinh). Phóng viên đề cập chuyện này, ông già gạt đi “Thôi không nói”, rất tội nghiệp, nhất là các kỳ cuộc kỉ niệm năm chẵn. Chiến tranh tránh thế nào được, may rủi có số, không danh hiệu gì mà chẳng bị kỷ luật, về được là tốt rồi.

                                                                            *

Kỷ nguyên Internet ùa về, báo dựng vách ngăn giữa các ban, rồi làm ca bin cho từng phóng viên. Chật ních, văng tục hút thuốc ảnh hưởng nhau. Quốc Cường - phóng viên ảnh - luôn miệng “Các bố ơi máy tính không phải chỉ là máy chữ, lợi hại ở chỗ khác kia”. Nhưng “các bố” chả nghe, mà Cường “hói” cũng đâu biết hết sức thằng nét giờ nó điên cuồng thế nào. Thay đổi con người ta đến cả cách ăn ngủ trò chuyện. Không biết có đôi nào lướt mạng lúc làm tình, chứ với đông đảo thì thú vui lớn nhất khi du lịch là chơi điện thoại.

Bảy tám năm trước khi mình nghỉ, báo thôi hẳn bản thảo viết tay. Bài vở đều gom vào phai, nhấp vài phát đẩy sang sếp ban, lại phết phẩy rồi chuyền xuống tòa soạn. Sạch sẽ tinh tươm, và mắc lỗi thì không chối được. Thay đổi kỹ năng thật sự là một trường học, để giờ meo mủng, gửi bài, kiếm hào lúc về hưu. Và cũng dừng ở đó.                                                                                                                                                                 *

Năm 2002 trèo Phan si pan qua mạn Sín Chải dốc ngược chưa bị “phan xi măng”, 51 tuổi thế là oách rồi. Bèn âm mưu cuộc khác, theo chân bưu tá đi từ huyện về xã, chỗ mươi cây đổ lại và không quá cao. Mơ thế khi nghe câu “Bưu tá còn là người phổ biến chủ trương chính sách cho dân nữa. Công văn trên soạn tiếng phổ thông, đến muộn và lắm rắc rối, xã nhờ “cán bộ” nói vo, thường là những nội dung đơn giản như đừng đốt rừng, đẻ ít, cho con đến trường… “Bố cháu” lên nương về muộn, cơm xong đến quán triệt, buồn ngủ quên hút thuốc lào”. Phong cảnh tưởng tượng ra thú vị quá, có bếp lửa, những gương mặt thật thà, mùi mồ hôi, câu thắc mắc không ăn nhập... Giải tán rồi nhà báo có thể làm đôi chén rồi vội vã đi ngủ để sáng sau có sức quay ra huyện, còn phân vân dưới sàn có chó đẻ, đêm xuống tè nhỡ ra… Lên Lai Châu, Điện Biên, Yên Bái…, cứ trình bầy nguyện vọng với thổ công, đều được đáp ứng cả. Rồi hẹn hò nhưng chả bao giờ thực hiện. Trăm ngàn lý do, mà lười là chính.

Rồi thời của thông tin ập đến, xã nào cũng có mạng, học trò đi cạnh nhau khoái chí mở điện thoại gọi cho nhau. Cái “chức năng” làm cầu nối chính quyền với dân của bưu tá thế là hết. Chuyến đi vĩnh viễn dừng.  

Hôm nay nhìn thấy đôi khủng bố hằng đi rừng leo núi, giấc mơ xưa hiện lại. Giầy cũng như người, nghỉ hơn mười năm mốc meo rồi còn gì.

                                                                                         

 

Tác giả gửi cho viet-studies  ngày 2-12-22