Người Việt
1-6-19 

 

Tiễn biệt Tô Thùy Yên: ‘Có thật là ta đi đã xa?’

Cát Linh/Người Việt

 

 

Di ảnh cố thi sĩ Tô Thùy Yên. (Hình: Cát Linh/Người Việt)

 

HOUSTON, Texas (NV) – “Căn nhà đã có thời gian ngụ/ Bụi mọt rơi và ngọn gió qua/ Thăm thẳm nghìn đêm chong mắt đợi/ Ai trầm luân đó đã về chưa?”

Trước đêm di quan, ông Đinh Kinh Tuệ, con trai trưởng của cố thi sĩ Tô Thùy Yên, dùng chính cây bút của cha mình viết lên bốn câu thơ trong bài “Tháng Chạp Buồn” để tiễn ông rời khỏi căn nhà mà ông đã có nghìn đêm đợi vào buổi sáng Thứ Bảy, 1 Tháng Sáu, 2019.

 

Tô Thùy Yên, một người yêu Tiếng Việt

Có nhiều câu chuyện được kể ra, thay lời ai điếu. Mỗi câu chuyện là một kỷ niệm với ông. Tưởng niệm một nhạc sĩ thì sẽ có những ca khúc người đó để lại cho đời. Tương tự, tưởng niệm một nhà thơ, một nhà thơ lớn của văn học Việt Nam thì phải nhắc thơ ông.

Nhưng, nhà thơ Đỗ Quý Toàn, người bạn 60 năm của ông, đã xin không nói đến thơ của ông Tô Thùy Yên trong buổi tưởng niệm. Bởi lẽ, đó là thói quen của hai người từ xưa nay mỗi khi gặp mặt. Các thi sĩ không hay nói về thơ với nhau!

Ông Đỗ Quý Toàn kể lại: “Tô Thùy Yên, cũng như chúng tôi nghĩ rằng một tác phẩm nghệ thuật, một bài thơ tự nó nói lên, không cần ai nói thêm nữa. Chúng tôi tin như thế đã từ hơn 60 năm. Một câu nói của anh mà tôi không bao giờ quên đó là ‘Nghệ thuật không cần ai tranh đấu cho nó cả.’ Tôi sẽ không dám nói về thơ Tô Thùy Yên khi anh đang còn ở đâu đây. Lúc khác, khi về với một giảng đường nào đó, nói chuyện với sinh viên, lúc đó, sẽ nói.”

 

Bà quả phụ Tô Thùy Yên trước linh cữu của chồng. (Hình: Cát Linh/Người Việt)

Thế nhưng, có một điều mà nhà thơ Đỗ Quý Toàn khẳng định: “Không nói đến thơ nhưng con người Tô Thùy Yên rất đáng nhớ. Thơ của anh thể hiện tâm hồn của một người dân VIệt Nam, sống ở miền Nam suốt bao nhiêu năm, tâm hồn đó khiến chúng ta hãnh diện. Là một người dân miền Nam, tôi rất hãnh diện vì trong 20 năm đất nước chia cắt, nền văn chương miền Nam nhờ tự do nên phát triển phong phú hơn rất nhiều so với văn chương miền Bắc. Sau này nếu lịch sử ghi lại so sánh chế độ Cộng Sản và tự do, họ sẽ so sánh thành tích kinh tế, xã hội, chiến trận, ai thắng ai, vân vân. Có những thứ mà khi so sánh người ta sẽ thấy miền Nam đã vượt trội, đó văn hóa, đạo đức, và văn học nghệ thuật.”

“Tô Thùy Yên là người đóng góp sho nền văn chương đó ở miền Nam. Nếu tôi là một quân nhân đi tù cải tạo thì tôi cũng hãnh diện về Tô Thùy Yên. Tất cả những tâm tư của anh trải qua trên lời thơ khi sống cảnh tù đày hay khi trở về, làm đẹp mặt tất cả chúng ta. Một người đi tù, giữ được tấm lòng như Tô Thùy Yên biểu lộ, chính là kết quả nhờ cuộc sống tự do bảo vệ được văn hóa dân tộc.

Điều làm cho tôi yêu nhất, kính trọng nhất và có thể hãnh diện nhất là Tô Thùy Yên yêu tiếng Việt Nam, giữ gìn, chắt chiu, mài gọt, làm cho những từ những chữ cũ sống lại, sinh động, làm mới cách chúng ta noi tiếng Việt, tiếng Việt Nam đẹp đẽ rực rỡ hơn,” ông nói thêm.

Nhà thơ Đỗ Quý Toàn nhìn thấy thi sĩ Tô Thùy Yên đã làm sống dậy những chữ tiếng Việt mà người ta đã quên rồi, đã bị phủ bụi mấy mươi năm.

Nhạc sĩ Đăng Khánh, đến chào Tô Thuỳ Yên lần cuối, cũng nói rằng sự ra đi của tác giả “Ta Về” là mất mát lớn cho những người yêu tiếng Việt. Ông tâm sự trong buổi tưởng niệm:

“Thi sĩ Tô Thùy Yên ra đi không những là một mất mát lớn cho gia đình, bạn bè mà thật sự là một mất mát lớn cho nền văn học của cả nước Việt Nam. Ông là một nhà thơ vĩ đại của nền thi ca Việt Nam khởi đi từ thời Sáng Tạo. Ông ra đi là một mất mát lớn trong lòng những người yêu Tiếng Việt, yêu thi ca, yêu văn chương. Sự xúc động và tiếc nuối đó tỏa ra ở trong không gian này.”

Trong lễ tưởng niệm cố thi sĩ Tô Thùy Yên không chỉ người có mặt tại chỗ mà nhiều người ở xa cũng đến chào ông qua màn ảnh nhỏ. Có nhà thơ Trần Dạ Từ, có nhà văn Nhã Ca, có nữ tài tử Kiều Chinh, nhà thơ Du Tử Lê, họa sĩ Trịnh Cung, kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa. Từ Nam California, mọi người gửi lời chia tay ông bằng câu chuyện kỷ niệm của riêng mỗi người.

Một đoản khúc của bài thơ “Ta Về” được nhà thơ Trần Dạ Từ đọc lên thay lời ai điếu, tiễn người bạn thơ rời cõi tạm.

 

Lễ đưa quan cố thi sĩ Tô Thùy Yên. (Hình: Cát Linh/Người Việt)

“Tô Thùy Yên, mối tình cuối cùng của tôi”

Sau mỗi một lời chia sẻ, cả gia đình thi sĩ lại đứng dậy cúi đầu cảm ơn. Mà có lẽ cố thi sĩ Tô Thùy Yên cũng đang đứng, ngồi quanh đó, giữa bằng hữu bạn bè, cạnh người vợ thân yêu quen nhau từ năm 4 tuổi!

Đứng bên cạnh áo quan ngắm cố thi sĩ Tô Thùy Yên nằm ngủ giấc ngủ dài trong ấy, bà Huỳnh Diệu Bích nhớ cuộc đời làm vợ một thi sĩ lớn của nền văn học Việt Nam:

“Tô Thùy Yên và tôi quen nhau từ rất sớm, từ cái thời thanh mai trúc mã. Nhưng khi lớn lên chúng tôi cưới nhau không dễ dàng vì gia đình không muốn gả tôi cho một nghệ sĩ, sợ rằng tôi sẽ khổ. Nhưng cuối cùng sau bao năm chờ đợi thì chúng tôi cũng đến được với nhau dưới sự chấp thuận của gia đình.”

“Sống với anh một thời gian, khi mà tình đã cũ thì anh cần một mối tình mới hơn. Là một người nghệ sĩ, tâm hồn anh có thể yêu được nhiều lần. Còn trẻ thì có nhiều lúc tôi cũng đau khổ, nhưng sau đó, nhất là sau 10 năm tù, một thời gian tôi coi như là anh được trở về từ cõi chết, thì lúc đó mọi sự suy nghĩ của tôi có thay đổi. Tôi hiểu được rằng lấy một người chồng thi sĩ, tôi không giữ anh cho mình, tôi biết và tôi tập phải chia sẻ,” bà tâm sự.

“Thường là những người tình của anh, cuối cùng thường thường trở thành bạn của tôi. Tôi tập vui với anh. Những gì làm anh vui, thì tôi sẽ vui với anh, để anh không bị… có thể nói là hối hận đó. Rồi tôi thấy những điều là những gì mình cần làm cho người thân của mình thì mình cần làm ngay, vì sẽ tới lúc hoặc là người đó, hoặc là mình sẽ không còn nữa,” bà chia sẻ.

Bà nói: “Hôm nay tôi buồn vì vĩnh viễn xa anh, nhưng tôi có cái vui là tôi đã cùng anh đi trọn đường trần, và có thể nói, tôi là mối tình cuối của anh.”

Người phụ nữ nhỏ bé trong chiếc áo dài đen, đeo khăn tang trắng, trong suốt buổi lễ không một lần tỏ ra đau khổ vật vã. Ngược lại, bà đứng dậy đáp lễ tạ ân với tất cả những người đến chào tiễn đưa cố thi sĩ Tô Thùy Yên. Bà lặng lẽ cầm di ảnh của chồng mình, đi nốt với ông một khoảng đường cuối, đến căn phòng hỏa thiêu.

Cánh cửa sắt lạnh lùng đóng lại. Bà quả phụ Tô Thùy Yên đưa tay bấm nút, đưa ông, cố thi sĩ Tô Thùy Yên vào đoạn đường cuối cùng của cuộc đời.

Buổi lễ tưởng niệm ông diễn ra ấm cúng, đầy chất thơ. Ngày đưa tiễn ông cũng nhẹ nhàng, tựa như bốn câu thơ trong bài “Đi Xa” của ông: “Đi như đi lạc trong trời đất/ Thủy tận sơn cùng, xí xóa ta/ Cõi chiều, đứng lại, khóc như liễu/ Có thật là ta đi đã xa?”

Nhà thơ đã tạm biệt mọi người để viết nốt đoạn cuối bài thơ “Ta Về.” (Cát Linh)