Diễn Đàn
tháng 10, 2004

Thư từ Mỹ của Trần Hữu Dũng

 

 

Cuối tháng 9, 2004

 

Bạn quý,

 

Vậy là lại sắp sang thu, bạn nhỉ?  Mùa hè nơi tôi (miền tây bắc nước Mỹ) năm nay thời tiết dễ chịu, mưa nhiều nên cỏ tốt, đặc biệt lại có ve sầu.  Nghe đâu thì cứ mười bảy năm một lần, chúng chui ra khỏi đất, rộn rã khoảng hơn tháng rồi lại biến mất.  Thiên nhiên “mát mẻ” như thế quả là may, bởi lẽ bầu không khí chính trị ở đây có thể đã hơn 911 độ Fahrenheit (nhái tựa phim của Michael Moore).

 

Nói thẳng: tôi bi quan cho triển vọng Kerry. Theo hầu hết các cuộc thăm dò ý kiến toàn nước Mỹ thì Bush đang hơn Kerry.  Nhiều “poll” cho thấy Bush hiện dẫn trước có đến 12-13%, và ít nhất cũng là 2-3%.  Một số tiểu bang mà Gore đã thắng năm 2000 thì nay cũng nghiêng về Bush.  Ấn tượng của đa số dân Mỹ (gồm cả những người ủng hộ Kerry) là Bush sẽ được tái cử.  Dù rằng từ nay đến ngày bỏ phiếu chắc sẽ có nhiều thay đổi, phải nhìn nhận rằng Kerry và đảng Dân chủ đang có “vấn đề”.

 

Tại sao Kerry lại đang thua Bush?  Hãy bắt đầu với “mặt trận” kinh tế, thường được xem là diện yếu của Bush. Thứ nhất là tình trạng thất nghiệp.  Nói gì thì nói, khó thuyết phục dân Mỹ rằng tỉ số thất nghiệp sau gần bốn năm dưới quyền Bush cao hơn lúc ông nhậm chức, là “thành công”.  Tuy nhiên, từ đầu năm nay thì mỗi tháng số người có việc làm cũng nhích lên chút ít, cho phép Bush kể công là kinh tế đang phục hồi.  Thứ hai là sự thâm hụt ngân sách mà chính phe bảo thủ ở Mỹ cũng phải thất vọng.  Để trấn an dư luận, các cố vấn kinh tế của Bush đã gài nhiều giả định vào những mô hình dự báo để lòi ra kịch bản là số thâm hụt này sẽ giảm đi trong khoảng chục năm nữa (dù rằng những dự báo của họ trong bốn năm qua đều hoàn toàn sai). Thứ ba là hố chênh lệch giàu nghèo ngày càng rộng thêm do chính sách thuế của Bush, và những xì căng đan của các đại công ti như Enron, WorldCom, Halliburton.  Song, tiếc thay, các vấn đề này nằm ngoài tầm rađa của số lớn cử tri, nhất là thành phần “chưa quyết định” (giữa Bush và Kerry) vốn dĩ thờ ơ với thời cuộc.  Bảo hiểm xã hội và y tế cũng là một vấn đề mà đảng Dân chủ mong khai thác.  Đặc biệt, nghị sĩ John Edwards (người chung liên danh với Kerry) thường được xem là có biệt tài vạch cho cử tri thấy những bất công kinh tế và xã hội do chính sách của Bush, nhưng đến nay vẫn chưa thấy ông có ảnh hưởng gì nhiều.  

 

Về vấn đề Iraq thì thật khó nói.  Một mặt thì ngày càng nhiều người Mỹ cho rằng nước họ đáng lẽ không nên vào Iraq.  Nhưng Bush đã khôn khéo “giải hóa” những lo âu về tính bất chính và sự sa lầy của Mỹ bằng cách “trao quyền” cho chính phủ lâm thời Ayad Allawi.  Tin thương vong ở Iraq không còn lên trang nhất các báo Mỹ nữa.   Mặt khác, đa số dân Mỹ vẫn có định kiến là Bush (và đảng Cộng hoà nói chung) chống khủng bố mạnh dạn hơn Kerry (và đảng Dân chủ).  Những vụ khác (như vụ nhà tù Abu Ghraib) có cơ làm Bush “bối rối” thì rốt cuộc không đến đâu cả, một phần cũng nhờ đảng Cộng hoà nắm đa số ở quốc hội, ngâm tôm luôn. Hơn nữa, Kerry cũng khó chỉ trich Bush về chiến tranh Iraq vì chính Kerry (và Edwards) đã bỏ phiếu cho phép Bush sử dụng vũ lực.  Tất nhiên Kerry có bào chữa là cho phép Bush vào Iraq, rồi chống chíến tranh Iraq, không phải là mâu thuẫn.  Nhưng càng giải thích thì lại càng cho cử tri ấn tượng là Kerry hay thay đổi lập trường, không nhất quán trắng đen như Bush.

 

Nói chung là đảng Dân chủ được nhiều ủng hộ hơn trong những vấn đề kinh tế và xã hội, và đảng Cộng hoà được tin tưởng hơn về an ninh và quốc phòng.   Tháng trước, nhiều nhà bình luận (tả lẫn hữu) cho là chiến lược của Bush là nhằm huy động những người ủng hộ mình đi đến phòng phiếu, còn chiến lược Kelly thì muốn thuyết phục những cử tri còn phân vân.  (Nhiều người không đồng ý với nhận xét này, cho rằng chiến lược tranh cử của phe Bush là như thế vì họ không có lựa chọn nào khác.)  Tuy nhiên, những ngày gần đây thì Bush chẳng những đã củng cố được khối cử tri nòng cốt của ông ta, mà còn lôi kéo thêm một số cử tri (như lớp trẻ) mà trước đây nghiêng về Kerry.

 

Nguyên do sự đảo ngược thứ hạng trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng của  Bush và Kerry trong tháng qua hầu như hoàn toàn là hậu quả của tổ chức và chiến thuật vận động của hai phe.  Bộ máy tranh cử của Bush rõ ràng là trội hơn.  “Đội Bush” rất kĩ luật, phát ngôn cùng bè, “thông điệp” dễ hiểu (mặc dù trắng trợn mị dân), không có kiểu nay thế này mai thế khác, lờ mờ như “đội Kerry”.  Phe Bush không nương tay, dám chơi xấu, tinh thông “hắc thuật” (truyền thống có từ thời Nixon, trao lại cho Bush cha, giờ đến Bush con), không như phe Kerry.

 

Trở lại tháng bảy, thất vọng đầu tiên của đảng Dân chủ là việc Kerry chọn Edwards cùng ứng cử (mà ai cũng cho là một quyết định đúng) đã gia tăng ủng hộ cho Kerry rất ít, không như ước mong của đảng này. Rồi sau đó, đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ cũng không gây nhiều sức đẩy cho liên danh Kerry-Edwards như nhiều người dự đoán (căn cứ vào kinh nghiệm trong quá khứ). 

 

Thời điểm định mệnh trong giai đoạn vừa qua có lẽ là khoảng giữa tháng tám, khi Kerry bị bọn “Swift Boat Veterans for Truth” (một tổ chức của các cựu binh Mỹ tự xưng là đồng ngũ với Kerry trong đội giang thuyền của Mỹ ở miền Nam nước ta thời chiến tranh) làm xiểng liểng.   Nhóm này, do bạn bè Bush lén lút cho tiền và giật dây, tung ra hai đợt quảng cáo trên truyền hình.  Đợt đầu, họ đưa những “nhân chứng” cáo buộc Kerry đã không “dũng cảm” trong cuộc đụng độ với “Việt Cộng” trên sông Bảy Hạp như Kerry vẫn tự hào; và đợt thứ hai họ đưa ra các cựu binh tỏ bày sự phẫn nộ đối với những hoạt động phản chiến của Kerry sau khi giải ngũ.  Rõ ràng đây là một đòn bôi nhọ, ném đá giấu tay của phe Bush.  Nhưng cách phản công của phe Kerry lại quá yếu và quá chậm.  Vài hôm đầu thì Kerry chỉ đưa bộ hạ ra kêu gọi Bush bác bỏ những quảng cáo này (còn ông ta thì đi chơi thuyền).  Bush không trả lời thẳng, chỉ nói chung chung là hai đảng đều nên kết án mọi tổ chức “độc lập” bỏ tiền riêng để ảnh hưởng bầu cử. Mãi đến gần tuần sau, phe Kerry mới ra quảng cáo vạch rõ những điểm mà họ gọi là dối láo, mâu thuẫn của nhóm cựu binh trên.  Lúc ấy thì Kerry đã bị mất 4-5% trong các cuộc thăm dò ý kiến rồi!

 

Cuối tháng tám thì đến phiên đảng Cộng hoà có đại hội toàn quốc.  Không như đảng Dân chủ ít khi chỉ trích trực tiếp cá nhân Bush và Cheney, đảng Cộng hòa chẳng hề nương tay công kích, nhạo báng Kerry suốt bốn ngày bốn đêm.  Độc địa hơn nữa là họ mượn tay Zell Miller, một nghị sĩ Dân chủ, phản đảng, phùng má trợn mắt (thật đấy!) chỉ trích Kerry giùm họ.  Không trách là sau đại hội ấy thêm nhiều cử tri đâm ra nghi ngờ Kerry, cho là Kerry tiền hậu bất nhất, không phải một lãnh tụ “mạnh”, “nhìn xa thấy rộng” như Bush.

 

Nhưng chính bản thân Kerry phải chịu phần lớn trách nhiệm về sự thua sút của liên danh ông hiện nay.  Ngay đa số người ủng hộ ông cũng nhìn nhận rằng Kerry có vẻ “lạnh lùng”, khó cảm tình, ăn nói thì hay dài dòng rào trước đón sau, không có vẻ thân thiện, bình dân (tuy xấc lấc) như Bush.  Do đó, dù phần lớn đảng Dân chủ và phe cấp tiến khinh ghét Bush thậm tệ, cá nhân Kerry cũng không được ủng hộ tận tình.  Nói rộng ra, trong khi dân Mỹ thiếu tin tưởng Bush về tài lãnh đạo kinh tế và các chính sách xã hội và môi trường, họ cũng thiếu tin tưởng Kerry về quốc phòng và ít chia sẻ các giá trị văn hoá “phóng khoáng” của đa số người ủng hộ ông ta.  Những đề xuất chính sách của Kerry thì cũng làng nhàng, không gì nổi bật.  Điều nữa là bộ tham mưu của Kerry gồm nhiều phe phái không quen làm việc với nhau: một nhóm là cố vấn lâu đời của ông, một nhóm khác là do nghị sĩ Kennedy biệt phái sang giúp, và mới đây là nhóm của Clinton được mời vào tăng cường.  Rồi kẻ thì đề nghị Kerry mạnh dạn chỉ trích chính sách Mỹ ở Iraq (cũng khó cho Kerry, vì đã bỏ phiếu cho phép Bush đánh Iraq), người thì khuyên chĩa mũi dùi vào các vấn đề kinh tế, kẻ thì bảo Kerry đừng ngần ngại nói về cá nhân Bush, người thì can rằng nếu làm thế thì sẽ bị cho là thiếu cao thượng.  Đúng là nhiều thầy thối ma!

 

Nói như vậy không có nghĩa là Kerry chắc chắn sẽ thua. Đa số dân Mỹ vẫn không an tâm với viễn tượng kinh tế, với tình hình Iraq, và cho rằng đường hướng của nước họ hiện là sai.  Tiếc là Kerry chưa thuyết phục được đa số rằng ông là một người đáng ủng hộ, không chỉ là một lựa chọn khác Bush.   Cơ hội (gần như) cuối cùng của Kerry sẽ là ba lần đấu khẩu với Bush trên truyền hình vào tháng mười.  Và có thể nhiều biến cố vào giờ chót sẽ có ảnh hưởng quyết định đến bầu cử.  Nếu Osama bin Laden bị bắt, hay nếu có một cuộc khủng bố kiểu 9/11, thì Bush sẽ thắng là cái chắc.  Mặt khác, nếu Iraq càng chìm vào máu lửa, hoặc kinh tế Mỹ suy thoái trở lại, thì ưu thế sẽ nghiêng về Kerry.   Những người ủng hộ Kerry cũng an ủi nhau rằng trong quá khứ ông đã chứng tỏ có biệt tài vượt đối thủ vào phút chót (và vào những ngày cuối tháng chín này thì “con thuyền” Kerry cũng có vẻ vững lại đôi chút).

 

Tiện đây cũng xin có vài hàng về ảnh hưởng của các nhóm dân thiểu số trong cuộc bầu cử tổng thống kì này.  Theo tôi, quan trọng nhất có lẽ là dân gốc Á Rập ở bang Michigan, và dân gốc Cuba ở bang Florida.  Michigan và Florida là trong số các bang đông cử tri mà lại chưa hẳn về phe nào.

 

Ở Mỹ có khoảng ba triệu rưởi người Á Rập và Hồi giáo.  Trong cuộc bầu cử năm 2000, 45% nhóm dân này bỏ phiếu cho Bush, 38% cho Gore, phần lớn có lẽ vì thấy gần gũi hơn với lập trường bảo thủ văn hoá và xã hội của đảng Cộng hoà.  Nhưng theo một cuộc thăm dò gần đây thì kì này đa số nghiêng về Kerry vì bực tức chính sách Bush ở Trung Đông cũng như căm giận sự sách nhiễu tín đồ Hồi giáo của các cơ quan an ninh của Mỹ (tuy nhiên họ cũng không hồ hởi lắm với Kerry vì nghĩ rằng Kerry quá bênh vực Israel).  Còn dân gốc Cuba ở Florida thì lâu nay rất ủng hộ đảng Cộng hoà, song gần đây cũng bất mãn vì Bush đã ra những luật lệ mới, hạn chế hơn nữa thể lệ thăm viếng, gởi kiều hối, quà biếu, về cho thân nhân ở cố quốc.

 

Người Mỹ gốc Việt thì (như đa số dân Mỹ gốc Á khác) ít đi bầu, lại tập trung ở California là bang chắc chắn sẽ dồn đa số phiếu cho Kerry, nên sẽ không ảnh hưởng gì đến bầu cử tổng thống kì này.  Song, nói chung, dân Mỹ gốc Á (nhất là thế hệ trẻ) ngày càng tham gia vào đời sống chính trị địa phương, và một vài nhóm (gần đây là Mỹ gốc Ấn Độ) có khả năng tài chính hơn, biết tổ chức hơn, nên tiếng nói của họ cũng đã bắt đầu được nghe.  Tất nhiên, còn lâu thì các nhóm này mới có được ảnh hưởng như người Mỹ gốc Do Thái.

 

Hẹn bạn thư sau,

 

kí: Tiểu Hằng Ngôn

22-9-04