Diễn Đàn
145 - Tháng 11/2004

Thư từ Mỹ của Trần Hữu Dũng

 

 

Cuối tháng 10, 2004

Bạn quý,

 

Khi thư này đến tay bạn thì bầu cử Mỹ đã xong và bạn đã biết ai thắng (trừ khi tái diễn màn “Florida” như hồi năm 2000, mãi đến tháng 12 mới ngã ngũ).  Lúc viết những dòng này thì tôi chưa biết như bạn, song kết quả ra sao thì tiên đoán của tôi đều là đúng!  Nếu Bush đã tái đắc cử thì bi quan của tôi về triển vọng của Kerry đã thành sự thực, còn nếu Kerry thắng thì cũng ... như tôi nói:  ba lần xuất hiện chung trên truyền hình là cơ hội tốt cho Kerry kêu gọi dân Mỹ so sánh hai ứng cử viên, và quả là Kerry đã thuyết phục được nhiều cử tri hơn Bush trong các cuộc tranh luận này. 

 

Nhưng thôi, để tháng sau chúng ta sẽ lại mổ xẻ cuộc bầu cử vừa rồi.  Trong thư này tôi xin nói rõ thêm về một hiện tượng mà tôi đã nói phớt qua trong thư tháng 9: một số không ít trí thức thường đuợc xem là cấp tiến, là phóng khoáng (liberal) ở Mỹ ủng hộ Bush “thay đổi chế độ” Iraq bằng vũ lực.

 

Nói cách giản dị hoá, những người phái tả này cho rằng Mỹ phải can thiệp (1) vì lí do nhân đạo (để ngăn ngừa tàn sát diệt chủng), (2) để truyền bá dân chủ (nhất là nữ quyền), và (3) để chống khủng bố (nhất là khủng bố với vũ khí sinh hoá, hạt nhân).  Đa số những người này là trí thức thanh bạch nên không thể cáo buộc là họ trục lợi cá nhân.  Họ cũng ôn hoà, tâm huyết, không cực đoan ngoan cố như bọn tân bảo thủ.  Và đúng là sự cố 11/9 là thực tế có tính quyết định đối với họ.  Nhưng tôi nghĩ rằng trong góc sâu tâm tưởng của những người này là sự khinh thị đạo Hồi (cho tôn giáo này có bản chất phát xít, phản hiện đại), và họ cũng bị mê hoặc bởi sức mạnh quân sự của Mỹ, nổi bật là chiến thắng quá dễ dàng của Mỹ ở vùng Vịnh năm 1991, ở Kosovo, cũng như ân hận là họ đã không hối thúc chính quyền Mỹ ngăn chặn những cuộc tàn sát ở Phi Châu. 

 

Có lẽ nổi tiếng nhất là Christopher Hitchens, đã từng chống chiến tranh Việt Nam và vẫn khăng khăng đòi đem Henry Kissinger ra tòa án tội phạm chiến tranh, nhưng ủng hộ chiến tranh Iraq kịch liệt đến độ li khai với tờ The Nation mà ông đã cộng tác gần hai mươi năm.  Chính Hitchens, hơn ai hết, đã lặp đi lặp lại rằng Iraq không phải là Việt Nam. Triết gia Peter Berman (cũng trong hàng ngũ phản chiến những năm 60-70, trong ban biên tập tạp chí phái tả Dissent) cũng quay sang hùng hồn (đưa ra sáu lí do) biện hộ lật đổ Saddam Hussein bằng vũ lực.  Nhóm tuần san The New Republic cũng thế.  Tạp chí này do Martin Peretz làm chủ và, dù là tương đối tiến bộ trong các vấn đề xã hội và văn hoá, lại cực lực bênh vực quyền lợi Israel.  Lập trường của họ về Iraq phản ảnh thái độ này. Thậm chí một người chủ chốt của The New Republic là Lawrence Kaplan lại đứng ra viết chung với William Kristol (“giáo hoàng” tân bảo thủ của tờ cực hữu Weekly Standard) một cuốn sách biện hộ Mỹ nên xâm chiếm Iraq.  Trên báo này cũng có một loạt bài của Kenan Makiya, người trí thức Iraq lưu vong (theo tôi, là một nhân vật “đáng thương”, không như tên hoạt đầu chính trị Ahmed Chalabi của bọn tân bảo thủ) đem những kinh nghiệm bản thân để hô hào “giải phóng” quê hương ông.  Và thêm vào đó là tiếng nói của chuyên gia tình báo Kenneth Pollack, cho rằng an ninh nước Mỹ (trước hiểm hoạ Iraq có vũ khí giết người hàng loạt) không cho Mỹ lựa chọn nào khác hơn là vào Iraq.   Kí giả George Packer và tổng biên tập David Remnick ở tờ New Yorker (thường được coi là “thành trì” của những nhà văn hoá tiến bộ) cũng thế. 

 

Vậy, bạn thấy, đa số cơ quan ngôn luận thường được coi là cấp tiến (và đã từng chống chiến tranh Việt Nam) đều có những cộng tác viên nòng cốt ủng hộ chiến tranh Iraq.  Hầu như chỉ còn một tờ duy nhất là chống chiến tranh trước sau như một: The Nation của Katrina vanden Heuvel.  Mà, cũng phải nói, những người này (trừ Hitchens) khi ủng hộ chiến tranh Iraq thì cũng có vẻ bùi ngùi trăn trở dữ lắm, không hí hửng hăm hở như bọn tân bảo thủ.  Và hiển nhiên, như những người tiến bộ khác, họ rất chống những chính sách kinh tế xã hội nội bộ của Bush.

 

Nhưng chỉ nói đến những người cấp tiến (hãy cho vẫn còn như thế) quay sang ủng hộ chiến tranh Iraq cũng chưa đủ, cần phải nói thêm về nhóm ngược lại, tức là nhóm bảo thủ nhưng lại chống chiến tranh ấy.  Nổi tiếng nhất có lẽ là Patrick Buchanan, bảo thủ cực hữu, từng là người viết diễn văn cho Nixon, và nhiều lần muốn làm ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hoà (nhưng chưa bao giờ lọt qua vòng sơ bộ của đảng này.   Ông này (và một người nữa hơi giống ông là kí giả Robert Novak) chống chiến tranh Iraq vì hai lẽ, thứ nhất là ông có tính chủ nghĩa biệt lập (isolationism) của Mỹ, và thứ hai cũng vì có khuynh huớng không ưa Israel.  Vì quá bực tức với chính sách của Bush ở Trung Đông, Buchanan vay tiền, cho ra tờ bán nguyệt san The American Conservative.  Đọc tờ này nhiều lúc thấy không khác gì tờ cấp tiến phái tả The Nation của Katrina vanden Heuvel (mà tôi đã nói trong Thư từ Mỹ  tháng 9).  Năm ngoái, có một trận lời qua tiếng lại khá gay gắt giữa nhóm Buchanan (thường được goi là “paleo-con” --  cổ bảo thủ) và nhóm tân bảo thủ (đầu sỏ là David Frum trong vụ này) của tờ National Review.

 

Nhưng gần đây thì hàng ngũ (tương đối) bảo thủ nhưng chống chính sách ngoại giao của Bush (nhất là về Iraq) đã lan ra ngoài nhóm cực hữu của Buchanan.  Vừa gây nhiều chú ý là một tập họp tự gọi là Coalition for a Realistic Foreign Policy gồm những người tả lẫn hữu, chẳng hạn như Christopher Layne (nhóm của Buchanan), John Mearsheimer (một nhà chính trị học hàng đầu của đại học Chicago, tự hào là đã bỏ phiếu cho Bush năm 2000) và bên tả thì có Anatol Lieven của The Nation.  Hai thành viên khác cũng khá nổi tiếng là Jessica Mathews (cầm đầu Carnegie Endownment for International Peace, sếp của Robert Kagan) và Andrew Bacevich (xem bài của Trần Hữu Dũng trong Thời Đại Mới số 2).  Nhóm này ghét nhất những hô hào của bọn tân bảo thủ là Mỹ nên chấp nhận vai trò đế quốc.

 

Nhưng nói chính trị mãi cũng mệt.  Mùa thu ở đây thì phải kể đến ba chuyện khác: tựu trường, football (Mỹ), và sách mới.  Hai vụ đầu thì để dịp khác, hôm nay chỉ xin nói về sinh hoạt thứ ba, về vài quyển sách đáng kể đối với người Việt chúng ta.  

 

Kiên Nguyễn vừa xuất bản Le Colonial, một tiểu thuyết dã sử thời Trịnh Nguyễn phân tranh mà nhân vật chính là Bá Đa Lộc và hai người Pháp mà vị giám mục này dẫn theo sang Đàng Trong.  Đa số các nhà phê bình Mỹ không hào hứng với quyển này như với quyển (tự truyện) đầu tay (The Unwanted) của Kiên Nguyễn.  Song Le Colonial có vẻ được đánh giá cao hơn quyển Tapestries, ra ngay sau The Unwanted.  Cũng có người (như Wayne Karlin, đồng chủ biên Love after War với Hồ Anh Thái ) so sánh Kiên Nguyễn với James Clavell và Joseph Conrad.  Clavell thì còn xem lại, nhưng so sánh Kiên Nguyễn với Conrad thì có lẽ hơi ... quá sớm, nhất là khi Graham Greene (xem dưới đây) cũng còn bị cho là chưa bằng Conrad!  Tôi cũng ngạc nhiên Kiên Nguyễn lại chọn con đường dã sử, nhưng tôi nghĩ anh ấy chủ đích viết cho độc giả ngoại quốc hơn là Việt Nam.  Phan Nhiên Hạo có bài điểm cuốn The Unwanted dưới mắt một người Việt, rất đáng xem.

 

Nói thêm về hoạt động mùa thu này của các nhà văn gốc Á viết tiếng Anh thì có Ha Jin ra cuốn War Trash (về tù binh Trung Quốc trong chiến tranh Triều Tiên) và Anita Desai với quyển The Zigzag Way về một sử gia Mỹ sang Mexico để tìm tổ tiên mình.  Cả hai cuốn đều được khen.  War Trash được lên bìa phụ trang sách của tờ New York Times, được Russell Banks phán [tác phẩm ấy] “không phải là một tiểu thuyết lớn, song gần như là một tiểu thuyết toàn hảo”.  Mà Ha Jin giỏi thiệt!  Mới sang Mỹ từ 1985, nói tiếng Anh còn ngọng nghệu vậy mà viết tiếng Anh thần sầu! Anita Desai (cha Ấn, mẹ Đức, sống nhiều năm ở Anh và Mỹ) cũng phiêu lưu khi viết về đề tài mới, không liên hệ đến sở trường xưa nay của bà, nhưng cũng được nhiều người khen.  Một nhà văn trẻ gốc Á nữa cũng vừa xuất hiện, có nhiều triển vọng, đó là cô Gish Jen. Tôi sẽ nói sau.

 

Tháng 10 này cũng là tròn trăm năm sinh nhật của Graham Greene, tác giả quyển Người Mỹ Trầm Lặng (The Quiet American), có lẽ là tiểu thuyết nổi tiếng nhất về Việt Nam viết bằng tiếng nước ngoài.   (Một liên hệ thú vị:  chính tuần báo The New Republic – xem đoạn trên – đã đặc phái Graham Greene sang Việt Nam năm 1954, từ kinh nghiệm đó ông viết The Quiet American)  Nhân dịp này, The Quiet American được tái bản với lời dẫn nhập của nhà văn nữ Zadie Smith (một Vệ Tuệ, nhưng đằm thắm hơn, của Anh Quốc!).  Bộ tiểu sử vĩ đại của Greene (ba cuốn hơn hai ngàn rưỡi trang) cũng vừa được Norman Sherry hoàn tất sau 27 năm. Sherry cho biết (như đã hứa trước khi Greene từ trần năm 1991) là để hiểu tâm trạng tác giả, ông viếng mọi nơi mà Greene đã dùng làm bối cảnh cho tiểu thuyết.  Đáng chú ý là năm 1974, không hiểu vì lẽ gì, Greene đã cảnh cáo Sherry “Dù anh có muốn sang Việt Nam anh cũng không vào nước ấy đuợc đâu!”, nhưng rốt cuộc Sherry cũng thu xếp sang Việt Nam khoảng cuối thập niên 80, viết sáu chương (trong quyển II xuất bản năm 1994) nói về bối cảnh cuốn Người Mỹ Trầm Lặng, đáng đọc.  Nhưng đó là trong quyển II, rất được khen, còn quyển (III) này thì hầu hết các nhà phê bình đều chê.  Sherry có vẻ hết xí quách, xuất bản cho rảnh nợ, trút hết vào quyển này mọi chi tiết thượng vàng hạ cám về Greene, ngay cả danh sách 47 gái làng chơi mà Greene cho là có “kĩ năng” ấn tượng nhất (trong số nhiều ngàn mà Greene đã “biết”).  (Greene viết tay, rất khó đọc, Sherry phải nhờ ba chuyên gia giúp giải mã danh sách này, thật là hết nước!)

 

Trên giao diện giữa chính trị và văn chương, Philip Roth (mà nhiều người cho là nhà văn Mỹ số một hiện nay) vừa xuất bản cuốn The Plot Against America (“Âm Mưu Chống Mỹ”) trong đó ông tưởng tượng nước Mỹ (và nhất là dân Mỹ gốc Do Thái) sẽ ra sao nếu Charles Lindbergh (phi công “anh hùng” đầu tiên bay qua Đại Tây Dương, cũng là một người công khai tôn sùng Hitler, bài Do Thái hạng nặng) đắc cử tổng thống năm 1941.  Đến nay, đây có lẽ là quyển tiểu thuyết “nặng kí” nhất, nhiều giá trị văn chương, lấy cảm hứng từ chính sách của Bush.   Roth là một nhà văn “giận dữ”, dùng sự đàn áp giả tưởng của một tổng thống phát xít độc tài để chỉ trích chính quyền Bush hiện thực.  Nhưng Roth biết tự chế, gói ghém những phẩn nộ sôi sục của ông trong văn chương chất lượng cao, được nhiều người cho là tuyệt tác.

 

Vài tháng trước, Nicholson Baker, một nhà văn được nhiều người đọc ở Mỹ, cũng viết một tiểu thuyết (Checkpoint) chống Bush, nhưng ông này cầm lòng không đặng, cho nhân vật chính mưu toan hạ sát Bush.  Vì thiếu bình tĩnh, ngầm hô hào “sử dụng bạo lực” như vậy nên Baker bị các nhà phê bình huýt sáo thổi còi.  (Nicholson Baker cũng là tác giả quyển Vox, toàn về chuyện “phone sex”.  Quyển này nổi tiếng vì nghe đâu Monica Lewinsky đã học cái “trò ấy” từ nó, đem ra áp dụng với Bill Clinton!)

 

Hẹn bạn thư sau,

 

( Tiểu Hằng Ngôn)