Báo Tiền Phong
tháng 3, 2006

 

Vài ý nghĩ trước thềm WTO

 

Trần Hữu Dũng
Wright State University
Dayton, Ohio (Mỹ)

 

 

Vậy là, trừ khi có trở ngại ngoài dự kiến vào giờ chót, gần chắc là Việt Nam sẽ trở thành một thành viên của WTO khoảng cuối năm nay, hoặc đầu năm tới. Như hầu hết mọi người Việt Nam khác, tôi nao nức chờ đợi thời điểm trọng đại này.  Tuy nhiên, tôi nghĩ chúng ta cũng nên nhớ rằng, cùng với “thời cơ vàng” này, sẽ có nhiều thử thách mới, vấn đề mới, “mai phục” chúng ta trên con đường phát triển.

 

Có thể khẳng định rằng sự gia nhập chính thức của Việt Nam vào WTO sẽ có lợi cho đại đa số người dân Việt Nam.  Nói chung, nó san bằng “sân chơi” giữa chúng ta và 149 (con số ngày càng tăng) quốc gia khác.  Tuy nhiên, lợi hại của sự gia nhập này cho từng ngành nghề, từng địa phương, từng khu vực, sẽ rất không đồng đều, thậm chí nhiều thành phần sẽ bị thiệt hại, ít nhất là trong giai đoạn đầu.

 

Dù khó tiên đoán hậu quả cho từng công nghiệp (bởi vì hậu quả ấy cũng tuỳ vào tình hình thế giới trong những năm tới, và chính sách của chúng ta), song phần chắc là các công nghiệp trong nước trước đây “sống” nhờ bảo hộ, kém hiệu quả, sẽ bị lảo đảo bởi con lốc cạnh tranh mà WTO sẽ mang vào. 

 

Nói chung, tôi nghĩ là xuất khẩu của Việt Nam sẽ hưởng nhiều lợi ích nhất, trong lúc các khu vực cạnh tranh với nhập khẩu, và các công nghiệp dịch vụ (ngân hàng, bảo hiểm, quảng cáo, có thể cả bán lẻ,...) sẽ gặp nhiều thử thách, khó khăn hơn.  Nhìn cách lạc quan, có thể xem sức ép cạnh tranh mà WTO đem vào là cơ hội để các công nghiệp ấy tái cấu trúc, tăng năng suất, và đi tìm những thị trường, những sản phẩm mới.  Nói cách khác, chính những khu vực này cũng sẽ có lợi, với điều kiện có những thay đổi tận căn bản, và cần nhiều thời gian hơn để những lợi ích ấy hiện thực.

 

Có ba điều cần nhấn mạnh.  Một là ngay khi vào WTO thì kinh tế (nhất là đầu tư từ nước ngoài) sẽ “bốc” trong vài năm đầu, chúng ta phải chuẩn bị chụp bắt thời cơ trong khoảng “cửa sổ cơ hội” này, bởi vì sau đó thì sự náo nức này sẽ dịu xuống, rồi chúng ta cũng sẽ như các nước khác mà thôi.  Hai là phải chuẩn bị cơ sở hạ tầng để đón bắt luồng sóng đầu tư (vốn cũng như công nghệ) sắp ập vào, cũng như để tránh những hậu quả không tốt (về ô nhiễm môi trường, xây dựng bừa bãi, ùn tắc giao thông…).  Ba là, một số thành phần (cụ thể là lao động) sẽ bị chao đảo, có thể cần chuyển ngành, chuyển nghề.  Nhà nước phải tận lực trợ giúp những thành phần này (trợ cấp thất nghiệp, giúp tìm việc làm, tái huấn luyện...).  Điều này càng quan trọng hơn trong bối cảnh chênh lệch thu nhập của chúng ta hiện nay.  Nếu vì WTO mà sự chênh lệch (bất chính) trong xã hội Việt Nam ngày càng lớn thì quả là một điều rất đáng buồn.

 

WTO là một “vũ môn” quan trọng trên con đường hội nhập để phát triển của chúng ta.  Nhưng gia nhập WTO không phải là cái đích tối hậu, WTO không phải là chiếc đũa thần! Vận mệnh chúng ta sẽ gắn chặt hơn với vận mệnh kinh tế các nước khác, chúng ta cần theo dõi, nhanh nhẹn đáp ứng với mọi tình thế...   Là một thành viên của WTO, và là một quốc gia tuy còn nghèo nhưng không quá nhỏ, Việt Nam sẽ có “trọng lượng” hơn trong các diễn đàn kinh tế thế giới (không chỉ giới hạn ở WTO). Chiến lược kinh tế đối ngoại (liên minh với những nước nào, về những vấn đề gì) sẽ cần chúng ta lưu tâm, sáng suốt toan tính nhiều hơn.

 

Trần Hữu Dũng

Dayton

29-3-2006