Bài viết cho Tia Sáng

Sau Cancun: thương mại thế giới sẽ ra sao?

 Trần Hữu Dũng

Đứng đầu những sự kiện quốc tế nổi bật nhất trong năm 2003 thì, ngoài chiến tranh Iraq, có lẽ là cuộc họp cấp cao của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO -- World Trade Organization) ở Cancun (Mêhicô) và sự "thất bại" của hội nghị đó.  Bài này sẽ kiểm điểm lại diễn biến này và đưa vài nhận định về tương lai thương mại thế giới.

Nói ngắn gọn, Cancun thất bại vì các nước giàu và các nước nghèo có nhiều yêu sách quá trái ngược nhau.  Các nước giàu thì muốn các nước nghèo gỡ bỏ các hàng rào nhập khẩu, không phân biệt đối xử đối với đầu tư nước ngoài, và bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ.  Còn các nước nghèo thì muốn các nước giàu chấm dứt tài trợ nông nghiệp, và ngưng bảo hộ các công nghiệp của họ.

I. Cancun

 Một tiến bộ trước khi họp

Phải nhìn nhận rằng trước hội nghị Cancun thì đã có vài tiến bộ trong tiến trình dung hoà quyền lợi của các nước nghèo và các nước giàu, đáng kể nhất là Mỹ đồng ý cho phép các nước nghèo nhập khẩu một số dược phẩm giá rẻ để chữa sốt rét và HIV/AIDS.  Cụ thể, vài quốc gia (như Ấn Độ và Brazil) sản xuất những dược phẩm mà các công ty phương Tây nắm bằng phát minh được phép bán loại nhái các thuốc này cho những nước thật nghèo. Dù rằng nhiều người đã chỉ trích thỏa hiệp ấy (chẳng hạn như là cho nó quá mơ hồ, và không ai biết cách thực thi sẽ ra sao), sự nhượng bộ này của Mỹ đối với một vấn đề được coi là gai góc đã gây nhiều lạc quan về triển vọng của Cancun.

   Mâu thuẩn vì trợ cấp nông nghiệp

Vấn đề dồn Mỹ và các nước phát triển khác vào "thế thủ" ở Cancun là chính sách trợ cấp nông nghiệp của họ.  Rõ ràng là chính sách này vi phạm nguyên tắc tự do thương mại quốc tế, bởi nó là một cách hỗ trợ nông dân nước họ, gián tiếp gây thiệt hại cho nước khác.  Song, quan trọng hơn, nó làm thương tổn giới tiêu dùng của chính nước họ, tổn phí ngân quỹ quốc gia họ.  Bởi thế hầu như không nhà kinh tế chuyên nghiệp nào ủng hộ các loại trợ cấp này. 

Thực vậy, dù giả định rằng mục tiêu của chính sách đó là tốt (cũng nên nói là Mỹ và Tây Âu tài trợ nông nghiệp với hai lý do khác nhau: "triết lý" của Mỹ là để ổn định thu nhập của nông dân, còn Tây Âu thì dùng trợ cấp này để duy trì lối sống cổ truyền của nhà nông nước họ) gần như luôn luôn có những cách khác, ít tốn kém cho xã hội hơn, hơn là tài trợ xuất khẩu, để thực hiện mục tiêu đó. Trên thực tế, ít có chính phủ nào đủ can đảm chính trị để làm mất lòng khối nông dân, thường là khối có nhiều thế lực trong các cuộc bầu cử.

Chính sách trợ cấp nông gia trồng bông vải của Mỹ là vấn đề găng nhất ở Cancun.  Sự bất công và phi lý của nó đập vào mắt mọi người.  Một bên là Mỹ, nước giàu có, tài trợ 25 ngàn nông gia bông vải của họ 3,3 tỷ đô la mỗi năm (nếu kể cả những nước khác thì là 6 tỷ đô la hàng năm).  Bên kia là bốn nước Tây Phi châu  (Benin, Burkina Faso, Chad và Mali) thuộc hạng ít dân và nghèo nhất thế giới.  Bông vải, đối với họ, là 10% tổng thu nhập quốc gia, 40% kim ngạch xuất khẩu, và 70% nông sản xuất khẩu.  Theo tính toán của các nhà kinh tế, chính sách của Mỹ đã làm giá bông vải tụt gần 50% từ 1997 đến 2002, giảm thu nhập của bốn nước ấy đến hơn 1 tỷ đô la hàng năm, đưa gần 10 triệu dân của họ vào cảnh đói kém, bần cùng.  Được sự ủng hộ của đa số các nước đang phát triển, và cả một số nước châu Âu (Đức, Pháp, Thuỵ Điển, Anh), bốn nước Tây Phi đòi các nước giàu (nhất là Mỹ) ngưng trợ cấp bông vải trong vòng 3 năm.  Chẳng những thế, họ cũng đòi được bồi thường ngay 300 triệu đô la vì những thiệt hại mà họ đã chịu.  

Dưới áp lực kịch liệt của các nông gia Mỹ, phái đoàn Mỹ ở Cancun kêu gọi bốn quốc gia Tây Phi rút lại yêu sách của họ.  Để đền bù, Mỹ hứa sẽ (1) đầu tư phát triển công nghiệp dệt may ở các nước này, (2) ủng hộ mở cửa một số thị trường (bông vải, tơ sợi nhân tạo, hàng vải, và quần áo), và (3) nâng đỡ xuất khẩu của các nước này trong chương trình trợ giúp Phi châu (African Growth and Opportunity Act (Agoa)) mà Mỹ đang có.  Mỹ cũng viện cớ là EU và Nhật trợ cấp nông sản của họ còn hơn cả Mỹ, và bàu chữa: nếu Mỹ đơn phương ngưng trợ cấp nông sản thì còn gì để thương thuyết với EU và Nhật?

Tuy nhiên, bốn nước Tây Phi tỏ vẻ lạnh nhạt với đề nghị của Mỹ.  Họ bảo rằng việc Mỹ hứa giúp phát triển là đáng hoan nghênh, song đó là chuyện về sau, cái họ cần ngay là biện pháp giúp đở bông vải của họ.  Thực vậy, ngay trong đề nghị của Mỹ, Mỹ cũng không cam kết bãi bỏ chương trình hỗ trợ nông nghiệp, chỉ hứa là sẽ giảm mức tài trợ (phải được hiểu là họ sẽ giúp nông gia họ cách khác).  Rốt cuộc, không có một thoả thuận nào về vấn đề nông sản.

  Những "vấn đề Singapore"

Một "mặt trận" khác ở Cancun xoay quanh cái gọi là "vấn đề Singapore" mà WTO, do yêu cầu của các nước đã phát triển, muốn đem vào chương trình nghị sự hội nghị. Đây là bốn vấn đề (đầu tư, luật cạnh tranh, tính minh bạch trong việc nhà nước mua hàng hoá và dịch vụ, và tạo điều kiện để thương mại quốc tế dễ dàng hơn) đặt ra tại hội nghị cấp bộ trưởng của WTO tại Singapore vào năm 1996.

Về vấn đề đầu tư toàn cầu, các nước phát triển muốn đầu tư dễ dàng hơn, cụ thể là họ muốn WTO cấm thành viên phân biệt giữa công ty nước ngoài và công ty bản xứ. Cụ thể, không nước chủ nhà nào được quyền cấm các công ty đa quốc gia hoạt động ở nước họ (ngầm hiểu là dù những công ty này có bị cho là hủy hoại môi trường hay bốc lột lao động).  Những biện pháp thuế má địa phương cản trở việc này (như Canada và Mêhicô đã có sau khi Khu vực tự do thương mại bắc Mỹ -- Nafta --  thành lập) sẽ bị coi như “tịch thu" phi pháp, và phải chấm dứt.  Không nước nào đuợc quyền bắt buộc các công ty đa quốc gia liên doanh với doanh nghiệp bản xứ.  Không nước nào có quyền không cho phép các công ty ngoại quốc sở hữu các tài nguyên thiên nhiên.  Các công ty nước ngoài có quyền đầu tư vào hệ thống y tế quốc gia và những tiện ích công cộng khác (điện, nước, viễn thông v.v.). Các nước kém phát triển, trong lúc đó, phải cam kết tận lực tôn trọng bản quyền và bằng sáng chế về thuốc men, âm nhạc, phần mềm, và mọi tài sản trí tuệ của nước khác (hiểu ngầm là của các nước đã phát triển).   Nói tóm lại, quyền lợi của các nhà đầu tư nước ngoài sẽ được nới rộng, và quyền các quốc gia đang phát triển trong quyết định tự chọn chính sách kinh tế tài chính cho mình sẽ bị hạn chế.

Về luật cạnh tranh, đề nghị của các nước phát triển (nhất là EU, còn hơn cả Mỹ) là mọi nước phải cực lực chống sáp nhập (mergers) giữa các công ty, và có biện pháp thực sự ngăn cản những lề lối kinh doanh có tính phản cạnh tranh.  Về dịch vụ, phương Tây muốn nguyên tắc "tự do thương mại" phải bao gồm cả thương mại dịch vụ.  Điều này dễ hiểu vì dịch vụ ngân hàng là ngành mà các nước phát triển có lợi thế lớn nhất so với các nước đang phát triển.  Cuối cùng, một trong những "vấn đề Singapore" là đối với việc nhà nước biệt đãi các công ty bản xứ trong các cuộc đấu thầu xây dựng cơ sở hạ tầng (thậm chí có thể không cho phép công ty ngoại quốc tham dự).  Các nước phát triển muốn WTO ngăn cấm chính phủ biệt đãi các công ty địa phương ngay trong việc mua hàng hoá, dịch vụ cho nhà nước.

Rõ ràng là những vấn đề này là nhắm vào quyền lợi của các nước giàu, và được sự ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ, EU, Nhật Bản. Trên lý thuyết, thoả thuận "vấn đề Singapore" sẽ tốt cho kinh tế toàn cầu.  Song trên thực tế, nó bắt buộc các nước đang phát triển phải gỡ bỏ những rào cản thương mại theo cách mà lợi ích trước mắt sẽ vào tay những nước giàu, đã phát triển.

Các nước đang phát triển thì không muốn đem "vấn đề Singapore" ra thảo luận ở Cancun vì ba lý do.  Thứ nhất, họ cho rằng hiện nay họ chưa đủ khả năng thực thi chế độ cạnh tranh như các nước phát triển muốn, vì thể chế hành chánh và luật pháp của họ chưa hoàn bị, còn nhiều khiếm khuyết.  Thiết lập những thể chế đó sẽ tiêu tốn lắm tài nguyên đang cần cho những mục tiêu phát triển khác, cấp bách hơn. Thứ hai, họ cho rằng chấp thuận những vấn đề này sẽ làm mất đi một phần quyền tự trị của họ. Và thứ ba, họ cho rằng những điều này sẽ giết chết công nghiệp phôi thai của họ.  Do đó, các nước đang phát triển đề nghị rằng nên hoãn lại việc thương thảo những "vấn đề Singapore", nên đem chúng về trụ sở WTO ở Genève nghiên cứu thêm.

Hai bên căng thẳng, không ai muốn nhượng bộ.  EU đặc biệt kiên quyết là chỉ khi có tiến bộ trong những "vấn đề Singapore" thì họ mới bàn đến vấn đề nông sản. Phía Mỹ, vì không năng nổ như EU và Nhật về vấn đề đầu tư và chính sách cạnh tranh, tuyên bố rằng họ sẽ sẳn sàng làm việc với EU, Nhật, và các nước đang phát triển, để đem mọi người gần nhau hơn.

"Nhóm 21"  

Điều làm các nước phát triển bất ngờ nhất ở Cancun có lẽ là sự xuất hiện của nhóm 21 quốc gia (lúc đầu là 20, sau này có lúc lên đến 22).  Nhóm này do Brazil và Ấn Độ khởi xuớng, sau đó có thêm Trung Quốc, Nam Phi, có nghĩa là hơn phân nửa dân số toàn cầu. Trong nhóm có nhiều nước lớn, dân đông, giàu tài nguyên, khả năng sản xuất đáng kể, ở nhiều châu Lục khác nhau. Chính vì thành viên "Nhóm 21" gồm nhiều quốc gia có thực lực kinh tế khá vững (Brazil, Ấn Độ, và nhất là Trung Quốc), nhóm này là đối trọng đáng kể ở Cancun chống lại nhóm các nước đã phát triển (Mỹ, EU và Nhật)

Thực ra, vào những thập niên 60, 70 (thế kỷ trước) cũng có một tập họp tương tự của những nước "phía Nam", nhưng tập họp ấy phần lớn là dựa trên căn bản ý thức hệ ("chống đế quốc", "chống tư bản") và đa số các nước trong khối ấy chỉ muốn dùng chính sách bảo hộ thương mại (thay vì mở cửa thị trường) để bảo vệ quyền lợi kinh tế của riêng mình.   Nhóm 21 này hơi khác: chất keo giữa họ là quyền lợi kinh tế thực tiển, hơn là sự có chung một ý thức hệ chính trị hay một liên minh ngoại giao.  

Sự xuất hiện của Nhóm 21 làm EU ngạc nhiên, và không nhất trí về cách đối phó.  Vài thành viên EU thì bảo rằng EU cứ kiên trì đoàn kết, vì Nhóm 21 sẽ không dính nhau lâu (sau Cancun thì Colombia và Peru đã rút khỏi nhóm này).  Thực vậy, tuy Nhóm 21 khá nhất trí về vấn đề nông nghiệp và các rào cản thương mại (họ đồng ý là những "vấn đề Singapore" có thể bàn sau),  song trong nội bộ của họ cũng có nhiều khác nhau.  Dù sao, sự xuất hiện bất ngờ của Nhóm 21, với tinh thần đoàn kết cao, đã khiến nhiều nước đã phát triển muốn phe mình nhượng bộ chút ít, vì họ e rằng Nhóm 21 sẽ ngày càng mạnh thêm. 

Rốt cuộc rồi ở Cancun không thể có một thoả thuận nào cả vì có quá nhiều yêu sách tương phản, chẳng những giữa các nước nghèo và nước giàu, mà còn giữa các nước giàu với nhau.  .


II. Lỗi tại ai?

Sau khi Cancun kết thúc mà không có thoả hiệp nào, nhiều người hỏi: (1) Lỗi tại ai?, và (2) quốc gia nào bị thiệt hại nhất?

Lỗi tại ai?   

Ba phe (Mỹ, EU, và các nước đang phát triển) đổ lỗi cho nhau. Mỹ thì chống chế rằng họ đã có nhiều nhượng bộ về mặt nông sản, và đổ lỗi cho EU, Nhật, và những nước đang phát triển đã không chịu nhượng bộ, nhất là cứ khăng khăng giữ lập trường về các vấn đề Singapore.  EU thì đổ lỗi Mỹ đã không nhượng bộ về bông vải, và các nước nghèo đã không chịu bàn đến các vấn đề Singapore.  Còn các nước nghèo thì đổ lỗi cho Mỹ và EU cứ nằng nặc áp lực họ về những vấn đề Singapore, trong lúc không có một nhượng bộ đáng kể nào về các trợ cấp nông sản.  Nói cho chính xác, sở dĩ Cancun không kéo dài thêm (để cơ may có thoả thuận vào phút chót, như nhiều cuộc họp của WTO trong quá khứ) chính vì những nước nghèo nhất (đa số từ châu Phi và vùng Ca-ri-bê) bỏ ra về, lúc ấy Nhóm 21 vẫn còn muốn thương thuyết.

Ai được, ai thua?  

Qua hội nghị Cancun, các nước nghèo đã chứng tỏ là họ có thể đoàn kết thành một sức mạnh mà từ đây các nước giàu phải trọng nể.  Không như những cuộc họp trước, lần này các nước nghèo có can đảm đứng dậy ra về. Đó là "thắng lợi" lớn nhất của họ.

Tuy nhiên họ đã không thuyết phục được các nước giàu bãi bỏ trợ cấp nông sản, thế nên họ vẫn sẽ tiếp tục bị thiệt thòi, thất nghiệp, và nghèo khổ.  Tay trắng vẫn hoàn trắng tay.  Có nhiều nhà quan sát (nhất là trong giới kinh tế gia) cho rằng dù các nước giàu hiển nhiên là ích kỷ, là đạo đức giả... các nước đang phát triển vẫn nên mở cửa thị trường, tìm mọi cách để xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài.  Do đó, các người này cho rằng Cancun là một "thất bại" cho các nước nghèo vì họ đã không lợi dụng được cơ hội ấy để đẩy mạnh sự phát triển của họ.

Cũng như các nước thật nghèo, các nước tương đối phát triển hơn (Nhóm 21) lần đầu tiên đã tìm được một sự đoàn kết đàng sau một lập trường chung.  EU lẫn Mỹ đều cố gắng chia rẽ nhóm này nhưng thất bại.  Hơn nữa nhóm này đã cho thấy khả năng thương thuyết của họ cũng không vừa gì!!   Trong nhóm này thì có lẽ Trung Quốc là nước đã đuợc lợi nhiều sau Cancun, dù chỉ là về mặt uy tín chính trị,  Sau này khi Trung Quốc bị lôi thôi với Mỹ về vụ tỷ giá đồng Nhân Dân Tệ, chính các nước ASEAN đã ủng hộ Trung Quốc một phần cũng vì thiện cảm còn lại sau Cancun.  Nhiều nhà bình luận mỉa mai cho rằng Mỹ và EU đã bắt đầu ân hận là đã mời Trung Quốc gia nhập WTO! Ấn Độ thì phức tạp hơn: họ muốn thị trường tự do cho công nghệ thông tin (IT) của họ, nhưng cùng lúc họ cũng muốn bảo hộ những công nghiệp khác.

Các nước giàu (nhất là Mỹ và EU) thì vẫn giữ quyền lợi của họ.  Tuy nhiên họ cảm thấy "thất bại" vì đã không thể đem các "vấn đề Singapore" ra thương thuyết như chủ đích của họ khi đến Cancun.  Nếu phân biệt Mỹ và EU thì có lẽ EU thiệt hại nhiều nhất.  Mỹ thì bỏ lỡ cơ hội, chỉ vì khăng khăng giữ lập trường về bông vải, mà sự thật là không quan trọng lắm đối với Mỹ.  Trái ngược với sự đoàn kết của Nhóm 21 là sự rạn nức giữa các quốc gia phát triển.  Ngay chính trong nội bộ nhiều phái đoàn (như Anh) cũng không nhất trí với nhau.

Tóm lại, không ai thắng đậm, mà cũng không ai thua đậm sau Cancun.  Nói đúng ra là đa số loài người (không phải đa số quốc gia) đều thua, chỉ có một thiểu số -- vốn đã giàu có -- duy trì quyền lợi của họ. Lẽ dĩ nhiên, có nhiều nhóm chống lại tự do thương mại với bất cứ hình thức nào vì họ cho rằng nó chỉ có lợi cho các đại công ty, có hại cho dân nghèo và môi trường sinh thái.  Những người này vui mừng vì sự tan vỡ của Cancun!


III. Tương lai: song phương, khu vực, hoặc toàn cầu?

Sau Cancun, nhiều người cho rằng có lẽ  WTO không còn hợp thời nữa.  Tuy rằng nó có mục tiêu rất tốt là tiến đến tự do thương mại toàn cầu song, như hiến pháp hiện nay của WTO quy định, mọi quyết định đều phải được tất cả (148) thành viên chấp thuận.  Trừ những nghị quyết chung chung, còn những điều khoản ảnh hưởng thực sự đến chính sách của nhiều nước khác nhau thì khó được đồng thanh chấp thuận như thế.

Mọi thoả hiệp thương mại quốc tế bao giờ cũng phải có đi có lại, và trong một nước luôn luôn có những nhóm bị thiệt hại.  Do đó, các thoả hiệp ấy chỉ có được khi các chính phủ liên hệ có đủ can đảm chính trị để thuyết phục (hay đền bù) những thành phần (tuy là thiểu số) bị thiệt hại trong nước họ.  Hiện nay hầu như không nước nào có sự can đảm này.  Một khó khăn nữa của các thoả hiệp đa phương là mỗi nước có những nhu cầu khác nhau, ở vào những nấc thang phát triển khác nhau. 

Song, mặt khác, đối với các nước cần phát triển thì nhu cầu xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài là quá quan trọng.  Cụ thể hơn, mọi nước đều muốn buôn bán với Mỹ (vẫn là thị trường với sức mua mạnh nhất), thu hút đầu tư từ Mỹ, do đó không ai từ chối nếu Mỹ muốn có hiệp định tay đôi với họ.  Đi rẽ, rồi tranh nhau đi riêng với Mỹ, là việc đang và sẽ tiếp tục xảy ra.  Các nước đang phát triển cần Mỹ, cần EU, cần Nhật Bản, và những nước phát triển khác. Mỹ, EU, Nhật, cũng biết thế.  Do đó, một xu huớng gần đây, nhất là sau Cancun, là các hiệp định song phương giữa Mỹ và một số nước (đã ký với Singapore, Chile, đang thương thuyết với Australia, Ma-rốc, năm nước ở Trung Mỹ, năm nước khác ở châu Âu ...). EU cũng có những hiệp ước song phương giữa họ và các nước khác  Nhật cũng thế (đã ký với Việt Nam, và sắp đàm phán với Hàn Quốc, Malaysia, Philippines và Thái Lan). 

Vậy thì có nên đi song phương?  Đối với các mỗi nước thì (so với đa phương) ưu điểm của hiệp định song phương là nó có thể gồm những điều khoản đáp ứng những vấn đề đặc biệt cho hai quốc gia liên hệ, và không cần mất thì giờ đàm phán về những vấn đề mà hai nước không có với nhau.  Nói chung, nó có lợi khi sức mạnh kinh tế hai quốc gia tương đuơng nhau, hoặc ít nhất là nước tương đối nghèo cũng không là nghèo quá (hoặc nhỏ quá).  Sức mạnh kinh tế càng chênh lệch thì hiệp định song phương càng có cơ bất lợi cho nước nhỏ.  Các thương thuyết đa phương, trái lại, cho phép các nước nhỏ tập họp thành một khối, sẽ có lợi cho họ hơn.

Trong tương lai trước mắt, xu huớng song phương có lẽ sẽ lan rộng.  Song vẫn còn nhiều vấn đề kinh tế và thương mại quốc tế cần sự thoả thuận toàn cầu.  Thực vậy, thương mại càng phát triển thì số vấn đề này càng lớn (vì lẽ mỗi nước sẽ có nhiều đối tác buôn bán, đầu tư hơn). Nói khác đi, các thoả ước song phương chỉ có thể xem như giải pháp giai đoạn. Chẳng hạn như hai hiệp ước song phương mà Mỹ vừa ký với Singapore và Chile cũng chỉ là vào khoảng 2% kim ngạch ngoại thương của Mỹ, và dù có kể đến những hiệp ước Mỹ sắp ký thì cũng chỉ thêm 3% nữa thôi.

Ở thời điểm nhất định, một thoả hiệp song phương có thể phần nào thích hợp với quyền lợi của một nước.  Song, vì thoả hiệp này sẽ ràng buộc nước ấy trong nhiều năm, những thay đổi về thành phần đối tác, cũng như về phí sản xuất, có thể làm tăng hoặc giảm những lợi ích, hoặc thiệt hai, dự kiến khi thoả hiệp ấy được ký kết.  (Nafta, chẳng hạn, bây giờ không có lợi cho Mêhicô như nước này đã tưởng khi ký.)  Nhà kinh tế nổi tiếng Jagdish Bhagwati lo ngại rằng các hiệp ước thương mại song phương sẽ trở thành một "đĩa mì xào" loàng quằng với nhau (hiện đã có hơn 300 thoả hiệp song phương giữa các nước).  Theo Bhagwati, tình trạng hỗn độn này sẽ có hại nhất cho những nước thật nghèo, thiếu khả năng phân tích cũng như thế lực đối phó.

Giữa hai thái cực toàn cầu hoá (mà mọi nước cùng tham gia) và song phuơng (chỉ có hai nước tham gia) là khu vực hoá (chẳng hạn như APEC), tức là nhiều hơn hai nước nhưng không đến toàn cầu.  Tuy nhiên giải pháp "trung dung" này chưa chắc là tốt hơn hai giải pháp kia. Thứ nhất, về mặt lý thuyết, chẳng những lợi ích của nó kém hơn tự do mậu dịch toàn cầu (nếu thực hiện được), nhưng có thể cũng không hơn các thoả hiệp song phương (điều này có thể chứng minh bằng cái gọi là định lý "cái tốt bậc nhì" trong kinh tế học).  Thứ hai, nó không phải bao giờ cũng có lợi ích đồng đều cho mọi thành viên.  Hơn nữa, các thành viên hiệp ước khu vực thường là những lân bang láng giềng, song sự gần gũi địa lý không phải là lý do tốt nhất để có những liên kết (ví dụ như thị trường chung) kinh tế, và trong tiến trình hiện đai (với phí vận tải ngày càng hạ) thì sự lân cận đia lý ngày càng ít quan trọng.

Trần Hữu Dũng
Dayton 16/12/2003