Diễn Đàn
Số 120, tháng 7 năm 2002

Trần Hữu Dũng
GSTS Kinh Tế
Wright State University
Dayton, OH 45431
USA


Đọc Stiglitz

 

"Khi nhận báo cáo hàng năm của IMF về nước mình, bạn nên trả lời
'Xin cám ơn quý vị rất nhiều,' rồi vứt nó ngay vào sọt rác"
 

J. E. Stiglitz

The Nation, 10 tháng 6, 2002

Khoảng chục năm gần đây, có lẽ Joseph Stiglitz là nhà kinh tế gây nhiều sôi nổi dư luận nhất, đặc biệt là trong giới kinh tế tài chính và phát triển quốc tế.  Với quá khứ hoàn toàn "chính thống tân cổ điển" (được đào tạo rồi trở thành giáo sư thực thụ trẻ tuổi nhất ở MIT, sau đó sang Yale, Oxford, Stanford, và Columbia hiện nay), với con đường thăng tiến công danh ít người bằng (chủ tịch Hội Đồng Cố Vấn Kinh Tế cho Tổng Thống Mỹ, phó chủ tịch Ngân Hàng Thế Giới, rồi giải Nobel 2001[1]), Stiglitz -- trong con mắt của nhiều đồng sự -- đã trở thành một người "nghịch bướng",  "bội phản", và những tên khác không tiện nói ra đây, đồng thời lại là thần tượng của đông đảo đã chưa từng nghe tên ông lúc trước.  Đây là một hành trình trí thức đầy kịch tính, đề tài màu mỡ cho những người viết tiểu sử sau này.

Trong quyển sách vừa xuất bàn "Toàn Cầu Hóa và Những Người Bất Đồng" [2] Stiglitz đã tập họp những nhận định về một số biến chuyển kinh tế thế giới trong thời kỳ ông làm phó chủ tịch kiêm kinh tế trưởng Ngân Hàng Thế Giới từ 1997 đến 2000.  Hầu hết những nhận xét và đề nghị trong quyển này không là mới (đa số là khai triển những điều Stiglitz đã viết trong một bài khá nổi tiếng trên tuần báo The New Republic năm 2000), và được nhiều nhà kinh tế khác chia sẻ (đáng kể là Dani Rodrik ở Harvard, Robert Wade ở London School of Economics).  Song đây là một quyển sách quan trọng, mang dấu ấn một tác giả vinh danh Nobel, chắc chắn sẽ là cái mốc lớn trong những bàn cãi về cơ cấu kinh tế tài chính quốc tế từ rày về sau.

I.

Quê quán ở thành phố thép Gary (bang Indiana) nhiều thất nghiệp, cha là người bán bảo hiểm, mẹ là giáo viên, từ thuở niên thiếu Stiglitz đã quan tâm đến tình trạng công nhân thất nghiệp, và sự khác biệt giữa nhu cầu của lao động (việc làm, lương bổng) và quyền lợi người có vốn (lợi nhuận, lạm phát).  Tên tuổi Stiglitz bắt đầu được nhiều người biết qua một bài nghiên cứu (năm 1969) trong tạp chí chuyên ngành hàng đầu Econometrica, trong đó ông mở rộng mô hình kinh tế tân cổ điển (rất phổ thông lúc ấy), phân tích tác dụng qua lại giữa tốc độ tăng trưỡng và phân bố thu nhập giữa tư bản và lao động.  Sau khi tốt nghiệp MIT, Stiglitz sang Kenya làm việc nhiều năm, và rõ ràng là những ấn tượng về châu Phi đã ảnh huởng sâu đậm sự nghiệp trí thức của ông từ đó đến nay.[3]

Cốt lõi lý thuyết kinh tế của Stiglitz là triển khai những phân tích về hiện tương "thông tin không đối xứng" theo đó, trong các giao dịch kinh tế giữa hai phe, gần như bao giờ một phe (ví dụ người bán) cũng biết nhiều hơn phe kia (ví dụ người mua) về những đặc tính của giao dịch đó (chẳng hạn như chất lượng món hàng).  Nhân xét này thực sự bắt nguồn từ quan sát của Stiglitz về cơ chế "tá điền" làm thuê ở Kenya (và đúng ra là mọi nơi)   Đại để là, người chủ điền không bao giờ có thể quan sát hành động của người tá điền từng phút, từng giờ.  Nói cách khác, người tá điền luôn luôn biết rõ về hoạt động của chính mình, cũng như công việc đồng áng, hơn người đứng thuê anh ta.  Trong hoàn cảnh "thông tin không đối xứng này", tất cả những lý thuyết tân cổ điển về luơng lao đông cần đựợc xét lại.   Và chỉ một phút suy nghĩ sẽ thấy ngay rằng hiện tương này không chỉ có giữa chủ điền và tá điền ở Kenya, nhưng hầu như trong mọi giao dịch kinh tế khác.  Đóng góp to lớn nhất của Stigtitz là áp dụng những phương pháp toán tinh xảo trong tiếp cận tân cổ điển để phân tích trường hơp này và những liên hệ khác, từ bảo hiểm, ngân hàng, cho đến công tác quản lý xí nghiệp....

Không kém quan trọng (dù ít người nhận thấy điều này trong Stiglitz), những năm ở Kenya đã cho Stiglitz thấy vai trò của thể chế như một giải pháp kinh tế cho tình trạng thông tin khiếm hụt và không đối xứng.  Chẳng hạn như, vì sợ dèm pha của láng giềng (tức là thể chế xã hội), người tá điền phải siêng năng làm việc, dù chủ điền không có mặt để quan sát.  Đồng thời, sự cần thiết của thông tin trong mọi hoạt động kinh tế chính nó là lý do căn bản cho sự thất bại của các nền kinh tế kế hoạch hoá chỉ huy  Song, cũng chính vì sự thông tin bất toàn, nền kinh tế thị trường thuần tuý sẽ không phân bố tài nguyên toàn hảo -- thậm chí nhiều mảnh thị trường có thể không đủ điều kiện xuất hiện. 

Và do đó, với nhiều dè dặt, Stiglitz nhìn nhận vai trò của (1) nhà nuớc và  (2)  những thể chế cổ truyền (gia đình) là có ích cho hoạt động kinh tế vì nó cung cấp thông tin (ông đánh giá cao những thể chế "ngoại thị trường" hữu ích trong hoàn cảnh thông tin thiếu thốn và không đối xứng).  Chính điểm thứ hai này là điều khác biệt căn bản giữa những người (chỉ trích kinh tế tân cổ điển từ bên trong, với ý muốn bổ sung nó) như Stiglitz và những người cánh tả hay chống đối buông lỏng thị trường vì lý do bốc lột giai cấp hay tương tự.

Nói cách khác, sự thiếu tin tưởng của Stiglitz vào lập luận thị trường dung tục (theo đó thị truờng hoàn toàn tự do sẽ là liều thuốc vạn năng cho mọi vấn đề) là căn cứ vào những sự suy nghĩ và phân tích vượt trên và sâu hơn những người khác, không phải (như mác xít) dựa trên sự bài bác (gần như) trọn gói căn bản kinh tế học thị truờng.  Chính điều này làm lý luận Stiglitz khó bị quật ngã bằng những đòn phân tích tân cổ điển sơ đẳng, trình độ đai học năm thứ nhất.

II.

Sách (bản tiếng Anh) gồm 9 chương, 252 trang (không kể chú thích).  Từ trang đầu đến trang cuối, Stiglitz cẩn thận lập đi lập lại: trên ngưyên tắc, tiến trình toàn cầu hoá là tốt.  Có gì hơn tự do buôn bán, tự do đầu tư, tự do đi lại, tự do du nhập tri thức, công nghệ?  Hơn nữa, kinh nghiệm cho thấy, dù chưa hoàn toàn, toàn cầu hoá đã nâng cao chất lượng đời sống của hàng trăm triệu người, nhất là ở các quốc gia Đông Á và Trung Quốc.

Song, vẫn trên thực tế, tự do thương mại, tự do đầu tư, và tư hữu hoá như kiểu hiện nay cũng đã làm cho hàng trăm triệu người (nhất là ở các quốc gia đang chậm tiến) bị nghèo nàn khốn khổ, vì thất nghiệp, vì phá sản, vì xã hội bất ổn, vì môi trường bị hũy hoại.  Nhìn cách khác, phần lớn tiến trình toàn cầu hoá hiện nay là nhằm phục vụ quyền lợi các nước giàu -- hay nói đúng hơn, một thiểu số (giới tài chính, những công ty lớn) trong các nước ấy.

Theo Stiglitz, chính "market fundamentalism" (chủ nghĩa thị trường cực đoan như đã nói ở trên) đã trách nhiệm phần lớn, nếu không là đầu mối, những hậu quả bi đát ấy.   Ông chỉ trích sự cứng nhắc của  cái gọi là "đồng thuận Washington".[4]  Stiglitz lần lược phân tích những vấn đề căn bản như (a) tư hữu hoá, (b) tự do hoá kinh tế, (c) vai trò của đầu tư nước ngoài, (d) lớp lang và nhịp điệu (sequencng and pacing) các cải cách kinh tế (e) kinh tế rỉ xuống (trickle down economics) và vạch ra rằng, xét đến tận gốc thì những chính sách của IMF[5], WTO[6] (và "đồng thuận Washington" nói chung) là thiếu tinh tế, quá đơn giản, thô lậu.  Nổi bật, tổ chức nhận gần như trọn đầu dùi của Stiglitz là IMF, đến độ, như một nhà phê bình đã viết, tựa quyển sách đáng lẽ phải là "IMF và Những Sự Bất Mãn Của Tôi".

Theo Stiglitz, tất cả đều là lỗi của IMF, nhất là khi so sánh nó với Ngân Hàng Thế Giới mà ông là phó chủ tịch kiêm kinh tế trưởng. IMF thiếu dân chủ   IMF kiêu căng.  IMF hẹp hòi,  vụng về và lạng quạng.  IMF thật sự chỉ phục vụ cho quyền lợi giới tài chính ở các nước giàu.

Cáo trạng IMF của Stiglitz tập trung ở ba điểm chính.  Một là, tác phong kiêu căng ngạo man, hầu như tân thực dân, của các quan chức IMF (làm việc giấu giếm, không đặt chuyên gia thường trú ở nước sở tại, ra tối hâu thư cho các quốc gia gặp khó khăn).  Hai là, những báo cáo và đề nghị của IMF thường dựa vào kiến thức lý thuyết kinh tế thiếu sót và sai lầm. Ba là, mục đích không thích hợp vói hoàn cảnh địa phưong, chẳng hạn như đã đem kinh nghiệm (đúng phần nào) ở Mỹ La Tinh áp dụng mọi nơi khác.  

Stiglitz xác nhận là những chỉ trích IMF về chính sách "điều chỉnh cơ cấu" (structural adjustment) của tổ chức này đã gây nghèo khổ tràn lan, rằng tư do thương mại chỉ có lợi cho nước giàu, rằng tư hữu hoá đã gây thảm hoạ ở nhiều nước, không phải là không đúng.  Dưới ngòi bút của Stiglitz, IMF là một tổ chức vụng về, mà lại khắc khe kềm chế các quốc gia thành viên -- nhất là các thành viên kém phát triển.   Cụ thể, IMF khăng khăng chủ trương "thắc lưng buộc bụng" (thăng bằng ngân sách, tăng lãi suất ...). Tin tưởng vào sự toàn thiện độc tôn của "thị trường", IMF nhất quyết ôm giữ mô hình này như một kẻ cuồng tín.  Chưa hết, đòn đo ván của Stiglitz là IMF chỉ nghĩ đến quyền lợi của giới tài chính và ngân hàng, không đến phúc lợi của ai khác ngay trong các nước phát triển, đừng nói chi đến các nước nghèo.

Hơn nửa quyển sách là hai chương. Chương 4 nói về kinh nghiệm trong khủng hoảng tài chính Đông Á năm 1997, và chương 5 phân tích trường hợp của Nga

Theo Stiglitz thì câu chuyện Đông Á khá dễ hiểu: (a) Các quốc gia trong khu vực đã phát triển vượt bực trong hai thập kỷ trước đó, chủ yếu là nhờ sự hướng dẫn khôn ngoan của nhà nước, trái với chính sách IMF (và do đó, cho đến 1997, IMF đã làm như không biết sự thành công này),  (b) nguyên nhân khủng hoảng là vì tự do hoá quá sớm thị trường vốn, (c) can thiệp "cấp cứu" của IMF càng làm khủng hoảng trầm trọng thêm, (d) những nước không nghe lời IMF thì phục hồi sớm hơn những nước theo IMF.

Về trường hơp Nga, Stiglitz cho rằng nước này đã thất bại vì nghe lời IMF theo "liệu pháp sốc" (shock therapy): buông thả giá cả quá nhanh và tư hữu hoá quá vội vàng (nhất là khi so sánh với Trung Quốc là nước theo "biện pháp từ từ" (gradualism)).  Theo Stiglitz, đáng lẽ Nga phải chuẩn bị môi trường pháp lý và chính trị trước khi thả lỏng giá cả và tư hữu hoá.

Chương cuối cùng ("Con đuờng truớc mắt") là có nhiều phân tích khách quan và đề nghị chính sách tích cực nhất.  Ông khẳng định tán dương toàn cầu hoá nói chung, chỉ chống đối cách thức toàn cầu hoá khư khư bám vào lý thuyết căn bản thị trường.  Stiglitz cũng cực lực phê phán chính sách đầy tính đạo đức giả của các nước tư bản giàu: trong lúc hô hào thế giới mở cửa thị trường thì chính họ khép cửa thị trường, trong lúc hối thúc các quốc gia chuyển tiếp nhanh chóng tư hữu hoá thì các nước tư bản -- hơn ai hết -- còn đầy quốc doanh vì đã từng thất bại ê chề trong tư hữu hoá.  Stiglitz đưa ra những đề nghị: cải thiện thể chế kinh tế tài chính toàn cầu, nhà nuớc cần can thiệp nhiều hơn để loại trừ những thất bại thị trường và đảm bảo công bằng xã hội.  Không khác gì các đề nghị của những người xuống đường ở Seattle, ở Genoa!

III.

Ưu thế của Stiglitz trong tác phẩm này là ở sự hiểu biết lý thuyết kinh tế tinh sâu và cao cường hơn chính những người chỉ trích ông (về sự thất bại của thị trường, về quỷ đạo của tiến trình thích ứng (dynamic adjustment path), v..v..)  Ông phê phán tiến trình toàn cầu hoá hiện nay không phải từ quan điểm của cánh tả ("bốc lột giai cấp", chủ nghĩa thực dân mới, hay bảo vệ môi trường) nhưng trên lý tưởng "dân chủ" mà phương Tây hay tự hào, và tính đạo đức giả trong chính sách của IMF.  Chỉ trích của Stiglitz "đau" vì nó vạch rõ những chính sách của IMF tối hậu chỉ là để phục vụ quyền lơi kinh tế một thiểu số, dù có được ngụy trang bằng lý thuyết kinh tế màu mè.  Và tệ hơn nữa, IMF đã theo những muc tiêu đó trong sự thiếu hiểu biết và lầm lẫn lý thuyết..

Stiglitz không là người đầu tiên chỉ trích IMF là thiếu dân chủ và có hại cho người nghèo.  Nhưng trước đây thì người chỉ trích như thế thường bị bác bỏ là không biết gì về lý thuyết kinh tế.  Với sự xuất hiện của Stiglitz trong hàng ngũ này (cùng với Dani Rodrik ở Harvard, Robert Wade của London School of Economics, và nhiều kinh tế gia khá nổi tiếng khác) tiếng nói những người chỉ trích IMF được nặng ký hơn.  Song, có người sẽ hỏi: chẵng lẽ đến khi làm cho Ngân Hàng Thế Giới thì Stiglitz mới phát giác rằng chính phủ các nước tư bản đã đặt quyền lợi thương mại trước quyền lợi của đông đảo dân chúng, của môi trường sinh thái?

Tuy nhiên, những dẫn chứng của Stiglitz về kinh nghiệm thực tế có nhiều chỗ không ổn. Qua Stiglitz, người đọc có ấn tượng là thế giới sẽ tốt đẹp hơn nếu không có, hoặc không nghe lời IMF.  Đây là một khẳng định không thể kiểm chứng.  Nhìn lại quá khứ thì thị lực bao giờ cũng là 20/20.  Chẳng hạn như Trung Quốc khác với Nga lúc bắt đầu thời kỳ chyển tiếp.  Một nuớc là nông nghiệp, chậm tiến, một nước là công nghiệp, tương đối hiện đai.  Tính khả thi cũng như sự thành công của từng chính sách hiển nhiên là tuỳ vào điều kiện ban đầu.  Ai có thể nói chắc rằng Nga không thành công như Trung Quốc chỉ vì Nga theo liệu pháp sốc?

Chính Stiglitz cũng nhìn nhận rằng khó so sánh nước này với nước khác, chẳng hạn như giữa Mỹ La Tinh và Đông Á.  Song ông không nói đến những nước theo biện pháp "từ từ" nhưng thất bại (như Rumania, Ukraine, Belarius ..) và những nước theo liệu pháp sốc nhưng thành công (như Ba lan, Hungary, Estonia).

Thực tế kinh nghiệm các nước chẳng trắng đen như trong bức tranh Stiglitz. Không khó đơn cử những con số cho thấy Nga không hẳn là thất bại, và Trung Quốc không hẳn là trọn vẹn thành công. Khủng hoảng Đông Á có nhiều nguyên nhân (nhất là ở chế độ tỷ giá bất hợp lý) không chỉ là vì sự thả lỏng thị trường vốn.  

Để làm nổi bật lập luận của mình, Stiglitz có khuynh hướng  "ma quỷ hoá" (demonize) đối thủ, thô tục hoá ý kiến của họ.  Lắm lúc Stiglitz đi quá xa, nhất là ở chỗ đồng hoá IMF và trường phái tự do thị trường.  Thực sự, nhiều người chủ chốt trong phái này cũng đã chỉ trích IMF không thua gì Stiglitz.  Milton Friedman và Alan Metzler, chẳng hạn, đã từ lâu công khai kêu gọi dẹp bỏ tổ chức này, với lý do rằng chính sách cho vay cấp cứu của IMF sẽ gây một  "hiểm nguy đạo đức" (moral hazard), dựa trên một lý thuyết về thông tin tinh tế không kém thuyết thông tin không đối xứng của Stiglitz.  

Cũng vậy, Stiglitz đã cường điệu khi cho rằng tất cả những người theo "liệu pháp sốc" là không biết gì về sự quan trọng của thể chế.  Stiglitz không thấy, hoặc không chịu nhận, rằng những nguời này có thể rất ý thức sự quan trọng đó, nhưng họ có thể nghĩ thêm rằng thực hiện trước những cải cách kinh tế (thị trường) là tốt vì chúng sẽ lôi theo (dù không phải là trơn tru) những cải cách chính trị và xã hội (chẳng hạn như: khi giai cấp trung lưu trở nên đông đảo thì những đòi hỏi dân chủ cũng sẽ mạnh mẽ hơn).  Có thể là những người này lầm, song, tiên nghiệm, không phải họ hoàn toàn phi lý.

Quyển sách có một vết tì đáng tiếc, đó là Stiglitz lắm khi không công bình, có nhiều chỉ trích nặng tính cá nhân, gần như bôi lọ, đồng nghiệp lâu năm (như Stanley Fischer, Larry Summers...) chỉ vì không đồng ý với mình.  Ngược lại, đa số những người chỉ trích Stiglitz là các quan chức trong Ngân Hàng Thế Giới và IMF (Wolfensohn, Fischer)   Họ trách Stiglitz đã làm tổn hại uy tín và công hiệu của các tổ chức quốc tế mà chính Stiglitz đã lãnh đạo. 

Vài nhà bình luận có thiện cảm với Stiglitz (như trên báo Business Week) đã so sánh ảnh hưởng quyển này với quyển Capitalism and Freedom của Milton Friedman, ở chỗ nó giúp đem lý thuyết kinh tế chuẩn mực vào các bàn cải chính sách.  Đúng là công trình cũa Stiglitz sẽ làm người đọc có ý thức rõ hơn về những hạn chế của kinh tế học tân cổ điển, song tác phẩm này -- vì nhắm đơn thuần vào IMF -- sẽ ít có triển vọng cách mệnh lối nhìn của chính sách kinh tế nói chung.  Dù vậy, ông đã làm nhiều người nhìn IMF và các tổ chức quốc tế với con mắt khác, ít tốt đẹp hơn.  Những chỉ trích như của Stiglitz đã gây áp lực IMF công khai nhìn nhận một số sai lầm trong chính sách cũng như trong mục tiêu của tổ chức này. 

Đối với những kinh tế gia thuần tuý, quyển sách này của Stiglitz sẽ gây thất vọng, hầu như tiếc nuối, vì nó chỉ nhại lại những lý thuyết đã có 20-30 năm nay, không gì mới.  Stiglitz là một nhà nghiên cứu siêu việt, còn tương đối trẻ (61 tuổi), và những phân tích của ông về vai trò thông tin đã đóng góp đáng kể cho kinh tế học.  Song, tiếc thay, Stiglitz chưa bao giờ sắp xếp lại những lý thuyết, công trình lẻ tẻ của mình thành một hệ thống mạch lạc.  Bây giờ, với Nobel trong tay, khó tưởng tượng Stiglitz sẽ bỏ thì giờ làm việc ấy.  Thế nên, điều oái oăm là khi tên tuổi Stiglitz đang lên cực điểm trong dư luận đời thường thì tên tuổi Stiglitz, nhà lý thuyết kinh tế, đã một phần đi vào cái chạng vạng của hoàng hôn nghề nghiệp.

Trần Hữu Dũng

Dayton
Tháng 6, 2002


 

[1] Chia với George Akerlof va` Michael Spence.

[2] Tựa tiếng Anh: "Globalization and Its Discontents", tiếng Pháp: "La Grande Désillusion", tiếng Đức: "Die Schatten der Globalisierung".  Sách này được phát hành ở Pháp và Đức trước khi ở Mỹ vì, theo Stiglitz, châu Âu để ý nhiều hơn đến vấn đề toàn cầu hoá.

[3] Một chi tiết khá thú vị: George Akerlof (người nhận chung Nobel với Stiglitz) cũng đã lấy hứng nghiên cứu về vai trò kinh tế của thông tin qua những năm ông làm Peace Corps ở Ấn Đô.

[4] "Washington Consensus": Cụm từ thường dùng để gọi một số quan điểm mà chính phủ Mỹ và các tổ chức quốc tế có trụ sở tại Washington ngầm đồng ý về chính sách mà các nước đang phát triển, hoặc chuyển tiếp, cần theo.  Ba quan điểm cốt lõi là (a) tự do hoá thị trường, (b) tư hữu hoá, (c) không lạm chi ngân sách.

[5] International Monetary Fund (Quỷ Tiền Tệ Quốc Tế)

[6] World Trade Organization (Tổ Chức Thương Mại Thế Giới)