TƯ DUY TRIẾT HỌC TRẦN ĐỨC THẢO

VÀ TƯ TƯỞNG NHÂN VĂN HỒ CHÍ MINH

 

 TS. Cù Huy Chử

 

                            

Từ sau Cách mạng tháng 8-1945, Hồ Chí Minh đã có ảnh hưởng lớn đối với giáo sư triết học Trần Đức Thảo. Tư tưởng, cuộc đời cao đẹp của Hồ Chí Minh được Trần Đức Thảo chiêm nghiệm, vận dụng trong hoạt động sáng tạo khoa học cho đến cuối đời, đặc biệt là tư tưởng nhân văn. Trần Đức Thảo là một nhà trí thức yêu nước, một nhà khoa học lớn. Trong tự thuật của mình ông đã viết như sau: “Trong hành trình của tôi, tôi đã đến với chủ nghĩa Mác qua hai con đường: Thứ nhất, đó là cuộc đấu tranh đòi tự do cho dân tộc của chủ nghĩa xã hội. Thứ hai, nghiên cứu triết học và lịch sử triết học đã cho tôi thấy rằng chỉ có duy nhất chủ nghĩa Mác - Lênin mới vạch ra con đường đúng đắn để giải quyết những vấn đề cơ bản về phần lý luận khoa học.  Trong những năm sau chiến tranh, lần đầu tiên khi được làm quen với những chính văn (tác phẩm nguyên bản) của chủ nghĩa Mác, tôi rất ngạc nhiên bởi những lời nhận xét trong tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản về khả năng chuyển qua giai cấp vô sản của một bộ phận trí thức tư sản, trong thời kỳ khủng hoảng toàn bộ của chủ nghĩa tư bản qua việc nghiên cứu lịch sử thế giới. Điều này đã định hướng các nghiên cứu triết học của tôi từ những vấn đề đơn thuần là trừu tượng đến việc suy xét một cách toàn diện về tính chân thực của vận động của lịch sử, của tự nhiên, lý, hóa đối với cuộc sống, xã hội và ý thức.

“Vào thời kỳ mà cuộc đấu tranh giai cấp đã đi đến lúc quyết định thì quá trình tan rã bên trong tầng lớp thống trị, bên trong toàn bộ xã hội cũ mang một tính chất mạnh mẽ và triệt để đến mức một bộ phận của tầng lớp thống trị sẽ tự rời bỏ giai cấp mình và liên kết với tầng lớp, với giai cấp cách mạng, tầng lớp nắm giữ tương lai trong tay họ. 

Cũng tương tự như trước đây một bộ phận quý tộc chuyển qua giai cấp tư sản, ngày nay cũng tương tự như vậy, một bộ phận tư sản sẽ chuyển qua giai cấp vô sản. Đặc biệt hơn, một bộ phận những nhà tư tưởng tư sản với sức mạnh công việc của mình họ có thể nổi lên do am hiểu về lý luận toàn bộ quá trình vận động của lịch sử”. (Tiểu sử tự thuật in trong: Trần Đức Thảo, Sự hình thành con người NXB ĐHQG Hà Nội, 2004, tr.144). 

Trần Đức Thảo nói về triết học của mình là “triết học duy vật biện chứng nhân bản” (Trần Đức Thảo, Hồi Ký), góp phần sáng tạo chủ nghĩa Mác, gắn bó mật thiết với tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh. Có thể khái quát một số nét cơ bản như  sau:

Một là, chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh là tư tưởng nhân văn lớn. Hồ Chí Minh đã chiến đấu không ngừng để thực hiện sự nghiệp giải phóng dân tộc, vì một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh. Đây là gốc rễ của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh. Vì tư tưởng nhân văn luôn luôn lấy con người làm trung tâm, làm mục đích. Nhưng con người luôn luôn tồn tại trong đôi điều kiện tự nhiên (Mác) nghĩa là phải tồn tại vừa chủ quan vừa khách quan trong một đất nước nhất định và một cộng đồng xã hội dân tộc nhất định. Hồ Chí Minh đã nhận thức một cách biện chứng sự thống nhất giữa quyền con ngườiquyền độc lập dân tộc như trong lời mở đầu bản Tuyên Ngôn Độc Lập ngày 2/9/1945.

Tư tưởng ấy của Hồ Chí Minh là chân lý, đã cuốn hút, thuyết phục Trần Đức Thảo ngay từ đầu. Trần Đức Thảo đậu đầu bằng thạc sỹ triết học (1943) tại trường Cao đẳng sư phạm phố Ulm, là một trong những trường Đại Học danh giá nhất của nước Pháp và Âu Mỹ, mà ông cũng là người sinh viên ngoại quốc duy nhất học ở trường này từ khi nó được thành lập cho đến lúc ấy, được cấp bằng thạc sỹ, mà là bằng thủ khoa. Năm 1944 đi Bỉ để nghiên cứu về Husserl và Hegel . Đây cũng là cơ sở khoa học để sau này Trần Đức Thảo nắm được tinh thần căn bản của chủ nghĩa Mác, sáng tạo và chính xác hóa chủ nghĩa Mác. Tháng 12-1944, Trần Đức Thảo bắt đầu hoạt động đấu tranh giải phóng dân tộc trong phong trào Việt kiều tại Pháp. Trong báo cáo chính trị tại Đại hội Đông Dương, ở Avignon, Trần Đức Thảo đã giới thiệu chương trình xây dựng nền dân chủ ở Đông Dương. Tại đây, ông đã tiếp xúc với các nghị sỹ Đảng Cộng sản Pháp phụ trách nghiên cứu các vấn đề chính trị. Đầu năm 1945, nhân danh tổng phái đoàn của người Đông Dương, Trần Đức Thảo cùng kỹ sư Lê Viết Hường và một số người khác đã gặp và làm việc với Tổng bí thư Đảng Cộng sản Pháp Maurice Thorez. Tháng 9-1945, Trần Đức Thảo viết truyền đơn, họp báo ủng hộ Chính phủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh mới được thành lập. Trên tờ báo Le Monde , khi một nhà báo hỏi: “Người Đông Dương sẽ làm gì khi quân đội viễn chinh Pháp tới?”, Trần Đức Thảo trả lời: “Phải nổ súng”. Vì thế Trần Đức Thảo bị bắt và bỏ tù. Tháng 2-1946  do sự đấu tranh của trí thức Pháp và của Việt kiều, nhà cầm quyền Pháp đã phải thả Trần Đức Thảo. Trong xà lim nhà tù, Trần Đức Thảo đã viết bài báo nổi tiếng Sur L’Indochine (Về Đông Dương), khẳng định quyết tâm giành độc lập của các nước Đông Dương, đăng trên báo Les Temps Modernes số 5 tháng 5/1946. Bài báo này về sau được dịch ra tiếng Việt, đăng trên báo Tiền Phong, Hà Nội, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Đông Dương. Cũng trong nhà tù, do chiêm nghiệm và ý thức về sự đối nghịch sâu sắc giữa chủ nghĩa tư bản đế quốc với dân tộc thuộc địa, Trần Đức Thảo đã hướng tới chủ nghĩa Mác, sau này được thể hiện trong tác phẩm Matérialisme Dialectique (Hiện tượng học và Chủ nghĩa duy vật biện chứng) - NXB Minh Tân, Pa-ri 1951. Đây là tác phẩm được các nhà triết học Pháp và thế giới đánh giá cao, được dịch ra nhiều thứ tiếng.

Năm 1946, tháng 5 và tháng 6, Trần Đức Thảo tiếp xúc với Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Pháp nhiều lần, xin Chủ tịch Hồ Chí Minh về nước để xây dựng Tổ Quốc. Nhưng Hồ Chí Minh đã khuyên Trần Đức Thảo ở lại Pháp tiếp tục học tập, nghiên cứu khoa học, hoạt động trong phong trào Việt kiều yêu nước, tranh thủ sự ủng hộ của các trí thức Pháp đối với nhà nước ta, nhất là trí thức trong Đảng Cộng sản Pháp. Năm 1946-1947, Trần Đức Thảo đã viết nhiều bài ủng hộ Việt Minh, ủng hộ Đảng Cộng sản Đông Dương, chống các lực lượng phản cách mạng, chống bọn thực dân Pháp quay lại xâm lược Đông Dương. Tháng 9-1948, đăng một bài báo nổi tiếng trên tạp chí Les Temps Modernes số 36: Nội dung và thực chất của hiện tượng luận tinh thần. Với bài báo này, Trần Đức Thảo được giới triết học coi như đã tạo lập một trường phái mới về Hegel, một xu hướng triết học tiến bộ.

Ngày 4/1/1949, Trần Đức Thảo được Chủ Tịch Hồ Chí Minh cử làm thành viên Hội Đồng Giáo Dục Quốc Gia. Khi đó Trần Đức Thảo đang còn ở Pháp.

Cuối năm 1949 đầu năm 1950, Trần Đức Thảo đã có cuộc tranh luận nổi tiếng với Jean-Paul Sarte về chủ nghĩa  Marx và chủ nghĩa Hiện Sinh. Quan điểm của Sarte chỉ công nhận chủ nghĩa Marx về chính trị và lịch sử. Ông không coi trọng triết học mac-xit. Ông coi chủ nghĩa Hiện sinh có giá trị triết học hơn. Trần Đức Thảo có quan điểm ngược lại, khẳng định chủ nghĩa Marx có giá trị toàn diện, cả triết học, cả lịch sử - xã hội. Cuộc tranh luận không đi đến kết thúc vì Sarte chưa đọc hết các tác phẩm của Husserl và Marx. Cuộc tranh luận ấy đã đưa Trần Đức Thảo đến sự đoạn tuyệt với chủ nghĩa Hiện Sinh, để đi hẳn về phía chủ nghĩa Marx.

Năm 1951 xuất bản cuốn Hiện tượng học và chủ nghĩa duy vật biện chứng, sau đó Trần Đức Thảo về nước tham gia kháng chiến. Trần Đức Thảo nói: “Về nguyên tắc tôi khẳng định là đứng hẳn về phía chủ nghĩa Marx. Từ đó tôi quyết định trở về Việt Nam. Cần phải làm cho cuộc đời ăn nhập với triết học, thực hiện một hành động thực tế là điều đáp trả những kết luận những lý thuyết của cuốn sách của tôi” (Trần Đức Thảo, Hồi ký).

Về nước, Trần Đức Thảo đã tham gia những công tác chủ yếu sau đây:

§  1952, đầu 1953, làm việc tại văn phòng đồng chí Tổng bí thư Trường Chinh.

§  Năm 1953-1954, đi nghiên cứu thực tế trong quân đội, trong các trường đại học, trung học chuyên nghiệp ở Việt Bắc, đi tham gia cải cách ruộng đất ở Phú Thọ .

§  Năm 1954 tham gia Ban nghiên cứu Văn-Sử-Địa, tiền thân của Ủy ban Khoa học Xã hội và Ban Tuyên huấn Trung ương sau này. Trong thời gian này Trần Đức Thảo đã công bố nhiều tác phẩm trên tạp chí Văn-Sử-Địa.

§  Ngày 27/11 - 8/12/1954, Trần Đức Thảo dự hội nghị và phát biểu nhiều ý kiến về vấn đề đại học. Ở đây Trần Đức Thảo đã nêu những quan điểm đúng và sáng tạo, có tầm nhìn xa: Phải cân bằng và chủ động cả hai mặt giáo dục chuyên nghiệp và nghiên cứu khoa học để nâng cao chất lượng đào tạo, để bảo vệ uy tín của khoa học Việt Nam trên thế giới, nhất là khoa học xã hội, để tiếp cận với thành tựu khoa học hiện đại của thế giới, để khẳng định vị trí và uy tín của khoa học Việt Nam trên trường quốc tế về triết học, về lịch sử, về văn hóa nghệ thuật, về ngoại giao …, để đào tạo các nhà khoa học, các nghệ sĩ, các cán bộ có tài năng phục vụ xây dựng đất nước và phát triển khoa học (Xem Kỷ yếu về Hội nghị trên, được in trong Nguyễn Văn Huyên, Toàn tập, tập 3, NXB GD)

§  Năm 1954 đến năm 1956 là giáo sư Đại học Hà Nội, là Phó giám đốc, là Trưởng khoa Lịch sử Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội.

§  Sau vụ Nhân văn-Giai phẩm, theo gợi ý của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Phạm Văn Đồng và ông Trường Chinh đã bàn với Ban tổ chức Trung ương và Bộ trưởng Bộ giáo dục Nguyễn Văn Huyên bố trí Trần Đức Thảo về công tác tại NXB Sự Thật, để Trần Đức Thảo có điều kiện tiếp tục nghiên cứu, sáng tạo triết học, có điều kiện liên hệ trao đổi khoa học với các nhà triết học các nước, đặc biệt là các nhà triết học Pháp. Từ đây công việc chủ yếu của Trần Đức Thảo là nghiên cứu các tác phẩm kinh điển chủ nghĩa Mác-Lê-nin, sáng tạo các tác phẩm khoa học, để xuất bản tại Pháp và một số nước khác, nhiều tác phẩm Trần Đức Thảo đã trực tiếp gửi cho cơ quan lý luận Trung ương Đảng, cho các đồng chí lãnh đạo của Đảng.

§  Từ tháng 3/1991 đến tháng 4/1993, Ban bí thư Trung ương Đảng cử Trần Đức Thảo đi Pháp để nghiên cứu một số vấn đề khoa học. Thời gian này Trần Đức Thảo tiếp tục sáng tạo chủ nghĩa Mác, với nhiều tác phẩm giá trị. Ngày 24/4/1993 Trần Đức Thảo từ trần tại Pa-ri. Ông được nhà nước ta tặng thưởng huân chương Độc lập hạng nhì.

§  Hàng năm Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn gửi thiếp chúc tết đến Trần Đức Thảo. Ông đặc biệt trân trọng, quý giá và giữ gìn thiếp chúc tết mùa xuân 1968.

§  Năm 1946, Phái đoàn của Chính phủ ta tại Pháp, đã chụp ảnh Trần Đức Thảo để làm tư liệu, để kỷ niệm. Khi về nước Chính phủ đã trao tặng một số trong những bức ảnh ấy cho cụ Trần Đức Tiến, thân sinh của GS. Trần Đức Thảo. 

Mấy nét khái quát trên đây về tiểu sử của GS.Trần Đức Thảo là minh chứng hiển nhiên ông là một trí thức yêu nước, một nhà khoa học đã đi đúng con đường mà Hồ Chí Minh đã chỉ ra: chiến đấu và sáng tạo cho sự nghiệp giải phóng dân tộc khỏi ách nô lệ của chủ nghĩa thực dân, thực hiện một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, giàu mạnh. 

Nhưng điều quan trọng là với tư cách một nhà khoa học Trần Đức Thảo đã sáng tạo những tác phẩm để phát huy chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh.  

§  Từ khi về nước đến năm 1955, trên tạp chí Văn-Sử-Địa, GS.Trần Đức Thảo đã công bố những công trình nghiên cứu: Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo, Truyện Kiều, Văn chương bình dân…

§  Từ năm 1957 đến trước khi mất, Trần Đức Thảo đã viết những tác phẩm: Sự biện chứng của xã hội dân tộc, Về thời kỳ Hùng Vương dựng nước, Về những cái cơ bản chung của lịch sử dân tộc…Trong những tác phẩm này Trần Đức Thảo đã phân tích sâu sắc mối quan hệ biện chứng và sự chuyển hóa giữa tình cảm yêu nước và tư tưởng yêu nước là gắn bó mật thiết với sự phát triển nền kinh tế qua các thời kỳ và cuộc đấu tranh của dân tộc ta chống sự xâm lược của nước ngoài.

§  Trong nhiều thư gửi cho các ông Phạm Văn Đồng, Trường Chinh, Nguyễn Văn Linh, Trần Đức Thảo đã đề nghị: tăng cường nghiên cứu lịch sử dân tộc, tái bản các tác phẩm lịch sử có giá trị, để nhận thức về lịch sử dân tộc không bị gián đoạn, để lịch sử dân tộc không trở thành vườn không nhà trống. Trần Đức Thảo nói: “Để nhận thức về Tổ Quốc, về dân tộc không dừng lại ở những tình cảm cao đẹp mà còn được phân tích một cách sâu sắc về mặt lý luận” (Trần Đức Thảo, Thư gửi Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh). 

Chính vì xuất phát từ tinh thần yêu nước mà Trần Đức Thảo đã rời bỏ Pa-ri hoa lệ, đang ở đỉnh cao của giới triết học Pháp, trở về Tổ Quốc tham gia kháng chiến, cần mẫn nghiên cứu sáng tạo khoa học cho đến tận cuối đời.  

Hai là, một khía cạnh khác của tư tưởng nhân văn lớn của Hồ Chí Minh là Người luôn luôn khẳng định khả năng sáng tạo văn hóa (văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần) của con người. Trong mục đọc sách, ở phần cuối tập Nhật ký trong tù (1942-1943), Hồ Chí Minh đã viết: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hàng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa. Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm đáp ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn” 

Người còn ghi thêm: “Năm điểm lớn xây dựng nền văn hóa dân tộc: 

1.     Xây dựng tâm lý: tinh thần độc lập tự cường.

2.     Xây dựng luân lý: biết  hy sinh mình, làm lợi cho quần chúng.

3.     Xây dựng xã hội: mọi sự nghiệp có liên quan đến phúc lợi của nhân dân trong xã hội.

4.     Xây dựng chính trị: dân quyền.

5.     Xây dựng kinh tế”.  

Cần lưu ý, tư tưởng trên được viết trong nhà tù của Quốc dân đảng Trung Quốc, Hồ Chí Minh đang chuẩn bị khi ra tù sẽ về giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Để thực hiện sự nghiệp ấy vấn đề cốt tử là phải dựa vào sức sáng tạo của con người dân tộc. Nhưng đó cũng chính là vấn đề quan trọng nhất khi nói đến con người. Tính tộc loại của con người, của loài người là ở điểm căn bản này. Loài người không chỉ dựa vào tự nhiên để tồn tại mà chủ yếu là sáng tạo, chế biến lại tự nhiên để tồn tại và phát triển. Trong quá trình sáng tạo ra xã hội, con người cũng sáng tạo ra chính mình. Khi Hồ Chí Minh khẳng định phải dựa vào dân, phải tự lục cánh sinh để tiến hành mọi công tác cách mạng thì chính là dựa vào sức sáng tạo của con người. 

Trần Đức Thảo, cả cuộc đời hoạt động khoa học của mình, hầu như chủ yếu tập trung nghiên cứu lịch sử nhân loại từ thời tiền sử, cổ đại, trung cổ đến thời đại hiện nay, nghiên cứu nguồn gốc loài người, nghiên cứu lịch sử dân tộc…Các tác phẩm như: Sự hình thành con người (1986 Nxb, Đại học quốc gia Hà Nội, 2004) nhiều tác phẩm viết về Khái niệm con người (1987-1990), Về nguồn gốc của loài người (1989),…đều nhằm phân tích, chứng minh hoạt động sáng tạo của con người, của dân tộc trong tiến trình lịch sử. Đặc biệt Trần Đức Thảo đã có cống hiến to lớn trong việc Tìm cội nguồn của ý thức và ngôn ngữ (tác phẩm viết bằng tiếng Pháp, Nxb Xã hội, Paris, 1973). Đây là tác phẩm được nhà nước ta tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ (đợt I). Với tác phẩm này và nhiều tác phẩm khác sau đó Trần Đức Thảo đã trình bày đầy thuyết phục sự biện chứng của năng lượng thần kinh sang năng lượng tâm thần, đặt cơ sở khoa học cho việc nghiên cứu khả năng sáng tạo của con người ở thời xã hội khởi nguyên, được tiếp nối trong con người qua các thời kỳ lịch sử đến thời đại ngày nay. Những tác phẩm cuối đời, Trần Đức Thảo còn đi sâu, đi xa hơn về cội nguồn của sự sáng tạo ấy, bởi mối quan hệ giữa con người với vũ trụ, được tập trung ở sự tiếp nhận và sản xuất năng lượng, trước hết là năng lượng thần kinh chuyển hóa thành năng lượng tâm thần. Nói cho cùng thì đây là cái quyết định con người có tính tộc loại, loài người khác với loài động vật vì loài người có đời sống tâm thần, tình thần. Không phát huy những giá trị tinh thần của con người thì không thể xây dựng xã hội mang tính người, từ đời sống vật chất đến đời sống tinh thần. Xã hội ở thời kỳ sau tiến bộ hơn xã hội ở thời kỳ trước chính là do đời sống tinh thần con người phát triển. Nhưng những giá trị của mọi thời đại đều phải lấy Chân-Thiện-Mỹ làm cột trụ. Những quan hệ giá trị ấy là gốc cho mọi hoạt động sáng tạo của con người vốn được xây dựng từ thời xã hội khởi nguyên. 

Nói đến hoạt động sáng tạo của con người là nói đến lao động. Trong các tác phẩm nghiên cứu về con người và lịch sử, Trần Đức Thảo đã phân tích sự phát triển của các hình thái lao động mang tính loài của con người: Hình thái thứ nhất là lao động mang bản năng xã hội khi con người mới thoát ra khỏi tập đoàn động vật tiền nhân, nghĩa là con người đang chuyển từ dùng dụng cụ (vốn lấy từ cái có sẵn của tự nhiên) sang lao động bằng công cụ đơn giản nhất. Hình thái thứ hai đó là lao động có ý thức hay còn gọi là lao động mang bản năng xã hội có ý thức. Đây là thời kỳ con người có sự trao đổi trong lao động sản xuất và chế tạo công cụ lao động có hệ thống để tác động vào tự nhiên và để hình thành tổ chức lao động. Hình thái thứ ba là lao động mang bản năng xã hội có ý thức, nhưng là lao động tự do, tức sức lao động trở thành hàng hóa trong xã hội tư bản. Marx gọi đó là hình thái lao động mang bản năng xã hội đã phát triển rất cao nhờ vào sự tiến bộ của phương thức sản xuât tư bản chủ nghĩa so với các giai đoạn lịch sử trước đó. Vì vậy muốn có chủ nghĩa xã hội thì phải phát triển hình thái lao động mang bản năng xã hội này lên một trình độ mới, nghĩa là người lao động phải làm chủ những điều kiện lao động của mình. Thực hiện được điều đó thì con người mới tự do phát triển toàn diện. 

Rõ ràng với Trần Đức Thảo, những tư tưởng của Hồ Chí Minh về khả năng sáng tạo của con người đã được luận chứng bằng khoa học triết học đầy sức thuyết phục. 

Ba là, nói đến xây dựng xã hội mới, nói đến sự nghiệp cách mạng, nói đến tình thương con người, Hồ Chí Minh luôn luôn nhấn mạnh phải xây dựng quan hệ tốt đẹp giữa người với người, giữa cá nhân với xã hội, với cộng đồng, giữa nhân dân và cán bộ, giữa mình với chính mình. Đặt câu hỏi cho cán bộ đến học trường Đảng: Học để làm gì? Hồ Chí Minh trả lời: “Học để làm việc, để làm người, để làm cán bộ”. Học chủ nghĩa Mác-Lênin để làm gì? Hồ Chí Minh trả lời: “Học để sống cho có lý có tình”. Trong tác phẩm Đường cách mệnh và nhiều tác phẩm khác về sau, Hồ Chí Minh luôn luôn nhắc nhở: Cán bộ phải là người đầy tớ trung thành của nhân dân. Nhà nước là của dân, do dân, vì dân, nghĩa là nhà nước có trách nhiệm. Tư tưởng của Hồ Chí Minh là phải xây dựng xã hội có quan hệ tốt đẹp để mỗi người ngày càng đẹp hơn: Mỗi việc làm tốt, mỗi người tốt là một bông hoa đẹp, cả dân tộc ta là một vườn hoa đẹp. Trước lúc đi xa, trong Di chúc Hồ Chí Minh viết: Việc trước tiên là  nói đến con người. Trong tác phẩm quan trọng này, Hồ Chí Minh đã nhắc đến tất cả toàn dân, tất cả đồng bào: Từ người có công đối với cách mạng đến những nạn nhân của chiến tranh, đến những người phạm lỗi lầm, từ đồng bào miền núi đến đồng bào miền xuôi…Hễ là con người thì đều được Hồ Chí Minh quan tâm, thương yêu. 

Trong các tác phẩm của mình, những nội dung trên đây được Trần Đức Thảo quan tâm sâu sắc, lý giải một cách khoa học, xuất phát từ chủ nghĩa duy vật biện chứng nhân bản. Trong Luận văn 6 về Phơ-bách, Marx viết: Trong tính thực tế của nó bản chất con người là toàn diện các quan hệ xã hội. Luận điểm ấy của Marx được Trần Đức Thảo vận dụng sáng tạo dưới nhiều góc độ khác nhau, đã làm rõ hơn, sâu sắc hơn tư tưởng nhân văn của Hồ Chí Minh về quan hệ giữa người và người. Trần Đức Thảo khẳng định tư tưởng của Marx là xã hội có trước, cá nhân có sau. Chính hình ảnh xã hội có trong bản thân, ở vỏ não, đã được gửi lại với hình ảnh thân thể bản thân, ở trong vỏ não, nhờ thế con người mới nhận ra bản thân mình trong hình ảnh của cộng đồng. “Con người ta lúc đầu phải nhìn vào người khác, như nhìn vào một cái gương mới nhận ra mình được. Chỉ có khi nào coi con người Pôn giống như mình thì con người Pi-e mới bắt đầu coi bản thân mình là một con người. Đồng thời, đối với Pi-e thì Pôn bằng xương bằng thịt, trong cái thân thể Pôn của anh ta, lại là hình thái biểu hiện của giống người” (Marx, Tư bản, tập thứ nhất, quyển 1, phần 1, Nxb Sự Thật Hà Nội 1984, tr. 74). Đây là nguyên lý căn bản để xây dựng lý thuyết mà Hồ Chí Minh đề cập đến trong Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân (Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12, trang 438). Trần Đức Thảo chỉ rõ muốn chống chủ nghĩa cá nhân thì mỗi cán bộ, mỗi con người phải ý thức được về quan hệ giá trị đầu tiên mà loài người đã hình thành trong thời khởi nguyên, tức là quan hệ đạo đức. Những quan hệ ấy chỉ mang ý nghĩa thực tế khi cả cộng đồng biết công nhận, biết phát huy cái quyền sở hữu cá nhân tức sở hữu bản nhân của người lao động, trên cơ sở ấy mà mỗi con người ý thức được về giá trị của mình và pháp luật phải công nhận giá trị ấy. Phải kế thừa, bồi đắp, phát triển các lớp giá trị bền vững của con người nói chung để tạo ra sự phát triển bền vững cho xã hội. Tư tưởng ấy có ý nghĩa lý luận - thực tiễn sâu sắc. Góp ý kiến vào dự thảo văn kiện Đại hội VII của Đảng cộng sản Việt Nam, Trần Đức Thảo viết: “Dự thảo cương lĩnh xây dựng chủ nghĩa xã hội trong thời kỳ quá độ … là lời đáp đanh thép đập tan âm mưu phá hoại của kẻ thù, đồng thời vạch rõ chủ trương đổi mới của Đảng, sửa chữa sai lầm trước, kiên quyết tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, đó là xã hội trong ấy con người được giải phóng, nhân dân lao động được làm chủ đất nước, mọi người có điều kiện phát triển toàn diện cá nhân, công bằng xã hội và dân chủ được bảo đảm. Chúng ta xây dựng một xã hội đạo đức, văn minh, vì lợi ích và phẩm giá con người. Phục vụ con người là mục tiêu chính của xã hội và có chương trình phát triển kinh tế xã hội. Như thế là dự thảo cương linh đã bác bỏ quan niệm sai lệch của một số nhà lý luận trước đây cho rằng chỉ có quan hệ sản xuất, quan hệ giai cấp mới là căn bản. Còn quan hệ con người, vấn đề đạo đức, phẩm giá con người thì họ không chú ý, hoặc hầu như không chú ý tới. Mà chính quan hệ con người, quan hệ giá trị là một lớp không thể thiếu sót của toàn diện quan hệ xã hội, là bản chất của con người. Đây là cái lớp hình ảnh tâm thần xuất phát từ những tiếng gọi âm hiệu, chỉ hiệu của những liên hệ thần kinh ở bề sâu vỏ óc, xây dựng từ tuổi nhi đồng trong cộng đồng gia đình, hàng xóm, dân tộc, loài người” (Báo Nhân dân, thứ bảy, ngày 26 tháng 1 năm 1991).

Cũng từ luận điểm triết học trên đây Trần Đức Thảo đã khẳng định có con người nói chung tồn tại trong từng cá thể cá nhân. Cái căn bản của con người nói chung ấy cũng được hình thành từ thời khởi nguyên của lịch sử và được duy trì trong quá trình phát triển của lịch sử, thông qua giáo dục gia đình, làng xóm và cộng đồng xã hội dân tộc. Trên nền tảng đó xã hội mới phát triển được và mỗi cá nhân mới tồn tại và phát triển được. Cũng chỉ có như thế thì mới thực hiện được tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng con người. Trong thư gửi ông Phạm Văn Đồng ngày 15/7/1990, Trần Đức Thảo đã viết: “Trong biện chứng phức tạp của toàn diện lịch sử xã hội, cái hướng tiến lên là căn bản nhất. Nhưng đồng thời cũng có những cái cản trở, kìm hãm cái vận động tiến hóa, thậm chí là xoay ngược, đẩy lùi vào tình trạng thoái hóa. Cái xu hướng tiến bộ là cái tốt. Cái lùi xuống là cái xấu. Trong con người mà bản chất là toàn diện những quan hệ xã hội thì cái tốt với cái xấu cũng đấu tranh với nhau, thể hiện và thực hiện sự đấu tranh xã hội giữa cái xu hướng tiến lên với cái lùi xuống. Chính xuất phát từ quan điểm nhân sinh của Luận cương 6 về Phơ-Bách mà Bác Hồ đã căn dặn cán bộ: “Mỗi con người đều có thiện có ác ở trong lòng. Ta phải làm cho phần tốt ở mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu bị mất dần đi. Đó là thái độ của người cách mạng” (Hồ Chí Minh, Toàn tập-bộ cũ, tập 10, trang 666,-bộ mới, tập 12, tr. 558). Về mặt triết học, khi nói đến con người nói chung, Trần Đức Thảo đã nhắc lại luận điểm của Lénine: Cái chung chỉ tồn tại xuyên qua cái riêng và trong cái riêng. Cái riêng chỉ tồn tại trong sự liên hệ với những cái riêng khác để tiến tới cái chung. Như vậy thì cái tốt cái bản chất của loài người, của cộng đồng dân tộc mới tồn tại và phát triển trong mỗi cá nhân. 

Hồ Chí Minh luôn luôn nhắc nhở muốn xây dựng được tư tưởng, tình cảm, đạo đức thì phải kế thừa truyền thống tốt đẹp. Trong Báo cáo chính tại Đại hội Đảng lần thứ II (1952) Hồ Chí Minh viết: Dân ta có lòng yêu nước nồng nàn. Đó là một truyền thống quý báu. Hồ Chí Minh đã chuyển hóa khái niệm trung và hiếu của Nho giáo thành trung với nước, hiếu với dân. Khi chính phủ Trung Hoa dân quốc ban hành quyết định từ nay về sau, xóa bỏ những lễ nghi tưởng niệm Khổng Tử ( 15/2/1927). Hồ Chí Minh đã viết: “Với việc xóa bỏ những lễ nghi tưởng niệm Khổng Tử, chính phủ Trung Quốc đã làm mất đi một thể chế cũ và trái với tinh thần dân chủ. Còn những người An Nam chúng ta, chúng ta hãy tự hoàn thiện mình về mặt tinh thần bằng cách đọc các tác phẩm của Khổng Tử, và về mặt cách mạng thì cần đọc các tác phẩm của Lénine” (Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 2, trang 454).

Trần Đức Thảo đã luận chứng về quy luật  kế thừa nói chung, cả lịch sử tự nhiên và lịch sử xã hội, lịch sử tư tưởng. Ông đã trình bày vấn đề ấy một cách sáng tạo: Một logic hình thức-biện chứng là hình thức tổng quát của vận động thời gian, ở đây cái quá khứ, cái hiện tại, cái tương lai diễn ra trong mỗi lát của cái hiện tại sống động để cái tích cực của quá khứ được cái hiện tại tiếp nhận và cái tương lai tiếp tục phát triển. Đọc Trần Đức Thảo chúng ta nhận thức sâu sắc tư tưởng nhân văn của Hồ Chí Minh về sự kế thừa để phát triển con người, phát triển nòi giống, phát triển các quan hệ xã hội tốt đẹp.

Như vậy, quan tâm đến con người phải rất cụ thể, đối với từng người, đối với từng lứa tuổi, đối với các biện pháp chính sách phù hợp với các thế hệ, các giai đoạn lịch sử. Nhưng lại phải có tầm nhìn chung, bao quát, sâu xa, nghĩa là phải đảm bảo cho con người an sinh để tồn tại và phát triển. 

Bốn là, để phát huy sức mạnh của con người, giá trị của con người, Hồ Chí Minh khẳng định quyền độc lập của dân tộc phải gắn liền với quyền tự do dân chủ. Dân tộc có độc lập mà dân không có dân chủ, tự do thì độc lập có ý nghĩa gì? Đặt câu hỏi trong nhà nước dân chủ, mọi quyền lực đều thuộc về nhân dân thì chính phủ là gì? Người trả lời: “Là đày tớ chung của dân, từ Chủ tịch toàn quốc đến làng. Dân là chủ thì chính phủ là đày tớ …nếu chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi chính phủ” (Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 9, tr. 591). Tính ưu việt và sức mạnh của xã hội mới, chính là tính dân chủ của xã hội và quyền tự do của con người được đảm bảo. Trong quá trình chọn lựa con đường giải phóng dân tộc, Hồ Chí Minh đã học tập kinh nghiệm lịch sử của cách mạng Mỹ, cách mạng Pháp và Cách mạng Tháng Mười Nga (Hồ Chí Minh, Đường cách mệnh, Toàn tập, Tập 2, tr. 269 - 276). Tinh hoa của các cuộc cách mạng ấy là tinh thần dân chủ và quyền tự do được phát huy để tạo ra sức mạnh cho nhân dân làm nên cuộc cách mạng, nhất là Cách mạng Tháng Mười Nga. Chính vì vậy Hồ Chí Minh tin tưởng sâu sắc vào sức mạnh của con người, sức mạnh của nhân dân.

Trần Đức Thảo, đã từng sống, học tập tại nhà trường dân chủ Pháp, vì vậy ông hiểu được giá trị dân chủ, tự do không phải là do giai cấp thống trị ban phát cho nhân dân mà đó là kết quả của truyền thống đấu tranh lâu đời của nhân dân. Truyền thống ấy chính là sức mạnh của nhân dân, của chính sự vận động sản xuất xã hội đem lại. Chính vì vậy, Trần Đức Thảo không chấp nhận những hạn chế của tư tưởng siêu hình duy tâm đã vận dụng vào hoạt động chính trị xã hội để hạn chế, thậm chí xóa bỏ những giá trị dân chủ tự do mà nhân dân lao động đã dày công đấu tranh, vun đắp. Đó chính là nội dung Trần Đức Thảo phản ánh trong hai bài báo: Phát huy dân chủNội dung và hình thức của tự do, đăng trên báo Nhân văn Giai phẩm mùa đông (1956).

Nhưng điều quan trọng, Trần Đức Thảo đã phân tích và khẳng định mối quan hệ biện chứng giữa tự do và tất yếu. Ngay từ năm 1948 khi trả lời thư của A. Kojève, Trần Đức Thảo nói rõ: “Nhưng có lẽ chúng ta không thuộc vào cùng một gia đình tinh thần. Bởi trước khi tiếp cận triết học ngày nay, tôi chỉ là kẻ được Spinoza thuyết phục, và tôi cũng biết đấy là một học thuyết không được ông ưa chuộng cho lắm. Ông định nghĩa tự do bằng cách phủ định tất yếu. Tôi bảo vệ truyền thống lớn của chủ nghĩa duy lý luôn luôn quan niệm chúng là một” (1948). Sau này trong nhiều tác phẩm viết về quyền tự do của con người Trần Đức Thảo đã triển khai tư tưởng của Marx: “Do bản chất của sự vật, vương quốc của tự do nằm ở bên kia lĩnh vực sản xuất vật chất, hiểu theo đúng nghĩa của danh từ này. Giống như người nguyên thủy phải đấu tranh với tự nhiên để thỏa mãn nhu cầu của họ, để bảo tồn và tái sản xuất ra đời sống của họ, người văn minh cũng bắt buộc phải làm như vậy trong tất cả các hình thái xã hội và dưới bất kỳ phương thức sản xuất nào. Với sự phát triển của con người, vương quốc đó của tất yếu tự nhiên cũng mở rộng, vì các nhu cầu của con người tăng lên; nhưng đồng thời những lực lượng sản xuất dùng để thỏa mãn những nhu cầu đó cũng được mở rộng. Trong lĩnh vực đó, tự do chỉ có thể bao hàm ở chỗ là: con người xã hội hóa, những người sản xuất liên hợp điều tiết một cách hợp lý sự trao đổi chất đó của họ với giới tự nhiên, đặt sự trao đổi chất đó dưới sự kiểm soát chung của họ, chứ không để nó thống trị họ như một lực lượng mù quáng; họ tiến hành sự trao đổi ấy một cách ít hao tốn sức lực nhất và trong những điều kiện xứng đáng nhất, phù hợp nhất với bản chất con người của họ. Nhưng tuy vậy, tất cả những điều đó cũng thuộc về vương quốc tất yếu. Chính ở bên kia vương quốc ấy mới bắt đầu sự phát triển của lực lượng con người như một mục đích tự nó, mới bắt đầu vương quốc chân chính của tự do, vương quốc này chỉ có thể phồn vinh trên vương quốc của tất yếu ấy, coi như là trên cơ sở của chính nó.” (Marx, Tư bản, tập thứ 3, quyển thứ ba, Nxb. Sự thật, tr. 437 - 438). Như vậy muốn sáng tạo tinh thần, muốn sống đúng với bản chất con người thì phải có tự do. Nhưng tự do không thể tách rời tất yếu. Quan hệ vật chất được mở rộng là điều kiện tất yếu để phát triển tự do. Chính theo ý nghĩa ấy mà Hồ Chí Minh nói Không có gì quý hơn độc lập tự do. Cần hiểu tự do cho dân tộc, cho Tổ quốc và cho mỗi một con người. Trần Đức Thảo đã đào sâu tư duy triết học để khẳng định bản lĩnh của mình trên con đường nghiên cứu khoa học sáng tạo tinh thần. Nhưng đối với nhân dân, để đảm bảo tự do phải thống nhất phát triển kinh tế, xã hội, chính trị và nâng cao dân trí, văn hóa. Không có con đường nào khác.

Năm là, những tư tưởng nhân văn của Hồ Chí Minh là mang tính cách mạng, mang tính hiện thực. Muốn hiện thực hóa tư tưởng nhân văn thì phải có một nền kinh tế phát triển theo hướng của chủ nghĩa xã hội. Nhân dịp kỷ niệm ngày sinh Lénine, năm 1960, Hồ Chí Minh đã viết: Từ hoạt động thực tiễn và nghiên cứu lý luận, tôi đi đến khẳng định chỉ có chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và nhân dân lao động trên toàn thế giới. Khi nói về xây dựng đất nước, Hồ Chí Minh cũng viết: “Yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, gắn liền với yêu chủ nghĩa xã hội, vì có tiến lên chủ nghĩa xã hội thì nhân dân mình mỗi ngày một no ấm thêm, Tổ quốc mỗi ngày một giàu mạnh thêm” (Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 9, tr. 173). Như vậy tư tưởng nhân văn của Hồ Chí Minh vừa hướng tới mục tiêu giải phóng con người, vừa phấn đấu cho cuộc sống của nhân dân ngày càng no ấm ngày càng hạnh phúc, cho Tổ quốc ngày càng giàu mạnh. Ở đây lý tưởng và hành động thực tế thống nhất với nhau là một.

Trần Đức Thảo trong Hồi ký của mình cũng khẳng định: Chủ nghĩa cộng sản, dù là một viễn cảnh xa xôi đến mấy thì nhất định lịch sử dân tộc và nhân loại sẽ tới đó. Nhưng ông đã luận chứng bằng tư tưởng triết học về sự vận động của chính nền sản xuất xã hội đã diễn ra trong lịch sử nhân loại. Trong các tác phẩm bàn về con người, Trần Đức Thảo đã nghiền ngẫm luận điểm nổi tiếng sau đây của Mác: “Phương thức chiếm hữu tư bản chủ nghĩa do phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa đẻ ra, và do đó cả chế độ tư hữu tư bản chủ nghĩa nữa đều là sự phủ định đầu tiên đối với chế độ tư hữu cá nhân dựa trên lao động bản thân. Nhưng nền sản xuất tư bản chủ nghĩa lại đẻ ra sự phủ định bản thân nó, với tính tất yếu của một quá trình tự nhiên. Đó là một sự phủ định cái phủ định. Sự phủ định này không khôi phục lại chế độ tư hữu, mà khôi phục lại chế độ sở hữu cá nhân trên cơ sở sự hiệp tác và sự chiếm hữu công cộng đối với ruộng đất và những tư liệu sản xuất do chính lao động làm ra” ( Marx, Tư bản, Tập thứ nhất, quyển 1, phần 2, NXB Sự thật, Hà Nội, tr. 318). Nghiên cứu về luận điểm này, Trần Đức Thảo nói rõ: Như vậy sự giải phóng con người không phải là xuất phát từ ý chí luận, mà đó là một quá trình khách quan, tự nhiên của sự phát triển của chính nền sản xuất. Cho nên, như Marx cũng từng nói trong bộ Tư bản: Cuộc cách mạng cộng sản chủ nghĩa của giai cấp công nhân lúc đầu chỉ tước đoạt của cải của một nhúm tư bản tài phiệt, còn những nhà tư bản vừa và nhỏ thì để cho nó tự thủ tiêu trong quá trình phát triển của nền kinh tế. Điều ấy Marx và Engels cũng nói rõ trong Tuyên ngôn của Đảng cộng sản: Sau khi làm cuộc cách mạng chính trị, giai cấp vô sản phải chuyển ngay sang xây dựng kinh tế. Trong Hồi ký Trần Đức Thảo đã nói rõ ý này: Nghĩa là không phải dùng phương pháp hành chính, khủng bố mà phải thông qua hoạt động kinh tế bình thường để chuyển dần những tư liệu sản xuất chủ yếu về cho nhân dân lao động. Quá trình ấy là lâu dài để chuyển biến nền kinh tế theo con đường của chủ nghĩa xã hội, như thế mới đem lại tự do, dân chủ cho nhân dân. Bởi vậy, theo Trần Đức Thảo tư tưởng sau đây của Hồ Chí Minh là mang tính cách mạng, thật sự có ý nghĩa nhân văn vì nó đảm bảo cho xã hội tồn tại phát triển một cách bình thường, phù hợp với quy luật khách quan của vận động lịch sử: Ở thời kỳ quá độ, nền kinh tế của ta còn tại bốn hình thức sở hữu chínhSở hữu của nhà nước tức là sở hữu toàn dân, sở hữu của hợp tác xã tức là sở hữu tập thể của nhân dân lao động, sở hữu của người lao động riêng lẻ, một ít tư liệu sản xuất thuộc về sở hữu của nhà tư bản” Hồ Chí Minh cũng nói rõ: Kinh tế quốc doanh là hình thức sở hữu của toàn dân, nó lãnh đạo nền kinh tế quốc doanh và nhà nước phải đảm bảo cho nó phát triển ưu tiên” (Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 9, tr. 592, 588). Tất nhiên ngày nay chúng ta cần hiểu cách diễn đạt trên đây của Hồ Chí Minh là xuất phát và phù hợp với tư duy của xã hội thời bấy giờ. Ngày nay do thực tiễn đã đổi khác nên cần được tư duy mới cho phù hợp.

Tuy nhiên, như Trần Đức Thảo luận chứng trong Hồi ký của mình thì điều sau đây vẫn giữ nguyên: Sự vận động của lịch sử xã hội loài người đã diễn ra như sau, các chế độ cộng sản nguyên thủy, chiếm hữu nô lệ, phong kiến đã từng bị thay thế thì chế độ tư bản chủ nghĩa tất nhiên cũng sẽ bị thay thế bởi nó tự phủ định nó. Vì vậy chế độ cộng sản, dù xa xôi đến mấy, tất yếu cũng sẽ diễn ra. Nhưng trong quá trình đó, phải nắm lấy khâu trung giới thì mới có thể từng bước tạo ra sự chuyển qua. Chính vì vậy sở hữu công cộng về tư liệu sản xuất chủ yếu, nhất thiết phải tồn tại thì mới có sự chuyển qua ấy. Vấn đề khó khăn ở đây là quản lý ở cấp vĩ mô của nhà nước. Trước hết sự quản lý ấy phải do những người vừa có tài năng, vừa trong sạch (bởi nhân cách cá nhân người lãnh đạo, bởi chính sách đúng của nhà nước) có tầm nhìn xa và có sự nhạy bén trước tình hình trong nước và quốc tế[1].

Tóm lại, đọc Trần Đức Thảo chúng ta càng khẳng định được tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là toàn diện, được đặt trên một nền móng lý luận vững chắc, đầy sức thuyết phục. Tư duy triết học Trần Đức Thảo đã mở ra cho ta phương pháp để nhận thức cơ sở lý luận - thực tiễn, cơ sở lịch sử xã hội của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh một cách sâu sắc.

Viết về những vấn đề trên đây, tôi nhớ lại trước lúc đi Pháp tháng 3/1991, GS.Trần Đức Thảo có yêu cầu tôi tìm cho ông mấy tài liệu sau: Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tác phẩm của đồng chí Trường Chinh nói về: Chủ nghĩa Marx và cách mạng Việt Nam, Một số vấn  đề về văn hóa. Trần Đức Thảo kể lại năm 1950 khi còn ở bên Pháp, ông được một Việt kiều đưa cho xem biên bản của Hội nghị văn hóa toàn quốc họp ở Việt Bắc năm 1948, ông rất lưu ý đến ý kiến của ông Trường Chinh phát biểu tại hội nghị đó, về vấn đề nhân đạo, đại ý có nói: lắm khi vì để thực hiện chủ nghĩa nhân đạo chân chính, chúng ta buộc lòng phải tiến hành những việc làm có vẻ không nhân đạo, ví dụ phải tiến hành chiến tranh. Ông nói: đó là biện chứng cuả lịch sử. Trần Đức Thảo nói tiếp: Những việc làm, những lời nói sau đây của Hồ Chí Minh là hết sức đặc biệt: Tại Đại hội Tour, năm 1920 , khi một cử tọa hỏi Hồ Chí Minh: Nguyễn Ái Quốc, anh đại diện cho ai? Hồ Chí Minh đã trả lời:  Nhân danh toàn thể loài người tôi kêu gọi các đồng chí hãy ủng hộ phong trào giải phóng thuộc địa. Trong Tuyên ngôn độc lập , Hồ Chí Minh thống nhất quyền con người với quyền dân tộc . Khi bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp, Hồ Chí Minh nêu khẩu hiệu: Chống giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Tháng 2/1965, trước lúc viết Di chúc , Hồ Chí Minh đến thăm đền Nguyễn Trãi tại Côn Sơn . Tháng 5/1965 sau khi viết Di chúc , Hồ Chí Minh đến thắp hương tại đền Khổng Tử . Mấy tháng trước lúc mất, Hồ Chí Minh trả lời phóng viên báo Nhân Đạo của Đảng Cộng sản Pháp: Có lẽ xuất phát từ hoàn cảnh của chúng tôi, chúng tôi phải xây đựng đất nước trước hết bằng văn hóa. Trần Đức Thảo nói: Những điều trên đây sắp xếp một cách rời rạc không có hệ thống, nhưng tôi nghĩ chắc chắn Hồ Chí Minh đã hơn hẳn những người lãnh đạo khác ở các nước xã hội chủ nghĩa là Hồ Chí Minh đặt lên hàng đầu sự quan tâm của ông đối với đời sống tinh thần của con người. Có lẽ vì vậy ông là nhà lãnh đạo duy nhất trong các nước xã hội chủ nghĩa được UNESCO suy tôn là Anh hùng giải phóng dân tộc Danh nhân văn hóa . Trần Đức Thảo có ý định viết riêng một tác phẩm về tư tưởng nhân văn của Hồ Chí Minh, tiếc rằng điều ấy chưa kịp thực hiện thì ông đã qua đời.

 

                                                                                                       TS.Cù Huy Chử

 

          Viết tại Ân Tùng Trang, 32 Bác Ái, P. Bình Thọ, Q. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh, nhân sắp đến kỷ niệm ngày mất của GS.Trần Đức Thảo (24/4/1993-24/4/2011)

 

                                                                                                     Ngày 23/01/2011

 

 

Sắc lệnh của Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa Hồ Chí Minh cử Trần Đức Thảo  vào Hội đồng giáo dục quốc gia ngày 4/9/1949

 

 

Ảnh GS. Đức Thảo được chụp để kỷ niệm và lưu niệm hoạt động của phái đoàn Chính phủ VNDCCH tại Pháp (1946). Ảnh này được đưa về triển lãm trong nước, Chính phủ ta tặng cụ Trần Đức Tiến, thân sinh GS.Trần Đức Thảo.

 

 

 

Thiệp chúc Tết xuân Mậu Thân, 1968, Hồ Chủ Tịch gửi GS.Trần Đức Thảo.

 

Chú thích
 

[1] Ở đây, cần lưu ý: 1) Khi nước ta đã trở thành thuộc địa của chủ nghĩa thực dân cũ và mới, thì nó đã nằm trong quỹ đạo của chủ nghĩa tư bản, cho nên mâu thuẫn giữa giai cấp vô sản và tư sản lồng vào trong mâu thuẫn giữa dân tộc thuộc địa và chủ nghĩa đế quốc. Chính vì vậy Hồ Chí Minh đã chọn con đường cách mạng dân tộc, dân chủ, xây dựng chế độ dân chủ nhân dân. Sau đó tiến tới xây dựng chủ nghĩa xã hội. 2) Vì vậy vừa phải xây dựng những yếu tố tư bản chủ nghĩa trong kinh tế-xã hội mà ta chưa có, vận dụng những hình thức pháp quyền tư sản để cho xã hội phát triển bình thường, vừa phải duy trì, phát triển những quyền sở hữu của nhân dân đã giành được trong đấu tranh cách mạng, trước hết là đất đai, hầm mỏ, rừng, sông nước, biển, một số nhà máy, ngân hàng. Những tài sản này không chỉ do đấu tranh mà dân ta giành lại được, có khi phải bỏ tiền ra chuộc lại của các công ty tư bản. 3) Cần luôn luôn chống tư tưởng cực đoan, hoặc tả khuynh, hoặc hữu khuynh. Tư tưởng tả khuynh biểu hiện ở sự nôn nóng, đốt cháy giai đoạn, không tuân theo quy luật của phát triển kinh tế-xã hội. Ngược lại, tư tưởng hữu khuynh đi đến xóa bỏ thành tựu cách mạng, biến tài sản mà nhân dân đã giành được bằng xương máu thành tài sản của một số cá nhân có quyền hành, địa vị lãnh đạo, thành tài sản của các doanh nhân, thành tài sản của các công ty nước ngoài. 4) Cho đến nay, chưa ai bác bỏ được tư tưởng của các nhà lý luận tư sản ở thế lỷ XVII và XVIII , rằng nhất định chế độ phong kiến bị thay thế bởi chế độ tư bản, nhất là những tư tưởng được trình bày trong Khế ước xã hội của Jean-Jacques Rousseau. Cũng như vậy cho đến nay chưa ai bác bỏ được luận điểm của Marx về sự tự phủ định của chủ nghĩa tư bản đưa đến chế độ công hữu về tư liệu sản xuất chủ yếu, đã trình bày ở trên. Đây là tư tưởng khoa học. Bởi vậy cần được trình bày, luận chứng một cách khoa học. Không thể dùng biện pháp hành chính, lấy đa số quyết định thiểu số để bác bỏ. 5) Vấn đề là vận dụng một cách mềm dẻo, tạo ra khâu trung giới để chuyển hóa, chuyển qua từ xã hội tư bản sang xã hội xã hội chủ nghĩa. 6) Sở hữu công cộng của toàn dân, giao cho nhà nước quản lý cũng có thể có nhiều hình thức để vận hành, để tồn tại. Hình thức phổ biến là các công ty kinh tế. 7) Ngày nay khi khoa học kỹ thuật đã trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, thì những hoạt động sản xuất, như tin học, như du lịch, như các loại vốn…đều trở thành tư liệu sản xuất…

 

Lên trang viet-studies ngày 23-1-11