Bài đã đăng trên Doanh Nhân Sài Gòn Xuân 2006

Ký ức nhỏ về huyền thoại Trần Đức Thảo

Phạm Hậu

 

LTS. Giáo sư Trần Đức Thảo (1917-1993) tốt nghiệp cao học triết ở Paris, nhanh chóng nổi tiếng ở Pháp và châu Âu về học thuật và hoạt động yêu nước. Năm 1950, ông nhận lời đề nghị của J.P.Sartre (1905-1980, Nobel 1964) luận đàm về chủ nghĩa Mác và chủ nghĩa hiện sinh. Cuối năm 1951, giáo sư về Việt Nam làm công tác giảng dạy, nghiên cứu. Để góp phần nghiên cứu cơ sở lý luận thực hiện nghị quyết Đại hội 6, đại hội của đổi mới với khẳng định “con người phải thật sự là trung tâm của chủ nghĩa xã hội”, Giáo sư Trần Đức Thảo đã viết cuốn Vấn đề con người và chủ nghĩa “lý luận không có con người”. Tác giả bài viết dưới đây đã tham gia quá trình ấn hành cuốn sách nổi tiếng này. Ký ức nhỏ của ông về GS Trần Đức Thảo càng cho thấy nhân cách lớn của một bậc trí thức hàng đầu.

Một hôm, vào khoảng giữa năm 1988, tôi đang trực biên tập thì nhận được điện thoại của anh Tân Đức, Giám đốc Nhà xuất bản, kêu sang làm việc. Tôi vừa bước vào phòng, anh đứng đợi sẵn, tay cầm tẩu thuốc ngang ngực, nheo mắt cười, trầm giọng hỏi:

- Anh có biết Giáo sư (GS) Trần Đức Thảo không?

Tôi hơi bị bất ngờ nên trả lời một cách chung chung:

- Tôi được biết ông là một giáo sư triết học, nhưng hình như bấy lâu nay chưa thấy có tác phẩm nào của ông được xuất bản ở ta cả.

- Sắp có đó. Chính Nhà xuất bản ta sẽ xuất bản - Anh Tân Đức vừa nói, vừa quay vào bàn lấy một tập tài liệu đưa cho tôi - Đây là bản thảo GS Trần Đức Thảo mới gửi đến cho ta, đề cập nhiều vấn đề thực tiễn và lý luận liên quan đến đường lối đổi mới của Đảng. Ông đang được Thành ủy bố trí ở khách sạn Bến Nghé. Tôi chuyển cho anh nghiên cứu và biên tập. Có gì cần, anh đến đó trao đổi với tác giả.

Sau ba ngày đọc bản thảo, tôi gọi điện thoại cho GS Trần Đức Thảo hẹn ngày giờ đến gặp.

Gíao sư đã tiếp tôi bằng một cái bắt tay không “hờ hững” như tôi tưởng, và đặc biệt là nụ cười mới dễ mến làm sao. Tiếp sau thủ tục xã giao rất nhanh ấy, ông đi thẳng vào vấn đề chính:

- Nhà xuất bản TP.HCM có ý kiến thế nào về bản thảo của tôi?

- Xin cảm ơn giáo sư về thiện chí cộng tác với Nhà xuất bản - Tôi trả lời - Bản thảo của giáo sư gồm ba bức thư gửi Trung ương Đảng và đồng chí Trường Chinh, trình bày những nghiên cứu, đề xuất về nhiều vấn đề liên quan đến đường lối đổi mới của Đảng, đặc biệt là đổi mới tư duy lý luận; đồng chí Giám đốc Nhà xuất bản đánh giá rất cao và đã quyết định đưa vào kế hoạch xuất bản ngay trong năm nay. Từ nội dung ấy, đề nghị giáo sư cho phát triển rộng ra thành một cuốn sách với các chương, mục. Tựa đề sách do giáo sư đặt, không để dưới hình thức là những bức thư nữa..

- Tôi tán thành như thế. Cuốn sách sẽ có tựa đề là Vấn đề con người và chủ nghĩa “lý luận không có con người” - Giáo sư quyết định nhanh và dứt khoát. Rồi ông phân tích thêm - Trở ngại quan trọng cho việc đổi mới của ta hiện nay là chủ nghĩa “lý luận không có con người” của phái triết học siêu hình Althusser dựng lên trong những năm 1960 ở Pháp, gắn với cái gọi là “Cách mạng văn hóa vô sản” ở Trung Quốc. Ta cần dùng phương pháp duy vật biện chứng của chủ nghĩa Mác - Lênin phản bác lại chúng, đề cao con người nhân bản, lực lượng quần chúng được phát huy đầy đủ quyền dân chủ, dám đấu tranh mà không sợ bị trù úm, vùi dập, đi đầu xây dựng xã hội mới văn minh, tiến bộ... Cuốn sách dày độ 250 trang là vừa. Tuần sau anh đến lấy phần “Tựa”, sau đó, cứ mỗi tuần tôi giao tiếp 40 - 50 trang...

- Nhà xuất bản có thư viện, giáo sư cần tài liệu tham khảo nào, chúng tôi sẽ mang đến.

- Những thứ cần, tôi đã có. Những trích dẫn quan trọng từ các tác phẩm kinh điển, tôi đã nắm vững từ khi chuẩn bị làm luận án Thạc sĩ triết học ở Trường Đại học Sư phạm cao cấp phố d’Ulm, Paris (đây là trường đại học nổi tiếng toàn nước Pháp và thế giới, chỉ tuyển các sinh viên xuất sắc nhất từ các nước - PH) năm 1943, với đề tài “Phương pháp hiện tượng học của Husserl”, và khi tiến hành năm cuộc luận đàm với J.P.Sartre về chủ nghĩa Mác và chủ nghĩa hiện sinh vào đầu năm 1950. Về sau, trong quá trình giảng dạy triết học ở và giảng dạy môn lịch sử triết học ở Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, rồi qua nhiều năm nghiên cứu, viết sách, dịch thuật các tác phẩm kinh điển, tôi củng cố thêm và hầu như bây giờ đã thuộc lòng trong đầu rồi, kể cả những trích đoạn quan trọng từ các sách kinh điển bằng tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Nga...

Tôi ra về rất phấn khởi vì “sứ mệnh” của mình như thế là bước đầu hoàn thành. Sau đó, “hợp đồng” miệng giữa tôi và tác giả được thực hiện khá trôi chảy. GS Trần Đức Thảo tập trung cao độ cho việc hoàn thành bản thảo. Ông viết nhanh, diễn ý khoáng đạt, tư duy sắc sảo, mạch lạc.

Là người từng viết báo, viết sách nhiều, GS Trần Đức Thảo rất cẩn thận với chữ nghĩa. Có lần ông “đòi” xuống nhà in để sửa đổi một vài chỗ. Thấy ở đây có những công nhân đang nấu, đúc chữ chì, ông tìm gặp bằng được quản đốc phân xưởng và góp ý thẳng thắn: “Bây giờ mà còn in bằng chữ chì nữa sao? Độc hại cho sức khỏe công nhân lắm. Phải chuyển hết sang in offset đi. Các nước người ta làm như thế từ lâu rồi”... Tôi hiểu, ông đang nghĩ đến “Con Người” mà ông trân trọng đề cao trong tác phẩm của mình...

Tháng 11/1988, tác phẩm Vấn đề con người và chủ nghĩa “lý luận không có con người” của GS Trần Đức Thảo ra mắt bạn đọc. Tôi mang 20 quyển đến biếu tác giả. Ông xúc động nâng niu hồi lâu trên tay đứa con tinh thần của mình (dẫu cho cuốn sách được in trên giấy xấu, đen), rồi hỏi với một ý thức trách nhiệm cao đối với độc giả:

- Không có lỗi cần phải đính chính chứ? Nếu có thì phải đính chính thật cẩn thận.

Trong khi đó, ở Nhà xuất bản, Giám đốc Tân Đức mang quyển sách vừa in xong ấy đi các phòng “giới thiệu sản phẩm mới” với cán bộ - công nhân viên cơ quan một cách trân trọng và tự hào:

- GS Trần Đức Thảo từng có nhiều tác phẩm được xuất bản ở nước ngoài, nhưng đây là tác phẩm triết học đầu tiên của ông được xuất bản ở Việt Nam, lại do chính tác giả gửi bản thảo cho Nhà xuất bản ta ấn hành.

Khi qua Phòng Tài vụ, Giám đốc Tân Đức chỉ thị cho kế toán:

- Đây là tác giả đặc biệt, tác phẩm đặc biệt, phải trả nhuận bút đặc biệt.

Đến nay, tôi không nhớ nhuận bút đặc biệt ấy là bao nhiêu tiền, nhưng nhớ rất rõ, khi đưa cho tác giả, ông tỏ ý ngạc nhiên:

- Nhà xuất bản TP.HCM trả nhuận bút cao thế kia à! Cao hơn nhiều lần tiền lương cán sự hằng tháng của tôi.

GS Trần Đức Thảo nổi tiếng trong giới triết học trong nước và thế giới. Ông nhiều lần được giới triết học Hungari, Cộng hòa Dân chủ Đức và Liên Xô mời sang làm việc và trao đổi về một số vần đề triết học, về Hegel...
Trong đời thường, ông là người sống giản dị, thanh bạch, không thích cao sang, không mưu cầu danh lợi cho cá nhân.

Ông sinh ngày 26/9/1917 tại xã Song Tháp, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, trong một gia đình viên chức nhỏ, chủ một nhà dây thép tư nhân (như là đại lý bưu điện hiện nay). Cha mẹ ông đã mất từ lâu. Đã nhiều năm ông vẫn sống một mình, không vợ con. Ông chỉ có hai anh em trai, nhưng người anh là Trần Đức Tảo, Cử nhân Luật, đã hy sinh năm 1947, trong một trận máy bay Pháp ném bom ở Đèo Khế (Thái Nguyên - Tuyên Quang) giữa lúc ông đang giảng dạy, để lại đứa con trai mới hơn một tháng tuổi là Trần Đức Tùng, nay là bác sĩ ở Khu công nghiệp Biên Hòa, cháu ruột duy nhất của giáo sư.

GS Trần Đức Thảo bị bệnh tiểu đường nên phải ăn uống kiêng khem. Đối với ông, tự lực vượt qua khó khăn trong cuộc sống dường như đã trở thành bản lãnh. Vợ chồng anh Tùng và người em gái họ của ông thường lui tới chăm sóc, giúp đỡ ông, nhưng ông bảo “đã quen sống một mình”, nên hay tự đi chợ, nấu ăn lấy. Món ăn ưa thích mà ông tự phục vụ hằng ngày là bánh mì nướng, rau cải ngọt, sườn ram, thịt gà ta và thịt heo thăn luộc. Hầu như ông không ăn cơm. Trang phục ông hay mặc là quần kaki, áo sơ mi trắng, nhưng phải đã ngả màu cũ. Ông cho mặc như thế mới thoải mái, mới mát. Hoạt động chính hằng ngày của ông là nghiên cứu sách, báo, suy nghĩ, tìm tòi và viết... Tiền lương hưu không đủ trang trải cho chi phí sinh hoạt, đi lại, thuốc men, ông phải lấy tiền nhuận bút các tác phẩm được in ở nước ngoài bù đắp vào.

Sau nhiều lần chuyển đổi chỗ ở, cuối cùng ông được Thành ủy TP.HCM cấp một căn nhà ở số 200 Đề Thám, quận 1. Đây là căn nhà trệt, không lớn lắm, nhưng ông hài lòng bảo: “Tôi không coi đó là một bất động sản để nhằm sinh lợi. Tôi xin cấp nhà cốt để có chỗ ở và làm việc ổn định, một địa chỉ ổn định để liên hệ với bạn bè trong và ngoài nước”.

Đồ đạc trong nhà ông thật đơn sơ: một cái giường đơn, một cái bàn, vài cái ghế để ông ngồi làm việc và tiếp khách. Tài sản lớn nhất của ông là những cuốn sách. Quần áo, đồ dùng cá nhân ông đựng gọn trong một cái rương gỗ cũ đã từng theo ông nhiều năm nay. Người giữ nhà cho ông là bà con lối xóm. Không ít lần ông ra khỏi nhà, được bà con nhắc: “Bác khóa cửa vào đã”.

Một hôm, tôi có việc ra bến Bạch Đằng, bất chợt gặp GS Trần Đức Thảo đang “dận guốc mộc” trên vỉa hè gần cột cờ Thủ Ngữ. Tôi dừng xe máy, chào, hỏi giáo sư cần đi đâu, tôi chở. Ông ra hiệu từ chối, rồi bảo tôi: “Ta vào đây uống nước”. Tôi đi theo ông vào một cửa hàng giải khát dưới chân cột cờ Thủ Ngữ lộng gió. Ông chủ động kêu đậu phộng rang và bia. Chúng tôi cụng ly, vui vẻ chúc mừng tác phẩm Vấn đề con người và chủ nghĩa “lý luận không có con người” ra đời. Giáo sư hỏi tôi:

- Anh có nghe dư luận gì về cuốn sách của tôi không?

Tôi trả lời:

- Sách mới ra, còn mới quá; có người khen, cũng có người bảo “có vấn đề”.

- Đúng là “có vấn đề” rồi. Đó là “V-ấ-n đ-ề c-o-n n-g-ư-ờ-i”... - Ông ý nhị nhấn mạnh từng từ, vừa thong thả nâng ly bia, rồi đặt nhẹ xuống bàn và nhón vài hạt đậu phộng, chậm rãi nhai. Sau chừng một tiếng đồng hồ thư giãn như thế, tôi lại chở giáosư về 200 Đề Thám...

Từ đó đến nay, 17 năm đã trôi qua. giáo sư Trần Đức Thảo đã ra người thiên cổ. Năm 1992, giáo sư sang Pháp chữa bệnh, kết hợp thu thập tài liệu cho công trình: Luận lý của hiện tại sống động. Tiếc thay, ông ngã bệnh nặng, mất ở Paris ngày 19/4/1993. Di hài của giáo sư được đưa về Hà Nội, an táng ở nghĩa trang Văn Điển.

GS Trần Đức Thảo được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh với tác phẩm “Tìm cội nguồn của ngôn ngữ và ý thức”. Tác phẩm có giá trị tầm cỡ thế giới này lần đầu được xuất bản ở Paris năm 1973, đã được dịch ra nhiều thứ tiếng, xuất bản ở Mỹ và nhiều nước khác, cũng đã được dịch ra tiếng Việt - Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin xuất bản năm 1996 và Nhà xuất bản Khoa học xã hội tái bản năm 2003. Tác phẩm Vấn đề con người và chủ nghĩa “lý luận không có con người” được dư luận đánh giá cao, và Nhà xuất bản TP.HCM đã cho in lại vào năm 2001. Chắc chắn sẽ ngày càng có nhiều độc giả tìm đọc GS Trần Đức Thảo, nhận chân được những giá trị sâu sắc trong tư duy lý luận của ông, kính trọng, ngưỡng mộ một nhà triết học lớn trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin, có nhân cách và uy tín trong và ngoài nước.

Những ký ức nhỏ trong một dịp gặp gỡ GS Trần Đức Thảo mà tôi ghi lại trên đây xin được xem như nén hương lòng trước anh linh ông.



Trở về trang chủ Trần Đức Thảo  


* Bài đăng Báo DNSG Xuân 2006