NỘI DUNG XÃ HỘI VÀ HÌNH THỨC TỰ DO

 

Trần Đức Thảo

 

            Vấn đề tự do và tự do cho ai, tự do đối với ai, tự do để làm gì.

 

            Tự do của quảng đại quần chúng, đấy là một nội dung chân chính mà chế độ ta thực hiện về căn bản, và có điều kiện để phát triển không ngừng. Nhưng đây là tổ chức chúng ta, tuy xét về nội dung là dân chủ thực sự, nhưng lại bị lũng loạn bởi những bệnh nặng nề: quan liêu, mệnh lệnh, giáo điều, bè phái, sùng bái cá nhân.

 

            Đây là một cuộc đấu tranh cách mạng tiến hành trong nội bộ nhân dân bằng phê bình và tự phê bình, đặng tranh thủ cho mỗi công dân những điều kiện hoạt động chính đáng và cần thiết để góp phần vào nhiệm vụ chung, chống sự kìm hãm và lấn át của những phần tử lạc hậu: quan liêu, bè phái, sùng bái cá nhân ở mọi cấp lãnh đạo. Phải nói rõ ở mọi cấp lãnh đạo, vì nếu xét đến cá nhân thì những bệnh ấy còn khá phổ biến với mức tiến triển của xã hội ta bây giờ, nhưng có ở cương vị lãnh đạo thì nó mới có điều kiện để gây tai hại lớn cho nhân dân. Những sai lầm nghiêm trọng phạm phải trong Cải cách ruộng đất, chỉnh đốn tổ chức,[1] kiến thiết kinh tế và văn hoá là những dẫn chứng hùng hồn. Những sai lầm ấy thì nhân dân ở mỗi địa phương và nhiều cán bộ cấp dưới, mỗi người trong phạm vi của mình, từ lâu đã trông thấy rõ, vì đã phải chịu đựng những tai hại gây ra cho bản thân mình hay chung quanh mình. Mà vì những sự việc ấy có tính chất phổ biến, vấn đề rút kinh nghiệm cũng không đến nỗi khó lắm.

 

            Cụ thể như trong cải cách ruộng đất, đặc biệt là đợt 4 và đợt 5, nhân dân đã có nhiều ý kiến xác đáng, dựa vào những bài học hiển nhiên của lịch sử Cách mạng Việt Nam, vào lý trí và đạo đức tự phát của người thường dân. Ví dụ như trước những nhận định từ trên đưa xuống về tình hình nông thôn, thổi phồng lực lượng của địch và mạt sát cơ sở của ta, thì quần chúng và cán bộ cấp dưới đã có nhiều thắc mắc.

 

            Do quá trình thực tế phản đế, phản phong, tổ chức kháng chiến của ta thì tất nhiên là một tổ chức của nhân dân lao động dưới sự lãnh đạo của Đảng, và nếu có bao gồm một số phần tử phức tạp thì những phần tử ấy nói chung cũng đã được giáo dục ít hay nhiều trong thực tiễn đấu tranh phục vụ nhân dân. Vậy cơ sở ta ở nông thôn trước Cải cách ruộng đất cũng không thể nào xấu đến thế. Nó cần được cải tạo, nhưng không đến nỗi phải đả kích hàng loạt. Mà theo lý trí thông thường của người dân thì nếu thực sự tổ chức của ta đã bị lũng đoạn nghiêm trọng, thậm chí nếu tổ chức của địch lại “lồng vào tổ chức của ta” thì làm sao mà chúng ta kháng chiến được thắng lợi? Đến cấp Huyện và cấp Tỉnh thì cái nội dung “chỉnh đốn tổ chức” lại càng quái gở, cuối cùng, theo tình cảm tự phát và thương yêu bạn đồng đội, không nói gì đến đạo đức và nhân sinh quan cách mạng, thì cũng không thể nào kết án cơ sở chiến đấu của ta một cách đơn giản, chung chung vô trách nhiệm và khinh con người đến mức ấy. Cụ thể ở mỗi địa phương mà đã đánh tràn lan, có tính chất trái ngược, phản tình phản lý của các nhận định chung về tình hình địch và ta đã phát hiện ngay trong việc làm. Nhưng vì cơ cấu của bộ máy lãnh đạo có hướng một chiều, rất nặng về tổ chức và phương tiện đả thông, cưỡng bách mà những ý kiến phê bình của nhân dân hay cấp dưới thì lại hoàn toàn để cho cấp trên quyết định có nên xét đến và cho thảo luận hay không, cho nên những bệnh quan liêu, bè phái, sùng bái cá nhân trong tổ chức lãnh đạo đã có điều kiện khách quan để phát triển, đẩy mạnh tác phong đàn áp tư tưởng, phớt qua quy tắc dân chủ, biến những ý kiến chủ quan thành “lập trường” bất di bất dịch. Nhờ những điều kiện ấy mà những phần tử lạc hậu, bảo thủ, đã ngăn cản ý kiến của quần chúng, cản trở việc sửa chữa sai lầm, cho đến lúc tác hại lớn quá, cơ sở đã bị tổn thất nặng nề, chỉnh đốn tổ chức ở huyện và định phát triển theo một thứ chủ nghĩa nông dân lưu manh hoá. Rõ ràng những phần tử quan liêu bè phái đã lấy thành kiến của họ làm đường lối của lịch sử, biến những sai lầm của họ thành bánh xe vô tình của lịch sử. Một bộ máy hùng mạnh, xây dựng để diệt thù, đến lúc không thấy thù thì lại quay về bạn lấy bạn làm thù mà đập phá bừa bãi.

 

            Sai lầm trong Cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức là một trường hợp điển hình, nhưng thực ra thì trong mọi vấn đề khác như kiến thiết kinh tế và văn hoá, cũng đã phải chờ cho có tai hại lớn lao, đồng thời cũng có ánh sáng của Đại hội XX[2] phát động phong trào tự do dân chủ, mới bắt đầu rút ra bài học kinh nghiệm. Rõ ràng rằng phương pháp phê bình thông thường trong nội bộ tổ chức không đủ để sửa sai kịp thời những sai lầm hết sức quan trọng. Còn những sai lầm tương đối nhẹ hơn hoặc tác hại âm thầm hơn thì tất nhiên lại càng dễ xuý xoá. Cần phải có sự xây dựng tích cực của nhân dân mới ngăn ngừa được ảnh hưởng của những phần tử bảo thủ, lạc hậu, những ông quan liêu, những ông sĩ diện, những ông bè phái luôn luôn cản trở đường lối quần chúng của Đảng. Nhưng vì chúng ta còn thiếu tập quán tự do, việc phê bình công khai tổ chức lãnh đạo thường dễ gây thắc mắc. Dù nội dung phê bình có đúng chăng nữa, dù kinh nghiệm có cho hay rằng không đặt vấn đề trước quần chúng thì không thể nào giải quyết kịp thời, nhiều anh em vẫn chỉ chú trọng nhận xét về “thái độ”, truy nguyên tư tưởng: thiếu tin tưởng, bất mãn, tự do tư sản, thoát ly lãnh đạo, thậm chí là “bôi nhọ chế độ”, “để cho địch lợi dụng!”. Những anh em ấy không thấy rằng nhân dân được sự lãnh đạo của Đảng[3] thì Đảng cũng phải được sự xây dựng của nhân dân, miễn là cuối cùng thì nhân dân thực hiện chủ trương chính sách của Đảng. Mà nếu trong lời phê bình có phần “bất mãn”, thì có cái bất mãn ấy mới sửa chữa được sai lầm, có cái bất mãn ấy thì lãnh đạo mới thoả mãn được nhân dân.

 

            Lãnh đạo theo đường lối quần chúng không phải chỉ là ngồi trên mà “tìm hiểu quần chúng”. Vì như thế vẫn còn là tự đặt mình trên nhân dân, mà người lãnh đạo không có quyền tự đặt mình trên nhân dân.

 

            Kinh nghiệm Cải cách ruộng đất là một bằng chứng điển hình. Không công tác nào đã tập trung chừng ấy phương tiện đả thông và cưỡng bách, bộ máy tổ chức được rèn dũa như một động cơ hiện đại kiên cố, nhưng cũng vì thế mà không nghe thấy ý kiến phê bình của nhân dân rồi đi đến chỗ làm ngược hẳn đường lối chính sách cách mạng, tấn công bừa bãi, phá huỷ… Chính lúc trung ương tin tưởng rằng nhờ tổ chức chặt chẽ mà nắm được hết thì biện - chứng – pháp của lịch sử đã quay lại vấn đề: tổ chức thoát ly quần chúng, lãnh đạo rất yếu, chỉ đạo lung tung.

 

            Chúng ta có thể nhận định, vấn đề tự do nhân dân miền Bắc hiện nay cụ thể trước mắt là tự do đối với những phần tử lạc hậu, bảo thủ, quan liêu, giáo điều của chế độ dân chủ nhân dân, làm lệch công tác lãnh đạo của Đảng, đã gây ra nhiều tổn thất nghiêm trọng cho tổ chức nói chung là kìm hãm công cuộc kiến thiết miền Bắc, tranh thủ miền Nam. Nhiệm vụ chống những phần tử căn bản là nhiệm vụ đấu tranh với ban, tiến hành bằng phê bình và tự phê bình.

 

            Trong bản tham luận đọc trước Đại hội VIII của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đồng chí Đặng Tiểu Bình, hiện giờ Tổng bí thư của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã nói: “Đảng không có quyền vượt lên trên quần chúng nhân dân, tức là Đảng không có quyền ban ơn, cưỡng bách, mệnh lệnh đối với quần chúng nhân dân, Đảng không có quyền xưng vương, xưng bá trên đầu nhân dân”.

 

TĐT

Giai phẩm mùa Đông, tập 1/1956

 

 


 

[1] Chỉnh đốn tổ chức là một danh từ mới thay thế cho danh từ: thanh trừng trong nọi bộ Đảng và trong chính quyền.

 

[2] Đại hội XX Đảng Cộng sản Liên Xô (Bolsevich). (BT)

 

[3] Tư tưởng này đã được Đại hội Đảng CS Việt Nam lần VI năm 1986 khẳng định. (BT)

 

Trở về trang gốc "Trần Đức Thảo"
Trở về trang "Văn Hóa & Giáo Dục