GIÁO SƯ TRẦN ĐỨC THẢO
- NHÀ TRÍ THỨC YÊU NƯỚC, NHÀ TRIẾT HỌC LỖI LẠC,
NGƯỜI SÁNG LẬP CHỦ NGHĨA DUY VẬT BIỆN CHỨNG NHÂN BẢN

 (Sinh ngày 26/9/1917 – mất 24/4/1993)

 

HUÂN CHƯƠNG ĐỘC LẬP HẠNG NHÌ

GIẢI THƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ KHOA HỌC CÔNG NGHỆ (Đợt I)

 

Tiến sỹ Cù Huy Chử

Luật sư Cù Huy Song Hà

 

 

I. Quê hương, giòng họ, gia đình

 

Giáo sư Trần Đức Thảo sinh ngày 26-9-1917 tại Thái Bình, nơi khi ấy thân phụ ông làm chủ sự một bưu điện, mất ngày 24-4-1993 tại Paris, thủ đô Cộng hòa Pháp, trong lúc đang công tác nghiên cứu khoa học, do Ban Bí thư Trung ương Đảng CSVN cử.

Giáo sư Trần Đức Thảo quê ở làng Song Tháp, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Làng Song Tháp nằm giữa cánh đồng lúa mênh mông của huyện Từ Sơn, tiếp giáp với chân núi Sóc Sơn gắn liền với truyền thuyết Thánh Gióng. Làng Song Tháp rất gần đồi Lim, di chỉ văn hóa quan họ nổi tiếng, và núi Bựu gắn liền với lịch sử nhà Trần. Tiếp đến là cả vùng đồi núi huyện Tiên Du đẹp như tranh, thủa xưa là vùng trồng đặc sản rau trái cung phụng cho các triều vua. Con sông Ngũ Khê Huyện sau khi chảy qua năm huyện về ôm lấy làng Song Tháp tạo vẻ đẹp nên thơ, hữu tình. Qua con sông ấy để vào làng Song Tháp hiện còn có một cây cầu xi măng do thân phụ Trần Đức Thảo xây hiến tặng cho làng. Song Tháp như là nơi hội tụ âm vang của tiếng hát quan họ Bắc Ninh và màu sắc của hội Lim, hội Gióng, hội Đô.

Tỉnh Bắc Ninh, huyện Từ Sơn, trong đó có làng Song Tháp xã Châu Khê, là một vùng văn hóa có truyền thống lâu đời, đậm đà bản sắc dân tộc. Đó là cái nôi đã sản sinh dân ca quan họ, vô vàn truyện cổ tích và thần thoại nổi tiếng như truyền thuyết Thánh Gióng, để lại âm hưởng, mầu sắc trong truyện Tấm cám, trong bi kịch Quan âm Thị Kính - Thị Mầu. Cũng chính cái nôi văn hóa ấy đã nuôi dưỡng và hình thành những nhà ái quốc, những chiến sĩ cộng sản lỗi lạc như Ngô Gia Tự, Nguyễn Văn Cừ. Tiếp tục truyền thống cao đẹp hào hùng ấy, quê hương Bắc Ninh trong thời đại ngày nay đã nuôi dưỡng, hình thành một nhân cách lỗi lạc, Trần Đức Thảo, nhà triết học thiên tài của nhân loại, của thế kỷ XX, đã phát triển và chính xác hóa triết học macxít, phù hợp với thành tựu của khoa học hiện đại. Ông đã vinh danh cho trí tuệ Việt Nam trên trường quốc tế.

Làng Song Tháp sống mãi trong ký ức Trần Đức Thảo đến tận cuối đời. Giáo sư đã từng nói với tôi, trong một chiều Sài Gòn: Ông vẫn nhớ những năm tháng thuở nhỏ theo cha về quê ăn tết. Những mảnh nắng vàng phủ sương bay trên cánh đồng rất đẹp, làng Song Tháp nhỏ bé nhưng đằm thắm tình người và tình họ hàng. Bởi vậy ông đã đưa cụ thân sinh về an nghỉ tại quê nhà. Ông rất ân hận chưa làm được việc đó với thân mẫu. Nguyện vọng của ông là khi trăm tuổi, muốn người cháu ruột duy nhất của ông là bác sỹ Trần Đức Tùng con liệt sỹ Trần Đức Tảo, anh ruột ông, đưa ông về yên nghỉ ở làng Song Tháp.

Giáo sư Trần Đức Thảo từ lúc năm tuổi, sau khi từ Thái Bình về, đến lúc đi du học tại Pháp sống ở Hà Nội cùng với cha mẹ. Hà Nội cũng là quê hương của ông. Trần Đức Thảo hiểu rất kỹ về lịch sử văn hóa dân tộc. Ông gần như thuộc lòng từng câu, từng chữ của của Hịch tướng sỹ, Cáo bình Ngô, Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm. Trần Đức Thảo nhớ từng chân tơ kẽ tóc các đường phố Hà Nội cổ, những danh lam thắng cảnh gắn liền với truyền thuyết của Thăng Long. Ông nói: “ Những giá trị hữu thức ấy cứ chìm lắng xuống tạo thành vô thức làm nên cái-mờ-ảo-người, có sức sống kỳ diệu, định hướng cuộc đời”. Viết đến điều này tôi bỗng nhớ một giáo sư phương Tây khi nghiên cứu về Trần Đức Thảo, đã viết: “Có lẽ người Việt Nam ít ai hiểu được và giải thích được nguyên nhân nào đã làm cho cậu bé nhà quê Trần Đức Thảo đã trở nên một trí thức thiên tài, một nhà bác học nổi tiếng của Việt Nam hậu chế độ thực dân”.

Nhưng giáo sư Trần Đức Thảo đã nói một cách rõ ràng nhiều lần trong lời tự bạch: “Thấm thía nỗi đau của một dân tộc mất nước, nô lệ, với khát vọng dân chủ nên đã đi đến chủ nghĩa duy vật biện chứng của Mác để sáng tạo lý luận giải phóng dân tộc, giải phóng con người”.

Giòng họ Trần ở làng Song Tháp là một giòng họ lâu đời, là trực hệ của vua Trần Nghệ Tông. Các đời trước cụ thủy tổ, nhiều người làm quan trong triều đại nhà Trần. Cụ thủy tổ tên là Trần Phúc Hiền, hiệu Thụ Bản, đỗ hương cống (cử nhân) triều nhà Lê,làm quan Thái Bộc Quang Lộc trong triều nhà Hậu Lê, tự Thiếu Khanh. Nhân một lần đi du ngọan về tỉnh Bắc Ninh đã chọn Song Tháp làm nơi xây dựng quê hương bản quán cho hậu thế. Từ đó cho đến thế kỷ 20, trong giòng họ nhiều người vẫn theo đòi nho học, nhiều người làm quan giúp dân trị nước, nhiều người làm thầy thuốc thầy học. Ông nội Trần Đức Thảo là cụ Trần Đức Sán, cũng học chữ nho và làm quan ở bậc hàng tỉnh, tỉnh Bắc Ninh, nhưng về hưu sớm và mất lúc trên 50 tuổi. Thân phụ Trần Đức Thảo là Trần Đức Tiến lúc đầu học chữ nho, nhưng sau khi chữ nho bị bãi bỏ đã chuyển sang học chữ Pháp và quốc ngữ ở một trường thông ngôn. Ông là người học giỏi, nhưng chỉ làm thông ngôn một thời gian ngắn, sau đó làm chủ sự bưu điện ở Đồ Sơn và Thái Bình, sau về Hà Nội. Ông Trần Đức Tiến là một người sống bao dung độ lượng thương người, luôn luôn khuyến khích con cháu học hành. Trần Đức Thảo kể lại hồi ở Hà Nội trong nhà có nhiều anh em họ hàng được cụ thân sinh nuôi ăn học.

Ông Trần Đức Tiến là người có công khai phá làng Song Tháp. Hiện tại làng còn có cây cầu do ông hiến tặng cho làng. Trần Đức Tiến còn là người đi đầu trong việc xóa bỏ các hủ tục, kêu gọi học chữ quốc ngữ, tham gia phong trào Đông kinh nghĩa thục. Những việc làm ấy vẫn được dân làng truyền tụng cho đến ngày nay.

Bà Nguyễn Thị An, mẹ Trần Đức Thảo cũng là con nhà danh giá, nề nếp. Hồi nhỏ Trần Đức Thảo vẫn thường được nghe mẹ hát vè Hà Nội thất thủ và đọc thơ của Ngọc Hân Công Chúa. Bà có sự kết hợp đức tính đôn hậu và nghiêm khắc trong dạy dỗ con cháu. Rất tự hào về dòng họ nhà chồng, nhất là trí tuệ thông minh, bà luôn khát vọng con cái có người nối dõi tông đường.

Ông bà Trần Đức Tiến có hai người con: Trần Đức Tảo và Trần Đức Thảo. Trần Đức Tảo đỗ cử nhân luật có làm công chức cho chế độ thực dân Pháp, là con rể của tổng đốc Dương Thiệu Tường, một trong những tiến sỹ cuối cùng của triều Nguyễn. Cách mạng Tháng Tám thành công, Trần Đức Tảo nhiệt tình tham gia hoạt động cách mạng. Trần Đức Tảo đã xây dựng phong trào văn nghệ mới tại quê nhà để cổ động nhân dân tham gia cuộc kháng chiến những ngày đầu chống thực dân Pháp. Đội kịch của ông đã lưu diễn nhiều nơi trên tỉnh Bắc Ninh. Ông cũng là một trong những nhà báo đầu tiên sau cách mạng Tháng Tám, rồi trở thành cán bộ của Bộ Ngoại giao, đã hy sinh tại Thái Nguyên năm 1947, là liệt sỹ. Trần Đức Tảo có một người con trai duy nhất là bác sỹ Trần Đức Tùng sinh  năm 1947, hiện ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Sau 1954 từ Việt Bắc về Hà Nội, Giáo sư Trần Đức Thảo kết hôn với Tiến sỹ Nguyễn Thị Nhứt, đến ngày 5 tháng 1 năm 1967, theo yêu cầu của bà Nguyễn Thị Nhứt hai ông bà đã thuận tình ly hôn. Từ đó đến lúc mất giáo sư Trần Đức Thảo sống độc thân. Hiểu được nỗi lòng cha mẹ và vì hoàn cảnh của mình, Trần Đức Thảo rất yêu thương và trân trọng bác sỹ Trần Đức Tùng. Lần đầu tiên hai chú cháu gặp nhau tại TP Hồ Chí Minh, Trần Đức Thảo trao lại toàn bộ kỷ vật của cụ Trần Đức Tiến cho bác sỹ Trần Đức Tùng, trong sự xúc động, ông nói: “ Đây là những gì ông bà nội con còn lại, chú trao lại cho con. Con hãy giữ lấy và truyền lại cho các con con. Ông bà nội đặt tất cả hy vọng vào con”.

II.Cuộc đời và tác phẩm:

Từ nhỏ đến lúc đi du học, Trần Đức Thảo ở với cha mẹ ở Hà Nội. Lúc đầu ở tại nhà số 8 Hàng Ngang, sau dời về nhà số 6 Hàng Trống.

1923-1935: học ở trường tiểu học và trung học Pháp tại Hà Nội.

1935-1936: Sau khi đậu đầu tú tài toán và triết, học năm đầu đại học luật tại Hà Nội.

1936: Đến Paris học dự bị để thi vào trường Cao đẳng Sư phạm phố Ulm (Trường Cao đẳng Sư phạm này là trường đại học danh giá nhất nước Pháp và của Âu Mỹ thời bấy giờ cũng như hiện nay).

1936-1939: Học lớp  sinh viên ưu tú để thi vào trường đại học lớn nhất của Pháp (Học xong lớp này số thi đỗ vào các trường đại học lớn rất ít, nhưng số trượt thì cũng được vào thẳng năm thứ hai các trường đại học khác). Trần Đức Thảo đã đỗ vào trường đại học lớn là Trường Cao đẳng Sư phạm phố Ulm.

1939-1941: Học Cao đẳng Sư phạm phố Ulm, đã đỗ thêm một bằng đại học triết học vì quy định bắt buộc để lấy bằng Cao đẳng Sư phạm phố Ulm thì phải có thêm một bằng đại học nữa.

Hè 1940: trú ở Bagnéres-de-Bigorre, vì chiến tranh.

Tháng 10/1940 – 3/1941: trú tại khoa văn chương Đại học Clermond-Ferrand. Chính tại đây Trần Đức Thảo đã gặp giáo sư Jean Cavaillès, người đã hướng dẫn Trần Đức Thảo nghiên cứu các tác phẩm triết của nhà triết học Hiện tượng vĩ đại Husserl, và về sau này giáo sư Jean Cavaillès cũng là người hướng dẫn Trần Đức Thảo làm luận án thạc sĩ về Hiện tượng học Husserl.

Tháng 3/1941-9/1944: Nội trú tại trường Cao đẳng Sư phạm phố Ulm

1942-1943: Nhận văn bằng đặc biệt của ngành giáo dục về triết học, một loại văn bằng rất khó, đòi hỏi thi hết sức nghiêm ngặt về kiến thức khoa học.

1943: Thủ khoa thạc sĩ triết học tại Trường Cao đẳng Sư phạm phố Ulm. Từ khi thành lập trường này, đến những năm 50 của thế kỷ 20, Trần Đức Thảo là người ngoại quốc duy nhất của nước Pháp thi được vào trường và được cấp bằng Thạc sĩ .

1943-1944: Nghiên cứu ở trường Cao đẳng Sư phạm phố Ulm để làm luận án tiến sĩ quốc gia về Hiện tượng luận của Husserl.

Đầu năm 1944 đi Bỉ để nghiên cứu trực tiếp các tác phẩm của Husserl tại thư viện do chính vợ của Husserl lưu giữ. Chính tại đây Trần Đức Thảo đã hiểu thấu đáo tư tưởng triết học của 2 nhà triết học vĩ đại: Hegel và Husserl. Đây cũng là cơ sở khoa học để sau này Trần Đức Thảo nắm được tinh thần căn bản của chủ nghĩa Mác, sáng tạo, chính xác hóa và phát triển chủ nghĩa Mac.

Tháng 10/1944: Tùy viên nghiên cứu tại Trung Tâm nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp (CNRS) .

Tháng 12/1944: Từ một trí sĩ yêu nước, Trần Đức Thảo bắt đầu hoạt động đấu tranh giải phóng dân tộc. Trong báo cáo chính trị tại Đại hội Đông Dương  ở Avignon, Trần Đức Thảo đã giới thiệu một chương trình xây dựng nền dân chủ ở Đông Dương. Tại đây ông đã tiếp xúc với các nghị sĩ Đảng Cộng sản Pháp, phụ trách nghiên cứu các vấn đề chính trị.

Đầu 1945 Nhân danh tổng phái đoàn của Người Đông Dương, Trần Đức Thảo cùng kỹ sư Lê Viết Hường đã gặp và làm việc với Tổng Bí thư Đảng Công sản Pháp Maurice Thorez. Đảng cộng sản Pháp đã hứa ủng hộ và giúp đỡ cho phong trào yêu nước ở Đông Dương. Lời hứa này đã hoàn toàn được giữ.

Tháng 9/1945: Trần Đức Thảo viết truyền đơn và họp báo ủng hộ Việt Minh và Chính Phủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trên tờ báo Le Monde, khi một nhà báo hỏi: “Người Đông Dương sẽ làm gì khi quân đội viễn chinh của Pháp tới?” Trần Đức Thảo đã trả lời: “ Phải nổ súng”. Vì thế tháng chạp 1945 Trần Đức Thảo bị chính phủ Pháp bỏ tù.

Tháng 2/1946: Do có sự đấu tranh của Đảng Cộng sản Pháp, của các trí thức Pháp và của Việt kiều, nhà cầm quyền Pháp đã phải thả Trần Đức Thảo ra khỏi nhà tù.

Tháng 2/1946: Từ trong xà lim nhà tù Trần Đức Thảo đã viết bài báo nổi tiếng: Sur l’Indochine (Về Đông Dương) phản đối thực dân Pháp trở lại xâm lược Đông Dương, khẳng định quyết tâm giành độc lập của nhân dân các nước Đông Dương

(Đăng trên báo Les Temps Modernes số 5 tháng 5/1946).

Cũng trong thời gian ở tù, do chiêm nghiệm và ý thức về sự đối nghịch sâu sắc giữa dân tộc thuộc địa với chủ nghĩa tư bản đế quốc, Trần Đức Thảo đã hướng tới con đường chủ nghĩa Mác-Lênin, định hướng ấy  sau này thành tác phẩm Phénoménologie et Matérialisme Dialectique (Hiện tượng học và Chủ nghĩa duy vật biện chứng -1951). Đây là tác phẩm được các nhà triết học Pháp và thế giới đánh giá rất cao, được dịch ra nhiều thứ tiếng.

1946: Đón và tiếp xúc với Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Pháp nhiều lần, xin Chủ tịch Hồ Chí Minh về nước để tham gia kháng chiến nhưng được Người khuyên ở lại Pháp tiếp tục học tập, nghiên cứu khoa học và hoạt động trong phong trào Việt kiều yêu nước, tranh thủ sự ủng hộ của các trí thức Pháp, nhất là các tri thức trong Đảng Cộng sản Pháp.

1946-1947: Đã viết và đăng nhiều bài ủng hộ Việt Minh và Đảng Cộng sản Đông Dương, chống các lực lượng phản cách mạng, chống bọn thực dân quay trở lại xâm lược Đông Dương.

1947-1948: Hoạt động nghiên cứu khoa học trong trường Cao đẳng sư phạm phố Ulm về Huserl, Kant và Hegel.

Tháng 9/1948: Đăng bài báo nổi tiếng La Phénoménologie de l’Esprit et Son Contenu Réel (Nội dung và thực chất của hiện tượng luận tinh thần  - Tạp chí Les Temps Modernes số 36). Bài báo này nêu lên những quan điểm khác hoàn toàn với Kojève về Hiện tượng luận tinh thần của Hegel. Trần Đức Thảo nói rõ: với bài báo này ông đã đoạn tuyệt chủ nghĩa hiện sinh (Hồi Ký, 1986). Tác phẩm này cũng đã được giới triết học thế giới đánh giá rất cao. Với tác phẩm này, Trần Đức Thảo được giới triết học coi là nhà triết học hiểu thấu đáo, và hiểu đúng về Hegel, tạo lập một trường phái mới về Hegel học.

Cuối 1949-đầu 1950: Trần Đức Thảo đã có cuộc tranh luận nổi tiếng với Jean-Paul Sartre về chủ nghĩa Mác và chủ nghĩa Hiện sinh. Quan điểm của Sartre là chỉ công nhận chủ nghĩa Mac về chính trị và lịch sử. Ông không coi trọng triết học mac-xit. Ông coi chủ nghĩa hiện sinh có giá trị triết học hơn. Trần Đức Thảo có quan điểm ngược lại, khẳng định chủ nghĩa Mác có giá trị toàn diện, cả triết học, cả lịch sử-xã hội. Cuộc tranh luận không đi đến kết thúc vì Sartre chưa đọc hết tác phẩm của Huserl và Marx. Cuộc tranh luận ấy tiếp tục đưa Trần Đức Thảo đến sự đoạn tuyệt chủ nghĩa Hiện sinh.

Ngày 4/9/1949: Trần Đức Thảo được chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh cử làm thành viên Hội đồng giáo dục quốc gia. Khi đó Trần Đức Thảo đang còn ở Pháp.

1951: Xuất bản cuốn Phénoménologie et Matérialisme Dialectique (Hiện tượng học  và Chủ nghĩa duy vật biện chứng) tại nhà xuất bản Minh Tân (ở Paris). Cuốn sách này mãi đến năm 1951 mới xuất bản, chậm vì lí do kỹ thuật. Tác phẩm khẳng định Trần Đức Thảo đứng hẳn về chủ nghĩa Mác. Như ông đã từng nói: “ Về nguyên tắc tôi khẳng định đã đứng hẳn về phía chủ nghĩa Mac. Từ đó tôi quyết định trở về Việt Nam. Cần phải làm cho cuộc đời ăn nhập với triết học, thực hiện một hành động thực tế là điều đáp trả những kết luận lý thuyết của cuốn sách của tôi”. Sau này Trần Đức Thảo nói rõ: trở về Việt Nam tham gia kháng chiến là để thấu hiểu chủ nghĩa Mác – Lê-nin và khắc phục những khuynh hướng phát triển không đúng với tinh thần của Mác, Ăng-ghen và Lê-nin, mà ông thấy đã chớm nở từ sau khi tư tưởng Stalin thống trị học thuyết Mác-xít, cụ thể là tư tưởng siêu hình , tuyệt đối hóa đấu tranh giai cấp, đối lập một cách siêu hình giữa các hệ thống triết học, giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội, không nhận thức được quy luật biện chứng trong sự kế thừa.

Cũng chính từ nhận thức trên đây mà Trần Đức Thảo từ bỏ bảo vệ luận án tiến sĩ về Husserl tại Trường đại học Sorbonne.

Cuối 1951- đầu 1952: Trở về Việt Nam tham gia kháng chiến, qua Praha, Matxcova, Bắc Kinh.

1952: Nghiên cứu thực tế và báo cáo cho Trung ương Đảng về hoạt động sản xuất của các xí nghiệp tại Việt Bắc, báo cáo cho Trung ương Đảng về thực trạng các trường học tại Việt Nam.

 1953: Làm việc tại  văn phòng đồng chí Trường Chinh. Là thư ký của Tổng bí thư và phiên dịch các tác phẩm của đồng chí Trường Chinh.

Được cử làm thành viên của Ban Văn-Sử-Địa (tiền thân của Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng và Ủy ban Khoa học xã hội sau này).

Tham gia cải cách ruộng đất ở Phú Thọ.

1954: Viết 9 bài báo về lịch sử và văn học Việt Nam đăng trên tạp chí Văn-Sử-Địa.

Ngày 27-11-1954 và 1-12-1954, 8-12-1954 dự Hội nghị bàn về Vấn đề Đại học, Giáo sư Trần Đức Thảo nêu quan điểm: Phải cân bằng và chủ động cả hai mặt, giáo dục chuyên nghiệp và nghiên cứu khoa học để nâng cao chất lượng đào tạo đại học, để đảm bảo uy tín của Việt Nam với thế giới, nhất là khoa học xã hội, để tiếp cận với thành tựu khoa học hiện đại của thế giới. Giáo sư Trần Đức Thảo cũng nhấn mạnh vị trí, vai trò của Trường đại học Văn Khoa, bao gồm cả đào tạo các nhà khoa học Xã hội và Nhân văn, về lịch sử, triết học, báo chí văn hóa, nghệ thuật, ngoại giao để khẳng định vị trí và uy tín khoa học của Việt Nam trên trường quốc tế (1)

1954-1956: Giáo sư Đại học Hà Nội, là Phó giám đốc và Trưởng khoa Lịch sử. Giảng dạy lịch sử và Triết học.

Đăng nhiều bài báo nổi tiếng trên Tập san Đại học Sư phạm, Tập san Đại học Văn khoa như: Nguồn gốc ý thức trong sự tiến hóa của hệ thần kinh, Hạt nhân duy lý của biện chứng Hegel.

1958-1961: Tiếp tục nghiên cứu trực tiếp văn bản gốc của chủ nghĩa Mac-Lênin (tiếng Đức và tiếng Nga).

1961-1973: Giáo sư – Chuyên viên cao cấp của Nhà xuất bản Sự thật. Dịch các tác phẩm của Mac-Ănghen (những tác phẩm dịch này Nhà xuất bản Sự thật không công bố tên dịch giả), dịch tác phẩm Perspectives de l’homme (Viễn cảnh của con người) của Roger Garaudy, tác phẩm Xã hội mở và những kẻ thù của nó của Karl Popper (Những tác phẩm này chưa công bố).

1965: Đăng trên tạp chí La Pensée các tác phẩm Le “noyau rationnel” dans la dialectique hégélienne (Hạt nhân duy lý của biện chứng Hegel)- La Pensée số 119 .

1969-1970: Đăng trên tạp chí La Pensée tác phẩm Du geste de l’index à l’image  (Từ cử chỉ chỉ trỏ đến hình ảnh điển hình)- La Pensée số 147,148,149.

Với sự công bố của các tác phẩm trên đây, Trần Đức Thảo lại được các nhà triết học trên thế giới đánh giá rất cao, coi ông thực sự là nhà triết học mac-xít nổi tiếng của thế giới(Từ điển các nhà triết học của Pháp và bình luận của nhiều tạp chí lý luận trên thế giới).

1973: Xuất bản tác phẩm: Recherches sur l’origine du langage et de la conscience (Tìm cội nguồn ngôn ngữ và ý thức)- NXB Xã Hội, Paris . Đây là tác phẩm về sau được phong tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học-Công nghệ đợt1.

1975: Đăng trên tạp chí La Nouvelle Critique tác phẩm De la phénoménologie à la  dialectique matérialiste  de la conscience (Từ hiện tượng luận đến biện chứng duy vật của ý thức)- La Nouvelle Critique số 8  .

1977-1988: Xuất bản tác phẩm: La Philosophie de Staline  Triết học của Staline (Nhà xuất bản May-Paris-1988).

1983-1984: Đăng trên tạp chí La Pensée số 231 tác phẩm: Le mouvement de l’indication  comme constitution de la certitude sensible (Động tác chỉ trỏ như là hình thức gốc của xác thực cảm quan).

1984: Đăng trên tạp chí La Pensée số 240 tác phẩm: La dialectique logique dans la genèse du «Capital» (Phép biện chứng logic phát sinh“Tư bản”).

1985-1993: Hàng loạt tác phẩm bằng tiếng Pháp và tiếng Đức của Giáo sư Trần Đức Thảo chưa công bố như:

La crise du mode de production esclavagiste dans L’Empire Romain(Sự khủng hoảng trong phương thức sản xuất sản sinh ra chế độ nô lệ tại Đế chế La Mã)

La dialectique générale des forces productives dans le passage d’une formation sociale à une autre plus élevée (Biện chứng học tổng quát về những động lực thúc đẩy phát triển trên con đường hình thành xã hội đến những đỉnh cao mới).

La loi des forces productives dans le passage d’une formation sociale à une autre plus élevée (Quy luật thúc đẩy có hiệu quả trên con đường hình thành xã hội sang bước nâng cao mới).

Introduction à la genèse de l’Homme (Giới thiệu nguồn gốc gien của loài người).

La naissance du premier homme (Nguồn gốc của loài người nguyên thủy).

La naissance du langage (Sự ra đời của ngôn ngữ).

Le concept de l’Homme (Khái niệm về loài người)

La naissance de la production, du langage, de la conscience et de la propriété(Sự hình thành sản xuất ngôn ngữ ý thức và sở hữu).

Introduction à l’origine de la société, du langage et de la conscience (Giới thiệu về nguồn gốc xã hội ngôn ngữ  và ý thức).

La formation de l’Homme(Nguồn gốc của loài người).

La dialectique de l’aliénation et le développement humain (Biện chứng của sự tha hóa và sự phát triển của con người).

La double signification du mouvement révolutionaire (Ý nghĩa kép của phong trào cách mạng).

Le concept de la nature humaine dans les textes classifies du  marxisme-léninisme(Bản năng loài người trong những văn bản phân loại của chủ nghĩa Mác-Lênin).

La Méthode de Pensée de Staline (Phương pháp tư tưởng của Staline).

Die Bewegung des Zeigens als Konstitution der sinnilichen GewiBheit (Động tác chỉ trỏ - hình thức của cảm quan xác thực).

Những tác phẩm cuối đời (tháng 3-1991 đến tháng 4-1993).

 

Đây là những tác phẩm viết trong thời gian Giáo sư Trần Đức Thảo được Ban bí thư Trung ương Đảng cử đi công tác tại Cộng hòa Pháp.

La formation de l’Homme  (Sự hình thành con người) 

La formation de l’Homme. Introduction à l’origine de la société, du langage et de la conscience (Sự hình thành con người – Giới thiệu về sự xuất phát của xã hội, ngôn ngữ và ý thức).       

La Formation de l’Homme. Appendix. La liaison du biologique, du social et du psychique. Introduction au problème de l’Homme (Sự hình thành con người.Phụ lục. Mối liên hệ giữa  sinh học, xã hội và tâm thần. Giới thiệu về vấn đề con người)

Recherches Dialectiques (I) – Un Itinéraire (Những nghiên cứu về biện chứng học (I) – Một hành trình)

Recherches Dialectiques (II) – Le Problème de l’Homme (Những nghiên cứu về biện chứng học (II)  - Vấn đề con người)

Recherches dialectiques (III) - La liaison du biologique, du social et du psychique. (Những nghiên cứu về biện chứng học (III) - Mối liên hệ giữa sinh học, xã hội và tâm thần)

“Le noyau rationnel” de la Logique hégélienne (“ Hạt nhân hợp lýtrong phép Logic của Hégel)

La double Phénoménologie  hégélienne et husserlienne (Hiện tượng học kép của Hégel và Husserl)

Nouveau Projet pour la Préface à la seconde édition de “Phénoménologie et Matérialisme dialectique” (Đề án mới để chuẩn bị cho lần xuất bản thứ hai cuốn sách “Hiện tượng học và chủ nghĩa duy vật biện chứng”)

La méthode phénoménologique et son contenu effectivement réel (Phương pháp hiện tượng học và nội dung hiệu quả thực tế của nó)

Introduction a la dialectique de la societe antique (Giới thiệu về biện chứng của xã hội cổ đại)

La logique du présent vivant  (Logic của cái  hiện tại sống động):

I.Pour une logique formelle et dialectique (Về một logic hình thức và biện chứng)

II.La logique comme forme générale de la temporalisation (Logic hình thức –biện chứng, như là hình thức tổng quát của vận động thời gian)

III.La théorie du présent vivant comme théorie de  l’individualité (Lý thuyết của cái hiện tại sống động như là lý thuyết về cái cá thể hóa)

IV.La théorie du présent Vivant comme théorie de l’Associativité  (Lý thuyết về cái hiện tại sống động như là lý thuyết về sự kết hợp)

Những tác phẩm này là đỉnh cao sáng tạo của Trần Đức Thảo, khẳng định ông đã nhận chân những giá trị của hiện tượng học tinh thần của Hegel, hiện tượng luận của Husserl, nắm vững bản chất của chủ nghĩa Mác, nắm vững những thành tựu khoa học của nhân loại và thời đại, đặc biệt là vũ trụ học, sinh học, sử học để đi đến sáng lập chủ nghĩa duy vật biện chứng nhân bản. Hành trình ấy được khắc họa trên hàng loạt công trình nghiên cứu về nguồn gốc con người, về tâm lý, về ngôn ngữ học, đặc biệt thể hiện trong ba tác phẩm căn bản: Từ Husserl đến Marx trở về hiện tượng học và chủ nghĩa duy vật biện chứng (1951), Tìm cội nguồn ngôn ngữ và ý thức (1973), và hai tác phẩm cuối đời: Nghiên cứu biện chứng học, Logic sống động của thời hiện tại. Đóng góp lớn của Trần Đức Thảo là ông đã phân tích, chứng minh một cách khoa học biện chứng của hiện tượng tinh thần, thống nhất với biện chứng của tự nhiên và biện chứng của xã hội , con người. Sáng lập chủ nghĩa duy vật biện chứng nhân bản, Trần Đức Thảo đặt niềm tin bất diệt rằng, trong tuyệt đối con người mãi mãi vươn tới tự do để con người được giải phóng, mỗi cá nhân – nhân cách được tự do phát triển toàn diện, làm tiền đề và điều kiện cho tự do xã hội phát triển toàn diện. (2).

Các  phẩm tiếng Việt đã công bố:

1950: Triết lý đã đi đến đâu (xuất bản tại Pháp).

1954-1990: Lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất trong sự khủng hoảng của xã hội phong kiến Việt Nam (Tập san nghiên cứu Văn-Sử-Địa số 1).

Tìm hiểu giá trị văn chương cũ (Tập san nghiên cứu Văn-Sử-Địa số 3).

Bài Hịch tướng sĩ của Trần Hưng Đạo và xã hội phong kiến Việt Nam (Tập san nghiên cứu Văn-Sử-Địa số 5).

Nguồn gốc ý thức trong sự tiến hóa của hệ thần kinh (Tập san Đại học sư phạm số 1,2-1955).

Nội dung xã hội truyện kiều (Tập san Đại học Sư phạm số 1,2-1956).

Hạt nhân duy lý trong triết học Hegel (Tập san Đại học Sư phạm Văn khoa số 6,7-1956).

15-10-1956: Nỗ lực phát triển tự do dân chủ (Báo Nhân văn, số 3 ra ngày 15/10/1956)

12-1956: Nội dung xã hội và hình thức tự do (Tạp chí Giai phẩm Mùa Đông, tháng 12/1956)

25,26,27-5-1958: “Ông Trần Đức Thảo tự kiểm thảo” (Đầu đề do báo Nhân Dân đặt). Báo Nhân Dân số 25/5/1958, 26/5/1958,27/5/1958)

GS.Trần Đức Thảo đã viết bài cho báo Nhân Văn và tạp chí Giai Phẩm Mùa Đông. Là nhà triết học mac-xit, GS. Trần Đức Thảo ý thức đầy đủ về việc viết các bài báo ấy. Dưới giác độ triết học, Trần Đức Thảo đã phân tích vấn đề đó trong báo cáo gửi Trung ương ngày 20/1/1989, có tựa đề “ Về vấn đề Nhân Văn”(3).

Sau khi đọc kỹ “Báo cáo về vấn đề Nhân Văn”,chúng tôi nhiều lần đề nghị GS. Trần Đức Thảo nói rõ hơn về sự thống nhất “lý tính” với “cảm tính” trong nhận thức về chủ nghĩa duy vật biện chứng - lịch sử. Giáo sư đã nói như sau: “Đây là một vấn đề phức tạp, nhưng khía cạnh sau đây là đáng lưu ý nhất: Phải công nhận có con người nói chung. Tức là khẳng định sự gắn liền, thống nhất biện chứng giữa con người nói riêng với con người nói chung, khẳng định sự thống nhất biện chứng của lịch sử giống người, khẳng định tình hữu nghị giữa các dân tộc chính là sự biểu hiện của sự thống nhất biện chứng ấy. Nói như vậy cũng tức là khẳng định giá trị của con người, của loài người. Ở đây giá trị của mỗi cá thể cá nhân và giá trị cộng đồng dân tộc, nhân loại chỉ có thể phát triển trong mối quan hệ biện chứng, theo xu hướng thống nhất quá khứ-hiện tại-tương lai. Như thế thì mới thống nhất cảm tính và lý tính trong nhận thức và hoạt động thực tiễn theo xu hướng tiến bộ. GS Trần Đức Thảo nói thêm: Trong bối cảnh những năm 40 của thế kỷ 20, ông đã đi từ hiện tượng học đến chủ nghĩa duy vật biện chứng bởi nhận thức rằng đó là con đường duy nhất đúng để giải phóng dân tộc thoát khỏi chế độ thực dân. Nhưng có độc lập dân tộc rồi thì phải phát triển dân chủ, tự do để giải phóng con người. Đây là vấn đề mà người trí thức rất quan tâm”

“Nhưng không thể, không chỉ dừng lại ở sự phê phán tư tưởng siêu hình, duy tâm của Staline-Mao Trạch Đông. Vấn đề là phải chứng minh, luận chứng một cách khoa học, con người nói chung tồn tại, thống nhất biện chứng trong con người cá thể-cá nhân-nhân cách trong mối liên hệ cộng đồng dân tộc, nhân loại trong tiến trình lịch sử. Đó cũng là sự thống nhất biện chứng của sinh học-xã hội-tâm thần, thể hiện sống động trong nguồn gốc của con người, trong sự phát triển của lịch sử giống người, trong nguồn gốc xuất hiện của ngôn ngữ và ý thức. Tất cả nhằm khẳng định quyền con người, quyền tồn tại của cá thể-cá nhân-nhân cách. Như thế cũng là khẳng định giá trị tự do trong tất yếu. Cần thống nhất logic hình thức và biện chứng, để nắm bắt logic như là hình thức tổng quát của vận động thời gian, xây dựng lý thuyết của cái hiện tại sống động như là lý thuyết về cái cá thể hóa và lý thuyết về sự kết hợp”(4)

Triết học Trần Đức Thảo nhất quán với tư tưởng Hồ Chí Minh ở điểm căn bản là tin vào sức mạnh của con người và dựa vào sức mạnh đó để giải phóng con người. Phát huy sức mạnh của con người, giá trị của con người, Hồ Chí Minh khẳng định quyền độc lập của dân tộc phải gắn liền với quyền tự do dân chủ. Dân tộc có độc lập mà dân không có dân chủ, tự do thì độc lập có ý nghĩa gì? Đặt câu hỏi:  Trong nhà nước dân chủ, mọi quyền lực đều thuộc về nhân dân thì chính phủ là gì? Người trả lời: “Là đày tớ chung của dân,từ Chủ tịch toàn quốc đến làng.Dân là chủ thì chính phủ là đày tớ…nếu chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi chính phủ”. Tính ưu việt và sức mạnh của xã hội mới, chính là tính dân chủ của xã hội và quyền tự do của con người được đảm bảo. Trong quá trình chọn lựa con đường giải phóng dân tộc, Hồ Chí Minh đã học tập kinh nghiệm lịch sử của cách mạng Mỹ, cách mạng Pháp và Cách mạng Tháng Mười Nga . Tinh hoa của các cuộc cách mạng ấy là tinh thần dân chủ và quyền tự do được phát huy để tạo ra sức mạnh cho nhân dân làm nên cuộc cách mạng, nhất là Cách mạng Tháng Mười Nga. Chính vì vậy Hồ Chí Minh tin tưởng sâu sắc vào sức mạnh của con người, sức mạnh của nhân dân. (5)

Trần Đức Thảo, đã từng sống, học tập tại nhà trường dân chủ Pháp, vì vậy ông hiểu được giá trị dân chủ, tự do không phải là do giai cấp thống trị ban phát cho nhân dân mà đó là kết quả của truyền thống đấu tranh lâu đời của nhân dân. Truyền thống ấy chính là sức mạnh của nhân dân, của chính sự vận động sản xuất xã hội đem lại. Chính vì vậy, Trần Đức Thảo không chấp nhận những hạn chế của tư tưởng siêu hình duy tâm đã vận dụng vào hoạt động chính trị xã hội để hạn chế, thậm chí xóa bỏ những giá trị dân chủ tự do mà nhân dân lao động đã dày công đấu tranh, vun đắp. Đó chính là nội dung Trần Đức Thảo phản ánh trong hai bài báo: Nỗ lực phát triển tự do dân chủ Nội dung xã hội và hình thức tự do, đăng trên báo Nhân vănGiai phẩm mùa đông .

Nhưng điều quan trọng, Trần Đức Thảo đã phân tích và khẳng định mối quan hệ biện chứng giữa tự do và tất yếu. Ngay từ năm 1948 khi trả lời thư của A. Kojève, Trần Đức Thảo nói rõ: “Nhưng có lẽ chúng ta không thuộc vào cùng một gia đình tinh thần. Bởi trước khi tiếp cận triết học ngày nay, tôi chỉ là kẻ được Spinoza thuyết phục, và tôi cũng biết đấy là một học thuyết không được ông ưa chuộng cho lắm. Ông định nghĩa tự do bằng cách phủ định tất yếu. Tôi bảo vệ truyền thống lớn của chủ nghĩa duy lý luôn luôn quan niệm chúng là một” (1948) . Sau này trong nhiều tác phẩm viết về quyền tự do của con người Trần Đức Thảo đã triển khai tư tưởng của Marx: “Do bản chất của sự vật, vương quốc của tự do nằm ở bên kia lĩnh vực sản xuất vật chất, hiểu theo đúng nghĩa của danh từ này. Giống như người nguyên thủy phải đấu tranh với tự nhiên để thỏa mãn nhu cầu của họ, để bảo tồn và tái sản xuất ra đời sống của họ, người văn minh cũng bắt buộc phải làm như vậy trong tất cả các hình thái xã hội và dưới bất kỳ phương thức sản xuất nào. Với sự phát triển của con người, vương quốc đó của tất yếu tự nhiên cũng mở rộng, vì các nhu cầu của con người tăng lên; nhưng đồng thời những lực lượng sản xuất dùng để thỏa mãn những nhu cầu đó cũng được mở rộng. Trong lĩnh vực đó, tự do chỉ có thể bao hàm ở chỗ là: con người xã hội hóa, những người sản xuất liên hợp điều tiết một cách hợp lý sự trao đổi chất đó của họ với giới tự nhiên, đặt sự trao đổi chất đó dưới sự kiểm soát chung của họ, chứ không để nó thống trị họ như một lực lượng mù quáng; họ tiến hành sự trao đổi ấy một cách ít hao tốn sức lực nhất và trong những điều kiện xứng đáng nhất, phù hợp nhất với bản chất con người của họ. Nhưng tuy vậy, tất cả những điều đó cũng thuộc về vương quốc tất yếu. Chính ở bên kia vương quốc ấy mới bắt đầu sự phát triển của lực lượng con người như một mục đích tự nó, mới bắt đầu vương quốc chân chính của tự do, vương quốc này chỉ có thể phồn vinh trên vương quốc của tất yếu ấy, coi như là trên cơ sở của chính nó.”(6) . Như vậy muốn sáng tạo tinh thần, muốn sống đúng với bản chất con người thì phải có tự do. Nhưng tự do không thể tách rời tất yếu. Quan hệ vật chất được mở rộng là điều kiện tất yếu để phát triển tự do. Chính theo ý nghĩa ấy mà Hồ Chí Minh nói Không có gì quý hơn độc lập tự do. Cần hiểu tự do cho dân tộc, cho Tổ quốc và cho mỗi một con người. Trần Đức Thảo đã đào sâu tư duy triết học để khẳng định bản lĩnh của mình trên con đường nghiên cứu khoa học sáng tạo tinh thần. Đối với nhân dân, để đảm bảo tự do thì phải phát triển kinh tế, xã hội, chính trị, phải nâng cao dân trí, văn hóa. Không có con đường nào khác.

Toàn bộ tư tưởng triết học trên đây, GS. Trần Đức Thảo đã kiên trì, cần mẫn sáng tạo cho đến tận cuối đời, với tất cả nghị lực phi thường để bất chấp và vượt qua mọi trở lực nhằm sáng tạo và chính xác hóa chủ nghĩa Mác, xây dựng chủ nghĩa duy vật biện chứng nhân bản .

Cuối năm 1958, Giáo sư Trần Đức Thảo đề nghị Bộ Giáo dục và Ban tổ chức Trung ương bố trí cho ông đi thực tế ở một cơ sở sản xuất ở Sơn Tây. Nhưng mới đi được mấy tháng thì xảy sự việc: Trong lúc vừa thổi cơm vừa đọc sách, do quên đổ nước vào nồi , nên lửa bốc cháy , đèn dầu hỏa làm bếp thổi cơm bị đổ làm cháy cả lán ở . Sau sự việc đó, Thiếu tướng Hoàng Hữu Kháng, Cục trưởng Cục bảo vệ Trung ương Đảng đã đưa xe hơi đón ông về lại Hà Nội, theo chỉ thị của Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Ủy viên Bộ chính trị, Trưởng ban tổ chức Trung ương Đảng Lê Đức Thọ. Sau này tôi có hỏi Giáo sư Trần Đức Thảo vì sao Giáo sư lại đề nghị đi lao động  thực tế. Giáo sư đã trả lời tôi: “Lúc đó, tôi muốn được thanh thoát về mặt tư tưởng. Hơn nữa trong bối cảnh ấy, thì đó là giải pháp tốt nhất. Huy Cận chẳng đi vùng mỏ, Xuân Diệu chẳng đi Thanh Hóa là gì!”.

Qua ý kiến trên đây, chúng ta thấy trong bối cảnh tố đấu năm 1958, GS. Trần Đức Thảo vẫn rất trung thực và có bản lĩnh khi trình bày những ý kiến của mình trong bản “tự kiểm thảo”…Trong bối cảnh hiện nay, nếu chúng ta đọc lại hai bài báo của GS. Trần Đức Thảo đăng trên báo Nhân Văn và Giai Phẩm Mùa Đông, ta thấy tư tưởng của những bài báo ấy là trong sáng, mang tính xây dựng. Chính với sự trung thực và bản lĩnh khoa học đó mà ở giai đoạn sau Trần Đức Thảo đã có những cống hiến, sáng tạo lớn về triết học được cả thế giới công nhận.

Chung quanh vụ Nhân văn-Giai phẩm, Trần Đức Thảo hiểu được một số nhà lãnh đạo như Phạm Văn Đồng, Trường Chinh , Lê Đức Thọ, Hà Huy Giáp… đã trân trọng tài năng của ông. Chính giữa lúc đang “đấu” ông ở Hội trường Trường Đại học Tổng hợp, Bộ trưởng  Nguyễn Văn Huyên đã đề nghị ông Hà Huy Giáp, Ủy viên Trung ương Đảng ,Thứ trưởng Bộ Giáo Dục công bố thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi Giáo sư Trần Đức Thảo. Sau khi công bố bức thư ấy, cuộc “đấu” được lập tức dừng lại. Giáo sư Trần Đức Thảo đặc biệt cám ơn ông Trường Chinh, trong vụ Nhân văn-Giai phẩm đã không hề phê phán ông mà còn trực tiếp gặp ông để nghe ông trình bày ý kiến, cám ơn Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã tạo điều kiện cho ông tiếp tục cộng tác với các tổ chức nghiên cứu khoa học ở nước ngoài để công bố tác phẩm. Qua hồ sơ, thư từ được lưu trữ, cho thấy Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh và các đồng chí giữ trọng trách của Đảng và Nhà nước như Đào Duy Tùng, Hà Xuân Trường, Nguyễn  Khánh Toàn, Trần Trọng Tân,, Phạm Minh Hạc…đã rất trân trọng Giáo sư Trần Đức Thảo, quan tâm đến đời sống và hoạt động sáng tạo của ông.

Từ 1975-1991: Nhiều bài báo đăng trên tạp chí Cộng Sản, báo Nhân Dân, báo Sài Gòn Giải Phóng và các tạp chí khác.

1988: Vấn đề con người và chủ nghĩa “lý luận không có con người” (Nhà xuất bản TP Hồ Chí Minh).

2-1989: Sự biện chứng của ý thức (Tập san Đổi Mới ,trường Nguyễn Ái Quốc).

1991: Vận dụng triết học Mác-Lênin thế nào cho đúng (Nhà xuất bản Sự thật).

1995:Lịch sử tư tưởng trước Mác (do Nhà xuất bản Khoa học Xã hội công bố).

         

Những tác phẩm tiếng Việt chưa công bố:

 

Thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý.

Về khái niệm vật chất

Bản chất của thế giới.     

Vấn đề con người trong chủ nghĩa Mác-Lênin.

Tính chất khoa học cách mạng của quan điểm vô sản về con người.

Về khái niệm con người.

Con người và xã hội.      

Về cái cơ bản chung trong phương thức sản xuất và con người của các thời đại

lịch sử.        

Về cái cơ bản chung của lịch sử dân tộc.

Về khái niệm bản tính con người.

Về sự tha hóa của con người và chủ nghĩa Mác-Lênin chống tha hóa .         

Về chủ nghĩa nhân đạo thực sự.

Về vấn đề Phương thức sản xuất Châu Á.    

Hệ thống tư tưởng duy tâm siêu hình của Mao Trạch Đông (1,2,3)

          …

Các báo cáo gởi Ban chấp hành Trung ương Đảng về các công trình nghiên cứu khoa học .      

Các thư từ gởi các nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước, trong đó có nhiều bức thư đồng thời là tác phẩm .

- Ngày 24-4-1993 Giáo sư Trần Đức Thảo tạ thế tại Paris, Thủ đô Cộng hòa Pháp.

- Ngày 27-4-1993 Giáo sư Trần Đức Thảo được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng Huân chương Độc lập hạng nhì.

- Ngày 28-4-1993 tại Giảng đường Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Bộ giáo dục và Đào tạo, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội đã tổ chức trọng thể lễ truy điệu Giáo sư Trần Đức Thảo. Các đồng chí Tổng bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Đỗ Mười, cố vấn Ban chấp hành Trung ương Đảng Phạm Văn Đồng, Thủ tướng Chính phủ và Ban bí thư Trung ương Đảng đã gửi vòng hoa viếng.

- Ngày 1-9-2000, Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam ký quyết định số 392KT/CLVT, quyết định phong tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cho 21 công trình khoa học công nghệ, trong đó có tác phẩm “Tìm cội nguồn ý thức và ngôn ngữ” của Giáo sư Trần Đức Thảo.

Trên đây chỉ nêu lên một số tác phẩm tiêu biểu. Giáo sư Trần Đức Thảo để lại khối lượng tác phẩm đồ sộ bao gồm gần 200 tác phẩm tiếng Pháp, tiếng Đức và tiếng Việt khoảng 2 vạn 6 ngàn trang (quy đổi thành trang 13x19).(7)

Toàn bộ hoạt động sáng tạo của Giáo sư Trần Đức Thảo đã khẳng định ông là một nhà trí thức yêu nước sâu sắc, một nhà khoa học lỗi lạc. Trần Đức Thảo đã nói: “ Trong tiến trình của mình, tôi đã được dẫn đến chủ nghĩa Mác bằng hai con đường: một là cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc dẫn tới chủ nghĩa xã hội, một mặt khác nghiên cứu triết học và lịch sử đã chỉ cho tôi thấy rằng chủ nghĩa Mác – Lênin mới cung cấp giải pháp đúng đắn cho những vấn đề chung của lý thuyết khoa học”. (Lời tự bạch của Giáo sư Trần Đức Thảo được công bố trên nhiều tạp chí).

Trần Đức Thảo đã có những phát hiện, những sáng tạo to lớn về nhận thức nguồn gốc loài người, sự ra đời của con người nguyên thủy, sự phát triển tính loài của con người, nguồn gốc của ngôn ngữ và ý thức, đặc biệt là lý thuyết về cái trung giới trong sự vận động của tự nhiên, xã hội và tư duy, sự biện chứng của ý thức,sự biện chứng của năng lượng thần kinh sang năng lượng tâm thần, sự biện chứng của sự hình thành, phát triển con người, giống người, sự thống nhất của logic hình thức và biện chứng,logic như là hình thức tổng quát của vận động thời gian, lý thuyết của cái hiện tại sống động như là lý thuyết về cái cái cá thể, lý thuyết về cái hiện tại sống động như là lý thuyết về sự kết hợp… Trên nền tảng những sáng tạo triết học ấy, Trần Đức Thảo luôn luôn nhìn nhận con người và lịch sử xã hội, lịch sử dân tộc thống nhất trong vận động biện chứng của những hệ thống riêng trong  những hệ thống chung, thống nhất con người nói chung trong vận động, phát triển của lịch sử giống loài, lịch sử dân tộc và nhân loại. Trần Đức Thảo là nhà Triết học lỗi lạc suốt đời chiến đấu cho chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa cộng sản, đã kết hợp trong nhân cách của mình tình cảm và trí tuệ sáng suốt, mẫn tiệp.Tư tưởng triết học cốt lõi của ông là chủ nghĩa duy vật biện chứng nhân bản.

Bản lĩnh sáng tạo đặc biệt của Trần Đức Thảo là ông không ngừng vươn tới sự hoàn thiện trong tư duy khoa học, trong nhân cách để vươn tới sự chính xác trong nhận thức thế giới, sự trong sáng trong hình thức diễn đạt, nhận chân các quan hệ của hiện thực và mối liên hệ của các lớp ngôn từ. Trần Đức Thảo không bao giờ tự vừa lòng với những gì ông đã sáng tạo, đã cống hiến. Có lẽ vì vậy trong cuộc sống, ít nhiều ông cảm thấy cô đơn.     

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh , các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng đã hết sức quan tâm đến hoạt động sáng tạo của Giáo sư Trần Đức Thảo. Tết năm 1968 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thiếp mừng xuân cho Giáo sư Trần Đức Thảo. Hàng trăm nhà khoa học, nhà văn hóa của Việt Nam và của thế giới có mối liên hệ sâu sắc với Giáo sư thể hiện qua trên 300 bức thư còn được lưu giữ lại. Giáo sư Trần Văn Giàu nói: Việt Nam chỉ có một nhà triết học duy nhất là Giáo sư Trần Đức Thảo. Nhà thơ Huy Cận khẳng định Trần Đức Thảo là nhà triết học lớn của thế kỷ. Anh hùng lao động – Giáo sư Vũ Khiêu đánh giá: Trần Đức Thảo là nhà triết học lỗi lạc của Việt Nam và của thế giới. Trong Từ điển bách khoa Hiện tượng học Daniel J Herman đã viết: Trần Đức Thảo , nhà macxit và nhà Hiện tượng học đặc sắc cuối cùng sẽ tìm được chỗ đứng xứng đáng trong lịch sử tổng quát của ý nghĩa. Trần Đức Thảo đã tự khẳng định: tư tưởng triết học của ông là chủ nghĩa duy vật biện chứng nhân bản (Hồi Ký, 1986)

Lịch sử có những sự ngẫu nhiên kỳ diệu. Ở thế kỷ XIII, đã xuất hiện nhà triết học phật giáo ,Vua Trần Nhân Tông. Đến thế kỷ XX , giòng dõi hậu duệ của vua Trần Nghệ Tông, lại có Trần Đức Thảo một  nhà triết học lỗi lạc của Việt Nam và thế giới .

Tư tưởng triết học Trần Đức Thảo và nhân cách nhà trí thức ái quốc Trần Đức Thảo mãi mãi sống trong trí tuệ Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ.

Dân tộc Việt Nam tự hào đã sản sinh ra Trần Đức Thảo.

 

TP. Hồ Chí Minh 14/09/2011

         

 

 

                             

 

(1)  : Theo các biên bản của Bộ GD được công bố trong Nguyễn Văn Huyên, toàn tập, tập 3, NXB GD Hà Nội năm 2005 trang 1142 - 1165

(2)  : Di cảo của GS Trần Đức Thảo viết tại Pháp năm 1991, 1992, 1993. Tài liệu do Đại sứ quán CHXHCN Việt Nam tại Cộng Hòa Pháp gửi về cho Ủy ban KHXH NV để trao lại cho người thừa kế duy nhất của GS Trần Đức Thảo là BS. Trần Đức Tùng.

(3)    và (4): Tư tưởng triết học trên đây của Giáo sư Trần Đức Thảo được thể hiện trong các tác phẩm đã công bố và Di cảo sáng tác từ năm 1973 đến tận cuối đời.

(5) Xem: Đường Kách mệnh, Hồ Chí Minh toàn tập, tập 2, tr. 269 - 280

(6) C.Marx, Tư bản, tập thứ 3, quyển thứ ba, NXB Sự thật, tr.437-438.

(7):Toàn bộ tác phẩm và Di cảo của Trần Đức Thảo hiện được lưu giữ tại thư viện Cù Huy Chử, được phản ánh trong công trình: Danh mục di sản của Giáo Sư Triết Học Trần Đức Thảo, của Tiến Sỹ Cù Huy Chử - sắp xuất bản.

 

 Trở vế trang chủ Trần Đức Thảo 
 

Bản của TS Cù Huy Chử gửi
Lên trang viet-studies ngày 9-14-10