PHAN KHÔI: TÁC PHẨM ĐĂNG BÁO 1930 

 

Ý KIẾN TRUNG LẬP

 

Lời dẫn của người sưu tầm - Mục “Ý kiến Trung Lập” xuất hiện trên Trung lập từ 2.5.1930. Những người thường viết cho mục này trong năm 1930 là Phan Khôi, Bùi Thế Mỹ, Tôn Hiền. Đây là một loại chuyên mục có tính chất chính luận, gần với các dạng “xã luận”, “bình luận thời sự” ở báo chí thời nay. Có lẽ do tính chính luận của mục này nên những bài viết cho mục này đều ký tên thật của ký giả hoặc ký tên toà soạn báo chứ không ký bằng một bút hiệu khác. Những bài Phan Khôi góp cho mục này hầu như chỉ giữ đúng khuôn khổ trong tháng đầu tiên (với độ dài của một cột báo ở trang đầu). Sang tháng 6, trong cuộc bút chiến với báo Đuốc Nhà Nam, các bài Phan Khôi viết đều ký tên tòa soạn báo và trở thành những bài báo dài, trải ra trong nhiều kỳ báo.Về sau ở đề mục “Ý kiến Trung lập” thường chỉ có bài của Tôn Hiền (Trần Thiện Quý)hoặc Phiêu Linh (Bùi Thế Mỹ).

Dưới đây trong đề mục chung “Ý kiến Trung lập” tôi chọn in hơn một chục bài Phan Khôi viết trong vài tháng đầu khi mới cộng tác với Trung lập.

L.N.A.

 

- Những cái khéo trong cuộc chánh trị có khi trở thành ra vụng

- Thải lính An Nam, là một sự nguy hiểm

- Lập hội cự rượu là một việc hay

- Có lẽ là điều sai lầm của những người trí giả

- Về sự Léon Sanh được trắng án

- Cái vụng của nhiều tờ báo Tây

- Binh lính súng ống là để mà dẹp giặc, không phải để mà trị dân

- Cây cờ đỏ nghĩa là gì ?

- Hạn chế thêm sự xuất dương, là điều chẳng có ích chi cho sự trị an, mà không chừng có hại

- Phần đông là phần dại mà cũng là phần khôn

 

 


NHỮNG CÁI KHÉO TRONG CUỘC CHÁNH TRỊ  CÓ KHI TRỞ THÀNH RA VỤNG

Trong cuộc chánh trị, có đôi khi làm ra những việc tầm thường, không mất công phu là bao, mà kiến hiệu lại là to tát. Kêu rằng kiến hiệu to tát, nghĩa là những việc làm ra đó đủ khiến day cái khuynh hướng của nhân dân về một phía với chánh phủ.

Đời xưa có nhiều ông vua biết lợi dụng cách ấy. Tức như vua Võ vương nhà Châu, sau khi làm xong cuộc cách mạng, đắp mồ ông Tỷ Can, sinh biểu cổng làng ông Thương Dung. Đến như nhà chánh trị đời nay, người ta dùng cái cách khôn ngoan ấy lại là sự thường.

Tuy vậy, chúng tôi thấy như là dùng nó phải theo thời tiết. Lúc không đáng dùng mà dùng, thì chẳng những là không chắc có kiến hiệu, mà lại trở được sự kết quả trái với ý mình, cũng chưa biết chừng.

Như mới rồi, ông Robin, Thống sứ Bắc kỳ, vào tận nhà thương mà gắn mề đay cho ông Phạm Huy Dương, thanh tra sở lính kín, liền sau khi viên nầy bị một người Việt Nam Quốc dân đảng bắn trúng nhằm lưng. Quan Thống sứ làm việc ấy là có ý biểu dương cái chỗ “vì trung mắt nạn” của viên thanh tra, để khuyến khích kẻ khác.

Được! Nhưng mà vào hồi nào kia. Chớ vào hồi nầy – hồi nầy là hồi nào, tưởng ai cũng biết – mà lại ban bố cái ân điển ấy cho một người An Nam thì thật là khó cho người ấy quá.

Những người nhạy trí khôn, họ thấy thoáng qua việc nầy, họ tưởng ngay ra rằng sự quan Thống sứ làm đó hình như là làm chứng cái sự ông Dương kia bị ám sát; riêng về phần người được biểu dương tưởng thưởng đó hoặc giả lại càng thêm bối rối trong lương tâm mình. Có lẽ lời tục An Nam nói mà nhằm: “(.....)(*)

Chúng tôi thiệt có lòng thành muốn cho đừng có một cái ác cảm nào sanh ra giữa hai giống Pháp và Nam. Cái điều chúng tôi muốn nói không những một việc trên đó mà thôi. Chúng tôi còn muốn nói nhiều nếu người ta sẵn lòng tin chúng tôi là thành thực.

Cách mấy bữa đây, cuộc khánh thành đài kỷ niệm ở Tuyên Quang, nhắc lại câu chuyện đổ máu bốn mươi năm về trước để làm gì? Để làm gì trong cơn chộn rộn như lúc nầy mà nhắc lại?

Bỏ ra một lần 40 vạn để nghinh tiếp một ông vua lân quốc, sự đó là cuộc bang giao vẻ vang của chánh phủ, đành rồi, song làm rình-rang lắm thì lại có kẻ đứng vòng ngoài mà nóng ruột.

PHAN KHÔI

Trung lập, Sài Gòn, s.6138 (3.5.1930)

(*) bản gốc: báo để trống hơn 1 dòng, khoảng 5-6 từ, hẳn có đoạn câu bị gạch bỏ (NST).


THẢI LÍNH AN NAM LÀ MỘT SỰ NGUY HIỂM

Trong vài tháng nay, nhơn sự rối loạn ở Bắc Kỳ, người Pháp ở đây có nhiều người tỏ ra ý kiến của mình và bày ra bộn bề phương pháp để bổ cứu.

Trong các phương pháp đó, có một cái, thấy nhiều người nói tới, chừng như họ cho là đắc sách lắm thì phải. Ấy là cái phương pháp biểu bỏ các thứ lính tập An Nam đi, mà đem lính Pháp hay là lấy lính bên Phi châu qua đây để giữ lấy xứ nầy.

Chẳng nói thì ai cũng biết rằng những kẻ bày ra cái phương pháp ấy là vì nghi ngờ lính An Nam, nhơn thấy một ít trong đám họ đã liên kết với các đảng cách mạng hoặc cọng sản. Lính Pháp có đủ mà đem sang đây không, và đem sang nhiều có tiện không; lại lính Phi châu có lòng trung thành mà giữ đất của An Nam không; những sự đó riêng ra một vấn đề chúng tôi không nói tới. Vả lại ở cái địa vị chúng tôi, cũng không nên nói.

Duy có một điều: cuộc trị an ở xứ nầy chẳng phải riêng chi của người Pháp mà cũng là của chúng tôi nữa. Nhắm việc gì có thể làm hại đến cuộc trị an – phải nhớ rằng trong đó có phần của chúng tôi – thì chúng tôi phải nói để nhắc chừng cho người cầm quyền nhớ mà phòng bị trước.

Nhân dân trong một nước mỗi người phải có nghề nghiệp làm ăn, cái nền trị an ở đó. Những người cất thân ra đi lính, tiếng thì là một cái nghĩa vụ đối với quốc gia, chớ thiệt ra thì cũng chẳng qua cái nghề nghiệp làm ăn của họ.

Muốn thải đi bao nhiêu lính thì trước phải sắm đủ chỗ cho họ có nghề làm đã rồi hãy thải; nếu không thì chính những lính bị thải ấy sẽ gây ra loạn; sự ấy từng lắm phen xảy ra trong lịch sử.

Lính tập An Nam kể cả khố xanh khố đỏ, suốt từ Nam đến Bắc, chắc có hằng mấy vạn người. Thải thì thải hết. Ngần ấy lính, một ngày kia, bỏ khí giới, lột sắc phục, trở về nhà quê, làm nghề gì? Làm nghề gì, nói nghe? Hồi đó nhà quê chúng tôi có dễ chịu với họ không?

Số dân thất nghiệp trong nước đã nhiều rồi, không nên đẻ ra cho càng nhiều hơn nữa. Mà hễ thất nghiệp nhiều chừng nào, thì sanh loạn chừng nấy, rối cuộc trị an chừng nấy.

Ví phỏng chánh phủ cho cái phương pháp ấy là hay, mà đem thi hành, thì xin hãy sắp đặt trước một con đường sanh nhai vững chãi cho mấy vạn người sẽ thất nghiệp kia.

Do lý thuyết trên đó, chúng tôi lo sự bãi lính An Nam là nguy hiểm, sẽ có hại cho cuộc trị an. Muốn tránh cái hoạ nầy mà lại tìm cái hoạ kia, há phải là thiện sách?

PHAN KHÔI

Trung lập, Sài Gòn, S.6140 (6.5.1930)


LẬP HỘI CỰ RƯỢU LÀ MỘT VIỆC HAY

Ở trong vùng không khí thành phố Sài Gòn, mới chừng tháng nay, có thoáng qua cái tiếng nghe rất mới, là “hội cự rượu”.

Hội cự rượu, cái tiếng nầy ở mình đây cho là mới, chớ ở các nước, nước nào lại chẳng có, mà nhiều nhứt là bên Huê Kỳ.

Bên Pháp, chánh phủ tuy có phái viên đi các thuộc địa để cổ động cho người ta uống rượu nho của nước mình, nhưng trong dân gian cũng vẫn có lập hội cự rượu.

Cái chủ nghĩa của hội cự rượu chẳng có gì là kịch liệt hay bạo động. Họ chỉ căn cứ theo phép vệ sanh và phép ưu sanh (eugénique) mà đi tuyên truyền cho người ta chừa cái hại uống rượu đi. Về đằng vệ sanh, cái hại của rượu là kém sức khoẻ; về đằng ưu sanh, cái hại nó là đẻ con ra yếu ốm khờ dại, có lẽ làm cho nhân loại càng ngày càng sa sút.

Như vậy, lập hội cự rượu là một việc có ích cho loài người; nước nầy đã có thì nước kia cũng nên có.

Tại Sài Gòn, nghe nói có năm ba người hữu tâm toan vận động việc đó, tốt lắm, chúng tôi xin tán thành.

Thế mà nghe chừng như có người lại nói vầy nói kia để làm trở ngại sự tấn hành. Người thì lo rằng hồi nầy đương rộn mà lập hội lập hè thì sợ chánh phủ sanh nghi. Người thì tin rằng An Nam mình còn dở lắm, chưa có thể chung cùng với nhau làm việc chi được, đừng có bày ra vô ích.

Cái thuyết thứ nhứt rõ ra là lo không nhằm chuyện. Hội cự rượu là hội cự rượu, có chương trình minh bạch, có phải hội kín đâu mà hòng sợ nhà nước nghi? Thuyết thứ hai cũng hơi ngang. Cái việc mình chưa làm thì làm sao biết là làm không được?

Chúng tôi không có dự vào trong cuộc phát khởi nầy. Duy có một điều, chúng tôi thấy bất kỳ việc chi, người bàn vô thì ít, người bàn ra thì nhiều, cho nên có trăm việc đáng làm mà không có một việc nào được làm ra; lấy làm buồn lắm mà chúng tôi nói tới.

Lại còn có kẻ dám làm ông thánh tiên tri, đoán rằng những người bày ra lập hội cự rượu đây chẳng qua để dọa hãng Fontaine rồi lấy mấy chục ngàn đút túi!

Chánh phủ nghi ở đâu chưa thấy, mà chỉ thấy người mình nghi nhau trước rồi. Cứ cái thói ấy hoài, đố làm gì cho đặng!

Xin các nhà xướng lập hội cự rượu, nếu có lòng quyết thì nên bác hết thảy đi mà cứ việc tấn hành.

PHAN KHÔI

Trung lập, Sài gòn, s.6141 (7.5.1930)


CÓ LẼ LÀ ĐIỀU SAI LẦM CỦA NHỮNG NGƯỜI TRÍ GIẢ

“Thỏ chết, cáo rầu”. Thần chung chết hơn một tháng nay. Rầu thì ai chẳng rầu; song chưa có chị cáo nào kêu oan cho chú thỏ lấy mấy tiếng.

Cái nghề, “nóng mất ngon, giận mất khôn”. Chúng tôi đợi đến lúc nguội rồi, xin nói mấy lời, thiết tưởng cũng không phải muộn.

Thần chung thiệt có lỗi, chúng tôi chẳng hề dám lấy tình đồng nghiệp mà khỏa lấp cho nhau. Chỉ có một điều nên suy nghĩ, là cái lỗi ấy có xứng với sự đoán phạt kia không?

Xưa có người đặt ra cái ví dụ nầy hay lắm, nếu đem nói vào đây thì càng dễ hiểu: “Con trâu lội băng qua đám ruộng, thì la rầy kẻ chăn biểu dắt trâu ra, đủ rồi; chớ chủ ruộng lấy cớ ấy mà xiết con trâu thì thái quá”.

Theo cái lỗi của Thần chung đó, chúng tôi tưởng bắt đình bản trong mấy tháng là đủ; chớ còn bắt đóng cửa luôn, thì thật khí quá nghiêm. Vì chúng tôi thấy có tờ báo đã phạm tội nặng hơn nữa, cũng chỉ đến đóng cửa là cùng.

Sau khi một nhà báo bị đóng cửa, chịu thiệt hại những gì, mình nghĩ thì biết, có khó chi đâu? Một nhà báo lớn như Thần chung mà bị đóng cửa ít nữa cũng phải mất vốn ba bốn chục ngàn đồng; lại trong đó cũng có chừng bốn năm chục người vừa thầy vừa thợ phải thất nghiệp.

Như vậy, sự đoán phạt ấy nào có phải là sự đoán phạt tầm thường. Xin mỗi người hai con mắt nhắm đi nhắm lại mà coi, trên cái cân công bình kia, sẽ thấy bên tội hơi lui mà bên phạt hơi vác(*).

Tài sản là cái sanh mạng thứ hai. Thình lình mất tươi ba bốn chục ngàn, dầu trong nhà có dư đủ mấy cũng phải lấy làm ngặt. Đương làm ăn “hay hớn gan”, bị một cái lỗi không đáng chi mà phải về nhà treo om lên, thì dầu cho là quân tử đi nữa cũng phải có bất bình hơi hám. Huống chi, theo lời Mạnh Tử nói: “Dân, đã không hằng sản thì cũng chẳng có hằng tâm”.

Hôm trước đây, ở cột báo nầy có nói đến hội cự rượu. Nay có kẻ mách cho rằng việc lập hội đó chừng như do ông Diệp Văn Kỳ và ông Nguyễn Văn Bá xướng ra.

Cũng có lẽ. Cái máu thanh niên nó có ở dưng đâu đặng, không làm việc nầy thì làm việc khác.

Người xưa có nói: “Kẻ trí giả nghĩ ngàn điều chắc cũng có sai một điều”.

Hoặc giả điều nầy là điều sai lầm của những người trí giả chăng. Chúng tôi lấy lòng thành thiệt mong rằng rày về sau sẽ không hề có điều nào như điều ấy.

PHAN KHÔI

Trung lập, Sài Gòn, s.6144 (10.5.1930)

(*) vác: quá cân, hơi nặng làm cho đầu cân chổng lên (theo Từ điển phương ngữ Nam Bộ. sđd.)

 


VỀ SỰ LÉON SANH ĐƯỢC TRẮNG ÁN

Léon Sanh, người bị nghi là kẻ chủ mưu giết M.Bazin bấy lâu, thì mới rồi, tòa Đại hình Hà Nội đã xét ra là vô tội và tha bổng.

Tòa lấy lẽ gì mà tha? Lấy lẽ rằng không có chứng cớ gì chắc chắn.

Phải buộc cho người ta một cái tội sát nhân, chẳng phải là việc nhỏ. Nếu không có chứng cớ mà cứ buộc tội thì người bị buộc đó ắt phải chịu oan.

Được tin nầy, cả người An Nam chúng tôi, ai nấy đều phục tình, đều khen ngợi quan tòa là công minh, đều tin cậy pháp luật Lang Sa là bình doãn(*).

Trong người An Nam cũng có ít nhiều kẻ không bằng lòng nước Pháp lập cái quyền mình trên đất nầy. Những người ấy họ đã ôm cái bụng ấy rồi, bất luận chánh phủ làm ra việc gì họ đều phi nghị hết thảy. Việc nào của chánh phủ làm ra, mà khen được, chê cũng được, thì họ cứ một mực chê. Còn việc nào thiệt tốt không có thể chê được, thì họ gìm cho xuống dưới đất cái, không thèm nói tới.

Chúng tôi chẳng hề như vậy. Chúng tôi trong khi cầm cây bút mà viết báo quốc ngữ, chịu đem cái ý kiến mình đi ngang qua tòa kiểm duyệt, ấy là thừa nhận cái quyền chánh phủ Pháp ở đây. Vì vậy, khi gặp việc gì trái, chúng tôi phải lấy lòng thành thiệt mà mách cho, còn khi gặp việc gì đáng khen, chúng tôi cũng lấy lòng thành thiệt mà phô ra cho thiên hạ biết.

Như việc tha bổng Léon Sanh đây, thiệt là công bình lắm, đáng phục lắm. Vì có lẽ nào đem một người vô tội ra mà buộc cho cái án sát nhân, rồi hành hình, xử tử?

Ước gì chánh phủ cứ tỏ luôn cái dấu công bình ấy ra trong mọi việc, thì có khó gì mà chẳng bịt được những miệng kẻ kia, là kẻ hay nói xấu chánh phủ, bất kỳ việc gì?

Còn tiếc một chút, công bình thì thiệt là công bình song việc làm khí chậm.

Léon Sanh bị giam cầm tra khảo, đến nay đã giáp một năm ba tháng chẵn chòi. Trong một năm ba tháng ấy cái người được hưởng quyền tha bổng hôm nay đó, ngậm đắng nuốt cay chẳng phải là chút đỉnh. Vậy thì cái sự tha bổng cho Léon Sanh ngày nay, có đủ làm cho va mừng vui nhảy nhót mà cám ơn chánh phủ hay không? Lấy bụng ta suy ra bụng người, chúng tôi tưởng sự công bình nầy may vừa đủ vuốt giận Léon Sanh là đã quý.

Chúng tôi mong rằng từ nay nhà nước nên để ý về việc hình ngục thêm một chút. Phải làm cách nào cho những người vô tội khỏi bị giam cầm trói buộc, chịu khổ dài ngày như Léon Sanh. Được vậy thì hay. Không thì, khi gặp cái ca nào như Léon Sanh đây, phải dùng phương thế chi mà đền bù sự thiệt hại cho người ta trong một năm ba tháng đó.

PHAN KHÔI

Trung lập, Sài Gòn, s.6145 (13.5.1930)

(*) bình doãn: chưa rõ nghĩa.

 


CÁI VỤNG CỦA NHIỀU TỜ BÁO TÂY

Cứ coi tình hình 1er Mai mới rồi, khắp Nam Bắc, hoặc nhiều hoặc ít, nơi nào họ cũng có vận động thì đủ biết. Một việc dễ thấy hơn hết, là từ trước những truyền đơn họ rải đều in bằng xoa xoa, mà chuyến nầy có nhiều bổn in bằng “li-tô”; sự in truyền đơn bằng li-tô đó, đủ thấy bọn họ có nhiều tiền hơn độ trước rồi.

Cái nguyên do tại làm sao mà đảng cọng sản mỗi ngày một thạnh như vậy là có nhiều nỗi lắm. Nhưng, trong nhiều cớ đó, chúng tôi dám quyết rằng có một cớ bởi mấy tờ báo Tây ở đây mà ra.

Thật vậy, bất luận tờ báo nào ở đất nầy đều phản đối cọng sản hết; song có nhiều tờ báo Tây dùng cách không được khôn khéo, nên trong khi cố ý phản đối cọng sản thì lại vô tình mà trở thành ra cổ động giùm cho họ.

Vài năm nay, bất kỳ nơi nào trong xứ nầy có xảy ra việc chi, ấy là có nhiều tờ báo tây ó lên mà nói là cọng sản đó rồi. Rất đỗi việc quá tầm thường, như việc trộm cướp hằng ngày, hay là cu li vì cực khổ quá mà kêu nài với chủ hãng, thì họ cũng cho là sự hành động của bọn cọng sản, hay là sự âm mưu của thành Moscou. Ai nấy nhớ lại mà coi, có nhiều việc ban đầu họ hô lớn lên, làm cho mình tưởng là hòn núi Thái Sơn, té ra sau rõ đầu đuôi, thì là con chuột lắt.

Trong ý họ phóng đại ra như vậy để đổ tội cho cọng sản, và luôn thể để đốc trách chánh phủ ở đây. Nào ngờ đâu, chuyện họ nói đó không đúng, thì chẳng có hiệu quả chi cho họ đã đành mà những lời của họ đã thả ra rồi, không bắt mà nhốt lại được, mỗi ngày một ít, thấm vào trong óc nhân dân, khiến cho nhân dân càng có dịp làm quen với cọng sản. Như vậy, thiệt là họ còng lưng làm quảng cáo cho kẻ kia mà không ăn tiền thuê, huống chi kẻ ấy lại là thù nghịch của mình, khờ quá!

Mới đây có tin chánh phủ bên Pháp sẽ cho ông Robin, Thống sứ Bắc kỳ, về hưu. Khôn ra thì, việc ấy có dính dấp gì với việc triệt hạ làng Cổ Am không, cứ để mặc ai hiểu thế nào thì hiểu, đừng nói tới làm chi mới phải. Thế mà có tờ báo Tây nọ, lại cố rán gân cổ mà tỏ vạch ra rằng việc nầy không có can liên gì với việc kia, thì thiệt là kỳ cục quá!

PHAN KHÔI

Trung lập, Sài Gòn, s.6148 (16.5.1930)


 

BINH LÍNH SÚNG ỐNG LÀ ĐỂ MÀ DẸP GIẶC, KHÔNG PHẢI ĐỂ MÀ TRỊ DÂN

Nhà nước Pháp ở đây có những binh lính, súng ống, lại có những tàu bay, tàu lặn, những đồ võ trang theo kiểu kim thời; còn bên dân An Nam thì không có chi cả.

Bên dân An Nam có đôi khi, có kẻ nổi lên, cầm khí giới mà nghịch cùng chánh phủ, như việc Thái Nguyên năm nọ, việc Yên Bái mới rồi, thì chánh phủ dùng binh lực mà trị lại, đã ra đường ấy, dụng binh là một sự bất đắc dĩ, chúng tôi chẳng nói làm chi.

Với những đám như Thái Nguyên Yên Bái, chánh phủ kêu là “giặc” được, quan quân xổ súng ra mà bắn được, chúng tôi không trách. Như trong khi người An Nam dầu có tụ hội đông mấy đi nữa, mà trong tay không có khí giới chi, thì cũng phải kể là dân, không kêu là “giặc” được đâu.

. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

Như việc trong ngày 1er Mai ở Bến Thủy, Thái Bình, mà bắn chết những mấy chục người, thì khí nóng nảy quá.

Theo điện tín Arip thì ở Bến Thủy hôm ấy, họ nói mấy ngàn người đều có khí giới, song chẳng nói rõ khí giới là khí giới gì. Súng hay sao? Người An Nam làm chi có súng. Dao và gậy hay sao? Người đời nay ai còn chẳng biết dao và gậy không địch lại với súng cối xay được mà cầm theo làm chi? Mà nếu nói là có khí giới thiệt, thì sao sau khi súng bắn mà họ không bắn trả lại?

Rõ thiệt người ta nói vu.

Cách vài ngày trước đây, đối với cuộc dân sự biểu tình ở Sa Đec, người ta cũng làm như vậy. Nghe rõ, hơn 1500 người đến tay không nói miệng tày với quan Chủ tỉnh, chớ chẳng phải dậy giặc dậy dã chi hết, vậy mà lính tập từ Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định kéo xuống trong ngày 14 rồi.

Đem lính đi như vậy, là để giữ gìn trật tự, . . . . . . . . . . . . . .

Khéo nói mà phủ-uỷ họ, như hai việc xảy ra ở Cao Lãnh và Chợ Mới hôm trước đó, cũng yên được mà người ta lại phục tình nữa.

Chúng tôi tưởng từ nay về sau chánh phủ nên theo cái nguyên tắc nầy: Hể ai có cầm khí giới mà nghịch cùng chánh phủ, thì hãy bắn; bằng không thì thôi: họ tay không thì mình cũng đối phó bằng tay không; họ miệng tày thì mình cũng đối phó bằng miệng tày. Bởi vì bọn nầy là dân, không phải là giặc kia mà.

PHAN KHÔI

Trung lập, Sài Gòn, s.6150 (19.5.1930)


 

CÂY CỜ ĐỎ NGHĨA LÀ GÌ?

Mấy lúc gần đây, cây cờ đỏ hoặc tấm vải đỏ dăng ngang đường, thường thấy xuất hiện ở xứ ta luôn. Tuy vậy, trong đó có sự khác nhau, ta cần nên cắt nghĩa cho phân minh.

Khi nào, cờ đỏ hoặc tấm vải đỏ mà có đeo theo cái huy hiệu liềm và búa, thì nên nói quyết cho là của bọn cọng sản. Còn khi nào, chỉ cờ đỏ hoặc tấm vải đỏ mà thôi, không có liềm búa, ấy là không phải cọng sản. Hay là, ít nữa cũng phải nói rằng cái đó hoặc của cọng sản, hoặc không phải của cọng sản, chưa biết chắc được.

Chúng ta không nên thấy hễ là đỏ thì cho là của cọng sản hết.

Nguyên đảng cọng sản bên nước Nga hồi đầu lập lên nền Cọng sản, dụng ý rằng quyết lấy máu mà làm cho đạt được mục đích mình nên dùng cờ sắc đỏ; và đồng thời lấy cái huy hiệu liềm và búa: liềm để chỉ về kẻ làm nông, búa để chỉ về kẻ làm thợ.

Cho nên khi nào có cờ đỏ và liềm búa thì nên quyết là của cọng sản không sai. Song, trái lại, khi không có huy hiệu liềm và búa, là như khi những cây cờ đỏ người ta cầm đi trong các cuộc biểu tình ở miền Hậu Giang mới rồi đây, thì ta lấy lẽ gì mà nói quyết cho là cọng sản được?

Sắc đỏ là sắc máu. Bọn cọng sản dùng cờ đỏ và liềm búa là tỏ rằng đám nông phu và công nhân quyết lấy máu mà tranh lại các quyền lợi trong tay bọn tư bổn. Chớ còn anh em dân ở miền Hậu Giang đây làm mấy cuộc biểu tình vừa rồi, chỉ có ý xin quan trên huỡn kỳ thuế lại, nào có ý đổ máu đổ mủ chi đâu mà lại bị ngờ là cọng sản?

Cách hơn 20 năm đây, ở Trung kỳ cũng có cuộc biểu tình xin thuế như vậy. Bây giờ đây, anh em dân miền Hậu Giang cũng chỉ diễn lại những lớp tuồng ấy, có điều khác một chút, là thêm cây cờ đỏ.

Có cây cờ đỏ mà không có liềm búa thì cũng chỉ kể nó là cây cờ thường. Ta đừng thấy vậy mà hô lên là cọng sản cho thêm rầy chuyện.

Đối với anh em dân miền Hậu Giang, chúng tôi xin cống hiến một lời: Cây cờ đỏ là gì, chúng tôi đã cắt nghĩa như trên kia. Hoặc giả anh em không hiểu từ trước chăng, nên anh em chỉ có mục đích đi xin huỡn thuế mà thôi, mà cũng đã dùng lầm đó? Ấy là tự anh em làm cho nhà nước sanh nghi, không ích chi hết. Vải trắng mà viết chữ đen cũng được, lại phải đỏ làm gì? Anh em không có ý đổ máu như người ta, sao lại dùng cờ đỏ?

Bỏ cờ đỏ đi, phải hơn.

PHAN KHÔI

Trung lập, Sài Gòn, s.6156 (26.5.1930)


 

HẠN CHẾ THÊM SỰ XUẤT DƯƠNG, LÀ ĐIỀU CHẲNG CÓ  ÍCH CHI CHO SỰ TRỊ AN, MÀ KHÔNG CHỪNG CÓ HẠI

Có nhiều người Tây, vì lo sâu nghĩ xa quá, nên động có việc gì một chút, thì đã bày cho chánh phủ phương nầy chước kia, mà nực cười thay! toàn là những phương chước lúng túng, quẩn quanh, tưởng các ngài đương đạo thấy đến cũng phải bật cười như bọn chúng tôi.

Nhơn mới rồi có cuộc biểu tình của sáu mươi học sanh An Nam tại trước dinh quan Tổng thống Pháp quốc, mà báo Opinion bên nầy hiến cho nhà nước lắm cái kế hay.

Bỏ hết chỉ kể lấy một cái là họ biểu từ nay nên hạn chế thêm về sự xuất dương của người An Nam. Nghĩa là phải lựa lọc bọn thanh niên du học cho càng kỹ hơn trước, phải dò xét đến cái tư tưởng của họ có trung thành không, rồi sẽ cho đi.

Tưởng là bày cái kế chi kia, chớ cái kế ấy thì là lúng túng lắm, quanh quẩn trong những sự người ta đã làm rồi, mà bày làm chi vô ích. Người Việt Nam lâu nay đã bị hạn chế trong sự đi ra ngoại quốc rồi. Ý giả báo Opinion nói hạn chế như vậy còn chưa đủ, nên bảo hạn chế thêm; hạn chế thêm thì tránh được những sự như sự mới vừa xảy ra đó chăng?

Ấy là họ quên lửng đi. Trước kia người An Nam đi ngoại quốc ít lắm, dầu sang Pháp cũng vậy. Chúng tôi nói “ít lắm” là nói để giữ thể diện; chớ nói cho thiệt ra, thì bấy giờ sự xuất dương của người An Nam hầu như là sự “không” trơn.

Hễ cấm chừng nào thì bí chừng nấy, bí chừng nào thì nó nổ chừng nấy, vật gì cũng vậy.

Hồi trước nghiêm quá, người An Nam bí quá, ức đi ra ngoài quá, nên từ năm 1906 đến năm 1910, mới có sự rùng rùng kéo nhau qua Nhựt Bổn. Cái kết quả của sự đi Nhựt cả mớ đó đã làm cho trong nước sanh ra lắm việc rối ren.

Bởi vậy chánh phủ mới bịt con đường qua Nhựt đi, mà mở cho họ con đường qua Pháp. Chánh phủ làm việc nầy khôn ngoan lắm, mà cũng phải phải phân phân lắm, mặt nào thì mở cho người ta một mặt, có đâu lại đóng hết.

Phàm cái gì đã mở rồi thì đố ai đóng lại được. Cượng(*) mà đóng lại, ấy là sự nguy hiểm lắm, không nên, nhứt định không nên. Nói hạn chế, chớ kỳ thiệt tức là đóng lại. Nếu nghe lời họ mà thiệt hành, sẽ có sự nguy hiểm.

Mới nghe, như là chúng tôi nói doạ chánh phủ. Không đâu, chúng tôi đâu lại quê mùa đến thế. Có điều, hễ người An Nam không sang Pháp mà học tập được thì sẽ sang các nước khác. Nhà nước không cho họ cũng đi. Hồi trước họ đi Nhựt đó, mấy ai cho? Mà hễ họ đi các nước khác thì sự hành vi của họ đối với chánh phủ sẽ còn quá hơn bây giờ, vì cái không khí của những Canton, Berlin, Moscou lại còn dễ làm cho họ nóng nảy hơn Paris nữa. Chúng tôi không chắc họ có làm nên trò chi, nhưng chắc họ sẽ làm rối cuộc trị an của chánh phủ và của chúng tôi.

Chi bằng cứ để yên đừng hạn chế.

PHAN KHÔI

Trung lập, Sài Gòn, s.6158 (28.5.1930)

(*) cượng: cưỡng, chống lại (theo Từ điển phương ngữ Nam Bộ, sđd.)

 


 

PHẦN ĐÔNG LÀ PHẦN DẠI MÀ CŨNG LÀ PHẦN KHÔN

Cái phần đông trong xã hội, theo nhà triết học thì là cái phần dại, mà theo nhà chánh trị thì lại là cái phần khôn.

Xưa nay biết bao nhiêu nhà triết học, hễ bắt đầu xướng ra cái thuyết chi hơi khác thường một chút, tức thì thiên hạ rập nhau mà phản đối, nhưng sau đó năm ba mươi năm, hoặc một trăm năm, thiên hạ trở lại theo như gió, thậm chí lập đồng tượng nhà triết học ấy mà sùng bái để chuộc lại cái tội lỗi mình đã hân hủi(*) đuổi dỡ người hồi xưa.

Như thế, còn ai mà cãi được rằng đối với nhà triết học, cái phần đông trong xã hội là phần dại? Mà phải, trong một bầy người như rừng như biển, thế nào cũng phải có một số ít đi tới trước trên con đường tri thức, để mở mang cuộc tấn hóa cho tương lai, bằng chẳng vậy, trong tiếng nói loài người làm gì có được những chữ “tiên tri tiên giác”? Về phương diện ấy, thiệt phần đông là phần dại.

Nhưng, thử hỏi làm sao nước nào cũng vậy, trong khi mưu đồ xử trí cái việc hiện thời, thì ở đâu cũng lại phải theo cái ý kiến phần đông? Bất kỳ cử một ông tổng thống trong nước dân quốc, cho đến chọn các chưn nghị viên trong một ban hội nào, hễ ai nhiều thăm thì được. Trong một nghị viện cũng vậy, nhiều khi một cái nghị án được thông qua là chỉ nhờ lấn bên đối địch có một vài lá thăm. Làm sao cái phần dại mới hồi nãy đây mà bây giờ lại trở nên khôn rồi, ai ai cũng phải nghe theo họ?

Ấy chẳng có gì lạ hết. Hễ trong việc chánh trị, thì phần đông là phần khôn; dại mấy mặc lòng, mà hễ đông thì là khôn.

Cái lẽ nầy chỉ là quan hệ với thời gian chăng? Phải rồi, chỉ tại thời gian mà có sự khác nhau đó.

Nhà triết học lo việc tấn hóa cho tương lai, mà cái kiến thức của phần đông chỉ thấy đến chỗ sống mũi mình là cùng, nào có nghĩ đến tương lai là cái chi chi. Bởi vậy, phần đông thiệt là dại, nên cái bậc thánh triết xưa nay, nếu muốn cải lương cái xã hội ngày mai, ắt phải đứng riêng ra một bên mà phản đối hết thảy phường ngu phu tục tử.

Việc hiện tại nó có quan hệ ngay với sự sống của họ, cho nên phần đông lấy làm tha thiết lắm mà xét biết sự lợi hại rõ ràng. Họ thấy thế nào là lợi cho họ thì họ muốn như thế. Dầu sự họ muốn đó không hiệp với chơn lý mặc lòng, nhưng họ hình như bác hết mọi lời chung quanh mà nói rằng: “Ấy là quan hệ với sự sống của chúng tôi để mặc chúng tôi”.

(Kiểm duyệt bỏ)

Cái lẽ đó làm cho chúng ta xem thấy xưa nay Đông Tây, ít có nhà  triết học ra làm việc chánh trị, mà hễ cượng ra làm thì hư hỏng. Vì phần đông đối với họ là dại, họ phải mạt sát cái ý kiến phần đông mà đã mạt sát phần đông thì còn làm việc với ai? Bọn dại kia có khi nào lại chịu đem sự sống mình mà phó thác trong tay họ?

PHAN KHÔI

Trung lập, Sài Gòn, s.6178 (23.6.1930)

 

(*) hân hủi: hắt hủi, khinh thường (theo Từ điển phương ngữ Nam Bộ, sđd.)

 

 

 Trở về mục lục Trang Phan Khôi