Tình hình một xóm Chàm ở Tây Ninh
và một chuyện truyền khẩu về lịch sử Chàm
 

 

 

Nguyên ngày xưa người Chàm ở phía Nam Trung kỳ bị người An Nam ta đánh đuổi thì có một bọn mấy ngàn người chạy vào phía tây nam, rồi lập nghiệp ở đó, tức là bọn Chàm Tây Ninh bây giờ.

Bây giờ cả tỉnh Tây Ninh có 3 xóm Chàm ở, mà ở mỗi nơi một xóm, chớ không liên lạc nhau. Họ nói rằng: lúc đầu tổ tiên họ trốn lánh người An Nam về ở đó, chỉ rặt một giống Chàm mà thôi, về sau người An Nam đến chiếm đất ở chung quanh họ, lần lần càng ngày càng đông thành ra bây giờ An Nam ở bao bọc bốn bề, còn họ lọt vào ở giữa, điều đó họ lấylàm khó chịu lắm. Một người Chàm nói cùng tôi rằng: vì sự người An Nam xâm cư đó, năm bảy mươi năm nay đã có nhiều người Chàm không chịu được mà bỏ đây dời về ở trên miền sông Cái (tức là bờ sông Cửu Long); không biết chừng rồi đây chúng tôi cũng dời về ở trên ấy cho luôn.

Người nói chuyện với chúng tôi đó là ở trong xóm Chàm gần sát bên châu thành tỉnh Tây Ninh.

Năm 1927, tôi có ở Tây Ninh chơi một độ. Một hôm, trong một quán rượu, tôi thấy một người đờn ông nhỏ thó, da hơi đen, nói tiếng Nam trôi chảy mà giọng hơi lơ lớ, thỉnh thoảng lại pha vài ba tiếng Pháp. Hỏi ra thì anh nầy là người Chàm, có học chữ Pháp và quốc ngữ nhiều ít, nhà ở trong xóm Chàm gần châu thành đó. Liền đó, tôi đến chỗ anh ta ngồi mầy mà làm quen với y, rồi ngày hôm sau, tôi dậy sớm đi thăm xóm Chàm.

Hôm ấy gặp ngày chủ nhựt, tôi rủ một thầy giáo quen với tôi đi cùng. Thầy giáo ra ý ngạc nhiên, lấy làm lạ, cứ gạn hỏi tôi đi vào đó làm gì. Đôi bên phân trần cùng nhau, tôi mới rõ ra rằng người mình dầu ở sát với xóm Chàm, song ít ai vãng lai với họ, vì họ ăn ở dơ dáy, làm cho người mình thấy mà sinh gớm.

Tuy vậy, thầy giáo cũng nể mách lòng mà đi với tôi. Bắt từ chợ thành Tây Ninh đi non một cây số thì đến xóm Chàm. Quả nhiên vào tới xóm họ, thấy quang cảnh khác lắm : đường đi thì thấp hơn trong vườn ở mà đầy những phân bò phân trâu, mình ghê không dám bước mà họ thì cứ đi tự nhiên như thường.

Chúng tôi vào xóm. Cả xóm có độ một trăm nóc nhà, toàn nhà sàn(*) cả, phần nhiều lợp tranh, cũng có ngói một ít. Nhà nào bề ngoài phên vách(**) cũng xệ xạc, còn trong nhà thì bày biện bầy hầy, không có thứ tự gì cả, quần áo chiếu chăn họ cứ đem vắt ra giữa nhà. Trong vườn không hề trồng tỉa gì, có vườn thì chỉ thấy lơ thơ một vài bụi chuối, còn thì bỏ hoang, cỏ mọc um sùm. Đáng lấy làm lạ vườn của họ không có rào giậu, cũng không có ngăn, từ vườn nầy qua vườn kia đi thông thương được cả. Thì té ra về vườn đất, họ không có chia phần và bán cho nhau như ta. Họ lấy đất trong xóm làm của chung, tùy ai muốn làm nhà chỗ nào cũng được, thuế đất thì cứ chan đều cho từng nóc nhà, chia nhau mà nộp. Cái chế độ ấy hay lắm. Nếu vườn đất của họ được mua bán như ta, thì đất cả xóm đó sẽ về mấy tay nhà giàu mua hết, những người nghèo tất chí không chỗ mà ở.

Họ nhắc lại rằng xưa kia tổ tiên họ vốn có ruộng, chung quanh xóm đó dễ cày cấy, song bây giờ về tay người An Nam hết; họ cũng không biết được cái gốc tích tại làm sao mà những ruộng ấy lọt về tay người An Nam, nghĩa là mua bán với nhau hay là lấn cướp của nhau ?

Hết thảy người Chàm ở đó chỉ làm một nghề vào rừng kéo gỗ và lấy củi. Họ nuôi trâu bò là để dùng về việc kéo ấy, chớ không phải là dùng về việc cày. Cứ như người ở đó nói, thì trong xóm cũng có một vài nhà giàu có, giàu đến năm mươi vạn bạc, cũng là do nghề buôn gỗ cả.

Người Chàm ở đó không biết làm nghề thợ rèn. Cả xóm có ba cái lò rèn của người An Nam rèn toàn những rìu, búa, rựa, mác, là đồ để cho họ đẽo gỗ và đốn củi. Thợ rèn ta ở đó lấy giá đồ rèn cao hơn ở các làng An Nam, họ lấy cớ rằng vào đó mà ăn chung ở lộn với người Chàm là một sự bất kham cho họ, phải được tiền nhiều để đền bù lại cái điều bất như ý ấy.

Người xóm đó nói hai thứ tiếng, khi họ nói với nhau thì dùng tiếng Chàm, khi nói với người mình thì dùng tiếng Nam, dầu đến những đứa con nít cũng nói được hai thứ tiếng như vậy. Cả xóm không có một trường học nào. Cũng không có thầy riêng để dạy chữ Chàm cho nhau, hễ cha anh trong nhà nào biết chữ thì dạy cho con em mà thôi.

Người Chàm có hai thứ tôn giáo, hoặc theo đạo Phật, hoặc theo đạo Hồi hồi. Người Chàm xóm nầy hết thảy theo đạo Hồi hồi.

Chúng tôi đi khắp cả xóm, vào qua một vài nhà, rồi sau hết mới tìm đến cái nhà người đàn ông gặp trong quán rượu bữa nọ.

Người nầy tên là Ch.hi, có học, hay tới lui với người An Nam, nên nhà cửa làm theo kiểu An Nam, mà không làm nhà sàng như kiểu Chàm. Trong nhà cũng vẫn dơ bẩn không thứ tự, khách đến, cơ hồ không chỗ mà ngồi. Y có một người vợ và một đứa con nhỏ. Còn cha y thì bấy lâu đã về ở trên miền sông Cái. Vì y có biết chữ Pháp một ít, được làm việc trong một sở buôn Tây ở Tây Ninh, một tháng được vài chục bạc để nuôi vợ nuôi con.

Người nầy trước đã nói với tôi rằng y biết chữ Chàm khá nhiều, nên tôi đến tìm y, cốt để hỏi về các sách bằng chữ Chàm, coi thử có còn lại chút gì chăng. Y nghe tôi hỏi thì ra dáng cảm động lắm, tợ hồ như tỏ ra mình là một người dân mất nước mà bị kẻ khác nhắc đến chuyện mất nước! Sau y trả lời cách thật thà cho tôi rằng nguyên nhà y có giữ được một ít sách của ông cha truyền lại, nhứt là các sách lịch sử Chiêm Thành, song khi cha y dời đi thì khuân theo cả về trên sông Cái, vì sợ để ở đây có ngày sẽ thất lạc đi. Tôi bèn hỏi vặn anh ta có nhớ chút gì trong sử, thuật lại nghe chơi, bất kỳ chuyện gì cũng được, thì anh ta hứa với tôi rằng sẽ viết ra trên giấy, mà như thế thì anh ta tưởng là hơn nói miệng.

Cách vài hôm sau, anh Ch.hi gởi cho tôi một tờ giấy đôi, chép cả bốn mặt chữ quốc ngữ, kể chuyện vua Chàm. Tôi xem ra là một bài kỷ sự không có giá trị gì lắm, song cũng nhuận sắc lại mà chép theo đây, để khỏi phụ tấm lòng sốt sắng của anh ta. Tôi thấy vậy thì trong lòng tôi gợi ra biết bao là mối thương tâm... Mà ai đọc đến đây há lại không có đồng một cảm tình như tôi?

 

 

Chuyện vua Chàm

 

Bấy giờ vua Chàm (người chép chuyện không nói là vua gì, và ở đời nào) có một người con gái tên là Mứ-gouth. Trong xứ vua có một người con trai tên là Kakây, con của một người giàu kêu là Mú-sô-Palây. Kakây thấy Mứ-gouth thì ưng lắm mà không dám đi nói, vì mình là con dân mà nàng là con vua. Song Kakây không nhịn được, bèn tìm cách mà bỏ ngải cho Mứ-gouth. Mứ-gouth bị ngải, cách năm sáu ngày thì trốn ra khỏi cung vua mà theo Kakây. Vua biết con gái mình đã phải lòng Kakây, không tài nào gỡ ra cho được, bèn kêu Kakây đến mà gả Mứ-gouth cho.

Khi Kakây lấy được công chúa rồi thì ở lại triều giúp vua về sự đánh giặc. Nguyên vì Kakây có tài bói, lúc nào có việc trận mạc thì y giở lịch chọn ngày xuất hành cho nên vua đánh trận nào đều thắng trận nấy.

Vì thấy Kakây có tài như vậy, vua sợ dễ y rồi sẽ cướp ngôi mình đi, nên có ý muốn giết Kakây. Kakây biết ý vua thì than thở riêng với vợ mình. Công chúa đem lời tâu cùng vua, thì vua lại chối rằng không có bụng ấy. Vua thề trước mặt bá quan rằng nếu mình có ý giết Kakây thì trời sẽ làm cho mình mất ngôi đi.

Thế nhưng về sau vua quả lập thế mà giết Kakây thật. Một hôm, vua nhóm các quan tại sân chầu, rồi giàn năm con voi ra, bảo Kakây nhảy lên lưng voi cỡi cho vua xem. Kakây vâng lời thì vua ra khẩu hiệu cho voi rằng Mà inh tron pók, tức thì năm con voi xúm lại mà xé Kakây chết tươi.

Sau khi Kakây chết, vua đi cưới Lê công chúa, là con gái của vua An Nam. Lê công chúa xinh đẹp lắm, vua say mê vì nàng, không lo đến việc quốc chánh và binh cơ nữa. Vua ỷ rằng trong nước duy Kakây có tài, nay chết rồi, đã hết lo ; còn mặt ngoài thì vua đã cưới con gái vua An Nam, hai nước đã thông hôn với nhau thì cũng như một nước, từ rày sẽ hưởng cuộc hòa bình, không còn lo gì giặc giã nữa. Các quan tại triều cũng có đồng một ý kiến như vua vậy.

Trước cung vua, có một cây trai lớn và linh lắm, người ta nói rằng vua Chàm cường thạnh là nhờ thần của cây trai đó. Lê công chúa bèn giả đò đau, mời năm thầy mười bà đến bói, bà đều biểu nói rằng tại cây trai đó có ma, nên bắt bà phải đau. Bà bèn xin vua phải sức đốn cây trai ấy đi. Vua nghe lời, sai lính đốn cây trai. Lính giơ búa lên thì búa dính trên vai, không hạ xuống được. Vua nổi giận, tự cầm búa mà đốn lấy, vừa chặt ba búa thì cây trai ngả xuống và chảy máu ra như suối. Lê công chúa liền lành bịnh.

Lê công chúa gởi thơ cho cha mình là vua An Nam, nói rằng cây trai ấy đã hạ rồi, thì vua An Nam kéo binh vào đánh vua Chàm. Vua Chàm sai rả(***) cây trai ấy làm ván đóng thuyền để đi đánh giặc. Lạ cho cái thuyền ấy, không chèo không buồm mà cứ việc đi, vả lại đi theo ý vua muốn, vua chỉ đi đâu thì thuyền đi đó. Mấy trận đầu vua An Nam phải thua luôn.

Về sau, vua An Nam sai lính đến đóng cọc trong biển đó. Đến chừng đánh một trận nữa, thuyền vua Chàm mắc lấy cọc không tới lui được, vua giận, lấy búa bửa thuyền, thuyền chìm, vua thoát thân lên bờ, khi lên bờ rồi, vua còn đánh với quân An Nam mấy trận nữa, mà đều bị thua luôn, quan quân chạy một đường, còn vua chạy một đường.

Vua Chàm chạy, mà vua An Nam cứ đuổi theo. Sau, cùng đường, vua Chàm sa xuống giếng, tức thì có những con nhện giăng tơ lấp đầy miệng giếng. Vua An Nam kéo binh đến đó, thấy không có đường chạy nữa, mà sai lính tìm khắp cũng không ra dấu tích vua Chàm, toan rút quân về. Thình lình nghe con thằn lằn kêu tắc tắc trên miệng giếng, vua An Nam sai lính kiếm một lần nữa cũng không thấy. Tính việc bỏ đi, lại nghe thằn lằn kêu tắc tắc, vua bèn lấy gươm khều váng nhện trên miệng giếng thì lòi mặt vua Chàm ra. Vua An Nam bèn sai chặt đầu vua Chàm đem theo mình, còn cái thân thì bỏ lại đó. Vì sự tích đó, cho đến bây giờ, người Chàm vẫn coi con nhện là ơn và coi con thằn lằn là thù.

Khi vua Chàm bị chém, cái đầu lìa khỏi cái thân, thì cái đầu có dặn với cái thân rằng: hãy đợi đó bảy ngày thì đầu sẽ trở lại hiệp với thân. Mới được ba ngày, song cái thân ngỡ là bảy ngày, sao cái đầu không thấy trở lại, hoặc giả đi lạc rồi sao, bèn đứng dậy đi tìm cái đầu. Đi được một đỗi, gặp một lũ chăn trâu lêu lêu mà nói : coi bay cái người không đầu đi đâu đó kìa! Cái thân liền ngã xuống tại đó. Tới bảy ngày, cái đầu quả trở lại chỗ cũ, tìm cái thân không gặp, cũng rơi xuống nằm đó luôn.

Lúc đó, vua An Nam bắt voi của vua Chàm nhiều lắm, và vào cung vua khuân cả vàng bạc chở về ngoài Bắc. Còn dân Chàm thì bị giết, lớp thì chạy lớp tan lạc hết.

Con trai của vua Chàm là Bô Chơn và Bô Ti-cây thì chạy vào ở Tây Ninh, bấy giờ kêu là Rồn-đuôm-rây, xóm ở, kêu là Paóch-ruồm.

Bô Ti-cây có vợ tên là Nayposoth lịch sự lắm, nghe thấu tai vua Xiêm La. Sau khi ở Tây Ninh được ba bốn năm, vua Xiêm kéo binh đến đánh để bắt lấy nàng Nayposoth. Hai vợ chồng Bô Ti-cây cứ chạy chỗ nầy chỗ kia mà trốn. Vua Xiêm bắt không được cũng kéo quân về. Sau lại, nhơn trong lúc Bô Ti-cây đi vắng, Nayposoth ở nhà mở hội cúng tế đương đờn hát vui chơi, thình lình vua Xiêm kéo quân đến vây bắt nàng, chở lên voi đi qua sông Tầm-long, bây giờ kêu là Kampong Chamalông. Bô Ti-cây trở về thấy cơ sự như vậy, liền theo kịp lội qua sông, chém voi ngựa quân lính Xiêm chết nhiều lắm. Còn chừng bảy con voi nữa thì tới voi của Nayposoth cỡi, mà Bô Ti-cây đã mệt mỏi quá thể rồi, nàng thấy chồng mình như vậy, lấy làm tội nghiệp bèn bẻ nút áo vàng của mình đưa cho vua Xiêm bắn chết Bô Ti-cây. Vua Xiêm bèn đem Nayposoth về bên Xiêm.

Cái trận mà quân Xiêm qua bắt Nayposoth đó thì dân Chàm tổn hại nhiều lắm. Những con nít chạy qua cầu bị người lớn lấn té xuống sông chết không biết bao nhiêu, song quân Xiêm không hề giết ai.

Hòn núi ở Tây Ninh mà bây giờ kêu là núi Chơn Bà Đen cũng gốc từ trận ấy: Vì trong trận ấy, quân Xiêm thường nói với nhau rằng: "Phum chờn mê đen", nghĩa là: Xiêm theo kịp bắt được Nayposoth gần chơn núi.

 

                                                                                    *

 

Cứ như chuyện chép trên nầy thì nhiều điều hoang đường và sự tích cũng sai ngoa nữa. Những chỗ hoang đường buồn cười đó, ta nên cho là lịch sử của họ chưa thoát khỏi vòng thần thoại, chẳng cãi làm chi; song ta nên biện bác lại những chỗ sai ngoa.

Hết thảy các vua Chàm chỉ có vua Chế Mân là có cưới con gái vua An Nam mà thôi, tức là bà Huyền Trân công chúa, con gái vua AnhTôn nhà Trần. Song Chế Mân không hề đánh nhau với vua An Nam, và cũng không bị vua An Nam giết.

Các vua An Nam đánh nhau với quân Chàm mà bắt được các vua Chàm nhiều lần lắm. Lý Thái Tôn bắt Sạ Đẩu, Lý Nhân Tôn bắt Chế Củ, Trần Anh Tôn bắt Chế Chí, đời Trần Thuận Tôn, Trần Khát Chơn bắt được Chế Bồng Nga, Lý Nhân Tôn bắt Bi Cai, Lê Thánh Tôn bắt và giết Trà Toàn, song hết thảy các vua ấy không có vua nào cưới công chúa An Nam cả.

Ông vua Chàm mà người chép chuyện nói đây hình như là một ông vua cuối cùng nước Chiêm Thành. Nếu vậy thì là vua Trà Toàn. Vì trong sử ta có chép rằng khi ấy vua Thánh Tôn nhà Lê chém lấy đầu Trà Toàn mà đem về Bắc. Và từ đó nước Chiêm Thành bị diệt vong, về sau không còn có vua nào nữa.

                                                                                                                                 C. D.

                                                                                                                              Đông Pháp thời báo; Sài Gòn,

                                                                                                                        s.713 (28.4.1928) ; s.714 (1.5.1928)

                                                                                (phần Chuyện vua Chàm đăng lại ở báo Đông Pháp, Hà Nội,

                                                                                                                                        số 513, ngày 17. 5. 1928)

---------------------

* bản gốc là nhà sàng, ở đây sửa lại. ** bản gốc là phên xách, hẳn do in lầm, ở đây sửa lại.

*** rả : xả ra, cắt ra, tháo ra (theo Nguyễn Văn Ái (chủ biên): Từ điển phương ngữ Nam Bộ, Tp. HCM, 1994)

 Trở về mục lục Trang Phan Khôi