PHAN KHÔI: TÁC PHẨM ĐĂNG BÁO 1928

 

Cắt nghĩa một chữ trong số báo vừa rồi

 

Số báo vừa rồi nơi trang thứ hai có một bài đề là "Hai ông Bửu Đình và Hồ Đắc Hiến ở Lao Bảo được dời vô Côn Nôn".

Chữ "được" ấy, thấy có nhiều người không hiểu, đem mà hỏi nhau. Mà không hiểu cũng phải.

Vì trong tiếng An Nam ta, bị động từ (verbe passif) có hai cách đặt: một là đặt với chữ được, trong khi mình gặp sự gì vừa ý mình, như được thưởng, được cử làm hội đồng, v.v.; hai là đặt với chữ bị trong khi gặp sự gì trái ý mình, như bị quở, bị đánh v.v...

Thường thường, ở Trung Kỳ, ai phạm tội mà bị kết án đày một ngàn dặm thì đày đi Lao Bảo, còn ai bị kết án đày ba ngàn dặm thì đày đi Côn-nôn(*).

Nay Bửu Đình và Hồ Đắc Hiến đương ở Lao Bảo là nơi gần hơn mà lại dời đi Côn-nôn là nơi xa hơn, lẽ đáng nói bị mới phải, sao lại nói được? Cho nên không hiểu là phải.

Chúng tôi xin giải nghĩa tại làm sao mà nói chữ được trong câu đó.

Số là, Lao Bảo là một nơi nhà nước đặt ra để giam bọn tù trộm cướp. Ở đó nước độc lắm, vả lại cách đãi ngộ bọn tù phạm cũng hà khắc hơn các nơi khác. Ban ngày tù đi làm xâu, tối lại xỏ chơn vào cùm hết thảy. Lính gác ở đó có tiếng là tàn nhẫn lắm, vì họ được phép bắn tù trong khi dẫn đi ở ngoài nếu kêu ba tiếng mà tên tù nào không xây mặt lại. Cho nên họ giết người dễ lắm, nhiều khi họ bắn chết tù trong núi sâu, rồi chỉ cắt cặp tai và lấy cái thẻ số hiệu đem về trình quan là đủ.

Đã ở tù thì đâu là chẳng khổ, song Côn-nôn so với Lao Bảo còn khá hơn.

Lao Bảo dầu gần song khó trông có ngày về; Côn-nôn dầu xa mà có ngày về đặng. Bởi vậy nói rằng "Hai ông Bửu Đình và Hồ Đắc Hiến ở Lao Bảo được dời vô Côn-nôn" là có ý mừng cho hai người tù quốc sự có lẽ khỏi bỏ thây nơi ác địa, và cũng nhơn đó tỏ ra sự làm ơn tròng tréo của triều đình Huế và chánh phủ Bảo hộ Trung Kỳ.

                                                                                                                                  K.

                                                                                         Đông Pháp thời báo, Sài Gòn, s.755 (11.8.1928)

-----

* Trên Đông Pháp thời báo và một vài tờ báo khác đương thời, hai dạng viết "Côn-lôn" và "Côn-nôn" đều dùng trỏ cùng một địa danh (Côn Đảo ngày nay) mà không phải do lỗi in; vậy xin giữ nguyên dạng từng chỗ như báo đương thời đã dùng.

 Trở về mục lục Trang Phan Khôi