PHAN KHÔI: TÁC PHẨM ĐĂNG BÁO 1928

 

Kể chuyện mình

Một vài điều trong cuộc sanh hoạt của tôi tại nhà trường

(dịch của Eroshenko)

 

 I

 

Tôi là người mù. Lúc tôi nên(*) bốn tuổi, mù cả đôi mắt. Bấy giờ tôi khóc lóc kêu la, lìa khỏi cái thế giới ban ngày, sáng láng, có năm sắc rực rỡ, có sự trông mong vô cùng, mà biến thành ra một người dân trong "nước ban đêm" mờ mịt. Sự ấy là hay, hay là dở? Tôi không cần biết đến. Tôi chỉ biết cái "ban đêm" ấy nó kéo dây, nó sẽ kéo dây lâu lai mãi cho đến chừng tôi chết mới thôi, thế nhưng tôi có nên rủa rã nó không? Không, thật không nên! Xưa có nhà trứ thuật mù nổi tiếng, là ông Hoác-Cơ (Hawks), có nói trong một cuốn sách ông ấy rằng: "Cái mặt trời giữa trưa đem cả thế giới và mọi sự lạ lùng trong thế giới mà chỉ bảo cho ta; song cái ban đêm nó lại đem cả vũ trụ, vô số ngôi sao và cái khoảng không man mác -- tức là cả sự sanh hoạt thinh thang lạnh lùng -- mà chỉ bảo cho ta. Những điều mà ban ngày chỉ bảo cho ta chẳng qua là thuộc về thế giới của người; còn những điều mà ban đêm chỉ bảo cho ta, lại là thuộc về vũ trụ của thần. Ban đêm dầu đem cho ta sự đau đớn, ban đêm có khi lại đem cho ta sự buồn rầu tha thiết, song le, trong ban đêm, ta lại có thể nghe bao nhiêu ngôi sao xúm lại mà ca hát, trong ban đêm ta lại có thể học tập mà hiểu biết cái lẽ tự nhiên, từ trong sự tự nhiên mà thấy được cái thần tự nhiên.

Ông Hoác-Cơ đã từng nói những lời như thế. Ông ta lúc nhỏ què một chơn, đến mười lăm tuổi lại mù đôi mắt, thế mà về sau làm ra nhiều sách nói về sự sanh hoạt của động vật, trở nên một nhà tự nhiên khoa học có tiếng ở nước Mỹ. Tôi bây giờ có thể nói được như thế hay không? Phải chi tôi cũng như ông Hoác-Cơ ở nơi rừng rậm lớn, trong cái nhà đẹp đẽ và an thịnh, có vợ con quây quần lấy, thì tôi cũng nói như thế được. Hiềm vì, tôi dầu khao khát cái cảnh đẹp tự nhiên, mà lại cứ thường thường ở tại Mạc-tư-khoa, Lôn-đôn, Đông-kinh, là mấy nơi đô thành lớn, sanh hoạt trong chốn rộn ràng tấp nập. ở trong những nơi đô thành rộn ràng tấp nập ấy, ban đêm không có thể cho tôi nghe những ngôi sao ca hát, ban đêm không có thể dạy cho tôi hiểu lẽ tự nhiên, từ trong sự tự nhiên mà thấu được cái thần tự nhiên. Ban đêm dạy cho tôi lại là những sự khác, nhưng bây giờ tôi không nói đến; cái điều tôi muốn nói, ấy là trong trường học họ dạy tôi những gì.

Lúc tôi lên chín tuổi, họ đưa tôi vào học trong trường trẻ mù tại Mạc-tư-khoa. Trường ấy hình như là xa cách với cả thế giới: khi học trò rỗi rảnh, chẳng cho đi ra khỏi trường, rất đỗi chẳng cho về nhà cha mẹ nữa. Chúng tôi cả ngày bị thầy giáo chăn giữ, một khắc cũng không nới ra.

Có một lần, thầy giáo dạy cho chúng tôi rằng, bề mặt trái đất là rất lớn, cho nên loài người dầu đông đến thế, mà ai nấy cũng đến choán được một chỗ để sanh hoạt trên bề mặt trái đất. Bạn tôi La-binh (Lapin), là một cậu bé nên mười một tuổi, bèn hỏi rằng: "Nếu bề mặt trái đất đã rất lớn như vậy, thì làm sao cha tôi không được một miếng mà cày, lại phải cày rẽ ruộng của bá tước Ô-lô-phu (Orlof)? " Bấy giờ thầy giáo lấy cớ câu hỏi của La-binh là "hỏi dại", bèn mắng hắn một hồi, vì trong trường chúng tôi, học trò đối với thầy giáo chỉ được hỏi những "câu hỏi khôn" mà thôi.

Một chặp, thầy giáo hỏi La-binh rằng: "Câu mầy mới hỏi đó là "hỏi dại", bây giờ chính mầy đã nhận biết chưa? " Thoạt tiên, La-binh chẳng nhận biết gì cả, thầy giáo bắt hắn ta phải đứng, đợi đến chừng nào nhận biết câu hỏi mình là dại mới thôi. Quá nửa giờ, La-binh mới nhận biết, thầy giáo bèn cho hắn ngồi xuống. Sau khi tan lớp, tôi hỏi La-binh cái chỗ dại của câu hỏi ấy ở đâu. Hắn nói không biết. Tôi lại hỏi: "Mới rồi anh chẳng đã nói mình nhận biết rồi sao? " La-binh đáp rằng: "Tôi nhận biết ấy là: vì hỏi mà phải mắng, phải phạt đứng."

Thầy giáo lại dạy chúng tôi, loài người chia ra có nhiều giống, như giống trắng, giống vàng, giống đỏ, giống đen vân vân..., mà rất văn minh, rất tấn bộ là giống trắng, còn rất dã man là giống đen giống đỏ. Bấy giờ, La-binh đứng dậy hỏi rằng: "Chúng ta được xưng là giống rất văn minh, rất tấn bộ, có phải là chỉ tại màu da chúng ta trắng sao? " Một đứa trẻ khác lại đứng dậy hỏi rằng: "Trong lúc cuối mùa hè, có nhiều kẻ bị nám nắng đen như sơn, thì họ chẳng biến ra dã man sao? ". Thầy giáo bảo hai câu chúng hỏi đó đều là "hỏi dại", nhơn đó phạt La-binh và đứa trẻ kia phải đứng thẳng, cho đến chừng nào chúng nhận biết sự dại mình mới thôi.

Bên cạnh trường học chúng tôi ấy là nhà của ông Bạc-lô-phu (Perlof). Bạc-lô-phu là chủ hiệu buôn chè rất lớn ở nước Nga, hiệu ấy chuyên mua sỉ chè nước Trung Hoa. Có một độ, Lý Hồng Chương là nhà ngoại giao có tiếng bên Trung Hoa đến Mạc Tư Khoa. Bạc-lô-phu mời va về khoản đãi tại nhà mình. Lý Hồng Chương nghe biết nhà trường chúng tôi ở gần bên nhà Bạc-lô-phu, bèn nhơn tiện đến xem. Lý mặc áo quần Trung Hoa, sau gáy thả cái bín lớn, đi đến nhà trường chúng tôi. Lý dễ dãi lạ thường, cho phép chúng tôi đến sờ áo quần và bín của va. Tôi vì đã biết Lý Hồng Chương là thuộc về giống vàng, nên nắm chặt lấy tay va, mò rờ qua một hồi thật kỹ, muốn tìm cho ra cái tay giống vàng và cái tay giống trắng có chỗ khác nhau hay không. Hơn một phút, tôi bèn hỏi thầy giáo rằng: "Lý Hồng Chương có phải thật là giống vàng chăng?"

Thầy giáo trả lời rằng, phải. "Thế nhưng cái tay giống vàng với cái tay giống trắng có khác nhau thế nào, thật tôi không tìm ra được!"

La-binh nói xem lo vào rằng: "Lý Hồng Chương nếu là thuộc về giống vàng, chắc sánh với chúng ta còn là dã man nhiều. Song cứ như tôi xem, rất ít va cũng còn là hiền lành hơn thằng Mi-ha-in (Mihain) của chúng ta". (Mi-ha-in là tên bồi trường mà chúng tôi ghét nhứt).

Khi chúng tôi đương trò chuyện, người thông ngôn đi với Lý Hồng Chương xây nói với va những gì đó, Lý Hồng Chương khúc khích cười một chặp. Lý ra rồi, tôi và La-binh vì vô lễ trước mặt quý khách, phải phạt một cách thẳng phép. Họ không cho chúng tôi ăn, cho đến chừng nào chúng tôi nhận biết sự mình thất lễ mới thôi. Mãi đến tối hôm ấy, chúng tôi mới nhận biết, mới được cùng với các trẻ khác ăn bữa tối. Giữa bữa ăn, tôi sẽ sẽ nói riêng với La-binh rằng: "Tôi đã sờ qua cái tay Lý Hồng Chương thuộc về giống vàng, cái tay ấy so với cái tay ông hiệu trưởng chúng ta lại mươn mướt hơn nhiều". La-binh cũng nói khẽ: "Tôi tưởng Lý Hồng Chương chẳng những là hiền lành hơn thằng Ma-ha-in chúng ta, mà cũng lại văn minh hơn đám thầy giáo chúng ta nữa". Khi ấy thầy giáo đương ăn tại nhà cơm, bèn lập tức bảo tôi và  La-binh đứng dậy, truyền rằng: "Hãy sang bên nầy, đem những lời tây riêng của chúng bay mà nói mồn một ra trước mặt mọi người!" Thương hại cho chúng tôi bấy giờ, vốn không có cái tài nói dối, lại đương lúc  vội vàng, bịa đặt ra làm sao cho kịp, cực chẳng đã phải run cầm cập đem những lời mới vừa nói mà phô ra hai năm rõ mười. Thầy giáo nghe thì cả giận, bắt chúng tôi thảy quỳ trên nền lát đá lạnh như nước, và phán rằng nếu chúng tôi chưa nhận biết cả  tội lỗi mình thì không cho đứng dậy. Cho đến nửa đêm - cơm cũng chẳng ăn nữa - chúng tôi mới nhận biết tội lỗi mình. Chúng tôi bèn nhớ lại cả những sự xấu xa và hình trạng quái lạ của người Trung Hoa mà bình nhựt thầy giáo vẫn dạy cho chúng tôi, đem trút cả trên đầu tên Lý Hồng Chương khốn nạn ấy. Chúng tôi bắt đầu nói cùng nhau rằng: "Lý Hồng Chương đích là không bằng thầy giáo chúng ta văn minh dường kia, không bằng thầy giáo chúng ta khôn ngoan dường nọ, vì hắn có mặc cái quần quái gở, có thả cái bín buồn cười, và khi hắn còn nhỏ đem hai bàn chơn mình bó chặt trong đôi giày bằng gỗ bé tí, làm cho trở nên một bộ dò nhỏ".

Các trò đồng lớp với chúng tôi la ồn lên rằng: "Không, chỉ có con gái bé bên Trung Hoa mới làm như thế!"

La-binh trả lời một cách co cượng rằng: "Chẳng làm như thế là gì? Giá Lý Hồng Chương con gái, thì cũng làm như thế chớ gì?"

Một trò gái đồng lớp với chúng tôi bèn la lên rằng: "Tôi tưởng bọn gái bé bên Trung Hoa ai nấy chẳng muốn bó chơn làm chi; ấy là  tại cha mẹ họ làm ra đó thôi". Song le, La-binh cũng cứ co cượng đáp rằng: "Giả như chính mình bọn gái bé làm cha làm mẹ thì chúng nó cũng lại làm như thế". Bấy giờ người ta cười ồ cả lên, chúng tôi bèn kể luôn những cái chứng cớ Lý Hồng Chương là dã man.

"Thầy giáo thường nói với chúng ta rằng: Người Trung Hoa tức là người Giu-đa ở phương Đông. Vậy thì Lý Hồng Chương cũng là một người Giu-đa  ở phương Đông vậy. Hắn chỉ biết mưu lợi riêng cho mình; hắn ham tiền bạc hơn hết thảy mọi vật gì trên đời nầy; vì ham tiền  bạc, bất kỳ người nào, vật gì hắn có thể đem mà bán đi hết".

Nói đến đó, La-binh lại càng thấy dẻo môi lắm, hắn nói rằng:

"Ngày xưa người Giu-đa vì ba mươi đồng bạc mà bán Cơ-đốc(**) đi, cái anh Lý Hồng Chương là người Giu-đa phương Đông nầy lại có thể vì ba mươi đồng xu ngộ khi không có ai trả giá cao hơn đem Cơ-đốc bán quách đi cũng được nữa". Bấy giờ người ta lại cười ầm cả lên, tự nhiên chúng tôi càng thêm cao hứng, bèn nói tiếp rằng: Lý Hồng Chương ưa ngồi trước mặt đông người  coi hành hình hay là xử tử kẻ có tội; hắn có nhiều vợ; hắn chỉ yêu con trai mình, đối với con gái lại lạt lẽo, khi đẻ con trai thì ưng cho người ta đi mừng, còn đẻ con gái thì không vui; hắn cỡi trên người ta mà đi, hắn uống nước chè không hòa đường; Lý Hồng Chương dùng  mèo đen mà ăn bữa mai, dùng chó con và dòi tữa mà ăn bữa trưa, dùng chuột xào với mật mà ăn bữa tối; khi hắn bắt được con chí con rận thì bỏ vào mồm mà cắn cho chết..."

"Đủ rồi! đủ rồi!" Các thầy giáo la lên, có mấy thầy đương ăn xúp, nghe thấy thế thì muốn mửa. Bấy giờ thầy giáo mới tha bổng chúng tôi, cho phép chúng tôi ăn cơm tối. Ai nấy trong nhà cơm đều cả cười cả vui, chỉ có hai chúng tôi ngồi buồn thiu buồn thỉu, nước mắt dầm dề nhỏ vào trong bát xúp của chúng tôi, xúp ấy chúng tôi cũng không buồn ăn nữa.

"Bây giờ đã tha cho chúng bay rồi, làm sao chúng bay lại khóc?" Thầy giáo hỏi đến mấy lần mà chúng tôi không trả lời một câu nào. Thầy giáo thấy chúng tôi không ăn uống một chút gì cả, có ý chột dạ, bèn chạy lại, hỏi tôi rằng: "Chúng bay có việc gì a? Vì làm sao cứ khóc mãi, chẳng ăn chút gì?" La-binh thưa rằng: "Bây giờ chúng tôi tự trách phạt lấy mình, nên chẳng muốn ăn uống gì hết, vì mới rồi chúng tôi có vu oan cho Lý Hồng Chương giống vàng ấy nhiều điều thảm hại quá". Thầy giáo nghe vậy, chẳng nói một lời.

Nội đêm ấy, chúng tôi lại thấy Lý Hồng Chương trong chiêm bao, va mặc cái quần quái gở, sau gáy thả cái bín buồn cười, song va lại rất là hiền lành, hai bàn tay của va lại mươn mướt đáng yêu là dường nào!

Thầy giáo dạy cho chúng tôi, hễ nhà nước thì phải có vua cai trị, nếu nhà nước mà không có vua cai trị thì cũng như trong trường học không có ông đốc, không có bao giờ tấn bộ được. Chúng tôi nghe vậy bèn không có thể nhịn cười; vì chúng tôi ở trong trường học, rất sung sướng là khi ông đốc có đau ốm gì, khi ấy thì chúng tôi tha hồ mà vui chơi: phàm những trò đùa có thú, bất luận là gì, chúng tôi đều đùa được; phàm những câu chuyện có thú, bất luận là gì, chúng tôi đều nói được cả. Thầy giáo thấy bộ miệng chúng tôi hơi chúm chím, nổi giận khoát rằng: "Mấy lời tao nói đó chẳng có gì đáng tức cười cả, làm sao bay lại cười? Không đáng cười mà cười, ấy là tỏ ra cái ngu của chúng bay". Chúng tôi bèn làm thinh.

Thầy giáo giảng nốt nữa rằng: "Bây giờ nói riêng về nước Nga chúng ta. Chúng ta có một vị hoàng đế, trên đầu ngài đội mão miện rất quý báu, trong mình ngài mặc áo ngự bào quý báu, ngài ngồi trên ngai vàng, tay cầm cái hốt bằng ngọc..."

La-binh bứt ngang lời thầy giáo, hỏi rằng: "Song nếu trên  đầu hoàng đế không có mão miện, trong mình ngài không có áo bào, tay không cầm hốt ngọc, thì người ta có thể nhận ra là một vị hoàng đế hay không?" Câu hỏi ấy là "hỏi dại", La-binh lại bị phạt đứng song hắn lại chống cãi rằng: "Thế nhưng, thưa thầy, chúng tôi không thấy mão miện, không thấy hốt ngọc, vậy thì làm sao có thể nhận ra được là hoàng đế hay không phải hoàng đế ư?". Câu hỏi ấy mới lại là dại đặc dại đần, La-binh bèn bị phạt quỳ trên ván nền.

Thầy giáo nói nốt: "Ngoài hoàng đế ra, nước ta lại còn có hàng quý tộc. Chúng ta đối với hàng quý tộc phải tôn kính, phải phục tùng, bởi vì họ thuộc về dòng quý tộc, còn chúng ta chẳng qua là hạng dân hèn đó thôi".

Khi ấy La-binh đương quỳ, trong đám chúng tôi không còn có ai biết hỏi dại nữa, chỉ có một học trò gái đồng lớp thình lình nghĩ ra một chuyện, hỏi rằng: "Song le, thằng Lan-khô-phu (Langhof, một trò bé mà về dòng quý tộc ở trong nhà trường chúng tôi); cũng là con cháu của một nam tước, vậy thì chúng ta cũng phải tôn kính phục tùng nó sao?" Câu hỏi ấy cũng kể là một câu hỏi dại, nên trò gái ấy bị phạt đứng.

Thầy giáo nói luôn rằng: "Ví như trong nhà trường đây có thằng La-binh là đứa hư thân mất nết, cứ hay cãi lộn với thầy giáo, phản đối với thầy giáo thì trong nhà nước cũng vậy, cũng có những đứa hư hỏng, cứ hay tìm dịp là khuấy rầy chánh phủ, phản đối với chánh phủ. Những đứa hư hỏng ấy tức là "đảng xã hội" và "đảng vô chánh phủ,...." chúng ta đối với bọn ấy phải đem lòng ghê tởm mà thù ghét chúng nó mới được".

Thế nhưng trong đám chúng tôi chẳng hề có ai ghê tởm La-binh cả, chẳng hề có ai thù ghét La-binh cả; trái lại, chúng tôi thảy đều yêu thương La-binh hơn hết mọi người. Tôi tưởng, nếu những kẻ họ cho là hư hỏng trong nhà nước mà cũng tốt như đứa hư thân mất nết trong nhà trường, thì cứ như ý tôi, chẳng có việc gì mà phải ghê tởm cả.

Sau buổi học ấy chẳng bao lâu, có ông thân vương á-lịch sơn-đại-vi-chi (Prince Sergy Alexandrovitch) -- chú ruột vua Nicôla II nước Nga -- thình lình muốn đến viếng trường học chúng tôi. Lúc đó ông ấy đương làm tổng đốc tỉnh Mạc-tư-khoa (Tổng đốc là một chức quan địa phương lớn hơn hết của nước Nga, nước Nga chỉ có hai tổng đốc một ở Bỉ-đắc-cách-lặc(***) một ở Mạc-tư-khoa cầm cả binh quyền và chánh quyền trong tỉnh).

Trước một tuần lễ, họ đã bắt đầu chỉnh bị mọi việc, từ nhà trường cho đến học trò đều sắp đặt mới lại cả, để chực ông quý khách ấy đến. Phú-lít và quân lính dàn ra kín mít trong trường, trong vườn trường cùng xung quanh đường phố phòng có bọn vô chánh phủ hay là đảng cách mạng đón đường mà hành thích chăng. Ông Á-lịch-sơn-đại-vi-chi thân vương nầy, sau đây và  ba năm cũng bị một người thuộc đảng vô chánh phủ ném trái phá mà chết.

Đã đến ngày rồi, mọi việc xong đâu vào đấy, chúng tôi chỉ có đợi nghe chuông là hết thảy đều vào nhà khách lớn, sắp hàng ra nghinh tiếp. Song le, còn độ mười phút nữa mới đến giờ đã định, thì bỗng nghe  tiếng chuông vang lên. Tôi nghĩ đây là vì có người rung chuông hót bợ quá thể cho nên tôi chẳng vội gì, dần dà hơn mười phút nữa mới ra khỏi phòng riêng mình mà vào nhà khách lớn. Khi tôi đương đi, thình lình có một người không quen biết gàn  tôi lại, hỏi rằng: "Mầy đi đâu?".

Tôi trả lời rằng: "Tôi đến nhà khách lớn, chịu rước đức Hoàng thái thúc".

Người ấy lại hỏi tôi đã ăn bữa trưa chưa. Tôi nói đã ăn rồi. Va lại hỏi tôi ăn bữa trưa có ngon không. Tôi bèn trả lời: "Bữa trưa nầy nếu ăn không ngon, dễ thường ông bằng lòng cho tôi bữa trưa khác ngon hơn hay sao?"

"Hẳn chớ, việc ấy có gì mà chả được". Người không quen  biết ấy nói như vậy.

"Vậy thì, mỗi ngày ông sẽ cho tôi một bữa trưa khác và một bữa tối khác, vì mỗi ngày bữa trưa bữa tối đều là không ngon cả".

Người không quen biết ấy cười mà rằng: "Mầy không ngó thấy mặc dầu, song mầy yêu le kẻ khác lắm phải không?"

"Cái đã  hẳn, thuở mô đến giờ tôi không hề ngó thấy bạn hữu tôi, song tôi yêu họ lắm".

"Mầy có yêu ta không?"

"Tôi không nhìn biết ông, mà nếu tôi nhìn biết tiếng nói của ông, tôi cũng không yêu ông. Hiện bây giờ  tôi không yêu đâu, vả lại cũng không bằng lòng nói chuyện với ông nữa, nhơn vì đức Hoàng thái thúc sắp đến rồi".

Tôi nói rồi mấy câu ấy, liền vội vội vàng vàng chạy đến nhà khách lớn. Về sau có người nói cho tôi biết, trong khi tôi nói chuyện với người kia đó thì mặt thầy giáo chốc lại xanh, chốc lại đỏ, chốc lại xám, hầu như đứng sững không động đậy được. Số  là người không quen biết mà nói chuyện với tôi đó chính là ông thân vương; khi ngài nói chuyện với tôi thì khoát tay không cho ai tới gần, thành ra tôi không biết là ngài được. Sau khi thân vương đi rồi, tôi bị giam trong một cái buồng riêng. Họ bàn với nhau định đuổi tôi ra khỏi trường.

"Làm sao mầy dám đứng trước mặt đức thân vương mà nói những lời vô lễ như vậy?" Thầy giáo hỏi tôi cách xẵng xớm.

"Nhưng tôi có ngờ rằng người ấy chính là đức thân vương đâu".

"Làm sao mầy lại không ngờ được? Thôi thì cho mầy không thấy bộ phẩm phục sang trọng của ngài, cho mầy không thấy những mề đay rực rỡ trước ngực ngài, mà nội cả nước Nga không ai có, song còn cái tôn nghiêm cao trọng của ngài mầy lại không ngửi ra được hay sao? Bên mình  ngài đứng hai tên lính hầu Khêcơxa (Chekesa(****), là một giống dân ở về đất Cao-gia-sách nổi tiếng là trung thành mạnh dạn, nhà vua nước Nga hay mướn bọn ấy làm lính hầu cận), sau lưng ngài đứng bao nhiêu lãnh binh phó tướng, mầy không thấy đã đành song mầy cũng phải ngửi ra được chứ?".

"Thưa không, thật tôi chịu không ngửi ra được. Tôi những tưởng cái người không quen biết ấy là một tên phú lít cắt đến đứng dàn nơi sân trường vì người ấy thật là lạnh lẽo vô tình quá".

Thế nhưng về sau thầy giáo cũng tha cho tôi vì một chặp chi đó tôi liền nhận biết cái đại tội cực ác của mình; chỉ có bạn La-binh nói rằng: "Ví dầu ông thân vương kia đầu đội mão miện quý báu, tay cầm hốt ngọt, trước mặt  dàn ra cả đạo quân cấm vệ của thành Bỉ-đắc-bão là cũng không ai ngờ là một vị thân vương, e người ta chỉ ngờ là một tên lính hung hãn vô phép mà thôi".

Trên kia tôi đã nói, nhà trường chúng tôi là cách xa với cả thế giới; song cứ chiếu lệ mỗi hai tuần lễ một lần, thầy giáo với tụi bồi trường đem chúng tôi đến nhà tắm chung, thì nhà tắm để cho chúng tôi thuê bao mà tắm trong vài ba giờ. Có một lần, trong khi đi tắm, tôi và bạn tôi La-binh đi hơi chậm, lọt lại đằng sau, cách nhau với đội học trò đến hai ba chục thước, tụi bồi chỉ chăm nom bọn đằng trước, thành ra không ai biết đến. Khi tôi và La-binh đương đi qua đường phố, bỗng có một người hỏi chúng tôi, chúng tôi bèn đứng lại.

Người ấy hỏi rằng: "Các cậu bé ngoan ngoãn kia có biết họ đem các cậu đi đâu không?"

Cực chẳng đã chúng tôi phải cất mũ, chào người không quen biết ấy một cách có lễ phép, và dịu dàng mà trả lời rằng: "Dạ, kính ngài, thầy giáo chúng tôi đem chúng tôi đi tắm ạ".

Người không quen biết ấy cười một cách lấy làm lạ mà rằng: "Cái gì? đi tắm à?"

"Thưa phải, kính ngài, chúng tôi đi tắm, vì thầy giáo dạy rằng, cách hai tuần lễ thì trong mình dơ bẩn, phải tắm một lần mới được".

"Vậy thì thầy giáo các cậu có dạy rằng, cách đến mấy tuần lễ thì trong tinh thần cũng hóa ra dơ bẩn không?" Người không quen biết ấy hỏi chúng tôi.

Chúng tôi nói: "Cái đó thầy giáo chưa hề dạy cho chúng tôi khi nào".

Va cười một cái, lại hỏi rằng: "Thân thể người ta dễ dơ bẩn lắm, chỉ một phút là đủ, các cậu có hiểu không?"

"à, phải rồi, thưa ngài, trong mùa có mưa dầm, chúng tôi chạy lén ra vườn hoa chúng tôi, tức thì chúng tôi có thể làm cho mình dơ bẩn; chúng tôi mó tay một cái, đi một bước, ấy là bị lấm bùn rồi; song trong lúc đó, thầy giáo chỉ có trách phạt chúng tôi, quở mắng chúng tôi, mà lại không hề dẫn chúng tôi đi tắm ạ".

Người không quen biết ấy nghe mấy lời thì nói rằng: "ở thời đại nầy, đến đâu cũng là mùa mưa dầm cả, chúng tôi chỉ mó tay một cái, đi một bước, ấy là có thể làm cho mình dơ bẩn rồi, song le thầy giáo chẳng hề đem chúng tôi đi nhà tắm để tắm, lại chỉ cứ quở mắng chúng tôi, trách phạt chúng tôi mà thôi".

Lúc bấy giờ vào hạ tuần tháng tám trời đã nắng lại hanh, chừng ba tuần lễ nay không có mưa, cho nên chúng tôi thoạt nghe những lời của người không quen biết ấy thì chẳng hiểu ra làm sao cả. Khi ấy đã có bao nhiêu người xúm lại đó, họ thấy trên mặt chúng tôi có vẻ hồ nghi, bộ miệng chúng tôi hơi ụ ợ, thì vùng cười cả lên. Cũng trong lúc ấy, một thầy giáo cùng với hai tên bồi lật đật chạy lại, đến bên cạnh chúng tôi, tát cho chúng tôi mấy cái trên má, cả giận mà rằng: "Chúng bay phải đòn một trận cho nên đáng mới nghe! Tao đã nói hoài, bảo chúng bay không được nói chuyện với ăn mày! Bây giờ chúng bay đã lại giở trò cười ra trên đường phố lớn, trước mặt thiên hạ! Trong ý chúng bay nghĩ thế nào mà lại cất mũ đứng trước mặt một đứa dơ dáy đê hèn như vậy? Không ngờ chúng bay là đồ đui đồ mù không chữa được đến thế!"

Thầy giáo và bọn bồi khoát tháo như vậy, rồi lôi mạnh chúng tôi đến nhập vào đội học trò, cùng đi với họ.

Đến nhà tắm, thầy giáo gọi hai chúng tôi vào trong một phòng riêng, tay cầm cây thước, nói rằng sẽ đánh chúng tôi một trận nhừ tử, vì chúng tôi làm nhem nhọ danh dự nhà trường. Thầy giáo nói rằng: "Dân thành Mạc-tư-khoa nầy nếu nghe được học trò trường trẻ mù, là trường danh giá thuở nay, cùng nói chuyện với kẻ ăn mày trên đường phố, thì không biết họ sẽ nói làm sao? Nếu họ nghĩ đến thầy giáo nhà trường rồi lại nghĩ đến kẻ ăn mày ấy, thì không biết sẽ ra thế nào? Cả đời tao chưa hề thấy qua cái thằng ăn mày đáng ghê tởm ấy, nó để những móng tay dài và dơ, mặc những áo quần rách và bẩn, tóc trên đầu nó chờm bờm, từ cái đầu cho đến cái chơn trần trụi kia đều là đen như mồ hóng, đầy những chí và rận..."

Cái thước ấy giá lên giữa khoảng không một cách nổi giận phừng phừng, rồi nhè trên lưng trần của tôi vụt xuống một cái thảm hại, cái thứ nhì vụt đến trên mình La-binh, cái thứ ba lại thay phiên đến trên tôi.

Khi ấy tôi cắn cứng cả hàm răng lại, không dám rên siết, không dám kêu la; nhưng mà, khi cái thứ hai vụt xuống trên mình La-binh thì hắn thoạt kêu lên rằng: "Song le, thưa thầy, chúng tôi thật không biết rằng cái người không quen biết ấy chính là đứa ăn mày đáng ghê tởm ạ! "

"Vậy thì mầy tưởng nó là ai? "

La-binh nói thỏ thẻ rằng: "Tôi tưởng nó là một vị thân vương kia mà..."

Tôi lại tiếp thêm rằng: "Chúng tôi tưởng trên ngực nó có đeo mề đay rực rỡ, mà thứ mề đay ấy, ngoài nó ra, cả nước Nga nầy không ai từng có..."

Bấy giờ có một thứ tiếng lạ lùng phát ra từ trong họng thầy giáo, chúng tôi nghe tiếng ấy như tuồng nghi ngờ, như tuồng sửng sốt, lại như tuồng sợ hãi. Cái thước ở trong tay thầy giáo bỗng dưng rơi xuống nằm trên đất. Chúng tôi có thể thấy ra rằng, trong giây phút đó, thầy giáo gặp phải lần thứ nhứt trong đời mình - nói là lần cuối cùng cũng nên - được thình lình xem thấy cái "nước ban đêm" mờ mịt kia, lại thấy cả vị thân vương của "nước ban đêm" ấy nữa, vị thân vương ấy từ cái đầu cho đến cái chơn trần trụi kia đều đen như mồ hóng, đầy những chí và rận, song le trước ngực thì lại đeo những mề đay rực rỡ, mà thứ mề đay ấy, ngoài ngài ra, cả nước Nga không ai từng có.

Từ nhà tắm ra về đến trường học, chúng tôi đã chực sẵn để chịu trận đòn đau, thế nhưng thầy giáo lại không nói gì đến cả. Tôi tưởng đây có lẽ vì thầy giáo không dám đem cớ sự mà trình với ông đốc, bởi thầy giáo đã lơ đãnh để cho học trò được đi tự do nói chuyện với ăn mày như vậy, nếu mà cho ông đốc biết, chắc không khỏi quở xối thầy giáo một hồi trước đã.

Bây giờ nói thêm mấy câu nữa để kết cái bài ngắn nầy: Xem như vậy thì những điều "ban đêm" dạy bảo cho tôi, điều thứ nhứt là sự nghi ngờ, nghi ngờ hết thảy mọi việc và mọi người. Nó dạy cho tôi chớ có tin lời thầy giáo chúng tôi, nó lại dạy cho tôi chớ có tin và nghe theo mạng lịnh của mọi kẻ cầm quyền. Bất kỳ việc gì, tôi đều không tin; hết thảy mọi kẻ cầm quyền, tôi đều nghi ngờ. Tôi đối với "sự lành của thần" và "sự dữ của ma" đều nghi ngờ một thể; đối với mọi chánh phủ, và hết thảy xã hội nào tin cậy chánh phủ, cũng đều không tin một thể. Song le kẻ mù khác, thì "ban đêm" lại dạy cho họ coi hết thảy mọi sự là lẽ thật, dạy cho họ ai nấy đều giữ bổn phận mình. Trong đám bạn hữu tôi, có già nửa phần đều tin theo lời thầy giáo, đều vâng theo mạng lịnh của kẻ cầm quyền, không có sự gì là nghi ngờ hết cả. Những người như vậy, họ đã sớm choán được cái ngôi xứng đáng trong xã hội rồi; người thì làm thầy dạy nhạc, người thì làm thầy giáo, người thì làm thợ; họ đều đã cưới vợ, đẻ con, làm ăn qua ngày một cách an ổn và hạnh phúc. Chỉ có tôi đây không được gì cả, lưu lạc rày đây mai đó cho đến bây giờ. Đến chỗ nầy, không tin chỗ nầy; đến chỗ kia, lại không tin chỗ kia. Ai dám bảo rằng sau nầy đến ngày bị rủa sả, tôi không có thể đứng vào chỗ xó tối trên đường phố lớn, làm một vị thân vương trong "nước ban đêm" ư? Ai dám bảo rằng sau nầy tôi không có thể chìa tay ra mà ăn xin những người qua đường ư? ...

                                                                                                                             C.D.

                                                                                              Đông Pháp thời báo,  Sài Gòn

                                                                                        s.722 (22.5.1928); s. 727 (5.6.1928);

                                                                          s. 730 (12.6.1928); s. 731 (14.6.1928); s.732 (16.6.1928)

---------------

* Trên báo chí đương thời, nênlên được dùng đồng thời, như hai dạng của cùng một từ, tương tự Côn-nôn và Côn-lôn;

**Cơ-đốc: dạng đọc Hán-Việt của từ Christ, tức là tên chúa Jésus Christ;

*** Bỉ-đắc-cách-lặc: dạng đọc Hán-Việt tên thành phố Petrograd hoặc Petersburg;

**** Cherkesey: một sắc dân sống ở tỉnh tự trị Karachaevo-Cherkesk (nay thuộc lãnh thổ Ukraina)

 Trở về mục lục Trang Phan Khôi