PHAN KHÔI: TÁC PHẨM ĐĂNG BÁO 1928

Bờ ao

 (dịch văn Eroshenko)

 

Trời nhá nhem, chuông chùa nện tiếng buồn rầu, các sư tụng kinh giọng lanh lảnh. Chú tiểu bưng bát cơm thừa đi từ trong nhà bếp ra đến bên bờ ao. Bao nhiêu cá gáy, cá măng lửa nổi trên mặt nước chiều hôm phẳng lặng, táp lấy hột cơm rơi, nghe câu kinh các sư tụng. Mặt trời như chiếc tàu đỏ thắm chìm xuống biển vàng xa khơi. Lũ ve sầu thấy thế, bèn khóc òa lên cách thảm thiết.

Có hai con bướm, vàng và bạc, mới nở ra buổi sớm mai nay. Hai con bướm ấy thấy mặt trời chìm xuống biển, liền kêu la vang lên:

"Chúng ta không có mặt trời thì không sống được hẳn; ấy có phải là việc chơi hay sao?"

"À, đã thấy lạnh rồi. Không có cách gì làm cho mặt trời đừng chìm đi ư?"

Trong bụi cỏ bên cạnh đó, ở một con dế đã có tuổi. Dế ta nghe hai con bướm thanh niên nói với nhau như vậy, thì vùng bật cười không nín được.

"Thật có kẻ nói được câu chuyện không đâu ấy ư? Đến sáng mai đây, sẽ có mặt trời khác mọc ra chớ gì."

"Dầu cho có thế đi nữa, song mặt trời nầy lặn đi, há chẳng đáng tiếc sao?" Con bướm vàng nói thế.

"Không thể tiếc được, vì ngày nào cũng như vậy."

"Nhưng mà mỗi ngày mặt trời cứ chìm xuống biển như vậy, há chẳng phải là một điều bất tiện hay sao? Ta phải nghĩ cách nào chớ?"

"Thôi đi, đừng có làm cái chuyện không đâu ấy. Việc ấy không thể làm được, huống chi đến mai mặt trời lại sẽ mọc."

Thế nhưng, đôi con bướm thanh niên mới nở sớm mai nay không thể nào hiểu được cái ý của con dế già là tay đã giàu sự tri thức và kinh nghiệm.

"Không luận thế nào, tôi không thể ngồi yên mà nhìn mặt trời chìm đi được." Con bướm vàng nói.

"Chưa chắc việc nầy là có ích, song chúng ta cứ bay đi, hết sức làm thử một phen xem sao." Bấy giờ con bướm vàng nói với con bướm bạc: "Được hay không, chưa biết chừng, hai chúng ta hãy cứ ra sức làm thử, làm thế nào cho trên thế giới nầy không một phút nào là không có mặt trời. Mầy bay đi phương đông, hết sức làm cho nay mai mặt trời mọc sớm; tao bay đi phương tây, hét sức cầu xin mặt trời hôm nay lại trở về. Chúng ta chia ra hai mặt, chắc đâu rút cục lại không mặt nào được việc hết."

Có một con ếch phóc ra từ nơi đất ẩm, toan mò tới kiếm ăn trong ao, nghe lọt câu chuyện con bướm nói, thì nó quát lên rằng:

"Tán câu chuyện vu vơ đó là đứa nào? Tao táp quách nó đi! Trên thế giới có một cái mặt trời đã là đủ rồi. Nóng lắm chịu không nổi! Nước trong ao đã cạn rồi, còn chưa biết sao? Mặt trời hôm nay lại trở về, mặt trời ngày mai lại mọc sớm, muốn cho thế giới nầy có hai mặt trời, ấy là ý gì? Hoặc giả trong đám chúng nó còn có đứa muốn có đến ba bốn mặt trời nữa chưa biết chừng. ấy là cái âm mưu của chúng nó nghịch cùng quốc dân nơi ao nầy. Táp quách nó đi! Đứa nào đó? Đứa nào tán câu chuyện ấy?"

Con dế từ trong bụi cỏ ló mặt ra nói:

"Không phải tôi đâu. ý tôi thì cho rằng cái thứ mặt trời mặt triệc gì đó, giá không có một cái nào hết thì hay hơn, vì như thế lại là ích lợi cho quốc dân nơi ao nầy."

Song le, hai con bướm nói rập lên một tiếng.

"Lại gặp nhau đó mà!" rồi thì một con bay đi phương đông, một con bay đi phương tây.

Chuông chùa nện tiếng buồn rầu, mặt trời như chiếc tàu đỏ thắm chìm lỉm xuống dưới biển vàng. Lũ ve sầu thấy thế, bèn khóc oà lên cách thảm thiết.

Nơi gốc cây thông già và lớn có vài ba con ếch to tướng đương kêu gào. Trên ngọn cây thông có tòa cai trị, cú mèo chính là quan cai trị lúc bấy giờ.

"Bẩm quan lớn, bẩm quan lớn", lũ ếch cất tiếng kêu lên, "việc họa loạn đến rồi, xin ngài chỗi dậy mau lên một chút!"

"Không phải còn sớm quá sao? Chớ việc gì mà rộn dữ vậy?" Cú mèo đưa bộ mặt ngủ chưa thẳng giấc ra, chỗi dậy từ trên nhành cao, trong chỗ râm.

"Còn sớm lắm mà?"

"Bẩm không, bẩm không, đã trễ mất rồi. Trễ quá, e khó mà dò ra tăm hơi chúng nó rồi." Lũ ếch vừa thở vừa nói, "Trong lùm cây có kẻ làm phản, có kẻ làm phản không thể mần ngơ được."

"Cái gì? Lại là làm phản a? Lũ ranh con ong mật lại rủ nhau đình công đó chớ gì?"

"Bẩm không, bẩm không, lại là chuyện ghê gớm hơn nữa kia. ấy là sự làm phản xui cho nội đêm nay mặt trời lại mọc ra."

"Cái gì? Nói thế nào?" Cú mèo khi ấy trợn cặp mắt tròn hoản mới dễ sợ cho."ấy là việc quan hệ ngay với tòa cai trị nầy một còn một mất! ấy là chúng nó muốn đạp đổ toà cai trị này tận gốc! ấylà chúng nó muốn làm mờ mắt hết thảy các quan, mà những đứa dấy loạn ấy là đứa nào?"

"Dạ, bẩm những đứa dấy loạn là tụi bướm kia. Một con bay đi phương tây tìm mặt trời, một con bay đi phương đông tìm mặt trời cho mọc lên sớm".

Bấy giờ cú mèo cả sợ hãi.

"Bảo đây!" nó đập cánh kêu tụi dơi, "Dơi, mau đến bảo đây! Sự đại loạn tới nơi rồi. Mau lên bay!"

Hai con dơi, bộ mặt còn buồn ngủ, vừa ngáp vừa chạy ra từ trong chòm rậm đen của cây thông.

"Bẩm quan lớn, có việc gì xin ngài truyền?"

"Bây giờ có hai con bướm, một con bay đi phương đông, một con bay đi phương tây, hãy nã tróc chúng nó đem về đây cho mau."

"Dạ, vâng. Song le, bẩm quan lớn, làm sao biết được là hai con bướm dấy loạn ấy?"

"Một con bướm vàng, một con bướm bạc mà."

"Vả lại mỗi con có bốn cái cánh." Lũ ếch nói xen lo vào.

"Chúng bay, không cần phải dò la trước, thoáng qua một cái bất kỳ là mặt, là cánh, là giò, lại không nhận ngay ra được nó phải là loạn đảng hay không sao?" Cú mèo vì nghe dơi hỏi lôi thôi, thì nổi nóng lên: "Chúng bay còn dần dà làm chi? Hãy đi mau lên, kẻo chậm mất rồi!" Nó vừa giận vừa thét.

Hai con dơi, trước khi đi, muốn bàn luận sơ qua với nhau, bèn bay vào trong lùm cây.

"Không đi mau lên, ấy là không được đó. Chúng ta sẽ không tìm ra tăm hơi tụi bướm kia đó."

"Hứ, bộ mầy nghĩ hễ đi ngay bây giờ thì tìm ra chúng nó được sao?"

"Chứ làm sao? Hễ là đứa dấy loạn làm phản thì thế nào cũng phải bắt cho được chúng nó chớ."

"Ê, mầy rõ thật là thằng mới ra làm việc quan. Có phải đợi đến sáng mai thì sẽ có nhiều bướm bay ra không? Bấy giờ ta sẽ tùy tiện bắt hai con nào trong đám chúng nó, chẳng khỏe hơn sao? Không cần phải đi đâu xa làm chi".

"Song nếu bắt con bướm nào khác, thì chúng ta sẽ bị quở là làm càn."

"ấy, mầy mới gàn cho! Ví phỏng bắt được chính đứa có tội, thì khi nào nó lại chịu nhận nó là đứa có tội. ấy là sự nhứt định, nếu làm y như vậy mà có rầy to, sự rầy ấy lại là sự chịu thiệt. Thôi, đi hè, vào trong rừng nầy." 

Ngày hôm sau, bọn học trò trường tiểu học theo thầy giáo đi chơi đến bãi biển. Trên nong cát, thấy cái thây một con bướm vàng bị sóng biển đánh giạt vào. Bọn học trò hỏi thầy giáo rằng:

"Con bướm chết ở đây, là chết đuối hẳn?"

"Phải đó. Cho nên ta thường bảo chúng bay: không nên lội đến chỗ nào sâu quá." Thầy giáo trả lời.

Lũ trẻ đều nói lên một loạt rằng: "Thế nhưng chúng tôi muốn tập lội bơi."

"Nếu muốn lội bơi thì ở chỗ cạn cũng được, không cần phải đến chỗ sâu. Lội bơi chẳng qua là một sự chơi đùa. ở đời văn minh nầy, không cứ đi đâu, trên sông đều có cầu, bằng không có cầu thì lại có thuyền." Thầy giáo vừa giơ tay lên vừa nói, hình như muốn chặn lời của lũ trẻ.

Khi ấy chú tiểu trong chùa kia vừa đi ngang qua.

"Thảng hoặc chìm thuyền thì làm thế nào?" Chú tiểu hỏi thầy giáo như vậy. Song le thầy giáo không đáp lại......

Bọn học trò trường trung học cũng đi ngang qua bờ biển đó. Thầy giáo trung học xem thấy cái thây con bướm vàng.

"Con bướm nầy chừng là nó không chịu khó ở yên trên hòn cù lao kia, mà toan bay đến giải đất đối ngang đó. Bây giờ là một cái chết như thế nầy. Cho nên người ta, không luận là ai, phải lấy địa vị mình làm mãn nguyện, có được bao nhiêu phải lấy bấy nhiêu làm đủ rồi, ấy là sự rất cần hơn hết."

Nhưng mà, chú tiểu trong chùa kia không chịu lấy lời dạy dỗ ấy làm mãn nguyện.

"Ví bằng không địa vị gì hết, không có gì hết, thì mãn nguyện vào đâu, lấy gì làm đủ rồi?" Chú tiểu hỏi như vậy. Bọn học trò đứng quanh đó đều cười hì hì lên. Song thầy giáo giả như không nghe chi cả, cứ nói nốt rằng:

"Hễ được như vậy thì tự mình gây nên hạnh phúc cho mình và cũng gây nên hạnh phúc cho nhà nước nữa. Mục đích của sự giáo dục là làm cho ai nấy đều lấy địa vị mình làm mãn nguyện."........................

Cùng trong buổi mai hôm ấy, bọn học trò đại học cũng đi qua chỗ đó. Thầy giáo của họ là một ông bác sĩ, nói rằng:

"Cái mà người ta gọi là bổn năng kia, không thể nói được rằng nó không sai lầm. Hãy xem con bướm nầy. Cả một đời nó, ngoài những cái mương nhỏ, cái khe nhỏ, nó chưa hề thấy cái gì khác. Đến khi thấy cái biển lớn dường này, nó cũng cho là như một cái mương nhỏ mà muốn bay qua bên kia. Cái kết quả của sự ấy đã trình bày ra trước mắt các anh. Người ta rất cần phải có kinh nghiệm. Hiện nay bọn thanh niên mới vừa ra khỏi trường học, đã đem cái kinh nghiệm hẹp hòi của mình mà mó vào những cuộc vận động về quốc sự, vận động về xã hội, thì thật chẳng khác gì con bướm ấy."

"Song nếu việc gì bọn thanh niên cũng không làm cả, thì thế nào cho có kinh nghiệm được?" Chú tiểu lại mở miệng lần nữa. Nhưng mà ông bác sĩ chỉ cười nhạt và nói rằng:

"Dẫu rằng cái tự do là cái bổn năng của loài người, song không thể nói được rằng cái bổn năng ấy là không hề sai lầm."

Tòa kiểm duyệt bỏ hết một đoạn.

                                                                                                                           C.D.

                                                                                     Đông Pháp thời báo, Sài Gòn, s.774 (27.9.1928)

                                                     (đăng lại ở Trung lập, Sài Gòn, các số ra ngày 2.10.1928 và ngày 3.10.1928)

 

Trở về mục lục Trang Phan Khôi