PHAN KHÔI: TÁC PHẨM ĐĂNG BÁO 1928

 

Thầy trò trong khám(*)

Chánh trị Tiểu thuyết

Dịch giả: C.D.

 

I

Vào khoảng năm 1815, tại cửa biển Mạc-xây nước Pháp có chiếc tàu buồm tên là Phan-long, vững chãi, đẹp đẽ và chạy mau có tiếng trong thời đó. Người chủ có tàu kêu là Mã-lặc-nhi, là người công bình, ngay thật, làm vai đàn anh trong các đám nhà buôn tàu ở Địa Trung Hải. Anh ta ở bờ mà dùng một người tên là Lý-khắc-lai làm chúa tàu thế cho mình. Lại có một người phó chúa tàu nữa tên là Đàm-đức-tư, anh nầy còn trẻ, chưa được hai mươi tuổi.

Ngày kia chiếc Phan-long ở Y-ta-li chạy về, giữa đường Lý-khắc-lai thình lình đau bịnh óc mà chết, trối lại cho Đàm-đức-tư lên làm chúa tàu thay mình. Sự ấy anh em thủy thủ trong tàu đều lấy làm phục tình cả. Duy có người mại bản tên là Đặng-cách-luân, lớn hơn Đàm sáu tuổi, người có tánh hiểm độc và khéo nịnh hót, bình nhựt trong tàu ai cũng ghét, thấy Đàm sẽ làm lớn trên mình thì sanh lòng ganh tị, tìm trăm phương ngàn chước để mà hại Đàm. Đàm cũng không nhịn, lừa khi tàu chạy ngang qua cù lao Cơ-lê-mây, anh ta phỉnh Đặng-cách-luân lên đó, toan bỏ Đặng lại đó mà nhổ neo chạy mất, song vì Đặng đã kêu van xin lỗi mới thôi. Dầu vậy, Đặng vẫn cứ ganh tị như trước.

Lúc Lý-khắc-lai chết giữa đường, chính là lúc hoàng đế của nước Pháp là Nã-phá-luân âm mưu trở về nước mình. Số là, vua Nã-phá-luân hay đánh đông dẹp bắc, làm cho dân nước Pháp đồ khổ, về sau thất bại, bị đày qua cù lao Ên-ba, và bị cấm cố tại đó không được về. Song sự ấy chẳng qua là những người thuộc đảng nhà vua về dòng vua Bua-bông chủ trương mà thôi, còn những người về phe vua Nã-phá-luân, gọi là Nã đảng, thì lại phản đối với đảng kia mà hằng tìm cách cho Nã-phá-luân trở về. Lúc đó, bên Nã đảng đương bí mật vận động cho Nã-phá-luân đi lén về nước, chỉ còn đợi bàn định điều ước với Huê-linh-tôn, ấy là xong việc, Huê-linh-tôn tức là ông tướng đại tài ở nước Anh về sau đánh phá quân Nã-phá-luân tại Hoát-tét-lô.

Lý-khắc-lai cũng là người trong đảng Nã-phá-luân, nhơn làm chúa tàu thì gánh lấy việc đi về đem tin tức cho người trong đảng. Việc ấy Lý giữ kín đáo lắm, chẳng những nhà chủ là Mã-lạc-nhi không biết mà thôi, dầu đến những người đồng sự với va trong tàu cũng không ai biết cả. Khi Lý đau ngặt, biết mình không qua được, bèn lấy ra một phong thơ đưa cho Đàm-đức-tư, dặn đến khi tàu ghé cù lao Ên-ba thì chịu phiền đem giao cho ông quan binh theo hầu Nã-phá-luân, tên là Bùi-khuất-luân, và lấy thơ trả lời đem về nước Pháp. Lý trao thơ nói như vậy rồi lại còn dặn đi dặn lại năm bảy lần. Đàm bấy giờ chưa trải việc đời, chưa hề biết đến sự âm mưu của Nã đảng, bèn hăng hái mà nhận lời của Lý và thề rằng thế nào cũng không phụ lòng kẻ hầu chết(**). Sau khi Lý qua đời, Đàm ghé cù lao Ên-ba và đưa thơ y như lời dặn, thì quả nhiên được một phong thơ trả lời mà Bùi-khuất-luân phó cho, nhờ về nước Pháp đưa cho Nã đảng ở phố Khảo-hoàng thành Ba-lê.

Khi ấy Đặng-cách-luân ở trong tàu, thường rình xem đường đi nước bước của Đàm, tuy rằng không biết rõ việc gì, song đại khái sự Đàm đưa thơ đi thơ về thì hắn đã biết chắc lắm. Khi tàu đỗ bến Mạc-xây, Mã-lạc-nhi tiếp rước rất tử tế, đãi đằng rất hậu, và y theo lời trối của Lý-khắc-lai, cho Đàm-đức-tư thiệt thọ chức chúa tàu. Đặng bấy lâu lăm le cái ngôi chúa tàu đó, bây giờ trật đi, mà lại là một người kém tuổi hơn mình đã chiếm được, thì va lấy làm bất bình lắm.

Đàm là người có hiếu, khi tàu đến bến rồi, liền về thăm cha mình. Cha va đã già, ở nhà thiếu thốn thì có vay của người láng giềng tên là Cảnh-đặc. Nợ đã đến hẹn rồi mà chưa có tiền trả, bị đòi hỏi luôn, ông già lấy làm phiền và cứ mong mỏi cho con mau về. Khi Đàm về, đem tiền trả nợ xong và thuật chuyện mình đã được thăng làm chúa tàu thì người cha mững rỡ khôn xiết. Rồi đó Đàm lại đi thăm người vợ mình mới hỏi cưới là Mai-tây-đương.

Mai-tây-đương vốn là người Tây-ban-nha. Nàng có một người anh em cô cậu tên là Phất-nhĩ-nam, tuổi mới hai mươi hai mà tác(***) lớn lắm, cũng muốn hỏi nàng làm vợ. Ngày kia chính mình y tới nhà nàng, nằn nì nói việc cầu hôn. Nàng vội gạt đi mà rằng:

-- Thân tôi đã hứa cho Đàm-đức-tư rồi, không thể nào dời đổi được.

Phất-nhĩ-nam hỏi rằng:

-- Thế ra cái chỗ sở nguyện của em chỉ có vậy là đủ ư?

-- Đủ lắm chớ, Đàm-đức-tư mà làm chồng tôi, thì tôi còn mong gì nữa!

-- Thế thì em có quả quyết tin rằng cái ái tình em đối với chàng va sẽ được trước sao sau vậy không?

-- Uả hay! Tôi còn sống một ngày thì cái tình ấy cứ đượm đà một ngày chứ sao?

Phất-nhĩ-nam nghe nàng nói hẳn hoi như vậy thì cúi đầu thở dài rồi lại đứng phắc dậy hỏi rằng:

-- Nếu chẳng may mà chàng va chết đi thì thế nào?

-- Chàng chết thì tôi đây cũng nguyện chết theo chàng.

-- Nếu lại chẳng may mà chàng phụ em thì mới tính sao?

-- Không chàng không phụ tôi, Đàm-đức-tư không hề phụ tôi đâu!

Nói rồi, nàng vội bước trái. Phất-nhĩ-nam liền kêu giật ngược lại mà rằng:

-- Mai-tây-đương! Mai-tây-đương!

Trong khi đương nói ồn ào đó thì vừa Đàm-đức-tư đẩy cửa vào. Nàng cười mà nói rằng:

-- Đó, nào tôi nói có quả không? Đàm-đức-tư quả không phụ tôi mà!

Phất-nhĩ-nam thấy vậy ngơ ngẩn cả người, hai hàm răng cắn sít lại thùi lùi ra ngồi phịch xuống ghế dựa không nói không rằng gì cả.

Đàm thấy Mai nương người đằm thắm ưa nhìn, đầu tóc như mây nước da tợ ngọc, mặc áo ngắn tay từ cùi tay đến cổ tay lòi ra trắng nõn trắng nà, ngón tay mụt măng cầm nhành bông, chân bước đi cách yểu điệu thì anh ta mê mẩn tâm thần. Hai người cầm tay nhau kể lể khúc nôi, rồi lại choàng tay nhau mà cười cợt. Khi ấy Đàm chỉ để tâm giắt mắt vào một mình Mai nương mà thôi, ngoài ra không biết có gì cả, thình lình xây lại thấy một người ra dáng sững sờ ngồi trên ghế dựa, một tay thò vào túi áo núm con dao nhỏ.

Đàm vội vàng vừa chào vừa nói rằng:

-- Xin tha lỗi cho tôi, tôi vào nhà mà mắt măng mắt vược không thấy người quý khách. Kế xây hỏi Mai nương người ấy là ai.

Mai đáp rằng:

-- Ấy là bạn thiết của thiếp đó mà lại là anh em cô cậu, ngoài chàng ra không còn có ai thân thiết với thiếp hơn người ấy.

Đàm nói rằng:

-- Nếu vậy thì cũng lại là bạn thiết của tôi nữa.

Nói đến đó hai người vẫn cứ cầm tay nhau chẳng rời. Phất-nhĩ-nam nhăn nhó tuồng mặt, chẳng nói một câu, rồi đứng dậy ra đi.

Phất đổi đường, tình cờ gặp Đặng-cách-luân và Cảnh-đặc rủ nhau vào quán uống rượu. Đặng vừa ưa nhớ đến chuyện Đàm vừa được thăng chúa tàu, thì hỏi một câu để chọc Phất-nhĩ-nam rằng:

-- Ờ! Chớ cái việc hôn nhân của con Mai-tây-đương thế nào đây?

Khi ấy Phất đã hơi có chén toan mở miệng trả lời thì bỗng thấy Đàm-đức-tư cùng Mai-tây-đương choàng vai nhau mà vào trong quán, vì ngày mai là ngày đám cưới hai người nên vào đó để mời anh em. Hai người nói mời rồi liền đi ra. Phất-nhĩ-nam cứ thở dài mãi không nói gì; còn Đặng-cách-luân đã say ngà ngà lấy mắt nhìn Cảnh-đặc tròng trọc. Cảnh bèn rót cho Đặng một cốc lớn; mấy người lại nói nốt câu chuyện Mai-tây-đương.

Đặng có ý ghen muốn hại Đàm, bèn kiếm lời khích cho sanh chuyện, nói rằng:

-- Đàm-đức-tư với Mai-tây-đương hai đứa nó thương nhau làm cho kẻ đứng ngoài thấy cũng nóng mặt. Có điều ta không thèm làm chi đó thôi, chớ làm ra thì chốc lát mà chia rẽ chúng nó cũng chẳng khó gì.

Phất-nhĩ-nam nói:

-- Thôi đi, coi bộ hai đứa nó thương nhau riết lắm, họa chăng chỉ có cái chết mới làm cho chúng nó rời nhau được. Song nếu thằng kia chết thì con nọ cũng chẳng chịu sống một mình thì mới làm thế nào?

Đặng-cách-luân nói:

-- Anh mới khờ cho! Tôi hỏi anh chớ sống mà lìa nhau với chết mà xa nhau có khác gì không?

-- Hẳn là không khác.

-- Vậy chớ sống mà ngồi trong ngục với chết mà nằm trong mả có khác gì không?

-- Cũng hẳn lại không khác.

Đặng-cách-luân bèn nói trắng cùng Phất-nhĩ-nam rằng:

-- Vậy thì anh nếu muốn bứt đứt sợi tơ duyên chúng nó chỉ có làm cho chúng nó sống mà lìa nhau là được.

Cảnh-đặc xem lo vào hỏi rằng:

-- Đàm-đức-tư có tội gì mà anh làm cho nó ở tù được anh?

Đặng cười chúm chím mà rằng:

-- Tôi làm được.

Rồi lại bắc đầu(****) mà nói cùng Phất-nhĩ-nam rằng:

-- Song le ấy là việc ông, chẳng phải việc tôi mà!

Phất nói nếu ông làm cho nó vào tù được thì tôi xin vâng mạng ông hết thảy, bảo gì nghe nấy.

Tức thì Đặng lấy giấy và viết bằng tay trái như vầy:

"Có tên Đàm-đức-tư làm việc trong tàu Phan-long, khi tàu ghé cửa biển Na-bấc-lặc và Phật-la-lăng thuộc về đất Y-ta-ly, có người tên là Ma-lặc đưa cho nó một phong thơ nhờ trao lại cho bạo chúa Nã-phá-luân, nó đã trao rồi và lại có lãnh thơ trả lời của Nã-phá-luân đem về Ba-lê giao cho người trong Nã đảng. Bây giờ cứ bắt tên Đàm-đức-tư mà hỏi thì lòi mối, những thơ từ bí mật ấy hoặc dấu trong mình nó, hoặc để tại nhà cha nó, hoặc để tại buồng riêng nó trong tàu Phan-long, soát ngay thì bắt được. Kẻ tố cáo đây vì nghĩ đến sự lợi hại cho cả nước nên mới bới việc nầy ra, xin các quan xét cho."

Viết rồi Đặng ra dáng đắc ý lắm mà nói cùng Phất-nhĩ-nam rằng:

-- Làm như vầy thì anh đã trả thù được mà không bị liên lụy gì, cái chước của mỗ có thần diệu không?

Cảnh-đặc nói hớt rằng:

-- Cái chước thì thần diệu thật song vô cớ mà xô người xuống giếng thì cũng có hơi tiểu nhân một chút!

Đặng tiếp theo mà rằng:

-- Bác nói phải lắm, tôi viết giấy đó, chẳng qua đùa chơi vậy thôi, chớ có phải làm thật ở đâu, huống nữa Đàm-đức-tư là người trung hậu hiền lành nếu chẳng may mà bị người khác hãm hại, chúng mình còn thương xót mà cứu nó thay nỡ nào lại đang tay hại nó cho đành.

 Nói rồi Đặng vò viên mảnh giấy đã viết ấy lại liệng vào xó tối, rồi kéo Cảnh-đặc ra đi. Còn Phất-nhĩ-nam đứng lại lượm lấy mảnh giấy chạy ngay đến tòa Cảnh sát.

--------

* Dịch phẩm Thầy trò trong khám đăng 31 kỳ Đông Pháp thời báo. Phần sưu tầm của tôi (LNÂ) thiếu 1 kỳ (kỳ 14). Như dịch giả khi trả lời bạn đọc đã nói rõ, ông chưa dịch xong tác phẩm này. Tuy báo đăng không ghi xuất xứ nhưng có thể thấy Thầy trò trong khám chính là tiểu thuyết Bá tước Monté Cristo ( Le Comte de Monté Cristo, 1844) của nhà văn Pháp Alexandre Dumas-père (Duy-ma bố, 1802-1870). Có lẽ Phan Khôi đã dịch tác phẩm này từ bản dịch hoặc bản lược dịch chữ Hán; mệnh danh « tiểu thuyết chánh trị » hẳn cũng là do bản dịch chữ Hán gắn cho tác phẩm này.

** hầu chết: sắp chết;

*** tác: vóc dáng;

**** bắc đầu: có lẽ là « lắc đầu » (báo gốc in lầm?)


  II

 

Ngày hôm sau chính là ngày đám cưới Đàm. Mã-lạc-nhi, chủ tàu Phan-long thấy Đàm trai trẻ mà thật thà thì yêu và nể lắm, chẳng những tôn lên cho làm chúa tàu mà lại giùm giúp cho việc hỉ sự mau thành. Hôm đó khách đi đám đông như hội, Mã-lạc-nhi và cha của Đàm lấy làm vui lòng. Phất-nhĩ-nam cũng có đến đó chỉ có một mình, va buồn thiu buồn thỉu không chuyện trò chi hết. Một chặp chi đó chàng rể cô dâu ra chào họ. Bên hữu Đàm là Mã-lạc-nhi bên tả là Đặng-cách-luân còn Mai-nương thì ngồi giữa cha của Đàm và Phất-nhĩ-nam. Khi quá trưa lễ cưới xong rồi thấy Mai-tây-đương càng thêm trổ mã lịch sự lạ lùng. Phất ngắm nghía phỉ sức rồi lại thở dài, rồi lại ngồi phịch xuống trên ghế mây để kề cửa sổ ngó bộ như ngây như dại.

Thình lình nghe tiếng người ta đi lọp đọp từ thang gác mà lên lại có tiếng gươm đao cọ nhau choảng choảng, cả họ hàng nhà trai nhà gái đều sợ hãi. Kế lại nghe như là nặm gươm gõ vào cánh cửa ba cái thật mạnh, ai nấy càng sửng sốt nhìn nhau. Một ông quan cảnh sát ngoài cửa bước vào theo sau có bốn tên lính. Quan hỏi ai là Đàm-đức-tư, Đàm đứng dậy thưa rằng:

-- Chính tôi là Đàm-đức-tư đây, chớ ông hỏi gì tôi?

-- Ta vâng lịnh trên đến bắt ngươi đây.

Đàm hơi biến sắc mặt, hỏi rằng:

--  Tôi có tội gì mà bắt?

Quan đáp rằng:

-- Không cần ta bảo ngươi, đợi khi tòa án hỏi rồi ngươi khắc biết.

Nói đoạn, kéo Đàm xuống gác bỏ vào trong xe, lính ngồi vây bốn phía chở ngay về bót.

Ông thân Đàm vội vã chạy theo toan bề cứu gỡ song không biết làm thế nào được. Sau nghe nói Đàm bị người ta tố giác rằng có âm mưu với vua Nã-phá-luân cho nên phải bắt như vậy, thì chạy về thuật lại, ai nấy đều chắc lưỡi kêu oan. Riêng phần Mai-tây-đương nghĩ mình với Đàm chưa vui sum hiệp đã sầu chia phôi thì vật mình lăn ra mà khóc.

Cảnh-đặc ghé tai nói với Phất-nhĩ-nam rằng:

-- Nếu vậy thì chú đã thi hành cái kế hôm qua rồi sao? Tôi đây thật không nỡ nào trông thấy cái cảnh cha già khóc con, gái tơ khóc chồng cho đành, thế nào tôi cũng khui sáng việc nầy ra mới nghe.

Đặng-cách-luân vội vàng vừa kéo cánh tay của Cảnh-đặc vừa nói:

--  Anh nầy mới dại cho, anh khui sáng ra thì liệu anh có yên thân ở ngoài vòng được không? Vả lại có chắc chi vì anh nói một lời mà người ta tha bổng. Nó đã đậu tàu tại cù lao Ên-ba cả ngày, mười con mắt đều thấy, thì sự đưa thơ cho ngụy đảng đó chưa chắc là không, nếu sau mà nghiệm thật quả tang thì người ta sẽ gia cho anh cái tội đồng mưu thì rõ là anh se giây buộc mình, ăn năn sao kịp.

Cảnh nghe qua thấm ý, cười rằng:

-- Phải phải, khi nãy tôi nói chơi đó thôi, phận tôi đây chẳng xong thay rồi, đâu lo việc người khác!

Ai nấy đều cười giả lả rồi tan về.

Khi Đàm-đức-tư bị bắt rồi tàu Phan-long không ai cai quản, Mã-lạc-nhi bèn cho Đặng-cách-luân lên kế chân. Đặng có miếng mấm đã lâu bây giờ vớ được thì đắc ý lắm, chỉ e một nỗi không bao lâu mà Đàm lại được thả ra.

Tiệc cưới của Đàm-đức-tư vì một lá thơ của Đặng mà giữa chừng bị đình chỉ; cùng trong lúc ấy lại có kẻ vì việc Đàm mà giữa chừng cũng đình chỉ tiệc cưới của mình; ấy là Phi-lập-phúc.

Phi-lập-phúc là quan chủ quận Mạc-xây, người trẻ tuổi mà tinh ranh thông thạo về luật pháp. Ông thân va là Nô-đăng vốn là người trong Nã-đảng, va lấy vậy làm xấu hổ, kiếm thế làm cho trái lại với cha thành ra cả được vua nước Pháp tin dùng. Hôm ấy Phi-lập-phúc đương kết hôn với nàng Thánh-mỹ-lan con gái một nhà quý phái kia, giữa đám khách đông, có một ông hầu tước lấy giọng trên mà nói cùng va rằng:

-- Nầy quan chủ quận! Bây giờ phàm việc gì ích lợi cho nhà nước, có thể làm gương cho người khác và có thể che được cái lỗi của cụ nhà ta thì xin ngài cố gắng mà làm đi!

Phi-lập-phúc nhăn trán lại, rồi cười ruồi mà rằng:

-- Bẩm ngài, ông thân tôi ngày nay đã chừa bỏ những sự hành vi lúc trước rồi, khá gọi là một người lương dân trong vòng chánh trị và tôn giáo; còn tôi đây, việc làm của tôi chắc là được các ngài tin cậy, vì tôi chỉ có lòng nhiệt thành yêu nước, muốn làm thế nào cho đền bù được tội lỗi của thân phụ tôi mà thôi.

-- Ừ phải, nếu ngài hết lòng với nhà vua, thì nhà vua đâu lại có lẽ bạc đãi ngài, tức như hôm nay về việc hỉ sự của ngài đây, hoàng đế thiệt đã quyến chú một cách hậu tình lắm đó.. Từ rày về sau nếu có đứa ngụy đảng nào bị ngài bắt được, chắc là khó lòng mà thoát khỏi tay ngài.....

Hầu tước nói chưa dứt lời, thì cái giấy tố giác của Phất-nhĩ-nam đưa đến. Phi-lập-phúc vội vàng thảo tờ sai lính đi bắt Đàm-đức-tư. Vì anh ta cốt muốn vớ vụ nầy để tỏ lòng trung thành của mình đối với Pháp hoàng, mà cũng nhơn đó nhờ vả ơn huệ của nhà vua nữa.

Phi-lập-phúc nhà giàu có, mới hai mươi bảy tuổi, làm quan to, người vợ y đương cưới là Thánh-mỹ-lan lại lịch sự mà nhiều của, cha anh nàng đều làm quan sang, oai quyền lừng lẫy, của hồi môn đến sáu vạn phật-lăng, sau nầy lại sẽ chia gia tài của cha nàng được chừng hai trăm vạn nữa, cái cảnh ngộ của va như thế cũng đã sướng mê rồi, song va còn một chút canh cánh bên lòng là ông thân va đã từng vào đảng với Nã-phá-luân.

 

III

 

Phi-lập-phúc rồi đó đứng dậy đi ra, để gặp mặt Phất-nhĩ-nam, bộ oai nghiêm đường bệ lắm. Có một viên cảnh sát đã đứng như trời trồng chực sẵn đó. Phất thấy quan ra thì rảo lối mà đón chào, Phi tươi cười mà bảo rằng:

-- Cái điều người nói trong thơ hiệp với đại nghĩa lắm; song Đàm-đức-tư là người nào, mà nó đưa thơ âm mưu với nhau đó là việc gì, người khá bảo cho ta?

-- Bẩm quan lớn, Đàm-tư-đức là chúa tàu Phan-long, tầu ấy thường đi lại các cửa biển Á-lặc-tán và Sỉ-môi-na, chuyên nghề buôn bông sợi. Người chủ có tàu tên là Mã-lạc-nhi, dân thành Mạc-xây nầy. Còn như việc tên Đàm-đức-tư âm mưu thì bí mật khó biết lắm, khi quan lớn tra tấn bắt nó và lục soát cả thơ từ giấy má của nó thì sẽ biết đầu đuôi.

-- Nó bao nhiêu tuổi?

-- Nó mới mười chín tuổi.

Hai đàng đương vấn đáp cùng nhau thì thấy Mã-lạc-nhi lang thang chạy đến, Phất bước trở đi, Mã vào thì hỏi ngay Phi-lập-phúc rằng:

-- Bẩm quan lớn, làm sao lính của ngài tự dưng đến bắt người chúa tàu của tôi là Đàm-đức-tư và dẫn về bót, dễ thường là bắt lầm chăng?

Phi trả lời rằng:

-- Ta biết rồi mà, để đợi hỏi xem thực hư thế nào.

-- Bẩm ngài, người ấy trai trẻ mà giỏi giang, không làm điều chi bậy, tôi yêu và kính hắn lắm, xin ngài làm ơn mà khoan dung cho, chớ để họ đãi như kẻ tù thường.

Phi là người về đảng nhà vua mà nghe lọt mấy lời đó thì hồ nghi cho Mã-lạc-nhi cũng là người trong Nã đảng, bèn hơi tỏ ra ý khinh bỉ, cười lạt mà nói rằng:

-- Trong đời nầy chán chi người hoặc có tánh hạnh tốt, hoặc có tài nghề giỏi về sự vượt biển buôn tàu, làm cho ai cũng phải yêu phải kính, song đối với nhà nước thì lại là người có tội to, ông nghĩ thử câu tôi nói đó có quả vậy không?

Nghe vậy Mã-lạc-nhi tuồng hơi thẹn, vì bình nhựt anh ta đối với cuộc chánh trị trong nước cũng có ý bất bình, và nghe chừng như cái việc Đàm-đức-tư đưa thơ cho Nã-phá-luân ở cù lao Ên-ba là quả có, nên anh ta cũng phải cứng miệng. Một chặp mới nói tiếp rằng:

-- Tôi vẫn biết quan lớn là phước đức nên mới dám mạn phép đến xin ơn ngài.

Phi nói rằng:

-- Khoan khoan chớ vội, đợi hỏi xem khắc biết là thực hay hư. Nếu quả bị người ta vu oan thì tôi thả cho về ngay, không đợi phải xin xỏ gì; còn nếu chẳng may mà tội trạng đành rành, thì tôi đây chỉ biết làm hết bổn phận mình, dầu phước đức mấy mặc lòng cũng không có thể dung thứ được.

Lúc đó hai người vừa đi ra vừa nói. Khi gần đến tòa án thì Phi cáo biệt. Mã đứng sững hồi lâu, nghĩ không biết làm thế nào, thì ra về thất tha thất thưởi.

Phi-lập-phúc đến tòa án, thấy bọn lính đương ở nhà ngoài xúm giữ một người rất nghiêm ngặt thì biết chính là Đàm-đức-tư, bèn biểu dẫn vào.

Đàm vào tòa, cất tay lên chào, rồi lui ra ngồi trên ghế. Phi xem thấy Đàm người rộng trán mà tròng mắt đen đen, lông mày không rậm lắm, môi dày, răng trắng, dáng bộ khoan thai như hồi bình thường, không có ý sợ hãi, bèn biểu khai qua lý lịch thế nào. Đàm nói mình 19 tuổi, làm việc cho tàu buôn, vừa đương cưới vợ thì bị bắt, trẻ người non dạ, vốn không có tư tưởng về quốc sự, bình sanh chỉ để tâm có ba việc: một là phụng dưỡng cha già, hai là hết lòng giúp việc ông chủ Mã-lạc-nhi, ba là yêu thương vợ mình là Mai-tây-đương mà thôi, ngoài ra không dính dáng đến việc gì cả. Phi nghe Đàm nói năng hẳn hoi ngay thật lắm, thì riêng nghĩ rằng hoặc giả những lời Mã-lạc-nhi nói với mình lúc nãy là thật chăng, bèn hỏi luôn coi thử Đàm hồi bình nhựt có oán thù với ai không, thì Đàm thưa rằng:

-- Tôi chưa mấy lăm tuổi, vả danh phận lại hèn mọn, nào có làm gì mà oán thù với ai?

-- Chưa chắc đâu! Anh mới 19 tuổi mà đã làm chúa tàu, lại cưới được vợ đẹp, hai điều đó là phước của anh, song biết đâu chẳng cũng là họa của anh. Tôi thấy anh người chất phác thật thà, tôi thương hại cho anh lắm, đây nầy, cái thơ của người ta cáo anh đây, tôi lấy cho anh xem...

Phi vừa nói vừa đưa cái thơ của Đặng-cách-luân viết cho Đàm coi, và nói luôn rằng:

-- Anh có nhìn ra bức thơ nầy là chữ ai viết không?

Đàm coi kế một chặp rồi thưa rằng:

-- Chữ viết lạ lắm, tôi không nhìn ra được. Song le, may phước cho tôi là dường nào! Thế nầy chẳng những quan lớn không thợp nạt tôi thì chớ mà lại rủ lòng thương xót, đãi tôi như tình bạn hữu, may phước cho tôi biết dường nào.

-- Phải rồi, anh đừng coi tôi là ông quan mà tôi cũng không coi anh là kẻ có tội đâu. Có điều những lời trong thư nầy chẳng phải là vô cớ, hư thực thế nào anh cứ nói mồn một cho tôi nghe là được.

Trong khi Phi nói đó thì tự nghĩ thầm rằng nếu vợ mình là Thánh-mỹ-lan thấy cách cư xử với thằng nhãi con nầy như vầy chắc nó cũng không bắt tròn bắt méo gì mình đâu. Vì Thánh-mỹ-lan với cả nhà nàng đều là người trong đảng nhà vua nổi tiếng trung thành lắm mà khi Phi hỏi việc Đàm đây thì lại làm lành, bỏ nhỏ, như là có ý thương xót một người bên phe nghịch, song kỳ thật là làm bộ để tra cho lòi mối chớ không phải có ý binh vị đâu, cho nên Phi mới nghĩ thầm mà tự nói như vậy.

 Đàm-đức-tư thấy nói dễ dãi như vậy thì thưa rằng:

-- Nay quan lớn đã rủ lòng nhơn đức mở đường cho tôi, tôi dám đâu giấu diếm việc mình để phụ lòng ngài và chuốc lấy tội vạ. Ngày trước chúa tàu Phan-long là Lý-khắc-lai đau bịnh óc ngặt lắm, đến ngày thứ ba va biết mình không qua khỏi được, bèn cầm lấy tay tôi mà trối rằng: Hỡi Đàm quân ơi! từ rày đôi ta không còn thấy nhau nữa! Tôi có một việc rất hệ trọng muốn đem phiền anh, xin anh đừng sai lời. Tôi gật đầu mà rằng: Xin ông chúa tàu cứ dạy đi, tôi sẽ vâng theo chẳng dám sai. Va bèn nói rằng: tôi có một phong thơ đây, sau khi tôi chết rồi nhờ anh đem cho người bên cù lao Ên-ba; người ấy nhận thơ rồi sẽ có thơ trả lời nhờ đem về trong nước Pháp, thì anh khá lãnh lấy mà chớ từ chối. Người ở Ên-ba đó tức là hoàng đế cũ Nã-phá-luân. Nay tôi trao cho anh một cái cà rá vàng làm tin cầm lấy mà xin vào yết kiến ngài thì thế nào ngài cũng tiếp. Việc nầy là việc của tôi, tôi làm chưa xong mà chết, anh biết tôi ân hận là dường nào; nếu anh không phụ lời tôi cũng được hả lòng nơi chín suối.

Phi xen vào mà hỏi rằng:

-- Thế rồi anh nói với va làm sao?

-- Bấy giờ tôi đối với một người hầu chết mà lại là bề trên mình thì còn từ chối thế nào được! Tôi tưởng chẳng những một mình tôi vui lòng nhận lời va mà thôi, dầu ai lâm cảnh tôi có lẽ cũng phải vui lòng như tôi vậy. Kịp khi tàu ghé Ên-ba tôi đem thơ và cà rá đến thì được gặp Nã-phá-luân. Nã hỏi tôi về tình hình Lý đau mà chết, thương tiếc một hồi rồi đưa ra một phong thơ trả lời khiến tôi đem về Ba-lê. Ngày hôm sau thì tôi đi liền.

Phi nói mộ cách ôn tồn mà rằng:

-- Tôi tin cho anh nói là thật và không giấu diếm gì cả. Song le, việc ấy là việc chẳng nên làm, có điều tại anh ăn chưa no lo chưa tới đó thôi. Dầu vậy, cái đó cũng tại Lý-khắc-lai báo hại anh chớ không phải tội anh tự làm vậy. Phong thơ trả lời ấy nếu chưa gởi đi thì anh lấy mà đưa đây cho tôi, rồi anh cứ việc đi về đi.

Đàm vừa nghe thì mừng quýnh mà rằng:

-- Thế thì tôi được thả rồi hẳn?

-- Phải, sau khi anh đưa cái phong thơ cho tôi rồi thì tôi tha anh.

Họ đã khuân rương hòm của tôi vào đó rồi, xin quan lớn lại đây mở ra mà coi.

Phi gật đầu rồi lại hỏi rằng:

-- Thơ của Nã-phá-luân đó gởi cho người nào ở Ba-lê?

-- Bẩm quan lớn, gởi cho Nô-đăng tức là Nô-nhĩ-đích, ở đường phố Khảo hoàng.

Phi-lập-phúc nghe quá sửng sốt lần lần tái cả mặt thụt lùi lại ngồi trên ghế dựa chặp lâu mới biểu đưa phong thơ ra xem, vừa nhìn phong thơ, vừa lặp đi lặp lại mà rằng: « Nô-đăng tức Nô-nhĩ-đích số nhà 13 đường phố Khảo-hoàng ở Ba-lê ». Một chặp lại lặp lại như vậy nữa. Đàm không hiểu bởi cớ gì hỏi rằng:

-- Vậy thì quan lớn có quen biết người ấy chăng?

-- Không không mà! Có đâu tôi là người trung nghĩa mà lại đi làm quen với đồ gian đảng ấy?

Phi-lập-phúc miệng nói lèm lẻm như vậy song thực ra thì tên Nô-nhĩ-đích tức là cha va. Đàm có biết cái chỗ hiểm ấy đâu, nghe nói thì dớn dác mà hỏi rằng:

-- Người đã là gian đảng sao?

Phi không trả lời câu ấy mà hỏi Đàm rằng:

-- Vậy thì thơ nầy đã có ai thấy chưa?

-- Bẩm không có ai thấy cả.

-- Cái nầy thật là lỗi của anh.

Phi-lập-phúc nói thế mặc dầu song bộ mặt sớn sác ké né ngồi không yên, những cái khí phách nghiêm trang hồi mới vào biến đi đâu mất cả. Kế lấy tay che mặt lại mồ hôi đổ ra như tắm nghĩ rằng may mà Đàm không biết Nô-nhĩ-đích tức là cha mình lại may mà quan chánh án hôm nay đi khỏi, bằng chẳng vậy thì mình còn ra gì nữa! Số là Phi làm chủ quận kiêm chức phó án, nhơn lúc chánh án đi vắng phát ra vụ nầy Phi đã bỏ bụng là một dịp tốt cho mình dâng công với nhà vua không ngờ cái người mà Nã-phá-luân đưa thơ đó lại là cha mình làm cho va khó nghĩ, chặp lâu va mới nghĩ ra một chước nói cùng Đàm rằng:

-- Tôi vốn định thả anh, ngặt vì quan chánh án đi khỏi chưa về, anh phải tạm trú lại đây chờ ngài về mới được.

Rồi lại nói tiếp rằng:

-- Người ta bắt tội anh được chỉ vì có phong thơ nầy mà thôi, bây giờ tôi làm phước đốt đi cho anh.

Phi vừa nói thế vừa cầm phong thơ bỏ vào lò lửa giây lát đã cháy ra tro. Đàm thấy vậy lấy làm cảm kích vô cùng. Phi lại căn dặn mà rằng:

-- Nay tôi bày cho anh nếu có ai hỏi có thơ trả lời hay không thì anh phải kiên một mực mà nói rằng không có; bằng chẳng vậy thì họa anh mà lây đến kẻ cứu anh là tôi đây nữa. Phong thơ nầy đưa ra là anh mà đốt đi là tôi, ngoài ra không còn có ai biết đến; anh phải cẩn thận chớ có dại làm thiệt mình mà hại đến ta!

Đàm giơ tay lên mà thề rằng mình sẽ giữ lời. Phi lại hỏi:

-- Ngoài phong thơ đó còn có vật gì nữa không?

Bẩm không có gì nữa.

Phi hỏi như vậy mấy lần, Đàm cũng thưa không, Phi bèn rung chuông kêu viên cảnh sát vào ghé tai nói gì đó, chỉ thấy viên ấy cứ vừa ngúc đầu xuống vừa dạ lia lịa. Rồi Phi kêu Đàm mà nói rằng:

-- Anh hãy đi với ông nầy.

Hai người bước ra, cửa vừa khép lại. Phi-lập-phúc ngồi phịch xuống ghế dựa, ra dáng bực mình than thở mà rằng: « Nguy cha chả là nguy! Cái nền phú quý của tôi thiếu chút nữa đã bị một phong thơ nầy mà đi đời nhà ma rồi! Cha ôi là cha! Làm sao mà cha cứ chơi cái kiểu đẩy người xuống hố như vậy? »  Phi than thở một hồi lâu rồi mới ra về, bộ mặt buồn rượi.

 

 IV

 

Viên cảnh sát ra khỏi đó, kêu hai người lính nữa điệu Đàm-đức-tư đến một nơi kia, tuy bốn phía có rào bằng song sắt, song sạch sẽ lắm, không tệ lậu quá. Đàm đã xiêu lòng vì cái văn nói ngon chanh ngọt dấm của quan phó án, nghĩ rằng mình chắc được tha cho nên cứ điềm nhiên, chẳng sợ sệt gì. Lúc đó nhằm ngày một tháng ba, cỡ bốn giờ chiều. Một chặp chi thì tối, trong chỗ đó đen mò, ngửa bàn tay không thấy.

Đến mười giờ đêm, nghe tiếng mở khóa cửa vẹt ra. Có hai người xách đèn, bốn tên lính cầm gươm trần kêu Đàm ra và dẫn đi. Ban đầu còn dùng dằng, sau nghĩ đến lời quan phó án, rồi không thèm hồ nghi gì nữa, cứ đánh bạo mà bước tới. Ra đến cửa ngoài thấy có một chiếc xe ngựa đậu sẵn đó, Đàm hỏi rằng:

-- Xe nầy có phải sắm mà chở tôi không?

-- Phải đó.

Bọn lính đáp lại như vậy. Đàm cứ việc lên xe, hai tên lính ngồi trước mặt Đàm, hai tên ngồi hai bên, chỉ nghe vó ngựa độp độp ầm ầm, một chốc chi đó đã tới nơi rồi.

Ai nấy xuống xe. Lại có mười hai tên lính có đủ khí giới đứng chực sẵn hai bên đường, nhập tụi lính ban nãy điệu Đàm vào trong một chiếc thuyền, ngồi vây chung quanh mà giữ. Lại có bốn tên thủy thủ chèo thuyền. Đàm mới hỏi rằng:

-- Các ông định đem tôi đi đâu?

-- Cứ việc đi, đừng hỏi, một lát sẽ biết.

Bọn lính trả lời như vậy song Đàm cũng cứ gạn hoài thì họ nói rằng:

-- Chúng ni tiếc gì mà chẳng bảo cho chú, có điều quan trên truyền rằng, không được bảo trước thì còn ai dám nhạy miệng nữa.

Đàm khi ấy hồi hộp trong lòng không biết số phận mình sẽ ra sao, nhơn nghĩ lại phong thơ Phi đã đốt rồi chính mắt mình ngó thấy thì chắc cũng không đến nỗi nào, bèn làm tỉnh được một lúc, song khi nhớ đến phần cha già vợ yếu thì nước mắt ở đâu lại tuôn ra như xối. Thuyền đi được một đỗi, nhác thấy trên bờ có cây cột đèn, đèn khi mờ khi tỏ, chốc lại thấy một tòa nhà ló ra trong lùm cây, trong đó nhấp nhoáng bóng đèn, nhìn ra biết quả là nhà của Mai-nương. Đàm ngó sững ngó sờ không nói không rằng chi hết. Thình lình bóng đèn không thấy nữa, vì cái đê cao dựa biển che đi, thì té ra cái thuyền đã từ sông ra đến biển rồi. Bọn thủy thủ dương buồm lên mà chạy, Đàm cầm lấy tay một tên lính mà nói rằng:

-- Xin bác niệm tình bạn đồng giáo, bảo cho tôi biết là đi đâu để tôi được vững lòng.

-- Mầy đui à? Hay là cả đời mầy chưa đi biển sao? Chỗ nầy là chỗ nào mầy há lại không biết sao?

Tên lính ấy giận mà nộ nạt như vậy, rồi lại bảo Đàm rằng:

-- Mầy đứng lên mà trông đằng xa kia kìa.

Đàm theo lời đứng dậy trông tới đàng trước, thấy xa xa có hòn núi cao, trên núi có tòa nhà lớn, tức chỗ mà người ta gọi là "ngục Khu-đô". Ngục nầy đặt ra hơn ba trăm năm nay, chẳng biết đã chia rẽ bao nhiêu gia đình của người ta và đã chôn sống bao nhiêu sanh mạng người vào trong đó! Đàm ra tuồng dớn dác lắm, nói với bọn lính rằng:

-- Uả đây là ngục Khu-đô đây mà, tôi có tội gì mà đem tôi đến đây?

-- Nghĩ lấy thì biết.

Bọn lính vừa cười vừa nói như vậy thì Đàm hỏi rằng:

-- Thế thì sẽ cầm tù tôi ở đây sao?

-- Có lẽ.

-- Nếu vậy thì quan phó án nói với tôi không thật sao?

-- Chúng ta chỉ biết giải mầy vào ngục Khu-đô mà thôi; còn quan phó án nói với mầy làm sao trối kệ, ai biết.

Đàm khóc nức nở mà kêu trời mấy tiếng, rồi cất mình lao xuống biển thì bọn lính xúm lại nắm lấy chơn va mà quẳng vào trong thuyền, kẻ thoi vào đầu, người đạp trên bụng mà nói rằng:

-- Cái thằng khốn nầy, nó đã báo hại chúng ông rồi đây. Hãy ngồi yên nếu còn thế nữa tao sẽ cho mầy ăn mấy viên đạn bây giờ.

Bấy giờ Đàm không dám cụ cựa nữa, chỉ nghiến răng chằng mắt, căm giận vô cùng. Một chặp chi đó nghe có tiếng nổ rất to, chiếc thuyền chao qua chao lại thì ra đã đến ngục Khu-đô rồi.

Bọn lính bồng súng lên, lôi Đàm vô bờ áp điệu vào khám, thấy bốn phía khám có tường dày và rất cao. Liền có một đội lính ở đâu kéo đến, đi bước có nhịp lưỡi lê cắm đầu súng sáng lòa, trong đám có một người hỏi rằng:

-- Nào phạm ở đâu? đi với ta đây, ta sẽ dẫn đến chỗ nó nằm.

Rồi một tên lính ở đằng sau xô Đàm tới, thét rằng: mau lên! đi đi!

Đàm theo đi, tới một gian phòng hình như ở dưới đất, hơi mốc meo ẩm ướt trong phòng xông lên trên vách, nhỏ xuống từng giọt như nước mắt. Một cái đèn để trên cái ghế thấp, ngọn leo lét bằng hột đậu. Đàm biết rằng kẻ đưa mình đi đó là lính canh ngục, nhìn kẻ thấy nó mặc áo rách mới bộ mặt lạnh lùng, ngó dễ sợ lắm. Tên lính ấy bảo Đàm rằng:

-- Đây là chỗ mầy nằm đây. Đêm khuya rồi, ông đề lao ngủ rồi, không dám đánh thức dậy, đợi sáng mai, hoặc dời mầy đến phòng khác, chưa biết chừng. Nầy nào bánh, nào nước, nào củi đều có đủ cả trong phòng, mầy khá tự lấy mà dùng; tao đi ra, sáng sớm mai lại đến thăm mầy.

Đàm còn muốn hỏi lại thử chỗ để nước ở đâu, song tên lính đã vội vã xách đèn ra, khóa cửa lại và đi trớt. Đàm một mình ở trong xó tối, chỗ ở thì lạnh buốt mà mình va thì nóng sôi. Tảng sáng, tên lính canh ấy trở vào, thấy Đàm còn đứng trơ trơ chỗ cũ, cặp mắt rưng rưng, bèn lấy tay vỗ mạnh vào vai, Đàm thất kinh vùng nhảy cưỡng, như là chợt tỉnh ra từ trong giấc chiêm bao vậy. Tên lính hỏi rằng:

-- Đêm qua có mệt mỏi không?

-- Không biết.

-- Bụng có đói không?

-- Cũng không biết.

-- Vậy thì mầy có muốn gì không?

Tên lính ngó chăm chăm Đàm mà hỏi như vậy, thì Đàm trả lời rằng:

-- Tôi chỉ muốn gặp ông đề lao ở đây mà thôi.

Tên lính lắc đầu, rún vai, vừa cười tủm tỉm vừa đi; Đàm ngó theo còn muốn nói nữa, song cửa đã đóng lại rồi. Đàm không biết làm sao, nằm sải tay sải chơn trên đống củi mà khóc bằng non bằng nước, tự hỏi mình rằng hỏi Đàm-tư-đức, mầy có tội gì mà đến nỗi nầy? Rồi lại đứng dậy, chạy quanh trong phòng không biết mấy trăm bận, dầu cho con thú trong chuồng, con chim trong bẫy cũng còn chưa thấy cái khổ ấy! Trọn một ngày và một đêm nữa Đàm cũng không hề nhắm mắt.

Hôm sau, tên lính lại đến, hỏi rằng:

-- Hôm nay mầy đã hơi tỉnh chưa? Ta có một lời khuyên mầy: Hễ đã tới đây thì là cách biệt với thế gian rồi, cũng như tro tàn không bao giờ lại cháy. Ban ngày ăn, ban đêm ngủ, quyền lợi của mầy chỉ có thế thôi, ngoài ra không nên nghĩ đến gì cả. Tức như hôm qua mầy muốn gặp mặt ông đề lao, ấy là việc tuyệt không có thể được, nghĩ làm chi vô ích; chớ dại mà nghĩ vơ nghĩ vẩn, rồi lâu ngày nó đờ người ra có biết không?

Đàm nghe vậy thì hỏi rằng:

-- Thật vậy hay sao?

Tên lính đáp lại rằng:

-- Thật thế. Ví như ngày trước ở đây có một lão sư bị tù, hay nghĩ bá vơ bá láp, đến nỗi cậy ta nói với ông đề lao thả cho nó trốn thì nó lót cho một trăm vạn phật-lăng, ít lâu rồi thì nó điên; cái phòng mầy ở bây giờ đây tức là phòng lão sư ấy ở hồi trước.

-- Vậy thì lão sư ấy đã được tha rồi sao?

-- Nào có tha, nay đã cầm lão dưới khám hầm rồi.

Đàm sa mặt xuống mà nói rằng:

-- Tội nghiệp cho lão quá chừng! Tuy vậy, tôi đây không phải lão sư, vả cũng không điên như lão, tôi có một việc muốn nhờ bác, xin bác chớ nài hà.

-- Việc gì? nói đi nghe.

-- Sức tôi thì không đủ phụng cho bác một trăm vạn phật-lăng, song nếu bác làm ơn đem giùm vài chữ cho người thiếu phụ ở Mạc-xây tên là Mai-tây-đương thì tôi xin kính bác một trăm phật-lăng, bác có bằng lòng không?

-- Không dám đâu, làm vậy nếu để ông đề lao biết được thì khốn. Ta ở đây mỗi năm được hai chục phật-lăng cũng đủ xài rồi.

Đàm tức khi ấy nổi nóng lên, đứng dậy mà nói rằng:

-- Thôi thì chỉ nhờ bác nói miệng với người ấy một câu rằng Đàm-đức-tư đã bị tù ở ngục Khu-đô là đủ. Cái nầy mà mầy chẳng nhận lời tao thì nói thiệt, khi khác mầy vào đây, tao sẽ cầm cái ghế thấp nầy núp sau cánh cửa, choảng cho mầy một cái bể sọ.

-- Uý! Thằng nầy điên mất rồi. Lúc lão sư mới phát điên cũng làm như mầy một thức. Ba ngày nữa tao sẽ còng mầy lại mà mời vào khám hầm mới được.

Tên lính vừa đi thụt lui vừa nói cách giận giữ như vậy, thì Đàm đã cầm cái ghế trong tay, múa cho quay tít đi, rồi lại làm ra tuồng muốn liệng theo. Tên lính hốt hoảng nói rằng:

--  Khoan đã! khoan đã! để ta chạy mời ông đề lao đến cho mầy.

Đàm bèn bỏ ghế xuống ngồi lên, làm ra bộ điên, nói rằng:

-- Đi cho mau! đi cho mau! Ta ngồi đây đợi lão đề lao đây.

Tên lính ra rồi có một người cai đến, với bốn tên lính khác. Cai nói rằng:

-- Theo lời ông đề lao, lập tức đem tên tù nầy giam dưới khám hầm, hầu cho hai đứa điên nó ở với nhau.

Đàm đương muốn cãi cọ thì bọn lính trợn mắt a lại, xoác lấy va, giơ bổng lên mà vác đi, như bồng con nít vậy. Đi xuống khỏi cái thang bằng đá mười lăm nấc thì đến một phòng, thấy đã mở cửa chực sẵn, bọn lính ném Đàm vào đó rồi đóng cửa lại. Trong đó tối đen như mực, không còn chỗ nói nữa. Đàm cất tay lên sờ mó thì chỉ thấy có tường vách mà thôi; mới biết khám hầm là chỗ nầy đây, nghĩa là cái khám dưới đất như là cái hầm vậy.

Ôi! một người trai trẻ lanh lợi, trên có cha ngoài có chủ hiền, trong có vợ đẹp, cái hạnh phước của đời người như vậy cũng đã khá rồi. Ngờ đâu chỉ vì không muốn chối lời một người bạn trong khi hầu chết mà phải hãm vào vòng tù tội, nếm đủ mùi cay đắng, tấm thân đày đọa lại còn gấp mấy mươi cá chậu chim lồng! Vì ai xui khiến cho nên nỗi nầy? Nếu chẳng phải trời kia bày đặt để luyện nên khách anh hùng mà chi?

 

 

V

 

Phi-lập-phúc đã bỏ Đàm-đức-tư vào ngục Khu-đô rồi, nội ngày đó lên thành Ba-lê, để ra mắt hoàng đế nước Pháp. Vì trong ý va nghĩ rằng mình mau chơn nhạy miệng, đem cái âm mưu của nghịch đảng mà tâu cho vua trước hơn ai hết thảy, như vậy thì vua sẽ quyến cố mình một cách đặc biệt hơn. Va vốn không thù oán chi với Đàm, chỉ vì chút công tham vinh cố sủng, nên làm hại Đàm để làm lợi cho mình mà không gớm tay. Lại có một điều nầy đáng lo lắng cho va, là sự đốt thơ đó mà người ta biết được thì cha con va cũng chẳng ngồi yên được, vậy thì giam rục Đàm trong khám Khu-đô lại là kế để mà thoát tội cho cha con va nữa.

Phi đi dọc đường xảy gặp Mai-tây-đương. Nàng khóc lóc kêu van, hỏi tin tức Đàm thế nào và nhờ Phi ra tay tế độ. Phi vừa trừng trộ vừa quát tháo mà rằng:

-- Nó là một tên tù trọng tội, ta không có thể nào cứu nó được.

-- Vậy thì xin ngài bảo tôi một lời mà thôi, là: Anh ta đã chết rồi hay còn sống?

Mai-nương khóc và hỏi, thì Phi đáp như vầy rồi cứ việc thẳng đường đi về Ba-lê:

-- Vụ đó đã giải về Ba-lê rồi, không phải thuộc về phận sự ta nữa, vậy thì nó chết hay sống, ta làm sao biết được?

Mai-nương đã tủi lại tức, nghẹn cả họng, chẳng biết than thở cùng ai, lủi thủi đi về, như ngây như dại. Vừa đến ngã ba, bước lên một chiếc xe, Phất-nhĩ-nam ngó thấy, cũng lên theo với nàng, quì xuống bên cạnh, bợ lấy tay nàng mà hôn, thế mà nàng chẳng hề biết tới. Khi về nhà rồi, vật mình xuống nằm liền, trong lòng đau xót muôn phần, cho nên mắt chẳng thấy tai chẳng nghe gì hết. Sáng ra, thấy Phất-nhĩ-nam, nàng mới chưng hửng mà rằng:

-- Ủa, té ra anh ở đây sao?

Phất thở ra mà đáp rằng:

-- Ta đến đây hôm qua, có điều tại em không thấy đó thôi!

Lúc đó, ông thân Đàm cùng Mai-nương cứ hằng ngày ngó mặt nhau mà than khóc, chẳng ai hề biết Đàm đi đâu. Duy có Mã-lạc-nhi biết Đàm đã bị cầm tù ở ngục Khu-đô, thì chạy đã đủ vành, cậy với bao nhiêu người có thế lực ở Ba-lê tìm phương cứu gỡ, song bấy giờ họ đều nghĩ rằng Nã-phá-luân không tài nào về nước được, mà Đàm mắc tội vì âm mưu với Nã-đảng, là việc quan trọng lắm, nên không ai dám vì Đàm mà hở một lời. Mã-lặc-nhi dầu hết lòng thương Đàm, cũng phải chịu phép.

Còn Cảnh-đặc thấy Đàm-đức-tư vô tội mà gặp phải tai bay hoạ gởi như vậy thì lòng va dửng dừng dưng, cả ngày chỉ uống rượu giải phiền, bưng kín miệng bình, không khi nào giở chuyện ấy ra mà nói. Chỉ có Đặng-cách-luân là vui vẻ lắm, đã thỏa lòng trả oán, lại vững chãi cái ngôi chúa tàu Phan-long, sung sướng đến đâu! Đôi khi va ngó thấy ông thân Đàm đi tha thưởi dọc đường, tìm dò tin tức thì cứ lấy cặp mắt mà cười ngầm.

Phi-lập-phúc đi rút đường lại trong ba ngày thì đến Ba-lê. Đầu hết vào ra mắt quan thủ tướng Bạch-lan-khắc, mách chuyện Nã-phá-luân toan trở về nước Pháp làm vua lại, Bạch-lan-khắc liền đem việc ấy vào tâu. Vua còn chưa lấy làm tin. Bạch mới dựng chứng lên mà rằng ấy là lời của Phi-lập-phúc nói đó. Vua nghe tiếng Phi đã lâu, liền đòi vào.

Phi-lập-phúc đi đường dài ngày, mình mẩy dơ dáy, chưa kịp tắm rửa gì hết, nghe vua đòi thì vào chầu ngay. Vua ban chuyện vui vẻ hồi lâu mới hỏi đến việc Đàm-đức-tư, thì Phi tâu rằng: -- Nã-phá-luân đã sắm sẵn ba chiếc tàu binh, mới rồi đã lìa khỏi cù lao Ên-ba. Khi Đàm- đức-tư biệt mà đi thì Nã có dặn miệng về nói với tên gian đảng kia trong nước, bảo làm nội công, đặng toan bề khôi phục, song cái tên của đứa gian đảng ấy thì Đàm-đức-tư nó đã quên mất.

Số là, có một ông đại thần bình nhựt hay nói với vua rằng Nã-phá-luân đã mất cả thế lực rồi, không đủ sợ nữa. Đến hôm mà Phi-lập-phúc vào yết kiến đó, chính ông đại thần ấy cũng được tin chắc rằng Nã-phá-luân ở Ên-ba xuống tàu về nước ngày 26 tháng 2, và ngày 1 tháng 3 sẽ đến đất An-ti-bê, bèn vội vàng đem tin ấy vào tâu với Pháp hoàng. Vua nổi giận đùng đùng, quở cho ông đại thần đó một chặp, may nhờ có Phi-lập-phúc xin giùm mới thôi.

Trong lúc đó, lại có tin báo rằng quan Đại tướng Khuê-nãi-nhĩ bị ám sát ở đường phố Thánh-gia-cơ, kẻ hành thích là người trong Nã đảng, tuổi chừng trên dưới năm mươi, da xám, tròng mắt đen, lông mày sưa mà râu tóc thì rậm, mặc áo xanh màu chàm, trên nút chỗ ngực có găm bông hường, giết xong thoát thân ngay, lính đuổi theo đến đường phố Khảo hoàng thì mất tích. Phi nghe tin ấy thì sảng sốt, vì biết trong trí rằng đó là Nô-nhĩ-đích cha mình. Phi đứng dậy xin lui ra, vua ân cần hỏi rằng:

-- Ngươi về đây vẫn ở chung với ông thân nguơi chớ?

-- Tâu hoàng thượng, chúng tôi không ở chung.

-- Vậy thì ngươi có tới thăm ông thân ngươi không?

-- Tâu hoàng thượng cũng không.

Pháp hoàng bèn ban khen rằng:

-- Ngươi có lòng ái quốc đến nỗi đành lòng từ bỏ cả cha mình, như thế đáng gọi là trung thần thật.

 Lại truyền ban cho Phi một cái bửu tinh để tỏ dấu yêu quý. Phi cảm kích bội phần, đến nỗi rơi nước mắt, tay cầm cái bửu tinh hun lấy hun để hầu tỏ lòng trung ái của mình.

Khi Phi bước ra, vua còn phán dụ thêm rằng:

-- Ngươi hãy nhớ lời! Nầy, ngươi dầu chẳng ở Ba-lê hầu hạ một bên ta, song cứ ở Mạc-xây mà dốc lòng trung thành và làm việc cần mẫn, thì công trạng ngươi sẽ lớn lắm và ta sẽ nhớ đến ngươi luôn.

 Phi cúi đầu và nói rằng:

-- Nếu vậy thì kẻ hạ thần nầy xin đi về ngay.

 

 

  VI

 

Phi-lập-phức vừa về đến nhà trọ một chặp, có người xin vào thăm mà không chịu xưng tên mình. Hỏi kẻ hầu thì hình trạng người ấy không khác gì với người ám sát quan đại tướng mà va mới nghe nói ban nãy. Phi ngần ngừ chưa chịu mời vào, thì người ấy đã đi xồng xộc vào, quả là cha va không sai. Phi sợ mất vía, một chặp mới nói được rằng:

-- Tôi về ngay bây giờ, cha lặn lội tới đây làm chi?

Rồi đem việc đốt thơ và việc vào yết kiến vua Pháp mà nói cho cha mình nghe; lại rằng:

-- Nhà vua đã dự bị đâu vào đó rồi, rồi đây quân Nã-phá-luân sẽ bị thua bét.

-- Chưa biết. Hôm nay đã đến Nô-năp-bột rồi, mười ngày nữa đến Lạp-an, hai mươi ngày nữa đến Ba-lê, chánh phủ ở đây có phòng ngự cách mấy đi nữa cũng chẳng được nào.

Nô-nhĩ-đích trả lời như vậy, Phi bắt qua chuyện khác mà hỏi rằng:

-- Nầy, chớ cha mới với ám sát Khuê-nãi-nhĩ, người ta đã dò biết rồi, bây giờ làm thế nào?

Nô-nhĩ-đích cứ việc điềm nhiên, thủng thẳng nói rằng:

-- Khuê-nãi-nhĩ trước kia vốn là bạn đồng chí với ta, đến chừng nó biết cả việc bí mật của đảng chúng ta hết rồi, nó lại nhập với đảng nhà vua, như vậy chẳng giết để làm gì?

Nói vừa dứt lời, Nô-nhĩ-đích lại chỗ bàn rửa mặt, cầm dao cạo cả hàm râu, cổi bỏ áo mũ mình mà mặc áo đội mũ của Phi-lập-phúc, rồi đường hoàng đi ra, dầu cho lính kín có theo va nữa cũng khó lòng mà nhìn ra được.

Phi đã về Mạc-xây, cả ngày chỉ ngồi tính sự thắng bại của hai đảng. Va liệu rằng giá phỏng bên Nã-đảng mà được thắng thì thế lực của ông thân va cũng đủ che chở cho va, còn nếu bên Vương-đảng được thắng thì cái hạnh phước vô thượng của va đã đành rồi, mà thế lực của va cũng đủ che chở cho cha va nữa. Hai cha con ai phò chúa nấy, rút lại ai thắng bại mặc ai, còn phần nhà va chỉ có lợi mà không có hại, cái kế như vậy cũng đã quyệt thay!

Không bao lâu, Nã-phá-luân trở về nước Pháp, lại lên ngôi hoàng đế. Bấy giờ Phi-lập-phúc cũng còn cứ bám chặt lấy cái chức chủ quận Mạc-xây; nhưng mà sự va kết hôn với Thánh mỹ-lan thì lại vì cớ ấy mà chậm đi một độ.

Lúc đó Đàm-đức-tư bị giam trong ngục Khu-đô đã được năm mươi bốn ngày rồi. Mã-lặc-nhĩ thấy Nã-phá-luân đã trở về làm vua, bèn đến xin Phi-lập-phúc thả Đàm ra khỏi ngục. Phi làm bộ nói rằng:

-- Ờ! té ra cái việc Đàm-đức-tư tôi đã quên lửng rồi nhé! –

Khi tra lại bổn án rồi Phi mới nói rằng:

-- Người nầy hồi trước ở đây giải về Ba-lê, rồi ở Ba-lê giải qua Khu-đô, bây giờ nếu được tờ sức của quan thủ tướng thì chắc anh ta về đặng.

Nói xong, cầm viết thảo tờ tư bộ, đại ý như vầy:

"... Cái việc Đàm-đức-tư đưa thư ở cù lao Ên-ba không có chứng cớ chắc chắn gì cả, mà nếu quả có đi nữa thì va lại là một vị công thần của hoàng đế bây giờ, thưởng công chẳng hết, lẽ nào lại phạt tội mà giam vào nơi lao ngục..."

Mã-lặc-nhĩ cầm tờ thảo lên đọc dòn khay, khen rằng:

-- Tốt lắm quan lớn!

-- Ừ phải, đây là tờ tôi tư về bộ trình với quan thủ tướng, để tôi bảo phát mã-thượng liền bây giờ cho ông.

Mã-lặc-nhĩ cảm ơn đôi ba lần, về thuật lại với ông thân Đàm, hai người mừng cấp ca cấp củm.

Ngờ đâu! Phi-lập-phúc là tay đáo để, va nghĩ đi nghĩ lại, không sót nước gì. Va nghĩ rằng bây giờ nếu mình phát tờ tư trình nầy đi, và nếu muôn một mà vua Lu-y 18 lại phục vị, thế là phải lòi cái mặt tráo trở của mình ra, bấy giờ chẳng những là hỏng cả cuộc giàu sang mà còn e cho họa đến trở tay không kịp. Thế rồi va giấu tờ trình ấy không phát đi.

Tội nghiệp cho Đàm-đức-tư, bấy giờ va bị giam rục trong khám Khu-đô, là nơi nước chảy không thông, gió vô không lọt cho nên cái việc Nã-phá-luân trở về nước làm vua, va tuyệt nhiên không nghe biết gì hết. Mã-lặc-nhĩ có lòng thương va, đến giục Phi-lập-phúc năm ba lần bảo gởi tờ đi. Phi cứ nói gởi rồi mà kỳ thiệt không chịu gởi. Kịp chẳng bao lâu mà đến trận đánh Hoa-tẹt-lô, Nã-phá-luân bị Huê-linh-tôn đánh cho thua xiểng rồi đi đày luôn không trở về; Lu-y 18 lại lên làm vua, từ đó Mã-lặc-nhĩ cũng không hề bước đến cửa Phi-lập-phúc nữa. Bấy giờ, Phi đã thăng làm quan chánh án tỉnh Tu-lông, sau một tuần lễ thì mới kết hôn với nàng Thánh-mỹ-lan.

Còn Đặng-cách-luân từ khi hãm hại Đàm-đức-tư rồi tuy có phần vui mừng mà lòng riêng vẫn lo ngay ngáy. Vừa khi Nã-phá-luân về nước, va đồ rằng thế nào rồi mình cũng không khỏi họa, bèn từ chức chúa tàu đi qua làm ăn bên nước Y-pha-nho, về sau cũng không ai biết chung cuộc va thế nào. Ngày mà Đặng ra đi tức là ngày thứ hai sau khi Nã-phá-luân phục vị.

Lúc vua Lu-y 18 lên làm vua lần thứ hai rồi, phàm trong nước người dân nào có sức vác súng được đều phải đi lính cả. Cho nên Cảnh-đặc, Phất-nhĩ-nam đều dự vào số ấy. Khi Phất ra đi, nàng Mai-tây-đương xách gói để lên vai chàng mà nói rằng: Nếu muôn một mà anh nầy liều thân nơi hàng trận, có đi không về, thì lại làm cho tôi suốt đời không có một người bạn nào nữa! Phất nghe câu ấy, yên trí rằng nếu một mai mà Đàm-đức-tư không trở về nữa, thì Mai-nương chắc sẽ làm vợ mình rồi, bèn từ giã nàng một cách rất trân trọng mà đi.

Ông thân Đàm từ khi Nã-phá-luân thất trận lại bị đày qua cù lao Hy-lợi-nạp rồi, không còn trông mong cho con mình về được nữa, bệnh già ngày một mòn mỏi rồi chết. Khi ông già ấy mất, Mai-nương hai tay ôm lấy đầu người mà khóc. Việc chôn cất người thì nhờ có Mã-lặc-nhĩ tư trợ cho. Từ đó về sau, Mai nương chiếc thân vò võ dật dờ dật dưỡng như kẻ thất tình, khi thì một mình đứng dưới cụm cây, ngắm bóng mát mà than vắn thở dài; khi thì bâng khuâng nơi bờ biển đem tâm sự mà tỉ tê với con sóng bạc?

Nhiều lúc thấy cảnh nhớ người, mối thương tâm không làm sao gỡ được, thì toan gieo mình xuống biển một thác cho rồi, song cũng chỉ nghĩ thế mà thôi. ấy không phải là nàng sợ chết đâu, nàng biết rằng có chết đi cũng phí cái đời mà vô ích, thân nầy đã hứa với ai rồi, thì chi bằng nuối lại mà chờ ai! ...

 

 

 VII

 

Vua Lu-y 18 lên làm vua lại được một năm, sai quan thanh tra đến khám Khu-đô, xét lại tù phạm và hỏi xem ai có sự tật khổ gì không. ấy cũng là một điều nhân chánh mà vua mới thi hành.

Đàm-đức-tư đương ở trong khám hầm, lắng nghe lính tráng qua lại xôn xao, kẻ rửa người quét, như là sửa soạn chực có quan khách nào đến. Lại nghe họ thầm thì với nhau, hỏi ra thì biết rằng viên thanh tra hầu đến. Đàm bấy lâu chịu oan không biết kêu cùng ai được, gặp dịp nầy, va lại có hơi trông mong một chút, nên ngày đêm ngỏng cổ chờ tin.

Khỏi ít lâu, viên thanh tra ấy đến. Sau khi đến các khám tù khác mà hỏi từng người một rồi, thì nói với viên đề lao rằng:

-- Thế đã hết rồi hay chưa?

Viên đề lao thưa rằng:

-- Còn một tên tù điên, giam dưới khám hầm.

Quan thanh tra ngó bộ đã hơi mệt mỏi, song xây lại nói với viên đề lao rằng:

-- Phải đưa ta đến xem tên tù ấy luôn, hầu để rủ ơn huệ nhà vua và thông tình kẻ dưới, thì sự đi của ta đây mới là được việc.

Viên đề lao bảo hai tên lính đi trước giàn mặt, và nói cùng viên thanh tra rằng:

-- Xin ngài cẩn thận một chút vì thằng tù ở dưới khám hầm nó có chứng điên, khi nó thình lình đổ chứng ra, ngó dễ sợ lắm, đừng đi xộ vào, e nó làm bướng chăng.

-- Có người giàn mặt đàng trước rồi, ngại gì.

Viên thanh tra nói như vậy rồi cùng với đề lao đi xuống từ nấc thang, ở trong đó đã dơ lại tối, làm cho mắt mờ, mũi nghẹt, không thở được, viên thanh tra than rằng:

-- Có ai lại đem loài người mà đặt chốn nầy!

-- Bẩm ngài trong nầy có một tên tù nghịch đảng, trước kia có lịnh quan trên ở Ba-lê truyền sang, bảo phải giữ nó cho kỹ, nên cực chẳng đã mà phải giam nó vào đó.

-- Vậy thì trong đó chỉ có một mình tên ấy mà thôi sao?

-- Bẩm phải.

-- Cầm nó ở đây bao lâu rồi?

-- Bẩm hơn một năm.

-- Thế thì hồi nó mới tới đã phải nhốt vào đây sao?

-- Bẩm không, nó tới đây ít lâu rồi nó phát điên, toan giết lính canh, nên mới nhốt nó vào đó.

-- Ta có nên vào để hỏi nó có oan ức gì không?

-- Bẩm nó điên, không biết ai là ai cả, hỏi nó cũng vô ích.

-- Hãy hỏi thử, hoặc giả ta sẽ giải oan cho nó được, chưa biết chừng.

Coi mấy lời đó đủ biết viên thanh tra có lòng nhân ái là dường nào. Song viên đề lao lại thưa rằng:

-- Bẩm ngài có lòng trọng mạng người như vậy, tôi đâu chẳng thể theo ý ngài, duy còn có một khám nữa, cách đây chừng vài chục bước, đi qua thang khác thì đến đó được, là chỗ một lão sư kia ở. Lão là nguyên thủ lãnh một đảng kia ở nước Y-ta-ly, năm 1811 bị cầm tại đây, được hai năm thì lão phát điên. Một điều rất lạ, là trước kia thì lão hay khóc, mà bây giờ thì hay cười, trước kia thì ốm nhách, mà bây giờ thì mập đẫy. Lão làm nhiều trò dễ buồn cười lắm. Xin ngài trước đến thăm lão ấy rồi sẽ đến tên kia, thế nào?

Viên thanh tra nói:

-- Được, để rồi ta cũng đi thăm luôn. Đều là tù tội thì ta coi tên nào cũng như tên nào, song tiện đây thì ta thăm tên nầy trước.

Nói rồi biểu lính đi tới khám hầm Đàm-đức-tư ở. Vừa mở cửa ra, thấy Đàm-đức-tư nằm queo trong một xó, nghe tiếng người ta thì ngước đầu lên, mở mắt ra nhìn mặt không còn chút máu, ngó bộ tội nghiệp lắm. Đèn thắp lên, hai tên lính đứng hai bên, viên thanh tra bèn bước tới. Đàm biết người đó tức là quan thanh tra thì vừa khóc vừa tỏ nỗi oan khổ của mình. Quan chăm nghe và hỏi:

-- Mầy muốn gì?

-- Bẩm ngài, tôi chẳng biết tôi có tội gì mà giam hoài ở đây. Bằng không có tội thì tha đi, bằng có tội thì giết đi, sao lại trấn tôi vào chỗ lỡ sống lỡ chết nầy, làm cho tôi muốn chết không chết được, khổ quá!

Viên đề lao xen vào mà hỏi rằng:

-- Bữa này mày nói còn có lẽ, song hôm trước mầy toan giết lính canh là ý làm sao?

-- Không, tôi có toan giết đâu. Tôi bị giam lâu thì bực tức quá mà làm như vậy đó thôi.

Viên thanh tra hỏi rằng:

-- Mầy nói bị giam lâu, thế là mấy năm nay rồi.

-- Bẩm, khi tôi đến nhằm ngày hai mươi mốt tháng hai năm 1815, lúc hai giờ rưỡi chiều.

-- Bữa nay là ngày 30 tháng sáu năm 1816, vậy thì mầy ở đây mới có 17 tháng.

-- Trời ôi! mới có 17 tháng ư, sao mà ít dữ vậy?

Viên đề lao cười mà nói với va rằng:

-- Mầy ở trong ngục, còn biết chi là ngày tháng nữa? 17 tháng hay là 17 năm, đều là cái số mà mầy không thể nào biết được.

Đàm nghe vậy thì càng ra dáng ủ dột mà nói cùng viên thanh tra rằng:

-- Nay may mà quan lớn đến đây, ngài lại sẵn lòng thương xót, vậy dám xin ngài cho tôi biết tôi bị tội vì cớ gì. Vì giam lâu mà không biết mình có tội chi, thì cái khó chịu ấy nó lại càng gấp mấy sự giam lâu nữa, có lẽ chết cũng không nhắm mắt được!

Viên thanh tra nói:

-- Ta thấy bộ mầy và nghe mầy nói thì thương hại lắm.

Rồi quay lại nói với đề lao rằng:

-- Hãy đem bổn án cho ta xem, để ta sẽ biết nó có tội gì.

Viên đề lao dạ. Quan lại hỏi Đàm:

-- Chớ hồi đó ai bắt mầy?

-- Bẩm, ông Phi-lập-phúc.

-- Ông Phi-lập-phúc có thù oán gì với mầy không?

-- Bẩm không, ông ta chẳng những không oán với tôi mà còn là ân nhân của tôi.

-- Ông Phi-lập-phúc đã bỏ Mạc-xây mà đến ở Tu-lông rồi.

Đàm nghe quan nói như vậy thì riêng nghĩ rằng mình sở dĩ bị giam lâu ở đây hoặc giả vì cớ ấy. Vừa khi đó viên đề lao bước tới thưa cùng viên thanh tra rằng:

-- Ngài muốn xem bổn án ngay bây giờ hay là đợi rồi việc sẽ xem?

-- Thôi để rồi việc cũng được.

Quan nói dứt lời ấy thì xây nói cũng Đàm rằng:

-- Thôi mầy hãy nhịn nhục ở đây, ta sẽ vì mầy mà xem lại bổn án coi thử mầy bị tù vì tội gì.

Đàm-đức-tư cúi sát đất khóc và cảm ơn. Ai nấy đi ra, đóng cửa lại. Bấy lâu Đàm đã tuyệt vọng rồi, bây giờ lại có hy vọng chút đỉnh thì cũng gọi là đỡ buồn được một ít. Song, nghĩ như Phi-lập-phúc là người thế nào, khi không hãm hại va, làm cho cha con, vợ chồng xa nhau, bị tù bị tội, oan khổ đến như dường ấy, mà va trở lại kêu bằng ân nhân! ân nhân và cảm ơn khôn xiết! Ôi thế mới biết Phi là con người nham hiểm, dễ sợ mà cũng dễ thương thật.

Bấy giờ viên thanh tra mới qua bên khám hầm lão sư ở. Dọc đường, hỏi viên đề lao rằng:

-- Lão sư ấy điên cách làm sao?

-- Buồn cười lắm, nó khoe mình giàu, của tiền mấy đời cũng không hết. Năm đầu nó mới đến, nó nói muốn lót tôi một trăm vạn phật-lăng để cho nó trốn. Năm sau tăng lên hai trăm vạn. Năm thứ ba tăng lên ba trăm vạn. Đến năm nay ở đây 5 năm rồi. Bây giờ ngài vào chắc lão sẽ nói với ngài năm trăm vạn cho mà coi.

-- Lạ è! Lão sư ấy tên gì?

-- Bẩm, tên là Phan-lan.

Đến nơi, thấy trên cửa đề "số 27". Mở cửa vào thấy lão sư đương ngồi chính giữa phòng, bốn phía đầy những bụi đất, là đồ lão quào trên vách rớt xuống. Lão mặc áo rách tả tơi, không che kín thân, đương vẽ một cái vòng tròn trên đất như cách làm toán. Mắt lão chăm chăm ngó cái vòng đó không nháy, và tai cũng không nghe. Thấy có đèn sáng, lão mới đủng đỉnh ngước đầu lên, nhìn xem người ta đông đảo thì ra ý bợ ngợ, vội vàng lấy cái mền rách quấn mình lại, nằm xuống thim thíp. Viên thanh tra bước tới hỏi rằng:

-- Mầy có xin gì không?

Lão sư Phan-lan đáp rằng:

-- Không, tôi chẳng xin gì.

-- Hoặc giả mầy không biết ta là ai chăng. Ta vâng mạng nhà vua đến đây xét tù và hỏi xem có ai xin xỏ điều gì.

-- Vậy thì bẩm ngài lão sư Phan-lan là tôi đây! Tôi sanh tại thành Rô-ma, làm thơ ký cho ông sư cả Tư-ba-đạt đã 12 năm, đến năm 1811 thì tôi thình lình bị tù mà chẳng biết mình có tội gì. Từ đó nhẫn nay tôi vẫn có ý kêu nài cùng hai chánh phủ Y-ta-ly và Pháp-lan-tây để trả tự do lại cho tôi mà thôi.

-- Không, câu mầy đáp đó không ăn với câu ta hỏi. ý ta chỉ muốn hỏi mầy ở đây có điều gì khó chịu không.

-- Tôi không có gì khó chịu cả. Cơm tù hẩm hút tôi cũng ăn được, khám hầm tối tăm dơ dáy tôi ngủ cũng được; duy có một điều tôi muốn thưa với ngài là trong tay tôi có năm trăm vạn phật-lăng mà không biết dùng làm chi, tôi chỉ muốn đem dâng chánh phủ, là tôi thỏa lòng.

Viên thanh tra cười mà nói rằng:

-- Nhà nước há muốn lấy của mầy làm chi? Hãy giữ lấy đợi khi nào mầy ra tù mà xài.

Sư Phan-lan lại gần, cầm lấy tay viên thanh tra mà nói một cách thật thà rằng:

-- Bẩm ngài, chẳng may mà tôi bị giam rục ở đây suốt đời, hoặc là tôi chết mòn ở đây, thì cái của tôi đó thành ra vô dụng đi mất, chi bằng hiến cho nhà nước dùng còn có ích hơn. Huống chi ngoài năm trăm vạn tôi định dâng cho chánh phủ đó, tôi lại còn có vô số nữa, giá tôi được ra tù mà xài cả đời tôi cũng không hết.

Viên thanh tra xây lại nói với các người kia rằng:

-- May mà ta biết trước là lão điên, chớ không thì đã nghe lão mà tin phăm phắp rồi.

Sư Phan-lan nghe vậy thì cãi lại mà rằng:

-- Tôi không điên đâu. Món tiền tôi nói đó quả có thật, xin các người đi với tôi đến chỗ đó mà lấy, nếu tôi nói dối, thì lại đem tôi về giam ở đây, có hại gì.

Viên đề lao cười mà hỏi rằng:

-- Vậy thì món của kia ấy mầy giấu ở đâu?

-- Chỉ cách đây ba trăm dặm mà thôi.

-- Gớm thật, dẫu mầy đi khỏi đây ba trăm dặm dễ mầy có kiếm phương "dĩ đào vi cút" đó chi!

Viên đề lao nói thế rồi viên thanh tra cũng nổi nóng lên mà quở lão sư rằng:

-- Mầy nói mầy không điên, làm sao câu mầy trả lời chẳng hề ăn nhập gì với câu ta hỏi cả?

Sư Phan-lan cũng nổi giận hằm hằm mà nói rằng:

-- Ủa hay! Chớ còn ông, làm sao những câu tôi nói ông cũng chẳng hề trả lời? Ông không muốn lấy của ấy thì thôi, tôi cũng đành bỏ đi. Còn ông không thả tôi ra thì trời cũng chẳng cầm tôi ở đây mãi đâu!

Sư nói câu ấy rồi, thì tung cái mền rách ra, ngồi tréo mảy chỗ cũ mà làm toán như lúc nãy. Viên thanh tra và các người kia cũng lui ra.

Quan trở về xét lại bổn án của Đàm-đức-tư thì thấy trong ấy có lời phê rằng: "Đàm-đức-tư là một tay lườm(*) trong Nã đảng, cái mưu Nã-phá-luân ở Ên-ba mà lẻn về thành được, là nhờ sức nó, nên phải đề phòng nó thật nghiêm nhặt chớ nới ra một chút nào." Mà coi kỹ lời văn của câu phê đó thì khác hẳn với lời văn của cả bổn án, chừng như là khi giải Đàm ra Khu-đô rồi mới viết thêm vào. Viên thanh tra thấy vậy biết rằng mình không có thể nhúc nhích chút nào trong vụ ấy được thì cứ để im vậy.

Sau khi Đàm gặp được viên thanh tra tấc lòng lại còn có hy vọng mảy may dường như đèn hầu tắt mà lại đỏ, tro hầu tàn mà lại hực. Bấy giờ va mới biết ngày biết tháng, chứ không như trước kia cứ ù lì tịt mít. Va bèn lấy ngón tay thấm nước miếng nhồi với bụi đất mà viết vào trên vách rằng: "ngày 30 tháng 7 năm 1816", rồi đó cứ mỗi ngày mỗi ghi thêm. Hồi đầu va những tưởng tượng trong ngoài tuần lễ, mình sẽ được tha, không ngờ dấu ghi trên vách đã bộn bề mà bặt không tin tức gì cả. Mãi đến vài ba tháng mà cũng cứ hết ngày ấy đến ngày khác, một ngày là bặt đi một ngày, thành ra lại tuyệt vọng, trở ngờ rằng sự gặp viên thanh tra đó là sự gặp trong chiêm bao, chứ không phải thật. Vừa một năm, viên đề lao ấy đổi đi, viên khác đến, lấy cớ rằng phòng giam sắp lớp nhau, tù phạm đông, không nhớ hết tên họ được, thì ghi bằng số liệu để cho dễ nhớ. Bấy giờ số hiệu Đàm là 34. Từ đó người ta chỉ gọi tên tù số 34 mà thôi, không ai nói đến ba chữ Đàm-đức-tư nữa.

--------

* Theo ngữ cảnh mà đoán thì "lườm" có ý nói "quan trọng" hoặc "nguy hiểm"; tuy nhiên H.T. Paulus Của (sđd.) hoặc Từ điển phương ngữ Nam Bộ (sđd.) lại chỉ ghi nhận "lườm" như một trợ từ, đứng sau tính từ để chỉ mức độ, ví dụ vàng lườm là rất vàng, đỏ lườm là rất đỏ; các chỉ dẫn này rõ ràng không phù hợp với nghĩa của từ "lườm" ở đây.


VIII

 

Đàm-đức-tư bị giam lâu ngày, nếm đủ mùi cay đắng, mà càng ngày càng thêm nhiều nỗi đắng cay. Va đã từng xin với lính canh cho ra ngoài đi dạo giây lát không được, lại xin cho đọc sách hoặc làm việc để cho đỡ buồn cũng không được. Sau va xin ở chung với lão sư điên một khám cho có bạn; tên lính thấy thương tình, đem thưa với đề lao song đề lao sợ rằng hai người ở chung, dễ bề đồng mưu đi trốn, nên cũng không cho nữa.

Va tưởng rằng cầu xin người ta chẳng ăn thua chi, không bằng cầu xin Trời là hơn, bèn mỗi ngày khấn vái Đức Chúa Trời thành tâm mà cầu nguyện, song rốt lại không có hiệu nghiệm gì cả. Va đếch thèm cầu nguyện nữa, xây lại rủa sỏ lâu cũng không thấy chi. Khi nổi cơn tức lên, đến nỗi đập đầu vào vách, máu chảy đầy mặt. Những khi ấy va coi hết thảy vật gì chỗ va ở, như là một cây củi, một giọt nước, thậm chí thứ không khí mà va thở ra hút vào, đều là đáng ghét cả. Va nghĩ rằng sống mà chịu oan khổ thế nầy thì không bằng chết quách cho xong, bèn xoay ra kiếm cách chết: nhịn đói nhịn khát cả đêm không ngủ, như vậy bốn năm ngày trời mà cũng không chết được. Va mới thở dài mà than rằng:

-- Té ra cái chết mà cũng khó như vậy ư!

 Lệ trong tù mỗi ngày đưa cơm vào hai lần Đàm cố ý không ăn song lại sợ tên lính canh sinh sự nầy khác thì cứ mỗi bữa đưa cơm vào nhận lấy rồi đổ ra ngoài cửa sổ, lính canh không biết được. Than ôi! Đàm khi ấy mới có hăm bốn hăm nhăm tuổi, đầu xanh tuổi trẻ ngày xuân còn dài, song cái chí va đã quyết liều một thác cho rồi. Nhịn ăn như vậy bốn năm ngày thấy trong mình liệt lắm, sau đến không còn có sức mà đổ cơm ra ngoài cửa sổ nữa. Lính canh thấy vậy thì tưởng va lâm bịnh, chớ có biết rằng va toan chết đâu. Có khi xây xẩm rồi ngất đi như hầu chết, va khi ấy mình chẳng biết đau, bụng chẳng biết đói, miệng chẳng biết khát, hễ nhắm mắt thì thấy có muôn vàn ngôi sao sáng như là đôm đốm bay liệng ngoài đồng. Ôi! ấy là vật gì? Có phải là ánh sáng của nước thiên đàng xuống mà đưa đường chỉ nẻo cho kẻ thanh niên lâm nạn đó chăng?

Trong một đêm anh ta đương nhịn đói đó, độ 10 giờ thình lình nghe có tiếng sộp sạp. Va bèn ngảnh cổ lên để lấy tai nghe thứ tiếng là tiếng gì. Té ra tiếng lộp cộp ấy lại cào mạnh nghe như tiếng chim mổ cây, như hùm nghiến răng, rõ là tiếng đục vào đá. Một chặp, tiếng nghe càng gần và càng rõ. Va đang ngóng nghe thì lính đem cơm tối vào. Số là, va lâu nay định nhịn đói để chết, kịp nghe tiếng đó thì lại sanh tâm, nghĩ rằng hoặc có sự cứu viện ở đâu tới thình lình chưa biết chừng. Va bắt đầu ăn lại. Còn e một nỗi tên lính nghe tiếng ấy mà sanh ngờ vực rồi làm khó cho mình chăng, va bèn ráng sức nói chuyện bá xâm với hắn, rồi lại cả tiếng mà mắng nhiếc nữa. Tên lính chán phè, bỏ đồ đựng cơm lại đó mà đi. Sau đó ba ngày, Đàm ăn uống như thường, lần lần lấy sức lại. Có một hôm khi tên lính ra rồi, Đàm nằm rạp xuống góc tường mà lắng nghe, thì biết chắc là ở bên kia có người lấy đục mà đục vào vách. Va nghĩ chi cho bằng ở bên kia họ đục qua ở bên này mình lại đục lại, thì chắc là tiện công lắm. Biết làm thế là hay, song không biết dùng cái gì mà đục. Sau va nghĩ, có lẽ lấy đồ đựng cơm đó mà xài cũng được, vì là bằng gốm, bèn đập vỡ ra, lấy mảnh nó mà soi vào vách, đúng với chỗ có tiếng cộp cộp bên kia. Tiếc thay, đồ lề đã dở, lại tối không thấy đường, vọc vạch mà chơi chẳng ăn thua gì cả! Song cái tiếng bên kia vách thì cứ cộp cộp hoài cho đến sáng mới thôi.

Sáng hôm sau, tên lính đến, Đàm đưa cái bát bể ra mà nhận lỗi rằng mình đã xẩy tay mà làm bể đi, tên lính ngó gườm gườm một chốc, rồi thay cho một cái bát khác và đi ra. Đàm tính làm nốt việc hôm qua, bèn xê cái giường đi một chút, ngó thấy đất trét vách lâu ngày nó rộp ra, mừng lắm, lấy mảnh gốm cào thật mạnh. Cào đến nửa giờ mà chỉ đổ ra được một bụm đất bột, không si sứt gì đến cái vách mấy chút. Nếu lấy toán học mà tính, thì phải cào đến hai năm, những đất bột cào ra đó mới trải ra thành một lớp bề dài chỉ được mười thước bề ngang chỉ được hai thước. Đàm nghĩ mình có cầy cục chầy ngày cũng vô ích, thành ra chán ngán. Tuy vậy cũng cứ việc cào.

Được ba ngày, đất và vôi trên vách tróc hết, thấy lòi ra những đá, hoặc y hòn, hoặc vụn, sắp lớp liền nhau, kín mít không hở. Ban đầu va lấy tay mà quào, sau lấy mảnh gốm mà nạo, cũng chẳng nhúc nhích gì cả. Ngồi nghĩ hết nước chẳng biết làm sao. Sực nhớ lại mọi khi lính đem cơm thường hay dùng cái vá(*) bằng sắt dài cán mà đựng canh riêu, chi bằng lập kế lấy cái vá ấy thì có lẽ được việc. Va bèn đem cái bát mới thay đó để ngay chỗ cửa, tên lính bước vào vô ý đạp phải, làm cho bể nát. Va cười mà bảo tên lính rằng:

-- Thôi thì bác tạm để cái vá sắt lại đây rồi sáng mai sẽ đem ra.

 Lính ta gật đầu, để cái vá sắt lại đó rồi đi.

Đàm mừng quýnh mừng quýu, hối hả ăn xong, ngồi đợi một giờ, biết lính không vào nữa bèn lấy vá sắt làm cái mấp(**), giắt vào kẽ đá, rồi ráng sức nạy lên. Giây lát, đá rung rinh và rớt ra. Chỗ đó thành ra một cái lỗ, vừa lọt nắm tay. Va thích ý lắm làm luôn cả đêm không dám nghỉ vì e đến sáng phải trả cái vá sắt cho tên lính. Sáng ra, va rinh đá lấp cái lỗ lại, rồi kê giường vào chỗ đó cho khuất đi và nằm lên trên. Tên lính vừa vào, cả tiếng thét rằng:

-- Bữa trước mầy làm bể cái bát bằng gốm của tao sau mầy trác(***) cho tao đạp bể cái nữa, giá phỏng tù phạm ở đây đứa nào cũng như mầy thì nhà nước cũng không thể sắm đồ kịp. Thôi bây giờ tao để luôn cái vá sắt lại đây, coi mầy còn làm bể nữa thôi!

Ấy là gãi chính vào chỗ ngứa, Đàm càng thú lắm, mừng nào còn quá mừng nầy?

Từ đó va làm luôn cả ngày lẫn đêm, mà cái tiếng đục bên kia lại không nghe nữa. Va bèn thở dài mà rằng:

-- Người bên kia sao lại không hiệp sức với ta, hay là có nghi ngờ điều gì mà thôi chăng. Không bao lâu, va nạy đến một chỗ, thấy có khúc cây to tướng nằm ngang ở giữa, cái vá sắt không làm gì nổi, bèn ngao ngán than rằng:

-- Trời ôi! Sao mà hại tôi thế nầy.

Chưa dứt lời, bỗng nghe có tiếng đáp lại rằng:

-- Trời ôi! Trời ôi!

Va nghe kỹ thì tiếng ấy ở dưới đất lên, như là tiếng người ta nói trong mồ mả mà ra. Đàm chớp gáy rùng mình, nghĩ rằng ở đây trừ tên lính ra, không còn người nào nữa, thì cái tiếng ấy ở đâu mà đến? Bèn kêu mà hỏi rằng:

--  Ai nói đó? Xin nói lại đi.

Dưới đất lại trả lời rằng:

-- Ai hỏi đó, xin nói cùng tôi trước đã.

Đàm nói:

-- Tôi là người ở tù đây.

Người dưới đất hỏi:

-- Anh là người nước nào?

-- Tôi là người nước Pháp.

-- Anh bị giam ở đây được bao lâu rồi?

-- Tôi đến đây ngày 28 tháng hai năm 1815.

-- Anh mắc tội gì?

-- Tôi không có tội gì cả.

-- Vậy thì làm sao bị giam?

-- Họ cho tôi là người chủ mưu trong cuộc Nã-phá-luân trở về nước Pháp, rồi họ bỏ tù, chớ nào có tội gì đâu.

-- Nã-phá-luân vẫn làm vua nước Pháp vững như trời trồng, sao anh lại nói trở về nước?

-- Ông ấy trước bị đày ra cù lao Ên-ba, bỏ nước Pháp mà đi đã lâu rồi, từ năm 1814 kia mà. Chớ anh đến đây bao giờ mà lù mù như vậy?

-- Tôi đến đây năm 1811.

-- Vậy thì anh đến trước tôi đến bốn năm kia à!

-- Phải.

Người dưới đất nói như vậy và lại nói luôn rằng:

-- Anh thôi đi, đừng đục nữa. Anh nghe tôi đục đá, chắc anh tưởng đục bên nầy qua bên kia, chớ không biết rằng tôi đục từ dưới đục lên. Chớ cái lỗ anh đục đó cách với đất xa hay gần?

-- Chỉ cách một khoảng thôi.

-- Thế thì làm sao mà lính nó không biết?

-- Nhờ có cái giường che đi.

-- Thế thì cái giường của anh để ngay chỗ anh đục đó sao?

-- Phải.

-- Bên ngoài cái phòng anh ở là cái gì?

-- Cái nhà cầu.

-- Bên ngoài nhà cầu là cái gì?

-- Cái sân rộng.

-- Mẹ ôi! Chết rồi! Tôi lầm mất rồi! Tôi vẫn đồ rằng chỗ tôi đục đây là xuyên qua tường thành ngục Khu-đô kia mà. Tôi định từ đó thẳng ra bờ biển, đến hai hòn cù lao gần là Đồ-môn và Thiết-va-linh kia mà. Tôi ở trong phòng, lấy tay vanh trên đống đất bột, tính bằng phép kỷ hà(****), không ngờ đồ lề không đủ làm cho tôi tính sai cong đường đi. Từ phòng tôi thẳng ra đến tường thành ngục Khu-đô chỉ có 40 thước mà thôi, cái nầy tôi đục sâu đến 50 thước mà không thông xuống tường thành để ra biển, lại trở thông lên đến phòng của anh! Bên ngoài phòng anh là nhà cầu, bên ngoài nhà cầu là sân rộng, chỗ ấy là chỗ lính canh qua lại tấp nập, thế ra công phu tôi bấy lâu vứt đi mất cả!

Đàm nghe bấy nhiêu lời thì biết rằng cái người không thấy mặt đó chắc là tay kỳ khôi lắm bèn hỏi rằng:

-- Ông có thể cho tôi biết tên ông là gì không?

Người dưới đất ngần ngừ một chặp rồi nói:

-- Tôi là số 27.

Đàm tự hỏi: È! Cái ý ông nầy chừng như không tin mình rồi đây.

 Liền nghe dưới kia cười khúc khích mà rằng:

-- Anh bao nhiêu tuổi? Nghe tiếng như là còn trai lắm thì phải.

-- Tôi quên mất tuổi tôi rồi. Chỉ nhớ hồi tôi đến đây là ngày 28 tháng 2 năm 1815, mà bấy giờ tôi 19 tuổi.

-- Thế thì hiện nay anh chưa đầy 26 tuổi, có lẽ đâu mới 19 tuổi mà lại là một tay gian đảng được.

-- Phải, tôi không phải là gian đảng, chẳng qua bị người ta vu hãm đó thôi.

-- Nghe anh nói nãy giờ thì biết anh là người thật thà. Số là tôi định bỏ anh mà đi nơi khác, song nay nghe anh tuổi trẻ bị nạn thì lại cảm động trong lòng. Thế nhưng tôi hẵng đi cái đã, anh cứ chờ đây tôi sẽ trở lại.

-- Bao giờ ông trở lại?

-- Lựa dịp mà trở lại, không nói trước được.

-- Vậy thì xin ông chớ bỏ tôi mà đi luôn. Ông sẽ qua phòng tôi cũng được, hay là tôi qua phòng ông cũng được, muốn trốn thì cả hai cùng trốn với nhau, bằng không trốn đi nữa mà cứ chuyện trò với nhau cũng đỡ buồn. Xin đoái đến tôi và chớ bỏ tôi. - Mà ông ở đây có yêu người nào không?

-- Tôi chỉ nương náu có hình với bóng mà thôi, người ta chẳng ai yêu tôi mà tôi cũng chẳng biết yêu ai cả.

-- Từ rày về sau, ông hãy yêu tôi và tôi cũng yêu ông. Ông mà lớn hơn tôi thì tôi coi như anh, còn ông mà già thì tôi coi như cha vậy.

-- Ông thân anh còn mạnh không?

-- Sau khi tôi bị bắt, cha tôi mất hay còn tôi cũng chẳng hay, mà nếu còn ra thì đã bảy mươi tuổi rồi. Vợ tôi tên là Mai-tây-đương rủi mới vừa làm lễ cưới thì tôi lâm vào vòng tù tội! Cha tôi chắc không quên tôi, cái đã đành rồi; tôi còn chưa biết Mai-tây-đương nó đối với tôi làm sao!

Trong khi Đàm nói đó thì giọng buồn bã lắm, tấm tức muốn khóc. Người dưới đất bèn an ủi mà rằng:

-- Kẻ mù còn trông có ngày được sáng, kẻ què còn trông có ngày được đi! Anh, trên có cha hiền, dưới có vợ đẹp, lại là trai tơ mà lắm ái tình, thế mà sa vào cảnh nầy, thật có đáng buồn đó chút. Song buồn có làm chi! Anh nếu không thể bắt chước tôi cười khanh khách cả ngày, thì cũng nên bớt cái buồn đi kẻo hại đến mình. Nay tôi tạm biệt anh sáng mai lại gặp nhau đó mà.

Tiếng nói của người ở dưới đất đó nghe ra có vẻ thương xót và rất hiền lành. Ôi! người ta có phải là gỗ đá đâu, ai dám bảo rằng các ông sư vô tình hết thảy. Sư đi rồi! Đàm qua lại trong phòng, ngắm nghía rất kỹ lưỡng sợ e có chỗ nào trống hở chăng. Từ đó va mừng có đôi bạn, không đến nỗi một mình vắng vẻ như hồi trước.

------------------

* vá: môi hoặc thìa; ** mấp: bập vào; ***trác: đánh lừa; ****phép kỷ hà hay kỷ hà học: dịch chữ géometrie, nay gọi là hình học.


 

IX

 

Sáng sớm ra, Đàm nghe dưới đất lại có tiếng gõ ba lần, vội vàng trỗi dậy, chống tay trên đá mà lắng nghe, thì thấy có người hỏi rằng:

-- Lính-canh đã đi rồi chưa?

Đàm đáp lại:

-- Đi rồi.

-- Thế thì ta sẽ ra đó.

-- Như vậy tốt lắm.

Đàm đương còn muốn hỏi do đường nào mà ra, song chưa kịp hỏi thì bỗng dưng hòn đá mình đương chống tay đó tự nhiên lật lên. Hòn đá lật lên rồi, lòi ra một cái lỗ, vừa lọt con người, và dòm xuống sâu hoáy. Thình lình một cái đầu trọc lóc ở dưới thò lên, rồi đến cái vai, rồi đến cả thân người lum khum chui ra. Người ấy đã ra, Đàm vội nắm lấy tay, dắt đến chỗ khe cửa sổ hé sáng mà ngắm kĩ trạng mạo. Thì thấy người thấp bé, tóc hoa râm, con mắt sâu, chang mày rậm, râu dài, mặc áo quần rách rưới, trên trán mồ hôi như xối, ngó bộ buồn thiu; tuổi ước chừng sáu mươi, song hành động lẹ làng hơn người trai tráng. Người bảo Đàm rằng:

-- Cái lỗ nầy ra vào tiện lắm, nhưng phải giữ khít nước, chớ cho lính nó biết, nếu nó bắt được thì không còn mong gì nữa.

 Nói rồi, cúi xuống lượm hòn đá nơi miệng lỗ mà đậy lại, như lượm cái rác, không thấy ra dáng nặng nề gì cả. Lại dặn Đàm hễ khi nào dở hòn đá ra rồi, cũng phải đậy lại cho thật kín; và hỏi luôn rằng:

-- Hoặc giả anh không có đồ lề gì chăng?

Đàm thấy nói, lấy làm lạ, trở hỏi lại rằng:

-- Vậy thì ông có sao?

-- Có chớ, tự tay ta làm ra lấy, nào dao, nào đục, nào kìm, nào dùi, đều có đủ cả.

-- Ông đã khó lòng và chịu mất công lắm mới chế ra được những đồ ấy, bây giờ có thể cho tôi xem thử được không?

-- Được chớ.

Người ấy vừa nói vừa đưa một vật cho Đàm coi mà rằng:

-- Nầy là cái đục của ta.

Đàm thấy lưỡi đục nhọn mà cán bằng săng, hỏi lấy gì làm ra. Đáp rằng:

-- Nó nguyên là cái đinh đóng trong giường. Ta mấy lâu nay đục đá xoi tường, trổ ra một con đường năm chục thước cho được đến phòng anh, ấy là nhờ nó cả. Nói xong, nhắc ghế để gần cửa sổ, biểu Đàm đứng lên, rồi mình đứng trên vai Đàm, dòm ra bên ngoài song sắt, ngó quanh bốn phía, đoạn nhảy xuống, nói rằng:

-- Ta vẫn nói có lính canh, nay thật quả như vậy.

Rồi làm thinh một chặp, không nói năng chi hết. Đàm bèn hỏi rằng:

-- Ông là ai, sanh bình ông thế nào, có thể cho tôi biết được chăng?

Ông già cúi đầu xuống hồi lâu, đáp rằng:

-- Sư Phan-lan là ta đây. Trước kia bị tù ở ngục Oai-nội-tát ba năm, đến năm 1811, giải sang cầm ở chốn nầy.

-- Ông có tội gì mà bị giam từ đó đến giờ?

- Cái chánh sách mà ta đêm ngày trù hoạch trong khoản năm 1807, tức là cái chánh sách Nã-phá-luân muốn thiệt hành ra trong năm 1811. Cái chánh-kiến của ta cũng giống như của Mã-chí-ni; ta không nỡ nào trông thấy nước Y-ta-ly chia lìa ra thành nhiều nước nhỏ, bị áp chế dưới chánh thể chuyên chế của các ông vua dữ, cho nên ta muốn hiệp lại thành một liên bang lớn, ngõ hầu làm nên nghiệp phú cường. Chẳng may nước Y-ta-ly xấu số...

Sư nói đến đó, tiếng nhỏ lần đi, đầu gục xuống gần đến bụng. Đàm thấy vậy, chẳng hiểu làm sao, hỏi rằng:

-- Bọn lính nói ông là...?

Chưa dứt lời thì sư vội tiếp rằng:

-- Là điên, chớ gì?

Đàm cười, không nói chi hết, thì sư nói luôn:

-- Vài năm nay, ai thấy ta, họ cũng cho là điên, mà ta cũng tự nhận mình là điên. Những du khách đến thăm đây đều đem ta ra làm câu chuyện mua cười, e rồi đây họ còn sẽ đem ta ra làm trò chơi cho trẻ con nữa. Nếu quả vậy thì ta cũng vui lòng chịu vậy, đành lây lất qua đời ở đây mà thôi.

Đàm nín lặng hồi lâu, rồi hỏi rằng:

-- Vậy thì ông không có ý đi trốn sao?

-- Trời chẳng chiều lòng, dầu trốn cũng không thoát được.

-- Sao ông lại non gan làm vậy? Ông đào đường hầm rút sai phương hướng đi, sao không đào lại cái khác?

-- Có dễ đâu anh! Ta chế ra đồ lề mất sáu năm, đào mất hai năm, tay chơn rục rã, mắt mờ tai sồ, sức vóc ngày một yếu; khi nghe có tiếng động thì vội vã chui vào, khi gặp hòn đá lớn chặng ngang thì lại phải mất công đến lưng nửa tháng hoặc một tháng mới dời đi mà đào thông qua được. Nay rủi ro dường ấy, có phải là tại trời chăng?

-- Theo ý tôi thì dầu không trốn được, thế cũng đã là khoái lắm; vả lại ông với tôi được tụ họp nhau, cũng đủ đỡ buồn mà.

-- Cái lỗ anh đào đó có phải là muốn do từ nơi nhà cầu mà thông ra sân rộng không?

-- Phải.

-- Có phải là ở trên đó có cái thang bằng đá mười hai nấc không?

-- Phải(*)

------------

* Phần sưu tầm của tôi đến đây thiếu 1 kỳ (kỳ 14;  Đông Pháp thời báo số 755, ngày 11.8.1928)


X

 

Có một điều rất lạ là cứ như lời sư nói, những đồ ấy đều nhờ ban đêm chong đèn mà làm nên. Đàm nhơn hỏi coi cái đèn, thì thấy trong đèn đầy những dầu. Hỏi làm thế nào cho có dầu thì sư nói mỗi khi ăn thịt, để mỡ lại mà chế ra. Hỏi lấy lửa ở đâu, sư đưa ra hai hòn đá lửa, một miếng vải đen, và nói rằng: Ta giả đò có ghẻ, xin lính canh một ít lưu hoàng, thế là đủ để lấy lửa rồi. Sư lại đưa Đàm đến coi một cái hang ở dưới giường, có đá đậy lại. Dỡ đá lên, thấy có một sợi đỏi(*) dài chừng ba chục thước ngó bộ bền lắm, có thể làm cái thang cho đôi ba người chung leo một lúc được. Sư nói rằng: sợi đỏi nầy là khi ở bên khám kia, ta đã xé áo lót mình, rút cốt nệm, bện lại mà làm ra đây. Rồi khi dời qua khám nầy, ta lấy mà đem lén theo, song chúng nó không biết. Đàm liền hỏi:

-- Vậy chớ ông tháo nệm mà rút cốt ra, họ lại chẳng biết sao?

Sư đáp:

-- Khi ta rút bớt cốt nó ra rồi, lấy kim may lại, không khác gì trước cả, thì làm sao họ biết được?

-- Nếu vậy thì ông lại có kim nữa?

--  Phải, có chớ.

Sư nói vậy, rồi trật áo đương mặc ra, lần nơi trước ngực một cây kim, dài mà nhọn, cũng làm bằng xương cá. Đít kim có lỗ, sợi chỉ xâu trong lỗ vẫn tòn ten. Đàm thấy vậy thì trong lòng khâm phục không biết ngần nào.

Sư sắp đặt các đồ vật ấy xong đâu vào đó, rồi biểu Đàm ngồi xuống mà hỏi rằng:

-- Đầu đuôi làm sao mà anh bị bắt, thử nói cho tôi nghe nào.

Đàm thưa rằng:

-- Tôi muốn nói cho ông nghe lắm, ngặt vì sự tôi bị bắt và bị tù, tôi không biết tại làm sao cả, tôi chỉ nhớ được ngày tháng mà thôi, thì nói làm gì!

-- Dầu vậy mặc lòng, phàm những người vô cớ mà bị tù, đại để là vì người ta hãm hại. Mà muốn biết tại làm sao mà hãm hại, thì có hai lẽ. Một là mình làm điều chi có lợi cho mình mà không có lợi cho kẻ khác, ấy là có thể chuốc họa vào mình. Một nữa là điều chi bất lợi cho mình mà có lợi cho kẻ khác, ấy cũng có thể chuốc hoạ vào mình. Hai cái đó ngó như chia ra mà kỳ thiệt là hiệp lại, ngó như trái nhau mà kỳ thiệt là nhơn nhau. Cứ đó mà truy tìm thì dầu cho việc khó biết mấy cũng tìm ra được. Nay anh thử nói cho tôi nghe anh có làm việc gì lợi cho anh mà bất lợi cho kẻ khác không?

Đàm ngẫm nghĩ hồi lâu rồi nói rằng:

-- Thân hèn mọn như tôi, vả lại còn ít tuổi, đã không có công danh to tát, cũng không có quyền chức cao sang, thì chỗ người với ta, có gì mà lợi cùng không có lợi?

-- Không phải vậy đâu. Cái câu anh nói đó không đúng với nguyên lý học chút nào hết. Anh hãy nhớ lấy lời nầy trước đã: Phàm việc gì cũng nhơn nhau mà thành ra. Vậy rồi tôi mới hỏi anh rằng: Anh có nói với tôi rằng anh đã được thăng làm chúa tàu Phan-long phải không?

-- Thưa phải.

--  Anh lại có nói với tôi rằng anh sắp kết duyên cùng một người thiếu nữ phải không?

-- Thưa phải.

-- Ấy đó, nội hai việc đó chắc là có bất lợi cho người khác. Anh thử kể chuyện thăng chúa tàu cho tôi nghe thử nào.

-- À, bấy giờ trong tàu có một người không ưa nhau với tôi, hay rầy lộn cùng nhau hoài, đến nỗi có một lần, tôi muốn bỏ va ở hòn cù lao kia mà đi trớt.

-- Người ấy tên là gì?

-- Tên là Đặng-cách-luân.

-- Khi chúa tàu Lý-khắc-lai hấp hối, trối lại cùng anh, có ai rình nghe không?

Đàm ngẫm nghĩ một lúc, rồi trả lời rằng:

-- À, phải rồi, đương khi Lý trao phong thơ cho tôi thì cửa mở hé, xảy có Đặng-cách-luân đi qua và dòm thấy.

-- Nếu vậy thì chuyện nầy có mối manh rồi: anh hãy nhớ lại hết các tình trạng trong khi bị bắt kể cho tôi nghe, tôi sẽ giải bày cho anh. Bức thơ nặc danh bới chuyện anh ra đó, anh có xem thấy không?

-- Tôi có thấy.

-- Có nhớ thì đọc nghe thử nào.

Đàm cầm trí lại, nhớ một chập mới ra, và đọc cho sư nghe. Sư gật đầu, rùng vai, thủng thẳng nói rằng:

-- Được rồi, đầu đuôi việc đã rõ hết ra rồi. Anh vẫn là người hiền lành thật thà, song việc anh làm có chỗ để cho người ta nghi ngờ anh.

-- Thưa phải. Tôi vì không phụ sự gởi gắm của Lý quân trong lúc hầu chết, cho nên mới đưa thơ đến cù lao Ên-ba đó thôi.

-- Ừ, tôi biết bổn tâm anh vẫn thế rồi, song anh ở Ên-ba cả ngày, điều đó làm cho người ta nghi anh, dầu rằng trong việc Nã-phá-luân âm mưu về nước anh vốn không hề dự biết đến.

Một lát, sư lại hỏi Đàm rằng:

-- Đặng-cách-luân hồi bình thường viết chữ có tốt không?

-- Va viết tốt lắm.

--Vậy thì cái thơ nặc danh đó chữ viết thế nào.

-- Chữ xấu quá.

-- Đó là hắn sợ người ta biết chữ mình, nên mới giả đò viết như vậy.

Sư vừa cười vừa nói câu ấy, rồi cầm cây viết xương cá, chấm mực mò hóng, viết lên trên vải và bảo Đàm rằng:

-- Chữ trong thơ đó anh coi có giống như vầy không?

Đàm xem thấy sững sờ, nói rằng:

-- Làm sao chữ ông viết giống hệt với chữ trong thơ nặc danh ấy như vậy?

-- Ấy chẳng qua là viết bằng tay trái thôi. Viết bằng tay mặt thì ai có riêng lối ấy, ngó thấy là biết ngay; còn viết bằng tay trái thì ai nấy giống nhau, không thể nhìn ra được.

Đàm hết sức kính phục mà rằng:

-- Tôi phải chịu ông là thần minh!

Sư lại hỏi qua việc khác mà rằng:

-- Trong việc anh lấy nàng Mai-tây-đương, có bất lợi cho người nào mà họ muốn phá đám anh không?

-- À! Có một chàng cũng tương đắc với nàng, tên là Phất-nhĩ-nam...

-- Ờ, nghe cái tên giống là người I-pha-nho.

-- Thưa phải.

-- Mà anh thử nói cái chàng Phất-nhĩ-nam ấy có thể viết bức thơ nặc danh đó được?

-- Hắn học hành có mấy chút, không thể viết được.

-- Vậy thì Đặng-cách-luân với Phất-nhĩ-nam hẳn có quen biết nhau chớ?

-- Thưa không; mà có! Ờ, tôi nhớ rồi. Ngày trước, lúc tôi với Mai-nương đi mời dự tiệc cưới, thì thấy hai người đứng trò chuyện với nhau trong quán rượu.

-- Vậy thì trong lúc đó, ngoài Phất-nhĩ-nam ra, còn có ai nữa không?

-- Thưa, còn có Cảnh-đặc, là người quen với tôi...

Nói đến đó, Đàm bỗng nhớ sực lại, liền tiếp rằng:

-- Tôi nhớ lại rồi, khi bấy giờ tôi có thấy những viết mực bày ra trên bàn; vậy thì tôi chắc bị bọn nầy hãm hại rồi.

Khi Đàm nói mấy lời đó, trợn mắt nghiến răng, giận dữ lắm; một chặp, ngó trên mặt sư mà nói rằng:

-- Ông xét việc như thần, nếu quan tòa đều như ông hết thảy, thì không ai bị oan ức hết. Nhưng mà tôi còn có nghĩ một chút, là, không biết làm sao người ta chỉ hỏi qua tôi một lượt mà thôi, rồi giải vào giam ở đây?

-- Có lẽ đó là vì người ta cho tội anh nặng lắm chăng. Nhưng mà tôi hỏi: người hỏi án anh hồi đó là ai?

-- Ấy là quan phó án tòa Mạc-xây.

-- Quan phó án ấy là trẻ hay già?

-- Người ấy trẻ lắm, độ 26, 27 là cùng.

-- Ông ấy đãi anh cách thế nào?

-- Tử tế lắm, ông nói với tôi một cách rất ôn hòa, không hề lấy thế quan mà hiếp tôi.

-- Thế rồi anh phun hết đầu đuôi việc anh ra cho ông ấy sao?

-- Thưa phải, ổng đốt phong thơ đi, ấy là đủ vững lòng tôi rồi. ổng nói rằng làm cho mất cái tang đem thơ đi, để tỏ lòng binh vực tôi vậy.

Sư ngẫm nghĩ một lát, nói rằng:

-- Lạ thật! -- Kế lại hỏi luôn rằng:

-- Phong thơ trả lời của Nã-phá-luân đó gởi cho ai?

-- Thưa, gởi cho ông Nô-đăng, ở Ba-lê, con đường Khảo-hoàng, số nhà 13.

-- Nô-đăng à?

-- Thưa phải.

-- Ta có một người bạn cũ, cũng tên là Nô-đăng, làm một tay cách mạng có tiếng. Vậy chớ quan phó án tên gì?

-- Tên là Phi-lập-phúc.

Sư nghe vậy, khanh khách cười hoài. Đàm chẳng hiểu làm sao. Sư rằng:

-- Anh khờ quá, lại còn không biết Nô-đăng là ai ư?

-- Nào tôi có biết đâu!

-- Còn lạ gì, Nô-đăng tức là cha quan phó án ấy mà.

Đàm nghe nói giật nẩy người, như vướng lấy giây điện, hai tay ôm đầu mà nói rằng:

-- Lạ hè! Nô-đăng là cha quan phó án ư! Có lẽ đâu!

-- Không, chính phải đấy. Nô-đăng là tên, Phi là họ, kêu luôn cả họ tên tức là Phi-nô-đăng mà.

Bấy giờ Đàm mới biết ra, như từ trong chiêm bao tỉnh dậy, vội vàng nói rằng:

-- Phải rồi! Phải rồi! Tôi vẫn gọi ông là thần, quả ông là thần thật.

Sư bèn nói:

-- Anh nghe nè! Nầy là cái chỗ khôn khéo mà tôi chỉ vẽ cho anh. Anh làm chúa tàu, lợi anh mà không lợi cho Đặng-cách-luân thì nó thù anh; anh lấy vợ đẹp, lợi cho anh mà không lợi cho Phất-nhĩ-nam, nó cũng thù anh; vì hai cái nguyên nhơn xa đó mà anh bị bắt. Anh bị cầm ở đây mấy năm rồi, biết được ngày đến mà không biết được ngày về, điều ấy bất lợi cho anh mà lợi cho cha con Phi-lập-phúc; vì cái nguyên nhơn gần đó mà anh mang án. Nếu anh không gặp Đặng-cách-luân thì có lẽ khỏi họa; lại nếu gặp Đặng mà không gặp Phất-nhĩ-nam, cũng còn có lẽ khỏi hoạ; lại nếu gặp Phất mà không gặp Phi-lập-phúc thì dầu anh bị án, song không đến nỗi giam rục ở đây. Cái nầy, mấy người ấy dắt díu  với nhau rồi tự dưng xô anh xuống giếng. Lúc nãy tôi nói: Phàm việc chi cũng nhơn nhau mà thành ra, ấy là nghĩa thế, anh nghĩ lấy thì biết(**).

Đàm nghe bấy nhiêu lời, sửng sốt cả người, nói rằng:

-- Để tôi về phòng nghĩ lại.

 Khi về rồi, không ăn cũng không nói, như dại như ngây, lính canh đem cơm tối vào, kêu mấy Đàm cũng không nghe; đưa cho, cũng không lấy. Tên lính lắc đầu cười chúm chím và bỏ đi.

Một lát chi đó, sư qua phòng Đàm, ngó thấy bộ tịch va như vậy, cười rằng:

-- Anh nghĩ gì mà dữ vậy? Ta định nói ra để mở mang cái chỗ tối tăm cho anh, không ngờ nhơn đó làm cho anh thêm lo phiền. Thôi, đừng nghĩ làm chi nữa; từ rày ta cũng không nói đến việc ấy nữa.

---------------

* đỏi: sợi dây, sợi thừng buộc tàu thuyền;

** Nếu đối chiếu bản dịch này với một bản dịch xuất bản gần đây ( Bá tước Môngtơ Crixtô, Mai Thế Sáng dịch, Hà Nội, 2000, chắc là bản dịch sát và dịch thẳng từ bản chữ Pháp) thì ta có thể dự đoán rằng dịch giả bản chữ Hán (mà Phan Khôi dùng để dịch lại) hoặc chính dịch giả Phan Khôi đã chủ động diễn giải lại chứ không dịch bám sát từng câu. Đoạn sư Phan-lan (ở nguyên bản là linh mục Faria) lý giải tổng kết cho Đàm-đức-tư (ở nguyên bản là Dantes) về các nguyên do khiến anh phải vào tù,-- không thấy có trong bản dịch của Mai Thế Sáng nêu trên, nhưng lại in rõ kiểu biện giải luận lý (logique) của Phan Khôi.


 XI

 

Đàm nói cùng sư rằng:

-- Tôi xem ra cái học thức của ông đời nay ít có, không ngờ tôi may mà được gặp, lại không ngờ được gặp trong chốn lao tù nầy, ước gì ông đoái thương đến tôi, tôi nguyện làm học trò ông. Tôi vẫn biết học thức như thầy mà dạy hạng ngu dốt như tôi thì thật là không bõ công, có buồn dạy làm gì, song cái chí của thầy muốn cứu cả nước Y-ta-ly, thì có thể nào gặp một người như tôi mà làm ngơ cho đành. Huống chi bây giờ mắc vào vòng luy tiết(*), việc khác không làm được, thì thầy há chẳng nên bớt của mình ra một ít để đào tạo cho kẻ hậu tấn nầy sao? Nếu vậy thì thầy cũng sẽ được đỡ buồn; còn tôi, từ nay xin chăm chỉ học hành, không còn tính đến cái chước ba mươi sáu nữa. Xin thầy xét lòng thành thật của tôi mà dạy bảo tôi.

Sư cười mà rằng:

-- Nếu vậy thì ra anh nói ta là người trên trời sa xuống hay sao? Thực ra thì cái học thức của ta cũng vừa vừa thôi mà. Bây giờ nếu ta dạy cho anh lấy mấy món, như là: kỷ hà học, vật lý học, lịch sử, thi ca, rồi lại dạy thêm ít thứ tiếng ngoại quốc nữa, ấy thế là cạn túi của ta rồi. Học như vậy được hai năm, rồi thì học thức của anh cũng li lai với học thức của ta vậy.

Đàm nghe, lấy làm mừng quá, nói rằng:

-- Trong hai năm thì tốt nghiệp được cả mấy món ấy sao?

-- Phải, trong hai năm thì hiểu được cái không lý của mấy món ấy, còn như thực nghiệp thì chưa được.

-- Thế thì khi nào tôi sẽ được bắt đầu thọ giáo thầy?

-- Anh đã muốn thì bắt đầu ngay từ hôm nay.

Từ đó trong khám như riêng có một bầu trời. Gẫm cái thân cùm xai xiềng xích mà có được cái vui nấu sử sôi kinh thì cũng thật là hiếm lắm thay! Đàm học luôn cả ngày lẫn đêm lại nhờ được cái sáng dạ, chữ Y-ta-ly va đã học sẵn rồi, chữ Rô-ma thì ngày trước trong lúc đi tàu Phan-long qua các nước Đông phương cũng đã học võ vẽ, nhờ những cái nền nếp đó, cho nên mới được sáu tháng thì đã thông sơ được ba thứ tiếng là Đức, Pháp và Anh. Sư lại khéo dạy lắm: bắt đầu dạy toán, thấy Đàm hơi hiểu các món toán rồi, bèn dạy đến thi ca. Vì sự thiệt học dễ sanh nhàm, cả ngày cằm cục vào đó, có lẽ lại làm cho cụt hứng, cho nên sư dạy làm thơ, để cho kẻ học càng có hứng thú thêm lên.

Hơn một năm, sự học vấn tri thức của Đàm bỗng trở nên mới mẻ khác nhau với ngày trước như là một vực một trời. Bây giờ va chẳng những không toan trốn, mà lại sợ sớm được tha ra thì mất học đi! Dầu vậy, lòng Đàm mỗi ngày một vui, mà lòng sư lại mỗi ngày một buồn. Một bữa kia, sư tỏ ra điệu buồn mà bảo Đàm rằng:

-- Anh cũng tưởng rằng nơi sân rộng đó thường có lính canh cả ngày lẫn đêm phải không?

-- Phải, tôi tưởng họ canh luôn, chẳng khi nào rời. Mà thầy hỏi làm vậy, chắc ý thầy còn muốn trốn hẳn?

-- Chớ sao? Ta không hề khi nào quên sự ấy, chỉ có họ canh riết quá thì không làm sao được. Nếu vậy thì cái chí "chết vì nước" của ta hồi bình nhựt biết bao giờ thỏa được ư?

-- Muốn trốn thì giết quách lính canh đi cũng được chớ.

-- Không, không, anh đừng nói cái đó nữa.

Sư vừa nói như vậy vừa lắc đầu. Khỏi đó ba tháng một hôm, sư lại bảo Đàm rằng:

-- Anh bây giờ đã lại sức chưa?

Đàm thưa rằng:

-- Tôi bây giờ mạnh lắm. -- Nói rồi, trật cánh tay ra, thấy những bắp thịt nổi lên từng khúc, lấy cái đục bằng sắt ấn xuống, nó lại nổi lên; rồi lại cung tay, giơ chân, nhảy nhót làm ra bộ mạnh. Sư thấy vậy thì kíp dặn rằng:

-- Nếu chẳng phải việc nguy cấp lắm thì chớ nên giết người, anh có chịu nghe lời ta không?

-- Vâng, giết người chẳng qua để mà cứu mình, nếu chẳng phải nguy cấp thì thôi, tôi có dám lấy mạng người làm trò chơi đâu.

Sư rằng:

-- Được. Vậy thì ta cùng anh sẽ đào một con đường hầm khác từ phòng nầy suốt qua nhà cầu rồi thẳng ra sân rộng. Song nếu đã đến sân rộng, e nơi đó đất xốp mà mình đào tầm phỗng(**) ở dưới, hoặc người ta đi ở trên sẽ sập đi chăng; như vậy chẳng là đã mất công mà lại hỏng việc? Cho nên chúng ta sẽ đào đến chỗ hết nhà cầu thì ngừng lại, rồi từ đó trổ đường đi ra, leo cửa sổ mà lên, dùng sợi đỏi của ta mà ròng xuống phía ngoài tường thành, ấy là thoát được.

Từ đó, hai thầy trò cả ngày cầy cục trong con đường hầm, như bọn thợ đào mỏ vậy. Đàm thấy việc có thể làm nên, đã được người giúp sức, lại nhờ sau khi nghỉ ngơi lâu ngày, sức mình cũng mạnh, bèn cằm cục làm luôn, chẳng hở phút nào. Song le có một nỗi khó lòng, là những đá đất sỏi sạn đã đào ra, giá phải khiêng mà đổ đi đâu mới được, nếu không thì càng đào nó lại càng nhiều ra, có lẽ đằng trước chưa thông mà đằng sau đã bít. Cả hai bèn đem những thứ ấy mà đập vụn ra như cám rồi phần ai thì nấy hắt ra ngoài cửa sổ phòng mình ở, ngộ có gió to thì nó bay trốc cả đi. Những khí giới dùng mà đào duy có ba cái, là dao, đục, và cái mầm(***) bằng săng.

Đàm dầu làm lụng khó nhọc mà vẫn học luôn không thôi. Trong khi nói chuyện cùng sư thì hoặc dùng tiếng Anh, hoặc dùng tiếng Pháp, để luyện tập nói cho thạo. Trong khi ấy sư lại dạy cho Đàm về lịch sử, gặp những chỗ nói về nhân nhân chí sĩ, thì thường hay cặn kẽ giảng bàn, nói đi nói lại năm ba lần, bao giờ Đàm đã thuộc làm lòng đến nỗi phấn chí lên, sư mới chịu thôi.

Hai người làm luôn đến mười lăm tháng thì xong con đường ngầm. Bấy giờ những tiếng cười tiếng nói của bọn lính canh đi qua đi lại trên sân rộng nghe đã tỏ một. Thế nhưng chỗ cuối cùng nhà cầu, có cái hang sâu ở dưới, đất đã tầm phỗng ở trong, nếu có kẻ đi qua mà dậm phải, thì sự nguy hiểm nó cũng sẽ xảy ra như ngày trước sư đã liệu. Đàm bèn tính phương trồng một khúc cây chỏi dưới tấm đá thì họa chăng nó sẽ không sập. Còn đương toan tính phút nghe trong phòng có tiếng kêu la dữ dội như tiếng của người thoạt phải bịnh ngặt lắm. Đàm lắng nghe, biết là tiếng sư Phan-lan. Khi đó sư đương ngồi trong phòng, chuốt tre làm cái chốt để sau nầy dùng vào việc ròng dây đỏi. Đàm vừa thở vừa chạy vào, thấy sư nằm trơ trên đất, mặt xám ngắt, mồ hôi đổ ra trên trán như dội. Đàm sợ quá, mất cả máu mặt, kíp hỏi rằng:

-- Làm sao thầy đến thế?

Sư rằng:

-- Mau đi, mau đi, nghe ta nói đây...

Nói chưa hết lời thì môi đã bợt, mắt đã luân, mình mẩy xuội lơ, tay chơn lạnh ngắt. Đàm kêu riết thì sư nói hì hụt hì chạc mà rằng:

-- Đây là bịnh kinh loan đây. Trước khi bị bắt một năm ta mắc phải bịnh nầy, thế đã nguy lắm, may mà khỏi được, không ngờ nay lại phát ra thình lình. Anh khá chạy lại phòng ta, dòm dưới chơn giường, trong một cái lỗ nhỏ, ở đó có giấu một cái bình chứa thuốc nước sắc đỏ, rồi lấy đem cho ta, họa may có cứu được chăng, ngoài thứ thuốc ấy ra, ta không còn mong gì.

Đàm sợ lính canh ngó thấy, kịp cõng sư vào trong hang, dò đường hầm đi về phòng của sư, vực lên giường nằm. Sư nói giọng run run mà bảo Đàm rằng:

-- Bây giờ đã đến phòng ta rồi, ta nên nói cho anh biết chứng bịnh của ta phát ra cách làm sao. Ban đầu nó làm cho ta không nói năng động đậy gì được, cũng không rên được nữa, tuồng như chết rồi, lần lần miệng suồi bọt ra, bắt phải kêu la một lúc rồi lại xuội lơ, không thở không động, như là đã chết hẳn. Đến lúc đó, anh khá lấy đục cạy răng ta, cầm bình nước thuốc ấy đổ vào họng, hoặc tám giọt hoặc mười giọt cũng được, nếu làm theo lời ta, muôn một mà sống được cũng chưa biết chừng.

Nói vừa dứt lời, sư lại kêu lên rằng:

-- Nguy rồi! Nguy rồi! Số kiếp ta đã đến, ta chết mất rồi!

Bây giờ thấy sư cả mình rung động, đôi mắt trợn ngược lên, miệng méo lưỡi cứng, đờm kéo sò sò, gò má đỏ ửng, tay múa chơn khua, tiếng khan sức kiệt. Khỏi hai giờ, bịnh chứng lại càng nghèo lắm, mặt tái ngắt, da lạnh như đồng, nằm trơ trơ không thở. Đàm y theo lời sư dặn, lấy thuốc đổ; chặp lâu, thấy sắc mặt khá lại lần lần, mắt cũng mở ra, nghe có tiếng rên. Đàm mừng quá, nói rằng:

-- Cha chả là may! cha chả là may!

Sư dầu đỡ chút đỉnh, song vẫn chưa nói được, nằm liệt trên giường, coi như thây ma, mà con mắt thì ngó chăm ngoài cửa ngục không hề nháy. Đàm bỗng nghe có tiếng chơn người, biết rằng lính canh hầu đến, vì lúc đó đã chạng vạng rồi, song bởi sư đau ngặt nên quên lửng đi. Đàm kíp chui vào hang, vừa lấp hòn đá lại thì lính đã mở khóa mà vào rồi.

Đàm về đến phòng mình, buồn bực không muốn ăn cơm, độ chừng tên lính đã đi, bèn trở lại chỗ sư nằm. Thấy sư đã động đậy được và thần sắc đã tỉnh táo thì mừng lắm, song sư than thở mà rằng:

-- Bịnh nầy trở lại, làm cho ta tinh lực hao mòn hết!

Đàm cầm lấy tay sư mà an ủi rằng:

-- Không lo chi, tinh lực dầu hao, thủng thẳng nó sẽ hồi phục mà.

-- Không, không; chuyến đầu nó mới phát, có một giờ rưỡi mà thôi, cơn đã qua, không thấy có gì khác, chỉ bụng đói lắm, thấy cơm thì ăn lấy ăn để. Song chuyến nầy lại không như vậy; cái tay và cái chơn bên hữu không nhúc nhích được, chóng mặt lắm, đó là huyết tụ lên óc, óc kém cho nên sức không chống nổi với bịnh. Nếu mai kia mà nó phát lần nữa thì phải chết; không chết cũng thành ra bịnh bất toại, anh ạ.

Đàm lại yên ủi mà rằng:

-- Nếu chẳng may mà mai kia lại phát, thì khi đó liệu thầy đã ra khỏi ngục rồi, dẫu có khổ sở cũng chẳng đến nỗi như ngày nay.

-- Còn mong gì anh! Ta đau chuyến nầy, thôi không còn nói chuyện trốn nữa. Cánh tay hữu của ta đã bại rồi, còn làm thế nào trèo thành mà ra được?

-- Không, xin thầy yên lòng mà đợi, đến chừng nó hết đau rồi, chúng ta vượt ra ngõ biển, lội băng biển mà trốn cũng được chớ.

-- Hay! Ta nói mà anh không hiểu! Cánh tay hữu của ta đành bỏ luôn, không phải chỉ đau trong một lúc mà thôi đâu.

Đàm cầm lấy cánh tay sư coi thử, thì quả nhiên đã tê đi và không còn cử động được nữa. Sư bèn nói:

-- Thôi, bây giờ anh trốn đi. Còn ta cứ ở đây để chờ mạng trời; may thì được thả ra, chẳng may thì chết. Anh đương trai tráng, học thức bây giờ cũng không kém ai, nên kịp buổi nầy ra mà làm nên công nghiệp lớn. Thôi, liệu mà ra đi, chớ bận bịu đến ta nữa làm chi.

Đàm thưa lại rằng:

-- Tôi đối với thầy, nghĩa thì thầy trò mà ơn cũng như cha con. Vậy đương lúc thầy đau ốm, tôi bỏ ra đi, chẳng những với nghĩa không đáng mà với lòng tôi cũng không đành nữa. Tôi thề không đi đâu một mình, thà ở luôn với thầy trong hoạn nạn còn hơn, xin thầy chớ lấy sự đi trốn mà khuyên tôi.

Sư nghe nói, cảm tấm lòng nghĩa khí của va mà than rằng:

-- Cái nghĩa tình sâu của anh, ta cảm bội là dường nào! Song nếu cứ ở lỳ đây thì anh với ta không ích chi! Ngày mai ta sẽ có một lời nói với anh, việc ta sẽ nói đó là việc hệ trọng, anh chớ xem thường mà quên đi nhé!

Đàm vâng lời, chào sư và trở về phòng mình.

-------------------

* luy tiết: cái giây xích trói buộc người tù; lao ngục ( theo Đào Duy Anh, sđd.); ** tầm phổng: rỗng ruột, trống ở bên trong (theo Từ điển phương ngữ Nam Bộ,sđd.)


                                                               XII

 

Ngày hôm sau, Đàm đến phòng sư, thấy sư tay trái cầm một mảnh giấy, bèn đến ngay cạnh giường, cầm lấy tay mà hỏi thăm. Sư trao mảnh giấy cho Đàm, vừa cười vừa nói rằng: Anh thử đọc xem. Đàm xem qua xem lại vài bận, rồi hỏi rằng:

-- Cái gì thế nầy? Một mảnh giấy cháy còn lưa(*) lại, chữ đã mất hết già nửa, đọc không thành câu, sắc mực lại lạ lùng lắm, xưa nay tôi chưa hề thấy. Cái gì thế nầy?

-- Tuy nó là mảnh giấy cháy còn thừa, song ở trong có việc hệ trọng lắm, nay ta hết lòng kính trọng đem phó cho anh, anh khá giấu kỹ, chớ làm mất, bao nhiêu tài sản của ta đều ở trong đó.

Đàm nhắm nhó và cười tủm tỉm mà rằng:

-- Ấy là tài sản của thầy sao?

-- Phải. Anh chớ nói ta điên, ta nói thật đấy. Việc nầy ta đã từng đem mà bảo với kẻ khác, song chẳng có ai tin; mà dầu họ có tin chăng nữa, ta cũng không phó thác cho đâu. Duy có anh với ta ở với nhau lâu ngày, yêu nhau lắm, chắc anh cũng chẳng đến nỗi coi ta là điên, thì ta có lẽ đâu phỉnh anh?

-- Cảm ơn thầy, song le ở trong chốn tù tội nầy đã vội cần chi của cải. Vả lại, lời thầy nói dầu thật nữa, tôi biết làm thế nào mà lấy được; mà lấy được, lại có làm chi?

-- Không, không, cái sở kiến của anh, thế là trái với ta. Người ta ở đời, ngày nay chẳng biết việc ngày mai thế nào. Ví bằng ta giấu luôn chẳng nói cùng anh việc nầy, rồi mai kia mốt nọ mà ta chết đi, có phải là đem cả kho của báu mà chôn luôn dưới đất không? như thế có phải là đáng tiếc không? Anh là người kẻ lớn, tin được, nên ta mới phó thác, vậy anh chớ nghi ngờ, hãy đọc mảnh giấy nầy đi.

Đàm nghe nói cảm động, vâng lời sư cầm mảnh giấy đọc lên như vầy:

 

cho hắn, từ nơi khe nhỏ

đông, đến chỗ mười hai hòn đá

dưới đó ước chừng hai

Rô-ma hay là hơn

ta đem hết thảy

                          là người

mà thôi.

Năm 1498, tháng 8, ngày 25,

 

 

Đọc xong, Đàm mù mịt chẳng biết nghĩa lý chi hết. Sư rằng:

-- Mảnh giấy nầy ta đã đọc qua một vạn bận, chảy bọt mồm bọt miếng, suy nghĩ đến hằng tháng, giốc lòng tìm tõi, rồi sau mới chắp đủ y như nguyên văn được, thảo nào anh đọc qua mà không hiểu chi hết là phải lắm.

-- Vậy thì thầy đã hiểu cả sự bí mật trong ấy sao?

-- Phải, ta sẽ thuật chuyện cho anh biết cái giấy nầy từ đâu đến, và việc nó đầu đuôi ra làm sao.

Đàm đương còn bán tín bán nghi, muốn hỏi ngay cho ra mối, bỗng nghe có tiếng giày lợp đợp, đã đến ngoài cửa, Đàm vội chui vào hang, đậy hòn đá vừa rồi, thì có người đã bước vào phòng sư, ấy là viên đề lao, số là y nghe lính nói sư Phan lam đau, nên đến thăm. Sư gắng gượng ngồi dậy, nói chuyện với y, vì e viên đề lao nhơn mình đau mà dời đi chỗ khác thì bao nhiêu những sự mưu với Đàm sẽ hóa ra hư không cả. Viên đề lao đi rồi, khi ấy Đàm đã về phòng mình, đương ngồi suy nghĩ, bỗng nghe trong đường hầm có tiếng người đi, kíp mở hòn đá ra xem thì thấy sư đi xà xiểng mà vào. Đàm ngạc nhiên, vội đỡ sư lên nằm trên giường, còn mình ngồi một bên mà xin nói nốt câu chuyện. Sư rằng:

-- Ta nguyên làm thơ ký của ông Tư-ba-đạt, mà cũng là bạn thân với ông ấy. Ổng đãi ta hậu lắm, coi như là tâm phúc. Nhà ổng thiệt không giàu lắm, ấy thế mà cái tiếng quá cái miếng, đến nỗi tục truyền có câu ngạn ngữ  rằng "giàu như Tư ba-đạt". Bọn cháu kêu ổng bằng chú đều coi ta như thầy, ta cũng coi nhau như cha con trong một nhà, yêu thương nhau không cách-lế(**) gì cã. Phàm việc nhà ổng không giấu ta điều gì mà ta cũng coi như việc nhà mình. Ta thường thấy ổng cứ soạn-sành(***) luôn trong những đống giấy lộn mà tìmkiếm gì không biết, ta lấy làm quái, hay trách ông sao có bỏ mất thì giờ quý báu mà đi làm cái chuyện không đâu. Mỗi khi ta nói như vậy thì ổng nhăn nhó và cười gượng mà đáp lại rằng:  « Ông đừng có nói làm vậy, tôi tính soát lại tài sản nhà tôi mà ».

Ông Tư-ba-đạt chủ ta đó là Khương-đức Tư-ba-đạt, cháu nội  ông Cai-tản Tư-ba-đạt. Mảnh giấy anh thấy đó là do từ ông nầy mà ra.

Số là, ông A-lịch-sơn-đa thứ 16, khi còn trị vì, ngày kia, mưu với ông Cai-tản Bạch-cấn, mời ông Cai-tản Tư-ba-đạt ăn tiệc. Mới rót rượu được vài tuần, A-lịch-sơn-đa đem ra một cái mũ thầy cả, ép ông Cai-tản Tư-ba-đạt phải mua giá thật cao, ông nầy không chịu rồi đó bị ông kia lập mưu giết chết. Khi Cai-tản Tư-ba-đạt chết rồi, bọn A-lịch-sơn-đa muốn chiếm lấy gia tài người, bèn lục hết trong rương hòm cùng tủ sách của người mà tìm tờ di chúc, song tìm không được, sau mãi mới được một tờ, có chữ như vầy:

" Hết thảy các của cải và sách vở của ta để lại, đều phó cho Kỳ-đô, cháu kêu ta bằng chú. Còn có một hầm vàng, nói riêng ở bản tiết lược, Kỳ-đô khá giữ lấy mà tiêu dùng, chớ bỏ phí của báu mà thúc phụ mầy để lại."

Bấy giờ lũ cháu gần trong họ nghe nói, hết thảy đều nhóm về, giành nhau xốc rương lục tủ, mạnh ai nấy hơn, cố tìm cho được bản tiết lược ấy, song tìm mấy cũng không được. Ai nấy đều lấy làm quái, sao ông Tư-ba-đạt giàu có tiếng, mà gia tài chỉ có bấy nhiêu mà thôi. Bọn A-lịch-sơn-đa dầu thèm lắm, song không biết đào đâu cho ra bản tiết lược, còn như hiện của để lại trong nhà thì chỉ có mấy tấm vàng, giá phỏng hai ba ngàn khắc-lang, và bạc mặt cũng bằng số ấy, ngoài ra thì chỉ là sách vở.

Đến lúc Kỳ-đô qua đời, có trối lại với vợ mình rằng: Trong đống giấy lộn của chú ta để lại, có bản tiết lược ở trỏng, mình khá giữ lấy, cố sức kiếm cho ra. Lúc nãy ta mới vừa nói chủ ta là Khương-đức Tư-ba-đạt hay tìm kiếm, tức là vật ấy. Khi ta biết đầu đuôi việc ấy rồi, cũng lục tìm khắp cả, song chẳng thế nào được.

Vậy thì té ra di sản của Cai-tản Tư-ba-đạt không những làm cho bọn A-lịch-sơn-đa nhễu nước miếng suông, mà cả đến con cháu ông ta cũng chỉ mơ ước trong chiêm bao mà chờ! Ta đã tìm hoài không được, bèn dỗ lại hết cả sổ thâu sổ xuất trong ba trăm năm nay, mong rằng nhơn đó mà suy tìm ra được, rút lại sự ta làm đó cũng không cân. Khương-đức Tư-ba-đạt gặp phải cảnh ngộ khó khăn, buồn rầu than thở cả ngày, đến chừng đau ngặt, lấy tờ di chúc mà bọn A-lịch-sơn-đa tìm được, giao cho ta rồi chết.

Ta dầu nhận lấy bản di chúc ấy cũng coi là đồ vô dụng, chẳng để ý là mấy. Năm 1807, ta ở một mình trong nhà chủ cũ đó, lấy bao nhiêu sách còn chứa trong tủ ra mà đọc hết vì sợ nhà ấy sẽ bán cho người khác, đã hẹn ngày giao nhận rồi, nên ta muốn đọc thuộc lòng những sách ấy mà nhớ vào lòng kẻo uổng. Ta còn nhớ hôm đó là tháng chạp, ngày 25, hồi ba giờ chiều, ta đọc sách mệt quá, lim dim mắt mà nằm, không ngờ ngủ quên, đến chừng thức giấc thì đã sáu giờ rồi. Bấy giờ trong nhà tối câm, ta bèn bấm chuông kêu bồi, kêu mãi mà nó chưa đến, chính ta phải đứng dậy đốt đèn. Nhớ bên cạnh bàn có tờ giấy lộn, ta bèn lấy mà cuốn kèn lại để châm làm mồi. Mới châm tới lửa thì cháy ngay, thấy trong lửa có sắc mực lạ lùng, ta bèn kịp lấy tay dụi tắt. Anh nè! Trong việc nầy dường như có thần phù hộ! Mảnh giấy ấy cháy mười phần còn ba, tức là cái ta đưa cho anh coi hồi nãy đó. Giấy dầu cháy, song những gân mực nó còn nổi lên, mười phần còn nhận được sáu bảy phần. Ta bèn chép mà giữ lấy, đọc thuộc và ngẫm nghĩ, lâu lắm rồi mới chắp đủ y cả nguyên văn, có thể coi mà hiểu được.

Sư nói rồi đưa ra một mảnh giấy nữa, Đàm xem thì thấy chữ như vầy:

 

Năm 1498, tháng 8, ngày 25, ta đến dự tiệc ông 

đa đã mời, đương giữa bữa tiệc, ông biếu ta một

thầy cả, bắt ta hườn lại một số tiền 

chưa phỉ, đòi làm hậu tự ta để

gia tài ta. Ta e rồi ra chẳng

hại như cách ông Cao-bô-lạt

 cho nên để tờ di chúc sẵn,

là Kỳ-đô làm hậu tự ta,

 ta. Của cải ta chôn

đây ta đi với Kỳ-đô

cho hắn, từ nơi khe nhỏ

đông, đến chỗ mười hai hòn đá

dưới đó thì có. Hết thảy vàng bạc châu báu

ta tại đó ước chừng hai trăm vạn

Rô-ma, hay là hơn nữa, đều chôn tại đó

ta đem hết thảy mà cho Kỳ-đô,

chú, chỉ có Kỳ-đô là

của ta mà thôi.

Năm 1498, tháng 8, ngày 25, Cai-tản

 

Xem rồi, Đàm cũng vẫn không hiểu là gì. Sư nói:

-- Cái giấy nầy tức là cái hồi nãy ta nói rằng còn nhận ra mười phần được sáu bảy. Cái giấy nguyên bổn phần nhiều đã cháy ra tro rồi, đây là ta cứ theo gân mực mà lục lại được ngần ấy đó. Ấy là nhờ thứ mực tốt lạ, không phải như mực thường, và cũng nhơn đó biết ông Cai-tản Tư-ba-đạt dụng ý sâu xa là thế nào. Nay ta lại đưa cái bản ta đã chắp nguyên văn cho anh coi thì anh hiểu ngay. Bản ấy như vầy:

 

Năm 1498, tháng 8, ngày 25, ta đến dự tiệc ông A-lịch-sơn

- đa đã mời, đương giữa tiệc, ông biếu ta một cái mũ 

thầy cả, bắt ta hườn lại một số tiền lớn, thế còn

 chưa phỉ, đòi làm hậu tự ta để có chiếm lấy

 gia tài ta. Ta e rồi ra chẳng may mà bị ông ấy mưu

 hại như cách ông Cao-bô-lạt-bưu-đế-phu ngày xưa

  cho nên để tờ di chúc sẵn, lập cháu kêu bằng chú

 là Kỳ-đô làm hậu tự ta, tức là kẻ hưởng gia tài

 ta. Của cải ta chôn tại cù lao Cơ-lê-mân. Trước

 đây ta đi với Kỳ-đô đến cù lao ấy, có chỉ chỗ

 cho hắn, từ nơi khe nhỏ qua phía chánh

 đông, đến chỗ mười hai hòn đá vuông lớn, tìm 

dưới đó thì có. Hết thảy vàng bạc châu báu của

 ta tại đó ước chừng hai trăm vạn khắc-lang tiền 

Rô-ma, hay là hơn nữa, đều chôn tại đó cả, nay 

ta đem hết thảy mà cho Kỳ-đô, cháu kêu ta bằng

 chú, chỉ có Kỳ-đô là người được hưởng di sản

 của ta mà thôi.

 Năm 1498, tháng 8, ngày 25, Cai-tản Tư-ba-đạt.       

  

Đàm coi đi coi lại đôi ba lần, song còn do dự chưa dám tin chắc, bèn hỏi sư rằng:

-- Cái nầy có phải bản tiết lược mà ông Khương-đức Tư-ba-đạt tìm mãi không thấy đó chăng?

-- Phải đó.

-- Vậy thì khi thầy tìm thấy giấy nầy được rồi, ý thầy muốn làm thế nào?

-- Món tiền đến vài trăm vạn mà chôn luôn dưới đất như thế là hoài của lắm. Bấy giờ ta chỉ lăm đến cù lao đó đào lên mà lấy, đem dùng vào việc lớn, để phỉ cái nguyện sanh bình chưa toại của ta, không ngờ mới vừa lên đường, bị cảnh sát nghi ngờ và liền bị bắt, từ đó rồi lâm vào vòng luy tiết cho đến bây giờ. Nay thấy anh ra người kẻ lớn, vả lại có hậu tình cùng ta, nên nói hết điều bí ẩn cho anh, phàm những cái mà ta biết thì bây giờ anh cũng đã biết hết rồi. Ví bằng sau nầy ta với anh cùng thoát nạn được thì món tiền chôn nầy hai ta chia tay nhau mỗi người một nửa cũng nên; còn chẳng may mà ta chết, một mình anh được ra, thì anh khá chiếm lấy làm của riêng, không hại gì cả.

Đàm nghe mấy lời sư đó, vẫn còn dùng dằng chưa chịu nhận, bèn hỏi lại rằng:

-- Món tiền chôn đó, ngoài thầy ra không còn ai biết đến và cũng không còn người nào đáng hưởng của ấy sao?

Sư cúi đầu xuống mà than rằng:

-- Không còn ai cả. Thật không còn ai cả. Những nhà quý phái, đến lúc sa sút xuống rồi, thường thường là tiệt hết, không còn một mống, anh há lại không biết sao, mà còn lo quá làm chi? Huống chi hồi Khương-đức Tư-ba-đạt lâm chung, trao tờ di chúc cho ta, cầm tay ta mà dặn rằng: « Muôn một mà bản tiết lược hãy còn, ông biết được chỗ chôn của báu nhà tôi thì khá tự mình chiếm lấy ». Như vậy chúng ta còn lo gì nữa?

-- Hết thảy của chôn đó giá độ bao nhiêu?

-- Hai trăm vạn khắc-lang tiền Rô-ma, ước chừng vào độ một ngàn ba trăm vạn phật-lăng bây giờ.

-- Úy chà! Nhiều dữ vậy kia!

-- Anh chớ nghi ngờ. Trong hồi thế kỷ thứ 15, dòng Tư-ba-đạt truyền dõi lâu đời, giàu sang lẫy tiếng, cho đến đờn bà con nít cũng đều biết cả, bây giờ mới hóa nên một đống tro tàn đó thôi. Vả đồng tiền là vật ưa lăn tròn, không lẽ nó nằm lâu một chỗ, hễ phận anh đáng được thì anh cứ lấy, đừng từ chối làm chi.

Tuy vậy Đàm cũng cứ từ tạ mà rằng:

-- Của ấy là của thầy đáng được, còn tôi, có ăn thua gì đâu. Không phải của mình mà mình lấy, ấy là bất nghĩa, cũng lại là bất tường, tôi không dám lấy.

Sư nói:

-- Ta bị giam luôn cho đến chết, thì chẳng có bà con thân thích chi đây, chỉ có anh, anh coi ta như cha, và ta coi anh như con, đã là cha con thì còn có ngại gì. Ta may mà gặp anh, không con mà có con; còn anh may gặp ta, không của mà có của. Điều đó là tại trời. Của trời cho mà không lấy, có khi lại mang lấy quở phạt, anh có hiểu vậy không? Còn cứ câu nệ mà thoái thác mãi làm chi?

-----------------

* cách lế: nói môi miếng, làm bộ không chịu (theo H.T. Paulus Của, sđd.)

** soạn sành: lục lạo


                                                             XIII

 

Đàm-đức-tư nghe sư nói rồi, nghĩ bụng rằng ngày trước hồi làm chúa tàu Phan-long, nhơn thù hiềm với Đặng-cách-luân, có một lần đỗ tàu ở bến cù lao Cơ-lê-mân, từng dụ Đặng lên bờ, toan kéo neo chạy tuốt, may mà Đặng khẩn khất rồi tha, bằng chẳng vậy thì té ra mình đem một đống của quý sùm sùm mà phó trong tay một người cừu địch! Lại nghĩ rằng cũng chẳng may mà tha cho Đặng khi đó, thành ra mình mới bị nó hãm hại mà ở tù, và gặp được thầy hay, biết được của quý, nếu không thì có khi nào ta lại chịu lìa cha bỏ vợ mà giấn thân vào đây để gặp được cái dịp may mắn dường này!

Sư Phan-lan hỏi hình thế cù lao Cơ-lê-mân ra làm sao, thì Đàm nói rằng: Hình núi tròn và nhọn, mọc lên giữa biển, những hòn đá lởm chởm và cao ngất, hình như núi lửa phun ra. Sư bèn dạy cho Đàm cách vào cù lao ấy lấy của ra làm sao. Song Đàm vẫn còn dùng dằng chưa quyết, vì sợ đã lâu năm rồi, hoặc có ai mau chân đã đến mà lấy rồi chăng. Sư thì cứ một mực vững lòng, nói quyết rằng chưa hề có ai đến lấy cả.

Lúc bấy giờ tường thành khám Khu-đô phía sát biển vì lâu ngày quá nó sạt xuống và lở ra, nên người ta tu bổ lại. Họ xây bằng đá thật cứng, và ở giữa có dựng cốt sắt. Đàm thấy thế, nói cùng sư rằng:

-- Từ ngày tôi được thọ giáo cùng thầy, tôi đã lập chí không thèm đi trốn; nhờ thầy quá thương, muốn đem món của báu ở cù lao Cơ-lê-mân mà phó cho tôi. Dè đâu trời chẳng chiều lòng, nay tường thành xây lại vững chãi bằng mười khi trước, thì e sự bàn tính của thày trò ta bấy lâu nay thành ra không được gì chăng.

Đàm nói mặc Đàm, sư cứ ngồi gãi đầu, tuồng như không nghe chi cả. Vì bấy giờ lòng sư đã quyết, muốn giúp Đàm vượt ngục mà ra để lấy món của báu nơi cù lao Cơ-lê-mân cho được mới nghe. Sư lại e bản tiết lược của Cai-tản Tư-ba-đạt lớ quớ mà thất lạc đi, nên biểu Đàm cố đọc cho thuộc lòng đừng vấp, rồi mới lấy bản chắp thêm của mình mà đốt cho cháy mất tích, nói rằng: Sợ người khác thấy được, biết chỗ rồi đến mà lấy.

Cũng trong những lúc đó, sư lại dạy cho Đàm về sự sau khi vượt ngục, lập thân hành đạo là thế nào. Ngày nào sư cũng ban bảo khuyên lơn, chẳng lấy làm phiền. Bấy giờ tai mắt Đàm mỗi ngày một mới, kiến thức mỗi ngày một rộng, sự học mỗi ngày một tới, mới biết ra rằng ngày trước mình chỉ là một đứa trẻ khờ dại mà thôi.

Một đêm kia, Đàm đương nằm, bỗng nghe có tiếng kêu to mà giọng run rẩy, càng nghe thấy kêu càng riết, biết là sư lại phát bịnh, bèn vội vàng chạy qua. Đến thì ngó thấy ngọn đèn leo lắt, sư Phan-lan đứng dựa cạnh giường mà rên siết, sắc mặt đã bợt cả. Đàm khi ấy vừa ngậm nguồi, vừa sợ hãi, mà sư thì cũng thở dài và bảo Đàm rằng:

-- Bịnh ta phát lại rồi, bay giờ chỉ muốn chết, không muốn sống. Lâu nay thân già nầy đã làm lụy anh nhiều lắm; anh ở với ta, nào khi đỡ đần, nào khi thang thuốc, dầu cho con thảo ở với cha mẹ cũng đến mực nầy là cùng. Ta cảm ơn anh biết là ngần nào! Ta thường khuyên anh trốn đi, song anh cứ tríu lấy ta mà không nỡ bỏ; nay ta sắp chết; sau khi ta chết, anh khá liệu mà thoát nạn cho mau. Chốn nầy có phải là chốn nên ở lâu đâu; không có dịp thì thôi, có dịp mà bỏ qua đi, rồi đến ngày chết mòn như ta bây giờ đây, ăn năn sao kịp!

-- Thưa thầy, đau ốm cũng là sự thường, huống chi đã sẵn có thuốc thần đây thì có lo gì!

Đàm nói vậy rồi thò tay vào trong lỗ nhỏ nơi chân giường lấy bình thuốc ra, nói cùng sư rằng:

-- Ngày trước, tôi đã dùng thuốc nầy mà cứu thầy sống lại, thì hôm nay xin thầy khá bảo gấp tôi đổ cho thầy bao nhiêu giọt là vừa.

Sư lắc đầu mà rằng:

-- Bịnh thế ta ngày nay thật không còn có chỗ trông mong gì nữa rồi. Trong năm phút nữa sẽ ngặt đến nơi; và đến mươi lăm phút nữa là xong chuyện.

Đàm nghe nói cả kinh, cố hỏi cho được cách gì để cứu cấp, thì sư đáp rằng:

-- Hôm nay anh cũng khá dùng thứ thuốc nước đó mà đổ cho ta mười hai giọt; song hễ thấy bịnh hơi ngặt là đổ ngay, chớ đừng đợi đến khi tắt nghỉn như lần trước. Nếu làm thế mà chẳng thấy gì thì khá đổ hết bình cho ta; bằng cũng không thấy gì nữa thì ấy là ta đã tới số, không còn có phương cứu nữa!

Sư nói rồi, lại bảo Đàm rằng:

-- Ta không có thể dựa giường mà đứng lâu được nữa, anh khá đỡ cho ta nằm.

Đàm vâng lời đỡ sư lên giường nằm, sư bèn nói cùng Đàm như là trối:

-- Ta bình sanh không có một người nào là bà con cật ruột, huống chi lâu nay bị giam mãi trong ngục, cả ngày bạn nhau chỉ hình với bóng, lấy ai mà giải khuây? Từ ngày gặp được anh, trò chuyện cùng nhau, nói cho phải, có đỡ buồn cho ta lắm lắm. Chẳng may bịnh cũ ta hằng phát lại, thế nhưng còn sống được ngày nào mà chưa vội bỏ thây nơi mương rãnh, ấy là nhờ có anh. Anh chăm nom thang thuốc cho ta, một bước chẳng rời, thật như lời người ta nói, hoạn nạn cùng nhau, đau ốm giúp nhau, đối với ta anh thật đã có công ơn rất lớn. Nay ta hầu cùng anh vĩnh biệt, khá nhớ lời của một người gần chết mà làm cho xứng đáng chút lòng mong mỏi của ta: thế nào cũng gắng đi đến cù lao Cơ-lê-mân, chớ cho là sự vô ích mà gác bỏ...

Sư còn muốn nói nữa thì thấy cả mình rúng động, gân dựt, tay chân co rút, hơi thở gấp dần dần, tròng con mắt đỏ ói, vì huyết nơi buồng tim nó trào ra, di nghịch lên thượng bộ. Sư kêu to lên rằng:

-- Ta phải chết rồi! Chết rồi!

Đàm yên ủi mà rằng:

-- Lần nầy chứng đau dầu ngặt, song so với trước còn nhẹ hơn, chắc không đến nỗi nào.

-- Anh lầm rồi! ấy không phải là bịnh nó nhẹ, mà là tại sức ta yếu quá không đủ chống lại với bịnh.

Một chặp, sư lại nắm lấy tay Đàm mà nói rằng:

-- Ta từ giã anh một lần cuối cùng. Anh gắng mà đi đến cù lao Cơ-lê-mân, chớ quên...

Nói chưa dứt tiếng thì sư vội vã thả tay ra, mắt trợn lên, miệng trào bọt miếng, hết bọt miếng rồi đến máu, hơi thở như sợi chỉ. Đàm kíp lấy con dao nhỏ cạy răng sư ra, nhỏ cho mười hai giọt nước thuốc, đứng chờ xem một hồi lâu, đến nửa giờ mà không thấy có nhúc nhích gì. Đàm bấy giờ đổ mồ hôi, thở dốc, vội lấy cả bình thuốc đổ hết cho sư.

Giây lát, sư hơi rục rịch, ợ lên một tiếng to, chừng hai giờ, Đàm lấy tay rờ lên ngực, thấy bớt nóng, mạch hòa hoãn lại, mặt lần lần có máu, mắt mở hi hí, chừng như có cơ sống được. Khi ấy đã gần sáng, Đàm bèn tắt đèn, đem giấu trong kín, rồi trở lại rờ coi thì ra sư đã tắt hơi rồi.

Đàm bấy giờ xiết bao kinh hãi, đã thương cho người, lại gẫm đến ta, khôn ngăn giọt lệ vắn dài. Lại e lính canh hầu đến, bèn phải do đường ngầm trở về phòng mình. Một lát lại sang xem thử, trông họa may sống lại chăng, đi vừa đến tấm cửa đá, toan rúc ra, thì đã nghe tiếng lính canh hô hoán, vội vàng thụt lại núp vào trong hang đá mà nghe thử.

Liền có lính canh khác và vài ba tên lính cảnh sát cùng đến trông nom, rồi viên đề lao cũng tiếp đến. Họ lung lay tử thi, thấy không rục rịch, xối nước lạnh vào cũng nằm trơ trơ, bèn bỏ đi hết. Chặp lâu, tiếng người lặng lẽ; cách độ một giờ nữa, viên đề lao lại đến với một người. Nghe giọng nói thì biết người ấy là quan thầy thuốc. Ban đầu họ nói thầm chi đó với nhau không hiểu, sau nghe thầy thuốc dạy nướng sắt đốt nơi bàn chơn của sư. Kế nghe tiếng xèo xèo và mùi thịt khét thấu xuống tới dưới hầm, làm cho Đàm phải cháng váng. Lại nghe thầy thuốc nói cùng viên đề lao rằng: ấy là nó chết thật, không phải giả. Rồi họ lấy cái bao bằng vải mà bỏ tử thi vào trong. Có tiếng ai đó hỏi có phải làm lễ cầu nguyện cho nó không. Viên đề lao đáp rằng:

-- Ông cố đạo ở đây mới xin phép đi chơi một tuần lễ, hiện không có ở nhà, thôi giảm lễ cầu nguyện đi cũng được.

Lính canh hỏi bao giờ chôn tên tù nầy. Đề lao đáp:

-- Mười giờ hoặc mười một giờ tối.

Lại hỏi:

-- Có cần phải ở đây canh giữ tử thi không?

Đáp:

 -- Không cần, cứ khóa cửa khám lại như thường là đủ.

Bấy giờ ai nấy tan về, tên lính cũng khóa cửa rồi đi thẳng.

Đàm núp trong hang nghe thấy thế, nước mắt tức thì chảy ra ràn rụa. Nghĩ rằng có học thức hơn người như sư Phan-lan, nếu được dùng ra chắc là có bổ ích cho đời nhiều lắm; cái nầy bị giam rục mười mấy năm trời, giam cho chết rồi đem thây bỏ biển; thân người cũng vậy, mà ta đây rồi nữa cũng vầy chớ chi! Ôi! nghĩ đời ngán nỗi, cùng bịnh thương nhau: chôn thân ngục tối, thiệt mình nào ích chi ai? Riêng giận trời già, cầm số nỡ ghen những kẻ, cho đành!

Đàm sùi sụt vào phòng, thấy cái bao bằng vải đã gói thi thể sư, bèn ôm lấy mà khóc rằng: Thế mà thầy đành đi trước tôi hay sao? Thác là thể phách, còn là tinh anh, xin hồn thầy chớ bỏ tôi mà thỉnh thoảng về cùng tôi. Chợt nghĩ lại: sư Phan-lan lúc sống hãm vào oan ngục, chết đi mới được tự do, nếu hồn người có linh, thời còn trở lại chốn nầy mà thăm ta làm chi; chi bằng ta cũng chết quách đặng theo người cho xong! Nghĩ đến đó, Đàm toan tự vẫn. Song lại nghĩ: sư Phan-lan khi sống chịu oan khổ vô cùng, chưa có một ngày thở được cái chí khí anh hùng, luống ôm sầu mà chết. Ta đây phải nối lấy cái chí khí ấy mới phải, mới khỏi phụ ơn người dạy bảo cho ta, chớ còn ta chết theo thì được đó, song có ích gì? Chi bằng ta kíp toan đi trốn; nếu chẳng may mà bị bắt lại, hoặc giữa đường rủi ro mà chết, há lại chẳng hơn tự vẫn hay sao? Bấy giờ hai sự nghĩ của Đàm giao chiến nhau ở trong lòng, chưa quyết định bề nào, bèn đứng dậy đi bách bộ trong phòng, suy đi nghĩ lại, bỗng nẩy ra một kế, làm cho Đàm mừng muốn điên. Có lẽ trời mở trí cho va, chẳng nỡ để va chung một kiếp chết với sư Phan-lan, nên mới khiến va nghĩ ra cái kế đó chi! Theo cái kế ấy đã khỏi mất công đào tường đục vách, cũng khỏi lo lính biết mà đuổi theo, vả lại không cần đợi chầy ngày, muốn trốn ngay tức thì cũng được, thật là cái kế mạo hiểm thứ nhứt, không kế nào mầu hơn nữa. Xin độc giả cầm lòng, cái kế ấy thế nào, về sau sẽ biết.

Đàm đã tính được kế ấy rồi, liền lấy thi thể của sư ra khỏi cái bao bằng vải, vác đi đường hầm đem về đến phòng mình, đặt nằm trên giường, thấy hai con mắt chưa nhắm sát, bèn lấy tay mà vuốt hai mí trên cho nhắm lại, rồi cúi hun trên trán, lấy mền đắp che, nghiêng cái đầu xây vào phía trong, như là con người sống nằm xây mặt vào tường. Vì bình nhựt Đàm hay nằm lối như vậy, cho nên làm cách ấy ngỏ cho lính canh ngó thấy, tưởng là ngủ mê mà không để ý gì đến. Làm xong đâu đó, coi đi ngắm lại, không chỗ nào hớ rồi, Đàm bèn trở vào phòng sư, dời cái giường gần vách, lấy cây kim bằng xương cá của sư và sợi chỉ rồi chui vào trong bao vải mà nằm, may kín mít lại từ trên chí dưới.

Khi ấy trong lòng Đàm phập phồng chẳng yên, lỡ rủi mà vỡ việc ra thì còn gì là đời, nên lại có cầm dao trong tay, phòng hễ nửa chừng mà phát giác thì lấy dai cắt bao mà ra, nhơn trong lúc lính khiêng hốt hoảng thì đâm cho chết quách. Lại còn e một nỗi, nếu họ đem chôn rồi đắp đất lên chặt khừ, ta còn sức nào cự nổi, tất nhiên phải ngộp hơi mà chết, thì mới tính sao? Va lo nghĩ mãi mà chẳng ra chước gì, rốt lại, đánh bạo mà rằng: Phàm những việc mạo hiểm không thể tính cho vạn toàn được, nửa phần ở ta mà cũng có nửa phần ở trời.

Đến bảy giờ tối, lính canh đem cơm đến phòng Đàm thấy người nằm mê mệt trên giường, muốn kêu cho dậy ăn, song từ khi Đàm đào con đường hầm nhẫn nay, hay ra dáng mỏi mệt, nằm vật vã luôn, mỗi khi đem cơm vào một chặp lâu mới dậy ăn được, lính canh đã coi sự ấy là thường, nên hôm nay ngó thấy như vậy cũng không lấy làm lạ, cứ để cơm đó rồi đi như mọi bữa. Còn Đàm, trong khi ấy, lòng lại càng hồ nghi, nằm trong bao vải mà mồ hôi tuôn ra như xối, sợ lính biết ra được thì việc đành hỏng mất.

Một lát, nghe tiếng giày độp độp từ thang đá đi xuống, Đàm nín thở chờ xem ra sao. Kế nghe hai người khiêng cái "võng xác" đến, vừa tới cửa thì dừng lại. Cửa mở ra, Đàm hé mắt nhìn xem, thấy một người đứng cầm đuốc, hai người bước vào: một người bợ đầu, một người bợ chân. Hai người nầy nói chuyện với nhau:

-- Lão sư nầy già mặc lòng, mà xác lão còn nặng dữ đa!

-- Ừ, nghe người ta nói, mỗi năm, bộ xương nặng thêm nửa bồn mà.

-- Giây chạc đã sẵn chưa?

-- Sẵn rồi.

-- Buộc có chặt không?

-- Chặt hay không, đợi đến khi lên khỏi thang rồi sẽ hay.

Bấy giờ Đàm suy nghĩ, không biết giây chạc để làm gì, và hỏi buộc có chặt không, ấy là buộc cái gì. Trong khi hồ nghi đó thì họ đã vực Đàm vào trong võng xác, khiêng và trèo thang mà lên, người cầm đuốc thì cứ việc đi trước. Đàm ở trong khám hầm lâu năm, khi ấy được ra khỏi, thở được thứ không khí khoảng khoát thì khoan khoái là dường nào, nhưng lại thấy lạnh lắm.

Lên khỏi thang rồi, hai người khiêng ấy một đi, một ở lại, ngồi bên võng xác, nói rằng: « Lão sư nầy nặng chừng chi! » Lại nói với người cầm đuốc rằng: « Nhờ đưa cái đuốc đây rọi xem, kẻo chẳng thấy đường đâu mà tìm ». Đàm bụng bảo dạ rằng: Chẳng biết họ tìm cái gì, hay là tìm xuổng cuốc để đào đất chăng. Giây phút, nghe như vật họ tìm đã được rồi.

Thình lình, Đàm thấy nơi cổ chơn mình đau quá muốn khóc, té ra là buộc giây vào cổ chơn Đàm, mới biết rằng lúc nãy họ tìm giây là vậy. Bấy giờ người cầm đuốc hỏi rằng:

-- Buộc có chặt không?

Người kia trả lời:

-- Buộc chặt lắm rồi.

Đàm nghe nói cười vụng và tự nghĩ trong lòng: Ừ, bây giờ hỏi buộc chặt không, còn có lẽ; chớ lúc nãy, khi chưa lên thang đá, chưa tra dây vào cẳng mà đã hỏi buộc chặt không, thì có nghĩa gì? Đàm lấy làm hồ nghi không hiểu.

Kế đó hai người lại khiêng Đàm đi. Đi ước chừng năm chục bộ, để võng xác xuống đất và mở cửa. Cửa mở rồi, lại đi. Bỗng nghe tiếng sóng ầm ầm, thì ra đã đến mé biển Khu-đô rồi. Người cầm đuốc nói rằng: Tới đây được rồi. Người kia nói rằng: Không, thà xa một chút nữa là hơn; vứt bậy ở đây nếu rồi nó phơi ra trên đá, ông đề lao ngó thấy chắc sẽ quở chúng mình là nhác. Họ nói với nhau như vậy, bèn đi tới năm sáu bộ nữa. Đàm đương nghĩ xem thử họ làm cách gì, thì ra một người bợ đầu, một người bợ chơn, đồng thinh hô lên to rằng: "Một, hai, ba", rồi hắt ra một cái. Đàm khi ấy nghe như mình sa vào trong mây trong ngút, mê man chẳng còn biết là gì; lại như con chim bị đạn rớt từ nửa lừng trời, đánh đùng một cái xuống đến mặt nước rồi chìm lỉm xuống đáy biển. Vì họ đã buộc vào cổ chơn Đàm một cục sắt nặng 36 bồn, nó dằn xuống cho nên mới rớt mạnh như vậy. Lúc nãy hai người hỏi nhau rằng buộc có chặt không, tức là buộc giây vào cục sắt ấy, chứ không phải buộc vào chơn.

Ờ, té ra cái biển nầy tức là nơi nghĩa địa để chôn những tù chết mòn trong khám Khu-đô!

 

 

                                                              XIV

 

Đàm từ trên cao rơi xuống, chìm tận đáy nước, đầu mắt choáng váng, ngột hơi muốn chết, song le tinh thần còn tỉnh, bèn kịp lấy con dao trong tay cắt bao vải cho rách ra; chỉ duy còn cục sắt níu dưới chơn, cựa quậy bao nhiêu, nó lại càng dằn nặng và càng chìm xuống bấy nhiêu. Va bèn cắt luôn cái giây nơi cổ chơn, cục sắt rời ra và chìm mất. Đàm hết sức vọt lên, ló đầu trên mặt nước. Thở được một chút, sợ lính tuần ngó thấy, lại hụp xuống, mà trốn đi. Một chặp, trồi đầu lên dòm, thì đã rời xa cách chỗ cũ năm mươi bộ rồi. Bấy giờ sắc trời thảm đạm, con trào cuồn cuộn trên mặt biển, ngó ngoái lại chỗ trên bờ hồi nãy thì thấy đá dựng chon von, ngọn đuốc khi mờ khi tỏ, mấy chú lính vẫn còn đứng đó chưa đi. Đàm lại lặn xuống đi một đỗi, rồi nổi lên, thì đuốc và người đã mất đâu cả rồi.

Đàm kíp muốn lội sang hòn cù lao Thiết-ba-lin, cách đó độ chín dặm, song trời tối đen không thấy đàng. May đâu đằng trước bỗng có đèn, nhấp nháng như sao, ấy tức là chỗ một cái chòi trông. Va nhắm chòi trông lội đến, về phía tay trái. Bụng mừng rằng bị cấm cố dầu lâu, song sức vẫn còn mạnh, nghề lội lặn vẫn không kém gì ngày trước. Thế nhưng lòng riêng nơm nớp, vì thấy đàng kia có chiếc thuyền con bơi lại, sợ rằng thuyền của lính tuần đâm ra mà bắt mình chăng. Va hết sức bơi tới đằng trước, xây lại đã không thấy khám Khu-đô nữa rồi, tính chắc mình sẽ được thoát nạn. Nghĩ đến đó, Đàm càng thêm mạnh sức, tưởng mình lội nếu chẳng sai đường, thì sau một tiếng đồng hồ nữa sẽ đến cù lao Thiết-ba-lin.

Ý Đàm định lên bờ nghỉ ngơi một lát, song vì gió và sóng to quá, lội vào không được. Va bèn phấn chí mà tự bảo mình rằng: Sức ta hãy còn, thì phải bươn tới luôn luôn, bao giờ hết sức sẽ chịu chết, cũng chưa muộn gì.

Bỗng chốc, sắc trời mờ ám, mây kéo đen mò, những đám mây ấy như là sa xuống giữa khoảng không, tiếp với những vầng sóng biển. Bấy giờ hai đầu gối Đàm rụng rời, xiết bao lo sợ, chợt thấy những tảng đá đứng lô xô, sắc đen đen và mốc mốc, thì té ra đã đến cù lao Thiết-ba-lin rồi. Đàm kịp vịn đá trèo lên, ngồi mà thở dốc, vào lúc nầy mà được những hòn đá ấy coi khác nào như nệm gấm gối thêu. Ngặt vì gió càng to, mưa càng lớn, trong mình mỏi mệt quá nên ngủ quên bao giờ không hay. Hơn một giờ đồng hồ, bỗng có tiếng lớn đùng đùng làm cho va giậc mình thức dậy. Mở mắt ra nhìn thì quả nhiên có chớp sáng loè, và cơn sét dậy vang. Ngồi sững sờ một hồi lâu, mới biết mình thật đã ra khỏi ngục Khu-đô mà ở tại hòn cù lao Thiết-ba-lin rồi. Va bèn chọn nơi một hòn đá lớn, mẹp ở dưới, bị sóng tạt vào, ướt hết cả mình.

Nhớ sực mình không ăn không uống đã một ngày đêm rồi, kíp thò tay bụm nước mưa đọng trên khe đá mà uống lấy uống để, uống luôn một hơi rồi mới đứng dậy được.

Thình lình chớp nhoáng sáng một cái, thấy đàng xa có chiếc thuyền chài đương xiêu lơ giữa gió và sóng. Chớp nhoáng cái nữa, thuyền đã thấy dạt vào bờ. Chớp nhoáng lần thứ ba, thấy cột buồm gãy, buồm rách ra từng mảnh. Trong thuyền có vài ba người, người thì ôm lấy cột gãy, người thì níu lấy buồm rách, chới với giữa dòng. Giây lát chi đó, đứt chằng văng cột, rồi nghe một tiếng ầm, ấy là chiếc thuyền đã vỡ tan.

Khi ấy, trời lại tối mò, không thấy đàng sá nào cả cho đến tiếng kêu la cầu cứu của những người trong thuyền chài cũng không nghe nữa, chỉ nghe có tiếng gió và sóng ào ào như gầm như thét mà thôi. Một lát, gió hơi dịu, trời cũng sáng dần dần. Bấy giờ Đàm nghĩ bụng rằng trong vài ba giờ đồng hồ nữa, lính canh sẽ vào phòng mình, biết được cơ sự mình đi trốn, rồi thì bắn súng hiệu lên, mà mình còn ở lẩn quẩn đây, có lẽ rồi bị bọn họ túm cổ lại, chớ phải chơi sao. Vì khi nào trong khám Khu-đô có tù trốn thì họ thường bắn súng hiệu để báo tin các nơi chung quanh đó, chặn các con đường hiểm yếu mà bắt lại, cho nên muốn thoát thân được, thật cũng khó thay. Mà Đàm phần thì mình trần, phần thì bụng đói, ngó quanh ngó quất, vò võ một thân, nạn xưa chưa trút rạch lầu lầu, mà mối sầu đã tự đâu đưa đến! Va bèn ngước mắt lên trời mà khấn nguyện rằng: Tôi bị cầm trong ngục đã bấy nhiêu năm, nỗi oan ức biết cùng ai bày tỏ, nay liều thân vạn tử nhất sanh mà thoát nạn được đến chốn nầy, gặp phải cảnh sơn cùng thủy tận, tôi biết làm sao đặng, duy có nhờ Chúa đoái thương mà cứu giúp cho tôi.

Khấn xong, trông xa ngó thấy nơi bờ cù lao Bô-may, đối ngang với ngục Khu-đô, có vật gì đen đen giống như con vịt nước, Đàm ngờ là một chiếc tàu cứu cấp nào ở từ bến Mạc-xây mà đến. Đàm vốn là tay nhà nghề đi biển, cho nên con mắt hay trông xa. Bấy giờ va nghĩ rằng nếu mình lội theo chiếc tàu ấy, trong nửa giờ có thể đến được; song lại sợ nếu người ta tra gạn thì mình mới nói làm sao. Đương dùng dằng chưa biết tính bề nào, bỗng thấy chỗ thuyền chài vỡ lúc nãy có một cái mũ đỏ của lính thủy thường đội còn mắc lại trên đá, và có một đoạn cây trôi nổi một bên. Đàm tức thì lội ra, lấy mũ, đội lên đầu, rồi ôm lấy đoạn cây mà bơi, khi nổi khi chìm theo lượn sóng, rõ ra là một anh thủy thủ bị chìm ghe vậy.

Đàm vừa bơi vừa huýt gió, theo như kiểu lính thủy ra hiệu cầu cứu trong khi gặp nạn. Một chặp, quả thấy có mấy người ngồi chiếc thuyền cứu cấp bươn sóng mà chèo lại gần mình. Đàm bỏ quách khúc cây đương ôm, ráng sức bơi tới.

Khi ấy va đã mút hơi rồi, tay chơn đã bủn rủn, bèn cố gắng giơ cái mũ đỏ lên, huơi qua huơi lại; không ngờ càng dùng sức bao nhiêu thì mình càng thêm nặng mà chìm xuống bấy nhiêu. May mà người lính thủy trong thuyền cứu cấp chèo thiệt mau, đến sát trước mặt Đàm, nói tiếng Y-ta-ly để giục lòng Đàm mà rằng: « Đừng sợ! Đừng sợ! » Đàm bèn gắng sức trồi lên, song bấy giờ sức đã kiệt rồi, như là cục sắt 36 bồn còn đeo đâu dưới cẳng, làm cho va chìm tận đáy biển. Hai người lính thủy liền nhảy xuống biển nắm lấy tóc Đàm mà kéo lên, bỏ vào trong thuyền, thì Đàm đã ngất người rồi.

Một chặp lâu, Đàm mở mắt ra, nhận kỹ chiếc thuyền đi về hướng nào, biết rằng không phải đi trở về ngục Khu-đô thì lấy làm mừng lắm! Một người lính đem rượu hâm hẩm đổ cho Đàm, lại lấy bông biển mà chặm tay chơn cho, Đàm hơi bớt run, và cũng lần lần lấy sức lại.

Thiệt ra thì chiếc thuyền nầy không phải là chiếc thuyền cứu cấp. Chúa tàu tên là Can-kha, thấy Đàm, nói tiếng Pháp mà hỏi rằng:

-- Anh là người xứ nào? Khá nói thật cho tôi biết.

Đàm trả lời bằng tiếng Y-ta-ly:

-- Tôi là thủy thủ chiếc tàu Ma-đê-xi, tàu đi từ Xi-rân-gô về, ngang mũi Mô-cam, bị gió phải đắm, tôi xiêu lạc mà đến đây.

-- Các bạn anh ở đâu? Làm sao có một mình anh được sống?

-- Cả tàu chết hết! Tôi nhờ tấp vào trên đá, nên mới sống sót mà chờ cứu; song nếu không gặp các ông thì cũng đã bị chôn trong bụng cá hoặc là chết đói trên đá rồi! Các ông đẻ tôi ra một lần nữa, cái ơn ấy tôi biết lấy gì báo đáp cho cân!

Một người lính thủy nói rằng:

-- Khi tôi vớt anh, tôi cũng có ý dùng dằng không muốn vớt, vì thấy anh tóc dài, bộ tướng giống như đồ trộm cướp, chớ không phải con nhà đi biển. Đàm nghe vậy, bèn nhớ sực lại từ hồi mình bị giam rục đến nay chưa hề hớt tóc cạo râu, bèn kiếm lời đỡ gạt rằng:

-- Thật có như vậy. Song đó là vì tôi giữ lời hứa với vợ chưa cưới của tôi, hứa rằng nếu không gặp phải tai nạn gì thì không được cạo râu hớt tóc. Nay may mà thoát cơn nguy hiểm nầy, thì lời giao ước ấy đã được giải tháo rồi, phải không?

Người chúa tàu ngần ngừ rồi hỏi Đàm rằng:

-- Bây giờ anh muốn tôi xử trí cho anh cách nào?

Đàm thưa rằng:

-- Cái đó tự ý ông. Ông chúa tàu tôi và hết thảy bạn thủy thủ đều đã chẳng may gặp nạn, chỉ còn sót một mình tôi, bây giờ biết nương tựa vào đâu! Vả tôi từ nhỏ đi biển, vẫn thạo nghề cầm lái, nay tôi muốn ông cho tôi giúp đỡ các ông về việc ấy, chẳng biết ông có dùng được chăng. Ví bằng sau nầy tôi làm không được việc, thì khi tàu ghé bến Lai-công, ông sẽ cho tôi lên bộ, đi đâu mặc tôi; còn ông có cho tôi tiền công chút đỉnh thì để bỏ vào cái sở phí về sự ăn mặc cho tôi là đủ. Như vậy chẳng biết ông nghĩ thế nào?

-- Anh đã nói thật tình như vậy, tôi đây đâu nỡ chẳng nhận lời anh.

Chúa tàu nói như vậy rồi vô phòng lấy áo quần ra đưa cho Đàm mặc, và hỏi có cần gì nữa không. Đàm thưa rằng:

-- Nếu ông làm ơn cho tôi một ổ bánh mì và một ly rượu để tôi lót lòng một chút thì may lắm! Thưa thiệt cùng ông, đã một ngày đêm nay tôi chẳng ăn uống gì cả.

Chúa tàu nghe nói gật đầu, sai người lấy bánh và rượu cho Đàm, xong rồi, biểu kéo neo chạy.

Đàm tay cầm ly rượu, nhớ lại tình hình mạo hiểm vừa rồi, thoát thân được thì bao xiết là mừng, mà nghĩ nỗi gian nan trong dạ hãy còn nớp nớp. Bỗng nghe chúa tàu lớn tiếng kêu lên rằng: « Trong khám Khu-đô có việc gì mà đốt lửa ra hiệu như vậy? » Đàm ngước mặt lên nhìn thấy một luồng khói trắng xông thẳng lên giữa tường thành khám Khu-đô, kế nghe những tiếng nổ inh ỏi; người trong tàu đều làm thinh mà ngó nhau; bấy giờ chúa tàu mới hỏi Đàm rằng:

-- Họ làm gì vậy?

-- Đó chắc là trong khám có tù trốn, nên người ta ra hiệu cho xa gần biết mà giữ chừng.

Chúa tàu nghe Đàm nói mấy lời rồi cứ nhìn tròng trọc trên mặt va luôn; song Đàm cứ lặng yên, ngồi ăn uống như thường chẳng hề đổi sắc mặt, nên không ai hề nghi cho va hết.

Đàm ăn uống rồi, lại chỗ người coi lái mà nói với va rằng:

-- Anh cầm lái đã lâu, có lẽ nhọc mệt lắm, tôi xin cầm thế cho anh.

Người coi lái không trả lời mà đưa mắt ngó chúa tàu. Chúa tàu nói:

-- Va đã tình nguyện cầm thế cho anh thì anh cứ đưa cho va cầm thử đi.

Người coi lái bèn đứng dậy, giao lái cho Đàm coi. Đàm cầm lấy tay lái.

Trong khi ấy, Đàm thình lình buột miệng hỏi rằng:

-- Ngày nay là ngày mấy?

-- Ngày nay là ngày 28 tháng hai.

Chúa tàu đáp như vậy, Đàm lại hỏi:

-- Năm nay là năm gì.

Chúa tàu ra dáng sững sờ mà hỏi rằng:

-- Anh nói gì? Nói lại nghe thử nào.

Đàm nói:

-- Tôi chỉ hỏi năm nay là năm gì đó thôi.

-- Anh lại hỏi năm nay là năm gì a?

Đàm nghe chúa tàu hỏi vặn lần nữa mới biết là mình nói hớ, bèn cười gượng mà rằng:

-- Té ra tôi hồn vía đi đâu, đến nỗi hỏi vơ hỏi vẩn, mới rồi tôi hỏi năm nay là năm gì phải không?

Chúa tàu bèn trả lời:

-- Năm nay là năm 1829.

Đàm mới nhớ lại mình ở tù đã trải 14 năm, khi bị bắt mới 19 tuổi mà nay đến 33 tuổi; ngày tháng thoi đưa, việc đời thay đổi, chẳng biết cha già ở nhà có còn mạnh khoẻ cùng chăng. Lại nghĩ đến nàng Mai-tây-đương; hoặc giả nàng tưởng mình đã quê người xương trắng mà đành đi gá duyên cầm sắt với ai rồi. Rồi nhớ đến bọn Đặng-cách-luân, Phất-nhĩ-nam và Phi-lập-phúc, thì lại bắt nghiến răng chằng mắt mà thề quyết thế nào cũng báo thù cho được.

Từ đó, Đàm ở luôn trong tàu, hằng ngày làm việc, thản nhiên như mọi người, chẳng có ai dò ra được va là một tên tù trốn. Vả lại, Đàm giỏi nghề cầm lái, các tay lái trong tàu không ai bì. Vì vậy trên chủ dưới bạn đều yêu kính va hết thảy. Thế nhưng Đàm dò biết tàu ấy là tàu buôn đồ lậu, sự trốn xâu lậu thuế vẫn chẳng phải là nghề nghiệp hay; song lỡ chơn trót đã vào đây, thì nấn ná qua ngày rồi sẽ hay, tưởng cũng chẳng lấy gì làm hại. Huống chi khi vui thì ở, khi buồn thì đi, có gì bó buộc mình đâu mà lo?

 

                                                           XV

 

Tàu vừa ghé bến Lai-công, Đàm kíp lên bờ, vô tiệm hớt tóc. Thợ cạo thấy, lấy làm lạ và hỏi. Đàm lấy câu cũ mà trả lời. Hớt tóc cạo râu xong, Đàm soi gương, thấy mà thất sắc. Vì trong lúc bị bắt chưa đầy hai mươi tuổi, tinh thần tốt tươi vạm vỡ là dường nào, mà bây giờ vóc gầy mặt xám, đôi mày nhăn nhó, dầu tự mình muốn sấn sướt lên mấy đi nữa mà coi cũng vẫn chẳng ra bề. Song le, ngoài mặt tuy có đổi thay, mà học thức chứa bên trong so với ngày xưa thì thật là như một trời một vực. Va nghĩ rằng ngay bây giờ nếu có gặp bà con bầu bạn cũng chẳng ai biết mỗ là ai, thế thì sự thay hình đổi dạng lại là sự may cho mình mà không nên lấy làm buồn vậy.

Ra khỏi tiệm hớt tóc rồi, Đàm đi mua sắm áo quần. Bấy giờ va bận quần trắng áo xanh non, đội mũ đỏ là thứ nón lính thủy thường đội mà trở về dưới tàu. Còn bao nhiêu áo quần chúa tàu cho mượn ngày trước thì đem trả lại. Rồi đi đến ra mắt ông chủ có tàu tên là Lam-cư-an, ông nầy thấy Đàm thì vừa ý lắm, hứa rằng sẽ dùng luôn làm tàu cho mình. Đàm vẫn không có ý ấy, song vì chút cảm tình thì hứa sẽ ở lại giúp việc trong ba tháng.

Tàu đậu ở cửa biển Lai-công bảy ngày, ăn những hàng màu, vải hoa, bông sợi, thuốc súng, thuốc lá, đại để là những đồ hàng trốn thuế Đoan và phạm cấm, rồi định từ đó chở sang xứ Cao-xi-ga. Sáng sớm, tàu nhổ neo, thuận lèo mà chạy. Bấy giờ Đàm đứng trên sàn tàu, mắt ngó chăm chăm một nơi xa kia không hề nháy. ấy là va nhìn hòn cù lao Cơ-lê-mân.

Ngày hôm sau, tàu đi dựa bờ biển Ai-li-lê, lúc đó vừa chiều hôm, thấy trên bờ đèn lửa sáng choang, thình lình tắt ráo. Vì tàu của Đàm đi đó có dấu riêng nơi đèn treo ở cột buồm, người trên bờ đã nhận biết thì tắt đèn đi để ra hiệu như trả lời rằng mình đã hiểu rồi. ấy là cái khẩu hiệu của các tàu buôn lậu miền nầy quen làm như vậy. Tàu vừa ghé bến, liền có bốn chiếc tam bản ở từ dòng trên chèo êm như ru mà xuống, đeo sát hai bên tàu, chia nhau khuân cả các hàng hóa rồi chèo đi đâu mất. Lam-cư-an bèn lấy một số tiền bán hàng đã lời được mà chia cho hết thảy thủy thủ trong tàu, ai nấy đều reo mừng. Đó là chuyến buôn thứ nhứt kể từ khi Đàm ở làm việc trong tàu. Chuyến thứ nhì cũng vậy, mỗi khi chủ cho tiền, lái đều mừng rỡ hết sức. Đến chuyến thứ ba, chở rượu và thuốc phiện, bị sở Đoan xét được, chủ tàu bèn hạ lịnh dùng súng bắn nhau, như trận giặc nhỏ; Đàm bị thương nơi vai bên trái, song thần sắc tự nhiên, không thèm rên la gì cả, vì vậy Lam-cư-an càng yêu quý Đàm hơn kẻ khác, cứ tới hỏi thăm và yên ủi va luôn.

Khi Đàm ở trong tàu, gặp giờ rỗi việc, hay đem những điều đã học nơi sư Phan-lan mà nói với Lam-cư-an, như những là các khoa học về hàng hải, thương mại, thiên văn, địa lý, v.v.., biết gì nói nấy. Lam-cư-an chỉ nghe làm tai, đôi khi cười mà nói rằng:

-- Tôi chẳng qua là một anh lái buôn, có biết các khoa học ấy mà làm chi?

Song Đàm trả lời rằng:

-- Biết chừng đâu, Nã-phá-luân chẳng phải là một tên dân trắng mà làm nên đế vương đó ư? Lam nghe vậy thì lại thất kinh, biết Đàm là người có chí lớn.

Lần lữa được hai tháng, về các mẹo mực buôn bán hàng lậu cùng các dấu hiệu thông tin gởi hàng cho nhau, Đàm đều thông thạo cả. Song ý va chỉ chuyên chú một điều, là toan làm sao cho lên được hòn cù lao Cơ-lê-man đặng thăm thử chỗ chôn châu báu mà sư Phan-lan đã mách. Ngặt vì một nỗi không có dịp gì; nếu khi không mà ghé tàu lên đó thì lại e đồng bạn thấy mà sanh nghi chăng. Vì cớ ấy, Đàm cứ xin từ chức hoài, song le Lam-cư-an cứ cầm lại mãi, cực chẳng đã va phải nán ở lại.

Ngày kia, Lam cùng Đàm rủ nhau vào đánh chén trong một quán rượu, là chỗ bọn buôn hàng lậu hay nhóm họp với nhau để thương nghị việc mua bán. Đến nơi, thấy đã có đông người ngồi đó, nói chuyện ồn ào, người trừng mắt, kẻ giang tay, trò chuyện ra tuồng đểu giả. Trong đó, thấy một người nói rằng có chiếc tàu hiện chở những nỉ của Thổ-nhĩ-kỳ cùng các thức hàng quý giá khác, muốn được một chỗ nào vắng vẻ để xem hàng định giá, rồi mua hàng chở sang bán ở nước Pháp thì sẽ lời đến hàng vạn. Lam-cư-an nghe nói, chịp lấy, hỏi rằng: Nếu muốn vậy thì ta đưa nhau đến cù lao Cơ-lê-mân có tiện không?

Ai nấy đều cho là tiện. Đàm nghe thấy thế, rất nỗi mừng thầm, song giả đò làm tỉnh, không cho cái mừng lộ ra sắc mặt, va cắp tay đi qua đi lại trong nhà hàng, ra tuồng nhìn người nầy liếc kẻ kia, chỉ thấy nói năng cười cợt, mỗi người một vẻ.

 

 

                                                           XVI

 

Cái kế hoạch của Lam-cư-an định mở chợ tạm tại cù lao Cơ-lê-mân đã xong đâu vào đấy rồi, làm cho Đàm vui mừng hớn hở xiết bao.

Vì nếu vô cớ mà đến đó, thì làm sao cho khỏi người ta nghi ngờ; nay thình lình lại gặp đặng dịp may, hoặc bởi chưng lòng trời dong ruổi! Trong đêm ấy, Đàm ngủ lại trong tàu, tấc lòng hồi hộp, hết nghĩ thế nọ, lại nghĩ bề kia, nằm không an giấc. Hễ nhắm mắt lại thì thấy ông Tư-ba-đạt dắt mình đến mà chỉ chỗ hầm vàng. Nghĩ mà nực cười thay! Chẳng biết vì cớ gì, cũng chẳng rõ mình có lòng chi mà trong chiêm bao cứ đeo đẳng mãi!

Ngày hôm sau, chiều cả, Đàm nói cùng đồng bạn rằng:

-- Thôi, hôm nay, các anh cứ ngủ, để mình tôi coi lái cho.

Đến đó, Lam-cư-an thức giấc dậy, thấy tàu đi rất mau gấp ngày thường; kịp năm giờ sáng thì đã đến cù lao Cơ-lê-mân rồi.

Bấy giờ mặt trời mới mọc, ánh sáng chói lói, Đàm đứng trên lầu tàu trông hòn cù lao Cơ-lê-mân tỏ một. Ngắm nghía hồi lâu, nghĩ đến lời dặn của sư Phan-lan chưa chắc có thiệt cùng chăng, và của kín của Tư-ba-đạt chẳng biết là có còn hay mất. Mà phỏng sử của ấy có còn chăng nữa, thì làm thế nào mà dò thăm ra được? Dò thăm ra được chăng nữa thì làm thế nào mà lấy vào tay? Lại nghĩ đến bỗng trong một ngày một bữa mà phát tài to, có nhiều tiền làm gì chả được, khi bấy giờ ân trả ân, oán trả oán, thật là thỏa chí bình sanh! Nghĩ tới nghĩ lui, phập phồng tấc dạ, khiến cho người nửa tin nửa ngờ, vừa mừng vừa ngại.

Lúc 10 giờ đêm hôm ấy, Lam-cư-an dẫn chúng lên hòn cù lao. Chốn nầy vẫn là nơi bọn ấy đi lại thường thường để làm chỗ buôn chùng bán lén. Song Đàm thì mới đến đây là lần thứ nhứt. Lam-cư-an khiến người bắn vài phát súng làm hiệu. Thôi thì ghe thuyền ở đâu không biết chạy đến thiệt đông; cất hàng hóa vừa rồi, lại tan đi mất cả.

Sáng ngày mai, Đàm vác súng, mang đạn theo, giả đò đi bắn heo rừng. Số là va muốn trớ(*) bọn họ mà đi một mình, để tiện bề tìm đường kiếm lối. Song có một người thủy thủ tên là Can-kha cố xin cùng đi với Đàm. Đàm tính từ chối không cho, song lại sợ nhơn đó mà sanh nghi, cực chẳng đã phải cho y đi với.

Đi chưa xa mấy, nhác thấy một con heo rừng nhỏ đương nhảy nhót trong bụi cây, Đàm bắn cho một phát chết tươi. Va bèn sai Can-kha đem con heo rừng về dưới tàu nấu dọn cho cả bọn ăn uống rượu.

Can-kha đi rồi, Đàm cứ việc lần tới. Nhưng chốc chốc lại quay đầu ngó xuống dưới tàu. Giữa đường, thấy một hòn đá khá cao, Đàm bèn leo lên trên mà trông xuống. Thấy họ đương quay thịt heo và tranh nhau mà ăn uống, có vẻ vui mừng khác thường, thì va cứ đi tới luôn. Vừa đi vừa ngó quanh ngó quất, dầu một con khe nhỏ, một hòn đá tầm thường, va cũng giắt mắt vào và để ý đến.

Trong khi Đàm đi đó, hoặc cúi đầu mà lần xuống, hoặc ngửa mặt mà leo lên, lại nhờ những hòn đá che bớt đi, làm cho hình người khi bày khi khuất, cho nên họ ở dưới tàu trông lên, không biết va đi hướng nào cả. Đàm lần dò tìm kiếm hồi lâu mà chưa được chi hết. Trong cơn bứt rứt, bỗng nghe có tiếng đồng bạn kêu mình, thì ra dưới tàu họ quay thịt heo đã xong, kêu Đàm về đặng cùng nhau đánh chén. Đàm trèo lên hòn đá cao, gật đầu mà đáp lại. Thình lình có con dê núi chạy ngang qua, Đàm ra sức đuổi theo tính bắn. Va nhảy vọt trên đá, qua lại như trên đất bằng; còn dưới kia, chúng ngó trực chỉ lên và kêu la om sòm, tiếng reo cười dường sấm dậy. Không ngờ Đàm sẩy chơn một cái, rớt xuống dưới tảng đá lớn. Ai nấy chạy tới, thấy va đã ngất người đi, máu me lênh láng, vì từ trên chỗ cao hơn mười thước mà rơi xuống.

Mấy người kia đem thuốc đổ cho Đàm, thì va lần lần mở mắt ra được. Theo lời va nói, trong tay chơn có bị thương nặng, và đầu óc choáng váng lắm. Họ muốn cõng Đàm về dưới tàu, song va không chịu, nói rằng: bị thương nặng quá, nằm đâu nằm đó cho yên, không nên day động, sợ máu ra nữa không cầm được mà khốn. Va lại giục họ biểu cứ đi về ăn thịt heo rừng đi, còn mình ở đây nghỉ ngơi giây lát, đợi hơi bớt, sẽ trở về cùng chúng bạn. Mấy người kia không thể nào được, phải đành để va ở lại, và kéo nhau đi.

Cách một tiếng đồng hồ, họ lại đến thăm, thấy Đàm đã đi nhúc nhắc được vài bước, dựa mình bên hòn đá; song chỗ bị thương chẳng những không giảm mà lại đau thêm. Bấy giờ Lam-cư-an cũng đến đó. Lam cố bảo Đàm phải để cho họ dìu xuống tàu, vì ngày mai tàu nhổ neo chạy sớm. Đàm ráng sức nhắc đi nhắc lại, nhưng đi một bước thì đau thêm một hồi, mặt mày nhăn nhó và bợt trắng.

Va bèn nói với họ rằng:

-- Tôi đau quá, không đi được, thà chết quách ở đây. Các ông nếu có lòng thương tôi, xin để một ít đồ ăn lại cho tôi đỡ đói; và cũng cho tôi mượn một khẩu súng để hộ thân, một cái rựa và một cái cuốc để cắt tranh cùng đào đất cất tạm cái chòi che mưa gió; nếu vậy thì tôi đội ơn các ông nhiều lắm.

Lam-cư-an nghe thấy thế, vội vàng nói rằng:

-- Chúng tôi đi chuyến nầy, hơn tuần lễ mới trở lại, anh ở đây há chẳng nguy lắm sao?

Đàm trả lởi rằng:

-- Dầu thế nào nữa, biết làm sao được giờ, vì tôi đau quá đi không đặng.

Can-kha nói:

-- Thôi, các ông đi đi, còn để tôi ở lại với anh va.

Đàm nói với Can-kha rằng:

-- Lẽ nào vì cớ tôi đau mà cầm anh ở lại chốn nầy, biểu tôi thế nào mà yên tâm được?

Can-kha cũng cứ nói hoài; song Đàm nhứt vị không nghe. Họ bèn để lại một ít đồ ăn cho va, cho mượn súng, đạn, cuốc, và rựa rồi cùng nhau từ biệt.

----------------

* trớ:tránh (theo Từ điển phương ngữ Nam Bộ, sđd.)


 

                                                           XVII

 

Đàm bấy giờ một tay cầm súng, môt tay cầm cuốc, lên trên chót núi trông xuống, biết rằng tàu đã đi xa rồi, bèn đọc trầm bản tiết lược của Tư-ba-đạt qua một dạo, rồi y theo phương hướng trong ấy đã chỉ mà đi. Đi từ khe nhỏ qua phía chánh đông. Giọc đường, cây lá um tùm, rêu meo lu lấp, bỗng ngó thấy một giãy đá lớn, hơn mươi tảng. Một tảng chót hết càng lớn hơn, một bên có cái lỗ vừa lọt bàn tay, Đàm thử lấy cuốc nạy(*) một cái không thấy rục rịch gì cả. Đứng dùng dằng hồi lâu, anh ta nghĩ ra được một kế, liền lấy thuốc súng dưới tàu cho mình lúc nãy quấn lại với giấy mà đốt, rồi liệng vào trong lỗ. Đàm lùi ra đàng xa, đứng mà coi chừng. Thuốc súng nổ lên một cái ầm, khói và bụi bay lên mù trời mù đất, một chặp lâu mới thôi. Đàm lại gần coi thì thấy tảng đá đã vỡ rồi, nát ra như cám. Lấy cuốc nạy lên xem thì thấy ở dưới còn có một hòn đá nữa, hết sức vần đi, thì dưới đó lại có từng đá bằng như ván, trên mặt có một cái vòng bằng sắt. Thấy vậy, Đàm bắt le lưỡi, trợn mắt, chặp lâu, lại múa may quay cuồng mà mừng quýnh lên.

Đàm lấy hai tay nắm lấy cái vòng bằng sắt, cố hết sức dỡ lên, thì từng đá ván bật ra. Liền thấy một cái thang. Dò thang trèo xuống, thôi, tối không còn chỗ nói nữa. Đàm dùng hết sức mắt mà nhìn chẳng thấy chi cả, bèn cầm cái cuốc dò đường mà đi, trong lòng hồi hộp, mồ hôi đổ ra như tắm. Đi đến một chỗ, lấy tay rờ, như là có phên vách, cầm cái cuốc mò vào, thì nghe vôi đất trên vách rơi xuống. Bấy giờ Đàm đã mỏi mệt lắm, bèn đi thùi lui mà ra. Ngó quanh ngó quất không thấy ai, va mới nằm xuống trên đá nghỉ ngơi một chút, và uống một ít rượu. Một lát lại vào, đi thủng thẳng đến chỗ ban nãy, lại lấy cuốc dộng vào trên vách. Dộng luôn sáu cái, nghe có tiếng như là tiếng đồ sắt. Đàm kíp trở ra, thắp đuốc, cầm mà đi vào, soi xem thật kỹ, thì thấy một cái rương đóng bằng cây dẻ, bốn phía ràng bằng giây gang, trên nắp rương có một cái mão bằng bạc, dưới cái mão đặt một thanh gươm và một cái khiên.

Cái rương ràng rịt rất kỹ, không dễ gì mở được. Đàm bèn lấy lưỡi cuốc mím vào chỗ miệng rương mà hết sức nạy. Những giây bằng gang vùng đứt ra. Đàm nhắm mắt lại, nghỉ một lát, rồi mở rương ra coi. Trong rương có ba ngăn: Một ngăn để vàng lá, một ngăn nữa để vàng thẻ, một ngăn nữa để rặt những hột xoàn và châu ngọc. Bấy giờ Đàm mừng quá; song trong mình trở lại hoảng hốt như là chiêm bao, cứ hỏi đi hỏi lại lấy mình mà rằng: Nầy, có phải chiêm bao chăng? Hay là việc thiệt mà không phải chiêm bao?

Bấy giờ Đàm vội vàng bước ra, reo mừng nhảy múa, làm cho chim biển thấy mà thất kinh bay bổng, thú rừng thấy mà khiếp sợ, vọt chạy lung tung. Vui vẻ làm sao! Cỏ cây trên núi đều phơi ra vẻ đẹp! Hớn hở làm sao! Trời đất non sông đều tỏ dáng hân hoan!

Đàm lại vào trong hầm, coi kỹ cái rương một hồi lâu, song vẫn còn nghi ngờ dường như ở trong giấc mộng. Coi đi coi lại một chặp nữa, bèn quỳ xuống mà tạ ơn Đức Chúa Trời, tạ ơn sư Phan-lan và ông Tư-ba-đạt. Kể hết thảy món của Đàm được đó: vàng thẻ một ngàn thẻ, mỗi thẻ nặng chừng hai ba bồn; đồng khắc-lang vàng hai vạn năm ngàn đồng, mỗi đồng bằng bốn bồn vàng Ăng-lê; còn đến hột xoàn và châu báu thì không biết bao nhiêu mà kể.

Đàm ra khỏi hầm, ăn một ít để lót lòng, rồi thì trời tối, va ngủ luôn một bên hầm. Sáng bữa sau, lại vào hầm, bụm vài bụm hột xoàn bỏ vào cái túi áo, rồi ràng rịt cái rương lại như cũ. Ra rồi, lại lấp lỗ hầm lại, không lò ra dấu gì khác xưa. Va lại đem hoa cỏ mà trồng thêm vào chỗ đó; phàm chỗ nào đất ướt có dính vết chơn, và dấu tay in vào meo trên vách đá va đều cạo hết; rồi ngồi đó mà chờ bọn dưới tàu kia trở lại.

 

                                                                   *

                                                               *     *           

 

Ôi, như Đàm-tư-đức hồi đầu chẳng qua là một chàng thanh niên thiệt thà mà thôi, giả sử cả đời va cứ bình an mà làm chúa tàu Phan-long, thì chắc rồi cũng xoàng xoàng như ai mà thôi, chẳng có gì là xuất chúng. Kịp khi chẳng may vì đảng Nã-phá-luân bị bắt, mà rồi cái tên Đàm-đức-tư mới tỏ rạng ra trong đời. ấy là cũng nhờ sức của bọn Đặng-cách-luân, Phất-nhĩ-nam, Phi-lập-phúc là những người thù của va giúp cho vậy! Cho đến ngày va chịu học với sư Phan-lan, được vàng ở cù lao Cơ-lê-mân, hễ càng ở vào cảnh nguy hiểm chừng nào thì sự gặp gỡ lại càng may mắn chừng nấy, cuộc thành tựu lại càng vẻ vang chừng nấy, há chẳng lạ thay!

Sau đó vài năm thì thiên hạ đồn ra sự Đàm-đức-tư trả thù (*).

 

                                                           Đông Pháp thời báo, Sài Gòn, s. 741 (7.7.1928);

               s.742 (10. 7. 1928);  s.743 (12.7. 1928); s.744 (17.7. 1928); s.745 (19.7.1928);

               s.746 (21.7. 1928);  s.747 (24.7. 1928); s.748 (26.7. 1928);  s.749 (28.7. 1928);

             s.750 (31.7 .1928);  s. 751 (2. 8. 1928);  s. 752 (4.8. 1928); s. 754 (9.8.1928);

              s.756 (14. 8.1928);  s.757 (18. 8. 1928);  s. 758 (21.8. 1928); s. 759 (23.8. 1928);

              s.760 (25. 8.1928); s.761 (28.8.1928); s. 762 (30.8. 1928) s; 763 (1.9. 1928);

              s.764 (4.  9. 1928); s.765 (6.9. 1928); s.766 (8.9. 1928); s. 767 (11.9. 1928); 

             s. 769 (15.9. 1928); s.770 (18.9.1928); s. 771 (20.9. 1928); s. 772 (22.9. 1928)

                                                                      s.773 (25.9. 1928);

---------

* Ở kỳ đăng thứ 31 tiểu thuyết Thầy trò trong khám, báo ghi chữ « chung » ở cuối, tỏ rằng đã hết. thật ra đây mới chỉ kết thúc phần đầu tiểu thuyết Bá tước Monté Cristo. Mục thư tín của Đông Pháp thời báo số 776 (2.10.1928) đăng thư dịch giả C.D. trả lời một bạn đọc là ông Văn Nhân: 

"Tiếp thơ ông hỏi sao không dịch tiếp luôn cho hết bộ tiểu thuyết Thày trò trong khám. Xin trả lời rằng tôi mắc làm nhiều công việc khác nên tạm đình một lúc, sau sẽ dịch nối theo cho trọn bộ".

Tuy vậy cho đến khi ĐPTB tự chấm dứt để chuyển thành Thần chung, tác phẩm dịch này không thấy được đăng tiếp; không rõ Phan Khôi có dịch hết tác phẩm này hay không.(NST)

 

Trở về mục lục Trang Phan Khôi