ĐỜI SỐNG VĂN NGHỆ
THỜI ĐẦU ĐỔI MỚI
 

Mục lục 


Nguồn:  Văn nghệ, Hà Nội, số 15 (9-4-1988)

 

TIẾNG NÓI LƯƠNG TRI CỦA CÁC NHÀ VĂN

(Phát biểu trong lễ kỷ niệm 40 năm báo Văn nghệ tại Hà nội, 6 - 4- 1988)

XUÂN CANG

 

Tôi xin chỉ nói một suy nghĩ về một khía cạnh của 40 năm báo Văn nghệ. Dù phải trải bao chìm nổi, suốt 40 năm qua, báo Văn nghệ luôn luôn phấn đấu là tiếng nói của lương tri các văn nghệ sĩ nói chung và các nhà văn nói riêng. Tôi nói "dù trải bao trìm nổi", ấy là vì quả thực nhìn chung trong làng báo, tờ Văn nghệ luôn luôn là một tờ báo "có vấn đề". Cứ từng thời gian lại có tiếng xì xào, tiếng ồn xung quanh tờ Văn nghệ. Và đã từng có chuyện chấn chỉnh, chuyển đổi thay. Một tờ báo không hiền lành, không bình thường. Điều đó không có gì lạ. Tiếng nói lương tri của các nhà văn luôn luôn cất lên từ trái tim họ. Đó là tiếng nói của đời sống, của xã hội, của những trí thức văn hóa dân tộc, của những nhân cách khác biệt. Nó luôn sống động, luôn trăn trở, luôn tự hoàn thiện. Không bao giờ tự bằng lòng với mình, không ngừng vượt lên chính mình, không bao giờ bằng lòng với thực tại, không ngừng khám phá sự thật, sự thật của cái đẹp và cái đẹp của sự thật, theo tôi, đó là phẩm chất của nhà văn đích thực. Xưa thế mà nay cũng thế. Cũng có lúc hèn, cũng có lúc tầm thường, cũng có lúc mệt mỏi, nhưng sau đó, lại cất đầu lên, con ngựa nhìn trời xanh, nhìn cánh đồng, cánh rừng và cất vó phi nhanh. Một tờ báo, luôn "đặt vấn đề" với cuộc sống và với chính giới mình, luôn gây sự với xung quanh. Bởi thế nếu nó luôn "có vấn đề" thì cũng đúng thôi, và đó chính là niềm tự hào của chúng ta, những người viết. Không bao giờ bằng lòng với sự phẳng lặng, sự xuôi chiều, sự dễ dãi, sự mệt mỏi, luôn tự đánh thức mình, đánh thức xung quanh, đó chẳng phải là một điều khác thường xuyên suốt 40 năm của tờ báo của các nhà văn? Vì đó là các tờ báo của các nhà văn ở một thời kỳ trỗi dậy, phục hưng của dân tộc.

Dường như trong năm thứ 40 của mình, báo Văn nghệ thu hết tinh lực của 40 năm, phóng nhanh trên con đường đổi mới. Lịch sử cũng đã mở đường. Nên Văn nghệ cũng nhất định phải sang trang. Và cái sự sang trang này nó mới dữ dằn làm sao! Giờ đây người đọc cầm tờ báo trong tay cảm thấy nó có sức nặng hơn bao giờ hết. Tiếng nói lương tri của các nhà văn lại cất lên trong trẻo, đĩnh đạc, trẻ trung hơn bao giờ hết. Các thể loại, thể tài tự nó cất lên tiếng hát. Thơ chậm hơn, nhưng khi thơ đã thức dậy thì thơ là tiếng nói của tiếng nói lương tri, là phần nhạc điệu của bài ca tâm hồn. Đó phải chăng là cái âm hưởng chung của năm thứ 40 này của tờ báo? Chứ thực ra, không phải không có những bước đi chuệnh choạng. Nhưng đằng sau mỗi bước chuệnh choạng này nó bỏ lại quá khứ. Vì đây là những bước đi của thời kỳ đổi mới. Tờ báo có một sức phát động đối với lương tâm và trí tuệ thật rõ ràng. Nó thật sự huy động, lay động sự suy nghĩ và tình cảm của người đọc.

Với những nhận xét ấy, tôi xin chúc mừng báo Văn nghệ, tờ báo của chúng tôi, những người viết văn.

Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 15 (9-4-1988)

 

Mục lục 

29-11-2021