ĐỜI SỐNG VĂN NGHỆ
THỜI ĐẦU ĐỔI MỚI
 

Mục lục 


Nguồn:  Văn nghệ, Hà Nội, số 45 (5-11-1988)

TRONG TÌNH CẢM TIN YÊU CHÂN THÀNH

Trung tuần tháng 10-1988, báo Văn nghệ đã tổ chức cuộc họp cộng tác viên tại thành phố Hồ Chí Minh. Hơn 50 nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận phê bình văn học, nhà báo ở thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam đã đến dự cuộc họp. Đặc biệt một số bạn, tuy không nhận được giấy mời, cũng đã tự động tìm đến cuộc gặp mặt để bày tỏ tình cảm và sự ủng hộ của mình đối với tờ báo, góp ý kiến xây dựng báo.

Thay mặt Ban biên tập, nhà văn Nguyên Ngọc chân thành cảm ơn sự cộng tác nhiệt tình lâu nay của các bạn viết ở phía nam đối với báo Văn nghệ, và sự hưởng ứng sôi nổi của đông đảo bạn đọc đối với chủ trương đổi mới của báo. Về mục đích của cuộc họp mặt lần này, anh nêu rõ: Báo Văn nghệ là tờ báo của Hội Nhà văn Việt Nam, nó có nhiệm vụ phản ánh đời sống văn học, đời sống xã hội trong cả nước. Lâu nay, mặc dù được sự cộng tác tích cực của các bạn viết ở phía Nam, nhưng do những thiếu sót trong khâu tổ chức bài vở, do thiếu nhạy bén trong phát hiện vấn đề và tập hợp lực lượng, nên báo Văn nghệ còn phản ánh được rất ít và hời hợt những vấn đề xã hội, những vấn đề văn hóa và văn học phía Nam vốn rất sôi nổi và năng động, chưa giới thiệu được kịp thời những sáng tác phong phú của các cây bút phía Nam. Đông đảo bạn đọc phía Nam rất yêu mến tờ báo, đón đọc từng số báo, nhưng số lượng báo phát hành vào Nam còn quá ít, lại rất chậm trễ... Sắp tới, báo Văn nghệ sẽ cố gắng tiếp tục cải tiến nội dung để ngày càng thật sự là tờ báo văn học của cả nước; báo cũng dự định sẽ tổ chức in lại tại thành phố Hồ Chí Minh và tổ chức phát hành rộng rãi hơn ở các tỉnh phía Nam. Để làm được điều đó, Ban biên tập báo Văn nghệ chờ đón sự cộng tác tích cực hơn nữa của các cây bút phía Nam và mong muốn thu nhận được nhiều ý kiến phê bình, chỉ vẽ của các bạn cộng tác viên đối với công việc vừa qua và phương hướng tới của báo.

Các nhà văn, nhà thơ, nhà báo Nguyễn Quang Sáng, Hoài Vũ, Nguyễn Quang Thân, Nhật Tuấn, Trần Hoài Dương, Hà Văn Thùy, Đoàn Minh Tuấn, Anh Thơ, Ý Nhi, Thái Thăng Long, Thanh Quế, Hoàng Hưng, Trần Hữu Tá, Thạch Phương, Trần Khuê, Kim Hạnh... đã phát biểu ý kiến rất chân tình, thẳng thắn, cởi mở xây dựng báo.

Tất cả các ý kiến đều nhất trí khẳng định sự đóng góp tích cực và có hiệu quả của báo Văn nghệ và công cuộc đổi mới xã hội, đổi mới văn học hiện nay. Anh Trần Hữu Tá cho rằng vừa qua báo Văn nghệ đã cùng với một số báo khác nói lên tiếng nói lương tri của người cầm bút trước xã hội, đã góp phần củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Anh Nguyễn Quang Thân cho rằng lâu nay nhiều người cầm bút "hướng thượng" gần đây báo Văn nghệ đã là diễn đàn nơi các nhà văn thực hiện trách nhiệm công dân của người cầm bút trước công chúng. Chính do đó mà đã góp phần nâng cao được uy tín của người cầm bút trước công chúng. Cùng phát triển ý kiến đó, các anh Nhật Tuấn, Trần Hoài Dương, Hà Văn Thùy, Hoàng Hưng, Thạch Phương... nhấn mạnh rằng chính thái độ công dân đầy trách nhiệm của những người cầm bút trước nhân dân, trước xã hội được biểu hiện vừa qua trên báo Văn nghệ đã đem lại vinh dự cho những người làm văn học chúng ta, đã khôi phục lòng tin và sự yêu mến hy vọng của người đọc đối với văn học.

Anh Đoàn Minh Tuấn đánh giá báo Văn nghệ đã nghiêm túc thực hiện Nghị quyết Đại hội VI của Đảng, Nghị quyết 05 của Bộ Chính trị, làm người lính xung kích trong công cuộc đổi mới nên được công chúng tán thưởng. Tuy nhiên - anh nói trong cuộc sống sôi bỏng này, giữa cái cũ trì trệ phá phách, giữa cái nhiễu nhương ngang trái, bên cạnh việc phê phán cái xấu, cái sai, chúng ta cũng cần làm cho bạn đọc tiếp cận với những nét đẹp của cuộc sống mới để tăng thêm niềm tin trong cuộc đấu tranh hàng ngày.

Nhiều bạn dự họp cũng đã thẳng thắn phê bình báo Văn nghệ còn nhiều sơ hở trong khâu biên tập bài vở, ít chú trọng giới thiệu các tác giả, tác phẩm phía Nam. Các anh Thanh Quế, Trần Hoài Dương, Nhật Tuấn nhắc nhở báo Văn nghệ nên mở rộng diện người viết trên các trang báo vừa qua có lúc "bạn đọc có cảm giác báo chỉ chú trọng dăm bảy tác giả nào đó". Một số bài phỏng vấn trên báo đưa ra một số ý kiến quá khích, dễ làm người ta thấy báo có thiên hướng hẹp hòi. Báo chưa quan tâm cải tiến trang Thơ. Thơ trên báo không chuyển biến rõ bằng phần văn xuôi.

Ý kiến anh Nguyễn Quang Sáng được nhiều người tán thành. Anh cho rằng có nhiều ý kiến trái ngược nhau về báo Văn nghệ trong lúc này là chuyện bình thường. Có sự tranh luận qua lại trái ngược nhau mới có sự vận động đi lên. Đổi mới, đi tìm cái mới thì có trúng, có trật. Về cơ bản, anh ủng hộ phương hướng đổi mới của báo Văn nghệ, đồng thời anh cũng thẳng thắn phê bình những sơ hở, thiếu sót rõ ràng của báo vừa qua.

Về những vấn đề xã hội được đề cập trên báo, nhiều ý kiến đề nghị bên cạnh đề tài nông thôn, báo cần chú ý hơn đến những vấn đề đời sống của con người hiện đại ở đô thị, vấn đề người trí thức mà sự đóng góp trong công cuộc đổi mới hiện nay đang có vai trò ngày càng quan trọng...

Về những ý kiến khác nhau trong sự đánh giá báo Văn nghệ hiện nay, chị Kim Hạnh, Tổng biên tập báo Tuổi trẻ, đề nghị: Đến lúc nào đó, có lẽ trên báo Văn nghệ nên có bài kiểu như "Thư của Tổng biên tập" hoặc "Thư của Ban biên tập" trình bày rõ chủ trương, quan điểm, ý kiến của mình. Đó cũng là yêu cầu sòng phẳng trước công luận trong tinh thần công khai và dân chủ hiện nay.

Cuộc họp đã diễn ra trong không khí thật sự tin yêu, cởi mở, thẳng thắn. Mọi người nói đều thật sự coi tờ báo là tờ báo của chính mình. Khen và chê đều thật sự là vì mong muốn chân thành tờ báo ngày càng xứng đáng hơn với vai trò và vị trí của nó.

P.V. lược ghi

Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 45 (5-11-1988)

 

Mục lục 

 

 

25-12-2021