ĐỜI SỐNG VĂN NGHỆ
THỜI ĐẦU ĐỔI MỚI
 

Mục lục 


Nguồn:  Văn nghệ, Hà Nội, số 10 (11-3-1989)

THƠ VÀ SỰ PHÁT TRIỂN

Tường thuật của PHẠM TIẾN DUẬT

          Thơ Việt Nam đang tiến lên hay đang sa sút? Nên đánh giá thế nào về chặng đường thơ nửa thế kỷ qua và chặng đường dăm năm gần đây? Sắp tới, thơ ta nên như thế nào?... Những câu hỏi ấy và nhiều câu hỏi khác đã được đem ra bàn bạc tại cuộc họp Hội đồng Thơ mở rộng tại trụ sở Hội Nhà văn trong cả ngày 21-2-1989. Dự thảo luận có các nhà thơ, nhà văn: Nguyễn Đình Thi, Chính Hữu, Tế Hanh, Nguyễn Xuân Sanh, Bùi Hiển, Hoàng Minh Châu, Phạm Hổ, Hoàng Trung Thông, Nguyễn Bao, Ngô Văn Phú, Hữu Thỉnh, Võ Văn Trực, Phạm Tiến Duật, Trần Ninh Hồ, Vũ Quần Phương, Vân Long, Phan Thị Thanh Nhàn, Trần Lê Văn, Xuân Thiều, Hà Minh Đức. Đại diện Ban Văn hóa Văn nghệ Trung ương, báo Nhân dân, tạp chí Văn học, báo Văn nghệ đã tới dự.

Nhà thơ TẾ HANH, chủ tịch Hội đồng Thơ đã nói lời mở đầu, gợi mở những vấn đề cần được bàn bạc và anh cho rằng kết quả của cuộc thảo luận này sẽ giúp Hội đồng Thơ trong việc hoàn chỉnh bản báo cáo của Hội đồng sẽ đọc tại Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ IV sắp tới. Tiếp đó, nhà văn Nguyễn Đình Thi đã nói lên sự quan tâm đặc biệt của anh cũng như của đồng nghiệp về các vấn đề nội dung nghề nghiệp sẽ được đem ra bàn bạc, kết luận và gợi mở trong Đại hội tới. Bởi vậy, để có chất lượng cao trong các buổi thảo luận của Đại hội, rất cần đến nhiều ý kiến đa dạng tham gia đánh giá và nhận định cũng như bàn bạc, tháo gỡ trong từng chuyên ngành, trong đó có thơ. Anh cũng nói lên ý nghĩ của mình về nền thơ của ta nói riêng và văn học của ta nói chung.

Nhà thơ NGÔ VĂN PHÚ, phát biểu trên hai góc độ, với tư cách người viết nhìn nhận lại chặng đường thơ đã qua, và với công việc của người làm xuất bản nói về cái khó và cái cần tháo gỡ trong việc xuất bản thơ.

Nhà thơ TRẦN LÊ VĂN đã đánh giá rằng: sau Đại hội toàn quốc lần thứ VI của Đảng, thơ ca có bước chuyển rõ rệt. Sau khi khái quát lại về những ý kiến đánh giá khác nhau về phong trào thơ, anh vẫn nghiêng về ý kiến thơ đang phát triển với những hào hứng mới. Nhiều người tự bỏ tiền ra in thơ. Thậm chí, có người không đủ tiền vốn đã bán cả xe đạp đang đi, nhận đứng trông xe đạp để lấy tiền in thơ, vay nợ để in thơ. Điều ấy chứng tỏ người ta sẵn sàng "tử vì đạo" như thế nào, sức mạnh của thơ mê người như thế nào. Nhà thơ Trần Lê Văn đã kể ra hàng loạt ví dụ cảm động về các nhà thơ trẻ sống vất vả để dồn sức cho nghệ thuật và cuối cùng cũng có được những tập thơ ra đời. Anh cho rằng đánh giá những tập ấy hay, hay là chưa hay, còn tùy mức độ nhưng nhìn chung chất lượng chung là đáng mừng. Anh cũng kiến nghị tờ tuần báo Văn nghệ nên tiếp tục tăng cường mục điểm sách, phê bình sách để đông đảo nhà thơ già và trẻ đều được giới thiệu, chứ không bị sa vào tình trạng "im lặng đáng sợ" như trước đây. Anh cũng kiến nghị phải sớm uốn nắn các lệch lạc trong cách nhìn, cách đánh giá và đặc biệt coi trọng phần thơ nói riêng và văn học nói chung dành cho nhà trường.

Nhà thơ HOÀNG MINH CHÂU mở đầu bài nói của mình bằng sự định vị lại những tiêu chí đánh giá với tác giả và tác phẩm thơ. Từ việc định vị lại ấy, anh nhìn lại chặng đường đã qua của thơ với những đối chiếu và suy ngẫm bằng chính kinh nghiệm của riêng mình.

Nhà thơ NGUYỄN XUÂN SANH phát biểu với nhận định tổng quát là "Thơ ta hiện nay có nhiều đổi mới". Anh nói: "Đọc thơ nhau mấy năm nay, tuy còn nhiều mặt vụng về, sống sượng, dần đều, thiếu chiều lắng sâu, thiếu rõ ràng trong góc đứng nhưng cái ca ngợi lòa nhòa bớt dần và bớt khá. Thơ chúng ta đã bắt đầu muốn đặt thành những vấn đề của đời và của sự sống, tự đặt vấn đề cho mình là người sáng tạo và cho trang giấy mình viết". Từ nhận định ấy, nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh đã đi vào các ví dụ cụ thể và các luận cứ của anh được dẫn giải có sức thuyết phục.

Nhà thơ VÂN LONG mở đầu lời phát biểu bằng cách nói khiêm nhường rằng anh chỉ nghĩ người đang bơi nói về dòng chảy, chứ không bình xét thơ như một nhà phê bình. Anh cũng nhận thấy một sự phát triển khá ồ ạt số lượng thơ trên báo, trên sách. Ở đây, Vân Long chỉ thấy một sự quá đà nào đó đang diễn ra trong phong trào thơ. Chẳng hạn, nếu như trước đây thơ ca hơi nghiêng về ca tụng cái hay cái đẹp thì chặng vừa rồi lại hơi nghiêng về việc khai thác cái tiêu cực. Chẳng hạn, nói như trước đây hơi nghiêng về cái chung, nghiêng về các sự kiện, thì vừa rồi thơ ca lại quá sa đà vào khai thác tâm trạng, thậm chí có tâm trạng giả nữa. Về mặt hình thức, nhà thơ Vân Long thấy rằng sự thay đổi về hình thức, từng cá nhân là chuyện khác nhưng nói chung lứa tuổi trên 50 thay đổi hơi chậm, ngược lại anh em trẻ lại hơi quá nghiêng về hình thức đến mức với một số trường hợp trở thành bệnh hình thức. Anh cho rằng thơ phát triển phong phú nhưng những bài thật hay cũng chưa nhiều. Nhận định một cách tổng quát, Vân Long cho rằng nếu gạt bỏ đi phần quá đà thì thơ ca ta vẫn còn có một cái gì đấy đáng hy vọng. Ở đây, anh cũng biểu dương tuần báo Văn nghệ đã mở rộng sự cho phép thơ một cách đáng mừng. Quan niệm thơ của tờ báo (tất nhiên là phải trừ đi phần quá đà mà tờ báo cũng có) đã có ảnh hưởng tốt đến phong trào, chi phối tốt đến quan niệm biên tập thơ của nhiều tờ báo khác.

Nhà thơ TRẦN NINH HỒ trong bài phát biểu sinh động của mình cũng đã vẽ ra bức tranh toàn cảnh về sự phát triển vừa đáng vui mừng, vừa đáng lo lắng trong mấy năm qua. Anh không chỉ dừng lại ở sự đánh giá mà đã kịp thời rút ra những ý nghĩ, những bài học từ thực tiễn sinh động ấy.

Buổi thảo luận vui hẳn lên khi nhà thơ nữ PHAN THỊ THANH NHÀN phát biểu. Chị nói ngắn nhưng rõ ràng, dứt khoát. Có thể tóm tắt ý của Phan Thị Thanh Nhàn như sau: Ý kiến của chị có thể không giống ý kiến của mọi người và cũng có thể mọi người cho là lạc hậu. Rằng chị rất quan tâm đến công cuộc đổi mới của toàn xã hội mà cả nước đang thực hiện. Nhưng thơ là lĩnh vực nghệ thuật lâu bền phải được nhìn nhận trong sự lâu bền. Cho nên không nên nêu khẩu hiệu đổi mới trong thơ. Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Tú Xương, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Bính có bao giờ cũ đâu. Phải bàn đến cái hay chứ sao lại bàn đến đổi mới thơ. Cho nên sự tranh cãi, sự nhốn nháo vừa qua là đáng tiếc, là vô bổ, chỉ đem đến những cuộc cãi lộn khốc liệt trong văn chương một cách không cần thiết.

Nhà thơ NGUYỄN BAO thấy rằng thời gian, bên cạnh sự lạm phát về đồng tiền, thơ ca cũng có sự lạm phát. Sau khi nói lên những quan sát của mình đối với dòng chảy chính của thơ ca, nhà thơ Nguyễn Bao cho rằng ở đâu tồn tại sự hồn nhiên, sự giản dị thì ở đó có thơ hay. Thơ ca là quy luật của trái tim; từ trái tim đến với trái tim. Cho nên, bên cạnh những thời gian tiếp tục có thơ hay thì ở một số cây bút khác, phần đông là anh em trẻ, thơ ca lại sa vào cầu kỳ. Dù có viết theo trường phái nào đi nữa thì thơ ca cũng phải bắt đầu bằng sự rung động. Nguyễn Bao nhắc lại chữ mà Xuân Diệu ngày trước rất hay dùng là phải trở lại quy luật giá trị, không thể hạ thấp tiêu chuẩn thơ. Anh cũng để thì giờ thích đáng để bàn về bạn đọc và trách nhiệm của người làm biên tập ở các tờ báo.

Ý kiến của Nguyễn Bao cũng là ý kiến kết thúc buổi sáng thảo luận liên tục không nghỉ.

Mở đầu buổi chiều là ý kiến của anh HÀ MINH ĐỨC. Anh cũng nhận thấy một chuyển động đáng kể trong phong trào thơ. Tuy nhiên, không thể nhìn sự đổi mới này theo kiểu chung chung mà phải nhìn bước chuyển tùy theo mức độ ở từng người viết, ở từng phong cách viết. Nếu như trước đây vấn đề định hướng được nêu ra đối với một phong trào hay với một mảng đề tài lớn nào thì nay vấn đề định hướng phải đặt ra với từng người. Anh biểu dương cái ưu điểm của thơ ở chặng đường vừa qua là sự cởi mở cả về nội dung, cả về hình thức. Cái tôi được tự khẳng định mình cũng là một bước đáng ghi nhận. Về lực lượng cầm bút, anh thấy ở lứa tuổi nào cũng có những cố gắng như lực lượng các nhà thơ lớp tuổi chống Mỹ vẫn là những tác giả có nhiều sáng tác hay. Anh Hà Minh Đức cũng nói tới những nhược điểm của thơ ở chặng đường vừa qua. Anh cho rằng thơ tham gia chống tiêu cực chưa hay. Thơ khai thác cái tôi, tâm trạng còn có người có bài cầu kỳ, ồn ào. Anh cũng đề cập lĩnh vực phê bình thơ và vị trí của nó đối với nhà trường.

Nhà thơ Trần Lê Văn trao đổi lại đôi ý về ý kiến của Phan Thị Thanh Nhàn. Anh cũng đồng ý với ý chính của nữ thi sĩ, nhưng theo anh, nói như thế là hơi cực đoan. Rõ ràng sự đổi mới mà mọi người đang nói tới là điều cần thiết, bởi một sự thật ai cũng thấy là thơ ca chặng vừa rồi rõ ràng là có cởi mở hơn, các gò bó ràng buộc bớt đi chẳng hạn. Trần Lê Văn cũng nêu ý kiến đồng tình với Nguyễn Bao về sự cần thiết phải đòi hỏi sự hồn nhiên ở trong thơ. Anh cũng nhấn mạnh việc cần ủng hộ nhiều cách viết khác nhau, khuyến khích mọi khuynh hướng thơ của mọi lứa tuổi.

Nhà thơ PHẠM HỔ ngay từ câu chuyện đầu tiên đã nhắc đến Xuân Diệu. Anh nhắc lại câu nói mà Xuân Diệu hay nói với anh em trẻ rằng "thơ khác, thơ tân văn khác". Từ ý ấy, anh Phạm Hổ nhấn mạnh lại tiêu chuẩn nghệ thuật phải là tiêu chuẩn đầu tiên để đánh giá thơ ca. Thơ có thể là thơ chống tiêu cực, nhưng trước hết và cũng là sau cùng, thơ phải là thơ cái đã. Anh nhấn mạnh đến một việc khác hết sức quan trọng là làm sao để thơ có thể đến với đông đảo người đọc. Từ những dẫn chứng cụ thể, nhà thơ Phạm Hổ lưu ý rằng, bên cạnh sự phát triển về số lượng phải nói tới sự đi xuống của vị trí thơ. Cái lỗi trước hết là ở các cơ quan xuất bản và báo chí. Chẳng hạn, năm qua, 1988 là năm mất mùa của thơ viết cho thiếu nhi. Đấy là nhìn trên mặt sách, mặt báo. Thực tế thì phong trào thơ thiếu nhi nói riêng và thơ nói chung không sa sút mà còn tiến lên. Chính các quan niệm thiên về thương mại đã kéo thơ đi xuống.

Nhà thơ HOÀNG TRUNG THÔNG ghi nhận là có một sự đổi mới trong thơ nhưng không phải sự đổi mới một lúc mà phải qua các giai đoạn lịch sử thơ có đổi mới về cả nội dung và hình thức. Sau khi đưa ra những ví dụ để thấy rằng ở mỗi chặng đường khi có sự sang trang của lịch sử thì cũng có điều kiện để thơ sang trang, nhà thơ đồng thời là nhà lý luận văn học. Hoàng Trung Thông đi đến kết luận rằng, khi nói đến đổi mới trong thơ, trước hết là đổi mới về tâm hồn, đổi mới về tình cảm rồi mới đến đổi mới về phong cách và sự diễn đạt cho phù hợp với cái mới trong tâm hồn và tình cảm.

Nhà thơ BẰNG VIÊT đặt câu hỏi là hiện nay, bằng thực tiễn của người đọc hiện nay, có nên nói dân tộc ta là dân tộc yêu thơ hay không. Anh đưa ra các dẫn chứng có sức thuyết phục về các thị hiếu hiện nay của thanh niên, về sự rối loạn đáng kể trên thị trường sách. Bằng Việt nhấn mạnh đến điều này trong lòng tin về một dân tộc có bề dày văn hóa nhưng chính vì thế trách nhiệm càng phải rất cao đối với những người làm công tác xuất bản và báo chí và những người làm công tác văn hóa nói chung. Bởi vậy phải khôi phục lòng yêu thơ trong công chúng; khôi phục lòng yêu thơ, cũng có nghĩa là khôi phục các giá trị về cái đẹp, cái e ấp, cái kín đáo, tinh tế, thâm trầm vốn có trong văn hóa dân tộc. Và, muốn thế, không có gì khác hơn điều cuối cùng là phải có thơ hay.

Nhà thơ Phạm Tiến Duật cũng đồng ý với các ý kiến cho rằng nền thơ ta đang có bước chuyển rất đáng mừng nhưng cũng không phải không có gì băn khoăn. Nếu nói đến đổi mới ở đây là nói trên cả hai nghĩa: cái mới như một sản vật sáng tạo có tính chất đơn nhất, không lặp lại. Thơ hay thuở trước vẫn mới là theo nghĩa đó. Và ở đây cái hay và cái mới trong nghệ thuật có sự đồng nghĩa như chị Nhàn đã nói. Và sự đổi mới trong ngành thơ theo nghĩa thứ hai là sự đổi mới về cả nội dung, hình thức thơ, cơ chế xã hội bao quanh và sự dấn thân của chính nhà thơ trước số phận và con đường đi của những người cùng thời. Phạm Tiến Duật cũng góp thêm về sự chuyển hướng nào đó trong nội dung thơ mấy năm vừa qua. Dường như thơ, từ vị trí cái ta, chuyển sang cái tôi, từ sự hướng ngoại chuyển sang hướng nội? Bề ngoài thì có vẻ là như vậy. Nhưng thơ với đúng nghĩa của nó, từ xưa đến nay bao giờ cũng từ cái tôi cả. Những bậc tiền nhân của ta và của các dân tộc bạn, dù có bị giăng vây trong mọi sự hà khắc khác nhau thì cái tôi trong thơ vẫn hiện ra. Không có cái tôi thì làm sao hình thành một phong cách thơ được? Tuy nhiên, cái tôi có ba bảy đường thiện ác, vậy hay dở, lành dữ còn tùy ở những trường hợp cụ thể.

Nhà thơ HỮU THỈNH trích dẫn ý kiến khác nhau của một số cây bút thơ. Rằng người này đòi hỏi thơ phải trí tuệ hơn, nhiều tình cảm quá; người khác lại cho rằng thơ ta phát triển không kinh qua một giai đoạn nào đó nên đã bỏ qua trừu tượng, bỏ qua siêu thực là điều thiệt lớn. Ý kiến về thơ thật là khác nhau. Nhà thơ Hữu Thỉnh trích dẫn những ý kiến ấy một cách rất bình tĩnh. Anh nói rằng, đằng sau ta, may mắn thay lại có cả một nền thơ đã trở thành cổ điển, không thua kém ai, đảm bảo cho ta. Nguyễn Du chẳng hạn, ông vừa hiện thực lại vừa siêu thực, vừa tình cảm lại vừa trí tuệ. Vậy, theo anh, cái hay vốn dĩ không phân tuyến. Sự phân tuyến vội vàng trong văn học dễ đi đến sự sơ lược. Cái đáng quan tâm là làm sao để có thơ hay hơn. Thơ hay thì nó sẽ tự nhiên đi vào đời sống. Thơ nói điều thiện và điều ác là chuyện xưa mà cũng là chuyện nay. Anh nhấn mạnh lại điều này trong khi bàn đến đổi mới trong thơ, có lẽ bên cạnh sự cấp bách đổi mới về điều kiện của thơ, phải chống nóng vội để gìn giữ những giá trị lâu bền của chính thơ ca.

Nhà thơ VŨ QUẦN PHƯƠNG, bằng ý kiến của mình, muốn có một sự trầm lắng bình tĩnh trong sự nhìn nhận đánh giá phong trào, bi quan đã chẳng nên mà bốc đồng lại càng không nên. Anh nói đến giá trị thực, được sàng lọc qua typo, bằng mắt và bằng thời gian. Anh cho rằng không nên kết luận sớm quá về dân mình có yêu thơ hay không. Bên cạnh việc in ấn và thị trường sách phát triển đa dạng mà anh cho là điều khó tránh, Vũ Quần Phương kiến nghị nên có một quỹ bảo hiểm cho thơ. Nến tập thơ nào thật hay, đáng in, có quỹ ấy thì mới dám mạnh tay. Ý kiến độc đáo này được nhiều nhà thơ tỏ ý tán đồng.

Nhà văn XUÂN THIỀU trước đây đã in nhiều thơ và chặng sau anh ngả hẳn sang văn xuôi, cuối buổi cũng đã tham gia góp ý. Anh đánh giá thiên chức thơ như sự kỳ diệu mà Hegel đã suy tôn. Anh đồng tình với nhiều ý kiến cho rằng thơ đang phát triển sinh động đáng mừng nhưng vì thế trách nhiệm của các cơ quan xuất bản và báo chí là rất quan trọng.

Nhà thơ TẾ HANH hoan nghênh kết quả một ngày thảo luận sôi nổi và kết quả, nhiều ý kiến làm chúng ta phải tiếp tục suy nghĩ và trao đổi.

 

Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 10 (11-3-1989)

Mục lục