ĐỜI SỐNG VĂN NGHỆ
THỜI ĐẦU ĐỔI MỚI

Mục lục


Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 49 (7-12-1988)

 

 

KHỞI SẮC, HAY LÀ
SỰ CHUYỂN MÌNH CỦA VĂN HỌC

NGỌC OANH

Thực trạng văn học những năm gần đây là một vấn đề thời sự không riêng của giới văn học mà thu hút được sự chú ý rất lớn trên bề rộng của xã hội. Công chúng bàn nhiều, tranh luận nhiều. Trên các phương tiện thông tin đại chúng hầu như thường xuyên có đăng các ý kiến đánh giá tình hình văn học kể cả trên các báo và tạp chí xưa nay ít gần gũi với văn trường. Điều đó cho phép khẳng định: văn học đang được sự quan tâm của xã hội. Vậy vì sao có sự quan tâm ấy? Sơ bộ khảo sát tình hình, chúng tôi cho rằng: văn học mấy năm qua đã thu hút công chúng bằng một sắc thái mới. Công chúng lắng nghe tiếng nói tha thiết, gần gũi chân thành của văn học không do hiếu kỳ mà do một cái gì đó sâu sắc hơn.

Nằm trong chỉnh thể thống nhất của xã hội ở thời kỳ đang có những chuyển động lớn, văn học đã không tự khu biệt, nó chuyển mình và tự giác đứng vào đội ngũ tiên phong của các lực lượng đổi mới. Dù nó còn mới mẻ non yếu, vẫn không thể phủ nhận những thành tựu đã có của văn học. Những thành tựu sơ khai này là vốn liếng ban đầu là nền tảng cho một bước ngoặt lịch sử. Văn học hôm nay là kết quả của một quá trình nhận thức, suy tư trăn trở của những nhà hoạt động văn học tâm huyết. Văn học đang khởi sắc và đang trên con đường vượt thoát khỏi lối mòn cũ để tìm đến với cái hạt nhân hợp lý của nó. Bên cạnh phạm trù "chúng ta" tượng trưng cho sức sống, sức mạnh của cộng đồng, đã xuất hiện đậm nét hơn "cái tôi" trong tư cách là một cá tính xã hội, một thân phận xã hội, được khám phá và phản ánh như một phạm trù gắn liền với cái "chúng ta". Tư duy nghệ thuật trước đây nay không còn thích ứng với yêu cầu mới, tình hình đó đặt văn học trước nhu cầu phải chuyển biến để tiếp cận hiện thực mới, toàn diện và lấy con người làm đối tượng miêu tả trung tâm. Trong đó, con người không là một "khuôn mẫu màu hồng" họ được phản ánh trọn vẹn, không né tránh, nhẹ tay trước cái xấu. Dù là còn phôi thai, công chúng đã cảm nhận từ văn học hình ảnh của chính họ, tiếng nói tâm tư nhu cầu bức thiết của chính họ. Cuối cùng họ tìm thấy từ văn học sự đồng cảm và nguồn cổ vũ.

Mấy năm qua, tác phẩm văn học được xuất bản khá nhiều (không kể sách dịch) phong phú về thể loại. Các tác phẩm nổi bật thường lấy đề tài là những vấn đề nhân sinh. Con người cùng cuộc sống của họ được miêu tả từ nhiều bình diện, trong bối cảnh xã hội phức tạp với sự sa sút của tình người, của các quan hệ xã hội... Con người được nhìn nhận một cách tỉnh táo trong sự thật xã hội và sự thật con người, dù là sự thật chua xót, đau lòng. Nhà văn đã nhập cuộc, tham gia vào tiến trình xã hội với ý thức công dân xã hội chủ nghĩa và sức nặng nhân văn của ngòi bút. Thời gian có lẽ chưa đủ để văn học có những tác phẩm dài hơi. Tiểu thuyết mới chỉ có bóng dáng một hơi thở mới, như trong Những ngày thường đã cháy lên (Xuân Cang), Mảnh đất tình yêu của Nguyễn Minh Châu... Xa hơn nữa phải kể tới Mùa lá rụng trong vườn (Ma Văn Kháng), Thời xa vắng (Lê Lựu)... Những tiểu thuyết này được bình tĩnh đón nhận, và bình giá không tán tụng, đại ngôn. Văn đàn và công chúng hình như đã rút ra bài học qua việc biểu dương quá mức những cuốn sách kiểu Cù Lao Tràm. Tiếng vang của Thời xa vắng không dừng lại ở phạm vi trong nước. Cả một thế hệ thấy được những méo mó thiếu hụt của mình qua một Giang Minh Sài sống động và rất thật. Tác phẩm này xếp Lê Lựu vào đội ngũ những nhà văn có xu hướng đánh giá con người từ sâu thẳm quá khứ bằng một cảm quan mới, chân thực và có trách nhiệm.

Mỗi tiểu thuyết có một dáng vẻ riêng, là bức tranh nhỏ trong toàn cảnh lớn mà ở đó con người đang vật lộn, là nạn nhân của cái ác, của sự suy giảm kỷ cương xã hội. Về đề tài chiến tranh, nhà văn cũng có cách lý giải mới. Không phải trò đùa của Khuất Quang Thụy là điển hình cho cách lý giải này. Chiến tranh dưới ngòi bút Khuất Quang Thụy ít tiếng bom rơi, ít tiếng đạn nổ; và người lính xưa nay vốn được miêu tả như những con người của lý trí, thì nay với Khuất Quang Thụy, họ suy nghĩ và hành động từ tầm cao của chủ nghĩa nhân đạo chân chính, biết tự kiểm nghiệm mình trong cuộc chiến tranh. Qua đó cái ác, cái phi đạo lý không chỉ hiện ra từ phía kẻ thù, đôi khi nó còn hiện ra từ những người đồng đội biến chất...

Văn học khởi sắc rất rõ nét trong thể loại truyện ngắn. Ở thể loại này, Nguyễn Minh Châu có đóng góp rất xuất sắc với tập truyện ngắn Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành. Rồi lần lượt sau đó là một loạt truyện ngắn có tiếng vang của Trần Quốc Huấn, Nguyễn Huy Thiệp, Mai Ngữ, Phạm Thị Hoài, Dạ Ngân... với Bên ấy trước có người ở, Tướng về hưu, Chuyện như đùa... Chuyện đời và cảnh ngộ con người hiện tại là chủ đề xuyên suốt trong các tác phẩm này. Mỗi chuyện là một mảnh đời, mỗi người là một thân phận được mô tả như một mắt xích của xã hội. Họ là sự phẫn nộ trước cái ác, là tiếng nói chân thành hướng tới đổi mới, hướng tới nhu cầu tự vượt mình để chiến thắng trước cái xấu, cái ác. Nguyễn Khải tiếp tục thành công ở giai đoạn trước với Cái thời lãng mạn báo hiệu anh đã nhanh chóng đẩy ngòi bút tới những vấn đề thời đại dưới ánh sáng của một tư duy mới. Cùng với phút "xuất thần" của các cây bút vốn được xếp hạng "thường thường bậc trung" xưa nay, ở thể loại truyện ngắn xuất hiện khá nhiều cây bút trẻ sớm có phong cách riêng. Truyện ngắn là thể loại khó, truyện ngắn thành công lại càng khó. Cây bút trẻ thử sức mình chủ yếu bằng truyện ngắn; và phải công nhận bước đầu họ đã thành công. Trong số này, Nguyễn Huy Thiệp đặc biệt thu hút sự chú ý của đông đảo bạn đọc. Năm 1987, Tướng về hưu của anh có thể được coi là ngôi sao sáng của văn đàn. Sang 1988, chùm truyện ngắn lịch sử của anh trên báo Văn nghệ đã mở đầu cho một cuộc "đại tranh luận", khen nhiều và chê cũng lắm. Nguyễn Huy Thiệp có một bút pháp sắc sảo, độc đáo, anh có thể dao động từ giới hạn lung linh huyền ảo của Con gái thủy thần đến giới hạn nghiệt ngã của Phẩm tiết... Sơ xuất lớn nhất mà Nguyễn Huy Thiệp phạm phải là khi sử dụng những nhân vật đã ổn định về giá trị trong quá khứ để chuyển tải các vấn đề hiện thực, anh dễ làm tổn thương tới quan niệm truyền thống của dân tộc.

Trong các cây bút trẻ, Nguyễn Huy Thiệp khá nổi bật. Anh quả là mới mẻ, lạ lẫm, thật lạnh lùng những khi anh phơi bày, lột tả sự sa đọa của nhân cách, hành vi, ngôn ngữ của nhân vật. Song càng đọc kỹ, càng thấy nỗi đau, niềm thương cảm của anh về thân phận những con người bị ruồng bỏ, xô đẩy đến tận đáy xã hội. Nếu là một tuyên ngôn, thì phải nói rằng tuyên ngôn nghệ thuật của Nguyễn Huy Thiệp cao quý lắm, và đạt được cũng khó khăn lắm. Trong Giọt máu, Nguyễn Huy Thiệp viết thế này: "Văn chương phải bất chấp hết, ngập trong bùn, sục tung lên, thoát thành bướm và hoa, đấy là chí thánh". Đọc một nửa đoạn văn, người ta sẽ lập tức gạch tên anh khỏi danh sách nhà văn, đọc tiếp nửa còn lại sẽ phải giật mình. Nói đến "bùn" thì văn học lâu nay mới chỉ đứng trên bờ và vừa chỉ vừa hô "Bùn đấy, tránh ra". Nguyễn Huy Thiệp lại ngập trong bùn, rồi sục tung nó lên nữa chứ! Song anh sục lên để làm gì? Để "thoát thành bướm và hoa". Từ "bướm và hoa" rồi thoát thành "bướm và hoa" thật không khó, nhưng từ "bùn" mà thoát thành "bướm và hoa" thì thật dũng cảm! Lòng ưu ái con người của ngòi bút Nguyễn Huy Thiệp ở đâu nếu không phải ở cái ước nguyện từ bùn "thoát thành bướm và hoa" đó? Cho nên, để đánh giá đầy đủ sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp phải hiểu anh hơn, và không nên tiếp cận anh từ lối tư duy sáo mòn, cứng nhắc. Và chúng ta cũng hy vọng trong khi "sục tung bùn lên" anh chớ để tay mình dính "bùn", như thế là sẽ làm hại văn chương và độc giả của anh.

Thể loại truyện ngắn đã có thành tựu như vậy, nhưng phải nói bên cạnh đó, người đọc chú ý nhiều đến thể loại phóng sự văn học, một thể loại vừa được khôi phục trong một vài năm nay. Vua lốp, Làng giáo có gì vui... và nhất là Cái đêm hôm ấy... đêm gì? có sức thuyết phục rất cao. Văn học xã hội chủ nghĩa trước 1975 đã có những bài ký mẫu mực, trong giai đoạn này thể loại phóng sự dũng mãnh, quả cảm hơn, nó như người lính xung kích của văn học trên mặt trận đổi mới. Phóng sự được công chúng tin cậy bởi tính xác thực của nó, sự thật và sự trung thành với sự thật của nhà văn đã khơi dậy ý thức trách nhiệm ở từng người, ở mọi người. Có điều đáng tiếc là vẫn còn có người coi phóng sự như bản photocopy của cuộc sống nên không nhìn nhận chúng như một tác phẩm nghệ thuật với giá trị mà nó vốn có.

Sẽ là chưa đầy đủ khi bàn tới sự khởi sắc của văn học lại không điểm tới thơ ca - bộ phận văn học trước đây gần như mất độc giả. Bình tĩnh nhìn lại sẽ thấy thơ của Ý Nhi, Nguyễn Duy, Thanh Thảo gần đây đến với người đọc bằng một giọng điệu mới. Cuộc sống vào thơ với thần sắc vốn có của nó thông qua cảm xúc của nhà thơ. Bằng sự nhạy cảm và cố gắng không thi vị hóa cuộc sống, thơ đã dung nạp trong nó những vấn đề hiện thực.

Với hình thức biểu hiện phong phú, thơ không quay lưng lại với con người và đang có tiếng nói chung với con người. Tuy vậy, để theo kịp sự kiện, một số bài thơ có sự mất cân đối giữa sự kiện và cảm xúc nên yếu tố trữ tình, hàm súc, tập trung, cô đọng của thơ còn mờ nhạt. Nói tới thành tựu mới của thơ, xin không nhắc tới thứ thơ mông lung, trần trụi... như tập Ngựa biển. Căn cứ vào những phản ứng trước tập thơ này, có thể nói công chúng văn học không đồng nhất cái mới của thơ với cái dị dạng, lạc lõng...

Bức tranh sôi động hiện tại của văn học đang được phát ra trên những mảng lớn. Có mảng sáng, lại có mảng mờ mờ... do có những quan niệm khác nhau của các xu hướng văn học trước công cuộc đổi mới. Sự khởi sắc của văn học là mảng sáng nhất, như dòng chủ đạo hướng tới một thời kỳ chuyển động mạnh mẽ. Trên con đường đi tìm những chân giá trị, văn học không thể không tránh khỏi va vấp, sai sót. Nhưng thực trạng văn học đã khẳng định văn học đang thật sự khởi sắc, thật sự chuyển mình. Có thể tìm thấy sự khởi sắc trong quan niệm nghệ thuật, tư duy sáng tạo của nhà văn và trong các sáng tác văn học tiêu biểu. Chưa bao giờ công chúng hưởng ứng với văn học như hiện nay. Công chúng không thờ ơ vì nhiều vấn đề do văn học đặt ra buộc họ phải suy nghĩ, day dứt. Văn học đã phát hiện vị trí thật sự của nó trong quá trình Hiện thực - Văn học - Công chúng.

Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 49 (7-12-1988)

 

Mục lục

24-11-12