ĐỜI SỐNG VĂN NGHỆ
THỜI ĐẦU ĐỔI MỚI
 

Mục lục 


Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 10 (11-3-1989)

 

CUỘC HÀNH TRÌNH ĐẦY VẤT VẢ

MAI NGỮ

 

Trước đây đã có người nghĩ một cách đơn giản sự đổi mới trong văn học chỉ cần mỗi xuất hiện trên những trang báo Văn nghệ với những bài lý luận, bút ký, phóng sự hay truyện ngắn của một số cây bút mới vào nghề. Và do đó người ta có thể đặt câu hỏi vào hoạt động của đông đảo giới nhà văn rằng lâu nay họ đã làm gì? Họ có chịu đổi mới không? hay tự nguyện làm như­ những anh bảo thủ, trì trệ, sự đổi mới sẽ ảnh h­ưởng không hay đến vị trí xã hội cũng như lợi quyền của họ? v.v...

Đại khái có những người suy nghĩ đến là hồn nhiên như thế. Và như thế cũng tức là người ấy không theo dõi suốt cả quá trình hoạt động văn học và một chặng đường dài của văn học Việt Nam qua mấy chục năm nay. Hơn nữa, quan niệm về sự "đổi mới" của văn học như vậy là quá thô thiển và thực dụng, lẫn lộn văn học và báo chí, giữa văn học và chính trị. Rõ ràng là tình hình xã hội, tình hình chính trị và kinh tế của đất nước hiện nay đang cần phải đẩy mạnh công cuộc đổi mới. Đổi mới tư duy, đổi mới cách tổ chức, cán bộ, đổi mới phong cách... nhưng trong từng mặt của đời sống, sự đổi mới này lại có ý nghĩa là sự trở lại với chính mình, làm đúng chức năng và vai trò xã hội, làm đúng với tính quy luật...

Trong văn học điều này càng rõ ràng. Văn học đổi mới như thế nào? Đâu phải chỉ dăm ba cái truyện, cái ký tập trung vào việc chống tiêu cực là hy vọng đổi mới được cả một nền văn học? Đâu phải chỉ phản ánh một chiều những sự thật cay đắng của đời sống là có thể đổi mới được tất cả? Thời đại nào cũng vậy, phàm đã là một nhà văn thì nếu muốn tồn tại, phải luôn luôn tự đổi mới: trừ phi anh chỉ định viết có mỗi một cuốn sách rồi chết luôn. Mỗi nhà văn tự đổi mới được thì cả nền văn học sẽ khởi sắc và luôn nắm giữ vai trò chức năng xã hội của nó, đóng góp cho đời tiếng nói nhân bản thiêng liêng nhất của con người. Tất nhiên mỗi bước đi của người viết tìm ra con đường tự đổi mới ấy là thử thách của bản thân họ trước dư luận, thử thách về tài năng, về bản lĩnh và về quan điểm thẩm mỹ của cả người viết lẫn ngư­ời đọc. Tác phẩm của nhà văn sau khi ra đời bao giờ cũng tạo ra hai luồng dư luận: khen và chê. Rồi những cuộc tranh luận tiếp theo. Cái kết cục bao giờ cũng tốt đẹp, mở ra một chặng đường mới cho văn học. Cách đây 40 năm, cuộc tranh luận giữa Nghệ thuật và tuyên truyền giữa đồng chí Trường Chinh và họa sĩ Tô Ngọc Vân tại Việt Bắc năm 1974 là một cuộc tranh luận bổ ích, dân chủ và cởi mở. Rồi cuộc tranh luận về thơ giữa Nguyễn Đình Thi và Lưu Trọng Lư (thơ có hay không cần có vần) tiếp theo vào năm 1948. Những cuộc tranh luận ấy đã tạo ra một không khí lành mạnh và thúc đẩy sự sáng tạo.

Cho đến cuộc tranh luận văn nghệ ở thời kỳ 1955-1956 thoạt đầu chỉ bó hẹp trong phạm vi tranh cãi và thẩm định một hai tác phẩm vừa xuất hiện lúc đó, trao đổi về tự do sáng tạo, về văn nghệ và chính trị v.v... Nó sẽ có tác dụng tốt đẹp nếu nó không bị lái theo chiều hướng không lành mạnh do những bàn tay thiếu thiện chí xen vào. Kết quả bi thảm là một số nhà văn, nhà thơ đã phải gánh chịu số phận nặng nề suốt bao năm ròng rã.

Tuy nhiên, cuộc đấu tranh văn nghệ ấy (thoạt đầu chỉ là tranh luận) đã tạo ra những nhân tố tích cực của nó. Nếu theo dõi văn học Việt Nam, ta sẽ thấy có một thời kỳ hoàng kim của văn học cách mạng nở rộ suốt từ năm 1957 đến 1963. Đó là thời kỳ miền Bắc vừa được giải phóng, hoàn thành kế hoạch khôi phục kinh tế ba năm và bắt đầu đi vào kế hoạch kinh tế năm năm lần thứ I. Đó là thời kỳ mà sự lãnh đạo của Đảng rút được kinh nghiệm qua những năm trước, sửa chữa và uốn nắn những nhược điểm trong lãnh đạo văn nghệ. Đó cũng là thời kỳ nhân dân cả nước vừa đánh thắng cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp, miền Bắc giải phóng thật sự ổn định trong một tình hình kinh tế, chính trị ổn định. Tất cả chúng ta được sống trong tình thương và đạo lý xã hội chủ nghĩa. Đó là một cái nền rất vững chắc và thuận lợi cho sự phát triển của văn học (văn nghệ) cách mạng. Từ những nhà văn tiền chiến như Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng, Xuân Diệu, Huy Cận, Tô Hoài, Chế Lan Viên, Nguyễn Đình Thi đều xuất hiện với những tác phẩm có bề thế. Tiếp đó là các nhà văn trẻ thời đó: Nguyễn Khải, Nguyên Ngọc, Võ Huy Tâm, Nguyễn Ngọc Tấn, Hồ Phương v.v... cũng cho ra đời những tính chất của sự sáng tạo văn chương. Thời kỳ này cũng chỉ có thể xuất hiện vào lúc đó và sau này chắc không thể diễn lại được...

Người ta chắc còn nhớ, sớm hơn một chút, cuốn tiểu thuyết của Tô Hoài: Mười năm, cuốn sách ra đời vào năm 1957 viết về một giai đoạn 10 năm từ 1935 đến 1945 ở một vùng dệt thủ công. Đây là một tác phẩm xuất sắc của tác giả Dế mèn phiêu lưu ký, một tác phẩm không kém phần công phu, mang bao nhiêu tâm huyết của nhà văn gần như là máu thịt của ông. Những trang viết về đám thợ dệt và những ngày hoạt động cách mạng hồn nhiên và sôi nổi của họ, về vụ đói năm 1945 hay về những người đàn bà như chị Hai Tâm là những chương tiểu thuyết cực hay với ngòi bút tài hoa và sắc sảo. Nh­ưng sau đó chỉ có hai bài phê bình: một bài dưới dạng bức thư ngỏ của một cán bộ quân sự và một của nhà phê bình đã dìm luôn tiểu thuyết vào quên lãng, chẳng ai được nhắc đến nó nữa. Cái đuôi của cuộc đấu tranh văn nghệ vừa tạm kết thúc đã quật ngay vào tác giả Truyện Tây Bắc. Sự đổi mới quá sớm và không đúng lúc đã bị trả giá. Mà cho đến nay, trong khi người ta cho in lại khá nhiều cuốn gọi là "có vấn đề" của thời kỳ cũ thì Mười năm vẫn chưa được nhớ tới?

 Đổi mới, đó là yêu cầu tự thân của cái nghiệp văn. Và cái sự đổi mới văn chương ấy chẳng bao giờ được suôn sẻ ngay từ bước đầu. Nó cũng phải trải qua bao lần chìm nổi, bao cái lênh đênh. Còn nhớ, sau thời kỳ hoàng kim của văn học kết thúc, nào Con chó xấu xí của Kim Lân, nào Văn Ngan tướng công của Vũ Tú Nam rồi Con nai đen của Nguyễn Đình Thi bị lên án. Ngay cuốn Phá vây của Phù Thăng chỉ có một câu không đúng quy cách cũng đã làm tác giả của nó phải lao đao khi anh muốn "đổi mới" đôi chút cách nghĩ về chiến tranh. Nguyễn Khải thường được coi là cây bút nhạy bén với thời cuộc. Đọc tác phẩm của anh, ai cũng thấy tác giả chẳng bao giờ chịu chấp nhận sự sáo mòn. Sách của anh ra đều đặn luôn tạo cho người đọc nhiều suy nghĩ mới mẻ, bất ngờ, dư luận hoan nghênh và ủng hộ. Nhưng vào năm 1974 sau một loạt bài văn chính luận đăng trên báo Nhân dân thì chính nhà văn này cũng bị phiền hà do những luồng dư luận đan chéo nhau. Nguyễn Đình Thi con người vừa qua bị chụp mũ là bảo thủ đấy nhưng chính là tác giả của sáu vở kịch bị "cấm" trong đó có cái mà mọi người đều biết: Con nai đenNguyễn Trãi ở Đông Quan. Và ai cũng biết Nguyễn Tuân, ông già cao tuổi nhưng đầu óc rất trẻ, hễ viết ra câu gì đều có tiếng xầm xì xung quanh: Phở và Tình rừng thì khỏi nói, bất cứ tác phẩm nào của ông, ng­ười đọc đều nhận thấy tâm huyết của nhà văn đọng lại rất nhiều.

Mấy năm gần đây, văn học đã chuyển mình ở mức ồ ạt đáng kể, ngay từ trước khi có cuộc "đổi mới". Với sự hiểu biết hạn chế của mình, tôi có thể dẫn ra đây những cuốn văn xuôi được dư luận đánh giá cao: Gió từ miền cát là sự đổi mới của Xuân Thiều, cũng như Thời xa vắng của Lê Lựu, Mùa lá rụng trong vườn của Ma Văn Kháng, rồi Những ngày thường đã cháy lên của Xuân Cang... cùng với những tiểu thuyết truyện ngắn của các tác giả trẻ: Nguyễn Quang Lập, Đoàn Lê, Hồ Anh Thái hay Vũ Thư Hiên... Một loạt mấy chục vở kịch của Lưu Quang Vũ để lại chắc không phải là "cũ"? Cũng như những tiểu thuyết, truyện ngắn, truyện vừa của Nguyễn Minh Châu, nhà văn quá cố này đã mày mò tìm sự đổi mới trước khi anh đọc "lời ai điếu" rất lâu. Tiểu thuyết Dấu chân người lính làm sao có thể liệt vào "văn chương minh họa" hay "văn chương cung đình" được? Bao giờ, thời nào nó cũng giữ được vị trí xứng đáng trong nền văn học cách mạng của chúng ta.

Một nhà văn tự đổi mới có quyền tồn tại với bạn đọc. Rồi anh lại bị cũ đi (hoặc anh tự thấy mình cũ đi), và anh phải cố gắng vươn mình đến "cái mới", đáp ứng nhu cầu tự thân của ngòi bút và của người đọc. Đó là cả một hành trình khó nhọc và gian truân để đi đến cái đích thực của văn học.

Đã có thời kỳ không ít người phê phán văn học minh họa. Đúng là có thứ văn chương ấy và mỗi người cầm bút đều đã có lần làm cái việc minh họa ấy. Đấy là lúc chúng ta chưa được cởi trói hoặc tự cởi trói. Và người viết cứ nghĩ làm thế là thật sự làm theo yêu cầu của Đảng. Tôi cho rằng, điều này chẳng có gì sai trái nếu chúng ta thật sự viết theo yêu cầu của Đảng. M. Solokhov đã từng nói: "Chúng ta viết theo mệnh lệnh của trái tim và trái tim ấy thuộc về Đảng" mấu chốt của vấn đề là trái tim của nhà văn. Lịch sử nghệ thuật thế giới không thiếu gì trường hợp sáng tác theo yêu cầu, theo mệnh lệnh mà sau này tác phẩm ấy vẫn trở thành kiệt tác của nhân loại. Léonard de Vinci hay Mickenland đã từng vẽ tranh theo yêu cầu gần như bắt buộc của nhà thờ, nhưng bằng tài năng và bằng trái tim, các ông đã để lại cho đời sau những tác phẩm hội họa vĩ đại. Kỳ tích Angkor chắc chắn không phải sản phẩm tự nguyện của nhà kiến trúc và điêu khắc Khơme cách đây hàng chục thế kỷ.

"Văn học minh họa" trước kia còn đồng nghĩa với văn học gia công. Có nghĩa là nhà văn giống như người thợ thủ công, sản xuất theo đơn đặt hàng và theo nguyên liệu được cấp. Số phận của người khác, cuộc đời khác, tâm hồn khác, nhà văn chỉ mỗi việc lắng nghe, ghi chép, cóp nhặt và gắn lại thành một cục, vê tròn hay bóp méo tùy theo đơn đặt hàng. Yếu tố thành công của loại văn học ấy là sự khéo léo của đôi bàn tay thủ công. Tôi đã từng chứng kiến và tham gia các vụ đó, nhất là sau những kỳ đại hội anh hùng và chiến sĩ thi đua toàn quốc. Vào những ngày này người viết gọi nhau và chia nhau làm ăn cho các nhà xuất bản. Rồi sau đó cũng có nhiều người dám thay mặt cho các nhân vật nổi tiếng của mình tiếp xúc và trao đổi với bạn đọc... Thế nhưng trong số đông không thành đạt thì cũng có những cuốn sách vượt lên, trở thành những tác phẩm văn học hẳn hoi như trường hợp Đất nước đứng lên hay Người mẹ cầm súng. Tác giả của chúng, khi viết đã huy động cả vốn sống thật sự của mình, cả cuộc sống chiến đấu và tâm hồn mình cùng rung động của trái tim, cùng ý thức trách nhiệm của ngòi bút. Dấu ấn của riêng tác giả để lại rong tác phẩm còn sâu đậm hơn cả số phận nhân vật. Chính trong những cuốn sách mặc dù được viết theo yêu cầu, nhà văn đã làm bằng bao nhiêu tâm huyết và tài năng. Cho nên không thể gọi đó là minh họa, đó là văn học thật sự...

Xét cho cùng, nhà văn bao giờ cũng biết viết theo đơn đặt hàng không phải của cá nhân hay tổ chức nào, mà là của cả xã hội. Và mỗi nhà văn tiếp nhận cái đơn ấy một cách khác nhau, thực hiện sự đặt hàng bằng nguyên liệu riêng của mình, chỉ mình mới có. Mặt khác xã hội cũng có quyền tiếp nhận hay không thứ sản phẩm tinh thần mà nhà văn sáng tạo nên. Đó là hai mặt của một vấn đề, đó cũng là mối tương quan giữa nhà văn và xã hội...

Từ hai năm đổ lại, nhất là từ sau Đại hội Đảng VI, cả xã hội chúng ta đang có những chuyển động lớn. Trước hết là sự chuyển động về tinh thần và tư tưởng. Cả nước đi vào bước tập dượt của công cuộc vận động dân chủ hóa: "lấy dân làm gốc" hoặc "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra"... Các cơ quan thông tin đại chúng bằng các loạt bài "chống tiêu cực", tấn công vào các tệ lậu quan liêu, mất dân chủ, vi phạm pháp chế xã hội chủ nghĩa, phanh phui nhiều vụ việc bê bối, xấu xa ở các địa phương và cả trung ương. Tất cả tuân theo bánh xe khởi động của cuộc vận động đổi mới. Còn với riêng chúng ta, giới văn học đã đổi mới ra sao?

Nếu như cho rằng tất cả các nhà văn Việt Nam xưa nay chỉ viết theo lối minh họa, chẳng có ai nhúc nhích gì khác, tất cả cứ ì ra và chờ cho đến bây giờ mới "đổi mới" thì thành tựu văn học cách mạng sẽ là gì ngoài con số không? Và nếu như cho rằng lớp người 50, 60 tuổi đổ lên là thuộc loại bảo thủ trì trệ thì ngày nay lấy ai là lực lượng đổi mới? Chẳng lẽ toàn những cây bút mới vào nghề? Ai là nòng cốt của đổi mới? Ai hết lòng ủng hộ công cuộc đổi mới và ai thuộc phái ngăn cản đổi mới? Biết căn cứ vào đâu để phân biệt và xếp loại? Nói chung thì dễ nhưng nhằm vào cụ thể từng thế hệ rồi từng con người là công việc cực đoan và duy tâm. Tôi rất tán thành ý kiến trong bài Văn nghệ cần tiếp tục đổi mới (Văn nghệ, số 46, 12-11-1988) rằng: "... cần nhận thức rõ rằng lực cản chính của phong trào đổi mới hiện nay là khuynh hướng bảo thủ trì trệ...". Và cái khuynh hướng cản phá này, theo tôi không nằm trọn vẹn ở một thế hệ nào, trong một con người cụ thể nào. Cái khuynh hướng ấy nằm trong bất kỳ ai, trong một khoảnh khắc nào đó khi việc đổi mới bất đồ đụng chạm đến cá nhân mình. Nếu con người lúc nào đó mất tỉnh táo sẽ có phản ứng tự nhiên chống lại công cuộc đổi mới và nếu như động cơ đổi mới của họ thiếu trong sáng.

Tuần báo Văn nghệ trong năm 1987 và đầu năm 1988, nhất là từ khi có sự cổ vũ khích lệ của Đảng và của đông đảo bạn đọc, rõ ràng đã có sự phát triển rất tốt đẹp, có những bước đi nhịp nhàng uyển chuyển trên con đường đổi mới, trong mặt trận báo chí nào đã đóng góp những tiếng nói mạnh mẽ trong chiến dịch "chống tiêu cực". Nhưng càng về sau nó đã không làm tròn chức năng là cơ quan ngôn luận của Hội Nhà văn Việt Nam như đồng chí Tổng biên tập báo Văn nghệ đã từng tuyên bố trong khi trả lời phỏng vấn của tạp chí Sông Hương (số tháng 5-6, 1988) như sau: "Báo Văn nghệ muốn đánh lên một tiếng chuông và muốn tham gia các vấn đề xã hội". Như vậy là từ một tờ báo văn học, lo toan các vấn đề của nhà văn Việt Nam, chuyển hướng thành một tờ báo xã hội, chính trị. Sau này, để bênh vực cho nó nhiều người đã đưa ra luận điểm: "Báo Văn nghệ là của Hội Nhà văn nhưng cũng là của xã hội, của công chúng" để nói rằng dù thế nào chăng nữa thì bản thân Hội Nhà văn (mà đại diện là Ban Thư ký Hội) không có quyền xử lý nó về mặt tổ chức. Trên đời này, không có một tờ báo nào được là "của chung của xã hội" kể cả những tờ báo tư sản. Tờ báo phải là tiếng nói của tổ chức hay cá nhân đã sinh ra nó. Trước kia, báo Ngày nay là của Tự lực văn đoàn, nó phát ngôn cho mọi quan điểm xã hội và nghệ thuật của nhóm đó và chịu sự chi phối của họ. Rồi Tiểu thuyết thứ bảy, Phổ thông bán nguyệt san là của nhóm Tân dân, nó chỉ chấp nhận những cây bút đồng quan điểm với nó. Cũng như bây giờ, báo Sài Gòn giải phóng là của Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, và báo Tuổi trẻ là của thành đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, là những tiếng nói của các tổ chức Đảng và Đoàn mới đó. Báo Văn nghệ trước kia, một thời gian không ngắn, đã nói tiếng nói của một số người cùng quan điểm, đã khước từ nh­ư đã nhiều lần khước từ mọi quan điểm khác, kể cả quan điểm của Hội Nhà văn Việt Nam, không chịu đăng văn kiện chính thức của Ban Thư ký Hội, những thông báo về mọi hoạt động văn học của hội và nhiều tư liệu nước ngoài không cùng chung quan điểm. Như vậy làm sao có thể coi là "của chung" xã hội được? Tờ báo đâu có phải cái chợ giời, ai muốn bày bán mặt hàng nào cũng được? Báo Văn nghệ đúng ra phải là tiếng nói chính thức của Hội Nhà văn Việt Nam nhưng nó lại phát đi một tiếng nói khác, cưỡng lại hay lấn át cả tiếng nói kia... Thật kỳ lạ, có lẽ chỉ có trong thời "đổi mới" này mới nảy sinh một chuyện ngược đời như vậy? Nghĩa là một khi anh đã đeo cái mác "đổi mới" lên ngực thì anh có thể làm đủ mọi chuyện, kể cả việc chống lại tổ chức đã khai sinh ra anh mà anh vẫn cứ mạo nhận danh nghĩa của nó?

Thật là một điều đáng tiếc nếu như nhìn lại những tháng ngày trước đây, tờ báo đã làm được bao nhiêu điều bổ ích cho cả nhà văn lẫn bạn đọc. Giống như đoàn tàu đang băng băng chạy bỗng dưng bi trật đường ray, hành khách ngơ ngác và hỗn độn giữa đồng không mông quạnh.

Nhưng sự cọ sát giữa "mới" và "cũ", giữa dân chủ và vô chính phủ, giữa biệt phái và đoàn kết trong năm vừa qua cũng có nhiều điều đáng suy ngẫm và không phải không bổ ích mặc dù nó có gây ra những xáo động và nhiều điều ngờ vực trong bạn đọc. Càng ngày nó càng phân hóa rõ rệt và tự bộc lộ nhiều điểm mạnh, yếu của giới văn học, tách bạch giữa cái thật và cái giả, giữa văn học cách mạng và văn học chung chung. Cuộc họp của Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam hồi tháng Chín năm ngoái đã phá tan những lùng nhùng, không rõ ràng. Và cuộc họp như thể không thể không có những phản ứng hai chiều: ủng hộ hoặc phản đối. Đến đây tôi cũng mạn phép không tán thành ý kiến cho rằng: "... nhiều anh chị em văn nghệ sĩ lo sợ phong trào đổi mới vừa mới khơi lên đã bị chặn lại... ". Nên hiểu rằng: Ai chặn? Và chặn cái gì? Sự uốn nắn của cuộc họp Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam vừa qua là cần thiết mặc dù có chậm. Tại sao lại phải lo ngại khi chúng ta uốn nắn cái lệch lạc của phong trào? Sự uốn nắn lại do chính chúng ta, các nhà văn chứ không phải do mệnh lệnh từ cấp trên nào dội xuống, không phải do tiếng còi của ai đó thổi. Làm như vậy chính là các nhà văn đã "tự cứu" lấy mình, cứu lấy phong trào đổi mới khỏi đi trệch đường ray văn học. Hãy thử tưởng tượng xem nếu không có sự uốn nắn kịp thời đó, con tàu văn học cách mạng của chúng ta sẽ đi đến đâu, sẽ trôi dạt vào bến bờ xa lạ nào?

Như vậy thì có gì phải lo ngại? Ngay trước kia, trong tình thế bị o ép là thế, với tư cách nhà văn, nhiều người trong chúng ta, những cây bút chân chính vẫn tiếp tục một mình tự đổi mới mà hồi đó chỉ cần một chữ, một câu không hợp tai là tác giả bị nhồi lên, lắc xuống tứ bề. Bây giờ so với trước kia tình thế vô cùng thuận lợi cho sự sáng tạo. Đổi mới trong văn học thực chất là đi đến với cái đích thực của văn học, nhà văn tự tìm đến với chính mình. Viết cho đúng thực chất của mình, viết bằng cả trái tim và tấm lòng mình, bằng tài năng và lao động của mình, bằng tất cả quan niệm sống và bản lĩnh sống của chính mình. Không ồn ào, không khoa trương, không dối trá, không vay mượn, không a dua, cuộc đời người viết cùng tác phẩm là một. Như vậy tha hồ mà phát triển các khuynh hướng khác nhau, các phong cách khác nhau, tất cả đều được chấp nhận, chung sống dưới mái nhà văn học, đều rất bổ ích cho nhân dân, chỉ trừ có những thứ đồ giả...

Nhìn lại chặng đường văn học suốt mấy chục năm qua, quy luật của cuộc hành trình đầy vất vả và gian truân ấy đã cho tôi đủ cơ sở để tin rằng sau mỗi cuộc cọ sát tìm ra chân lý, những nhân tố tốt đẹp sẽ xuất hiện thúc đẩy sự phát triển chung và của từng bản thân mỗi nhà văn.

Năm Kỷ Tỵ này (1989), với lòng quan tâm ưu ái của Đảng, Đại hội lần thứ IV các nhà văn Việt Nam sẽ diễn ra trong không khí cởi mở, thẳng thắn và đoàn kết, mở ra một giai đoạn mới của văn học Việt Nam.

 

Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 10 (11-3-1989)

 Mục lục

6-3-19