ĐỜI SỐNG VĂN NGHỆ
THỜI ĐẦU ĐỔI MỚI
 

Mục lục 


Nguồn:  Văn nghệ, Hà Nội, số 23 (4-6-1988)

 

HỘI THẢO THƠ Ở THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Ngày 23-4-1988, tại thành phố Hồ Chí Minh, ban biên tập tuần báo Văn nghệ đã phối hợp với Hội những người viết văn thành phố và Câu lạc bộ phóng viên - văn hóa - văn nghệ của Hội Nhà báo thành phố tổ chức một cuộc hội thảo thơ. Đông đảo các nhà thơ, các bạn viết trẻ và những người biên tập thơ của đài phát thanh, báo chí đã tới dự: Anh Thơ, Bàng Sĩ Nguyên, Hoài Anh, Diệp Minh Tuyền, Lê Giang, Trần Mạnh Hảo, Lê Thị Kim, Thanh Giang, Trúc Chi, Văn Lê, Thái Thăng Long, Lưu Trọng Văn, Đỗ Thị Thanh Bình, Phạm Sĩ Báu, Lê Xuân Đố, Phạm Thị Ngọc Liên, Bùi Thị Trinh, Hoàng Hưng, Lê Minh Quốc, Đoàn Vi, Trần Quang Đoàn, Hưng Văn, Cao Xuân Sơn...

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng, Tổng thư ký Hội những người viết văn thành phố, khai mạc cuộc hội thảo.

Suốt cả buổi sáng, nhiều ý kiến phát biểu sôi nổi và bổ ích, xoay quanh mấy vấn đề: tình hình thơ hiện nay, thơ đổi mới như thế nào để đáp ứng nhu cầu công chúng, làm thế nào để thơ vừa gắn với thời sự vừa có giá trị lâu dài...

Nhiều anh em hoan nghênh một số báo trong thời gian gần đây đã mạnh dạn in những bài thơ đánh thẳng vào các hiện tượng tiêu cực của xã hội, và đã có một số bài thành công. Người làm thơ cảm thấy thoải mái hơn trong khi viết, không rụt rè, không cần "tự kiểm duyệt" trước. Bản lĩnh cao nhất của nhà thơ là dám nhìn vào sự thật, dám nói sự thật và dám viết sự thật với một thái độ đầy trách nhiệm đối với nhân dân, đối với xã hội.

Nhưng cũng cần lưu ý rằng: có những bài thơ viết chưa chín, chưa thật, người đọc cảm thấy gò và sượng. Có lẽ người cầm bút chưa đủ chín về tình cảm, viết vội, và do đó bạn đọc dường như thấy nhà thơ chưa thật nhập cuộc vào cuộc đấu tranh đổi mới hiện nay. Đó là chưa kể có thể có người cơ hội cố viết lấy được với một tình cảm không chân thực.

Trong khi làm thơ chống tiêu cực, nên lưu ý các mặt đề tài khác: cuộc sống thường ngày, tình bạn, tình yêu, tình cảm gia đình... cuộc sống đa dạng, tâm hồn con người đa dạng, nhà thơ phải phản ánh cái đa dạng ấy. Đồng thời thơ phải rút ra những gì tích lũy nhất, cốt lõi nhất từ trong cuộc sống thường ngày, từ trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực. Thơ không nên ồ ạt chạy theo những vụ việc, những sự kiện xảy ra hàng ngày như những bài phóng sự, bài báo. Nhà thơ phải tìm ra được "cái muôn đời trong những việc cần làm ngay".

Cũng cần phải nhìn lại một cách nghiêm khắc: có những sự kiện lớn như sự kiện Trung Quốc đánh lấn Trường Sa, tại sao các nhà thơ lên tiếng chậm? Tại sao chưa có thơ hay? Trong thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ, nhà thơ thức trắng đêm dưới hầm để viết xong một bài thơ kịp sáng mai cổ vũ chiến sĩ ra trận, tại sao bây giờ lại thiếu cái nhạy cảm đó?

Nhiều bạn cũng thẳng thắn góp ý với những người biên tập thơ ở các đài, các báo. Trong khi chọn bài in, nên chú ý đến chất lượng là chính, không nên nể nang hoặc xếp chiếu trên chiếu dưới. Một số người biên tập hầu như không đọc kỹ bài, nên đã vội vàng thọc bút chữa thơ của cộng tác viên một cách chủ quan, tùy tiện, làm cho câu thơ trở nên sai ý của tác giả hoặc dở đi.

Trong cuộc hội thảo, Trần Mạnh Hảo, Thái Thăng Long, Hoàng Hưng, Đoàn Vi, Văn Lê, Đỗ Thị Thanh Bình, Lê Xuân Đố, Lê Thị Kim đã đọc những bài thơ mới sáng tác làm cho không khí trao đổi càng về cuối càng thêm sôi nổi.

 

Nguồn:  Văn nghệ, Hà Nội, số 23 (4-6-1988)

Mục lục