ĐỜI SỐNG VĂN NGHỆ
THỜI ĐẦU ĐỔI MỚI
 

Mục lục 


Nguồn:  Văn nghệ, Hà Nội, số 51 (22-12-1990)

ĐỔI MỚI VĂN XUÔI CHIẾN TRANH

ĐINH XUÂN DŨNG

Từ những năm 80, đặc biệt từ 1985 trở lại đây, mảng văn học về đề tài chiến tranh đang có những biến đổi sâu sắc và mãnh liệt đối với từng tác giả và đối với toàn bộ đội ngũ sáng tạo về mảng đề tài này. Những nỗ lực tìm tòi, những dằn vặt, trăn trở và cả những dấu hiệu đáng buồn của hiện tượng "lực bất tòng tâm" đã xuất hiện trên từng trang sách về đề tài chiến tranh... Chưa bao giờ nhu cầu tự đổi mới trở nên mạnh mẽ và tác động ghê gớm như vậy đối với những người sáng tạo. Trong thử thách khắc nghiệt đó, chúng ta thực sự vui mừng và cảm phục về sự tự vượt mình của các anh như: Nguyễn Minh Châu, Hữu Mai, Xuân Thiều, Nguyễn Trọng Oánh, Nam Hà, Hoàng Văn Bổn... vốn là các nhà văn đã từng có những thành công trong thời kỳ trước, giờ đây, đang tiếp tục khẳng định mình, không phải bằng sự tái bản chính mình, mà bằng sự tự đào sâu và tự phát triển bản thân mình. Ví dụ như, chỉ cần so sánh Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành với Cửa sông, Âm vang chiến tranh với Thôn ven đường, Ông cố vấn với Vùng trời, có thể xác định một loạt những tiêu chí khác biệt của hai giai đoạn văn học về đề tài trên.

Thử thách đó cũng tác động trực tiếp đến thế hệ nhà văn độ tuổi trên dưới 40, cỡ của Nguyễn Trí Huân, Chu Lai, Khuất Quang Thụy, Trung Trung Đỉnh... mà chỉ cách đây mấy năm thôi, người ta tưởng rằng sự xuất hiện của các anh là dấu hiệu dài lâu ổn định của một đợt sóng mới viết về chiến tranh. Nào ngờ, những Nắng đồng bằng, Năm 75 họ sống như thế đấy, Trong cơn gió lốc... đã bắt đầu có một cái gì đó không mới nữa, ít nhiều loãng nhạt dần. May thay, những Chim én bay, Không phải trò đùa, Vòng tròn bội bạc... đã xuất hiện. Một sự tiếp nối cái gì đã có, đồng thời cả những sự đổi khác, nâng cao và đào sâu mới.

Thực tiễn cho chúng ta thấy rất rõ là, sự biến đổi trong sáng tạo văn học bao giờ cũng là sự là sự tự biến đổi, là nhu cầu bên trong do sức tác động tổng hợp của đời sống xã hội, đời sống tinh thần - tâm lý của con người, do sự phát triển về chất của tư duy nghệ thuật lên một trình độ mới. Chỉ có sự biến đổi đó mới đảm bảo vững chắc cho sự phát triển của nghệ thuật. Mọi sự "cầu viện" từ bên ngoài, hô hào miệng không thể tạo ra sự đổi mới thực sự của sáng tạo. Những nỗ lực thầm lặng với những thành công thực chất của mảng văn học về đề tài chiến tranh thời gian qua cho chúng ta thấy rất rõ điều đó.

Dấu hiệu nổi bật và có thể coi là tư duy nghệ thuật về chiến tranh mấy năm gần đây là sự xuất hiện tính đa dạng của phương thức khái quát hiện thực chiến tranh và tính đa thanh của việc đánh giá hiện thực đó trong tác động của nó đối với số phận của đất nước, của dân tộc và của từng con người. Hai đặc điểm ấy làm cho diện mạo của văn học về chiến tranh trở nên phong phú hơn nhiều, có khả năng đáp ứng nhu cầu và cuốn hút người đọc ngày hôm nay vốn có những đòi hỏi mới, ngày càng phức tạp hơn và đang có sự phân hóa, phân cực rất mạnh và sâu. Hay nói một cách khác, chính sự phân hóa và phân cực đó trong thế giới người đọc đã là một nhân tố quan trọng đòi hỏi tư duy sáng tạo của nhà văn phải trở nên đa dạng hơn, những cảm hứng về hiện thực phải trở nên đa thanh hơn. Và vì thế, kết quả phản ánh và khám phá hiện thực chiến tranh sẽ trở nên biện chứng hơn.

Ngày hôm nay, có những người đọc cần tính chân xác lịch sử đến cao độ khi tiếp xúc với hiện thực chiến tranh trong các tác phẩm. Hiện thực đó trong tính toàn cảnh của nó với những biến cố, sự kiện, nhân vật và quá trình lịch sử, như họ đã từng nếm trải hay nghe biết. Lại có những người đọc chỉ muốn cùng tác giả đi sâu mãi vào thế giới tinh thần của từng con người trong chiến tranh, lắng nghe, dõi theo từng diễn biến nhỏ nhất của thế giới phức tạp và sâu kín đó. Họ coi đó là cái đích cần đạt tới khi tiếp nhận những trang miêu tả chiến tranh.

Từ sự nắm bắt các nhu cầu khác nhau trên của người đọc ngày hôm nay, mà hai phương thức đang đồng thời phát triển trong tư duy nghệ thuật về chiến tranh: Sự khái quát vĩ mô (sử thi - toàn cảnh - tư liệu) và khái quát vi mô, xuất phát từ số phận cá nhân, những biến động phức tạp của tinh thần, tâm lý con người trước tác động của chiến tranh. Đặt cạnh nhau những tác phẩm như Ông cố vấn với Nước mắt đỏ, Đất miền Đông, Đường về Sài Gòn với Chim én bay, Huế - mùa hoa đỏ với Gió từ miền cát... ta thấy hết sức rõ ràng hai ngả đường rất khác nhau của cách tiếp cận hiện thực chiến tranh.

Hiện nay, nhiều nhà văn chọn cách tiếp cận thứ hai. Điều đó là hợp quy luật, nhưng nếu không có một lực lượng chuyên tâm, chuyên sức cho cách khái quát vĩ mô, chắc chắn rằng, trong tương lai, văn học về chiến tranh của chúng ta sẽ thiếu hụt, sẽ có những những khoảng trống khó có thể bù đắp được.

Cảm hứng chủ đạo trong tư duy sáng tạo của nhà văn viết về chiến tranh trong nhiều năm trước đây là cảm hứng anh hùng. Gắn liền với nó, một bộ phận phụ thuộc của nó là cảm hứng trữ tình, lãng mạn. Giờ đây, tính đơn thanh đó đang từng bước được thay thế bằng tính đa thanh của sự cảm thụ và bình giá. Anh hùng và bi kịch gắn bó với nhau, cả những bi kịch hoàn toàn không gắn gì với anh hùng, niềm tự hào về những phẩm giá anh hùng, cao cả, nỗi xót đau vì những tổn thất, mất mát không thể bù đắp và cả sự tức giận, lên án những xấu xa, đê tiện xuất hiện trong chiến tranh là những âm hưởng khác nhau cùng hòa quyện, đan cài nhau trong các trang miêu tả hiện thực và số phận con người trong chiến tranh của nhiều tác phẩm gần đây. Tính đa thanh đó gắn liền với một yêu cầu mới là sự sát gần đến mức cao nhất, chính xác nhất với hiện thực chiến tranh, với cái hàng ngày của chiến tranh, với những số phận của mỗi con người. Đó là dấu hiệu mới của một sự nỗ lực to lớn của tư duy sáng tạo của nhà văn viết về chiến tranh những năm gần đây. Tư duy hiện thực hình như đang vượt lên trong sự so sánh với tư duy lãng mạn khi phản ánh chiến tranh. Ở hướng phát triển này của tư duy sáng tạo, hình như đang xuất hiện một độ chênh mới: cái tổng thể của quá trình nhận thức hiện thực chiến tranh đang có biểu hiện giảm dần, mặt khốc liệt, sự hy sinh nỗi đau và cả vấn đề thân phận con người được khắc họa đậm đặc hơn.

Ở phương thức khái quát vi mô, hiện thực chiến tranh thể hiện rất nổi bật đặc điểm trên. Hiện thực chiến tranh cụ thể với tính chất là những sự kiện, biến cố lớn, những trận đánh dữ dội, những quá trình chiến tranh... đã bị đẩy lùi về phía sau. Hiện thực đó chỉ còn là đường viền, một đường dây mỏng nối liền các tính cách, các số phận. Nổi bật lên trong tác phẩm là chiều sâu, sự phức tạp, những mâu thuẫn trong thế giới tinh thần, tâm lý của con người. Hình như khó có thể kể lại các câu chuyện, biến cố trong các tác phẩm như Chim én bay, Nước mắt đỏ, Không phải trò đùa, Truyền thuyết quán Tiên... vì có gì lắm đâu mà kể. Gắn chặt với những cái không có gì để kể ấy lại là toàn bộ thế giới tinh thần, nội tâm với những cung bậc và sự biến động phức tạp của những cuộc đời, số phận như Quy (Chim én bay), Tuấn (Không phải trò đùa), Thu (Nước mắt đỏ) và Mùi (Truyền thuyết quán Tiên).

Nhiều nhà văn, trong mấy năm gần đây, đã không bằng lòng với việc miêu tả con người trong chiến tranh như trong các tác phẩm trước đây. (Không phải vô cớ khi Xuân Thiều viết lời chú thích ngay sau tên truyện ngắn Âm vang chiến tranh của mình là: "Viết tặng các nhân vật trong tiểu thuyết Thôn ven đường"). Đã xuất hiện những loại tính cách hầu như rất mới, mà văn học viết về chiến tranh trong các thời kỳ trước ít có. Thế giới tinh thần của con người trong chiến tranh không còn được miêu tả như một thể thống nhất trọn vẹn như trước, mà chứa nhiều mâu thuẫn, kịch tính. Tính cách của mỗi người không phải được định hình ngay từ đầu (vì thế, trở nên bất biến) mà thường xuyên biến đổi, luôn có những bước ngoặt, bước chuyển, nhiều khi không thể lường định trước. Trong số phận những con người như Quy, Thu, Thắm, Mùi, Tuấn... đồng thời chứa đựng và trộn lẫn không thể tách rời giữa cái anh hùng với cái bi kịch, giữa những giá trị cao quý của con người đã vượt qua những thử thách nghiệt ngã của chiến tranh với những mất mát tột cùng do chiến tranh gây ra và để lại.

Những đặc điểm trên chính là kết quả của một năng lực tư duy đang biến đổi, từ một kiểu tư duy theo chiều rộng đang được thay thế bằng một kiểu tư duy theo chiều sâu, trong đó, khả năng phân tích, bình giá hiện thực đã mạnh lên và thay thế dần cho thói quen kể tả lại các biến cố, sự kiện chiến tranh và hành động của con người. Phải chăng những cuốn tiểu thuyết khái quát theo hướng vĩ mô xuất hiện gần đây chưa đạt tới một hiệu quả nghệ thuật cao, còn thiếu sức thuyết phục và lôi cuốn người đọc ngày hôm nay bởi vì trong chúng chưa có sự kết hợp hài hòa giữa vốn tư liệu các sự kiện, biến cố với một năng lực phân tích, bình giá và khám phá của tư duy sáng tạo của nhà văn từ vốn tư liệu ấy.

Trong nhiều tác phẩm văn học về chiến tranh thời kỳ đang chiến đấu, mạch tư duy mang tính chất so sánh của nhà văn thường gắn liền giữa hiện thực chiến tranh đang diễn ra với việc trở lại quá khứ của nhân vật đang tham gia chiến tranh để nhằm làm bật lên quá trình trưởng thành của con người trong chiến đấu. Phép so sánh duy nhất để khám phá nhân vật tích cực - anh hùng thường là nhắc lại quá khứ đau khổ, bị áp bức của họ. Và hầu như nhà văn cũng chỉ nhắc lại vài lần cái quá khứ đó cốt đủ cho sự so sánh mà thôi, vì thế nhân tố thời gian trong tác phẩm viết về chiến tranh thời kỳ đó vẫn theo cách của tiểu thuyết chương hồi, theo mạch thẳng của tư duy kể tả. Đã xuất hiện trong những năm gần đây sự đảo lộn, xen kẽ, đồng hiện thường xuyên, liên tục giữa quá khứ chiến tranh và hiện tại như là một nhân tố nghệ thuật, một biện pháp tổng thể trong cấu trúc của tác phẩm viết về chiến tranh. Không phải cái này để minh họa cho cái kia một cách đơn giản (ví dụ: trong chiến tranh là con người xấu, thì trong hòa bình lại là con người xấu nối tiếp, hay ngược lại, trong chiến tranh đã có những phẩm chất tốt đẹp thì đương nhiên sẽ tiếp tục phát triển tốt đẹp trong thời bình hiện tại).

Sự lý giải đa chiều quá trình biến đổi, biến động phức tạp của con người được đồng thời đặt trong hai trường hiện thực cùng có sức tác động như nhau và chi phối lẫn nhau: chiến tranh trong quá khứ và cuộc sống hòa bình - đương thời trong hiện tại. Sự đảo lộn và xen kẽ hai chiều của thời gian và không gian đó không chỉ là dấu hiệu của một thủ pháp nghệ thuật, mà thực ra là một bước phát triển thực sự của tư duy sáng tạo: tư duy đa chiều nhằm khám phá hiện thực đời sống và tác động đồng thời của hai chiều hiện thực - quá khứ chiến tranh và hiện tại. Rất nhiều tác phẩm viết về chiến tranh gần đây đều sử dụng rất đậm đặc phương thức phản ánh trên và đó cũng là một nguyên nhân tạo nên hiệu quả nghệ thuật mới của một số tác phẩm như Chim én bay, Không phải trò đùa, Nước mắt đỏ, Vòng tròn bội bạc... Chiến tranh dù đã trở thành quá khứ nhưng không hiện ra trong các tác phẩm đó như một viện bảo tàng để chúng ta chiêm ngưỡng rồi cúi chào, mà nó hòa quyện với hiện tại, đang tác động sâu mạnh vào cuộc sống của những con người đã bước ra khỏi cuộc chiến tranh mà không thể quên được cuộc chiến tranh đó. Khoảng cách giữa người đọc hôm nay với quá khứ chiến tranh hầu như biến mất. Chiến tranh còn đó, đang nằm trong tâm linh và suy nghĩ, tình cảm và tâm lý hàng ngày của những con người đang sống, những con người từng trải qua chiến tranh.

Nhưng dấu hiệu của sự biến đổi trong tư duy sáng tạo của nhà văn có nguồn gốc sâu xa từ sự biến đổi cực kỳ mạnh, nhanh và phức tạp của bản thân đời sống hiện thực và thế giới tinh thần - tâm lý của con người ngày hôm nay. Vì thế, chiến tranh, trong tầm nhìn và thế đứng của con người ngày hôm nay sẽ không bao giờ cũ, không bao giờ hết ý nghĩa thời sự nóng bỏng của nó.

 

Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 51 (22-12-1990)

 

Mục lục