ĐỜI SỐNG VĂN NGHỆ
THỜI ĐẦU ĐỔI MỚI
 

Mục lục 


Nguồn:  Văn nghệ, Hà Nội, số 14 (2-4-1988)

BẠN ĐỌC NÓI VỀ TỜ BÁO CỦA MÌNH

(Trích thư bạn đọc)

 

Văn nghệ đã phản ánh những nét sôi động nhất của cuộc sống

Độc giả chúng tôi rất phấn khởi khi thấy trong thời gian gần đây báo Văn nghệ đã tích cực đi vào phản ánh những mặt sôi động nhất của cuộc sống, nói thẳng, nói thật, giúp cho người đọc nhận thức hiện thực rõ hơn, tỉnh táo hơn.

Chúng tôi rất vui mừng thấy xã hội ta gần đây đã đi vào xu hướng tự nhận thức lại chính mình, đánh giá chính mình cả ưu lẫn khuyết, đặc biệt là những khuyết điểm đã cản trở chúng ta trong quá trình tiến lên... Báo Văn nghệ bằng một loạt bút ký, truyện ngắn đã tham gia tích cực vào quá trình trên, và bằng ngòi bút của mình đã bênh vực những người nghèo khổ, lương thiện trong xã hội.

Đặc biệt khi đọc những tác phẩm như Suy nghĩ trên đường làng của Hồ Trung Tú, Cái đêm hôm ấy... đêm gì? của Phùng Gia Lộc, chúng tôi đã giật mình... Ấy vậy mà đồng chí Nguyễn Xuân Phúc trong bài Nghĩ về "Suy nghĩ trên đường làng" nói rằng đó mới chỉ là một phần nghìn sự thật.

Mong rằng báo Văn nghệ có nhiều hơn nữa những bài viết như thế, để các đồng chí lãnh đạo cùng những người có trách nhiệm, có lương tâm nhìn rõ vấn đề và có các giải quyết thỏa đáng.

Xin chúc quý báo nhiều thành công!

NGUYỄN THỊ HỒNG NAM
(Trường Đại học Cần Thơ, Hậu Giang)

Tôi rất quý sự thật và rất muốn phát hiện sự thật

Tôi là bạn đọc của tuần báo Văn nghệ qua nhiều năm rồi. Gần đây, tôi thấy báo đã đăng những truyện, những ký, những phóng sự văn học tràn trề sức sống, công khai bảo vệ chân lý, gieo thêm vào lòng xã hội nhiều nhân tình lành mạnh.

Vào những số báo gần cuối năm (1987) và số báo Xuân (1988), tuần báo đã có nhiều bài ký mang tính hiện thực rất sắc sảo, phê phán quyết liệt, không nhân nhượng mọi tiêu cực xã hội, mà nguồn gốc là do những bộ óc bảo thủ, trì trệ của bộ máy quan liêu.

Chúng tôi hoan nghênh tuần báo đã ra quân chống tiêu cực bằng hàng loạt bài như: Chuyện về một ông vua lốp, Được vật báu, Lời khai của bị can... rồi gần đây có thêm Cái đêm hôm ấy... đêm gì?, và số báo Xuân Mậu Thìn, có thêm Tuổi chín ba... Quả là Văn nghệ Trung ương rất sung sức! Hoan nghênh các đồng chí đã mạnh tay dám quyết cho báo ra mắt độc giả những tác phẩm như thế. Hoan nghênh tấm lòng trung thực cộng với dũng khí của các tác giả những bài nói trên...

Thưa các đồng chí, tôi nguyên là người lính, đã có 32 tuổi quân và 30 tuổi Đảng. Hiện nay tôi đã nghỉ hưu trí. Trước lúc rời quân ngũ, tôi đã sống ở đường mòn Hồ Chí Minh (tức đường dây 559) ngay từ những ngày soi đường mở tuyến (1963). Tôi đã tham gia mở đường 050, đường 9A, 9B, đã bám chốt Pha nốp, Siêng Phan, Lùm Bùm... Rồi dọc tuyến Trường Sơn, tôi đi xuyên vào Nam... Năm 1985, tôi rời quân ngũ với cấp hàm thiếu tá... về tuyến sau với chức "phó thường dân". Tôi khai bản "trích ngang lý lịch" ra, là để các đồng chí hiểu cho rằng tôi đã được Đảng, được quân đội trang bị, tích lũy cho một vốn sống chẳng đến nỗi nghèo. Do đó, tôi rất quý sự thật và rất muốn phát hiện sự thật...

THÁI CHÂU
(Thành phố Biên Hòa, Đồng Nai)

 Mong báo Văn nghệ tiếp tục tham gia một cách tích cực vào cuộc chuyển mình của đất nước ta

Tôi là một độc giả khá thường xuyên của báo Văn nghệ từ khoảng 10 năm nay, lại có cái vinh hạnh là quen biết nhiều anh chị công tác trong tờ báo. Vì thế tôi rất quan tâm đến đời sống của tờ báo của chúng ta.

Mấy năm trước đây, do hoàn cảnh chung của xã hội và báo chí, báo Văn nghệ đã có vai trò khá khiêm nhường trong cuộc sống xã hội và văn học nghệ thuật. Thậm chí, khi ngọn gió đổi mới báo chí nổi dậy, báo Văn nghệ gần như người đứng bên lề một thời gian dài. Tuy nhiên, từ khoảng chín tháng nay, tôi rất vui mừng thấy báo Văn nghệ đã nhập cuộc một cách kiên quyết và bằng cách thức riêng của mình. Sự nhập cuộc của báo Văn nghệ đã tạo một sức chuyển mình của báo chí Việt Nam một cách mạnh mẽ hơn trước. Bên cạnh các tờ báo Tuổi trẻ, Sài Gòn giải phóng, Lao động Tổ quốc, Đại đoàn kết, Tuần tin tức... đánh vào những cái gọi là "hiện tượng tiêu cực" của cuộc sống, báo Văn nghệ đã đóng góp nổi bật và đi vào chiều sâu một số vấn đề thật đáng quan tâm của xã hội. Những bài bút ký, truyện ngắn như Lời khai của bị can của Trần Huy Quang, Tướng về hưu Huyền thoại phố phường của Nguyễn Huy Thiệp, Người đàn bà quỳ của Trần Khắc, Cái đêm hôm ấy... đêm gì? của Phùng Gia Lộc đã có tác động làm cho người ta không thể làm ngơ trước những vấn đề của cuộc sống. Những cuộc hội thảo, tranh luận về vai trò của người cầm bút, đặc biệt là bài Văn nghệ và chính trị của Lê Ngọc Trà thể hiện một cái nhìn khoa học, đứng đắn, tích cực, đã góp phần xác định lại vinh dự, lương tâm và trách nhiệm của những người sáng tác và phê bình văn học nghệ thuật.

Qua các bài báo kể trên, tôi và nhiều bè bạn ở phương xa đã hiểu thêm về cuộc sống văn nghệ và xã hội ở nước nhà, qua đó cũng có ý thức hơn về trách nhiệm công dân của mình đối với Tổ quốc.

Bên cạnh những cái "được" đã có, chúng tôi còn ao ước báo Văn nghệ tiến sâu hơn nữa vào cuộc vận động đổi mới báo chí, trên các lĩnh vực thơ, phê bình, giới thiệu sinh hoạt văn hóa nghệ thuật, cải tiến hình thức, trang trí. Về việc này, tôi hiểu rằng Văn nghệ phải là người sáng tạo, khai phá cái đẹp. Rất tiếc là từ nhiều năm nay, Văn nghệ chưa có một cải tiến gì đáng kể, hình thức tờ báo còn quá cũ kỹ, tẻ nhạt.

Cũng như tôi, nhiều bạn bè ở phương xa cũng rất quan tâm theo dõi báo Văn nghệ. Báo chí Việt kiều cũng thường đăng lại những sáng tác hay của Văn nghệ, những phát biểu sâu sắc, đứng đắn, có trách nhiệm của những nhà nghiên cứu, phê bình. Tiếng nói của báo Văn nghệ càng đổi mới càng đi sâu đi sát và một cách sáng tạo có tác dụng động viên đồng bào ở ngoài nước hiểu và hướng về Tổ quốc mạnh mẽ hơn nữa.

LƯƠNG CHÂU PHƯỚC
(Việt kiều ở Canada)

Làm đúng thiên chức người cầm bút

... Được cởi trói, Văn nghệ đã khởi sắc. Trong nhiều số liền, từ cuối năm 1987 đến nay, báo Văn nghệ đã có một số bài viết, nhất là ký, phản ánh trung thực cuộc sống, một cuộc sống còn nhiều bất công, đòi phải được thay đổi, cải thiện đúng với yêu cầu và mục đích mà Đảng đã nêu rõ. Ở các tờ báo khác cũng vậy, nhưng chưa được đều tay, ở không ít báo khác thì thái độ "vừa làm vừa nghe" còn nặng.

Trong lúc trao đổi với nhau, anh em chúng tôi có nhắc đến một số bài của Văn nghệ: Cái đêm hôm ấy... đêm gì?, Công lý, đừng quên ai, Anh Hai, Hầu chuyện tổ tiên, Xin hỏi: Có thật lòng đổi mới không? Tặng bạn (thơ)... Chúng tôi cũng có nhắc đến các bài phóng sự, điều tra như: Sự thật về vụ nhà..., 159 lá đơn (báo Quân đội nhân dân); bài về các vụ Đặng Đình Tám, Lan lừa, ba em học sinh, viên ngọc quý v.v... ở Thanh Hóa (báo Tuần tin tức) và coi đó là biểu hiện cụ thể bước đầu trở lại đúng vị trí, làm đúng với thiên chức của người cầm bút Việt Nam...

NGUYỄN ĐẮC MƯU
(19A Quan Thánh, Hà Nội)

Những người chiến sĩ cầm bút

... Tôi đã đọc hai trang thơ trên báo Văn nghệ, số 12 (1988) và đọc đi đọc lại, nhất là những bài Tặng bạn (của Bế Kiến Quốc), Người đốt lửa không ngủ (của Lê Hoài Nguyên tặng đồng chí Nguyễn Văn Linh), Bài ca sự thật (của Trần Mạnh Hảo), Tự khúc trò chơi (của Lê Chi)... Đọc xong các bài này, tôi thấy trong người bàng hoàng như mất thăng bằng. Một nỗi đau dồn nén đến tức ngực... Là con em của Thanh Hóa, tôi thấy từ trước Đại hội VI đến nay, quê hương mình hầu như không có tuần nào không được nhắc đến trên mặt báo, không báo này thì báo khác, bởi những chuyện tiêu cực, ấy là chưa kể những sự việc khác chưa phanh phui. Với một địa phương như thế thì bài Tặng bạn của Bế Kiến Quốc và bài Cái đêm hôm ấy... đêm gì? của Phùng Gia Lộc cũng mới chỉ nói lên một phần nào sự thật...

Ở đây, tôi không nói nguyên nhân vì sao mà có những cảnh ấy, nhưng sự thật đời sống nhân dân quê tôi đúng là như vậy. Do đó, những tác phẩm ấy là sự phản ánh trung thực và vô cùng cần thiết. Đó là sinh khí trong lành, là luồng gió mới hôm nay. Chúng ta phải trân trọng cảm nhận với một tình cảm tốt đẹp, để mà tìm hướng đi tới. Mỗi giai đoạn cách mạng thì có một lớp người chiến sĩ. Hôm nay chúng ta phải biết ơn những người chiến sĩ cầm bút đang xuất hiện trên báo Văn nghệ, vì ngòi bút của các anh ngày nay đang góp phần tấn công vào những bất công, tiêu cực, trì trệ, dọn đường cho công cuộc đổi mới đất nước.

LONG HÀ
(Khu tập thể Kim Liên, Hà Nội)

Góp phần rung tiếng chuông cảnh tỉnh

Kể từ khi đất nước thống nhất, tôi là bạn đọc thường xuyên của báo Văn nghệ. Với gần 12 năm làm quen với báo, chưa bao giờ tôi thấy vui và tin tưởng ở tính trung thực của báo như hôm nay. Tôi yêu Văn nghệ vì chính Văn nghệ đã giúp cho tôi rất nhiều trong quá trình nhận thức về lẽ sống, về lý tưởng, và đặc biệt là củng cố cho tôi niềm tin vào cuộc sống mới. Thế nhưng, nhiều khi đối diện với những hiện tượng tiêu cực trong cuộc sống hôm nay, có lúc thấy mình như hụt hẫng. Bởi lẽ, những người đã từng sống trong sự tha hóa của xã hội cũ, chúng tôi có nhiều ước mơ và khát vọng về một xã hội tốt đẹp, nhưng thực tế cuộc sống nhiều khi cũng làm rạn vỡ niềm tin. Song, chính Văn nghệ đã phần nào hàn gắn trong chúng tôi niềm tin đó. Gần đây, đọc Văn nghệ tôi cảm thấy sung sướng vô cùng. Vì phải chăng Văn nghệ đã thật sự góp phần rung tiếng chuông cảnh tỉnh lương tri con người... Chúng tôi mong rằng, Văn nghệ với thế mạnh của mình là tính năng động của báo chí sẽ đăng nhiều truyện ngắn, bút ký xuất sắc, giàu tính nhân đạo và tính chiến đấu, để góp phần xứng đáng vào việc thức tỉnh lương tâm của một bộ phận con người trong xã hội chúng ta có lẽ đang bị tha hóa khủng khiếp. Chúng tôi mong rằng Văn nghệ phải thật sự là một người lính xung kích trên mặt trận này. Chúng tôi tin tưởng Văn nghệ sẽ xứng đáng với niềm tin và lòng mến phục của những người lao động chân chính vốn là bạn đọc nhiệt tâm của Văn nghệ.

Kính chúc các anh khỏe và dũng cảm trong cuộc chiến đấu đẩy lùi những hiện tượng tiêu cực hôm nay.

TRẦN HOÀI ANH
(Trường PTTH Tư Nghĩa, Nghĩa Bình)

Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 14 (2-4-1988)

 

Mục lục 

28-11-2021