Thư ngỏ về 3 đặc khu kinh tế

và dự án luật đi kèm

 

Nguyễn Trung

 

Hà Nội, ngày 08-06-2018

 

 

Kính gửi:             Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Đồng kinh gửi Toàn thể các Ủy viên Bộ Chính trị  khóa đại hội XII

 

 

 

        Kính thưa các Đồng chí,

 

        Tôi là Nguyễn Trung, nguyên trợ lý của cố Thủ tướng Võ văn Kiệt, xin viết thư ngỏ này gửi đến các Đồng chí lời thỉnh cầu tha thiết của tôi, mong các Đồng chí cho dừng lại dự luật thành lập 3 đặc khu kinh tế (ĐKKT) và các phụ lục kèm theo, để sẽ xem xét và quyết định sau vào thời gian thích hợp.

        Xin được trình bầy lý lẽ như sau đây.

Kể từ khi công bố, tuy mới chỉ có mấy tuần thôi, song những phản ứng trong nhân dân về quyết định thành lập 3 ĐKKT và dự luật hình như còn “nóng” hơn cả khi xảy ra vấn đề bauxite Tây Nguyên và vấn đề Formosa… Một cơn sóng bất bình trong nhân dân phản đối – với mọi hình thức quyết liệt khác nhau: Từ những tuyên bố thẳng thừng vạch ra quyết định này là bán nước cho Trung quốc, cho đến những lời nguyền rủa.., những lời quỳ xuống van xin đảng, quốc hội, chính phủ đừng bán nước, những hoạt động khác!..  

Tôi vô cùng sót sa, trong lòng không sao hiểu nổi tại sao giữa lúc đất nước đang ngổn ngang trăm bề thế này, lãnh đạo đảng và nhà nước không có việc nào đáng làm hơn hay sao, mà lại còn đẻ thêm ra chuyện nhạy cảm như vậy!?

 Tôi cố trấn tĩnh lại, xin nêu ra nhận xét có đầu có đuôi như sau đây.

 Trước hết xin điểm lại tình hình các khu công nghiệp (KCN) hiện có.

Thông tin trên báo chí cho biết, cả nước hiện nay đã có 324 KCN và 16 khu kinh tế (KKT). Trong đó, khoảng 200 KCN đã hoàn thành và đi vào hoạt động từ hàng chục năm nay; nhìn chung mới chỉ lấp đầy được khoảng 50-60% diện tích của mỗi khu. Đến nay vẫn còn 124 KCN hàng chục năm nay chưa xong giải phóng mặt bằng, đất đai vẫn treo lại chờ, gây lãng phí lớn. Những khu công nghiệp có sản phẩm công nghệ cao gần như chỉ đếm được trên đầu ngón tay, dịch vụ liên kết và nâng đỡ sự phát triển của công nghiệp trong cả nước rất yếu kém…

Ngoài việc bán tại chỗ lao động rẻ, cho thuê đất đai, bán được một số dịch vụ, tài nguyên, điện nước, thu thuế.., nhìn chung các KCN không làm được nhiệm vụ số 1 của nó là góp phần hình thành nên một nền công nghiệp quốc gia, càng không làm được bao nhiêu góp phần vào hiện đại hóa đất nước, lợi thế cạnh tranh về lao động giá rẻ đang mất dần, gây ô nhiễm môi trường và hao tổn tài nguyên ngày càng nặng nề.

Dù là với một mạng lưới các KCN dày đặc như hiện nay, 30 năm tiến hành công nghiệp hóa rồi mà cả nước chưa có một nền công nghiệp với đúng nghĩa, cho đến hôm nay công nghiệp gia công vẫn là chủ yếu, cơ cấu công nghiệp rời rạc, kết cấu hạ tầng có quá nhiều bất cập… Nguyên nhân chủ yếu là sự bất cập của thể chế kinh tế-chính trị, bộ máy nhà nước, luật pháp, chính sách và sự thực thi luật pháp / chính sách… Nạn quan liêu và tham nhũng đã bóp nghẹt sức sống của các KCN, mặc dù công sức và tiền của bỏ ra rất lớn, tài nguyên đã tận dụng và đem bán đến  mức cạn kiệt.

  Vấn đề sống còn đối với kinh tế đất nước hiện nay là làm gì (a) nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và (b) đổi mới công nghệ trong toàn bộ nền công nghiệp của đất nước?

Đỏi hỏi cấp bách nhất của nền kinh tế quốc dân hiện nay là giải phóng mọi ách tắc, và ưu tiên huy động mọi nguồn lực để giải quyết 2 vấn đề nêu trên (a, b). Đấy là cách mang lại sức sống mới cho các doanh nghiệp trong cả nước – nhất là trong các khu công nghiệp hiện có, và đồng thời bám sát những đòi hỏi mới của sản xuất và kinh doanh thời CMCN 4.0.

Hơn bao giờ hết, doanh nhân và doanh nghiệp cả nước cần chủ động cùng nhau bàn bạc và lựa chọn cho quốc gia tập trung phát triển một vài ngành kinh tế có công nghệ cao của cả nước (ví dụ công nghiệp thực phẩm, nông nghiệp công nghệ cao, các công nghiệp dịch vụ có hàm lượng công nghệ cao…) mà nước ta có triển vọng phát huy để tạo thế mạnh riêng của đất nước. Cả nước và nhà nước cần hậu thuẫn và hỗ trợ những nỗ lực này. Huy động trí thức và trí tuệ cả nước cho sự lựa chọn này…

Tất cả những vấn đề như vậy hầu như chưa được đặt ra, song lại là những việc thiết thực, bức bách và trong tầm tay, cần phải làm ngay.

 Chắc chắn sẽ còn nhiều vấn đề khác nữa có liên quan, nhất là gỡ bỏ những rào cản hay ách tắc từ thể chế chính trị và bộ máy vận hành quốc gia… Tất cả cần được bàn luận và cân nhắc thấu đáo.

Ai lo, và chủ trương chính sách nào giải quyết tất cả những chuyện rất quan trọng và nóng bỏng này?

 

Trở lại bàn về dự luật và dự án 3 đặc khu kinh tế (ĐKKT).

Xin miễn nhắc lại những ý kiến quan ngại rất xác đáng đã được dư luận nhân dân cả nước và một số đại biểu quốc hội nêu ra, dưới đây chỉ xin bổ xung thêm những điều cần lưu ý.

1.   Kinh tế vỹ mô của đất nước hiện nay đang cùng một lúc có nhiều vấn đề rất bức xúc phải xử lý, đó là: (a) phải đẩy nhanh đổi mới cơ cấu kinh tế, (b) phát triển kết cấu hạ tầng, (c) phát triển nguồn nhân lực, (d) đổi mới công nghệ quá lạc hậu hiện nay so với những đòi hỏi mới của CMCN 4.0, (e) nâng cao sự phát triển năng động của những KCN hiện có, (f) vấn đề nợ đến hạn, ngân sách liên tiếp thâm hụt sâu, hàng trăm nghìn sinh viên tốt nghiệp chưa có việc làm, nhiều sản phẩm nông nghiệp truyền thống cần thay đổi để có thị trường tiêu thụ, nhiều sản phẩm gia công đang mất lợi thế cạnh tranh, v… v… Trong tình hình như vậy,  huy động một nguồn vốn rất lớn (có con số nói là khoảng 70 tỷ USD!) cho 3 ĐKKT là một quyết định chiến lược không hợp lý: bỏ việc lớn, chọn việc ăn ngay dễ làm! 

2.   Mô hình ĐKKT đã lỗi thời trên thế giới kể từ thập kỷ 1990s, không thể đáp ứng những phương thức mới về sản xuất, kinh doanh, liên kết và dịch vụ trong khuôn khổ những hiệp định thương mại tự do (FTAs) Việt Nam đã ký kết trong những năm vừa qua và thời đại CMCN 4.0.

Hơn nữa, nếu có sự quản lý đất nước thông thoáng và có trách nhiệm giải trình, thì ngay trong từng KCN đã hoàn thành và hiện vẫn còn đến gần một nửa diện tích chưa sử dụng, hoàn toàn  có thể huy động đầu tư trong nước hoặc FDI đưa vào mỗi KCN hay nhiều KCN đang tồn tại này những công trình công nghiệp hiện đại của CMCN 4.0, vừa sớm đem lại hiệu quả kinh tế cao và có sức lan toả lớn cho kinh tế vĩ mô, vừa không phải đặt vấn đề xây dựng mới các ĐKKT đang gây ra nhiều tranh cãi rất nhạy cảm, nhất là nguồn vốn đất đai ngày càng căng thẳng.

3.   Cả 3 dự án ĐKKT không đáp ứng được những yêu cầu làm động lực và tạo sự lan tỏa cho sự phát triển của toàn bộ nền kinh tế quốc gia trên những phương diện: phát triển nguồn nhân lực, đẩy mạnh vận dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới, nâng cao năng lực quản trị nền kinh tế quốc dân – nhất là trên phương diện thực hiện sự công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình, sớm tìm ra sản phẩm riêng và lối đi riêng để nâng cao năng lực cạnh tranh của nền toàn bộ nền kinh tế quốc dân trong tình hình mới, v… v…

4.   Xin nhấn mạnh, bài toán kinh tế vỹ mô khó nhất của nước ta từ hàng chục năm nay không giải quyết được là: Năng lực sản xuất kinh doanh có trong tay của toàn bộ nền kinh tế quốc dân rất lớn, nhưng toàn bộ nền kinh tế nói chung hoạt động dưới tiềm năng nghiêm trọng, lãng phí và thất thoát rất lớn, tham nhũng vô cùng nặng nề, chi phí hậu cần và chi phí cơ hội cao gấp 2 – 3 lần so với nhiều nước, có quá nhiều ách tắc và bất cập trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng… Trong bài toán này, yếu kém nghiêm trọng nhất là không phát huy được vốn quý nhất của quốc gia là con người và nguồn nhân lực; trong khi đó thể chế chính trị, bộ máy nhà nước và toàn bộ khâu quản lý hành chính nói chung là trở lực lớn nhất của sự phát triển đất nước.

   Bài toán này đặt ra nhiều câu hỏi quan trọng để cân nhắc:

(a)         Nên tập trung mọi nguồn lực quốc gia, đồng thời từng bước thực hiện ngay những cải cách có thể để giải quyết bài toán này? – tạm gọi đây là giải pháp “a”.

(b)         Hay là giải quyết bài toán này bằng xúc tiến 3 dự án ĐKKT? – tạm gọi đây là giải pháp “b” - Tôi xin nói ngay ý kiến của tôi: giải pháp “b” không thể giải được bài toán này, thậm chí sẽ gây thêm nhiều mối nguy lớn.

(c)         Trong trường hợp muốn thực hiện cả hai giải pháp “a” và “b”, rất nên đặt lên bàn cân xem xét có khả thi không? Hoặc giữa giải pháp “a” và giải pháp “b” nên ưu tiên thực hiện giải pháp nào trước? – Ý kiến tôi: Lùi một ngày giải pháp “a”, đất nước sẽ “chết” thêm một ngày, nhưng lùi giải pháp “b” đất nước và lãnh đạo sẽ có thêm thời giờ để cân nhắc.

(d)         Quá trình 30 năm tiến hành công nghiệp hóa vừa qua cho đất nước ta một bài học khắc nghiệt: Nguyên nhân hàng đầu dẫn đến thất bại không hoàn thành sự nghiệp CNH-HĐH đất nước vào năm 2020 như đã ghi trong các nghị quyết các đại hội đảng là không đồng thời dựng lên được một thể chế chính trị và bộ máy nhà nước của quốc gia CNH-HĐH để vận hành đất nước. Nguyên nhân hàng đầu này cũng là nguyên nhân gốc của tệ nạn quan liêu tham nhũng đã diễn ra trầm trọng và làm thất bại nhiều chủ trương, chính sách kinh tế đúng đắn. Trong sự tồn tại của nguyên nhân gốc này, có dám nói chắc là sẽ quản lý được 3 ĐKKT với những siêu ưu đãi dành cho nó không? Và ai cũng biết những siêu ưu đãi này có thể thách thức quốc gia rất nghiêm trọng trên nhiều phương diện vô cùng quan trọng.

(e)         Vân vân…  Vân vân…

5.   Đất đai hiện nay là một trong những vấn đề nhạy cảm và nóng nhất của đất nước. Chưa nói đến những sai lầm và bất cập về đường lối, chính sách, chủ trương hiện hành về vấn đề đất đai và quan điểm ghi trong Hiến pháp “đất đai thuộc quyền sở hữu toàn dân do Nhà nước thay mặt nhân dân quản lý”, nước ta đất hẹp người đông, mật độ dân số cao nhất châu Á, sự “quản lý” rối loạn của nhà nước làm cho vấn đề đất đai căng thẳng thêm cực độ. Tình hình cụ thể hiện nay ở Vân Đồn, Vân Phong và Phú Quốc là toàn bộ đất đai cả 3 khu này đã có chủ sở hữu các loại khác nhau, không còn lấy 1 m2 bỏ trống. Triển vọng dễ thấy nhất ngay từ giai đoạn “dự án” của 3 ĐKKT là: Sẽ hứa hẹn có thêm 3 “Thủ Thiêm” mới. Có nên không? Xin Bộ Chính trị cân nhắc kỹ trong tình hình hiện nay.   

6.   Báo chí đưa tin Chủ tịch Quốc hội Nguyễn thị Kim Ngân nói dự án 3 ĐKKT là quyết định của Bộ Chính trị, Quốc hội cần bàn để thực hiện. Tôi không biết tin này chính xác như thế nào. Song theo tôi, nếu là Bộ Chính trị dù đã quyết rồi mà ý kiến cả nước và ngay trong Quốc hội còn xôn xao không đồng tình như vậy, Bộ Chính trị vẫn cần phải xem lại, vì các lẽ:

(a)         Giả thử chủ trương này đúng, song trong tình hình đất nước và khu vực rất nhạy cảm như hiện nay vẫn cần phải có sự đồng thuận của toàn dân. Lúc này đẻ số thêm những vấn đề căng thẳng trong nội trị sẽ không khác tự sát bao nhiêu, vì cái xảy nảy cái ung.

(b)         Bộ Chính trị có quyền lực lớn nhất nước, song không thể nói Bộ Chính trị khôn hơn cả nước được, lắng nghe dân và tham khảo dân Bộ Chính trị chỉ có được, chứ không có mất! Mặt khác, có thể Bộ Chính trị quyết định chủ trương lớn, nhưng không giám sát được việc thiết kế các nội dung cụ thể trong dự luật và các phụ lục với quá nhiều sơ hở - không loại trừ khả năng “lợi ích nhóm” chui vào, có thể gây nguy hại lớn cho đất nước; trong khi đó không hiếm những ý kiến phản biện đúng đắn đã được lên báo thường lại bị rút khỏi mặt báo ngay tức khắc! Vân vân và v… v... Chưa nói đến Bộ Chính trị không phải là vạn năng, cái gì cũng quyết đúng được, làm đúng được. Trong thực tế Bộ Chính trị đã nhiều lần mắc những sai lầm nghiêm trọng. Dù chỉ là công dân, chí ít tôi đã biết được 3 lần Bộ Chính trị mắc sai lầm nghiêm trọng: Lần thứ nhất, đi hội nghị Thành Đô là quyết định của đa số trong tập thể BCT, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch phản đối và bị loại. Lần thứ hai, Bộ Chính trị đã bác bỏ những đề nghị chiến lược quyết định vận mệnh đất nước do Thủ tướng Võ Văn Kiệt nêu ra trong bức thư ngày 08-09-1995. Lần thứ ba là quyết định sai lầm của Bộ Chính trị về khai thác bauxite Tây Nguyên. Vân vân…

7.   Xin đặc biệt lưu ý, trong tình hình hệ thống chính trị đất nước có quá nhiều yếu kém và tình hình khu vực rất phức tạp hiện nay, những ý kiến lo lắng trong dân – trong đó có một số vị tướng đã từng chỉ huy quân ngũ – về những hệ quả khôn lường trên phương diên an ninh & quốc phòng mà 3 ĐKKT và dự luật dành cho nó có thể gây ra là xác đáng, không thể bỏ ngoài tai. Chắc chắn BCT có đủ thông tin để đọc được những gì phải đọc trên bản đồ địa kinh tế và địa chính trị của nước ta và của khu vực, lại trong cục diện trật tự mới của bàn cờ thế giới rất phức tạp hôm nay!.. Trong tình huống nhất định, có thể nói đã sẵn sàng một kịch bản: hung khí tổng hợp đủ các loại – hữu hình hoặc vô hình, của quyền lực rắn và quyền lực mềm – của kẻ địch đã  dí sát sườn đất nước ta. Không thể nhắm mắt để không cần thấy gì!

8.   Nội dung 3 dự án ĐKKT và dự luật cùng các phụ lục kèm theo, xem cho kỹ sẽ thấy: Đấy là các sản phẩm ra đời từ quá trình “sao chép – cắt – dán” (copy – cut – and paste) từ những thứ đã thành văn và ra đời trong thập kỷ 1980s hoặc trước nữa tại một số quốc gia và lãnh thổ... Song những sản phẩm này không có khả năng lột tả những bối cảnh cụ thể của các quốc gia và lãnh thổ thời ấy khi những ĐKKT của họ ra đời – và đương nhiên bối cảnh của những nơi này lúc ấy hoàn toàn khác với bối cảnh của nước ta hôm nay. Cái mới và cái sáng tạo duy nhất sản phẩm  “sao chép – cắt – dán” này có được so với nguyên bản là làm cho các ưu đãi ưu tiên nặng ký hơn so với nguyên bản, song lại không thể biện minh được, và vô cùng lạc hậu, rất bất cập so với hiện tại. Vô cùng đáng lo hơn nữa là những ưu tiên ưu đãi nặng ký này sẽ được thực hiện trong bối cảnh quyền lực rắn và quyền lực mềm TQ hôm nay đã can thiệp quá sâu vào đời sống mọi mặt của đất nước ở phạm vi cả nước.

Xin lưu ý cho: Trong quá trình toàn cầu hóa kinh tế của thời đại CMCN 4.0, vòng đời của một sản phẩm cùng loại ngày càng ngắn, ngày càng nhiều sản phẩm bị thay thế hẳn, ngày càng nhiều sản phẩm hình thành từ quá trình liên kết mạng ở phạm vi quốc gia, khu vực, hoặc toàn cầu, đồng thời phương thức sản xuất kinh doanh hoàn toàn thay đổi.., tất cả đều vượt ra ngoài phạm vi một KCN hay một ĐKKT..; điều kiện tiên quyết của thành công hôm nay cho một quốc gia không phải là “khu” này “khu nọ”, mà là (1) con người, (2) khả năng vận dụng công nghệ thời CMCN 4.0., (3) khả năng tạo ra và cung ứng những dịch vụ thích ứng mà phương thức mới đòi hỏi, (4)thể chế chính trị và bộ máy vận hành quốc gia hậu thuẫn đắc lực mọi bước phát triển mới! Vì những lẽ cụ thể này, dự án 3 ĐKKT và dự luật đi kèm nhất thiết cần phải gác lại để xem xét.

 

Với 8 điểm nêu trên, tôi trân trọng đề nghị Bộ Chính trị gác lại dự án 3 ĐKKT và dự luật đi kèm để sau này sẽ quyết định dứt khoát vào thời điểm thích hợp – lý tưởng nhất là sau khi đất nước đã tiến hành cải cách chính trị. Việc tìm cách sửa chữa lặt vặt điểm này điểm nọ trong dự án và dự luật để “dắt trâu qua rào”, cố tình thông qua là đi ngược lại lợi ích và an ninh của quốc gia.

                                                Kính thư

                                                Nguyễn Trung