Lời tự sự

 

         

          Tôi tên là Nguyễn Đăng Trung. Hồi nhỏ đi học, thày giáo và các bạn thường gọi tôi là Đăng Trung để khỏi nhầm với bạn cùng tên khác trong lớp. Rời ghế nhà trường trung học để vào đời, tên tôi chỉ còn lại hai chữ Nguyễn Trung - một dạng của hao mòn vật liệu... Bây giờ bạn bè tôi và tôi đều lên ông, bà cả rồi, một hai người có chắt, nhưng tôi vẫn là Đăng Trung ngày ấy trong con mắt và vòng tay các thày và bạn bè tôi...

 

          Cuộc đời run rủi thế nào tôi bước vào ngành ngoại giao, từ cuối năm 1954, sau khi đã tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ và tiếp quản thủ đô Hà Nội ngày 10 tháng 10 cùng năm. Tôi trung thành với cái nghề mình không tự chọn cho mình khoảng bốn chục năm, thật là một dịp may lớn được ghé mắt ra thế giới bên ngoài. Song may hơn nữa là mấy năm cuối cùng trước khi nghỉ hưu tôi được đi gần hết mọi miền của đất nước, được nhìn rõ đất nước mình hơn ở độ tuổi có cái nhìn chậm chạp và cổ lỗ, song có thể vì thế thấy được đôi điều hiện tại hay hiện đại dễ lãng quên – nhất là tôi có cái tính cứ hay so so nước mình với cả thế giới. Không rõ vì tôi yêu nước mình, hay là tôi tiêm nhiễm cái bệnh nhìn gì cũng so đo với người?.. Hệ lụy của cái tính so đo là tôi cầm bút viết quyển truyện dài này – một sự dở chứng dối già?

 

         Ôi ba thập kỷ đầu tiên của đất nước hòa bình, độc lập, thống nhất!.. Tôi thấy phải làm việc gì đó ghi nhớ lại chặng đường không thể nào quên này của Tổ quốc chúng ta, theo cảm nhận riêng của mình, và bằng cách làm riêng của mình... Cái lẩm cẩm của người thuộc lứa tuổi “thất thập cổ lai hy” chăng? Hay là sự liều mạng vốn có trong tôi  đến thành thói quen điếc không s súng?.. Tôi không rõ...

 

        Chỉ biết con tim cao huyết áp thôi thúc, cánh tay yếu đuối phải nhúc nhích.

 

        Tôi bắt đầu viết những trang sách dài dài này trong tâm trạng như thế, lần đầu tiên, có lẽ cũng là lần cuối cùng trong đời...

 

         Ý nghĩa đích thực của cái bút danh Nguyên Nguyên* có lẽ chỉ là để đánh dấu sự bắt đầu của mọi sự bắt đầu trong tôi. Để thực hiện ý định viết bộ tiểu thuyết này, nói như người mới học võ, tôi đã tự chuẩn bị cho mình, là cố ...tập đi mấy đường quyền, bằng cách viết thử một hai quyển sách...

 

Tôi không biết là mình đã bắt đầu công việc viết lách được chưa, hay vẫn còn đang ở giai đoạn tiếp tục tập đi mấy đường quyền... Hay là sống có nghĩa là suốt đời tập đi mấy đường quyền?.. Ngày 29 tháng 10 năm 2000 tôi ngồi vào bàn để “gõ” hai chữ “Dòng đời”**, hai chữ đầu tiên của bộ tiểu thuyết này, ngày 22 tháng 7 năm 2003 tôi hoàn thành bản thảo đầu tiên, ngày 19 tháng 2 năm 2006 tôi hoàn thành bản thảo lần thứ 16.

 

Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc đứa con tinh thần của tôi./.

 


 

* Trong các sách đã viết, tôi dùng bút danh Nguyên Nguyên, kể cả bản thảo của Dòng đời. Song lần này Nhà xuất bản Văn nghệ TPHCM đề nghị tôi đứng tên thật, tôi chấp thuận.

**Dòng đời”  để xuất bản là bản thảo thứ 16, gồm 4 tập, đánh số thứ tự I, II, III, IV, đã dược khoảng trên 100 người đọc (kể từ bản thảo thứ 7) và góp ý kiến. Phần Cảm nghĩ và lời bạt của các độc giả đã đọc bản thảo được chọn lọc và in ở cuối tập IV.

 

 

Trở lại mục lục