Tôi làm “chính trị”


 Nhng k nim và trăn tr

 

Hồi ký 

Nguyễn Trung 

Phần hai:  Kẻ thất bại toàn diện


 

6

Trở về Đoạn trước

 

 

II. Kẻ thất bại toàn diện

               Tựa đề huênh hoang như vậy của phần này thực ra là tổng kết của chính tôi trong một câu  về toàn bộ những gì tôi đã trăn trở và đã viết ra trong khoảng 28 năm qua, nhất là trong 23 năm nghỉ hưu đến nay – và kết quả gặt hái được : Thất bại toàn diện!..

 

Tôi chưa tìm được ngôn từ nào có thể huênh hoang cao hơn nữa, để giễu cợt mình chua cay hơn nữa, để xát thêm muối vào những nỗi đau của những thất bại tôi hứng chịu trên quãng đường này – để tỉnh ngộ thêm, suy nghĩ thêm, xem còn có thể làm được chút việc gì nữa không, trước khi trao trả cuộc đời này cho đời và trở về với cát bụi!?...

 

Có thể nói, từ khi chia tay với ngoại giao, tôi quan tâm đến mọi vấn đề của đất nước mà tôi quan sát được, với tới được và làm tôi bức xúc – hầu như không trừ một lĩnh vực nào. Tôi cũng tự hỏi mình: Như thế có tham lam quá không?

 

Tôi tự trả lời: - Không!

 

Về vườn, trở thành một công dân như mọi công dân, tôi thực sự có điều kiện hiểu biết hơn thế nào là cuộc sống của một người dân thường. Cái nhìn của tôi trở nên rõ nét hơn, song nỗi đau riêng cũng sâu nặng hơn…

 

Cuộc sống của một người dân thường là cuộc sống của một con người và đồng thời cũng là một công dân trong lòng đất nước – với nghĩa: Quốc gia và chế độ chính trị này có bao nhiêu quyết sách, chính sách, luật lệ, quy định, tác động, ảnh hưởng, phúc lợi, gánh nặng, tệ nạn… thì từng người dân thường – từ em bé mới ra đời đến người cao tuổi nhất –  đều phải đội trên đầu mình toàn bộ những gánh nặng, hoặc được hưởng lợi những điều gì đó mà quốc gia này và chế độ chính trị này mang lại.

 

Chính vì bức xúc được – dù chỉ là ở mức độ nhất định nào đó bức xúc của người dân thường, bức xúc trong tôi về những vấn đề của đất nước càng day dứt thêm. Tôi tự đặt ra cho mình cái gì mình hiểu được và nói được, thì nhất thiết phải lên tiếng! Biết mà im lặng là có tội! Tôi lao vào cuộc chiến đấu toàn diện là vì như thế. Thậm chí có những lĩnh vực tôi hoàn toàn i-tờ-mít, nhưng không nói không được, - như bauxite Tây Nguyên, thép Thạch Khê, Formosa, lĩnh vực giáo dục, lĩnh vực văn hóa… Không biết thì đào bới bất kể chỗ nào đào bới được để tìm thông tin, tìm kiến thức mà nói! Không bàng quan được!..

 

Song tôi phải tự tổng kết: Mình là kẻ thất bại toàn diện trong cuộc chiến này. Tôi chỉ có thể sắm vai: Hữu trí vô mưu! Nghĩa là: Trí không có mưu, nên cũng chỉ là thứ trí rẻ tiền thôi!

 

Không phải là vì tôi toàn nói ra, hay là viết ra những điều vô nghĩa – sự thực không đến nỗi tệ hại như vậy. Mà chỉ vì tôi có cảm nghĩ: Mọi nỗ lực của mình cho đến hôm nay hình như chưa lay động được đến cái lông chân của chế độ chính trị này và những con người của quyền lực!

 

Đấy là sự thật tôi đang đối mặt!

 

Chỉ một điều nhỏ nhoi hôm nay tôi có thể nói được với mình: Đúng là mình đã thất bại toàn diện… Viết rất nhiều, nhưng không xoay chuyển được gì. Đến nay chỉ có chưa giơ tay hàng!

 

Có một niềm vui, một điều an ủi trong cái thất bại toàn diện này, đó là: Tôi học được rất nhiều cái khác, cái mới, cái chưa biết từ các anh các chị bốn phương trời… Có thể nói, nếu không có sự «bổ sung» này tôi sẽ có những thiếu hụt lớn và không ít cái sai từ những định kiến có sẵn. Hơn nữa, trong quá trình này tôi có thêm nhều bạn mới – từ Mỹ là các anh Vũ Quang Việt, Ngô Vĩnh Long, Trần Hữu Dũng, Nguyễn Mạnh Hùng, Ngô Thanh Nhàn, Phạm Đỗ Chí.., từ Pháp là các anh Cao Huy Thuần, Nguyễn Ngọc Giao, Hà Dương Tường, Trần Hải Hạc.., Từ Nhật là anh Trần Văn Thọ, từ Úc là anh Phạm Việt Hưng… …

 

Tại đây tôi xin dành lời cảm ơn đặc biệt đến trang mạng viet-studies.net và chủ nhân Trần Hữu Dũng, nơi tôi từ hàng chục năm nay nhận được rất nhiều bài quan trọng của giới học giả và báo chí Mỹ không thể thiếu cho sự tham khảo của tôi, và cũng là nơi cửa ngõ của mọi bài viết của tôi đi qua để tới bạn đọc.

 

Về vườn,

Đấy là cuộc khai sinh mới: Tôi là người tự do!

Thật khó nói được niềm vui: Tôi sống cuộc đời của tôi, do tôi, vì tôi …và vì mọi thứ tôi muốn…  – ngay lập tức bài tập văn năm vào đời tự động phát đi tín hiệu cảnh báo tôi: «tự do là hiểu lẽ tất yếu!»

Từ trải nghiệm của mình trong cuộc đời, tôi còn muốn bổ sung thêm một mệnh đề phái sinh nữa: «tự do là dám đối mặt với thách thức mình bị thách thức!» - thành công hay thất bại đều chấp nhận!

Không có ai chỉ huy hay sai khiến mình nữa, tôi quyết từ miền đất «đối ngoại» và «kinh tế» mình canh tác lâu nay, vươn vào miền đất cuộc đời của đất nước, ngẫm nghĩ lại về mình và về đất nước, muốn cầy cuốc  trồng trọt cái gì đó trên vùng đất mới này…

Như đã nói trong Phần một "Vào đời", tôi muốn nhìn lại tất cả những chặng đường đất nước đã trải qua, từ thời Gia Long. Bởi vì đất nước ta hoàn chỉnh như hôm nay bắt đầu từ thời kỳ này – gần như đồng thời với Nhật của Minh Trị. Thực tế này dấy lên trong đầu tôi câu hỏi khôn nguôi: Cái gì khiến cho mỗi quốc gia mỗi ngả trên con đường của nó sau này?..

Song tham vọng này lớn quá, phải khoanh bớt lại: từ năm 1930 đến nay vậy, để từ cái nhìn lại này (review) cố sao hiểu rõ con đường đã trải qua đất nước… Sâu thẳm trong tim, tôi rất muốn viết sử đất nước nằm gọn trong vòng một đời người này - mà chính tôi là nhân chứng, đồng thời cũng là tác nhân và nạn nhân. Bởi vì, chỉ trong một khoảnh khắc lịch sử ngắn ngủi như vậy, song đất nước ta đã phải trải qua những tình huống nghiêm trọng, biết bao nhiêu thăng trầm đẫm máu và nước mắt, những biến cố và sự cố quan trọng…

            Cho phép tôi ngay tại đây nói lên lời cầu xin với hiện tại và tương lai: Mong sao mọi trí tuệ của đất nước từ những bài học đất nước đã tích lũy được, từ chỗ đứng trong thế giới hôm nay, vạch ra được con đường dẫn đất nước ta đi vào một cuộc đời mới trong một thế giới đã đổi khác rất nhiều: Một quốc gia độc lập tự do của một dân tộc tự do!

            Tôi dám cả quyết: Nếu tất cả những kinh nghiệm và bài học của mọi thành / bại đất nước ta đã trải qua từ thời Gia Long đến nay, đặc biệt là từ năm 1930 đến nay, được rút ra và đánh giá nghiêm túc, cùng với những kiến thức mới của trí tuệ văn minh nhân loại hôm nay, nhân dân ta hoàn toàn có đủ trí tuệ và nuôi được cho mình ý chí để vượt qua mọi thách thức, trở thành một nước phát triển của độc lập, tự do, dân chủ, giàu mạnh và hạnh phúc. Kinh nghiệm và bài học quan trọng nhất của đất nước trên chặng đường lịch sử này mà nhân dân ta nên khắc cốt ghi xương là: Cần hiểu đúng thế giới chúng ta đang sống để giác ngộ bằng được lợi ích quốc gia! Đây cũng là bài học dân tộc Việt Nam ta đã phải trả giá lớn nhất trên chặng đường lịch sử này.

Tôi phải vô cùng xin lỗi đất nước, xin lỗi dân tộc mình vì suy nghĩ như vậy.

Sâu thẳm trong suy nghĩ này là nỗi đau của tôi – dù đúng hoặc sai: Cho đến hôm nay, có lẽ chúng ta[11] – trước hết là giới quyền lực và các tầng lớp ăn theo – vẫn nặng về nhìn thế giới qua hay nhờ vào con mắt của người khác, cho nên nhận thức lợi ích quốc gia cũng vẫn nặng về theo lối nghĩ của người khác! Chẳng lẽ cho đến hôm nay chúng ta – tôi hiểu đây là dân tộc Việt Nam chúng ta – dù đã có độc lập quốc gia, những vẫn chưa sao đặt chân lên được vũ đài của độc lập trong cách nhìn và trong tư duy!? Câu hỏi này day dứt tôi cùng năm tháng… Nỗi đau này càng đau thêm, vì đất nước cứ rộ lên ngày càng nhiều những điều ba hoa chích chòe – trong đó không hiếm các danh nhân «trí thức» cũng góp phần đích đáng của mình… Tất cả hình như chỉ cốt lấn át đi hay làm lạc hướng sự chú ý về những điều đang xảy ra trong thực tại. Thời hiện đại còn huy động có dụng ý cả sự hỗ trợ của các công nghiệp giải trí để đánh lạc hướng!..

Nghề nghiệp và nhiệm vụ của tôi có thể cho phép tôi nói: Tôi đã sống với tất cả sức mình trong những bước đường nói trên của đất nước, đã lặn ngụp trong không ít những khó khăn đất nước phải đối mặt, tìm kiếm mọi ý tưởng có thể trong hay ngoài nước, những kinh nghiệm trong quá khứ hay trong hiện tại, mạnh dạn góp ý giải quyết... Càng nhìn nhận được sự thật diễn ra trong cuộc sống những bước đường này, nỗi day dứt của tôi càng lớn, cho đến hôm nay – với biết bao nhiêu nỗi lo, bởi vì thảm họa không lúc nào buông tha rình rập đất nước ta. Chưa thoát khỏi được những hệ quả của 4 cuộc kháng chiến, hôm nay đất nước lại đối mặt với một trật tự quốc tế mới của một thế giới khác! Chưa nói đến những tai ương có thể đến từ trong tự nhiên, từ một đột biến nào của địa kinh tế và địa chính trị của thế giới hoặc khu vực, đó nội trị của quốc gia quá nhiều yếu kém! Trong khi đó lối mòn trong cách nhìn và trong cách nghĩ của chiếm quyền chủ đạo đất nước vẫn cứ đang dài mãi ra, thậm chí đang được gia cố thêm của «độc lập dân tộc gắn với CNXH» và trung thành với CNML, bằng mọi bạo lực chuyên chính có thể!..

Tôi xin tóm trong một câu: Trong 43 năm đầu tiên độc lập thống nhất, tuy đã giành được mức quốc gia có thu nhập trung bình (thấp) - song đất nước ta có lẽ chưa bao giờ lại nhiều chuyện ươn hèn đốn mạt như bây giờ, và hầu như đất nước chưa có được sự chuẩn bị sẵn sàng ở mức phải có cho bất cứ một thách thức hay biến cố nào lớn!

Không phải chỉ từ khi nghỉ hưu, mà ngay từ những năm công tác đầu tiên, tôi đã hình thành cho mình sự chân thật và thẳng thắn cả trong những vấn đề chính trị nhạy cảm nhất. Nghề nghiệp đòi hỏi tôi như thế, song cũng mang đến cho tôi những cơ hội hiếm có. Tôi đã nhiều lần được làm phiên dịch hay phục vụ những lãnh đạo cao cấp nhất của đảng và nhà nước trong nhiều việc hệ trọng khác nhau cũng như trong những chuyến đi công tác ngắn ngày – từ tổng bí thư Lê Duẩn, tổng bí thư Trường Chinh, thủ tướng Phạm Văn Đồng, các ủy viên Bộ chính trị Nguyễn Duy Trinh, Lê Thanh Nghị… … .., và tôi không bao giờ giấu giếm những băn khoăn của tôi về những vấn đề liên quan đến sống còn của đất nước, mạnh dạn nói lên quan điểm riêng của mình… Trong các báo cáo, các bài nghiên cứu, bài viết… cũng vậy.

Có một mẩu chuyện thế này, khi tôi được yêu cầu đi làm phiên dịch cho tổng bí thư Lê Duẩn, mọi người dặn dò tôi rất kỹ lưỡng, phải thế này, phải thế kia… Tôi chưa từng thấy sự cẩn thận nào như thế… … Tôi đâm lo, trong đó cái lo nhất là tổng bí thư nói nhanh theo giọng nói của quê mình, tôi chỉ sợ nghe không hiểu hết nội dung và có thể dịch sai. Khi đến chào ra mắt tổng bí thư, ngay câu đầu tiên tôi nói nỗi lo của mình:

-            Thưa Anh, tôi được dặn kỹ phải cố hiểu hết ý của Anh và dịch cho đúng. Nhưng tôi lo Anh nói nhanh và tôi có thể dịch sai. Vậy xin đề nghị Anh nói thong thả cho tôi dịch được. Nếu không, có thể tôi sẽ dịch sai và không làm tròn được nhiệm vụ của mình.

Không ngờ, cách thật thà vào đề câu chuyện của tôi như vậy, tạo ra  không khí cởi mở ngay từ đầu. Tổng bí thư đồng ý sẽ chú ý, hỏi thăm tôi về nghề nghiệp, công tác, gia đình… Tổng bí thư chủ động hỏi nhiều chuyện, tôi cũng thưa nhiều chuyện… Mãi cho đến lúc có người vào mời tổng bí thư đi làm công việc khác. Dọc chuyến đi công tác này, đôi lúc tổng bí thư gọi tôi lên ngồi cạnh trên máy bay, hỏi rất nhiều chuyện về các nước LXĐA – vì biết tôi ở Đức lâu năm và có nhiều thông tin để trình bầy, nhất là cách nhìn của tôi từ CHDCĐ về Liên Xô… Cả trong những ngày ở CHDCĐ cũng có đôi lần những chuyện như thế… Tôi thấy tổng bí thư Lê Duẩn là người dễ gần và cởi mở, nghĩa là khác những gì tôi nghe được … Còn tôi có dịp mở hộp thư bí mật về những điều mình lo âu – xoay quanh câu chuyện nội tình phe xã hội chủ nghĩa, và vấn đề cái dốt ở đất nước ta đang lên ngôi…

            Nỗi niềm day dứt

Xin nói thêm về tôi một chút.

            Tôi không lựa chọn cho mình, song cuộc sống của nghề nghiệp ngoại giao rất sớm đặt tôi vào trong lòng sự cọ sát đối kháng quyết liệt giữa 2 thế giới Đông – Tây, còn có một tên gọi khác là «cuộc đấu tranh ai thắng ai giữa 2 con đường – CNXH và CNĐQ?» - trong suốt 4 cuộc chiến tranh mất / còn vô cùng đẫm máu của đất nước để giành lại độc lập thống nhất, và cho đến khi phe XHCN sụp đổ.

Sau đó nghề nghiệp cũng gắn bó tôi với mọi bước đi của đất nước trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước thời bình.

 

…Tôi có thể dám chắc, mong muốn của tôi mổ xẻ lịch sử như vậy đến từ những nỗi đau của đất nước và của họ hàng ruột thịt trong gia tộc của tôi, ngay trong gia đình tôi… mà tôi cảm nhận được trên da thịt mình suốt đường đời mình đã trải qua. Hầu như mong muốn này không đến từ hoài bão nào trong tôi cả – đành rằng làm sao ai sống mà không có hoài bão!?

Song cũng có thể nói, mong muốn này của tôi còn nảy sinh từ truyền thống yêu nước của chính gia đình và họ tộc mình.., yêu nước theo con đường định mệnh đã đặt chúng tôi vào… Trong khi đó, kể từ khi có vỹ tuyến 17, một nửa máu mủ họ hàng của chúng tôi ở bên kia cũng có những người định mệnh đặt họ vào con đường này hoặc con đường khác…

Riêng trong gia đình tôi, bố tôi  đã có hai em tham gia cách mạng từ trước 1945... Hai chú của tôi đã trực tiếp tham gia chiến đấu bảo vệ thủ đô mãi đến tận tháng 3-1947 mới rút ra khỏi nội thành…

Thời kháng chiến chống Mỹ bố mẹ tôi có một con dâu, một con rể và ba con trai tại ngũ, trong đó bốn người cầm súng chiến đấu trên các chiến trường khác nhau của tổ quốc. Vợ tôi là người đã nhập ngũ ngay sau khi tốt nghiệp đại học của thời «3 sẵn sàng» năm 1965… Gia đình mẹ vợ tôi là cơ sở cách mạng của ta ở Hà Nội trong suốt cuộc kháng chiến chống Pháp… Kể lể ra như thế chỉ để nói chúng tôi sống có ý thức đối với đất nước trên con đường chúng tôi đi.

Trước đây lâu lắm rồi, đôi lúc có dịp hàn huyên trong nhà, mấy người anh em họ và bạn chí cốt trì triết tôi: …Trung ơi, người như mi sao ngu lâu thế!?.. Bố tôi nghe, chỉ cười không nói gì… Tôi cũng không biết trả lời thế nào. Ngồi nói chuyện với nhau như thế trong nhà, cứ 10 người thì đến 9 người cho rằng chẳng có ĐCS nắm quyền nào trên thế giới này có thể thay đổi được, nó chỉ có khả năng tự đổ vỡ hay bị đập tan!.. Họ cũng nghĩ như vậy về ĐCSVN, dù rằng đa phần trong số họ đều là đảng viên lâu năm!

Các vị này bây giờ đi xa hết cả rồi, bỏ tôi lại một mình… Song đến hôm nay tôi vẫn chưa có câu trả lời dành cho câu hỏi về tôi của các vị!..

Nỗi đau trong tôi kinh niên lâu quá, có lẽ đã trở thành bản năng, nó gần như không cần biết đúng sai nữa!?..

Thú thật, sống giữa gia đình và họ hàng, ăn ngủ thở hàng ngày  giữa lòng đất nước, thế nhưng cái bản năng như là “nghiệp” mà trong những lúc thất vọng chính tôi cũng không muốn ôm lấy nữa, không hiếm lúc làm cho tôi nhức buốt với cảm giác: Tôi như đang một mình lạc vào một sa mạc chưa từng biết đến, đơn độc và không hy vọng tìm được đường về  - dù đang sống giữa những người thân của mình!..

Không dưới một lần tôi đã nói với anh em, con cháu, bạn bè mình,  kể cả trong những lúc trà dư tửu hậu: Tôi chắc sẽ không có may mắn được chứng kiến đất nước thay đổi đâu! Thế hệ các chắt của tôi thì may ra có thể!

Nhưng vì là nỗi lo đã trở thành “bản năng”, nên tôi không bỏ được niềm tin: Tiền đồ của đất nước chỉ có thể nằm trên con đường thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược![12] Phải có dân trí và hòa hợp dân tộc để có sức mạnh hoàn thành…

Cái bản năng niềm tin này đối với tôi vì thế nhiều khi như là nghiệp!

Trong những người ngồi nói chuyện với nhau trong nhà như vậy, có một ông anh của tôi cùng học thi với anh Việt Phương, cũng một dạng thông minh như vậy, nhưng con nhà giàu phố Hàng Bạc. Ông học trên anh Việt Phương một năm, nhưng sau đó anh Việt Phương đuổi kịp – không rõ vì ông đúp một năm hay anh Việt Phương nhảy cóc một năm. Học xong ông sống làm dân thường, ở lại Hà Nội không tham gia kháng chiến, tiếp tục là dân thường cho đến lúc về với tổ tiên. Ông anh này là con giai trưởng họ hàng thân thiết bên ngoại của gia đình tôi.  Đôi lần ông nói với tôi:

-   Anh chỉ là người Việt Nam, đối với anh thế là đủ rồi chú ạ!

Ông anh tôi giữ được những cốt cách như tôi thấy ở ông bà ngoại mình thời xưa, rất hiền lành của một nhà nho, mà tôi được coi như là một đứa cháu cưng… Nhưng không rõ truyền thống này bền được bao lâu. Ngay trước khi ông đi xa, con cháu ông đã thành các chi, các nhánh rất khác nhau, ở trong nước và ở nước ngoài hết cả rồi…

Một mẩu truyện tôi nhớ đến hôm nay, trong tuần lễ đầu tiên khi tôi về tiếp quản Hà Nội (10-10-1954): Người bên họ ngoại tôi gặp đầu tiên chính là ông anh trưởng bên họ ngoại này. Tôi còn nhớ, hôm ấy, ngay sau phần thăm hỏi họ hàng ra sao, ai còn ai mất, ai sống ở đâu đi đâu.., câu chuyện đi ngay vào «chính trị» - có lẽ vì nỗi lo của anh tôi đối với chế độ. Tôi ra sức bảo vệ chủ nghĩa xã hội, tìm đủ mọi thứ chứng minh Liên Xô tốt đẹp như thế nào và hơn đứt Mỹ. Liên Xô của tôi lúc bấy giờ chủ yếu là Liên Xô trong «Thép đã tôi thế đấy» của Nikolai A.Ostrovsky – tiểu thuyết Liên Xô đầu tiên tôi được “nghe” trong đời.

Sự thể “nghe” tiểu thuyết là thế này: Hồi ấy, khoảng 1951, tôi được tham gia lớp huấn luyện chính trị cho các học sinh là hiệu đoàn trưởng, hiệu đoàn phó… các trường trung học toàn Liên khu Viêt Bắc, tổ chức tại Đồng Hỷ - Thái Nguyên, lúc đó tôi là hiệu đoàn trưởng trường Trung học Yên Bái. Chương trình ngoại khóa của lớp là giới thiệu tiểu thuyết “Thép đã tôi thế đấy!”. Tại lớp học này, bọn tôi chỉ mong ngày chóng tối để được “nghe” tiểu thuyết quá hấp dẫn này. Cứ đến giờ, là bọn tôi tề tựu đủ mặt trong lán, ngồi chung quanh cái đèn dầu măng-sông sáng choang, người vừa đọc vừa kể truyện tùy đoạn là anh Cao Kiến Thức (cùng lứa và công tác thanh vận với anh Nguyễn Lam - 1922-1990). Anh Thức giỏi tiếng Pháp, đọc thẳng bằng tiếng Việt từ truyện ra những phần hay nhất, nên ngồi nghe càng hấp dẫn. Hỏi thăm nhau, hóa ra anh Thức ở phố Hàng Bông, mẹ là chủ cửa hiệu bán hàng trang sức mỹ kim, mẹ anh Thức lại là bạn với mẹ tôi – con gái phố Hàng Bạc… Chuyện không may, khi lớp học bế mạc, anh Thức đột ngột lên cơn sốt rét ác tính. Ở giữa rừng sâu, thuốc chữa hồi đó duy nhất chỉ có kí-ninh uống hoặc tiêm. Chúng tôi thay nhau ôm chặt anh Thức những lúc anh lên cơn co giật mạnh, lúc dùng thìa cố cậy hai hàm răng anh nghiến chặt để đổ thuốc, đổ sữa… Nhưng bệnh tật đã cướp mất anh Thức của chúng tôi!..

…Những năm gặp nhau sau này, kể cả đôi lần trước khi ông đi xa, ông anh trưởng bên họ ngoại của tôi thường mở đầu câu chuyện «Chủ nghĩa xã hội của chú Trung hôm nay thế nào?», để nghe tôi kể tình hình thời sự đất nước. Rất ít khi ông mở đầu câu chuyện với câu hỏi: “Tình hình đất nước có gì mới không chú?”… Một hai lần ông buông lời bình: «Nó khác với chủ nghĩa xã hội lần đầu tiên chú kể cho tôi nghe năm nào, chú Trung nhỉ!»… Tôi chỉ biết cười trừ. Xót xa…

Kể lể ra như vậy, chỉ để nói lên: Nỗi day dứt trong tôi không phải là sản phẩm của bất kỳ một sự động dao, «diễn biến», hay «tự diễn biến nào»! Nỗi day dứt này là một nhận thức tất yếu không thể khác được của một con người đã cùng với cả gia đình và họ tộc mình dấn thân trên con đường đất nước đã trải qua từ Cách Mạng Tháng Tám đến nay! Chính tôi đã trực tiếp sống trong bom đạn và tự thân mình cảm nhận bằng tất cả tâm hồn, ý thức và các giác quan thế nào là chiến tranh, là đau khổ mất mát… mà dân tộc ta đã phải chịu đựng… Tôi đã trải nghiệm và phân biệt được thế nào là đúng, thế nào là sai.., thế nào là bất công, là man rợ, là sự thật, là dối trá.., thế nào là công, thế nào là tội… đã xẩy ra trên đất nước ta suốt chặng đường này, nhất là trong 43 năm đầu tiên đất nước độc lập thống nhất…

Nói đơn giản, đi cùng với con đường gian khổ và đầy thương đau này của tổ quốc mình, tôi là người, chứ không phải là gỗ, càng không phải là một vật nuôi!

Nói là tôi đau nỗi đau của dân tộc tôi và tổ quốc tôi… – sẽ hoàn toàn không sai. Nhưng như thế nghe đại ngôn quá! Tôi không dám tự nói cho mình như thế!

Song tôi đủ can đảm dám nói: Tôi thực sự đau lòng về nỗi bất lực của mình. Tôi không làm sao nói lên được đúng tầm cái giá quá lớn dân tộc và tổ quốc chúng ta đã phải trả trong 2 thế kỷ này, nhất là từ năm 1930 đến nay, những gì nhất thiết phải tránh, những gì cha truyền con nối phải làm bằng được, những gì phải đặt vào cái đích chung của toàn dân tộc, để từ nay thế hệ này sang thế hệ khác quyết giành lấy và gìn giữ…

Nỗi đau nói trên khiến tôi cả quyết:

Chính khoảng lịch sử chưa đầy một thế kỷ này (1930 – 2018) sẽ quyết định tương lai của đất nước từ nay trở đi:

-            Hoặc là dân tộc Việt Nam ta sẽ đổi đời được chính mình, làm cho đất nước sánh vai được cùng với thiên hạ;

-            hoặc là dân tộc Việt Nam ta sẽ vẫn mãi mãi bị cầm chân tiếp trong cái khoang đen chứa phế liệu của con tàu thế giới.., nước đã độc lập thống nhất – song vẫn là một quốc gia bị chiếm hữu!..[13]

tất cả tùy thuộc vào dân tộc Việt Nam ta hôm nay có hay không học được những gì phải học trong những thành / bại, những cái giá rất đắt đã phải trả, và những kinh nghiệm chính mình tích lũy được trong khoảng lịch sử này.

            Tại đây tôi xin thú tội:

            Đã có những đêm không ngủ, tôi muốn hét vào mặt ĐCSVN hôm nay, hét vào mặt từng người dân trong cả nước – trong đó có cả tôi: Đất nước bẩy tám thập kỷ nay bị bầm dập đến thế này, đã mấy chục năm độc lập thống nhất rồi mà vẫn không giúp được nhau khôn lớn lên, không quyết cùng nhau khôn ngoan lên, thì thân phận ruồi muỗi đất nước chúng ta đã phải trải qua và hôm nay lại đang lăm le phía trước cũng đáng thôi! Chẳng có định mệnh nào cả! Chỉ tại chính chúng ta mà thôi! Cái thế giới này thật vô cùng cùng ác nghiệt.., nhưng cũng sòng phẳng vô cùng!..

            Không một ai trong trong cộng đồng nhân dân cả nước chúng ta có thể đổ lỗi cho người khác bên cạnh! Mỗi người trong cộng đồng nhân dân cả nước chúng ta – từ người có quyền lực cao nhất, đến cùng đinh hạng chót trắng trơn – đều có phần lỗi của riêng mình về thân phận đất nước hôm nay, quyền càng cao tội lỗi càng lớn! – tôi nghĩ như vậy, không ai thoát được!

            Tôi cũng không dưới một lần đã nói và viết ra:

-       Để đất nước mình như hôm nay, không một đảng viên ĐCSVN nào – trong đó có tôi – là vô can!

Cứ nhìn ra Biển Đông hôm nay đi, cứ nhìn vào những ngổn ngang be bét trong nước đi, mọi người sẽ thấy tất cả!

Xin đừng vội khép tôi vào tội ngạo mạn khi các bạn phải đọc những dòng chữ này. Tôi bị day dứt như vậy, và xin chia sẻ thực lòng như vậy! 

Có thể tôi đúng hoặc sai! Tôi cho phép mình tự vượt lên trên mọi đúng và sai để bộc bạch nỗi lòng của mình như vậy!

Tôi vô cùng mong mỏi mỗi chúng ta nghiêm túc nhìn nhận lại tất cả!

        

Từ những gì tôi đã viết suốt gần 3 thập kỷ vừa qua (tôi không thể tổng kết lại được là bao nhiêu bài, có thể là vài trăm bài với hàng chục nghìn trang.., trên nhiều lĩnh vực trong cuộc sống đất nước), xin nêu ra vài nét khái quát dưới đây về đất nước trong suốt thời kỳ này, bắt đầu từ 30-04-1975.

            Con đường đất nước trải qua từ sau 30-04-1975 đến nay có thể diễn tả như sau:

1.     Thời kỳ xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong hòa bình nước ta chẳng những có muôn vàn khó khăn thời hậu chiến, mà còn phải đối mặt với biến cố thế giới nghiêm trọng là sự sụp đổ của hệ thống thế giới xã hội chủ nghĩa. Lựa chọn con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội và ý thức hệ của nó vừa là mục tiêu chiến lược, vừa là hơi thở và là một động lực quyết định của 4 cuộc kháng chiến. Thực tế này tự nó đã định hình hướng đi của đất nước ta trong thời bình như một khách quan tất yếu – trước hết với nghĩa không thể tránh được.

2.     Tuy nhiên, sự nghiệp hồi sinh đất nước coi như bị thực tế diễn biến của đời sống quốc tế bứt ra khỏi quá trình vốn đã định hướng cho nó: ĐCSVN xây dựng CNXH trên đất nước độc lập thống nhất của mình trong bối cảnh cuộc đấu tranh «ai thắng ai?» thất bại đã nghiêng hẳn về phía CNXH. Trong tình hình này, đất nước ta   nhiều bỡ ngỡ, hẫng hụt mới không ngờ tới, đồng thời đứng trước nhiều khác biệt quá lớn so với thế giới bên ngoài.

Có thể nói lãnh đạo đảng bất cập và bị choáng! – tôi nghĩ như vậy. Tất cả những gì đã xảy ra trên đất nước ta ngay từ ngày đầu tiên sau 30-04-1975 cho đến Hội nghị Thành Đô 3&4-09-1990 giải thích thực tế này.

3.     Trong khi đó tư duy của đảng lãnh đạo và thượng tầng kiến trúc của đất nước độc lập thống nhất vốn hình thành trong suốt quá trình cách mạng này, nên tất yếu lạc hậu và không thể phù hợp với bối cảnh và xu thế phát triển của thế giới bên ngoài – nhất là trên 2 phương diện: (a)sự vận động không thể cưỡng lại của quá trình toàn cầu hóa kinh tế thế giới, (b)quan hệ Việt Nam – Trung Quốc chẳng những không phải là «quan hệ đối ngoại XHCN» (thật ra chưa bao giờ như vậy), mà còn tích tụ ngày càng nhiều yếu tố đối kháng; trong khi đó kể từ sau hội nghị Thành Đô phía Việt Nam lại đi hẳn sang chiều hướng lấy sự đồng dạng ý thức hệ với TQ làm căn bản xây dựng quan hệ hai nước!

4.     Trong mối quan hệ song phương Việt – Trung phần đối kháng của Trung Quốc giữ vai trò quyết định, phần hợp tác của Trung Quốc nhẹ cân hơn nhiều và còn có chức năng trang điểm và hẫu thuẫn cho phần đối kháng. Có nhiều nguyên nhân khác nhau, song không nên chỉ một chiều đổ lỗi cho chính sách bá quyền và quyền lực mềm của Trung Quốc – vì làm gì có một Trung Quốc không bá quyền! Nên nhìn nhận đầy đủ hơn những yếu kém và sai lầm của phía ta để nghĩ đến lối ra sau này. Xu thế phát triển tiêu cực của mối quan hệ song phương này hiện đang gia tăng, do  (a)vì mục đích toàn cầu, những bước đi của Trung Quốc ngày càng ráo riết và tập trung vào khu vực nước ta, sự can thiệp thường xuyên bằng quyền lực mềm và quyền lực rắn của Trung Quốc vào Việt Nam gia tăng, bước ngoặt là hội nghị Thành Đô; (b)phía ta ngày càng bất cập, đồng thời sự tha hóa của chế độ chính trị tự nó cũng mang lại cho đất nước những thách thức mới nguy hiểm.

5.     Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, lãnh đạo vấp nhiều bất cập, đồng thời phạm nhiều sai lầm nghiêm trọng của duy ý chí  và tha hóa. Tuy nhiên, phẩm chất chính trị của lãnh đạo thời kỳ những năm đầu sau 1975 này đã cho phép nhận thức ra phát huy được sức sống của đất nước, từ đó dựa vào dân nên đã đi tới được công cuộc đổi mới 1986 thay da đổi thịt nền kinh tế. Đất nước có bộ mặt mới. Thời kỳ ngoạn mục này kéo dài khoảng 1 thập kỷ, sau đó sớm đối mặt với mâu thuẫn mới: Vô cùng đáng tiếc, kinh tế càng phát triển, chế độ chính trị càng bất cập. Nguyên nhân chính: trối bỏ cải cách chính trị, với lập luận giữ vững định hướng XHCN. Sau đổi mới 1986, nhất là sau hội nghị Thành Đô, phẩm chất chính trị của lãnh đạo ngày càng sa sút hẳn từ đây.

6.     Yêu cầu phát triển của đất nước đòi hỏi phải mở cửa đẩy mạnh tham gia quá trình toàn cầu hóa, song phản ứng của lãnh đạo và chế độ chính trị lại là co lại, để gia tăng kiểm xoát và tăng cường quyền lực. Hội nghị toàn quốc giữa nhiệm kỳ tháng 1-1994 của ĐCSVN trong nhiệm kỳ khóa VII đánh dấu bước thụt lùi lớn. Sự năng động của nền kinh tế đất nước thời hội nhập ngày càng mâu thuẫn sâu sắc với chế độ chính trị đang ngày càng bất cập và tha hóa. Mâu thuẫn này cùng với sự tha hóa của đảng và chế độ chính trị ngày càng gia tăng đã làm cho nhiều giá trị của dân tộc và đất nước bị băng hoại:  Đất nước đi hẳn vào thời kỳ chế độ toàn trị, dẫn tới tham nhũng và lãng phí lên ngôi làm kiệt quệ đất nước, bất công và trấn áp bùng phát chưa từng có. Cuộc khủng hoảng toàn diện của đất nước bắt đầu từ đây cho đến hôm nay chưa có lối ra.

Có thể xem từ cuối khóa đại hội IX cho đến hôm nay (khoảng 15 năm) là thời kỳ có những tiêu cực, tội ác và tham nhũng đen tối nhất cho đến nay trong 43 năm độc lập thống nhất đầu tiên của đất nước – giữa lúc sức sống của đất nước và những thách thức trên thế giới đang đòi hỏi đất nước phải có những thay đổi quyết liệt.

7.     Đặc biệt là từ khi chế độ toàn trị trở thành quyền lực tuyệt đối và biến chất tuyệt đối toàn bộ hệ thống chính tri, đảng nắm quyền đã tha hóa đến mức đứng trước nguy cơ phân rã  (trước Đại hội XII). Đây là nguyên nhân chính khiến đảng nắm quyền và chế độ chính trị suy yếu toàn diện, phạm những sai lầm nghiêm trọng trong cả đối nội và đối ngoại, trong kinh tế đối ngoại – nhất là kể từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng toàn diện hiện nay. Trong quá trình này đã xảy ra không ít sai lầm và tội ác phản lại hay bán rẻ lợi ích quốc gia, bờ cõi đất nước bị xâm phạm.

8.     Môt trong những nguyên nhân trầm trọng nhất làm tha hóa đảng nắm quyền và chế độ chính trị là bệnh dối trá, đi liền với bóp nghẹt dân chủ. Bưng bít thông tin tự nó trở thành chính sách ngu dân, thực trạng đất nước bị cách giáo dục và tuyên truyền theo giữ vững định hướng che lấp. Nhân dân cả nước hôm nay  không được cảnh báo đầy đủ những nguy cơ, thách thức để sẵn sàng, những cơ hội hay lợi thế đang đến cần tranh thủ và phát huy..; nhất là đất nước hầu như chưa sẵn sàng hay không được chuẩn bị thỏa đáng để ứng xử với những bất định chưa từng có trong thời kỳ thế giới đã sang trang đi vào trật tự quốc tế mới hôm nay – nan giải nhất là vấn đề Trung Quốc. Trong khi đó xu thế tụt hậu của đất nước chưa dừng lại, nguy cơ đất nước rơi vào cái hố đen của những bất ngờ không kịp trở tay không nhỏ...

9.     Nhìn lại tổng thể 43 năm qua chiến lược xây dựng và phát triển đất nước đã phạm những sai lầm trầm trọng:

(a)Lợi thế lớn nhất của đất nước là nguồn lực con người không phát huy được, thậm chí bị làm cho tha hóa, suy thoái và làm cho suy kiệt;

(b)tư tưởng nhiệm kỳ + nền kinh tế GDP tỉnh  + quốc doanh là chủ đạo + đất đai thuộc quyền sở hữu toàn dân là những yếu tố gây ra những tác động tổng hợp: (1)một mặt băm nát nền kinh tế quốc dân, (2)mặt khác là tạo ra cái nôi lý tưởng của những tệ nạn quan liêu, tham nhũng và lãng phí, hút hết sinh lực của đất nước, (3)đồng thời làm phá sản hầu như mọi chiến lược phát triển của quốc gia đã đề ra được cho từng ngành hoặc từng lĩnh vực, (4)giam hãm đất nước trong nền kinh tế tiểu sản xuất và lạc hậu.

(c)toàn bộ hệ thống chính trị và bộ máy quản trị quốc gia bị lợi ích nhóm và tầm nhìn của tư tưởng nhiệm kỳ chi phối nặng nề, một mặt dẫn đến những lựa chọn quyết định thiển cận và sai lầm trong chiến lược phát triển, mặt khác không thể vận hành và quản trị có hiệu quả nền kinh tế quôc dân. Kinh tế đất nước chìm sâu vào công nghiệp gia công, công nghiệp hạ nguồn, công nghệ lạc hậu, tài nguyên cạn kiệt và môi trường bị xâm phạm nghiêm trọng, kết cấu hạ tầng lạc hậu… Sức sống của nền kinh tế chủ yếu dựa vào sự vận động của những nguồn lực bên ngoài. 

 

Nguồn gốc của toàn bộ yếu kém nêu trong điểm «9» này là chế độ chính trị và những thể chế hiện hành, năng lực yếu kém của con người trong hệ thống. Hệ quả: Chiến lược hoàn thành công nghiệp hóa vào năm 2020 thất bại là tất yếu, chiến lược giáo dục hoàn toàn phá sản, cơ cấu toàn bộ nền kinh tế quốc dân nhìn chung lạc hậu so với đòi hỏ phát triển của đất nước. Kinh tế đất nước đã đi hết còn đường phát triển theo chiều rộng, song vì “bóc ngắn cắn dài” nên hầu như không còn nội lực, không được chuẩn bị và không còn gì nhiều trong tay để chuẩn bị cho chuyển sang thời kỳ phát triển theo chiều sâu. Lực cản lớn nhất và trực tiếp đối kháng với đòi hỏi phát triển của đất nước lại là sự bất cập và tha hóa của chế độ chính trị, cái nghèo chỉ là hệ quả và là thứ yếu. Xin lưu ý cho: Không bao giờ có thể có một nền kinh tế phát triển lại do một thể chế chinh trị lạc hậu và tha hóa vận hành! Cải cách chính trị vì thế trở thành đòi hỏi sống còn!

Trong cục diện hôm nay của thế giới và khu vực, thậm chí chỉ một cái xẩy tay, một bước đi sai lầm, một sự cố đất nước không làm chủ được.., cái giá phải trả thật khó lường. Đất nước chưa bao giờ có quy mô kinh tế lớn như hôm nay, song cũng chưa bao giờ ở vị thế bị uy hiếp nghiêm trọng và phải chịu hèn như thế này... Cũng phải lưu ý: 30 năm công nghiệp hóa (1986-2018) của nước ta GDP pc tăng 12 lần, nhưng của Hàn Quốc trong thời kỳ như thế (1960-1988) tăng khoảng 40 lần, của Trung Quốc (1978-2018) khoảng 25 lần.., song chi phí cho 1% tăng trưởng như thế ở nước ta cao hơn rất nhiều, riêng so với Hàn Quốc thời kỳ CNH này ước lượng khoảng <2 lần!..  Nước ta hôm nay, dù đã đi được một đoạn đường dài trên con đường phát triển, song vẫn còn nhiều vấn đề lớn nan giải: khoảng cách phân biệt giàu / nghèo quá lớn, còn nhiều nơi và nhiều người rất nghèo, một nửa dân nông thôn chưa có nước sạch, sự tụt hậu của quốc gia tiếp tục xa thêm so với nhiều nước quan trọng đối với ta, v… v…

Xin bỏ cách so sánh ta hôm nay với ta hôm qua để tự sướng. Mỗi chúng ta nên dành tâm trí tự hỏi: Nội lực của ta hôm nay như thế nào? Có thể tạo ra cho mình một tập hợp lực lượng trên thế giới ra sao nếu đất nước cứ một mình một lối trong cái thế giới đầy sát phạt hôm nay? Còn ai là bạn của mình khi tắt lửa tối đèn? Đã có cách gì tránh được thân phận là cái bãi đổ rác và là nơi bị các cơn lũ của những đồng tiền bẩn mọi xuất xứ càn quét? … … Một thể chế chính trị yếu kém như hiện nay sẽ kiểm soát như thế nào những con lũ bẩn này đang đổ vào đất nước (bây giờ đang nóng lên chuyện 3 ĐKKT!)…  

Song tôi càng lo, chiến lược hoàn thành công nghiệp hóa hiện đại hóa  nước ta vào năm 2020 như đã ghi trong nhiều nghị quyết quan trọng của ĐCSVN hiển nhiên đã thất bại. Thế nhưng không thấy nghiêm túc kiểm điểm, đánh giá, rút kinh nghiệm việc đã làm. Càng không thấy chỉ ra nguyên nhân số 1 của thất bại chiến lược này là thể chế chính trị và hệ thống nhà nước hoàn toàn bất cập hay không phù hợp cho quá trình công nghiệp hóa một quốc gia! Nghị quyết mới của Bộ Chính trị số  23-NQ/TW ngày 22-03-21018 về phát triển công nghiệp quốc gia lại đi thẳng vào chiến lược đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, nội dung tuy có nói đến cách mạng công nghiệp 4.0, nhưng là nói chỉ để cho đủ mâm đủ bát bầy lên bàn thờ, là những đòi hỏi / mong muốn chính trị hơn là một chiến lược công nghiệp hóa, không làm rõ được Việt Nam sẽ trở thành một nước công nghiệp kiểu gì và phải giành vị trí nào trong cấu trúc mới của kinh tế thế giới và quá trình toàn cầu hóa của thời kỳ mới này, càng không thấy nói phải có một thể chế quản trị quốc gia nào để hình thành và vận hành nền công nghiệp mới của đất nước… …

Hầu như mọi chuyện đại sự quốc gia đang được đặt sang một bên, chỉ để tập trung lo chuyện «lò - củi» và vấn đề cán bộ - giữa lúc mọi vấn đề trong nước và ngoài thế giới của quốc gia đều rất nóng! Sự suy yếu toàn diện hiện nay của đất nước đang gia tăng nguy hiểm tình trạng bị lệ thuộc và sự uy hiếp của bên ngoài chưa từng có!

 Tuy nhiên, ngày đêm tôi cứ như húc đầu vào đá, vì mọi đề đạt của mình về nhiều điều hệ trọng, đến lãnh đạo, đến một số cơ quan hữu quan.., hàng chục năm nay cứ đi mãi trong không trung không về.

Song tôi không có ý nghĩ bỏ cuộc.

Khi Myanmar rục rịch những bước đi từ một chế độ quân phiệt đẫm máu sang một thể chế dân chủ hơn, tôi đã đến tân nơi tìm hiểu tất cả. Tôi đã cố gắng tiếp xúc các nhân vật tôi có thể gặp được trong chuyến đi này, tìm hiểu những chuyển biến đang diễn ra trong những ngày nóng hổi ngay sau cuộc bầu cử 08-11-2015 – cuộc bầu cử tự do đầu tiên của chế độ quân phiệt Myanmar, đã bầu ra thổng thống Thein Sein, một trong những người giữ vai trò quyết định mở ra một thời kỳ phát triển mới cho đất nước này. Tôi cũng cố tìm hiểu TQ đã làm được gì và không làm được gì trong những diễn biến ở Myanmar. Mong muốn của tôi về cải cách chính trị ở nước ta càng nóng bỏng. Trở về nước, tôi đã làm tất cả những gì có thể để kiến nghị một bước đi tương tự như thế của nước ta, do ĐCSVN tiến hành – vì hoàn cảnh nước ta không thể khác được. Tôi đánh giá nước ta có nhiều thuận lợi cho cải cách hơn Myanmar rất nhiều, chỉ thiếu điều duy nhất: Lãnh đạo ĐCSVN không hồi âm đề nghị của tôi.  

Myanmar hôm nay còn cho thêm một bài học mới về nguy cơ quay trở lại của chế độ quân phiệt và của sự can thiệp trở lại của Trung Quốc – liên quan mật thiết đến vấn đề bộ tộc người Rohingya và đạo Hồi (thế lực của bà Aung San Suu Kiji có lẽ không đủ mạnh để giải quyết v/đ quá sâu sắc này). Thật may mắn biết bao nước ta không có vấn đề sắc tộc đau khổ này, cũng không có vấn đề mâu thuẫn tôn giáo – song không được vì thế mà ăn no ngủ kỹ hay làm liều!

Lâu nay tôi vẫn ngưỡng mộ Israel tồn tại và phát triển được gần như chỉ với sa mạc, lọt vào giữa trận địa của cả một thế giới bài Do Thái, tỷ lệ tính theo người là 1/23… Gần đây, đầu năm 2017, tôi cũng tìm cách sang tận nơi tìm hiểu tại chỗ, để kiểm nghiệm những gì tôi đã đọc về quốc gia hạt tiêu này… Thật đáng khâm phục. Tôi nghiệm được: Gìn giữ ý chí cố kết dân tộc, và nuôi nấng trí tuệ - đấy là 2 nhân tố hàng đầu đã mang lại cho quốc gia hạt tiêu này tất cả. Đối tượng của họ thì rõ rồi, thế nhưng đối tác của họ là cả thế giới, kể cả doanh nghiệp của gia đình cũng tìm đối tác cho mình là cả thế giới – lựa chọn những sản phẩm hàm lượng chất xám cao đến mức gần như độc quyền vì khó ai cạnh tranh được… Thật là khôn như người Do Thái!.. Ra về, tôi càng nôn nóng cho nước mình!..

Tôi không bao giờ nghĩ lẽ phải hoàn toàn thuộc về những ý kiến của mình, chắc chắn có nhiều đúng / sai khác nhau theo những quan điểm khác nhau. Song tôi tin rằng một khi vấn đề nêu ra có hồi âm và được xới lên, chắc chắn sẽ gợi mở nhiều điều có ích cho đất nước. Vì lẽ này trước sau tôi kiên trì… Nhất là tôi không muốn mọi hy sinh và mất mát của đất nước trong gần một thế kỷ vừa qua bị hôm nay phản bội, càng không thể chấp nhận đất nước ta cứ bị giam hãm mãi trong tụt hậu…

Tôi viết không nản, còn vì không muốn im lặng trước những vấn đề tôi thấy không nên im lặng, ít nhất là để chia sẻ suy nghĩ của mình với mọi người. Vả lại tôi cũng có những bạn đọc thường xuyên – số đông trong họ là những người đã nghỉ hưu ở một số địa phương khác nhau trong nước và nước ngoài, nhận được từ họ ý kiến nhận xét đủ màu sắc – từ khen lên đến trời và chê còn hơn chửi độc: đồ ngu trung, con chim mồi… Song cũng không ít ý kiến của họ giúp tôi đào sâu suy nghĩ.

Tôi lắng nghe hết, chỉ xuýt xoa trong lòng tại sao không thể tổ chức trong cả nước những diễn đàn trao đổi với nhau để cùng nhau học hỏi và rộng đường dư luận! Điều này cần thiết lắm cho đất nước, nhưng không thể - chỉ vì cấm tự do ngôn luận! Đến mức trên 40% dân số cả nước dùng inhternet và mobile fone mà đất nước vẫn trì trệ kéo dài, ý chí dân tộc sa sút và phân hóa…

Cấm tự do ngôn luận chỉ che đậy được phần nào với hiệu quả gần như bằng không những cái sai và sự dối trá của người cầm quyền và chế độ. Nhưng cấm thế này trở thành sự buông bỏ hoàn toàn trận địa dư luận cho cái ác, cái xấu hoành hành. Trong bài toán «cấm» này, người cầm quyền trở thành kẻ ngu dốt và yếu kém, người bị hại là lợi ích quốc gia và quyền thông tin chính đáng của người dân, kẻ thắng lớn nhất là cái ác ngự trị đời sống đất nước.

Suốt gần 3 thập kỷ nay, tong mọi báo cáo, bài nghiên cứu, bài viết, thư gửi lãnh đạo, trong các sách đã hoặc chưa xuất bản.., tôi luôn luôn nhấ quán quan điểm xuyên suốt :

Gìn giữ mọi thành tựu và mọi vốn liếng đất nước phải trả bao xương máu mới có được, nhất quyết không phản bội một hy sinh nào, không một mất mát nào của đất nước được phép bỏ qua, tìm đường từ thực tại cải cách và phát triển để đưa nước ta đi lên – bằng sức mạnh của hòa giải và đoàn kết dân tộc.

Tôi dứt khoát bác bỏ con đường cách mạng bạo lực, ngoại trừ xẩy ra trường hợp bất khả kháng, bởi vì

(1):  Cuộc đời đã dạy tôi mọi cuộc cách mạng trên thế giới đến nay đều ăn thịt những đứa con của mình, đến nay không một cuộc cách mạng nào trên thế giới đã thực hiên được lý tưởng tạo ra chính nó, vì thực hiện những lý tưởng cao đẹp ấy chỉ có thể là nhiệm vụ của phát triển; chưa nói đến những quốc gia đã diễn ra những cuộc cách mạng mang tên các mùa hoa này nọ đang bị những hỗn loạn thời hậu cách mạng biến đất nước họ thành những miếng «da lừa» cho các hùm sói giành giật nhau đến hôm nay chưa có hồi kết!

(2):  Tôi không chấp nhận đất nước ta 3 thế hệ liên tiếp đã phải gánh chịu 4 cuộc kháng chiến chống xâm lược, lại sẽ phải bước vào một cuộc bể dâu mới – vì lẽ này, tôi kiên trì theo đuổi ý chí thay đổi ĐCSVN thành đảng của dân tộc. Ai nói gì mặc, với tinh thần còn nước còn tát, cho đến khi tôi thất bại hoàn toàn hoặc tôi thành công!  

(3): Đòi hỏi tiên quyết cho sự phát triển đổi đời đất nước là vấn đề dân trí, trong thế giới hôm nay lại càng như vậy! Cuộc sống hôm nay hình như chỉ dành cho nước ta một con đường: Từ những thỏa hiệp và đồng thuận dân tộc nhỏ nhất tạo ra và tích tụ khả năng dưỡng sức dân, để tập trung tất cả cho nỗ lực nâng cao dân trí và đồng thời qua đó đẩy mạnh quá trình  hòa hợp dân tộc. Đất nước chỉ có thể đi lên bằng trí tuệ của những công dân tự do của nó và sức mạnh của hòa giải đoàn kết dân tộc trong một thể chế chính trị dân chủ và tiến bộ!

            Nhìn lại con đường đất nước đã trải qua từ năm 1930 cho đến hôm nay, tôi rút ra kết luận từ nay trở đi, dân tộc Việt Nam ta cha chuyền con nối, cần đem tất cả nghị lực và ý chí thực hiện bằng được:

Một là: Nhiệm vụ xây dựng nước Việt Nam độc lập, dân chủ, giầu mạnh, tự do, hạnh phúc, là thành viên có năng lực, được tin cậy và được tôn trọng trong cộng đồng quốc tế.

Hai là: Nhiệm vụ tạo ra sức mạnh, trí tuệ và bản lĩnh thực hiện được là láng giềng của hòa bình, hữu nghị, hợp tác bình đẳng và cùng phát triển bên cạnh Trung Quốc, được Trung Quốc tôn trọng![14]

            Cá nhân tôi nguyện đem hết sức mình phục vụ hai mục tiêu chiến lược này.     

Bàn về lập luận: cấm tự do ngôn luận là đề phòng độc hại

Độc gì? và hại ai? là cả một vấn đề.

Cuộc sống đất nước cho thấy: Cấm tự do ngôn luận, bưng bít thông tin và dối trá như đang làm, chỉ đem lại ngu dân, gây ra nhiều tổn thất lớn mọi mặt, làm suy yếu đất nước, chỉ chứng minh được sự yếu kém của chế độ toàn trị!

Phòng độc & hại một cách hiệu quả với đúng nghĩa vì lợi ích quốc gia là phải nâng cao dân trí.

Cho phép tôi ngay tại đây nói thế này:

Trong thế giới đã sang trang hôm nay để bước vào trật tự quốc tế mới, Việt Nam sẽ thắng hay thua, trước hết tùy thuộc vào dân trí!

Hiện nay Việt Nam đang thua thiệt trên nhiều mặt trong thế giới này, vì chính sách ngu dân[15], chứ không phải vì dân trí thấp. Thực trạng dân trí thấp ở mức rất nguy hiểm hiện nay ở nước ta không phải do nhân dân ta dốt nát, mà là do chính sách ngu dân  của chế độ! Thực trạng này đang trở thành thách thức lớn nhất đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong một thế giới đầy biến động quyết liệt, lại vào giữa lúc đất nước đòi hỏi phải có những thay đổi sâu sắc!

Về dân trí, nói khái quát cho 43 năm qua theo tôi nhìn lại là thế này:

Ra khỏi chiến tranh, lẽ ra vấn đề dân trí nói chung và vấn đề giáo dục nói riêng của đất nước ngay tức khắc phải được trao cho một cuộc sống mới, một nội dung mới, để góp phần chuyển cuộc sống của đất nước từ thời chiến sang thời bình mở cửa ra thế giới, để sẵn sàng và chuẩn bị cho giai đoạn phát triển mới… Song trên thực tế chỉ làm vẻn vẹn có 2 việc: (a) tuyên truyền niềm tự hào không giới hạn về chiến thắng vinh quang – và chỉ có thế, đến mức trong nhiều bài viết tôi gọi là hiện tượng “mài quá khứ ra mà sống!”.., và (b) giương cao ý thức hệ của CNXH, khẳng định độc lập dân tộc gắn với CNXH.

Lúc đi vào thời chế độ toàn trị lên ngôi, nội dung trên còn được bổ sung thêm chính sách ngu dân trên thực tế, (de facto, do hệ quả của những chính sách khác nhau dẫn tới, nghĩa là không thành văn…).

Kêu dân trí nước ta thấp mà không nói tới nguyên nhân sự vật, đồng nghĩa đổ mọi tội lỗi cho dân!

Quá trình tha hóa kéo dài hàng chục năm này dần dà đã hình thành nên ở nước ta một văn hóa của ngu dân và dân trí thấp. Thứ văn hóa này cùng với sự lên ngôi của chế độ toàn trị đang ngày càng ngự trị đời sống văn hóa đất nước. Vì thế, trong lòng một chế độ chính trị định hướng XHCN xuất hiện quá nhiều hiện tượng hoang dã kinh hồn, đạo đức xã hội xuống cấp, sức sống năng động của đất nước bị chà đạp, bờ cõi bị xâm phạm..! Dù hôm nay mức sống nhìn chung của cả nước cao hơn nhiều so với lúc ra khỏi chiến tranh, đất nước đã giành được những phát triển nhất định, nhưng xin tha lỗi cho tôi: Tôi vẫn nghĩ đất nước mình đang thời mạt vận, bên trong thì hư đốn, bên ngoài thì bị uy hiếp. Đau lắm! Tất cả dồn nén thành nỗi ai oán ĐẤT NƯỚC MÌNH NGỘ QUÁ PHẢI KHÔNG ANH? (Trần Thị Lam).

Thứ văn hóa này của chế độ toàn trị đang hồi sinh nhiều hủ lậu vốn có từ quá khứ, đầu độc suy nghĩ của nhân dân bằng nhiều quan điểm sai lầm, đánh lạc hướng những nỗi lo của đất nước bằng mọi cách, đồng thời tự nó góp phần đáng kể làm suy đồi đạo đức con người và ý chí của dân tộc.

Đem chất lượng đạo đức, văn hóa, xã hội của nước ta hiện nay so sánh với Lào, Campuchia, Myanmar và Thái Lan, nếu bạn yêu nước mình chắc chắn bạn sẽ rút ra được nhiều điều đau lòng, có lẽ chỉ không nên so sánh với Trung Quốc!

Một ví dụ nữa: Trong khi câu hỏi «Liệu Singapore có thể sống sót trong thế giới hôm nay?» từ mấy năm nay đang trở thành nỗi lo và được bàn luận sôi nổi của cả quốc gia này để tìm đường sống, ở nước ta chỉ có duy nhất một khẩu hiệu «độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội» như một thánh chỉ!

Quyền lực giao cho thánh chỉ tối thiêng nói trên chức năng chi phối và quyết định đời sống mọi mặt của đất nước, giữ vững định hướng này bằng mọi bạo lực tinh thần và vật chất! Giữa lúc này, đất nước ta đang đứng trước đòi hỏi quyết liệt: Toàn bộ sức sống và nguồn năng lượng quốc gia phải được giải phóng và hướng vào con đường xây dựng nước ta trở thành nước phát triển!..

Thực tế hai thập kỷ nay đang chứng minh thứ văn hóa này hoàn toàn đủ sức cùng với chế độ toàn trị giam cầm nước ta trong lạc hậu, bất công và lệ thuộc bên ngoài. Ở nhiều nước khác, nếu có thực trạng nội trị như  ta hiện nay, có lẽ chế độ hiện hành phải sụp đổ tới ba, bốn lần rồi – tôi đã viết rõ ra như thế, trong đó có một số lần đã gửi đến lãnh đạo ĐCSVN – trực tiếp hoặc qua đường bưu điện.

Mới đây nhất, báo chí đăng tải Quy định 102  và quy định 105 của Đảng về những vấn đề nội bộ đảng, và bản mẫu nội dung kiểm điểm hàng năm của đảng viên. Những văn bản này của ĐCSVN tự nó phản ánh đậm nét nội dung và hệ quả của văn hóa chế độ toàn trị đang ngự trị đất nước – bắt đầu ngay từ trong đảng ra ngoài xã hội. Những văn bản này tự nó nói lên mức suy thoái trầm trọng trong đảng… Bởi lẽ tính tự giác và tiền phong chiến đấu của đảng viên hầu như không còn nữa hay sao? Nếu thế đảng phải tự nhìn lại mình ghê gớm lắm: Hư như thế mà sao vẫn đòi quyền lãnh đạo?.. Đi qua 4 cuộc kháng chiến, đảng viên chúng tôi hồi đó đâu cần phải có quy định nào!.. Hệ thống hỏng, thì quy định nào giữ được?..

Một số người trong nước đau đớn tự hỏi: Tại sao dân mình ngu lâu, hư lâu, dễ bị lừa, mãi không chịu lớn?.. Còn thế giới bên ngoài đã có ý kiến (trong đó sau này có Lý Quang Diệu) gọi ta là nước không chịu phát triển, là NATO (No Action,Talk Only)…  

Phải nói đất nước chúng ta đổi đời được hay không? trong thế giới đã sang trang đi vào trật tự quốc tế mới hôm nay, sẽ phải bắt đầu từ đất nước chúng ta thắng hay bại trong loại bỏ thứ (nền) văn hóa cấu thành từ hủ lậu của quá khứ cộng sinh với văn hóa ngu dân của chế độ toàn trị hôm nay sản sinh ra. [Cách đây hơn một thế kỷ Phan Châu Trinh đã khắc khoải nói lên với cả nước đòi hỏi tiên dân trí, chấn dân chí, hậu dân sinh.]

Thứ văn hóa này đã và đang ký sinh trên những yếu kém của từng người dân chúng ta, phát triển thành nhiều gốc rễ bò lan khắp đất nước,  ngày đêm đầu độc tâm hồn Việt, nó có tuổi đời đến nay là 43 năm! Xin được gọi trong một cái tên chung: Đấy là thứ văn hóa của chế độ toàn trị.

Nhưng nếu nói nước ta đang thua thiệt nhiều mặt, có quá nhiều vấn đề tệ hại vì quan trí thấp, tôi tán thành không do dự!

Xin chia sẻ như vậy để cùng suy nghĩ.  

Còn một thứ võ thông qua mọi loại hình quan hệ trên các lĩnh vực, đẩy mạnh thâm nhập của quyền lực mềm mọi dạng, với một núi tiền sẵn sàng mua mọi thứ - ít tiền không xong thì nhiều tiền hơn, nham hiểm một không thắng thì nham hiểm hai, ba, bốn… cho đến khi đạt mục tiêu, được vận dụng theo nguyên lý không đánh mà thắng có từ thời Tôn Tẫn, không giết mà vẫn chết của môn cờ vây, không dùng súng đạn  nhưng hạ gục đối phương bằng lý thuyết trò chơi [16].  Quyền lực mềm này đang củng cố những trận địa kinh tế đã án ngữ được, chiếm thêm những trận địa mới trong những lĩnh vực khác (văn hóa, chính trị, tư tưởng, an ninh…), khi cần thiết có thể dọn dẹp sẵn trận địa cho xâm lược vũ trang của một đội quân lớn nhất thế giới có thể đè bẹp các đối tượng tại chỗ, chớp nhoáng gây ra những «chuyện đã rồi!» nào đó. Đã xuất hiện những lời đe dọa không thể rõ hơn (tướng Phạm Trường Long dọa ta về Biển Đông)! V… v… Phải chăng lúc ẩn lúc hiện đã và đang phảng phất một bức tranh như thế trên bầu trời nước ta?

Xin hãy thử đặt ra những con tính kinh tế, làm những việc cân đối các nhu cầu của quốc gia, đặt ra những bài toán tình thế, giả định những tình huống bất khả kháng (forces majeures), ai - ở đâu - và chuẩn bị sẵn sàng cái gì, những kịch bản...? Mặt trận nhân dân, mặt trận kinh tế, mặt trận ngoại giao, mặt trận quân sự  v… v... Xong rồi, đem so sánh, đối chiếu với mọi chuẩn bị, tính toán, sẵn sàng của ta, sự trang bị thông tin, tinh thần và trí tuệ cho nhân dân, v… v…… Có lẽ khó mà nói, Việt Nam chúng ta đã ý thức đầy đủ về nguy cơ và tầm vóc xâm lăng mềm và rắn như vậy. Càng khó nói là chúng đã động não, động chân, động tay ở mức thỏa đáng, đạt tới sự phòng ngừa tin cạy…

Song trong tôi còn có một nỗi lo khác nữa: Liệu khả năng đề kháng dân tộc ta còn giữ được cho đến hôm nay sẽ mang lại sự đề kháng phải có? Hay là với hệ quả của một văn hóa trong đó có vốn cổ tích «tấm, cám», nay được nhào luyện thêm thứ văn hóa ngu dân 43 năm nay của chế độ toàn trị, nó sẽ có thể còn đẻ thêm ra cái gì nữa?!.. Mối nguy này không nhỏ! Hiện nay đã và đang âm thầm diễn ra hiện tượng di tản qua xuất khẩu lao động hay dưới hình thức được cho cái tên là “tỵ nạn giáo dục”, doanh nhân bỏ ra ngoài sinh sống... Trong lòng đất nước đang có hiện tượng di tản tại chỗ: lòng người rời bỏ hay quay lưng lại đối với chế độ chính trị!

Xin đừng bao giờ quên trong thời kháng chiến chống Pháp và chống MỸ, mối nguy lớn nhất của quốc gia là dân tộc bị chia rẽ, vì thế đất nước đã phải trả giá rất đắt! Cho đến hôm nay nước ta chưa có tổng kết nghiêm túc để nhận thức sâu sắc mối nguy này và những hệ lụy của nó. Hôm nay mối nguy này đang tiềm tàng trong những vấn đề mới của đất nước và trong bối cảnh quốc tế mới, nguyên nhân chính là những yếu kém của chế độ toàn trị!

Chỉ có khi nào dân là một, dân và chế độ chính trị là một, khi ấy cả nước sẽ là một núi chắn bất khả kháng đối với bất kỳ loại sóng thần hay xâm lăng nào có thể xảy ra, bất kể nó từ đâu đến.  Là một như thế, đất nước này không một ai trên thế giới này có thể biến nó thành vật đổi chác! Là một như thế, nhân loại văn minh – kể cả nhân loại văn minh trong lòng 1,3 tỷ  dân Trung Quốc, sẽ đứng về phía chúng ta, đồng thời dân tộc ta cũng sẽ trở thành một bộ phận gắn bó của nhân loại văn minh ấy. Chân lý là một như thế đã có từ thời Diên Hồng.

Bất chấp sự khuynh đảo hiện nay của thứ văn hóa của chế độ toàn trị, cái gen Diên Hồng của dân tộc ta là bất diệt!

Tòa nhà Quốc hội hiện nay phòng họp chính có tên là Diên Hồng, song người ngồi trong đó – chứ không phải ai khác, đang làm cho tên gọi này chưa có nội dung. Đã đến lúc phải vượt qua mọi sao nhãng, làm tất cả để xác lập lại ngay bây giờ và mãi mãi ý chí là một như thế!

Xin lưu ý cho, dù một nghìn năm Bắc thuộc, đất nước này vẫn làm nên Bà Triệu, Hai Bà Trưng... Dù thời thế làm cho tan tác, đất nước này vẫn dấy lên bông lau Đinh Bộ Lĩnh làm cờ dựng lại cơ đồ… Trên con đường lịch sử vạn dặm đầy thử thách mất / còn này cho đến ngày nay, đất nước này đã tạo ra, và cuối cùng luôn luôn là không bao giờ đánh mất cái gen là một của mình trong mọi tình huống bị vùi giập, cho dù bị vùi giập thế nào đi nữa! Kẻ thù của đất nước, dù là ai, luôn luôn ngán cái gen này! 4 cuộc kháng chiến vừa qua đã chứng tỏ như vậy.

Trong hiện tai, cái gen này chắc chắn sẽ tiếp tục làm tan tác mọi ý đồ và bạo lực muốn vùi giập đất nước này một lần nữa -  dù là như thế nào và do ai.

Tuy nhiên, tôi ước ao, nhiệm vụ của mọi người dân Việt chúng ta hôm nay và mãi mãi các thế hệ sau này, là phải làm cho mỗi bản thân chúng ta và cả nước, từ nguồn gen này quyết trưởng thành lên thành một quốc gia phát triển của một dân tộc tự do, chủ động làm nản mọi ý đồ muốn vùi giập đất nước ta. Đơn giản vì:

Sống là phát triển, muốn sống phải phát triển, gen nào cũng vậy! Từ gen phát triển tiếp tục lên thì sống được. Nhưng biến đổi gen sẽ đồng nghĩa với diệt vong!  

Tôi cầu mong khát vọng này là đúng và được tự giác bàn đến trong cả nước và trong toàn thể cộng đồng người Việt ta ở nước ngoài, được lựa chọn, được quyết định!

        Xem tiếp Đoạn 7


[11] Có nhiều bạn đọc dị ứng gay gắt với khái niệm “chúng ta” tôi dùng ở đây, tôi mòn được thông cảm. Tôi nói “chúng ta” ở đây trong tinh thần của hòa giải dân tộc, hơn nữa để dễ thảo luận. – Nguyễn Trung./.

[12] Tham khảo: Nguyễn Trung, “Phải sống

Một là: Nhiệm vụ xây dựng nước Việt Nam độc lập, dân chủ, giầu mạnh, tự do, hạnh phúc, là thành viên có năng lực, được tin cậy và được tôn trọng trong cộng đồng quốc tế.

Hai là: Nhiệm vụ tạo ra sức mạnh, trí tuệ và bản lĩnh thực hiện được lẽ tất yếu đời đời là láng giềng của hòa bình, hữu nghị, hợp tác bình đẳng và cùng phát triển bên cạnh Trung Quốc, được Trung Quốc tôn trọng!

http://www.viet-studies.net/NguyenTrung/NguyenTrung_PhaiSong.html

 

[13] Suy nghĩ này tôi đã nêu trong loạt bài “Thời cơ vàng”  năm 2006 và trong một số bài viết khác.

[14] Tham khảo Nguyễn Trung, “Phải sống!”  http://www.viet-studies.net/NguyenTrung/NguyenTrung_PhaiSong.html

[15] Theo tôi, chính sách ngu dân của chế độ ta hiện nay đã vượt xa thời bị thực dân pháp đô hộ, có rất nhiều dân chứng trên giấy trắng mực đen để đi tới kết luận này. Chỉ riêng việc nhà nước ta không đủ bản lĩnh công khai làm sự so sánh rất nên làm này, đủ nói lên tất cả.

[16] Conspiration theory / gambit theory – nổi bật ở 2 điểm cốt lõi: (1) mọi nguyên tắc đều có thể thay đổi, và (2) mục tiêu biện minh cho biện pháp. Trong ứng dụng, khi tình huống đi vào bế tắc hay có khả năng đột biến, người chơi có thể xóa bỏ cuộc chơi đang diễn ra, tự mình bày ra một cuộc chơi mới với những nguyên tắc mới và tham số mới, lôi kéo hay cưỡng ép người cùng chơi phải tham gia.