Bản gốc bài viết cho Tia Sáng, số Tết Nhâm Thìn

 

 

Đố vui ngày Tết: 

Bước vào năm mới 2012,
trên thế giới này nhân dân nước nào

có niềm mơ ước hiện thực nhất?

 

Nguyễn Trung 

 

 

            Khoảng thời gian của năm mới đến gần, thường là lúc để nghĩ về những mơ ước sắp tới. Khát khao những mong ước cho đất nước mình, tôi nảy ra ý nghĩ tìm hiểu xem trên thế giới này bước vào năm 2012, nhân dân nước nào có niềm mơ ước hiện thực nhất? Tôi muốn biến điều này thành câu đố Tết, mong được nhiều người tham gia. 

          Câu trả lời của tôi là: - Có thể là nhân dân Myanma! 

          Lý lẽ của tôi thật đơn giản: Những thay đổi ở Myanma trong những tháng vừa qua khiến cả thế giới ngạc nhiên đến sững sờ, nhân loại tiến bộ trên toàn thế giới không thể không chia vui với nhân dân Myanma.  

 Ngay sau khi nhậm chức tháng 3-2011, tổng thống Thein Sein có những quyết định làm nhiều người ngỡ ngàng. 

Nổi bật nhất là quyết định đưa các tướng lĩnh cứng rắn của phái quân phiệt – đứng đầu là tướng Than Swe – về nghỉ hưu, ngày 30-03-2011 giải thể cơ quan đầu não của lực lượng quân phiệt, đó là “Hội đồng hòa bình Nhà nước và Phát triển” – SPDC (tiền thân của nó là  Hội đồng phục hồi luật pháp nhà nước và trật tự SLORC), thành lập Ủy ban nhân quyền với trách nhiệm thực sự, ban hành Luật biểu tình, thả trên 300 tù chính trị và hứa sẽ còn xem xét thả tiếp, nới lỏng kiểm duyệt báo chí, để cho đảng Liên minh dân tộc vì dân chủ (NDL) và bà Aung San Suu Kyi tham gia tranh cử trong cuộc bầu cử bổ sung đột xuất sắp tới cho 48 ghế còn để khuyết trong Quốc hội, hủy bỏ hợp đồng đã ký với Trung Quốc xây đập thủy điện Myitsone trị giá 3,6 tỷ USD vì lý do công trình này sẽ gây những hậu quả tàn phá môi trường không thể khắc phục được; thực hiện nhiều hoạt động ngoại giao quan trọng khác chưa từng có, nổi bật là cải thiện quan hệ với Mỹ… 

Những nguyên nhân nào dẫn đến những quyết định như vậy? 

Chắc chắn cần có thời gian để tìm ra những câu trả lời chuẩn xác và thuyết phục.  

Song có thể sơ bộ kết luận những thay đổi nêu trên trước hết là hệ quả trực tiếp của nhiều vấn đề nóng bỏng: (a)sự thâm nhập và can thiệp rất sâu về mọi mặt từ phía Trung Quốc vào công việc nội bộ Myanma đã một mặt gây ra mất ổn định nghiêm trọng, mặt khác có nguy cơ biến Myanma thành một quốc gia phụ thuộc (một hình thức thuộc địa kiểu mới của Trung Quốc), (b)gần 50 năm ách thống trị của chính quyền quân phiệt gây ra nhiều hệ quả khôn lường cho quốc gia này, (c)ý chí không thể khuất phục của nhân dân Myanma về tự do dân chủ, nhất là của các lực lượng yêu nước mà tiêu biểu là đảng Liên minh quốc gia vì dân chủ (NLD) và vai trò của bà Aung San Suu Kyi, (d)chế độ quân phiệt Myanma bị tảy chay và cô lập nghiêm trọng trên trường quốc tế.  

Nếu phải nói thật ngắn, nguyên nhân sâu xa của những thay đổi nói trên là ý chí tự do dân chủ không thể khuất phục của nhân dân Myanma.  

Cho dù với những động cơ gì đi nữa, những quyết định vừa qua của tổng thống Thein Sein có lợi cho tự do dân chủ và lợi ích quốc gia của Myanma, vị thế quốc tế của Myanma trong cộng đồng các nước ASEAN nói riêng và trên trường quốc tế nói chung được cải thiện rõ rệt..

Những thay đổi mới này của Myanma còn là những đóng góp quan trọng cho việc tăng cường sức sống của cộng đồng ASEAN nói riêng và cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong toàn khu vực Đông Nam Á nói chung. 

Tuy nhiên, từ hàng ngũ hàng nghìn tù chính trị còn đang bị cầm tù hà khắc và từ giới nghiên cứu trên thế giới có không ít nghi ngờ. Điểm chung nhất của những loại ý kiến này cho rằng một chế độ quân phiệt có thâm niên gần một nửa thế kỷ với rất nhiều hành động đàn áp đẫm máu, đày rãy tham nhũng và lừa dối - một chế độ như thế rất khó có khả năng tự xám hối và phục thiện; các bước đi vừa qua của tổng thống Thein Sein có thể chỉ là những tính toán cao thủ cốt nhằm cứu vãn tình thế nguy ngập của chế độ hơn là thiện chí dành cho tự do dân chủ của nhân dân; những nhân nhượng dành cho Liên minh dân tộc vì dân chủ và bà Aung San Suu Kyi có lẽ chỉ nhằm mục đích trang trí cho chế độ và làm giảm áp lực của nhân dân Myanma… 

Hiển nhiên, toàn bộ con đường đi tới một quốc gia dân chủ và phát triển của Myanma còn ở phía trước với tất cả những gian nan và thách thức ắt phải có.

Tuy nhiên, nếu động lực của những bước đi có bài bản vừa qua của tổng thống Thein Sein là sự giác ngộ lợi ích quốc gia, cùng với ý chí bất khuất về tự do dân chủ của nhân dân Myanma, có thể hứa hẹn mở ra cho Myanma con đường chuyển biến hòa bình từng bước sang chế độ dân chủ. Đã có không ít ý kiến bình luận, gọi đó là con đường Myanma, đại ý: Với những quyết định của mình vừa qua, có thể tổng thống Thein Sein muốn bẻ gãy cái vòng luẩn quẩn: càng thẳng tay bạo lực, cả chế độ và đất nước cùng lâm nguyMột khi nhân dân Myanma – tiêu biểu là Liên minh dân tộc vì dân chủ (NLD) và bà Aung San Suu Kyi – giành được tiếng nói của mình trên chính trường, đất nước Myanma sẽ chuyển động…  Trong xu thế dân chủ trên thế giới hiện nay, con đường Myanma hứa hẹn thành công, thậm chí có thể thành công sớm hơn và tiết kiệm xương máu hơn so với các cuộc cách mạng mang tên các mùa hoa diễn ra tại các nước Bắc Phi vừa qua… 

Thế mới biết, trên đời này có thể có nhiều con đường khác nhau dẫn tới tự do dân chủ của một quốc gia, một dân tộc, song tất cả những con đường này đều phải bắt đầu từ sự thay đổi. Thế sự xoay vần còn cho thấy từ một tướng lĩnh chủ chốt trong SLORC - SPDC khét tiếng, biết đâu có thể tổng thống Thein Sein sau này sẽ được nhân dân của mình ghi nhận như một anh hùng dân tộc.., nếu như tiếp theo những quyết định quả cảm vừa qua ông kiên trì theo đuổi con đường trung thành với lợi ích của quốc gia và các quyền tự do dân chủ của nhân dân. Cái gì có thể ngăn cản ông Thein Sein trên con đường này? 

Tôi hy vọng, bước vào năm 2012, nhân dân Myanma là người có niềm mơ ước lớn lao hiện thực nhất trên thế giới, vì những thay đổi đã diễn ra trong lòng Myanma năm 2011 đã đặt viên gạch đầu tiên xây dựng sự nghiệp đoàn kết hòa hợp dân tộc, yếu tố hàng đầu quyết định vận mệnh và tương lai của quốc gia này.  

Xin chân thành chúc nhân dân Myanma vượt qua mọi thử thách và sớm thành công rực rỡ. Mong rằng rồi đây trong ngôn ngữ của nhân loại tiến bộ có thể sẽ có thêm cụm từ “con đường Myanma” mà chính nhân dân Myanma là tác giả. 

Bây giờ xin được nghe trả lời của các bạn về câu đố Tết này.

 

Võng Thị, tháng 12-2011
Nguyễn Trung

 

 

 

 21-1-2011