Vài suy nghĩ về tiểu thuyết

Dòng đời  

 

 

 

Trần Bạch Đằng

 

 

            Đây là lần đầu xuất hiện trên văn đàn Việt Nam một cuốn tiểu thuyết (bốn tập), có độ dày khoảng hai nghìn trang, về các vấn đề hiện hữu trong xã hội ta. Nội dung tiểu thuyết trải rộng trong một không gian từ Việt Nam sang đến Hoa Kỳ, với một chiều dài thời gian từ khi giải phóng và thống nhất đất nước rồi xuyên suốt gần hai thập kỷ đầu tiên của công cuộc đổi mới.

 

            Kể từ ngày đổi mới, gần hai mươi năm trôi qua – đây là tác phẩm văn học đầu tiên thể hiện bao quát được nội dung này. Bản thảo tôi có trong tay và đã đọc là bản thảo thứ 10.

 

            Chúng ta thừa nhận, trong lĩnh vực văn chương, các vấn đề của công cuộc đổi mới đang được đụng chạm, được khắc họa với nhiều công sức trên phương diện này hoặc phương diện khác. Song Dòng đời thực sự là một cố gắng lớn mang một nội hàm mới về cách nhìn sự thế - với đôi mắt, nói cho đúng hơn, với tâm hồn mới, cố gắng mặt đối mặt với bản chất của sự vật – để ghi nhận, để nhận thức...

 

            Dòng đời, với nhiệt huyết tuôn chảy trong nó, thành công đáng kể trong đan kết cuộc sống khách quan với nhận thức chủ quan, để mang tải hiện thực, để gửi gắm những khát vọng, những hoài bão - về con người, về dân tộc mình, về đất nước mình...

 

            Dòng đời đã thể hiện được một cách thống nhất hài hòa ở mức độ đáng kể giữa con người và cuộc sống nó đang sống, giữa con người và những vấn đề nó đang đối mặt... – thể hiện khá rõ ở điều bày tỏ và cách tỏ bày, với một bố cục linh hoạt, cá tính nhân vật đưc phác họa thông qua đối thoại mang nhiều đặc thù, cuộc sống cứ tự nó hiện lên trong tác phẩm với nhiều tình tiết cụ thể, có tính tiêu biểu, gạn lọc từ trong biết bao nhiêu sự việc muôn mặt muôn vẻ của đời thường. Cách thể hiện ấy đã chuyển tải lên văn đàn được một khối lượng lớn những vấn đề sống còn của đất nước, những bức xúc mà từng công dân, từng đảng viên, nhất là những người giữ các trọng trách, không thể không quan tâm, không thể không tìm cách nhận thức lại sự vận động của thực tế xã hội đang diễn ra – để cùng nhau tuyên chiến với mọi tha hóa, phá v mọi trì trệ cản phá, và để cùng nhau nỗ lực hướng sự vận động ấy đi theo chiều hướng có lợi nhất cho đất nước ta, cho Đảng ta. Trên tất cả, như tác giả đã gửi gắm qua nhân vật của mình, là nỗi lo day dứt làm sao tránh cho đất nước “...bi kịch lớn nhất của cuộc đời ở mọi quốc gia thường là thắng lợi của một cuộc cách mạng trở thành một thứ chiến lợi phẩm! Kẻ thắng xô sát nhau chia quả thực! Ai nhặt được cái gì thì nhặt! Ai giành được cái gì thì giành!..” (tập II).

 

            Thông qua câu chuyện một gia đình bị xé ra làm hai trong hai cuộc kháng chiến, cùng với các mối quan hệ mọi chiều cạnh trong xã hội, tác giả đề cập đến khá nhiều vấn đề, thể hiện qua nhiều mẫu hình nhân vật khác nhau, diễn tiến trong những hoàn cảnh khác nhau, để vẽ lên một bức tranh toàn cảnh, màu sắc nhiều khi đối chọi nhau bật thành những tiếng va đập chát chúa của xã hội Việt Nam thời hậu chiến. Trong đó, bên cạnh những mặt tích cực đày hứa hẹn, nảy sinh không ít bất cập và tiêu cực, trước hết là “tệ nạn tham nhũng... Sự bóc lột này lớn hơn hàng trăm lần, hàng nghìn lần, hàng nhiều nghìn lần so với sự bóc lột thặng dư giá trị còn đang tồn tại trong xã hội nước ta...” (tập III). Từ đó, câu hỏi “Đất nước này bây giờ là của ai?” được đặt ra, được nhắc đi nhắc lại như một điệp khúc day dứt.

 

Phải rồi, “đất nước này bây giờ là của ai?” – đấy chính là câu hỏi luôn luôn xác định lại, luôn luôn làm rõ mục tiêu của cách mạng khi chuyển qua giai đoạn mới, là câu hỏi luôn luôn cảnh giác và chống lại sự chệch hướng và mọi nguồn gốc của chệch hướng... Phạm Trung Nghĩa, một nhân vật chính yếu trong tác phẩm, vốn là một đảng viên tận tụy với sự nghiệp của Đảng, của dân tộc, một thương binh dày dạn trên chiến trường, nhìn nhận đất nước mình trong cái thế giới hôm nay, có lúc đã phải xót xa thốt lên: “...30 năm xây dựng rồi mà vẫn chưa bước ra khỏi nhóm quốc gia nghèo nhất thế giới! Vẫn còn là một quốc gia lạc hậu!..” (tập IV) Còn lớp con cháu của anh ta thì đau đáu nỗi lo “...Chẳng lẽ đã giành lại đất nước rồi, bây giờ lại chịu để mất nước vào cái kiếp nô lệ của nghèo hèn và lệ thuộc?..” (tập III, tập IV). Đấy cũng là câu hỏi mỗi người Việt ta phải tự hỏi chính mình, để thức tỉnh, để cùng nhau chống lại mọi thứ tệ nạn - và cả tệ trạng, để đưa đất nước ta lên một tầm cao mới.

 

            Trong suốt tác phẩm, nhiều lần tác giả đụng chạm đến cái gọi là quán tính lịch sử ở các chiều cạnh khác nhau, trong các vấn đề khác nhau và ở vào các tình huống khác nhau, trong phạm vi một con người cho đến cuộc sống của cả xã hội... - một nỗi trăn trở lớn, để tự cật vấn mình, cũng là để người đọc tự tra vấn lấy... Những quán tính lặp đi lặp lại ấy với mọi hậu quả tai hại vốn có của chúng, dẫn đến hoặc là trở thành một trong những tác nhân chính dẫn đến một quán tính lớn hơn, với những hậu quả lớn hơn...: “...Vì sao người dân nước mình cứ bị dồn vào cái thế sinh ra hình như là để hứng chịu chiến tranh?” (tập IV). Hẳn là điều đó đã được hình thành từ cái vị thế đặc biệt của đất nước này, cộng với những nguồn tài nguyên phong phú, với ý chí bất khuất của một dân tộc có niềm tự hào về một truyền thống văn hóa độc đáo, lâu đời đã giúp chúng ta không bị bị hủy diệt hoặc bị đồng hóa.., nhưng phải tồn tại một cách gian nan trong một thế giới luôn luôn có nhiều đối kháng. Chính nhờ biết khai thác bao nghiêu kinh nghiệm lịch sử rất quý báu đó, cộng với khả năng lãnh đạo của một vị lãnh tụ thiên tài, Chủ tịch Hồ Chí Minh – người cha già của dân tộc, đất nước ta đã lập nên những kỳ công, và trên cơ sở những thành tựu đó dân tộc ta đang có trong tay thời cơ ngàn năm có một xóa bỏ đi cái quán tính lịch sử quái ác ấy trong cái thế giới đầy những thách thức quyết liệt hôm nay...

 

Làm gì? Làm như thế nào chặt đứt vĩnh viễn các vòng xoáy của quán tính lịch sử? Làm gì? Làm thế nào để tận dụng được thời cơ có một không hai này kể từ ngày dựng nước?.. Trong Dòng đời nhng câu hỏi ấy lúc âm thầm len lỏi trong tâm tư các nhân vật chính diện, lúc nổ ra dữ dội giữa những dòng suy nghĩ trái chiều...

 

            Trước biết bao nhiêu vướng mắc như thế, ở trong quá khứ của dân tộc, rồi trong bối cảnh đầy ắp những sự kiện công phạt nhau dữ dội của cái thế giới hiện tại, tác giả cố gắng có một cái nhìn toàn diện, tổng hợp, nhưng không thể nào mô tả hết các sự kiện, nên đành tìm cách thể hiện qua những đối thoại – như một cưỡng ép văn chương – để không trối bỏ trách nhiệm của người cầm bút. Chính vì lý do này, nên chăng thể tất cho tác giả về sự cưỡng ép này?

 

            Theo truyền thống văn học cổ điển, Dòng đời kết thúc có hậu theo cách riêng của nó... Những kẻ có tội, những người cơ hội... kết cục cũng bị trừng phạt, tự trừng phạt, hoặc phải chuốc lấy số phận đau buồn chính tự mình gây ra cho mình.., giữa lúc đủ loại cơ hội khác vẫn còn nhởn nhơ, phè phỡn trong cuộc sống... Tác giả không tô hồng, không ru ngủ người đọc, mà muốn tìm trong người đọc nhiều bạn đồng hành cùng với mình trong dòng đời này...

 

            Có rất nhiều vấn đề, người đọc phải tự chắt lọc lấy, tự giải đáp lấy.., một thứ lao động khổ sai khi phải đọc cả bốn tập của Dòng đời. Nếu như chưa tạo ra ngay được sự đóng góp thiết thực nào chuyển đổi xã hội để đưa đất nước lên một tầm cao mới, thì Dòng đời với sức nặng của nó – về mặt tri thức và cả ý thức – cũng  ghi được một dấu ấn sâu đặm, lay động lòng người bằng những suy nghĩ chân thành, điều mà văn học hiện đại của chúng ta hiếm có một tác phẩm nào mang một hoài bão lớn như vậy, cũng chưa thấy có tác giả nào dám cả gan đưa ra một cái nhìn toàn diện cuộc sống đương đại với tâm huyết và ý thức trách nhiệm lớn lao như thế, kể cả những câu hỏi phía trước mà tất cả chúng ta đang phải cùng nhau tìm câu trả lời...

 

            Một nhân vật trong tác phẩm nói: “Dù ở con người nào thì sự chân thật bao giờ cũng có cái mãnh liệt riêng của nó!” (tập IV). Tác giả tin vào sự chân thật mãnh liệt ấy của con người. Cùng với tác giả chúng ta mong muốn chính sự mãnh liệt ấy được thức tỉnh và hun đúc nên hào khí mới của dân tộc.

 

            Vết thương dân tộc còn rỉ máu trong suốt Dòng đời – cho đến tận trang sách cuối cùng! Không được phản bội một hy sinh nào! Không được bỏ qua một mất mát nào! Những người đã ngã xuống giục giã Phạm Trung Nghĩa cùng với cùng với cả dân tộc mình bước vào cuộc đấu tranh lớn lao nhất ở phía trước: Tất cả cho sự nghiệp chấn hưng Tổ quốc Việt Nam yêu quý của chúng ta!

 

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 07 tháng 4 năm 2005