NGUYỄN TRUNG

 

DÒNG ĐỜI

 

Tiểu thuyết

 


 

 

21.

Mùa hè năm nay đến vùng San Francisco sớm hơn mọi năm. Mới cuối tháng ba cây cối xanh um, thời tiết ấm nóng hẳn lên. Nhờ thời tiết này, thành phố Bakerfield bớt đi cái lạnh từ lục địa toả ra, không khí trở nên khô mát một cách dễ chịu. Đây là thời tiết Thảo thích nhất trong năm. Từ ngày nới rộng van tim bằng một ống nong (prothesis), sức khoẻ Thảo ngày một phục hồi, sóng gió trong cuộc sống gia đình Thảo cũng lắng dần. Về nhiều mặt, có lẽ Thảo lạc quan hơn Lễ. Từ khi gia đình Thảo - Lễ theo ông bà Học lần đầu tiên về thăm đất nước, cả hai bắt đầu tìm thấy niềm vui mới trong cuộc sống, nỗi cô quạnh bớt dần....

Vợ chồng Thảo - Lễ đang tính đến việc thực hiện chuyến về thăm lần thứ hai.

- Tại sức khoẻ của em ngày một khá lên, hay tại chúng mình bận bịu nhiều việc... Thoắt một cái về nước đã hơn ba năm rồi đấy. Thế mà chúng mình hứa với anh chị Chính và anh chị Nghĩa là sẽ sớm về thăm trở lại. – Lễ nói với vợ.

- Cảm ơn Trời Phật, ngày tháng bây giờ em không thấy lê thê như trước. Chỉ riêng điều này đã làm cho em thấy cuộc sống ngày càng đáng sống hơn. Có lẽ sự giải toả về tinh thần cũng làm cho sức khoẻ của em ngày một khá hơn.

- Phải nói là từ vài năm nay chúng mình mới có một cuộc sống tạm gọi được là sống. Nghĩ lại, anh chỉ thấy Sài Gòn hồi ấy là địa ngục. Những năm tháng ấy sống nhưng hầu như không thấy mặt trời, quanh năm ngày tháng cắm mặt xuống đất để chạy chọt, hết lo việc này lại lo đối phó với chuyện khác, cho đến những ngày bị tạm giam, đến cái tát hộc máu mồm máu mũi trên đường Phạm Đăng Hưng của bọn tàn quân An Lộc, rồi vào trại cải tạo...

- Chỉ tiếc là đến lúc sóng yên bể lặng thì chúng ta lại thiếu Huệ... Con ra đi ngót nghét hai mươi năm rồi còn gì nữa anh!

- Chuyến về nước vừa rồi, lúc bay vào bầu trời Thái Bình Dương em khóc nức nở, làm anh lo quá. Nghĩ lại đến bây giờ vẫn buồn...

- Vâng... Lúc ấy em cứ như là đang nhìn thấy Huệ giãy giụa, chới với vẫy gọi... Cũng may hôm đó những người ngồi chung quanh tỏ ra thông cảm...

- Không biết là chúng mình giữ được ý chí muốn sống này bao nhiêu lâu nữa?- Lễ bâng quơ.

- Chú Thành cũng vĩnh biệt chúng ta mấy năm rồi...

- Chúng ta bây giờ chỉ còn mỗi chỗ dựa tinh thần là Tín.

- Vâng, chỉ còn một cách là nhìn vào một điều gì đó tốt lành phía trước anh ạ. Em bắt đầu cảm thấy vui vui là vẫn còn giúp được người này người khác trong công việc của mình...

- Đúng là nhiều bà con người Việt ở đây trông cậy vào văn phòng luật của em. Chịu khó thuê anh làm planton cho anh bớt khổ sở với tâm trạng chán đời nhé?

- Planton cỡ xịn, có phải không? – Thảo cười.

- Có lẽ em nói đúng, khi nào cảm thấy được mình còn có ích cho người này người khác thì tâm trạng anh bớt khổ.

Nghĩ thế, nhưng nhiều lúc vợ chồng Thảo Lễ cảm thấy hình như không sao át được tâm trạng hiu quạnh, họ vẫn nghĩ nhiều đến cái chết thảm thương của Huệ. Sự hiu quạnh ấy đột nhiên tăng lên do cái chết đột ngột của ông Thành. Sang Mỹ sống với gia đình Thảo Lễ được gần sáu năm, ông Thành đột nhiên bị phát hiện là mắc bệnh ung thư máu ở giai đoạn ác tính, nằm viện mất gần một năm thì ông qua đời. Sống tâm niệm niệm với ước nguyện giữ gìn đức độ của người tin sùng đạo Phật, ông Thành những mong ở hiền gặp lành. Trớ trêu thay đức tin này không thể giúp ông Thành tránh khỏi bệnh tật hiểm nghèo. Song lương tâm trong sáng của ông đã mang lại cho ông nghị lực phi thường, có lẽ vì thế ông chịu đựng được một cách điềm tĩnh những ngày tháng bị bệnh tật hành hạ vô cùng đau đớn.

Sau cái chết của ông Thành, vợ chồng Thảo Lễ lại phải một phen tự gồng mình lên trong tinh thần để xua đi cái nỗi ám ảnh của cuộc sống tàn lụi. Lễ thú nhận với vợ:

- Tâm lý bi quan vắt kiệt mọi ý chí muốn sống của anh mất rồi, Thảo ạ. Nhiều lúc anh không thể chịu đựng nổi câu hỏi: Mình còn tiếp tục sống để làm gì? Chỉ để tồn tại một cách không thiết sống như thế này hay sao?

- Anh giúp em được rất nhiều việc.

- Đừng trách anh. Có lẽ anh luẩn quẩn đến mức bệnh hoạn rồi.

- Không được nghĩ thế anh Lễ! – Thảo gần như sắp khóc.

- Lâu lâu trong con người anh lại dấy lên thứ sóng gió ghê sợ: Chết thì không dám chết, nhưng sống lại không thiết sống... Nhiều khi rất vô cớ.

- Em hiểu. Quá khứ vẫn hành hạ anh.

- Đúng là quá khứ đáng nguyền rủa. Có lúc giữa ban ngày mà anh vẫn ngủ mơ mình bị quân cảnh tống giam trở lại, nằm chờ chết đưa ra toà án quân sự. Có lúc rõ ràng thằng Túc cụt cầm tiểu liên chĩa thẳng vào anh mà bắn! Có lúc anh lại thấy mình chuẩn bị các thứ đi thăm Huệ...

- Anh Lễ! – Thảo nắm lấy tay chồng, giựt giựt, vì cảm thấy giọng nói của chồng có vẻ gì khang khác. Lúc còn sống, ông Thành đã có lần nhắc nhở Thảo là không được để cho Lễ rơi vào tâm trạng trầm uất.

- Em phải cố giữ sức khoẻ để canh chừng cho anh... – Lễ vẫn tỉnh táo.

- Thôi, chúng mình nói chuyện khác đi.

- Ừ, nói chuyện khác. Em phải làm mọi việc để chuẩn bị lên chức bà nội.

- Như thế là con đã hé ra điều gì với anh rồi phải không?

- Đâu có. Con không nói gì với anh cả. Nhưng anh cố bấu víu vào tương lai.

- Anh chỉ làm cho em sốt ruột thêm. Em cứ tiếc mãi kỳ về nước vừa rồi không rủ được cô con gái út của anh Loan đi cùng.

- Đúng là nhà ta và nhà anh Loan thông gia được với nhau thì còn gì bằng. Dù sao cũng dòng dõi họ Tôn Thất…

- Cô này xinh đẹp nhất nhà, rất nết na anh ạ. Em mấy lần định tạo cơ hội cho Tín gặp riêng mà chưa thành.

- Chuyện của Tín chúng mình không can thiệp quá sâu được.

- Em biết chứ.

- Chúng ta cần sức khỏe làm việc tiếp sáu bảy năm nữa để trả xong tiền mua nhà! Có nên đề ra mục tiêu này không em? Lúc nào anh cũng phải cố tìm ra trong đầu một điều gì đó đẩy anh lên phía trước...

- Em nghĩ có thể được. Nếu chú Thành còn sống, chắc chú sẽ vui lắm. Ít nhất là chú được nhìn những người bệnh đã được chú cứu sống, trong đó có em...

Vợ chồng Lễ rất mong Tín sớm lập gia đình, dù sao Tín đã ra trường hơn 10 năm nay rồi. Nhưng chuyện trò với con lần nào Lễ và Thảo cũng chỉ thấy toàn những chuyện công việc, chuyện kinh tế, chuyện trong nước ta, chuyện nước Mỹ, chuyện thế giới...

Tốt nghiệp được 6 năm, Tín hoàn tất cả 3 cấp CFA và làm xong Ph. D với đề tài “Đặc thù những biến động ngoại biên trong khủng hoảng chu kỳ và khủng hoảng đột biến”. Như thế là Tín đã thực hiện được đúng thời khoá biểu mình đề ra, một sự nỗ lực vượt bực. Ngay lập tức Tín nhận được khoảng gần một tá các thư mời Tín đến làm việc của các cơ quan và tập đoàn tài chính khác nhau, có nhiều thư nêu rõ cả chức vụ công việc sẽ giao, tiền lương và các chế độ thưởng, các ưu đãi cho vay tín dụng để mua nhà, để lập gia đình, một số ưu đãi khác nữa... Tín thừa nhận lời khuyên của ông Học vô cùng giá trị: Rõ ràng một tiến sĩ có chứng chỉ CFA cấp 3 hoàn toàn khác với một anh tiến sĩ trơn!

Cục dự trữ Liên bang (FED) muốn dành cho Tín một ghế trong nhóm nghiên cứu chính sách. RAND Corporation muốn mời Tín về làm công tác giảng dạy trong Học viện Tài chính của họ. Havard cũng muốn bổ sung Tín thêm vào lực lượng cán bộ giảng dậy khoa kinh tế...

- Tự nhốt mình trong thư viện hoặc bán cháo phổi., cả hai thứ nghề này con đều không thích ba má ạ. Con muốn biết thế giới, trước khi con ngồi chết dí một chỗ.

- Ba má tôn trọng sự lựa chọn của con.

- Anh Tân và con có cách nghĩ rất giống nhau về điểm này, ba má ạ.

- Con cũng sẽ đem về giới thiệu với ba má một cô dâu Thuỵ Điển như Tân chứ? – Thảo thăm dò con.

- Ý muốn của má sẽ là mệnh lệnh đối với con!

- Chết, chết, má xin lỗi, má trêu con thôi. – Thảo cuống lên.

Tín cười ngất.

- Con biết ngay là má thua con mà! Nhưng cô dâu Thuỵ Điển của anh Tân được đấy chứ hả má.

- Thảo ngồi yên.

- Có thể cuối năm nay anh Tân lại đến Harvard mấy tuần ba má ạ. Chúng con sẽ gặp nhau. Rồi con sẽ đưa gia đình anh Tân thăm ông bà Học, thăm ba má như lần trước. Lisa bây giờ chắc lớn lắm rồi.

- Nếu Lisa giữ được màu tóc vàng của mẹ thì đẹp lắm đấy. Con bé rất đáng yêu. – Thảo nhận xét.

- Thế là mẹ không phản đối đấy nhé!

Thảo ngơ ngác trong tiếng cười của con trai mình.

Tín tiếp tục làm việc ở tập đoàn Goldman Sack. Vì dù sao đây cũng là nơi tạo mọi điều kiện thuận lợi cho Tín trong suốt thời gian làm CFA các bậc và làm Ph. D. Hơn nữa công việc được giao cho phép Tín đi khắp mọi nơi Goldman Sack có đối tác làm ăn trên thế giới. Tín nói với mẹ ước ao sẽ tìm cách đi khắp thế giới như ông Học. Lúc có dịp, Tín giúp mẹ được rất nhiều việc về chuyên môn tài chính, nhờ vậy công ty tư vấn về dịch vụ luật của Thảo ngày càng đông khách. Mỗi lần về thăm mẹ, Tín lại mang về cho mẹ những kinh nghiệm mới nhất. Lúc đầu mới mở văn phòng luật, hầu như Thảo làm lấy mọi việc, Lễ phụ trợ các việc lặt vặt. Bây giờ văn phòng luật sư của Thảo thuê được trụ sở mới khá đẹp, phải thuê thêm hai thư ký làm thường xuyên, ngoài ra phải thuê một luật sư Mỹ phụ thêm, làm việc 4 tiếng mỗi tuần. Công việc chính là tư vấn về thuế cho nhiều người Việt làm ăn sinh sống ở vùng San Francisco. Luật về tài chính và thuế của Mỹ vốn rắc rối, riêng bang California còn rắc rối hơn vì còn phải chịu thêm một số quy định riêng của bang. Văn phòng của Thảo ngày càng có uy tín. Ngay Sở Tài chính của San Francisco cũng khuyên các hãng và các cá nhân người Việt nên tận dụng dịch vụ tư vấn của văn phòng luật sư Thảo để tránh những rắc rối không cần thiết và tiết kiệm được nhiều tiền trong khi trang trải các loại thuế. Lời khuyên này dựa vào thực tế là cộng đồng người Việt mới nhập cư vẫn còn nhiều vướng mắc về ngôn ngữ và luật pháp, về nhiều tập quán văn hoá khác liên quan đến nhiều vấn đề tài chính và thuế ở nước Mỹ. Văn phòng luật sư của Thảo dần dần xác lập được sự tín nhiệm lớn trong cộng đồng người Việt ở California và đồng thời cũng là một đối tác quan trọng của các nhà chức trách địa phương. Thực tế này khiến cho gia đình Thảo có một vị thế khá đặc biệt trong cộng đồng người Việt ở đây. Những phiền toái và một số hành vi quậy phá của một vài nhóm người Việt, trong đó có nhóm Túc cụt, xảy ra trong mấy năm đầu tiên ở đây đối với gia đình Thảo cũng nhạt dần và gần đây hình như mất hẳn. Có thể bây giờ ai cũng phải lo làm ăn sinh sống, cũng có thể bây giờ gió đã đổi chiều, nhất là từ khi quá trình bình thường hoá quan hệ Việt – Mỹ ngày càng tiến triển.

Thảo đã dự tính trong vòng sáu bảy năm tới sẽ chuyển dần văn phòng luật của mình cho một luật sư trẻ, làm việc thêm ba bốn năm nữa rồi nghỉ hưu là vừa. Thảo nhằm vào người con trai vừa mới tốt nghiệp đại học luật của Năm Thịnh. Ý nghĩ này bắt nguồn tự khi Thảo tiếp xúc với đám con cháu má Sáu Nhơn trong chuyến gia đình Thảo cùng với ông bà Học về nước cách đây mấy năm…

Riêng ở Los Angeles từ mấy năm nay hình thành một tập hợp số người Việt chống lại đất nước. Trước hết đấy là những người làm báo tiếng Việt, một số văn nghệ sĩ người Việt sống ở hải ngoại, một vài người làm nghề tự do khác. Trừ vài người đứng đầu, phần đông họ là những nhân vật bình thường cả về học vấn cũng như nghề nghiệp. Lạ thay, nhiều trí thức lớn lại đứng ngoài cuộc…

Những người tập hợp nhau lại này có trong tay công cụ báo chí khá lợi hại. Từng lúc họ có thể huy động được một số lượng đáng kể người Việt làm việc này việc khác, nhất là vào các dịp bầu cử thường kỳ hay là bầu cử giữa nhiệm kỳ của Quốc hội Mỹ. Nhiều năm qua con đường buôn bán chính trị này đối với họ tỏ ra rất hiệu quả... Họ đã làm vài cuộc thử sức để xem có thể với xa đến đâu.

Lần thứ nhất, đó là vào dịp Mỹ tuyên bố bỏ cấm vận với Việt Nam, bưu điện của bang công bố quan hệ hợp tác chính thức với bưu điện Việt Nam. Nhân dịp này bưu điện Los Angeles phát hành quyển danh bạ điện thoại mới, trong đó có mục giới thiệu Tổng cục Bưu điện Việt Nam và in quốc kỳ Cộng Hoà Xã hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Chờ cho ngày bầu cử ở Bang đến gần, nhóm chống đối này đột nhiện huy động người Việt đi biểu tình phản đối quyển danh bạ điện thoại này với lý do: có quốc kỳ của Việt Cộng. Đoàn biểu tình tuyên bố sẽ huy động người Việt bỏ phiếu cho Đảng nào chấp thuận yêu sách của họ! Ngay lập tức cơ quan bưu điện Los Angeles phải thu hồi và huỷ quyển danh bạ điện thoại nói trên, phát hành quyển mới không in quốc kỳ Việt Nam. Các nhà chức trách ở đây muốn tránh những rắc rối có thể xảy ra trong cuộc bầu cử đang tới gần.

Lần thứ hai, chuyện xảy ra tại một nơi gần đại lộ Bolsa ở quận Cam, ngay trong khu vực “Little Saigon”. Tại đây có một cửa hàng văn hoá phẩm của một người Việt, trong đó bán nhiều băng và đĩa ghi hình các tác phẩm âm nhạc nổi tiếng của Việt Nam nhập từ trong nước. Sở dĩ cửa hàng này gây xôn xao là vì bên ngoài cửa hàng thì treo quốc kỳ Việt Nam, bên trong cửa hàng có bàn thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hội người Việt này quyết định huy động Việt kiều đi biểu tình dẹp bằng được tiệm hàng này. Nhưng tiệm hàng này hoàn toàn hợp pháp theo các tiêu chuẩn của luật pháp Mỹ, đoàn biểu tình chỉ làm tắc nghẽn đường phố nhưng không tạo ra được lý do pháp lý nào cho việc dẹp tiệm. Cuối cùng, không biết bằng cách nào, hội người Việt này phát hiện ra một số vụ lậu thuế đồ điện tử nghe nhìn của tiệm hàng ngày, họ không tìm thấy hàng văn hoá phẩm lậu thuế nhập từ Việt Nam. Thế là cuộc biểu tình mang thêm nội dung chống lậu thuế và ép được cơ quan chức trách địa phương đóng cửa tiệm hàng này – với lý do chủ tiệm vi phạm luật thuế! Nhưng báo chí của hội này thì nói rằng biểu tình giành thắng lợi lớn chống lại quốc kỳ Việt Nam xuất hiện tại quận Cam... Về sau, ngay trong quận Cam lại có tin đồn rằng toàn bộ vụ việc này được bố trí thế nào đấy để phá chủ tiệm và để ngăn cản những ai có thiện ý hướng về quê hương trong tình hình mới – nói chung là chỉ để bôi nhọ đất nước... Chẳng có cách gì xác minh thực hư ra sao.

Lần thứ ba, khi biết thời điểm bình thường hoá quan hệ Việt Mỹ đang đến gần, hội người Việt này ráo riết vận động phong trào tố cáo Việt Nam vi phạm dân chủ và nhân quyền. Người thì nói sáng kiến này chính là do cánh hữu trong giới cầm quyền Mỹ giật dây cho họ làm, để cản trở các bước đi ngoại giao của tổng thống Clinton trong quan hệ Việt - Mỹ. Những người cầm đầu của hội thì lại nói rằng sáng kiến của họ được nhiều thế lực quan trọng trong giới cầm quyền Mỹ ủng hộ... Song dù sự thật là thế nào, hệ quả cuối cùng là ông Clinton gặp thêm nhiều khó khăn, lộ trình bình thường hoá quan hệ Việt – Mỹ kéo dài... Đọc báo chí trong nước gửi ra Lễ thấy các khó khăn từ phía Việt Nam cũng không ít...

Rõ ràng có một sự chuyển hướng mới, một sự tập hợp lực lượng mới trong cộng đồng những người Việt chống lại đất nước, dưới những hình thức hoạt động mới, khai thác mọi khó khăn của đất nước, bất kỳ từ hướng nào... Ông Học cũng nhận xét như Lễ và tán thành suy nghĩ của Lễ. Hai chú cháu đồng tình dứt khoát với nhau một điều: Không dính dáng đến các nhóm đầu cơ chính trị chống lại đất nước.

Cánh Tôn Thất Loan và cánh Năm Thịnh cũng cùng chung một ý nghĩ với cánh ông bà Học. Họ hiểu được những gì đang xảy ra và giữ được thái độ đúng mực. Cho đến nay những người suy nghĩ như thế trong cộng đồng người Việt đông lên nhiều, nhưng vẫn là thiểu số, chưa hình thành một xu thế mạnh mẽ... Họ hầu như không có hoặc rất ít liên hệ với các cơ quan đại diện của nước ta ở Mỹ, ngoại trừ một số việc tối thiểu cần thiết – ví dụ như xin visa về thăm nước... Ngay ông bà Học cũng chưa một lần đến cơ quan Tổng lãnh sự hoặc Đại sứ quán, mặc dù ông rất tích cực tham gia nhóm ngôn ngữ Việt – Hán Nôm. Hai lần xin visa về nước ông bà đều giao cho Hoài và những người giúp việc đứng ra lo. Chính ông Học cũng tự thấy lạ là tại sao mình còn giữ một khoảng cách như vậy. Đã hai lần về nước mà chưa một lần đến thăm sứ quán! Hay là mình chịu ảnh hưởng của dư luận người Việt ở đấy? - Ông Học tự hỏi.

... Có lẽ tại vì mình còn mặc cảm? Thế nhưng tại sao chưa bao giờ thấy một ai trong các cơ quan đại diện của nước ta tại Mỹ liên hệ hay tìm hiểu công việc của nhóm ngôn ngữ Việt – Hán Nôm này nhỉ? Họ không quan tâm, hay họ quá bận?!

Thường thường hàng năm, vào dịp giữa Nô-en và Tết Dương lịch, cánh ông bà Học, cánh Tôn Thất Loan và cánh năm Thịnh lại tụ tập với nhau một lần, kết hợp đi nghỉ đông chung với nhau. Thói quen này có lý do đơn giản là họ muốn dành trọn vẹn Tết Nguyên đán cho gia đình.

Một lần, Tôn Thất Loan hỏi ông Học:

- Bác Học ạ, có lúc tôi tự hỏi sợi dây thực sự còn ràng buộc mình với đất nước là gì. Tôi không rõ là gì bác ạ.

- Thế mà ông lại hỏi tôi? Tôi sang Mỹ trước ông nhiều năm cơ mà!

- Quả là thế bác ạ. Quan hệ máu mủ ruột thịt còn lại ở quê nhà ư? Phần nào thôi, vì ngay khi tôi còn sống ở trong nước quan hệ họ mạc đã xa xôi rồi. Có lẽ vì mồ mả cha mẹ và ông bà tôi còn nằm lại tại đó. Hay là vì trong người mình vẫn còn cái máu của người Việt?

- Còn tự hỏi mình được như thế là quý lắm, anh Loan ạ!

- Ước gì con chúng ta cũng biết đặt ra cho mình những câu hỏi như vậy.

- Chú sợ nguy cơ mất gốc, có phải không ạ? – Lễ hỏi.

- Mất gốc làm sao được, anh Lễ. – Năm Thịnh xen vào. Riêng đối với bọn tôi, bây giờ mấy anh em tôi chỉ cảm thấy mình là những đứa con đi làm ăn nơi phương xa. Cái cảm nghĩ bỏ nước hay mất nước như hồi mới chạy sang đây vẫn còn, nhưng nhạt dần rồi. Năm nào tôi cũng có việc về nước, vì nhớ má tôi và họ hàng ruột thịt, vì công việc làm ăn đòi hỏi phải như vậy. Siêu thị của tôi có hẳn một tầng bán các sản phẩm cao cấp của nước ta, từ đồ gỗ Đồng Kỵ, đến hàng men sứ Quảng Ninh, gốm sứ nghệ thuật Bát Tràng, nước mắm Phú Quốc... Tôi chỉ lo đến lượt các con mình các mối liên hệ sẽ không giữ được bền chặt như bây giờ...

- Có lẽ tâm trạng mỗi người mỗi cảnh. Tôi mà được bận rộn như anh Năm Thịnh thì chắc tôi sẽ hạnh phúc lắm. – Chuyện đang vui mà giọng Lễ vẫn phảng phất ưu tư.

- Lễ ạ, về già chú mới lại càng thấy cái triết lý sâu xa của tổ tiên mình: Lá rụng về cội. Nếu chú tự hỏi mình những câu hỏi như của ông Loan, chú sẽ trả lời: Cội nguồn đất nước đối với chú bây giờ là tất cả. Cách đây mười lăm năm, hai mươi năm, chắc chắn chú không hỏi mình như thế và chắc chắn cũng không có câu trả lời như thế.

- Thưa chú, tuổi tác và cuộc biển dâu của đất nước đã thay đổi con người chú, có phải như thế không ạ?

- Phải. Về phương diện nào đó có thể nói như vậy. Đến lúc gần đất xa trời chú mới bắt đầu ý niệm được về thân phận mình, cũng có nghĩa là về đất nước mình! - Ông Học trầm ngâm rồi tiếp - Nói riêng về số phận một con người, về nhiều mặt có thể ví von chú là một người sống sót sau nạn đại hồng thuỷ của đất nước. Những gì đã xảy ra trên đất nước ta trong mấy cuộc chiến tranh vừa qua còn ác liệt hơn bất kể trận đại hồng thuỷ nào mà con người biết đến…

- Vâng. Nhìn lại mới càng thấy khủng khiếp, chú ạ. - Lễ xen vào.

- Nhưng có cái lạ là chú không có cảm giác là người được may mắn sống sót. Có một lẽ gì đó khiến chú hiểu, chú nghĩ là mình đang sống tiếp để thấm được, để hiểu được nạn đại hồng thuỷ đã cướp đi của đất nước ta những gì! Thế có lạ không hả cháu? Có lẽ vì thế chú khát khao mong đất nước mình hoà bình, thịnh vượng. Chú cũng đã trao đổi hết nhẽ với Nghĩa về nỗi khát khao này.

- Bác Học ạ, bác đã nói vậy, tôi xin thưa như vầy. Cho đến tận bây giờ, chỉ cần nghĩ đến hai tiếng cộng sản là tôi đủ thấy người mình ớn lạnh. Tuy vậy, đi theo bác về thăm quê hương kỳ vừa, tôi thấy đất nước bây giờ có nhiều điều làm cho tôi khấp khởi vui mừng, dù rằng tôi thấy vẫn còn nhiều điều tôi không thể chấp nhận được. Có lẽ cũng giống như Lễ, chúng tôi là loại người không còn khả năng thay đổi mình nữa rồi bác ạ! - Loan nói, giọng buồn buồn.

- Mặc cảm vẫn đeo bám anh? – Ông Học hỏi.

- Dạ.., cũng không hẳn thế. Đôi lúc chúng tôi vẫn mặc cảm thật, tự coi mình là những vật thể lạ sống trong lòng đất nước. Nhưng có điều chính tôi cũng thấy rất lạ là mỗi khi ngồi nói chuyện với ông Nghĩa, ông Lê Hải, ông Chính thì sự mặc cảm ấy biến mất.

- Ông Loan ạ, về mặt chống Cộng hay ghét Cộng, chưa hẳn Phạm Trung Học này đã thua kém ông đâu. Chỉ có điều là từ khi tôi hiểu được những tổn thất của đất nước mình, hiểu được nỗi thống khổ của dân tộc mình, hình như tôi vượt qua được chính mình. Tất cả bắt đầu từ khi tôi cảm nhận được chính gia đình tôi mất mát nhiều quá trên cả hai phía...

Mọi người hiểu tâm trạng ông Học lúc này. Lễ quay sang Tôn Thất Loan, cố xoay câu chuyện đi hướng khác:

- Còn khi nói chuyện với ông Võ Sang, anh thấy thế nào?

- Tôi không biết là mình bây giờ cảm nhận khác trước, hay là Võ Sang đã thay đổi. Điều chắc chắn là ông ta bây giờ cởi mở hơn xưa nhiều. Song vẫn không thể nào so sánh được với ông Nghĩa, ông Lê Hải, ông Chính - đấy là những người tôi thực sự có hứng thú đối thoại với họ, với tất cả suy nghĩ của mình... Nhất là những ông này hiểu biết rộng và không bao giờ áp đặt một điều gì, lúc nào cũng sẵn sàng trao đổi ý kiến đến kỳ cùng.

- Còn người đối thoại và còn đối thoại được với nhau như thế là tốt rồi. Toàn là những ông cộng sản chính hiệu đấy anh Loan ạ. – Năm Thịnh bình vào - Đấy là những người thân thiết nhất trong gia đình tôi, nói cho đúng hơn là chỗ dựa tinh thần của gia đình tôi. Các cháu con anh Hai tôi coi những ông này là thần tượng của mình. Bây giờ được bọn trẻ chấp nhận không phải là dễ đâu hai anh ạ. Điều tôi băn khoăn là thời gian gần đây chuyện tham nhũng, tiêu cực có vẻ ngày càng nhức nhối hơn.

- Anh Năm nhận xét như thế là khá nhạy bén đấy. - Ông Học đồng tình với Năm Thịnh. - Một số điều lo lắng tôi nói với Nghĩa trước đây, hình như đang trở thành mối lo thật sự. Không thể nào có một xã hội thuần khiết hay một sự phát triển êm đẹp như đi trên con đường lát toàn bằng vàng đâu. Tôi đã nói với Nghĩa như vậy mấy lần rồi. Miễn sao đừng để những yếu kém, những vấp váp khó tránh khỏi này lấn át cái tốt và trở thành một xu thế phát triển

- Thưa chú điều cháu lo nhất là mấy công ty đang làm ăn với cháu gần đây bị đánh lên đánh xuống, cháu chưa rõ thực hư thế nào. – Năm Thịnh trình bày. - Họ sai lầm đến đâu, hay là các sai lầm của họ bị hình sự hoá đến đâu, hay đó là chủ trương không để cho kinh tế tư nhân đi quá cái ngưỡng hiện nay. Đây thực sự là điều cháu không rõ, đoán già đoán non cho sắp tới lại càng khó chú à!

- Gần đây báo chí nói nhiều đến các vụ án Tamexco, Minh Phụng, ngân hàng Việt Hoa... Các công ty làm ăn với anh Năm có dính dáng đến những vụ án này không? - Ông Học hỏi Năm Thịnh.

- Dạ thưa, đó chính là điều không ai giải thích được rạch ròi. Các vụ án này là có thực, xử các vụ án là có thực. Thậm chí có quá nhiều quan chức cao cấp dính líu vào, nên tính chất các vụ án này rất nghiêm trọng. Dư luận cho rằng vẫn có quan chức cao cấp lọt lưới pháp luật, nhiều tài sản của những bị cáo trọng tội bị thất thoát trong quá trình thành án. Cháu thấy dư luận trong nước rất trông cậy vào sự nghiêm minh của pháp luật, ủng hộ pháp luật. Nhưng nếu nhân danh chống tham nhũng và tiêu cực rồi hình sự hóa mọi hành vi kinh tế phạm luật để hạn chế kinh tế tư nhân thì lại là câu chuyện khác. Hơn nữa nhìn chung, trừ trường hợp thật đặc biệt, hình sự hoá tội phạm kinh tế là chuyện cần thận trọng...

- Có thể xem đấy là biến tướng của cải tạo tư sản lần thứ ba được không, anh Năm? – Tôn Thất Loan nghi ngờ.

- Tôi chịu, không đoán mò được. Vì trong nước công khai minh bạch chưa đủ cỡ, nên còn nhiều điều khó đoán lắm, tính toán làm ăn lâu dài càng khó - NĂM Thịnh quay sang ông Học - Chú à, cháu ngờ rằng đấy là một trong những nguyên nhân làm cho đầu cơ vào bất động sản ở nước ta tăng lên một cách quá đáng so với sức chịu đựng của nền kinh tế. Lác đác cháu thấy trong nước có một vài kiến nghị đòi thận trọng và hạn chế hiện tượng hình sự hoá những hành vi kinh tế phạm luật. Điều này chứng tỏ nỗi lo của cháu là có lý…

- Còn nhiều trầy trật đau đớn lắm, Năm Thịnh ạ. Còn phải trả giá nhiều đấy, đất nước nào cũng thế thôi, dân tộc nào cũng thế thôi. Tôi chỉ mong những bài học ở nhiều nước châu Phi, ở Nga trong suốt thập kỷ 1990, ở các nước Đông Nam Á và Hàn Quốc trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997 vừa qua.., sẽ được nước ta tôn trọng. Đấy là cái lợi của anh đi sau...

- Đầu năm nay cháu có việc qua Bangkok. Giá đồng Bath Thái Lan bây giờ chỉ còn một nửa so với mấy năm gần đây. Nhiều doanh nghiệp trắng tay trong một đêm. Có mấy chủ doanh nghiệp tự tử. Các ngành kinh tế cứ dắt dây nhau sụp đổ như các lá bài domino. Thật không thể tưởng tượng nổi, chú à. Nhưng bây giờ họ khá hơn nhiều rồi. – Năm Thịnh thuật lại.

- Bác Học ạ, một số người lãnh đạo ở châu Á buộc tội George Soros là thủ phạm cuộc khủng hoảng này, có đúng thế không bác? – Tôn Thất Loan hỏi.

- Tôi xin lỗi, tiếng Việt xưa có câu rất tục nhưng diễn đạt rất đúng cách buộc tội kiểu như vậy: Tim la đổ vấy cho trâu! Câu này tục lắm, nhưng lột hết được sự việc. Tôi học được câu này từ bọn lính khố đỏ thời Pháp thuộc trong những ngày tôi phải đi kéo xe bò kiếm sống lúc thất cơ lỡ vận...

Mọi con mắt đổ dồn về ông Học.

- Đã có lúc bác phải đi kéo xe bò sao? - Năm Thịnh trợn trợn mắt.

- Sao bác lại ví von như vậy? – Tôn Thất Loan ngạc nhiên.

- Theo tôi George Soros chỉ có một tội duy nhất là người châm ngòi lửa vào cái thùng đã chứa đầy thuốc súng. Tội của ông ta chỉ có thế thôi! - Ông Học chậm rãi. - Ông Soros này không châm thì có ông Soros khác châm, vì chẳng có một nhà tài phiệt nào chịu khoanh tay ngồi nhìn cổ phiếu và vốn của mình có nguy cơ mất giá đồng thời có cơ hội vồ được món lớn. George Soros thính mũi hơn người ở chỗ đã ngửi thấy mùi bão trước khi cơn bão xảy ra. Quả nhiên khi đồng tiền của ông ta mới thoạt chạy khỏi Malaysia thì cơn bão đã đổ bộ ngay tức khắc lên toàn khu vực Đông Á và Đông Nam Á.

- Thời đại kinh tế tri thức mà con người vẫn bất lực trước những hiện tượng như vậy sao chú? – Lễ hỏi.

- Đúng hơn nó là một phản sản phẩm của kinh tế tri thức, chú nghĩ như vậy Lễ ạ. Kinh tế tri thức trong trường hợp này chứng tỏ nó thông minh và xảo quyệt hơn so với những hiểu biết con người thu lượm được trong kinh tế tri thức. Về mặt tiền tệ thì càng như thế. Ví sự tai quái của tiền tệ với Mephistopheles như Tín đã phân tích thật là một ý tưởng tuyệt diệu đấy.

- Nhưng Tín chưa bao giờ là Soros chú ạ!

- Nhưng rõ ràng Tín hiểu được vấn đề! Sự thật vĩnh hằng là cuộc sống luôn luôn thông minh hơn con người.

- Trời ơi, nên gọi bác là kẻ thực dụng hay là một triết gia đây, bác Học?

- Ông Loan tặng tôi biệt danh gì cũng được. Tôi nói cho có đầu có đuôi như thế này: Thật ra trước khủng hoảng mấy năm đã có những lời cảnh báo khá gay gắt về những yếu kém của ngành tài chính – ngân hàng trong những nước này. Tôi là người trong nghề, tôi biết rất rõ. Rồi đến những lời cảnh báo về sự lũng đoạn do câu kết giữa các giới quyền lực chính trị và các chủ tập đoàn, nạn đầu cơ bất động sản và nạn đầu cơ tiền tệ, nhưng tất cả đều bị giới cầm quyền ở những nước này bỏ ngoài tai hoặc có lợi ích trong việc bỏ ngoài tai. Tất cả đã tạo ra các nền kinh tế bong bóng. Điều không ai biết trước được chỉ là khi nào các bong bóng ấy nổ tung và nổ như thế nào mà thôi. Các nước Đông Nam Á này cuối cùng đã rơi vào tình trạng tích tụ phát triển mấy thập kỷ để đổ vỡ tan hoang trong một trận bão! Kinh tế nước ta đứng ngoài tâm bão, thế mà cũng lao đao vì nó. Theo tôi, nước ta cố học lấy những bài học ấy, có lẽ đấy là cách tốt nhất để tiết kiệm mồ hôi, nước mắt và có lẽ cả máu nữa trong quá trình phát triển. Làm được như vậy, đất nước ta sẽ sớm tìm được đường ra, và các nhóm người Việt đầu cơ chính trị ở đây cũng sẽ khó có đường kiếm chác chính trị. - Ông Học giải thích.

- Chú luôn luôn trung thành với cái nhìn của người đi sau, có phải không ạ? Cháu thật không hiểu làm thế nào mà chú rất lạc quan, nhìn ra ánh sáng trong mọi tình huống. – Lễ hỏi chú mình.

- Có lẽ chỉ vì lúc nào chú cũng ham sống một cách tột bực. Gần suốt cuộc đời, chú vẫn coi tâm lý đầu hàng là kẻ thù không đội trời chung của mình.

Lấy xong hành lý tại sân bay San Francisco, Tín thuê một xe van rồi tự lái đưa vợ chồng Tân và Lisa đến chỗ bố mẹ mình, từ đó đón bố mẹ đến thẳng khách sạn La Cigale để cùng ăn cơm với ông bà Học và gia đình cô Hoài. Thời giờ quá eo hẹp, nên Tín tổ chức tất cả đi chung một xe để tận dụng hơn 5 tiếng đồng hồ chạy xe trên đường cho bố mẹ mình có dịp nói nhiều chuyện với vợ chồng Tân và cháu Lisa. Lần này Tân đến dự hội thảo tại đại học Maine, trên đường về hẹn gặp Tín ở San Francisco để hôm sau còn đi tiếp London dự hội nghị Toán học châu Âu, do Viện toán Greenwich tổ chức. Tín từ New York bay đi San Francisco để thực hiện cuộc gặp mặt này.

Gia đình lớn của ông bà Học có một buổi tối trọn vẹn tại La Cigale. “Cảm ơn các cháu, các cháu làm cho ông bà trẻ lại mấy tuổi”. Bà Học hết ôm Lisa, ôm Linda rồi lại ôm Tân, những giọt nước mắt lăn trên má.

Ông Học, vợ chồng Lễ, vợ chồng Hoài, Tín cứ đứng lặng chia sẻ sự xúc động của bà Học. Khi mọi người ngồi vào bàn, Tân là người nói đầu tiên:

- Cháu rất mừng là ông bà gần như không thay đổi. Lần trước cháu đến thăm ông bà ở Santa Monica Hill cách đây đúng một năm. Lần ấy chỉ thiếu Linda và Lisa.

- Thưa ông bà, chọn khách sạn La Cigale lần này là sáng kiến của anh Tân đấy ạ, vì còn vài ngày nữa là đến ngày giỗ anh Nam – Tín thưa.

- Ông nhớ. Chính tại khách sạn này, cũng ngay tại phòng ăn này, hôm ấy ông là người đầu tiên được báo tin Nam mất – nói đoạn ông Học gọi người bồi bàn rót rượu, bảo anh ta rót thêm một cốc để ở giữa bàn. - ...Tất cả chúng ta nâng cốc, mười sáu năm qua rồi các cháu ạ. Chúng ta hãy uống với Nam ly rượu này!

Mọi người nâng cốc. Ông Học là người đầu tiên chạm vào ly rượu để ở giữa bàn, tất cả đều làm theo, lòng ngùi ngùi thương tiếc.

Ngậm ngùi trong giây lát, ai cũng để cho lòng mình lắng xuống... Bé Lisa tuy chưa hiểu gì lắm, nhưng cũng biết giữ lặng lẽ, vì thường ngày Linda vẫn dậy con trong những lúc như thế này, để giữ lịch sự phải biết làm theo người lớn. Nhìn Lisa, ông Học nói:

- Thế hệ thứ ba của họ Phạm không tồi. Ông rất tự hào. Bây giờ ông nâng cốc chúc mừng các cháu.

Tiếng chạm cốc leng keng...

...Tuy xa nhau nửa vòng trái đất, song mọi người trong gia đình lớn của ông bà Học thường xuyên có tin tức của nhau, nhờ có phương tiện hiện đại, nhưng trước hết là tình máu mủ ruột thịt luôn luôn kết họ lại thành một khối. Chuyện đám cưới Mai, rồi đám cưới Loan, chuyện Yến bây giờ là giám đốc một xí nghiệp liên doanh nổi tiếng trong ngành dược... tất cả bên này đều biết tường tận.

- Linda thấy các con trai họ Phạm rất giỏi. Nhưng cũng phải nói là các con gái, con dâu họ Phạm cũng rất giỏi chứ ạ. Nhất là chị Yến và chị Mai là hai phụ nữ Việt Nam tuyệt vời. Chị Loan thật là một người can đảm – Linda nói bằng tiếng Việt khá thành thạo.

- Linda đang chờ ông bà và các cô các chú khen nữa đấy ạ! – Tân liền được ăn mấy cái đấm nhẹ vào vai của vợ mình vì câu nói này.

- Không phải. Không phải, Linda không nói thế. Đấy là Tân nói ạ! – Linda mặt ửng đỏ - Ý Linda muốn nói Việt Nam có một giá trị tốt đẹp là chăm sóc truyền thống gia đình.

- Linda nhận xét đúng đấy. – Thảo khen.

- Anh đố Linda tiếng Việt dân dã có câu nói nào chứng tỏ sự quan tâm đến giữ gìn truyền thống gia đình. – Tân đố vợ.

- Sao cháu lại đố Linda khó vậy? – cô Hoài chen vào.

- Anh Tân thường bắt nạt Linda kiểu như vậy. Nhưng nếu Linda đố lại như thế bằng tiếng Anh hay tiếng Thuỵ Điển thì anh Tân chết luôn!

Mọi người phục Linda nói được hai từ chết luôn với cái giọng rất Việt. Song Linda vẫn phải tự xưng tên mình trong khi nói chuyện, vì đại từ nhân xưng của tiếng Việt khó quá, Linda học mãi mà vẫn chưa rành.

- ...Thì anh Tân chết luôn! Thím thấy tiếng Việt của cháu giỏi quá. – Thảo ngồi cạnh, cố nhại lại cho đúng cách nói của Linda, rồi ôm lấy vai Linda.

- Thế là em chịu thua rồi, có phải không Linda? – Tân vẫn chưa buông tha vợ mình.

- Một phút! Hãy đợi một phút! – Linda đưa ngón tay chỏ lên miệng ra hiệu cho chồng im lặng, trán nhăn lại. - ...Câu nói ấy là thế này: Lấy vợ kén tông, lấy chồng kén giống!

- Thế thì bây giờ chú có thể nói con dâu họ Phạm ai cũng giỏi! Xin mời cả nhà nâng cốc uống thưởng Linda. – Lễ đứng dây, trịnh trọng, gương mặt nở một nụ cười rạng rỡ.

Thảo rất vui. Bóng dáng ưu tư trên nét mặt của Lễ bỗng nhiên biến mất.

Câu chuyện chuyển dần sang bàn việc mời ông bà Chính và ông bà Nghĩa sang chơi bên này, để biết đó biết đây, kết hợp đi thăm một số nước châu Âu luôn thể. Bây giờ ông bà Chính và ông bà Nghĩa đều đã nghỉ hưu, xin visa đi thăm Mỹ và mấy nước châu Âu cũng dễ, chắc việc đi thăm không có gì trở ngại. Riêng bà Nguyệt thì chưa muốn đi đâu cả, Mai vừa mới sinh công chúa. Bà ngoại không muốn rời cháu lấy nửa bước. Tân kể lại chuyện Mai đi siêu âm, em bé xấu hổ nên mãi đến lúc cất tiếng khóc chào đời mọi người mới biết là con gái. Cả nhà rất thích thú, ai cũng khen bà Nguyệt có sự nhạy cảm đặc biệt của bà ngoại.

- Chỉ có anh cu Tín nhà ta trước sau vẫn là anh cu Tín thôi! – cô Hoài chọc cháu mình.

- Trời ơi, ông tiến sĩ có hạng của người ta mà em cứ gọi mãi cháu là anh cu! – Nhân, chồng Hoài, bác sĩ nha khoa, vốn rất ít nói, lên tiếng bênh cháu.
- Cháu chỉ lo cô Hoài không đủ tiền mua quà cưới tặng cháu thôi.

- Có thật vậy không con? – Thảo hỏi Tín - Nếu đúng như vậy, má cho cô Hoài vay, bao nhiêu cũng được!

- Thôi được, nếu cháu không thích cái tên anh cu Tín thì cô tặng cháu cái tên anh hùng rơm vậy. – Hoài nói.

- Anh hùng rơm là cái gì ạ? – Linda hỏi Hoài.

- Dịch là gì bây giờ nhỉ? – Hoài suy nghĩ một lúc. – ...Thôi thế này, tạm dịch là straw puppet(*)![(*) Bù nhìn bằng rơm.]

- Chết chết, cô dịch thế thì chết cháu! Anh hùng rơm không phải là straw pupet! – Tín giãy nảy lên.

- Trời ơi, cô Hoài tặng Tín cái tên hay tuyệt! Em rất xứng đáng với cái tên ấy. – Tân đế thêm vào.

- Linda đề nghị cả nhà thông cảm với Tín.

- Cháu đề nghị cả nhà thông cảm với Tín điều gì? - ông Học hỏi lại Linda.

- Thưa ông, Tín còn đang ở trong tình trạng: Tìm em như thể tìm chim, chim ăn bể Bắc, anh tìm bể Đông!

Mọi người cười phá lên!

Riêng bà Học lấy khăn tay che miệng, cố ngăn bớt tiếng cười của mình mà không được, mấy giọt nước mắt cứ tự nó trào ra.

- Đúng là cả nhà nên thông cảm với nỗi khổ của straw puppet!.. Ngày xưa ba đi học mới chỉ có truyện Nỗi thống khổ của chàng Werther(**) [(*) Một trong những tác phẩm văn học đầu tay của W.Goethe.] thôi, Tín ạ. Có lẽ ba sẽ cầm bút viết truyện về Nỗi thống khổ của Straw Puppet Phạm Trung Tín! Việc này ba làm được đấy...

Tất cả mọi người lại cười.

- Lại cả ba cũng về hùa với cô Hoài nữa. Nhưng hôm nay cả nhà sẽ thua con cho mà xem. Giỏi như Linda cũng thua! Cô Hoài cũng thua!

- Tín ơi, nếu con không chứng minh được cả nhà thua, thì cái tên cô Hoài tặng con là hoàn toàn chính xác đấy, má không cho đổi lại đâu Tín ạ. – Thảo không bỏ lỡ dịp này muốn hiểu con mình.

- Thế này thì hết đường chạy rồi Tín ơi. Mi ra toà Thị chính xin đổi tên mới đi là vừa! – Tân chạm cốc chọc em mình.

- Anh Tân đừng lo cho em. – Tín dừng lại, tự tay đi rót rượu cho mọi người thật đầy đặn rồi trở về chỗ ngồi của mình, trịnh trọng - Thưa ông bà, thưa ba má, thưa cô chú, hôm nay con xin long trọng đề nghị cả nhà cho con cưới vợ! Nếu cả nhà cho phép, xin uống với con hết ly rượu này. – Giọng Tín tỉnh bơ, nhưng trang nghiêm, tay nâng ly rượu ra phía trước, chờ đợi...

Tất cả các khuôn mặt ngơ ngác, không biết là Tín nói đùa hay nói thật. Nhưng mọi người đều lục cục xích ghế ra, đứng dậy, tay nâng ly rượu như những người máy, song ai cũng đứng yên như vậy, chưa chịu uống.

- Con xin cụng ly với ai trước? – Lễ hỏi.

- Con xin cụng ly trước với ông bà! – Tín đi ra khỏi chỗ ngồi, trịnh trọng xin chạm cốc với ông bà, rồi với bố mẹ, với cô chú Hoài, với Linda, với bé Lisa. Tân là người Tín chạm cốc sau cùng.

- Rượu uống rồi, bây giờ con giới thiệu con dâu của má đi! – Thảo là người giục đầu tiên, trong bụng vẫn bán tín bán nghi.

- Thưa ông bà... – Tín dừng lại một chút, vì bản thân cũng xúc động. - ...Thưa ba má, thưa cô chú, Linda và anh Tân, và cả cháu Lisa nữa. Con xin cả nhà ưng thuận cô dâu mới của họ Phạm nhà ta là con cô Trang và chú Lâm. Anh Tân ạ, chú Lâm là người đã cứu bác Nghĩa tại Quảng Trị và đã hy sinh ngay sau đó!

- Tín!.. – Tân ngơ ngác.

- Trời ơi Kim! Con dâu của má sẽ là Kim? – Thảo bỏ chỗ ngồi chạy lại ôm chầm lấy Tín.

- Vâng, thưa má, chúng con yêu nhau 3 năm nay rồi!

- Con nhắc lại đi. Con dâu của má sẽ là Kim? – Thảo hỏi lại một lần nữa.

- Thưa má đúng là như vậy ạ!

- Bố dượng của Kim là chú Võ Sang? – Lễ muốn hỏi lại để tự tai mình được nghe thấy.

- Vâng, đúng thế ạ.

Đến lượt mọi người nâng cốc chúc mừng Tín.

Riêng Tân vẫn còn bồi hồi mãi cảm xúc khó tả khi Tín nhắc đến người đã từng hy sinh để cứu sống bố mình, bây giờ lại thêm một sợi dây gắn bó tình nghĩa nữa!.. Đứng giữa mọi người mà Tân vẫn cảm thấy muốn ôm tất cả mọi người vào vòng tay mình… Ôi cuộc sống đầy đau thương này có vô vàn điều đáng sống!..

- Thế này thì anh chắc chú Lễ phải đổi tên truyện rồi: Niềm hạnh phúc của straw puppet! Nhiệt liệt chúc mừng em! – Tân uống hết ly rượu với em mình, nhìn vào tận mặt Tín: - Không thể tưởng tượng được Tín ơi! Anh phải cảm ơn em rất nhiều - Tân đặt ly rượu xuống bàn, ôm xiết em mình.

- Trong trường hợp này, em đồng ý giữ lại cái tên straw puppet của cô Hoài tặng! – Tín đáp lại, rồi lại ôm lấy anh mình.

Khi Tín theo bố mẹ đến thăm vợ chồng Võ Sang nhân chuyến về nước cùng với ông bà Học, Kim và Tín gặp nhau trong ánh mắt, tìm thấy nhau trong ánh mắt. Cũng có lúc Tín thú nhận cái tính bướng bỉnh và ý chí tự lập của Kim thu hút hết mọi tâm trí của Tín. Thư đi thư lại rồi họ yêu nhau. Có khi họ “chat” với nhau trên internet cả giờ đồng hồ trong đêm khuya. Không một năm nào, không một lần nào có việc gì về qua khu vực Đông Nam Á mà Tín lại không tạo cớ về thăm Kim và gia đình cô chú Võ Sang. Điều thuận lợi lớn là cô chú Võ Sang đều quý mến sự nhiệt thành và tính giản dị của Tín. Giữa Kim và Tín có một thoả thuận chung: Khi nào công việc của mỗi người ổn định, thì cả hai cùng chính thức thưa chuyện với hai bên bố mẹ. Tuy gặp nhau trong ánh mắt, nhưng câu chuyện tình yêu giữa hai người lại bắt đầu từ những cuộc đối thoại bằng một thứ ngôn ngữ bất đồng, với các nguyên lý, các con số và những công thức toán vô cùng khô khan, kéo dài hàng tháng, hàng năm...

…Khi Kim bắt đầu học đại học Ngân hàng năm thứ hai thì Tín đang làm CFA cấp 3 và chuẩn bị làm Ph. D. Lần đầu tiên trên email, Kim hỏi Tín một số vấn đề liên quan đến lập bản cân đối thu chi cho một cơ sở kinh doanh theo chuẩn quốc tế, một vấn đề ABC của ABC về tài chính – ngân hàng mà bất kể ai làm nghề gì liên quan đến tiền nong, sổ sách, kế toán, tài chính... đều phải học. Thư đi thư về mà cứ ông chẳng bà chuộc mãi. Thì ra nguyên do là hai người có hai cách học và học ở hai loại trường khác nhau, dẫn đến các phương pháp luận khác nhau. Có những cái theo Tín bắt buộc phải tiền tệ hóa rồi đưa vào hạch toán và cân đối thu chi, nhưng bài Kim được nghe giảng ở trường lại không dạy thế. Có những thứ trên thực tế là chi “kép” hay chi “khống”, vì dưới dạng nào đó nó là tàn dư của các khoản bao cấp trực tiếp hay gián tiếp còn sót lại từ ngân sách nhà nước, theo Tín nhất thiết phải nhặt ra, không được đưa vào giá thành đề hạch toán, thì các bài giảng Kim được học lại bỏ qua. Có những khoản nợ khó đòi theo Tín dứt khoát phải nhặt ra đưa sang phần chi, sau này nếu đòi được thì đưa trở lại vào phần thu cũng không muộn, nhưng trường lại không dạy Kim như vậy... Khấu hao không phải nộp vào ngân sách thì không được đưa vào phần chi, nhưng bài giảng lại bảo nên đưa vào phần chi để giảm gánh nặng cho xí nghiệp, vì xí nghiệp còn nhiều nghĩa vụ xã hội chủ nghĩa khác phải thực hiện - Tín nhất định không chịu... Có lần chỉ vì nghe Tín “xui dại” – Kim viết cho Tín như vậy - nên một bài thi học kỳ của Kim suýt bị đánh trượt...

- Anh ơi, nếu so sánh các điều trái nghịch nhau thế này, em có thể viết được một tập sách giáo khoa đấy.

- Sách giáo khoa?

- Sách viết về sự khác biệt giữa hệ thống tài chính tiền tệ của ta và của thế giới. Có thể viết ra thành nhiều quyển cho từng chủ đề...

- Em viết gì cũng được. Nhưng viết là em trái nghịch với anh thì anh chết mất!

- Em sẽ viết thật mà, nhưng sách em viết sẽ không liên quan gì đến luận án tốt nghiệp. Vì luận án của em thì bắt buộc phải viết theo giáo trình.

- Vậy em viết sách bàn việc gì?

- Quyển đầu tiên em sẽ đưa ra những suy nghĩ của mình về quản lý vốn doanh nghiệp nhà nước theo những tiêu thức của ngân hàng thương mại. Em coi đây là bước đầu xóa bỏ tệ những nạn do cơ chế chủ quản gây ra.

- Em to gan đấy!

Họ “chat” với nhau trên mạng như vậy. Cũng từ đây Tín bận bịu với công việc sưu tầm một số sách báo có liên quan để giúp Kim chuẩn bị. Tín đã bất ngờ về tiến bộ của Kim trong học tiếng Anh, bây giờ lại thêm bất ngờ mới. Trông Kim hiền lành nhưng thật táo tợn!.. Thư đi thư về, nhắn đi nhắn lại, tính cách của họ bộc lộ ra với nhau, họ ngày càng trở nên thân thiết với nhau và không ai biết được tình yêu đến từ khi nào. Càng ngày, trong thư nói về học hành càng ít, về nhớ, về thương, về yêu ngày càng nhiều, rồi đến những đêm hàng giờ trên internet về đủ mọi chuyện trên đời.., khiến Tín mong ngày mong đêm sớm có những dịp đi đi về về khu vực Đông Nam Á để có cớ tạt vào Sài Gòn thăm cô chú Võ Sang, thực ra trước hết là thăm Kim.

Cuộc vui còn kéo dài cho tới khuya. Dự kiến lễ ăn hỏi cho đôi uyên ương Kim Tín vào cuối năm cũng sắp xếp xong. Tối hôm ấy Tín báo cáo với cả nhà những dự định cho tương lai:

Ngân hàng Thế giới (WB) đang đàm phán với Chính phủ Việt Nam Dự án Hợp tác Cải tiến hệ thống ngân hàng Việt Nam giai đoạn II. Dự án giai đoạn I sẽ kết thúc vào cuối năm tới. Rút kinh nghiệm thực hiện Dự án giai đoạn I, WB muốn tăng cường chuyên gia người Việt trong nhóm điều hành dự án của WB tại Hà Nội. Tín đang liên hệ với WB tại New York để đăng ký tham gia Dự án giai đoạn II.

- Con dự kiến sẽ về sống và làm việc ở Hà Nội ít nhất là đến khi thực hiện xong Dự án II? – Lễ hỏi.

- Hai chúng con đã bàn với nhau như vậy ạ. Chúng con sẽ chăm về thăm ông bà, ba má và cô chú Hoài...

Lý Lam hẹn đến gặp riêng Lễ mấy lần, nhưng Lễ đều cho thư ký của văn phòng tìm mọi cách thoái thác. Cuối cùng Lý Lam phải giở cái bài có việc cần nhờ đến dịch vụ của Văn phòng luật sư Thảo, rồi nhân dịp này lấy cớ bạn bè cũ đến thăm sức khoẻ Lễ. Thảo và Lễ hết đường thoái thác.

Sau vài câu thăm hỏi xã giao. Lý Lam không rào trước đón sau gì cả: Mời Lễ ra lãnh đạo phong trào thay Quách Minh Châu.

- Tôi không thể đánh giá thấp nhiệt tình và sự kính trọng của ông Lý dành cho tôi, nhưng thực lòng tôi không hiểu ông Lý còn kỳ vọng gì ở một kẻ chán đời như thế này?

- Tôi biết chứ. Anh có tâm lý chán đời từ khi còn ở trại Bảo Lộc cơ, đâu phải bây giờ. Nhưng tôi hy vọng thời gian đã làm cho anh bình tâm trở lại.

- Sự thật thì ngược lại, ông Lý ạ. Ông Thành, chú tôi, lúc còn sống ổng đã nói với Thảo là phải coi chừng trạng thái trầm uất của tôi có vẻ ngày một nặng lên. Chú tôi còn nói đấy có thể là một hội chứng bệnh lý thường gặp ở một số người nhất định nào đó sau chiến tranh.

- Nếu thế thì càng phải áp dụng cái thuyết activ therapy, lấy hoạt động năng động át đi tất cả. Nghĩa là anh càng phải nhận đề nghị của tôi vì lý do sức khoẻ của chính anh.

- Phong trào đã bí lắm rồi sao mà phải vời đến cả người bệnh như tôi.

- Phong trào thì không bí, nhưng thiếu người cầm cờ. Tôi đã trình bày với anh rồi, anh Châu bây giờ mang chứng tiểu đường nặng, không làm việc bình thường được nữa. Anh ấy bây giờ toại nguyện vui duyên già với Thẩm Đôn Hoa. Mai- cơn Fốc bị thải rồi, vì thời hậu chiến của ông ta đã hết. Bây giờ là thời quan hệ bình thường hoá, phải có loại Mai-cơn Fốc mới.

- Thế tôi vẫn một mực xin ông Lý tha cho thì sao?

- Chúng tôi tính nát nước ra rồi. Những loại như Trần Đình Bùi, Hoàng Thư Vũ... – họ là con nhà nòi của cách mạng, họ sống trong nôi của chế độ Hà Nội, họ chống Hà Nội có lẽ cuồng nhiệt hơn anh mấy chục lần, thông minh không kém gì anh, văn hoa chữ nghĩa nếu không hơn thì chắc cũng chẳng kém anh, nhưng chúng tôi không vời đến.

- Vì sao?

- Vì trong con mắt của phong trào ở đây, họ chỉ là những người bất mãn, là kẻ phản bội lại hàng ngũ của họ. Mà đã có vết như thế thì không thể là người cầm cờ cho phong trào mình được.

- Ông Lý kén gớm nhỉ!

- Tôi không nịnh anh đâu, những người này muốn quậy phá gì thì tha hồ, cần thì chúng tôi tiếp sức hết mình, nhưng có ngửa tay xin làm nhiệm vụ cầm cờ thì chúng tôi cũng xin kiếu. Phong trào phải có một bộ mặt sạch sẽ cầm chịch, anh hiểu không?..

- Ví dụ như Phạm Trung Lễ này, có phải không?

- Khoan hãy giễu cợt, nghe tôi nói hết nhẽ đã. Anh là người có học, từng là tù của cả ông Thiệu lẫn Việt cộng, có anh em bạn bè là những Việt cộng cao cấp mà vẫn nhất nhất không màng theo Việt cộng. Người như thế đứng ra cầm cờ cho phong trào thì mới mang lại thanh thế cho phong trào. Chuyện tướng Lê Hải mời anh ăn cơm bây giờ cứ được đồn đi đồn lại trong phong trào, tự nó cứ thêu dệt mãi lên thành một thần thoại. Có người còn nói bốc: Ngay đến cả tướng Lê Hải cũng là người khâm phục đại tá Lễ! Cứ như là chuyện ngày xưa kiến đục lá đa thành các chữ “Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần” ấy. Tôi thấy đó là điềm tốt, càng khuyến khích những chuyện phóng đại như vậy. Đại tá Loan không được đánh giá cao như anh đâu...

Lễ không hiểu vì sao Lý Lam lại biết và nêu ra cả chuyện Lê Hải mời cơm...

...Ông khách lai này định giở thủ đoạn gì ra với mình đây?

Trong lòng tự hỏi như thế, nhưng Lễ vẫn ngồi yên, trệu trạo nhai mực khô, cố tỏ vẻ lơ đãng.

Thấy Lễ cứ ngồi nhắm đồ khô và uống rượu, Lý Lam nói tiếp:

- Trước khi đi Mê-hi-cô tìm nghề mới kiếm ăn, Mai-cơn Fốc cũng khuyến nghị phong trào là cố thuyết phục anh đứng ra làm nhiệm vụ. Nghĩa là cả Michael cũng chấm anh đấy! Anh nhận lời chứ?

- Vợ tôi đau tim bẩm sinh, chuyện này tôi chắc anh biết từ hồi còn ở Sài Gòn. Nhờ trời bây giờ sức khoẻ nhà tôi khá hơn trước một chút, nhưng vẫn là người có bệnh... – Lễ thong thả phân bua. - Còn tôi thì đang trên đường đi tới bệnh viện tâm thần. Chỉ vì không nỡ bỏ Thảo một mình bơ vơ ở nhà nên còn lần chần nấn ná dọc đường thế thôi. Ông Lý không hình dung được thế nào là sống mòn à? Chắc phong trào bí lắm nên mới phải làm cái việc bắt mèo đi cày?

Lý Lam cười vang, một giọng cười không thể phân biệt rõ được là tự nhiên hay là đóng kịch, khiến Lễ càng phải thận trọng.

- Anh Lễ ơi, nếu anh cho là phong trào bí, nên phải vời đến anh, thì sai lầm to, sai lầm nhiều mặt đấy. Tôi xin nhắc lại: Phong trào cần người chọn mặt gửi vàng để phong trào ngày một lan toả…

- Chọn mặt gửi vàng?

- Đúng thế. Chỉ cần nhìn vào người cầm cờ là có ngay thiện cảm với phong trào. Anh chính là người như thế! Bây giờ là thời quan hệ bình thường hoá, phong trào lại có những vùng đất mới, những triển vọng mới mà thời hậu chiến không có. Phong trào rất cần gương mặt mới cho phương thức hoạt động mới, chứ không thể nói là phong trào bí được.

- Ông Lý ơi, ông Lý giải thích như thế cách đây 15 năm thì tôi tin. Tôi vừa mới gặp ông Lý ở khách sạn REX, nên tôi khó tin. Thế mà cũng mấy năm rồi nhỉ?.. Tôi thừa nhận đất nước bây giờ thay đổi nhiều rồi, vì thế tôi mới nghĩ là phong trào bí.

- Anh xa thời cuộc nhiều quá rồi.

- Sao ông Lý không nói thẳng ra là tôi lạc hậu?

- Thời đổi mới, chế độ Hà Nội làm được nhiều việc, nhưng lại cũng vấp nhiều việc nan giải. Càng đổi mới kinh tế, càng vấp nhiều vấn đề thuộc về tự do, dân chủ. Hệ thống chính trị càng có nhiều vấn đề chạy theo không kịp. Tệ nạn tiêu cực, quan liêu tham nhũng nở rộ. Đấy là những vùng đất mới cho phong trào của chúng ta. Anh không nhận ra à?

- Tôi lại nghĩ rằng mức sống trong cả nước được cải thiện nhiều. Gallup(*) [(*)Viện thăm dò dư luận, ở Mỹ, thành lập năm 1935.] gần đây mở một cuộc điều tra, cũng thừa nhận như vậy. Gallup còn đưa ra nhận định đại đa số người được phỏng vấn cho là vừa lòng với cuộc sống hiện tại và với chế độ, đạt tỷ lệ cao nhất trong số 44 nước đang phát triển họ vừa mới thăm dò.

- Đấy chỉ là mặt phải của tấm huân chương thôi, anh Lễ ạ. Còn mặt trái của tấm huân chương là những hiện tượng bất mãn, phản kháng cũng gia tăng mạnh mẽ. Đã đến mức Hà Nội phải bắt một vài nhà văn rồi lại phải thả, lúng ta lúng túng, bắt đi bắt lại nhóm nhân sĩ trí thức chống đối mà không dám đưa ra công khai. Gần đây Hà Nội án xử án rất nặng một vài người để trấn áp, nhưng tôi chắc ít hiệu quả. Thế mà các thư từ, các bài viết phê phán chế độ vẫn ngày càng nhiều, các thư góp ý, nhiều thư gửi thẳng cho lãnh đạo, có vô khối thư ngỏ. Các vụ phản kháng, kiện cáo của nông dân xảy ra liên tục, vang dội nhất có lẽ là vụ nổi dậy của nông dân Thái Bình mà báo chí Hà Nội cũng phải nói đến, lãnh đạo Hà Nội phải về tận nơi giải quyết... Tôi có thể kể cho anh nghe nhiều thứ lắm. Tóm lại là phong trào bây giờ có hai vùng đất mới vô biên, tha hồ khai thác, tha hồ khoét sâu. Một là những bất cập trước các đòi hỏi của sự phát triển. Hai là phẩm chất đội ngũ cán bộ chế độ Hà Nội sa sút. Không thể nói là phong trào bí được.

- Phong trào của ông Lý quyết tâm đến cùng theo đuổi mục tiêu lật đổ chế độ Hà Nội?

- Nếu anh tin như thế, thì việc phong trào mời anh ra làm thống soái là hoàn toàn xác đáng. Tôi muốn phong trào của tôi rồi đây trước hết sẽ thống soái được cộng đồng người Việt ở nước ngoài, trước khi đạt được mục tiêu cuối cùng của mình. Hiện nay ảnh hưởng của phong trào đối với cộng đồng người Việt còn quá bé nhỏ so với yêu cầu.

- Ông Lý bi quan về cộng đồng người Việt ở nước ngoài đến thế cơ à?

- Rất tiếc là phong trào chưa đảo ngược được xu thế thờ ơ với chính trị ngày càng tăng trong cộng đồng người Việt ở Mỹ, đã thế lại còn chia năm xẻ bảy. Tại các nước khác tình hình còn tệ hơn. Chúng tôi sẽ tăng cường những hành động anh hùng kiểu Lý Tống, Nguyễn Vĩnh Tân...(*) [(*) Lý Tống cướp máy bay ở Thái Lan rồi đột nhập vào Việt Nam thả truyền đơn, bị bắt ở Thái Lan. Nguyễn Vĩnh Tân, bị cảnh sát Philippines bắt về tội âm mưu đánh bom Đại sứ quán Việt Nam tại Manila.], sẽ đẩy mạnh hơn nữa việc đưa FUNRO(**) [(**) Một tổ chức phản động bao gồm một số người Thượng ở Tây Nguyên, có trụ sở chính hiện nay ở Mỹ.] về Tây Nguyên... Miễn sao gây được nhiều tiếng vang để thức tỉnh ý thức chính trị của cộng đồng người Việt ở nước ngoài, gây được rối loạn trong nước càng nhiều càng hay, làm xấu bộ mặt Hà Nội trên trường quốc tế.

- Phong trào của ông Lý còn ít lực lượng trong cộng đồng người Việt như vậy, sao hy vọng giành thắng lợi?

- Nhưng phong trào của tôi có nhiều đồng minh. Có hai đồng minh chiến lược sẽ đi với chúng tôi đến cùng và giành thắng lợi.

- Là ai vậy?

- Tôi đã kể anh nghe rồi còn gì nữa: sự bất cập của hệ thống chính trị Hà Nội và sự tha hoá trong hàng ngũ Việt cộng. Nói theo cách nghĩ của Tôn Tử, không đánh mà tan mới là đánh. Đấy cũng là bài học rút ra từ chính trường Nga Xô và cộng sản Đông Âu vừa qua. Chỉ cần vào lúc ấy chúng tôi phải giành được thời cơ, phải có ngọn cờ. Vì thế chúng tôi quan tâm xây dựng ngọn cờ, ngay từ bây giờ.

- Có phải đấy là chiến lược diễn biến hoà bình không? Tôi được biết là báo chí Hà Nội phê phán rất mạnh, gọi đấy là âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch chống Việt Nam...

- Anh hỏi câu này thì tôi thừa nhận là anh ít quan tâm đến thời cuộc. Nó là một thứ vũ khí chúng tôi đi mượn, là một quan điểm để vận dụng. Nhưng nó không phải và không thể là vũ khí chiến lược của chúng tôi.

- Thật vậy sao?

- Diễn biến hoà bình giỏi lắm thì cũng chỉ có thể tạo ra sản phẩm phụ cho chúng tôi thôi, nghĩa là phần của chúng tôi tác động vào trong đó rất nhỏ. Vì tự chúng tôi không thể tạo ra được sự diễn biến đáng mong muốn này, dù ở quy mô nhỏ như sự kiện Thái Bình chẳng hạn. Diễn biến như thế trước hết chỉ có thể là sự diễn biến tự thân của hệ thống chính trị trong nước thôi. Đó là sản phẩm đích thực của bất cập và tha hoá. Nói thế này để anh dễ hiểu: Diễn biến hoà bình thật sự chỉ có thể là một kiệt tác của chính bản thân hệ thống chính trị hiện nay ở Việt Nam mà thôi. Nói cho thật công bằng, trong việc tạo ra kiệt tác này chúng tôi chỉ làm được cái việc cổ vũ nó, làm chất xúc tác... Nghĩa là chúng tôi chọc ngoáy, làm cho câu chuyện có thêm kịch tính, thêm rôm rả… Thế là ăn tiền rồi, không hơn không kém. Nói đến mức ấy anh hiểu chưa?

- Hiểu.

- Thế nhưng chuyện làm đổ cả một toà lâu đài thì không thể là chuyện của chọc ngoáy được anh Lễ ạ. Đó phải là chuyện của bom đạn, của động đất, thiên tai... Mà nếu không phải là của các thứ đó thì phải là chuyện của sụp đổ cấu trúc hệ thống bên trong, bắt đầu từ tha hoá và bất cập. Anh không thấy hai yếu tố diễn biến tự thân như vậy trong lòng chế độ Hà Nội là hai đồng minh chiến lược lợi hại của phong trào ta hay sao?

- Vậy hả?

- Cốt lõi vấn đề là ở chỗ này. Cho đến khi thời cơ rơi vào tay chúng tôi...

- Ông Lý nói gì mà khó hiểu quá.

- Đơn giản là khi thời cơ đã rơi vào tay chúng tôi thì chúng tôi độc chiếm luôn, không cần đồng minh nào nữa.

- Nói gọn lại, nhiệm vụ của tất cả các loại đồng minh chỉ là tạo ra thời cơ để cho phong trào của ông Lý chộp lấy? Tôi hiểu thế có đúng không ông Lý?
Lý Lam cười một cách khoái trá:

- Trí tuệ của anh quả thực là mẫn tiệp. Anh kết luận ngắn gọn mà sắc bén vô cùng. Ngày đêm tôi sống với chiến lược của mình mà cũng không thể diễn đạt đanh thép được như anh. Tình hình đang thích thú lắm, anh Lễ ạ.

- Thích thú như thế nào?

- Chế độ Hà Nội đang tiến thoái lưỡng nan. Không tiếp tục đẩy mạnh đổi mới và cải cách chính trị thì rơi vào ách tắc và khủng hoảng, đẩy mạnh mà bất cập thì cũng đi tới đổ vỡ! Ngọn cờ dân chủ, ngọn cờ nhân quyền lúc này hay lắm! Cánh ta phải giành lấy!

- Ông Lý cao thủ quá! – Lễ thừa nhận.

- Nó đổ thêm dầu vào lửa. Những thứ này một mặt là những đòi hỏi bức xúc của cuộc sống, của dân chúng, nhưng mặt khác nó giúp chúng tôi làm cho mọi thứ rối tung rối mù lên… Tuyệt lắm!.. Mà đục nước béo cò, thật giả lẫn lộn, giậu đổ bìm leo... Đấy là những hiện tượng phái sinh tất yếu ở bất kỳ quốc gia nào trong tình huống như vậy, lý thú tuyệt vời anh Lễ ạ!

- Thế mà ông Lý vẫn chưa thuyết phục được tôi... – Lễ cố ý tỏ vẻ tỉnh bơ.

Lý Lam đã cầm ly rượu lên rồi, định làm một tợp, nhưng lại đặt xuống, nhìn Lễ chằm chằm:

- Chỉ vì ông không quan tâm đến thế sự và thiếu thông tin một cách thảm hại! – Lý Lam bắt đầu hết kiên nhẫn.

- Tôi mở mắt mà cũng như mù chăng?

- Tôi nói “ừ!” thì lỗ mãng quá, nhưng anh thật quả gần như vậy. Phong trào đã phân tích rất kỹ với nhau những chuyện xảy ra ở Thái Bình. Rõ ràng là đã xuất hiện những nét phôi thai dẫn đến sụp đổ của Nga Xô trước đây. Vừa rồi Hà Nội lại có thêm mấy cái án tù cho người chống đối, trong đó có người đã gọi chế độ Hà Nội là “triều đại phong kiến cuối cùng...”. Phong trào theo dõi từng ly từng tý những gì xảy ra trong nước, chứ không bàng quan như anh.

Lễ loay hoay trong đầu, cân nhắc nên tiếp tục đối đáp như thế nào, vì những điều Lý Lam nêu lên không phải là lấy ra từ không khí. Lễ cố nhớ lại những buổi nói chuyện với chú mình và Tôn Thất Loan để tìm cách ứng xử thích hợp.

- Xin được nghe cao kiến của anh. Những nhận định của tôi anh có thấy chỗ nào phi lý không? – Lý Lam trở giọng, quay sang giục giã.

- Ông Lý... Anh đủ can đảm nghe tôi nói thẳng không?

- Xin mời.

- Anh biết rồi đấy, cả gia đình bố mẹ tôi, hầu hết những người trong họ hàng tôi đã hy sinh chiến đấu cho chế độ cộng sản. Tôi trân trọng điều này. Vì tôi không chấp nhận được chế độ cộng sản, nên mới đành bỏ đất nước sang đây. Tôi cũng trân trọng những người đang sống ở đây có chí hướng chân thành đối với đất nước theo cách nghĩ riêng của mình, dù là có quan điểm chính trị chống lại Hà Nội đi nữa... Ai cũng có quyền yêu nước mình, theo cách của mình, ông Lý ạ. Nhưng tôi không thể chấp nhận con đường ông Lý đang theo đuổi! Ông Lý còn muốn dân tộc mình xâu xé nhau đến bao giờ nữa?

Cốc rượu trong tay Lý Lam sóng sánh:

- Anh nói gì thế anh Lễ? Tôi không hiểu!

- Anh hiểu rồi đấy. Anh chỉ trốn câu hỏi của tôi thôi.

- Tôi thừa nhận. Nhưng anh vừa mơ hồ, vừa mâu thuẫn với chính mình!

- Vậy hả? Để xem ai mơ hồ. Ông Lý còn nhớ nghề cũ của tôi không nhỉ?

- Anh ở Bộ Tổng tham mưu thì ai không biết. Nhưng anh nói chuyện cổ tích để làm gì?

- Anh phải nói thêm là tôi làm planton ở Bộ Tổng tham mưu thì mới đúng là nghề cũ của tôi chứ.

- Được. Cứ cho là như thế đi.

- Nhờ cái nghề này tôi đã biết được bao nhiêu kế hoạch, bao nhiêu chiến lược, mà lý lẽ chiến lược nào nghe cũng chắc nịch như cua gạch. Theo những chiến lược này, lô gích mà nói, thì chúng ta giải phóng Hà Nội từ lâu rồi, chứ không phải Hà Nội giải phóng Sài Gòn. Có phải thế không, ông Lý?
- Lý luận của anh hay đấy. Rồi sao nữa? – Lý Lam cười nhạt.

- Sao ông Lý lại cười?

- Anh Lễ thông minh nhưng không thức thời. Xin nói tiếp đi. Rồi sao nữa?

- Rồi sao nữa à? Rồi là bây giờ chúng ta đang ngồi ở đây, không bàn chuyện giải phóng nữa. Lần này chúng ta bàn chiến lược lật đổ Hà Nội.

- Giải phóng thì không được. Nhưng lật đổ thì có thể. Xưa và nay khác nhau ở chỗ này.

Lễ rót thêm rượu cho Lý Lam, đồng thời cũng muốn có thêm thời giờ, vì biết là câu chuyện đã đi tới mức gay cấn.

- Loại hard salami(*) [(*) Một loại xúc-xích nổi tiếng của Hungari.] này được đấy chứ? Ông Lý? Nhập từ Hung-ga-ri đấy, hơn hẳn các loại sausages của Mỹ.

- Anh còn yêu thứ này với wishky có nghĩa anh còn yêu đời. Đừng nói đến những ngày tàn lụi. Lại càng không nên huỷ hoại trí tuệ của mình.

- Ông Lý vẫn tiếp tục ép tôi, có phải thế không? - Lễ làm một tợp rượu, rồi mới nói tiếp - Ếch ngồi đáy giếng hàng chục năm nay mất rồi, bây giờ tiếp chuyện ông Lý khó quá. Trước hết phải thừa nhận ông Lý dũng cảm, dám tìm ra đồng minh chiến lược ngay trong kẻ thù của mình. Về điểm này ông Lý hoàn toàn không nhầm.

- Anh thực tin như vậy?

- Tin. Không đánh mà tan, mới là đánh! Tôi không thể ngờ một ông Lý ngày xưa vốn chỉ nổi tiếng là kỵ sỹ chinh phục corsets(*) [(*) Nịt vú của phụ nữ.], ngày nay trở thành triết gia chính trị! Ông Lý không phải là kẻ mê tín Tôn Tử, mà thực sự có đầu óc tính toán. …Quả thực bất cập và tha hoá hoàn toàn có thể đánh đổ bất kỳ chủ nhân nào của nó. Ông Lý dẫn chứng ra sự sụp đổ - của lâu đài Nga Xô xây trên một phần sáu quả địa cầu!Thật chí lý…

- Cảm ơn anh, như thế là anh nhận lời với phong trào rồi đấy nhé.

- Xin cho tôi nói hết đã. Tôi chỉ xin lưu ý là hai đồng minh chiến lược của ông Lý chỉ thành công có điều kiện, chứ không phải là vô điều kiện.

- Sao anh lại tự mâu thuẫn ngay tức khắc với chính lời anh vừa nói ra thế, anh Lễ?

- Không mâu thuẫn. Hai đồng minh chiến lược của ông Lý muốn thành công thì phải có điều kiện. Đó là Hà Nội phải tự trói tay mình. Ông Lý có chờ đợi kẻ thù tự trói tay mình nộp mạng không?

- Cứ cho là không bao giờ có điều kiện này đi, nhưng bất cập thì sao? Có ai muốn tự trói tay mình bao giờ đâu? Nhưng đã bất cập thì vô phương, bất cập có nghĩa là di căn đã tới mức cấp tính rồi! – Lý Lam sôi nổi, tin là mình đang thắng thế.

- Ông Lý đi nhanh quá. Có tự trói thì mới đi tới bất cập và tha hoá. Thời kỳ 1986 – 1989 đã chứng minh trong hoàn cảnh trứng để đầu đẳng của mình, Hà Nội đã không tự trói.

- Nhưng từ 1995 thì Hà Nội bắt đầu quá trình tự trói, đấy là nói theo cách suy nghĩ của anh, còn tôi thì lại gọi đó là tình trạng bất cập, là tha hoá. Đơn giản là hệ thống quản lý nhà nước không theo kịp đòi hỏi phát triển và ngày càng phát sinh nhiều vấn đề nan giải. Chưa bao giờ nạn nhũng nhiễu của tham quan và sự phản đối, khiếu kiện của dân chúng nhiều như bây giờ – Lý Lam cướp lời.

- Ông Lý sôi nổi quá. Có chỗ nào Tôn Vũ nói say sưa và mù quáng chỉ là một bệnh giống nhau không?

- Anh vào loại ngoan cố. Phong trào không say sưa, mà tính toán trên cơ sở các sự việc đã xảy ra. Anh xem, ròng rã bao nhiêu năm chiến tranh quân Mỹ và quân Cộng hòa có vào nổi U Minh Thượng và U Minh Hạ đâu, nhưng lửa của dốt nát, của hệ thống hành chính quan liêu yếu kém thì vào được và đã đốt trụi các vùng này rồi! Anh xem, hiện thân của trạng thái bất cập đấy!

- Cứ cho là như thế đi, rồi sao nữa?

- Bây giờ lại chính người cầm quyền ở đấy ra tay phá nhiều thứ khác! Rõ ràng bộ máy quản lý nhà nước của chế độ Hà Nội quá tồi. Rừng cháy đến một tuần mà chính quyền tỉnh vẫn án binh bất động. Bộ máy quản lý của chế độ Hà Nội hiển nhiên không có khả năng xử lý những sự cố lớn. Thế không là bất cập thì là cái gì? Anh quên mất bài học lịch sử.

- Bài học nào?

- Việt Cộng đánh xong Ban Mê Thuột và Đắc Lắc, chúng ta tỉnh ra thì muộn rồi. Vừa qua dân Tây Nguyên ở Đắc Lắc nổi loạn to, kéo nhau về tận trụ sở tỉnh rồi chính quyền tỉnh mới biết, người của chúng tôi đã nằm ở đó cả năm nay. Nghĩa là bây giờ đến lượt chúng ta!.. Chúng tôi đang tiếp tục vận động người Tây Nguyên một mặt thì nổi lên chống đối, một mặt thì kéo nhau bỏ trốn ra nước ngoài. Nước Nga bây giờ có Tréc-ni-a, chúng tôi sẽ làm cho Hà Nôi bận bịu với chuyện thành lập nước Deghar(*) [(*) Một âm mưu của các thế lực phản động đang muốn dựa vào các vấn đề lịch sử để dựng lên một nước Tây Nguyên riêng rẽ nhằm chống phá và chia cắt nước ta.]. Sự kiện Thái Bình là điển hình của mọi sự kiện. Phân tích cho anh nghe từng khía cạnh như thế là tôi say sưa và mù quáng?

...Trời ơi tâm địa tên khách lai này! Đấy là lý tưởng của phong trào!..

Lễ thốt lên trong lòng như vậy. Nhưng Lễ thực sự lúng túng, vì mới gần đây có lúc chính ông, Tôn Thất Loan và ông Học cũng cảm nhận được có nhiều chuyện nghiêm trọng đang xảy ra trong nước. Ông ôn lại tình hình kinh tế, xã hội Việt Nam những năm vừa qua do các báo chí nước ngoài mô tả, những chuyện nhiễu nhương cản trở công việc làm ăn mà Năm Thịnh đang kêu ca... Đã thế thỉnh thoảng về nước, Tín còn mang ra một số sách báo chính thống trong nước đăng tải những nghị quyết quan trọng của Đảng Cộng Sản Việt Nam, các bài viết về tình hình đất nước. Lễ thực sự băn khoăn về những nhận định chính thống của những người lãnh đạo và nêu trong các văn bản nghị quyết Đại hội Đảng, Hội nghị Ban chấp hành Trung ương: ...Nạn tham nhũng kéo dài trong bộ máy của hệ thống chính trị và trong nhiều tổ chức kinh tế là một nguy cơ lớn đe doạ sự sống còn của chế độ cách mạng... những bài phát biểu của những người lãnh đạo phê phán gay gắt ...tình trạng năng lực phẩm chất của đội ngũ cán bộ và bộ máy quản lý chưa tương xứng với yêu cầu của nhiệm vụ; không ít cán bộ đảng viên tha hoá về phẩm chất, đạo đức; sức chiến đấu của một bộ phận tổ chức cơ sở Đảng suy yếu... Thực chất đấy là gì nếu không phải là bất cập, là tha hoá? Do chính những người có chức có quyền trong nước nói ra!.. Trong thâm tâm Lễ thấy nhận xét của Lý Lam không phải không có cơ sở.

- Chịu rồi chứ anh Lễ? Sao ngồi im mãi thế?

- Tôi thừa nhận tình trạng bất cập và tha hoá trong hệ thống chính trị hiện nay là một vấn đề hết sức nan giải của Hà Nội như ông Lý nhận xét. Nhưng xin hỏi có quốc gia nào trên thế giới mà không có tình trạng này! Những tin tức tôi đọc được thì có lẽ tình hình Trung Quốc còn phức tạp hơn nhiều. Ông Lý sẽ có lý nếu Hà Nội chịu bó tay trước những yếu kém trong chế độ của mình. Điều này đồng nghĩa với cam chịu sụp đổ.

- Rõ ràng là anh Lễ có muốn bênh vực Hà Nội đến đâu chăng nữa vẫn phải thừa nhận Hà Nội đang đi tới gần sụp đổ, có phải không?

- Tôi vẫn nghĩ khác ông Lý. Điều ông Lý vừa nói là một nguy cơ thật sự của Hà Nội. Báo chí chính thống và nhiều người lãnh đạo của Hà Nội cũng tự mình nói hẳn ra như thế, chứ không phải là ý kiến riêng của tôi. Nghĩa là Hà Nội tự thấy được nguy cơ này. Chính vì vậy tôi tin là Hà Nội không bao giờ chịu tự trói tay mình đầu hàng.

- Đấy là anh tin. Có lẽ tại vì anh còn có nhiều họ hàng ruột thịt làm việc cho chế độ Hà Nội. Còn sự thật hiển nhiên vẫn là bất cập và tha hoá trong nước đang ngày một trầm trọng.

- Chúng ta nói chuyện đến giờ mà vẫn không ai thuyết phục được ai. Ông Lý có thừa nhận như thế không?

- Tại vì anh ngoan cố và bênh Hà Nội. – Lý Lam tự rót rượu cho mình, nói nhưng mắt chỉ nhìn vào ly rượu, giọng đượm vẻ bực bội, một mình uống từng ngụm lớn, không thèm nâng cốc mời chủ nhà.

- Không, tại vì tôi có những thước đo khác.

- Còn những thước đo nào nữa?

- Ông Lý có kiên nhẫn nghe không?

- Tôi đi từ bờ biển bên kia sang bờ biển bên này của nước Mỹ chỉ cốt để nói chuyện với anh, như thế chưa đủ kiên nhẫn hay sao, anh Lễ?

- Thế thì xin ông Lý hãy nghe đây. Tại sao mỗi năm các nước phát triển vẫn tiếp tục cung cấp cho Hà Nội hàng tỷ đô-la ODA(*)?[(*) Viện trợ phát triể] Tại sao đầu tư trực tiếp của nước ngoài vẫn tiếp tục đổ vào Việt Nam. Tại sao trong tình hình Việt Nam hiện nay, Mỹ lại bỏ cấm vận, bình thường hoá quan hệ và đang đàm phán ký Hiệp định thương mại song phương với Việt Nam? Chẳng nhẽ Mỹ và các đồng minh của Mỹ muốn cứu chế độ Hà Nội khỏi sụp đổ à? Như thế nghe có lô-gích không ông Lý? Kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng đều đều, Hà Nội tự đánh giá khoảng 6 đến 7%/năm, còn nước ngoài đánh giá khoảng 5 đến 6%/năm...

- Càng tăng trưởng mà lộn xộn, không có chất lượng, hàng ế không cạnh tranh được, thì càng chóng chết! – Lý Lam cướp lời.

- Ông Lý cứ để tôi nói hết đã. Nếu so với các nước khác trong khu vực đấy là các con số rất oách, có phải vậy không ông Lý... Các con số này cho thấy Hà Nội rõ ràng không chịu tự trói mình để đi tới sụp đổ. Thời kỳ 1986 – 1989, Hà Nội đã không tự trói mình, thì bây giờ Hà Nội càng không có lý do gì để làm việc này. Ông Lý thử phản bác lại có được không, rồi chúng ta sẽ kết luận.

- Có lẽ vì anh Lễ nghĩ vậy, nên một mực thoái thác tham gia phong trào?

- Ông Lý đừng nóng nảy. Đó là hai việc khác nhau, ông Lý ạ.

- Nghĩa là công sức và chi phí cho chuyến đi này của tôi là công cốc? - Lý Lam có vẻ hơi sẵng.

Lễ dừng lại, rót rượu cho cả hai:

- Nếu được biết trước mục đích chuyến đi của ông Lý như vậy thì tôi đã khuyên can. Thảo gọi điện cho tôi chỉ nói là thấy tôi bịnh, ông Lý muốn đến thăm. Hơn nữa thỉnh thoảng tôi cũng muốn được tiếp chuyện bạn bè cũ. Phải thừa nhận là hôm nay ông Lý làm cho tôi hiểu thêm nhiều điều, tôi xin cảm ơn. Ông Lý không thể nói là công cốc được.

- Anh hiểu thêm được những gì?

- Nhiều lắm. Từ kỵ sĩ corsets đến triết gia chính trị, ông Lý chắc phải đi một đoạn đường dài lắm?

- Anh làm tôi luyến tiếc những năm tháng phiêu lưu phỉ chí tang bồng trong thế giới đàn bà. Đàn bà thật tuyệt!

Lý Lam tự rót cho mình một cốc rượu đầy, làm một tợp cạn luôn, rồi duỗi thẳng chân, ngả dài lưng trên ghế, gần như tự nói cho mình nghe...

- ... Có lẽ đến chết tôi cũng không bao giờ quên được một kỷ niệm ở Chơn Thành anh Lễ à. Hôm ấy tôi được chiến hữu cho biết mời được một hoa khôi ở Tây Nguyên về... Tôi chọn con ngựa đẹp nhất của bác Lý tôi, từ Sài Gòn phi lên thăm, không thèm dùng xe hơi. Tôi băng băng trên đường mấy ngày để sống với nàng trọn vẹn một đêm. Con gái Tây Nguyên mê hồn lắm, anh Lễ à. Sáng hôm sau ra về, tôi không có ngựa. Thì ra lính của tôi nhốt nó bên cạnh một con ngựa cái. Ra xem thì thấy con ngựa của tôi nằm chết lơ lửng trên hàng rào, ba bốn ngọn nứa xuyên thủng cổ thủng bụng nó… Một cái chết tuyệt đẹp, hoàn toàn vì tình! Tôi có lý do ở lại với nàng thêm một ngày nữa...

- Cho nên tôi càng hiểu sự hy sinh của ông Lý cho phong trào. Nghĩa là ông Lý phải nhìn thấy ở phong trào một cái gì đó kỳ vĩ lắm, đáng hy sinh lắm! Tôi bộc bạch ra như thế để ông Lý thấy tôi hiểu câu chuyện ông Lý nói, chứ không không đến nỗi đàn gảy tai trâu.

- Anh Lễ, điểm này tôi thừa nhận anh nói thật. – Lý Lam giọng lạnh lùng.

Lễ biết, nhưng vẫn thủng thỉnh:

- Không những thế, tôi phải thừa nhận ông Lý đúng ở một điểm rất quan trọng, đó là chọn đồng minh chiến lược ngay bên trong kẻ thù của mình. Táo tợn và mưu lược lắm mới dám như thế. Nhưng ông Lý chắc cũng phải chấp nhận ý kiến bổ khuyết của tôi chứ? Đồng minh chiến lược của ông Lý chỉ thành công có điều kiện! Nghĩa là ông Lý không lỗ vốn trong chuyến đi thăm tôi, thậm chí có thể nói là lãi to đấy, nếu ông Lý hiểu đúng điều tôi bổ khuyết này. Nó giá trị lắm đấy.

- Tôi thừa nhận điều bổ khuyết của anh quan trọng thật. Nhưng còn tôi lỗ hay lãi thì phải để xem đã. Anh hiểu việc tôi làm, nhưng tôi lại không thuyết phục được anh, tôi bất lực trước sự tàn lụi trong anh!

Ngay sau khi Lý Lam ra về, Lễ vào lục chồng báo tiếng Việt mới nhất do Tín mang từ trong nước ra, lật nhanh lại những bài vừa mới đọc, so sánh với những nhận xét của Lý Lam. Vừa lật lật các bài báo, Lễ vừa kêu lên:

- ...Không! Không! Không thể như thế này được!

Lễ lướt nhanh các bài báo về nạn “cơm tù”, về cháy rừng U Minh, về các vụ ngân hàng đổ bể, các vụ chạy án, các vụ hải quan thông đồng với buôn lậu ở Hang Dơi, Mộc Hoá, Cầu Treo, vụ nông dân Hà Tây, bài báo “Tại tỉnh N. kiểm tra đâu phát hiện ra sai đấy!’, bài báo “Quốc nạn tham nhũng và dịch bệnh HIV/AIDS”... Càng đọc, Lễ càng cảm thấy mình như nghẹt thở, chạy đi mở các cửa sổ, gió bên ngoài ập vào làm cho đống báo bay tứ tung khắp nhà.

...Rõ ràng trong nước ngày càng xảy ra nhiều sự việc bê bối nghiêm trọng... Trời đất ơi, những tính toán của Lý Lam không phải là tưởng tượng ra từ không khí!..

Lễ ném nắm báo trong tay xuống, chân chạy lạo xạo lên các trang báo nằm trên sàn nhà, suýt ngã mấy lần vì vội. Lễ vồ ngay lấy cái điện thoại, nói chuyện gần một giờ đồng hồ với ông Học về cuộc đối thoại giữa Lễ và Lý Lam...

- Chuyện về phong trào thì mặc xác Lý Lam, cháu không quan tâm. Hàng chục năm nay là như vậy rồi. Nhưng bây giờ cháu thực sự lo lắng nỗi lo của chú! Nếu để cho bất cập và tha hoá trở thành một xu thế phát triển của nước ta thì.! Điều này nguy hiểm quá chú ơi! Cháu phát điên lên mất! Cháu không thể nào chịu nổi ý nghĩ là đất nước ta sẽ lại quay trở về quá khứ, nghĩa là lại trở về điểm xuất phát! Lại bắn giết nhau, lại chia cắt, lại can thiệp của nước ngoài... Dân ta tổn thất và khốn khổ quá nhiều rồi! Gia đình họ Phạm chúng ta cũng mất mát quá nhiều rồi! Làm được gì ngăn chặn được những điều xấu nhất thì chú làm ngay đi! Chú làm ngay đi!..

Đấy là những câu nói cuối cùng trước khi Lễ cúp máy.

Lễ ra bàn thờ thắp một nén hương cho bố mẹ mình, các em mình các cháu và con mình, đứng lặng người một hồi lâu.

Sau đó Lễ đi lấy quyển album xem lại từng trang, từng trang các ảnh từ ngày bố mẹ Lễ mới cưới nhau cho đến bức ảnh cuối cùng là lễ truy điệu Nam ở Hà Nội... Còn một vài bức ảnh mới trong lần về nước vừa qua chưa kịp dán vào album Lễ cũng giở ra xem... Những người đã khuất trong ảnh như đang nói với Lễ bao nhiêu chuyện. Từ chú Phương, chú Tuấn, rồi Mạnh, rồi đến bố mẹ mình là ông bà Tuyên, thím Tuấn bức ảnh chung của vợ chồng và hai con của em Minh, rồi Huệ, rồi Nam... Người cười, người nói, người như đang khóc, người như đang nhìn, đang trò chuyện cùng với Lễ.

Mười hai ngày sau ông Học gửi qua FEDEXE(*) [(*) Tên một công ty dịch vụ quốc tế vận chuyển nhanh các bưu phẩm.] một thư dài 52 trang đánh máy cho những người lãnh đạo cao cấp nhất của nước ta. Nội dung nói lên các suy nghĩ và các kiến nghị của ông về tình hình và đường đi nước bước của đất nước trong tiến trình hội nhập vào cuộc đua tranh nghiệt ngã của quá trình toàn cầu hoá kinh tế thế giới ngày nay. Ông nêu lại hầu hết mọi suy nghĩ quan trọng, những điều lo lắng ông đã trao đổi với Nghĩa và Lễ, tường thuật khá tỉ mỉ những lực lượng chống đối trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài đang trông chờ vào “đồng minh chiến lược” của họ ở trong nước, những ý tưởng mà Lý Lam đã nói ra với Lễ. Cuối thư, ông Học nêu lên kinh nghiệm đau đớn hiện nay của cường quốc kinh tế Nhật Bản: Mất đứt cả thập kỷ 1990 mà không ra khỏi cuộc khủng hoảng suy thoái hiện nay, mọi sự bắt đầu từ chuyện muôn thuở: khủng hoảng địa ốc và nợ khó đòi... Đấy cũng là hai hiện tượng đang phổ biến trong nền kinh tế nước ta. Ông cũng nhắc lại những tàn phá đến bây giờ vẫn chưa lường hết được của cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ tháng 7-1997, bởi vì nó đánh dấu kinh tế thế giới đã đi vào một bước ngoặt khác khó lường...

Ông Học nhờ Nghĩa chuyển thư này đến tận tay người nhận, dặn kỹ: Thư bàn những việc đại sự quốc gia, chấp nhận hay phản bác những ý kiến nêu trong thư là quyền của những người lãnh đạo Việt Nam, Nghĩa nhất thiết không được phổ biến hay sử dụng công khai thư này. Ông mong muốn cháu mình hiểu những suy nghĩ tâm huyết của ông đối với đất nước...

...Khoảng gần hai tuần sau khi làm xong việc ông Học giao cho, Nghĩa được Văn phòng các đồng chí lãnh đạo mời lên, nhờ Nghĩa chuyển thư cảm ơn đến ông Học. Thư bày tỏ lòng trân trọng đối với tinh thần yêu nước của ông Học và sự kính trọng của ông dành cho Đảng Cộng Sản Việt Nam. Thư cảm ơn đánh giá cao những ý kiến đóng góp của ông Học. Các đồng chí lãnh đạo trân trọng mời ông Học về thăm đất nước vào bất kỳ lúc nào mà sức khoẻ và điều kiện thời gian của ông cho phép.

Bản thân Nghĩa cũng thấy xúc động vì hai lẽ: Nghĩa không ngờ chú mình đã trình bày rất thẳng thắn với Đảng hầu hết những suy nghĩ hai chú cháu đã bàn nát ra với nhau, bức thư lại được các đồng chí lãnh đạo tiếp nhận với thái độ chân thành và bày tỏ sự trân trọng đối với ông Học. Nhưng điều làm cho Nghĩa cảm phục chú mình nhất là trong thư ông không ngần ngại nói thẳng: chỉ vì thương dân tộc mình đã chịu đau khổ quá nhiều nên ông Học cố vượt qua chính mình, sẵn sàng thừa nhận vai trò của Đảng Cộng Sản Việt Nam nếu Đảng làm được nhiệm vụ của mình đối với đất nước. Ông Học đã mấy lần nói ý này với Nghĩa trong các buổi hai chú cháu đàm đạo với nhau, và đấy là điều vẫn làm cho Nghĩa suy nghĩ nhiều nhất. Ông Học khẩn khoản yêu cầu lãnh đạo nhất thiết không để cho tình trạng tiêu cực và tha hoá trong Đảng, trong bộ máy chính quyền và ngoài xã hội trở thành một xu thế không đảo ngược được...

Trong thư của ông Học có một đoạn được ông Nghĩa đọc đi đọc lại:

...Xin các nhà lãnh đạo hiểu cho, làm gì thì làm, trước sau con đường sống của Việt Nam là cần mở rộng không gian kinh tế của Việt Nam ra cả thế giới, nghĩa là phải sớm chiếm được thị phần ngày càng lớn trên thị trường thế giới. Song lực ta có hạn, để đạt mục tiêu sống còn này, không có cách nào khác phải mở rộng làm ăn với thế giới bên ngoài... Điều đơn giản ai cũng biết này rất khó thực hiện, bởi vì trong quan hệ kinh tế chỉ có hai chữ lợi ích. Bên ngoài hợp tác với ta mà chỉ tới được cái đích khai thác thị trường nội địa nước ta, thì sớm muộn cũng sẽ đi vào ngõ cụt, vì thị trường của một nước ngày càng nhỏ so với sức phát triển ngày nay của mỗi sản phẩm, đã thế nước ta lại còn rất nghèo. Lợi ích của sự hợp tác này ăn chia thế nào để cuối cùng ta mang hết được nội lực của mình và họ chịu cùng hiệp lực với mình đi khai thác thị trường thế giới, đấy mới là kế lâu dài. Giữ trời yên bể lặng cho mình vì kế lâu dài này, khó vô cùng, và cần bắt đầu từ một chiến lược phát triển làm cho nền kinh tế nước ta trở thành một mắt xích hay một khâu ngày càng có ý nghĩa trong guồng máy vận hành của kinh tế thế giới. Điều này chính các vị đã nêu ra rất đúng trong Nghị quyết của mình: Lựa chọn phân công lao động quốc tế tối ưu! Tôi thấy điều này hay quá! Vậy Việt Nam ta làm gì để cuối cùng thực hiện được kế lâu dài này, đấy chính là câu hỏi mà nước Việt Nam công nghiệp hoá, hiện đại hoá phải tìm ra câu trả lời... Tôi cũng thừa nhận nói thì dễ, nhưng làm thì khó lắm. Vì thế tôi xin lưu ý các quý vị: Làm ăn với nước ngoài mà nội bộ ta không vững vàng, hoặc lại không công khai minh bạch, không ngăn chặn được tham nhũng nữa, thì kéo thiên hạ vào làm ăn với ta khó lắm! Hoặc giả nếu kéo được họ vào thì rất dễ xảy ra trường hợp phía ta mất cả chì lẫn chài, phía nước ngoài hớt hết váng béo rồi bỏ đi!.. Xin các quý vị đừng cho tôi như thế là ăn nói nước đôi. ...Trong lúc tôi viết những dòng này trình lên quý vị, dư luận Mỹ đang xôn xao về việc có 26/27 nhà máy điện ở Indonesia – được ký kết và xây dựng dưới thời ông Soeharto - giá điện trung bình của những công trình này đắt hơn giá thị trường khoảng 30%. Ký kết những công trình này phía nước ngoài là các công ty Mỹ, phía Indonesia là con cháu họ hàng ông Soeharto! Indonesia còn nhiều công trình kinh tế khác liên doanh với nhiều nước ngoài khác nhau theo kiểu họ hàng thân quen như vậy. Hậu quả bao trùm của cách điều hành đất nước theo quan hệ thân quen như thế là khi xảy ra tia chớp tiền tệ, lâu đài kinh tế Indonesia sụp đổ, ông Soeharto phải ra đi... Và bây giờ Indonesia cứ xuất khẩu được 3 USD thì phải dành ra 1 USD để trả nợ! Dư luận Mỹ đang chất vấn vai trò đại sứ quán Mỹ hồi đó trong những vụ bê bối này như thế nào?!.. Thưa các quý vị, không có cách gì thoát khỏi làm ăn với các tập đoàn xuyên quốc gia, nhưng để không bị họ làm thịt thật không dễ... Trước sau phải làm cho cả thế giới là không gian kinh tế và là đối tác của nước ta thì mới hy vọng có được một nước Việt Nam công nghiệp hoá, hiện đại hoá như các vị đã viết trong nhiều Nghị quyết của mình. Tôi cầu mong đấy là ý chí của cả dân tộc ta...

Điều mà ông Nghĩa cảm nhận được ngay là chú mình lo nghĩ nhiều cho đất nước, mong muốn đất nước mở mày mở mặt với thiên hạ thì mới kiến nghị như vậy. Thế nhưng so sánh lời khuyên này với những gì đang diễn ra trên đất nước ta, ông Nghĩa thực sự phân vân. Ông Học đúng đến mức độ nào? Có cách gì so sánh giữa kiến nghị của ông Học với thực tế phát triển của đất nước không? Ông Nghĩa ước ao tìm được ai đối thoại để cùng nhau mổ xẻ những ý kiến này của ông Học...

...Chú mình nói đến một nước Việt Nam công nghiệp hoá, hiện đại hoá mà chẳng thấy nói gì đến xi-măng, mía đường, bột giấy, than đá sắt thép hay một sản phẩm cụ thể gì cả!...

...Cái đích phải đạt tới đúng là phải sớm chiếm được thị phần ngày càng lớn trong thị trường thế giới, nhưng bằng cách nào? Bước đi?..

...Hy vọng như thế là trên hiểu được người dân yêu nước nghĩ gì, người đảng viên nghĩ gì. Không biết bức thư này có gợi ra được điều gì đối với các đồng chí trong tay đang nắm giữ vận mệnh đất nước hay không?..

Ông Nghĩa thiết tha xin được giữ một bản sao thư này cho riêng mình để suy nghĩ tiếp. Nguyện vọng của ông được đáp ứng.

Ngày đêm ông Nghĩa mừng mừng lo lo với biết bao nhiêu suy nghĩ, với biết bao nhiêu câu hỏi của sự mong đợi. Bà Nguyệt cũng được chồng cho đọc bản sao thư này. Nói cho đúng là cả hai vợ chồng đã đọc thư này không biết bao nhiêu lần, lúc trao đổi ý kiến với nhau đoạn này, lúc bình với nhau ý khác.
Một hôm bà Nguyệt kêu lên;

- Thì ra chú Học thực sự là người mong muốn hoà giải!

- Em nói gì mà lạ thế. Hoà giải hòa hợp là chủ trương của Đảng và nhà nước mình. Bên chiến thắng mới cần đưa ra ra hòa giải cho bên bị đánh bại. Còn đây là thư của một cá nhân, một Việt kiều yêu nước, của một thành viên trong cộng đồng dân tộc mình.

- Em cho là chú Học còn là con người của hoà giải. Anh đọc lại mà xem, trong thư không tìm được lấy một chữ nào trực tiếp phê phán điều này điều khác, lời lẽ thật mềm mỏng. Chú Học nêu cao đúng mức những cái đã làm được, đồng thời đề đạt rất thuyết phục là còn có thể làm tốt hơn những việc đã làm tốt. Ngay cả đối với những yếu kém tiêu cực, chú Học cũng xem xét với quan điểm không có con đường lát toàn bằng vàng, miễn sao luôn luôn giữ cho cái phát triển thắng thế.

- Có lẽ nhờ vậy chú giữ được lòng tin của Lễ phải không em?

- Là người chuyên làm nghề chấm văn, em thừa nhận người đọc có thể hiểu sâu sắc những cái thiếu sót, những cái chưa làm được. Một phong cách phê bình thực sự xây dựng, khiêm tốn, xuất phát từ tinh thần hoà giải!

- Sâu sắc quá! Cho đến nay anh mới chỉ nghĩ là chú Học cố vượt qua mình, chấp nhận vai trò của Đảng chỉ vì mong dân bớt khổ nếu Đảng làm được những điều nhân dân mong muốn. Em phát hiện ra một khía cạnh mới. Hiểu như em nói, thì đúng là chú Học có tinh thần hoà giải thật.

- Dù thế nào, hoà giải bao giờ cũng phải đến từ hai phía. Nếu không là khuất phục nhau, quá đi nữa là sự đầu hàng của bên này đối với bên kia, anh Nghĩa ạ! Lâu nay em chỉ mới hiểu chú Học là một con người từng trải. Nhưng bây giờ em ngày càng hiểu chú mình là một mảnh đời, một nhân cách trong cộng đồng dân tộc ta!

- Ôi Nguyệt! – Ông Nghĩa ôm chầm lấy vợ mình. - Xưa nay anh vẫn thán phục sự phê phán văn chương của em. Bây giờ anh thừa nhận em thực sự có bản lĩnh nhìn đời. Nhưng... - Ông Nghĩa như chợt chạm phải điều gì rất hệ trọng. - Nói như em có nghĩa là còn một khía cạnh cực kỳ quan trọng của hai cuộc kháng chiến vừa qua chúng ta nhìn nhận chưa thật thấu đáo…

- Là những vấn đề gì thế anh?

- Đó là những vấn đề thuộc về nội bộ cộng đồng dân tộc nước ta em ạ!

Bà Nguyệt nắm lấy tay Nghĩa:

- Anh đã hiểu đúng ý em. Anh thử nhìn lại lịch sử đất nước mà xem, ít nhất là từ khi Trịnh Nguyễn phân tranh cho đến bây giờ, rồi tình hình đất nước bị chia cắt thời Pháp thuộc, bị chia cắt trong hai cuộc kháng chiến, những hệ quả, những tác động của các trào lưu...

- Anh hiểu. Truy tìm những dấu ấn của lịch sử anh càng hiểu thêm! Hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của đất nước ta ít nhiều cũng chịu tác động của những dấu ấn này...

- Anh Nghĩa ạ, nói cho công bằng và nghiêm khắc, sống ở trong nước, sống ở nước ngoài, mỗi người mỗi vẻ, những con người có nhân cách đứng bên này hay bên kia chiến tuyến của chúng ta trong hai cuộc kháng chiến vừa qua nhiều lắm anh ạ. Em tin như vậy.

- Em có lý, anh đã tiếp xúc một số người như thế…

- Chúng ta chưa nhìn hết những yếu tố tốt đẹp trong cộng đồng dân tộc ta đâu, cũng chưa thấy hết những điều dị biệt chính đáng, lại càng chưa có ý chí lớn từ đó vượt lên xây dựng sự đồng thuận dân tộc mà thời nay đất nước ta nhất thiết phải có anh ạ!

- Điều gì dẫn em tới cách suy nghĩ này? – Ông Nghĩa vừa kinh ngạc, vừa khâm phục vợ mình.

- Bài học lịch sử anh ạ… Méo mó bệnh nghề nghiệp của em mà anh!..

- Anh chịu em đấy. Anh ngày càng hiểu em say mê nghề cô giáo dạy văn của em.

- Văn là người mà anh. Em đọc chú Học và hiểu chú như thế… Nhưng có lẽ chú Học nói đúng…

- Chú đúng cái gì?

- Chú chê anh bôn-sê-vích quá! Mà có lẽ vì như thế…

- Trời ơi Nguyệt!

- Em cứ tự hỏi mình mãi vì sao chú Học cứ trơ như đá như đồng trước mọi biến cố trong đời, vẫn giữ cho mình cái gốc của tổ tiên! Bà Sáu Nhơn là một hình mẫu khác. Còn nhiều hình mẫu khác nữa. Hai Hân cũng là một hình mẫu... Em tin lịch sử sẽ dần dần trả lại họ hình ảnh thực của họ anh ạ. Những người như thế trong cộng đồng dân tộc ta nhiều lắm...

- Nói như thế thì anh chịu. Sẽ chẳng có gì thay đổi được lịch sử…

- Thừa nhận như thế, anh phải cố thấu hiểu hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của nước ta còn mang nặng dấu ấn một số vấn đề khác thuộc nội bộ cộng đồng dân tộc ta!

- Ôi nhà giáo ưu tú của anh! – Nghĩa ôm lấy vợ, cảm phục.

Bản sao bức thư của ông Học, Nghĩa tìm bìa plastic đóng lại thành một tập cẩn thận, trông rất đẹp,

- Đây là tài sản quý nhất của gia đình họ Phạm ta, Nguyệt ạ. – Nghĩa nói với vợ như vậy.

- Thế mà...

- Thế mà gì nữa hả em?

Bà Nguyệt đắn đo một lúc rồi mới nói với chồng:

- Anh ạ, chú mình thì vượt qua bản thân để chọn Đảng. Trong khi đó chi bộ em có hai đảng viên lão thành xin thôi sinh hoạt Đảng!

- Trời đất!... - Ông Nghĩa rơi vào tâm trạng mung lung.

 

Hết chương 21

 

Trở lại mục lục                                                                               Sang Chương 22