NGUYỄN TRUNG

 

DÒNG ĐỜI

 

Tiểu thuyết

 


 

16.

 

Tướng về hưu Lê Hải vừa mới đặt điện thoại xuống, đun vội ấm nước, đã nghe thấy tiếng ô-tô đỗ xịch ngoài cổng, rồi tiếng bấm chuông.

- Chào anh Thu! Tôi không ngờ anh đến nhanh như thế!

- Chào anh. Tôi sốt ruột quá, không thể chờ thêm được. Nếu không đi miền Trung, tôi đến thăm anh tuần trước rồi. – thiếu tướng Trần Thu bước vào, vừa chào vừa tự kéo ghế ngồi.

- Tôi cũng đang mong anh đến để hỏi xem giới tại chức như anh có biết gì thêm về tình hình Liên Xô không? Thế là mất Đảng rồi! Tuần trước nghe nói bên ấy vừa mới xảy ra binh biến để cứu Đảng, nhưng không thành, mấy tướng hay là nguyên soái tự sát!

- Có chuyện đó. Đảng bị giải tán và bị đưa ra Tòa án Hiến pháp. Nhưng tôi đến gấp gáp thế này là vì chuyện khác.

- Binh biến thất bại thì gay lắm rồi anh Thu ạ! Hết đường cứu chữa! Bức tường Berlin sụp đổ đã hơn một năm mà tôi vẫn ngỡ là chuyện mới xảy ra hôm qua. – trong đầu Lê Hải vẫn chưa ra khỏi Liên Xô.

- Vâng, còn hơn một cơn ác mộng!..

- Tôi nghe đồn cách đây khoảng một năm nhà sử học Trần Quốc đã xem tướng cho Gorbachov. Nói là ông ta tuổi Tân Mùi, lại có cái bớt đỏ trên đầu nữa, thế nào cũng mất chức! Có đúng thế không anh?

- Trên báo Pháp Luật tôi có đọc chuyện ông Quốc xem bói, anh Hải ạ. Trong bài báo này theo tôi chuyện bói toán không quan trọng, nhưng quan trọng thật sự là ông Quốc nhận xét một chế độ xây dựng trên sự giả dối thì trước sau cũng sụp đổ!

- Chuyện nội tình Liên Xô ta bàn sau, quả thực tôi chưa hết bàng hoàng, lúc nào cũng có cảm giác như đang ngồi trên lửa. Nhưng chúng ta làm gì được hả anh Thu?

- Bây giờ phải làm ngay mọi việc để nước ta không đổ theo!

- Liên Xô giúp cả thế giới. Nhưng cả thế giới không ai giúp được Liên Xô!.. - ông Lê Hải rên rỉ.

- Tôi lo cho nước mình quá. Có biết bao nhiêu chuyện lình xình bí bét cả mười năm nay rồi! Kho quỹ chỗ nào cũng gần như trống rỗng...

- Thế mới biết dân mình vừa kiên cường, nhẫn nại chịu đựng, vừa bao dung...

- Quả là thế. Nếu giống như ở Liên Xô - Đông Âu thì cũng đổ theo từ đời tám hoánh rồi anh Hải ạ.

- Vào giờ phút này tôi càng thấm thía nhận xét của anh!

- Phải tự cứu mình để tồn tại rồi mới có thể nghĩ đến những chuyện khác anh Hải ơi!

- Cứu K8 của anh?

- Đúng thế. Mỗi người phải làm ngay việc của mình! Không thể nói chung chung được!

Tướng Trần Thu vào đề luôn, không để cho chủ nhà hỏi han gì thêm. Trong khi ông nói, chủ nhà lật đật pha chè, bóc thuốc mời khách. Bà Hậu đi dạy học chưa về.

Tướng Trần Thu bộc bạch hết khó khăn của mình với bạn.

... Học xong về nước được gần một năm nay, nhưng Yến vẫn tìm cách trì hoãn nhận nhiệm vụ mới. Đơn vị cũng tốn khá nhiều tiền chi cho Yến đi khảo sát các xí nghiệp dược thuộc phạm vi dân sự, quân sự, trong quốc doanh, ngoài quốc doanh, trong Nam ngoài Bắc.

Các báo cáo hàng tháng đều đặn của Yến lên lãnh đạo K8 không quá một trang giấy, cộc lốc mấy dòng liệt kê công việc đã làm, lần nào cũng kết thúc bằng mấy chữ: Xin cho thêm thời gian... Họp chi bộ, khi được hỏi đến, Yến cũng rất ít lời về công việc của mình. Nhiều người trong K8 ghen ghét.

... Cô nương được chiều chuộng quá xá!

... Gái mất chồng, chạy lăng quăng!

... Vợ liệt sĩ thật, nhưng ưu ái gì cũng phải mức độ thôi chứ!..

... Ai ngờ đi học về chỉ hơn người ở nhà mỗi cái xe máy Pơ-giô!..

... Cưng của thủ trưởng đấy!..

...

Những lời xì xèo như thế rỉa rói tướng Trần Thu. Uy tín ông quá lớn nên không có đất cho những lời ác khẩu hơn nữa. Với chức thiếu tướng mới được đề bạt, trách nhiệm của ông mở ra toàn tuyến, công việc càng bận. Dư luận ghen tỵ với Yến một, ông sốt ruột mười. Các nước Đông Âu đã theo nhau đổ, Liên Xô tan rã và đang náo loạn. Từ hai năm nay chi viện của các nước bạn cho ta không còn một giọt. K8 của ông tuy ở xa những quốc gia này hàng nghìn, hàng nghìn cây số, nhưng ông lại cảm thấy như chính mình đang bốc cháy. Chiến tranh ở Campuchia đã kết thúc với quân đội ta mấy năm rồi, nhưng bây giờ mới là lúc hàn gắn vết thương đúng với nghĩa đen của từ này. Các trạm quân y và điều dưỡng quá tải. Các kho quân dược trống rỗng. Trong cơ chế giá thị trường, ngân sách phân bổ về bị lạm phát ngoạm hết phần này phần khác. K8 và những đơn vị mới trên tuyến ông phụ trách quanh năm vật lộn với thiếu thốn...

Trong khi đó cả nước tìm đường chuyển sang làm ăn theo cơ chế mới...

Quá nóng ruột, đã có lúc ông phải tự hỏi: ...Hay là Yến không đủ can đảm đứng mũi chịu sào? Hay là mình đã chọn nhầm người?!.. Nhưng thách thức không biết chờ đợi...

Cuối cùng, tướng Trần Thu nhận được một bản tường trình dày cộp của Yến. Lúc đầu ông hỉ hả lắm. Song đọc đi đọc lại nhiều lần, ông càng không tin vào những điều trong bản tường trình. Ông phân vân không biết nên gọi đấy bản khai tử, khai sinh, hay tái sinh K8... Điều chắc chắn là làm theo đề án nêu trong tường trình này, K8 không còn là K8 như nó đang tồn tại.

- Cháu có quá ngông cuồng không Yến ơi!?.. – ông Thu đã có lần kêu lên như vậy với Yến.

- Bác muốn cháu dồn mọi cố gắng nâng cao phân xưởng dược, chứ có giao cho cáu nhiệm vụ cải tạo hay xoá sổ K8 đâu? – thiếu tướng Trần Thu căn vặn Yến.

- Vâng, thưa bác cháu nhớ nhiệm vụ bác giao. Thời chiến, khi tình hình bắt buộc, có thể cần gì làm nấy, với bất kỳ giá nào, miễn là đạt mục đích. Thời bình không thể lấy đâu ra tiền của duy trì kiểu làm ăn như vậy được bác ạ.

- Chính vì thế bác mới cử cháu đi học.

- Thưa bác, phân xưởng dược đặt trong K8 là hoàn toàn không hợp lý trong thời bình. Bắt nó hoạt động như một đơn vị sản xuất trong khuôn khổ của K8 lại càng không thể được ạ. Cháu đi gần khắp nước Anh, nhưng không thấy một bệnh viện nào dám tự xây riêng cho mình một phân xưởng dược, dù là nhỏ nhất.

- Họ làm gì có hoàn cảnh chiến tranh như ta.

- Vâng cháu hiểu ạ. Bác thử tính xem, riêng thiết bị thí nghiệm hoá dược của phân xưởng cháu hiện nay đủ công suất phục vụ toàn bộ công việc thí nghiệm của xí nghiệp Dược phẩm I và xí nghiệp Dược phẩm II của cả miền Bắc, song lại rất lạc hậu về kỹ thuật. Đã thế phân xưởng của cháu bây giờ mỗi tháng chỉ có thuốc thử và mẫu thử cho vài ngày, có dược liệu để bào chế chỉ đủ khoảng hai ngày – toàn những loại thuốc quá thông thường. Riêng thuốc chữa bỏng tồn kho của phân xưởng cháu có thể đủ bán khắp cả nước trong một năm...

- Cháu đã tính toán kỹ chưa?

- Xin bác đọc phụ lục liệt kê các thiết bị, so sánh công suất thiết bị với công suất thực tế phân xưởng cháu đang sử dụng. Kho I của phân xưởng cháu để chứa sản phẩm bây giờ biến thành nhà mồ cho nhiều thiết bị không dùng đến nữa ạ. Nơi nào cũng lủng củng những thứ vô dụng nên chật cứng! Bệnh viện Hoàng Gia nổi tiếng rộng thênh thang nhất nước Anh, thế mà toàn bộ khuôn viên của nó nhỏ hơn khuôn viên của K8 nhiều.

- Được rồi, được rồi... Nếu cho phép cháu toàn quyền quyết định, cháu sẽ làm gì?

Yến không đắn đo:

- Phương án cháu mong muốn nhất là giải thể phân xưởng dược. Vì cắt bỏ hẳn đi như thế còn hơn là chắp vá. Nhưng cháu biết không thể đề nghị như thế được. Tính đi tính lại mãi cháu lựa chọn phương án thoả hiệp.

- Kiến nghị làm tan hoang K8 mà cháu còn gọi là thoả hiệp à?

- Lỗi tại chiến tranh và tại chúng ta chậm nhận ra lỗi này thôi bác ạ. Điều cháu thấm thía nhất trong chuyến du học này là nước ta nghèo nhưng lãng phí ghê quá.

- Nếu đề án bị bác?

- Thì cháu xin tuỳ bác phân công cho cháu công tác khác. Đừng để cho cháu làm gì về dược nữa!

- Cháu ra tối hậu thư cho bác?

- Dạ không ạ. Để nguyên hay bớt đi một người trong cái phân xưởng dược không còn hoạt động được nữa thì cũng thế thôi ạ. Còn cháu thì nóng lòng làm một việc gì đó để phục vụ, để khảo nghiệm hiểu biết của mình.

Thiếu tướng Trần Thu thừa nhận khó bác bỏ những lý lẽ Yến trình bày. Nhưng...

... “Đề án này tư sản hoá K8. Đây là đòn đánh vào quân đội ta từ bên trong...”. Bút phê của đại tá bí thư đảng uỷ Đỗ Chính.

Lời phê viết bằng bút bi đỏ, chữ to bằng quả mận, chiếm hết cả góc trái trang nhất bản tường trình. Đỗ Chính vốn nổi tiếng chữ xấu, nhưng các nét chữ của bút phê lại ngay ngắn, nắn nót khác thường. Ai cũng hiểu dụng ý của đại tá: Dòng chữ bút phê này phải in vào mắt mọi người! Những chữ viết đè lên các dòng chữ của bản tường trình được Đỗ Chính tô đi tô lại, hằn lên mấy trang sau, thủng cả giấy...

- Mầm mống trào lưu đi theo vết xe đổ của Ba Lan, Ru, Đức... đang lan đến K8! – Phát biểu của đại tá phó giám đốc thứ nhất Nguyễn Đình Cận trong cuộc họp thẩm định của lãnh đạo K8.

- Nhiệm vụ của cô Yến chỉ là lo cho phân xưởng dược, đề án này phải chăng có ý đồ leo lên cao để lũng đoạn K8? - nhận xét của đại tá phó giám đốc thứ hai Vũ Miêu.

- Xưa nay tôi chỉ biết quân đội là quân đội, chứ không phải là xí nghiệp! Tôi thực tình không hiểu... – Phát biểu của trung tá Nguyễn Bân, đại diện cho lớp sĩ quan trẻ, làm công tác nghiên cứu khoa học trong đơn vị.

Nguyễn Bân vốn là phó của Nam trong những ngày trên chiến trường Campuchia. Năm 1989 trạm quân y của Bân là đơn vị cuối cùng rút về nước. Bân được giao tạm thời phụ trách phân xưởng dược trong khi Yến đi học. Việc sắp xếp này là dụng ý có thiện chí của tướng Trần Thu.

... Vốn trong lòng chết đứng chết ngồi về Yến, Bân rất nhạy cảm để hiểu tất cả. Nhưng cũng không thể vì thế mà nói liều về đề án. Mà nói thế này không biết Yến sẽ nghĩ gì về mình đây!..

... Rõ ràng từ khi về nước Yến vẫn cố giữ một khoảng cách nào đó, mặc dù cún Nam rất thích chơi với Bân. Nhiều lần Yến đồng ý để chú Bân dẫn cún Nam đi học bơi hay đi chơi suốt buổi chiều. Đôi ba lần Yến chủ động mời Bân cùng với mình đưa cún Nam và bé Dũng – con của Loan - đi chơi xa. Nhưng chưa một lần nào Yến để cho Bân đi xa hơn nữa về chuyện giữa hai người... Hoàn cảnh này càng làm cho Bân khó xử khi được yêu cầu thay mặt cho cánh sĩ quan trẻ phát biểu về đề án của Yến. Bân thừa nhận ngoài chuyên môn và ý chí phấn đấu làm người sĩ quan có phẩm chất, Bân chưa bao giờ nghĩ đến chuyện phải có những hiểu biết cần thiết khác để đánh giá đề án. Yến nói quá nhiều về cân bằng đầu vào đầu ra, cân đối vật tư, hạch toán thu chi, phương pháp quản lý mới, hợp tác với các doanh nghiệp dân sự, xúc tiến nghiên cứu triển khai, những đòi hỏi mới của khoa học và công nghệ, thành lập đơn vị kinh tế mới tách khỏi K8 với tính cách là doanh nghiệp... Có nhiều thứ nghe cũng chưa thủng, chứ đừng nói là hiểu và bàn.

... Quân đội, nhất là quân y sao lại nói đến hạch toán thu chi?

... Hay là đi Tây về, Yến đã Tây hoá mất rồi?..

... Đấy là nguyên nhân của khoảng cách giữa mình và Yến?

... Mình cứ nghĩ là đi học về thì bắt tay vào việc với chuyên môn cao hơn, trong phân xưởng dược chỗ nào cần cải tiến kỹ thuật thì cải tiến... Sao Yến lại bày ra lắm thứ chuyện thế này. Sải tay với lên cả những vườn trồng cây thuốc trên Vĩnh Phú, Tam Đảo, đi vào tít tắp trong Quỳnh Lưu... Kéo theo cả những doanh nghiệp dân sự Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh vào đề án... Tán thành thì mình chẳng hiểu gì cả để tán thành, còn nói lơ lửng và có vẻ bàn ra như thế này, Yến có lẽ càng xa mình hơn...

- Bây giờ chắc anh hiểu rõ nỗi lo của tôi? – Trần Thu hỏi Lê Hải.

- Hiểu. Cháu Yến đã kể cho tôi nghe mọi chuyện. Nhưng hôm nay nghe anh nói tôi mới thấy được mức độ gai góc của vấn đề. Đến lúc này tai Lê Hải vẫn còn ù lên khi nghe thuật lại ý kiến của Bân về đề án của Yến, điều mà Lê Hải không ngờ.

- Anh ủng hộ những kiến nghị của cháu? – Trần Thu hỏi.

- Chúng ta đang đi trên đường không có bản đồ vạch sẵn!

- Nói dứt khoát đi. Tán thành hay phản đối hả anh Hải?

- Tôi chịu không biết đề án khả thi đến đâu anh Thu ạ. Đơn giản là tôi không lường hết được tác động của đề án đối với K8 như thế nào. Về đạo lý, tôi tán thành một trăm phần trăm. Nhưng về kinh tế và kỹ thuật, đề án vượt quá tầm hiểu biết của tôi. Anh thông cảm. Hiển nhiên sự tồn tại của phân xưởng dược trong khung cảnh đất nước hiện nay trở nên phi lý. Tôi không thể bác bỏ nhận xét này của Yến. Nhưng thay đổi phân xưởng dược, hay là thay đổi cả K8 như thế nào thì tôi bí. Nhiệm vụ của anh là phòng ngừa bất kỳ sự viển vông nào, chứ không được cản mã!

- Đừng lên lớp tôi nhé! Tôi không cần cái thứ đạo lý suông ấy.

- Hỏi thật, anh sợ cấp trên, hay sợ trách nhiệm? – Lê Hải nhìn thẳng vào hai mắt Trần Thu, như muốn đọc từ đấy những ý nghĩ sâu kín nhất của bạn mình.

- Sợ cả hai, nhưng sợ trách nhiệm nhiều hơn, anh hiểu không? – Trần Thu trả lời rất cân nhắc - Quân đội là sức mạnh của bộ máy chuyên chính. Đụng vào quân đội là chuyện cực kỳ nhạy cảm. Đấy là chuyện gay cấn nhất cho tôi.

- Cháu Yến lập luận cho tôi nghe: Trên nói phải kết hợp kinh tế với quốc phòng. Song theo Yến, không được vì thế nhập cục làm một hoạt động kinh tế với nhiệm vụ quốc phòng. Lý lẽ của cháu đơn giản: Có giàu thì mới nuôi được quân đội mạnh. Muốn thế phải tách quân đội khỏi mọi hoạt động kinh tế, để ai làm đúng việc nấy. Cháu phản đối cách quân đội làm kinh tế như hiện nay! Hai năm rõ mười như thế, làm sao tôi không tán thành?

- Nói thế, anh vẫn là người ngoài cuộc anh Hải ạ.

- Sao anh không gọi tôi là kẻ ngoại đạo hay vô đạo?

- Chưa đến nỗi vậy, nhưng chỉ người ngoài cuộc mới tưởng đây là công việc ngon xớt! Một ví dụ nhỏ thôi, anh thử xem có ai dám treo lon của mình để trở thành người dân sự và ăn lương theo năng lực chuyên môn, để thực hiện cái việc tách quân đội với hoạt động kinh tế không?! Rồi còn biết bao nhiêu thứ quyền hành lợi lộc thành văn hoặc không thành văn khác nữa chứ! Đấy mới chỉ là cái chuyện bằng móng tay! Ngoài ra theo đà này để xảy ra chuyện quân đội làm ăn phá rào thì càng không được! – Trần Thu giải thích.

- Nghĩa là anh cam chịu để cậu Bân mỗi tháng cho phân xưởng của mình làm việc một tuần, làm vệ sinh nhà xưởng một tuần, hai tuần còn lại đeo lon và quân phục chỉnh tề đưa nhau đi tăng gia sản xuất trên Vĩnh Phú?

- Anh vừa mới nghỉ hưu mà đã lú lẫn thế rồi à? Làm kinh tế như vậy là mệnh lệnh cho toàn quân, có chỉ thị của trên hẳn hoi, anh thừa biết như vậy. Lâu nay đã trở thành phong trào, đâu có phải là sáng kiến riêng của K8. Nhưng một tiền gà ba tiền thóc thì đúng!

- Cháu Yến nói với tôi sẵn sàng tự nguyện bỏ lon đại uý để chuyển sang chế độ cán bộ công nhân viên quốc phòng nếu đề án được chấp nhận.

- Khổ quá, anh nên nhớ cho Nam, Bân, Yến... là những cán bộ thế hệ trẻ trong đơn vị. Còn đối với những người gần trọn đời đứng trong quân ngũ như anh và tôi thì họ không nghĩ đơn giản như thế! Công bằng mà nói chiến tranh đã rèn đúc họ trong những khuôn mẫu của chiến tranh rồi.

- Anh chuẩn bị thật kỹ tất cả, lựa ra một số việc dễ nhất trong đề án của Yến rồi xin trên cho phép làm thí điểm để khỏi bị khép vào tội “tiền trảm hậu tấu”. Sau đó ra lệnh xung phong tất! Kho, két của anh bây giờ đằng nào cũng rỗng tuếch! Nếu dám liều, anh có gì để mất đâu?

- Phải, không có gì để mất thêm...

...Trần Thu cho Lê Hải biết ông vẫn đang chạy hết nơi này đến nơi khác cho đề án của Yến, với ý chí còn nước còn tát. Nhưng càng chạy, ông càng hiểu là vô kế khả thi. Truyền thống, thói quen, những hệ quả của chiến tranh để lại, tính bất khả xâm phạm của quân đội, rồi còn biết bao nhiêu điều kiêng cấm khác... Tất cả tạo thành một rào cản đề án không thể vượt qua. Đã thế còn có biết bao nhiêu điều quan ngại khác ập vào từ thế giới bên ngoài.

- ... Anh không thấy dứt dây động rừng à?

-... Có muốn cái cảnh giậu đổ bìm leo như ở Liên Xô không?

- ...Mở mắt ra mà nhìn! Cứ pê-ret-xtơ-rôi-ca(*) [(*) Perestroica: đổi mới.] cho lắm vào!

- ...

Trần Thu thuật lại những ý kiến đả kích gay gắt.

Lê Hải dần dần mới tỉnh ra, gần như tự nói với chính mình:

- Có lý... Cũng có lý... Tôi thừa nhận những lo ngại này là hoàn toàn chính đáng này. Như thế việc cháu Yến đi học là công cốc?

- Không đến nỗi thế, anh Hải ạ. Có lẽ phải chờ đến khi trên có chủ trương cải cách chung trong quân đội thì mới có thể nghĩ đến đổi mới K8 được. Hoặc là không bao giờ... Nhưng anh cần động viên cháu Yến không được nản lòng.

- ???

- Anh còn phải động viên cháu Yến bắt tay ngay vào việc thu thập mọi dược liệu, vật tư, nguồn lực để cứu vãn tình thế trước mắt của K8 đã.

- Vâng, tôi hiểu. Cháu Yến đã mất Nam, nếu bây giờ mọi hy vọng vào đề án cũng tiêu tan nốt thì khổ cho cháu tôi quá... - Lê Hải bỏ dở câu nói của mình.

Trần Thu dập tắt điếu thuốc đang hút dở, đứng dậy. Nhưng Lê Hải níu xuống:

- Liên Xô đổ rồi, chi viện hết rồi. Kế hoạch cứu K8 của anh thế nào?

- Tôi như người leo dây anh ạ, sẩy chân ngã chết liền! Trong khi đó thương binh bệnh binh ùn ùn đưa về K8 và trên toàn tuyến. Tôi ra lệnh đình hoãn mọi công việc, mọi công trình có thể đình hoãn, đề nghị Bộ và Tổng cục dồn hết mọi khoản chi lâu dài sang khoản chi thường xuyên để có kinh phí thực hiện các giải pháp tình thế. Cứu thương binh, cứu bệnh binh trước hết đã!

- Anh sẽ cầm cự được bao lâu?

- Không biết. Nhưng trước mắt tôi cắt những khoản chi có thể cắt, đại loại những việc như Bân mỗi tháng đưa đơn vị của mình lên tăng gia hai tuần trên Vĩnh Phú. Làm dấn được các việc cắt xén như thế thì cũng sẽ tàm tạm. Rồi trên đã hứa điều chỉnh gấp ngân sách. Ngay trong K8, mọi công việc xây dựng tôi ra lệnh tạm đình hết. Tôi đã cho phép một số đơn vị làm đổi công cho bên dân sự để được cấp thêm lương thực và thực phẩm. Lúc này phải ba đầu sáu tay anh Hải ạ. Ổn ổn rồi sẽ quay ra tính lại đề án của cháu Yến.

- Thì ra cái gì tình thế thúc bách phải làm thì làm được, có phải không anh Thu? Kiêng cấm đến mấy cũng làm được!

- Đành là thế. Nhưng cứ để bị dồn đến chân tường rồi mới cựa quậy thì không hay lắm. Tôi cứ loay hoay tự hỏi mình vì sao 70 năm Liên Xô vĩ đại sụp đổ trong một giờ, không một phát súng từ bên ngoài!

- Nhưng cũng phải nói không một phát súng bên trong tự vệ nữa chứ!

- Có. Có binh biến nhưng tắt ngay!

- Không ai có thể thờ ơ được anh Thu ạ. Vài ngày trước khi Cộng Hòa Dân Chủ Đức sụp đổ, tôi còn nhớ hôm ấy báo đài đưa tin Tổng bí thư Hô-nếch-cơ tiếp Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh. Mấy bữa sau trong khi tôi đang theo dõi tin đội tuyển bóng đá quân đội Liên Xô thi đấu giao hữu ở Hung-ga-ri... tự dưng lại thấy báo đài đưa tin Tổng bí thư Gren-dơ hội đàm với Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh. Sau này vỡ lẽ ra đấy là những ngày cuối cùng của Cộng hòa Dân chủ Đức!

- Chuyện bức tường Berlin sụp đổ cũng được phổ biến tới tận chi bộ đường phố hả anh Hải?

- Đâu có, anh Nghĩa kể cho tôi biết. Sau hỏi thăm thêm mấy tướng về hưu thì đúng là như vậy.

- Tin nội bộ cho biết vợ chồng Xê-au-xét-cu(*) [(*) Ceausescu, Tổng Bí thư kiêm Tổng thống Rumani, bị lật đổ và bị giết cùng với vợ ngày 25-12-1989.] bị đem ra bắn mới khủng khiếp chứ, tôi được xem cả một đoạn phim truyền hình về sự việc này. Trước đó không lâu toàn thể những đại biểu dự đại hội Đảng Ru còn đứng dậy vỗ tay rầm rầm khi bầu lại Xê-au-xét-cu làm Tổng bí thư, một người thay mặt đại hội lên khoác vào vợ chồng ông ta mỗi người một cái đai vàng chéo, cả hai trông oai phong lẫm liệt như ông vua và hoàng hậu! Thế mà kết cục lại như vậy!

- Chết thật, chuyện đến mức ấy cơ à?! Anh nói rõ xem nào.

- Chẳng khác gì một cuộc nổi dậy của nhân dân giết bạo chúa anh Hải ạ.

- Có bàn tay nào xui khiến không?

- Loáng thoáng có tin CIA cũng thọc tay vào, chưa biết đúng sai ra sao. Các lực lượng chuyên chính do chính tay Xê-au-xét-cu dựng lên cũng tham gia nổi loạn mới kinh chứ.

- Nếu vậy nghi hoặc của tôi về thối ruỗng bên trong là có cơ sở. Lúc nào chúng mình sẽ trao đổi thêm với Nghĩa... Nhưng...

- Nhưng làm sao?

- Liệu có sự phản bội của Gorbachov không?

- Thế một mình Gorbachov có thể phá tan Liên Xô không? – Trần Thu hỏi lại.

- Chết! Anh hỏi thế thì câu chuyện nguy hơn chúng ta nghĩ rất nhiều!.. – Lê Hải rót nước cho bạn mà tay cứ run bần bật.

- Đúng vậy. Điều rất mừng là tình hình nước ta ổn định, mặc dù báo chí phương Tây có không biết bao nhiêu lời tiên đoán Việt Nam sẽ đi vào vết xe đổ của các nước Liên Xô Đông Âu.

- Tôi cho là trình độ chính trị dân mình cao lắm anh Thu ạ. Anh xem, bao nhiêu năm nay có nhiều chủ trương chính sách của ta đổ lên đổ xuống, đời sống nhân dân khó khăn là thế. Rồi bao vây cấm vận, kinh tế khủng hoảng, chiến tranh tâm lý... Các thế lực thù địch phá ta trong vấn đề Campuchia gay gắt. Lúc này chế độ chính trị của đất nước dễ bị chấn thương nhất, dễ bị diễn biến nhất. Nhưng anh xem, nhân dân ta vẫn vững vàng. Trong cả nước không xảy ra bất kỳ một sự lộn xộn nào. Dân mình anh hùng lắm anh ạ!

Tôi thừa nhận từ khi đổi mới, kinh tế nơi này nơi khác bắt đầu khởi sắc, quân đội chưa theo kịp.

- Chính lúc này tôi mới càng thấy nhân dân ta bản lĩnh cao cường, tình nghĩa với Đảng lắm. Dân vẫn tin vào Đảng, bảo vệ chính quyền, bảo vệ Đảng...

- Đúng là suy nghĩ của người lính già. Anh làm tôi thêm can đảm. Hay là tại vì ở nước ta, nhân dân và Đảng cùng quyết tâm đổi mới nên trụ được? – Trần Thu hỏi lại.

- Cách mạng nước ta đã bao phen thăng trầm anh Thu ạ, nhưng rõ ràng là chừng nào còn giữ được lòng tin của dân thì còn tất cả. Nghĩ như thế, nên tôi nghi nội tình các nước Liên Xô Đông Âu ắt có điều gì không ổn. Cái phá bên ngoài không lo bằng điều này.

- Đúng là không thể nhìn nhận vấn đề một cách hời hợt được anh Hải ạ, nếu không muốn tự sát.

- Anh xem, thành trì của cách mạng thế giới, mấy chục triệu người hy sinh trong chiến tranh thế giới thứ hai đã cứu nhân loại thoát được hoạ phát xít, cũng nhờ đó mới có thời cơ cho cách mạng Việt Nam, bảy mươi năm xây dựng và cầm chân chủ nghĩa đế quốc… Thế mà bây giờ ra mây khói hết!..

- Vâng đau lắm, anh Hải ạ, người cộng sản chúng ta không thể nghĩ khác được.

- Đúng như người đời xưa nói, lỡ chân một bước hận nghìn năm, ngảnh mặt nhìn lại trăm tuổi mất rồi(*)…

[(*) Ý từ một câu thơ cổ nổi tiếng của Ngụy Tử An, đời Thanh, Trung Quốc, nguyên văn: Nhất thất túc thành thiên cổ hận, Tái hồi đầu dĩ bách niên thân]

 

Sáng chủ nhật.

Bân có hẹn với Yến, nhưng còn nhiều thời giờ quá, tại dậy sớm hay tại sự bồn chồn nóng hẹn?

Bân làm một số việc lẽ ra dành cho chiều nay. Lật lật được mấy trang sách, đã bỏ sách xuống đi tìm giấy bút. Viết được vài dòng lại quăng bút đi, đứng dậy ra bàn pha nước... Bân chịu không làm sao thắng được sự mung lung của mình, cốc nước cầm mãi trong tay không nghĩ đến uống.

Bân trở lại bàn viết, ngồi chưa nóng chỗ đã đứng lên, cố sắp xếp một vài suy nghĩ. Nhưng trong đầu chỉ toàn là những câu hỏi và câu hỏi. Nỗi bứt rứt không cho Bân đi đến sự lựa chọn nào dứt khoát.

... Ngày hôm nay sẽ định đoạt số phận mình!

Bân khoá cửa phòng ở rồi dắt xe ra đường. Còn những mấy tiếng đồng hồ nữa!

Phố xá yên tĩnh, đang ngái ngủ trong buổi sớm của ngày nghỉ cuối tuần. Trong tiết vào thu bầu trời thành phố buổi sáng xanh vắt, khiến màu sắc cây cối sáng bừng lên. Bân cảm thấy như chính mình được đánh thức. Cái mát dịu phảng phất chút gió lành lạnh. Thỉnh thoảng một vài giọt sương nhỏ li ti trên cây vương vào mặt một cảm giác dễ chịu. Bân căng ngực hít thở những luồng gió từ bên kia sông Hồng tạt sang, trong lòng dần dần trấn tĩnh trở lại...

Ngồi trên cái Honda đen, trung tá Bân đi lòng vòng mãi lên tận đường Yên Phụ, rồi đi hết đường Nghi Tàm... Tới gần địa phận Tứ Liên anh mới nghĩ đến chuyện quay lại thành phố.

Từ khi ở chiến trường Campuchia về, nhân thể những lúc phải đi làm việc gì hoặc khi rỗi rãi, Bân thích đi lại khắp nơi, để được ngắm nghía thành phố đang lớn dần lên trong những năm đổi mới. Thói quen này nhiều lúc còn là cách san lấp những giờ phút khắc khoải của hy vọng, của chờ đợi…

Nếu so với ngày Bân cùng với Nam lên đường hành quân đi Campuchia, bây giờ thành phố có thêm nhiều đường phố chưa làm sao nhớ tên hết được. Nhiều đường phố gần đây Bân mới biết đến, Bân thú thực trong đầu có nhiều tên người Bân không biết họ là ai... Đôi lúc Bân bị lạc, bị mất hướng trong những khu dân cư mới.

...Mười hai mười ba năm nay rồi còn gì nữa kể từ khi lên đường… – quãng đời đẹp nhất của tuổi thanh xuân! Đổi mới trong cả nước đã bước sang năm thứ ba! Chỉ có sự vận động của K8 là quá ì ạch so với bên ngoài... Chẳng lẽ đã bắt đầu trong mình biểu hiện nào đó của già cỗi, cũ kỹ?!

Đã mấy lần Bân dạo xe máy trong tâm trạng như vậy trên đường Yên Phụ – Nhật Tân - Tứ Liên.., thế mà hôm nay Bân vẫn cứ tưởng là có một bàn tay vô hình nào đó vừa mới đắp lố nhố lên trên những ruộng hoa của vùng này những khu dân cư mới tinh. Nhìn đâu cũng thấy nhà cửa mọc lên như nấm, mọi kiểu dáng, đủ các màu sắc, chẳng theo một quy hoạch hay trật tự nào...

Ngỡ ngàng, hay luyến tiếc?.. Ký ức bừng sáng trên triền đất cũ...

Mới những ngày nào Bân cùng với Nam hối hả đạp xe đi về như con thoi trong khắp vùng này để làm các việc cho đơn vị lên đường... Có lần cả hai đều thốt lên khi thấy mình lọt thỏm giữa những cánh đồng trồng đào bát ngát hai bên ven đê.

- Bân ơi, cái đẹp trong bao la vĩ đại mới đẹp làm sao!..

Hình như tiếng nói của Nam vẫn còn vương đâu đây. Bân nhớ trong các tranh của Nam mình thu nhặt từ Siêm-riệp mang về trao lại cho Yến, có một bức tranh mang đề tựa “Gửi nỗi nhớ thương da diết!..” Đó là hoa đào đủ các màu thắm nhạt, là rừng đào xa hút mãi, tất cả như chìm trong một cái nhìn thăm thẳm từ đâu đó... Nam đã vẽ bức tranh ấy bằng nỗi nhớ...

... Hoa không thấy nữa, các miệt vườn không còn, hay là mùa đào chưa đến!

...Yến không hiểu tình yêu của ta, hay là Yến không thể có một tình yêu nào khác?

Mấy lần Bân giảm ga cho xe đi thật chậm, nhưng không phải để nhìn trời nhìn đất, mà chỉ để chế ngự cái cảm giác mung lung đang xâm chiếm đầu óc mình...

- ...

- Cho anh nói với em lời cuối cùng đi!.. Yến!..

- Xin anh đừng nói gì nữa! Anh Bân, thông cảm cho em...

- Nhưng em phải nói vì sao chứ!

- Em hiểu tất cả, và cũng mong anh hiểu tất cả.

- Nhưng mà Yến..! - Bân nắm lấy tay Yến. Đấy là lần đầu tiên trong đời... Cả giọng nói và tay Bân run lên.

Yến không rụt tay lại, mà cả hai tay Yến nắm lấy tay Bân, chân thành:

- Anh Bân, xin anh đừng nói gì nữa. Mong anh hãy hiểu em cho em... - đoạn Yến nhẹ nhàng gỡ tay Bân ra, đứng dậy. Cũng vừa lúc ấy cún Nam chạy vào tìm mẹ...

...

Ôi!.. Có đến hàng trăm, hàng trăm lần Bân tự thuật lại, tự diễn lại với chính mình bữa nói chuyện hôm ấy. Hàng trăm lần Bân mổ xẻ từng câu nói, từng cử chỉ, giọng nói của Yến, từng hơi thở của Yến đi theo từng lời... Tay Bân như vẫn đang run lên trong tay Yến... Hàng trăm lần Bân tự đặt các câu hỏi, tự trả lời, nghĩ ra không biết bao nhiêu giả thuyết... Tất cả đều xoay quanh nỗi mung lung duy nhất, không sao xác định được...

Bân phải ghếch xe vào vệ đường, leo lên ngồi trên con trạch của mặt đê, nghĩ tiếp.

... Lúc dắt xe ra khỏi nhà, mình đã cố tâm tâm niệm niệm một ý nghĩ dứt khoát. Nhưng bây giờ lại phân vân, lại mung lung...

... Nam ơi, cho mình một lời khuyên đi! Hãy hô tất cả đứng nghiêm rồi ra lệnh đi! Mình cầu cứu Nam đấy, hãy ra lệnh đi!..

Bân không thể quên được cử chỉ, giọng nói của Nam trong buổi họp chi bộ hôm ấy. Cả quyết, dứt khoát, giữa cái sống và cái chết! Ôi, một con người, sống tha thiết, yêu tha thiết!

... Nam ơi hãy ra lệnh cho Yến và cho mình đi! Phải làm gì cũng được, nhưng ra lệnh đi!

... Hôm nay mình phải có lời dứt khoát với Yến!

Cũng như bao nhiêu lần khác, chỉ có một ý nghĩ duy nhất đem lại cho Bân sự cân bằng, tâm trạng trấn tĩnh:... Phải làm theo mong muốn của Yến!

Bân gần như ra lệnh cho chính mình.

Bân không thể tự cắt nghĩa cho mình vì sao ý nghĩ đó lại mạnh mẽ đến như vậy. Chỉ biết là ý nghĩ đó làm cho Bân trong lòng cảm thấy thanh thản với chính mình, sự thanh thản mênh mang nỗi buồn không sao cắt nghĩa được. Chính ý nghĩ này giúp Bân hiểu mình yêu Yến như thế nào...

Ngồi mãi như thế, cuộc sống chung quanh tấp nập huyên náo dần lên, kéo Bân trở về thực tại. Trước mắt Bân xe tải các kiểu nối đuôi nhau chở vật liệu xây dựng kéo vào thành phố. Xe tải từ thành phố ngược dòng đi ra chở các phế thải. Những tiếng rú ga của động cơ các máy móc đủ loại phả lên từ lòng đường những cụm khói nồng nặc mùi xăng dầu. Các máy trộn xi-măng đâu đây ầm ĩ thi nhau chạy hết tốc lực. Bên kia chân đê các toán công nhân kéo đường dây cao thế í ới gọi nhau... Bân có cảm giác mình đang ngồi trước một công trường xây dựng lớn...

Một ngày mới bắt đầu, rộn ràng, náo nhiệt.

Bất giác Bân tự hỏi: Chẳng lẽ mình cứ đứng mãi bên lề đường như thế này?

Trong những năm tháng Yến đi học, ông bà Chính và bố mẹ Yến đối xử với Bân như con cái trong nhà. Bân cũng coi bố mẹ Yến và ông bà Chính như bố mẹ mình. Những ngày nghỉ cuối tuần, các dịp lễ tết, khi thì bố mẹ Yến, khi thì ông bà Chính mời Bân đến ăn cơm. Cũng có lúc Bân được nhờ giúp việc này việc khác, tin cậy. Có lần bé Dũng, con của Loan, bị ốm phải nằm viện. Nhà neo người, có lúc ông bà Chính phải nhờ Bân đưa cơm vào cho Loan trong bệnh viện, chạy đi tìm thuốc này thuốc khác...

Tướng về hưu Lê Hải có lần nói với Bân:

- Chú thấy cả nhà họ Phạm hậu thuẫn cho cháu. Bố mẹ Yến không mong gì hơn là Yến quyết định sớm. Tả phù hữu bật như thế, cháu thật là diễm phúc...

Bân uống những câu nói gần giống như thế, của tướng Trần Thu, của chú Nghĩa, của Loan, của Mai... để nuôi hy vọng...

Sinh ra ở Tiền Hải nổi tiếng trong cả nước là lá cờ đầu 5 tấn(*) [(*) Thành tích sản xuất nông nghiệp của Thái Bình, tỉnh đầu tiên trong cả nước đạt năng suất 5 tấn lúa/hécta.] và quê hương anh hùng trong chống Mỹ, Bân thừa hưởng nhiều đức tính tốt đẹp của vùng quê mình. Người dân Tiền Hải, dù thuộc xã nào, bên lương hay bên đạo, đều tôn thờ Nguyễn Công Trứ – người khai hoá ra quê hương mình. Truyền thống hiếu học và nhiều giá trị tốt đẹp khác của quê Bân bắt nguồn từ đấy. Trước Cách mạng tháng Tám, xã của Bân vốn bao đời lam lũ, nghèo nhất huyện. Từ khi giải phóng miền Bắc tới nay tính gộp lại, riêng xã Bân có tất cả 142 người tốt nghiệp đại học, bao gồm những người đã hy sinh, về hưu hay đang tại chức khắp nơi trong cả nước. Xã đứng đầu toàn tỉnh về phương diện này. Ngoài ra xã của Bân còn có một đại tướng, một trung tướng Quân đội Nhân dân Việt Nam và hai tiến sĩ. Cấp tá phục viên về làng có đến gần một chục. Song muốn biết tường tận sự hy sinh của xã này cho cuộc kháng chiến chống Mỹ thì phải ra thăm nghĩa trang liệt sĩ! Người đến thăm ai cũng chú ý đến một bia lớn, ghi tên 29 liệt sĩ chưa tìm thấy thi hài - trong đó có 5 liệt sĩ cùng nhập ngũ một ngày, cùng hy sinh trong một đêm ở Quảng Trị, hai chiến sĩ hy sinh trên mặt trận Lào, ba chiến sĩ hy sinh trên mặt trận Campuchia... Trước bia là một bát hương lớn, không một ngày nào tắt khói hương. Năm kia, nhân dịp kỷ niệm 45 năm Cách mạng tháng Tám, xã vừa được trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang kháng chiến cứu nước... Từ khi bắt đầu công cuộc đổi mới, quê hương Bân tự bảo nhau rộn rã phong trào thoát khỏi xiềng ba sào(**) [(**) Thái Bình ruộng đất chỉ có bình quân 3 sào Bắc bộ cho một nông dân.]. Người người trong quê đổ nhau đi làm ăn bốn phương, ngày mùa mới kéo nhau về dăm mười hôm cho gọn việc đồng áng. Có người thỉnh thoảng tạt về làng họp chi bộ Đảng, kết hợp thăm gia đình. Trong các nẻo làng xuất hiện ngày càng nhiều ngành nghề mới. Đồng quê Thái Bình lan đi câu nói năm xưa: Phi nông bất ổn, phi công bất phú, phi thương bất hoạt, phi trí bất hưng... Người thì nói đấy là của Lê Quý Đôn, người thì nói đấy là tổng kết của các lão nông Thái Bình. Có người lại nói đấy là tổng kết của Trung Quốc... Của ai cũng được, hiển nhiên là Thái bình không một giây phút mệt mỏi tìm đường phát triển. Rặng tre xanh, hàng cau phải nhường chỗ dần dần cho các ngôi nhà ngói hoá, bê- tông hoá. Đường dây điện, đường trải nhựa ngoằn ngoèo bò vào làng, lác đác có cả điện thoại. Trên vùng quê đất chật người đông này cuộc sống lúc nào cũng nào cũng vận động hết nhịp.

Bân còn nhớ ngày hối hả về nhà chào bố mẹ để đi Campuchia, mẹ Bân xót con lắm. Bà không nói năng gì, chỉ gạt nước mắt ôm con vào lòng. Bố Bân dặn dò ngắn ngủi, gần như ra lệnh:

- Cố sao cho khỏi hổ thẹn với xóm làng!

Hôm ra đi, mẹ Bân dúi vào tay con một gói tiền chắt chiu từ mấy lứa tằm:

- Giá con lấy vợ ngay từ lúc tốt nghiệp, có phải bây giờ mẹ có cháu bế rồi không!

... Thoắt một cái thế mà mười bốn năm!

Phụ tá cho Nam chỉ huy đơn vị trong những năm tháng quyết liệt nhất, Bân đã tỏ ra xứng đáng với đồng chí đồng đội, bố mẹ và quê hương của mình. Hôm Bân trở về, xã đón tiếp Bân như một anh hùng. Truyền thống của làng lâu nay vẫn thế, dù người trở về là binh nhì binh nhất cũng vậy – miễn là hoàn thành nhiệm vụ. Xã còn đứng đầu toàn tỉnh về chính sách hậu phương quân đội. Chẳng thế mà suốt hai cuộc kháng chiến toàn xã không một ai đi bộ đội đào ngũ. Trong Cách mạng tháng Tám, nông dân Thái Bình nổi dậy cướp chính quyền trước tiên là ở xã này, ngay sau đó lan ra toàn huyện, toàn tỉnh. Trong những năm giặc Pháp tạm chiếm, xã là địa phương đầu tiên của tỉnh tiến hành đấu tranh vũ trang xoá tề...

Ngay tối hôm Bân trở về làng, sau khi họ hàng khách khứa đến thăm về hết rồi, câu hỏi đầu tiên của mẹ Bân:

- Bây giờ con cho mẹ toại nguyện chứ? Mẹ đã dấm cô dâu cho con rồi. Nhưng tên nó mẹ phải giữ bí mật.

Bân ậm ừ như gà mắc tóc.

Một hai chuyến về thăm nhà sau đó, mẹ Bân còn chấp nhận được sự ậm ừ này. Nhưng rồi một năm! Hai năm!.. Mẹ Bân không hiểu ra sao cả.

Trước sau Bân chỉ có một lời:

- Mẹ cho con thời giờ hoàn hồn đã, từ cõi chết trở về mà! Có gì mà phải vội hả mẹ?

Thoạt đầu mẹ Bân thầm lo trong lòng: Hay là con mình là bệnh binh? Nghe nói mặt trận bên ấy khốc liệt lắm, nếu còn sống trở về không thương tật thì cũng sốt rét, viêm gan và biết bao nhiêu bệnh nhiệt đới khác.

Có lần Bân về thăm nhà, bà vin cớ trời nóng dội cả thùng nước vào người Bân, rồi tự tay gội đầu cọ lưng cho con mình:

- Ngoài ba mươi tuổi đầu rồi mà mẹ còn phải tắm cho. Trai hoi này chắc ế vợ suốt đời mất thôi!..

Bân hiểu nỗi lo của bà.

... Mẹ muốn tận tay tận mắt xem con mình khoẻ mạnh hay ốm đau...

Bà thấy Bân ăn khoẻ, da dẻ săn chắc. Một vài công việc nặng bà nhờ, Bân làm phăng phăng. Mối lo âu được giải toả, lo âu khác lại đến:

... Nhưng sao nó cứ ậm ừ mãi? Hay là...? Nhưng con mình chưa bao giờ nói dối mình điều gì...

- Hay con đã nhằm đám nào rồi, dứt khoát đi cho mẹ yên tâm!

Trước sau Bân vẫn ậm ừ, nước đôi:

- Con trai mẹ vẫn ế mẹ ạ, cũng chưa thành đám nào đâu. Con cần nhiều thời gian mà...

Thế là bà không còn cách gì để truy Bân nữa. Chắc có lẽ do công tác của nó quá bận!.

Hai năm qua rồi, sang năm thứ ba...

Về thăm nhà nhiều lần, dần dà Bân cũng biết được bí mật của mẹ. Đấy là cô giáo cấp hai của xã, kém Bân đúng một giáp.

... Thì ra là cái kẹo Lựu, trong đội thiếu nhi mình phụ trách ngày xưa! Trời đất!..

Một lần Bân tìm được cớ để nghe trộm và nhìn trộm cô giáo Lựu giảng bài. Bân không thể tưởng tượng nổi cái kẹo Lựu ngày xưa và cô giáo Lựu bây giờ là một. Nhiều lúc Bân không tin vào mắt mình. Cái kẹo Lựu bây giờ là một cô gái cao ráo, lẳn mình trắm, dáng điệu nói năng đi lại rất con gái nhưng cũng rất tự tin... áo Lựu mặc bó sát người chẳng khác gì các cô gái thành phố, càng làm tăng thêm cái sức sống khoẻ đẹp mà không phải cô gái thành phố nào cũng có được. ...Ôi, mình đi vắng mười mấy năm rồi còn gì! Riêng khuôn mặt trái soan và cặp mắt đen láy ngày xưa của Lựu bây giờ vẫn không thể trộn lẫn với ai được. Có lúc Bân tần ngần không thể phân biệt được mình đang bị cái đẹp của Lựu thu hút hay là bị phong thái giảng bài của cô giáo Lựu chinh phục. Để ý kỹ, Bân thấy đúng như mẹ nói: “Cái Lựu trắng nõn nà, con gái tỉnh thành cũng đừng hòng ăn đứt được nó!”

Bân hiểu câu nói của mẹ còn có một ẩn ý khác. Đấy không phải là lần duy nhất bà bênh Lựu, làm như là Lựu đã là con dâu của bà.

Lần ấy Bân khoe với mẹ việc mình đi nghe trộm, nhìn trộm cô giáo Lựu, bà sướng lắm:

- Mẹ chọn ngày sang đánh tiếng với nhà người ta nhé? Buồng cau trong vườn nhà đang mượt.

- Ấy chết, đừng! Đừng nói năng thưa gửi gì vội mẹ ơi...

Bân nhăn mặt vì thấy niềm vui của mẹ tắt ngấm...

Đã mấy lần thu qua đông tới, Bân càng nóng ruột, cố tránh không gặp Lựu chính diện. Ngày đêm Bân mong Yến sớm dứt khoát cho ngã ngũ mọi chuyện. Cứ như thế này mình làm khổ mình, làm khổ cả người khác!..

Bẵng đi, Bân không thấy mẹ giục lấy vợ nữa.

... Mà lạ quá, sao mãi không thấy xóm làng nói gì đến chuyện chồng con của Lựu? Bân chỉ tự hỏi mình như vậy và tránh né, không dám hé răng hỏi thăm hỏi nom chuyện này.

- Cái Lựu thật là gan. Khối đám hỏi rồi mà nó vẫn nói không đấy! Đẹp nhất làng, được nết nhất làng!

Mẹ Bân lúc này lúc khác tự dưng cứ nói bâng quơ như thế giữa bữa cơm hay lúc sum họp họ mạc, câu nói chẳng ăn nhập vào câu chuyện nào. Bố Bân lặng yên theo tính ít nói của mình. Còn Bân thì hiểu ý mẹ.

Trong khi đó, Yến vẫn một mực không nói gì! Về nước được một năm rồi còn gì nữa!

... Cũng không thể có chuyện Yến hiểu lầm về thái độ của mình đối với đề án cải tạo K8. Mình nghĩ thế nào nói vậy, Yến quý trọng sự trung thực này. Bân lại nhớ lúc hai tay Yến nắm lấy tay mình, giọng nói Yến chân thành...

Đôi lúc Bân cảm thấy khốn quẫn thực sự, vì quá yêu hay vì tuyệt vọng?

... Đâu có phải lần đầu tiên trong đời mình yêu. Nhìn lại, cũng đã hai, không, phải nói là ba “mối tình đầu” rồi! Mình còn là người chủ xướng cái thuyết mối tình nào cũng có thể là mối tình đầu cơ mà... Cái thuyết ấy đã thuyết phục chính bản thân mình, nghĩa là cho phép mình bớt khắt khe trong khi yêu, bớt đi cái vị đắng không đáng có và làm tăng những dịu ngọt còn phải tạo thêm trong tình yêu. Mình đã từng nói với mình và cả với Khanh, rồi với Nga...

Cứ yêu đi, tình yêu tự sẽ đến, đến một cách tha thiết, cháy bỏng như mối tình đầu!

Mình đâu có phải chưa có kinh nghiệm gì hay không hiểu gì về phụ nữ! Trước ngày lên đường đi Campuchia, bận rộn là thế, mà vẫn cùng nhau đi thửa nhẫn cưới, chứ đâu có phải chuyện tầm phào. Thậm chí còn nhất quyết với nhau nếu có gì thì bất kỳ giá nào cũng phải phải xin phép đơn vị về nhà vài ngày để cưới chạy! Hôm tiễn đưa:

- ... Anh ra tiền tuyến, em ở hậu phương, nhẫn cưới này là thần hộ mệnh của anh và người bảo vệ tình yêu của em!..

... Còn gì lãng mạn hơn! Hay là chính mình đã phải trả giá cho cái thuyết mối tình nào cũng có thể là mối tình đầu?..

Khi nhận được cái thiệp cưới của Nga trong những ngày mưa thối đất ở Xiêmriệp, Bân mất ngủ đến tuần lễ. Lá thư thanh minh của Nga, Bân đốt luôn không thèm đọc. Nhưng Bân cũng hoàn hồn nhanh chóng.

- Thì ra cái thuyết mối tình nào cũng có thể là mối tình đầu của cậu thế mà khoẻ đấy. Nếu không cậu còn khốn khổ nữa, Bân ạ. – Nam chọc tức bạn.

- Biết thế này mình cứ để bà cụ cưới quách cho mình một cô vợ ở quê có phải là hết mọi chuyện rắc rối không. Bắt chước cậu cài một du kích giữ nhà nữa là yên chí!

...Giữa mình và Yến đã có gì đâu, thế mà vì sao bây giờ mình chết dở sống dở?

Những năm tháng lê thê!..

Nhiều lúc không lý giải được thái độ của Yến, Bân quay sang tự hỏi mình những câu hỏi Bân thừa hiểu không bao giờ có thể trả lời rành rọt. Bân không làm sao xác định được mình yêu Yến từ bao giờ, vì sao yêu đến mức chết đứng chết ngồi như vậy, mặc dù đã từng trải hai hay ba mối tình đầu! Riêng chỗ này thì Nam sai hoàn toàn, Nam ơi! Hay là mình đã nghe Nam nói rất nhiều về Yến? Hay là qua Nam, mình hiểu Yến, ngưỡng mộ Yến như một thần tượng.

... Bân ơi, Yến là chỗ dựa cho tâm hồn mình, nhưng quan trọng hơn nữa Yến luôn luôn là cái đích, là nguồn cảm hứng cho mình vươn tới!..

Bân không nhớ bao nhiêu lần được nghe Nam thốt lên những lời như vậy, ...cho đến ngày Bân đưa thi hài Nam về Hà Nội, ...cho đến những giờ phút đầu tiên Bân được sống quấn quýt bên cạnh Yến và cún Nam...

... Chưa bao giờ mình thổ lộ tâm trạng với ai tha thiết, quyết liệt như thổ lộ với Yến! Hay là tình yêu của mình không thể lay chuyển được Yến?..

- Tin em đi, em vẫn chưa tìm lại được chính mình! Thông cảm cho em, anh Bân, và xin anh đừng bao giờ nói gì nữa!.. – Yến gần như nấc lên...

... Ôi những câu nói xé lòng!

Mẹ Yến có lúc quá lo lắng cho Bân, gọi riêng anh ra nói:

- Anh Bân thông cảm cho Yến và cố quên em nó đi. Anh cũng phải lo nghĩ cho hạnh phúc của chính mình chứ!

Một lần khác mẹ Yến lại nói:

- Nếu anh cứ quyết gắn kết với chúng tôi như vậy, tôi hỏi em Loan cho anh nhé! Anh có câu nệ điều gì không?

... Ôi mọi người đều lo lắng cho hạnh phúc của mình. Nhưng mình thì cứ quanh năm lóng ngóng giữa trời! Nam ơi, nếu còn sống thì có phải là Nam và Yến đều hạnh phúc, mà hạnh phúc cũng sớm đến với mình, có phải không?! Có phải thế không Nam ơi!..

Một vết thương từ chiến trường ? Một tình yêu tuyệt vọng? Nam ơi, Yến ơi, chúng ta mất nhiều hơn chúng ta nhận biết được! Đau đớn quá Nam ơi, Yến ơi!..

 

Thế rồi cái điều mẹ Bân ngày đêm mong đợi cũng đến, gần như nhờ vào sự thúc giục quyết liệt của Yến.

- Anh không được làm khổ anh nữa, lại càng không được làm khổ Lựu. - Giọng nói của Yến gần như ra lệnh cho Bân.

- Nhưng sao em dám cả quyết như vậy?

- Còn hơn thế… Em chẳng những tin, mà em còn hiểu điều anh không hiểu…

- Nhưng anh sợ Lựu sẽ…

- Anh Bân, - Yến giơ ngón tay trỏ lên trước mặt, không cho Bân nói tiếp - Trước hết anh phải tự tin vào chính mình! Hứa với em như thế đi!

- Anh xin hứa…

Cuối năm ấy, đám cưới Bân – Lựu được tổ chức trọng thể, ấm cúng, theo đúng phong tục của xóm làng. Người vui nhất là mẹ Bân.

Đêm tân hôn, Lựu hờn mãi, Bân không làm sao dỗ được.

- Đi đi, cưới người ta mà làm gì!

- Em đuổi anh đấy à?

- Đi đi, em bảo anh đi đi mà!..

- Anh xin em! Nín đi! Tại sao cứ chờ anh mà không đi lấy chồng?

- Hỏi thế mà cũng hỏi được à? Tại anh đấy!

- Làm sao lại tại anh hả em?

- Không biết! Anh đi đi! Đã bảo là đi đi!..

- Anh xin, anh xin. Nín đi. Nhưng mà tại anh cái gì mới được chứ?

- Tại anh mãi không cưới vợ...

Từ đêm tân hôn, Bân vượt qua được nỗi mung lung trong lòng mình, cả quyết, nhiệt thành...

 

Yến đi đàm phán ở Hàn Quốc về đến nhà thì đám cưới Bân ở Thái Bình đã tổ chức xong được mấy hôm... Đây là chuyến đi khá dài ngày, vì công ty của Yến đang muốn mở rộng liên doanh để xuất khẩu một số biệt dược đi Brazil, nếu thuận lợi sẽ lan sang một vài nước châu Mỹ La-tinh khác...

Ông Chính bà Hương kể lại cho Yến nghe: Trước lễ cưới mấy ngày Bân đến thăm, ngồi lại khá lâu, nhưng ít nói, rầu rĩ, hầu như chỉ kể lại những chuyện cũ cùng với Nam ở Campuchia...

Trước khi ra về Bân xin lên gác thắp hương cho Nam, lúng túng mãi mới rút ra từ túi áo ngực một phong bì dán kín:

- Xin hai bác nhận cho và thông cảm cho cháu... Xin hai bác thông cảm cho cháu... – Bân chào từ biệt và đi ngay, như đang chạy trốn điều gì đó...

Bân đi rồi mà vợ chồng ông Chính vẫn còn ngỡ ngàng, khi mở bì thư ra mới biết đấy là giấy báo hỷ, gửi cho ông bà Chính, bố mẹ Yến và Yến.

Tối hôm ấy, khi ngồi một mình trong buồng riêng, Yến mở thiếp báo hỷ của Bân ra xem mãi, như đang đọc lại những năm tháng đằng đẵng, trống trải từ khi mất Nam.

- Hãy hiểu em cho em, anh Bân... – Yến bỗng bật lên thành lời, rồi ôm gối khóc nức nở...

Yến khóc mãi, bộc bạch thân phận cô đơn của mình với chính mình... Càng khóc, càng muốn khóc nữa...

Ngoài trời không trăng không sao.

 

Hết chương 16

 

Trở lại mục lục                                                                               Sang Chương 17