TRẢ LỜI NHÀ BÁO THỤY KHUÊ

 

Ngô Tự Lập

 

 

1. Vấn đề

 

Trong bài viết Phê bình văn học thế kỷ XX đăng trên Văn Việt[1], nhà báo Thụy Khuê có bàn về một “nạn dịch” mà bà coi là một xu hướng tai hại”, khi “cái gì người ta cũng muốn biết, biết nhanh, biết gấp, cho nên, tất cả đều chớp nhoáng, đến độ chóng mặt” và đưa ra hai ví dụ mà bà coi là “nổi bật” và “tiêu biểu”. Ví dụ đầu tiên liên quan đến tôi và việc giới thiệu cuốn sách của J-P Bronckart và C. Bota. Vì đoạn văn không dài lắm, tôi xin trích nguyên văn: 

1- Gần đây có cuốn sách đả phá Bakhtin khá ồn ào. Việc này thực ra chẳng cần nói, nhưng vì Ngô Tự Lập làm rùm beng trên các mạng, nên chúng tôi xin có vài lời giải thích với độc giả không chuyên, nhất là với những người mới tiếp cận với phê bình văn học:

Năm 2011, xuất hiện cuốn sách tựa đề Bakhtine démasqué: Histoire d’un menteur, d’une escroquerie et d’un délire collectif (Bakhtine bị lột mạt nạ: Câu chuyện một kẻ man trá, một sự lừa đảo, và một sự hôn mê tập thể) của Jean-Paul Bronckart và Cristian Bota, thuộc đại học Genève, Thụy Sĩ.

Câu chuyện nguyên do như sau: Mihail Bakhtin (Pháp phiên âm là Mikhail Bakhtine) là nhà phê bình lớn vào bậc nhất của Nga, trong thế kỷ XX, trong thời kỳ ông còn bị chế độ Xô-viết cấm in sách (1925-1929), có bốn cuốn sách của ông phải in dưới tên mượn của hai người bạn và cũng là môn sinh của ông: Volochinov và Medvedev[5]. Hiện giờ, trong bản dịch tiếng Pháp, những sách này được in lại dưới tên Bakhtine, kèm theo tên Volochinov và Medvedev trong ngoặc. Việc này cũng không có gì đáng nói vì những tác phẩm chính của Bakhtin vẫn in tên Bakhtin mà thôi.

Cuốn sách Bakhtine démasqué, của Bronckart và Bota, với cái tựa “giật gân” như bom nổ, chắc muốn nhắm vào số đông người đọc hiếu kỳ, hy vọng sách sẽ bán chạy và được dịch ra nhiều thứ tiếng. Tiếc rằng Bakhtin không phải là một tác giả “bình dân”, “ăn khách”, đại đa số quần chúng không biết ông là ai, cho nên có “lột mặt nạ” ông cũng vô ích. Sách này ra được năm năm mà mới có hai bản dịch sang tiếng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Giới văn học chân chính không mấy chú ý.

Chính cái tựa: Bakhtine bị lột mặt nạ: Câu chuyện một kẻ man trá, một sự lừa đảo, và một sự hôn mê tập thể đã có tính chất quá tải: đổ lên đầu Bakhtin tới ba tội: giả mạo bị lột mặt nạ, man trá, lừa đảo, và đổ lên đầu những người làm văn học là một lũ mê muội. Những chữ đao to búa lớn như thế, thích hợp với môi trường anh chị mà các học giả không quen dùng. Bởi vì, bất cứ việc nghiên cứu nào cũng phải lấy sự cẩn trọng của mình và sự tôn trọng người mình phê phán làm đầu, người nghiên cứu đích thực không kết án hồ đồ, cũng không mạ lỵ, trước khi chứng minh.

Hai tác giả người Thụy Sĩ này viết tiếng Pháp, để “chứng minh” Bakhtin “đạo văn” qua các bản dịch văn và lời nói của Bahktin từ tiếng Nga sang tiếng nước khác, vì họ không rành hay không biết tiếng Nga. Sự việc này chẳng khác nào một người Pháp “chứng minh” Nguyễn Du đạo văn qua một bản dịch truyện Kiều sang tiếng Pháp, với những lời tuyên bố của Nguyễn Du được dịch sang tiếng Pháp. Theo Serge Zenkine, những bản dịch này nhiều chỗ dịch sai, trái nghiã với lời nói và văn bản của Bakhtin.

Việc “lột mặt nạ” này không phải là hiếm trong lịch sử văn học Tây phương, người ta đã từng “chứng minh” Homère không phải Homère, Shakespeare không phải Shakespeare. Bakhtin cũng không qua khỏi cái nạn này.

Chú thích của Thụy Khuê:

[5] Đó là: Chủ nghiã Freud (Le Freudisme, 1925) và Chủ nghiã Mác và triết lý ngôn ngữ (Marxisme et philosophie du language, 1929), in dưới tên Volochinov và cuốn Phương pháp hình thức trong khoa học văn chương (La Méthode Formelle en science de la littérature, 1929) và Thi học xã hội nhập môn (Introduction à la poétique sociologique, 1928) dưới tên Medvedev. Thông tin này ghi trong Từ điển bách khoa văn chương của Pháp.

 

Chỉ một đoạn văn ngắn này thôi đã đủ cho thấy rằng những gì bà phê phán lại rất phù hợp với chính bà. Nó cho thấy Thụy Khuê rất ham bàn về những điều bà không biết hoặc không biết rõ.

 

2. Bà Thụy Khuê không hề đọc Bakhtin

 

Không biết nhà báo Thụy Khê coi ai là “độc giả không chuyên” và “những người mới tiếp cận với phê bình văn học” để mà giải thích, nhưng khi bà viết “…trong thời kỳ ông [Bakhtin] còn bị chế độ Xô-viết cấm in sách (1925-1929), có bốn cuốn sách của ông phải in dưới tên mượn của hai người bạn và cũng là môn sinh của ông: Volochinov và Medvedev” và chú thích: “Đó là: Chủ nghiã Freud (Le Freudisme, 1925) và Chủ nghiã Mác và triết lý ngôn ngữ (Marxisme et philosophie du language, 1929), in dưới tên Volochinov và cuốn Phương pháp hình thức trong khoa học văn chương (La Méthode Formelle en science de la littératue, 1929) và Thi học xã hội nhập môn (Introduction à la poétique sociologique, 1928) dưới tên Medvedev” thì chúng ta có thể biết ngay rằng bà chỉ đọc loáng thoáng những bài bình luận (hoặc một vài mục từ trong từ điển) chứ không hề đọc Bakhtin cũng như Voloshinov và Medvedev. Và ngay cả cái mục từ trong từ điển kia, bà đọc cũng ẩu (trừ phi cuốn Từ điển bách khoa văn chương của Pháp bà nhắc đến cũng viết ẩu).

Bởi vì nếu đọc thật, cho dù là chỉ đọc một mục từ trong từ điển, người ta cũng phải biết rằng không phải 4 cuốn sách được công bố trong giai đoạn này đều in dưới tên Medvedev và Voloshinov như bà viết, mà 2 cuốn ký tên Voloshinov, 1 cuốn ký tên Medvedev và 1 cuốn ký tên Bakhtin (Nhân tiện, xin nói thêm rằng cuốn sách của Bakhtin, về Dostoievksi, được Voloshinov và Medvedev hoàn thiện và được Medvedev, khi đó là đại diện của Nhà xuất bản quốc gia tại Leningrad, tổ chức in. Điều này chính Bakhtin công nhận, tuy rằng ông nói những đóng góp của họ là “khó chịu”).   

Thế thì tại sao trong danh sách bà Thụy Khuê kể lại có những 4 cuốn (2 cuốn ký tên Voloshinov và 2 cuốn ký tên Medvedev)?

Những người có đọc sách sẽ mỉm cười và trả lời: “hai” cuốn sách của Medvedev (mà bà Thụy Khuê chú thích rất “chuyên nghiệp” là in năm 1929 và 1928) thực ra chỉ là một cuốn, in năm 1928, đó là La méthode formelle en littérature : Introduction à une poétique sociologique (cách dịch khác là: La Méthode formelle dans la science de la littérature. Introduction à une poétique sociologique). Như vậy, cuốn Thi học xã hội nhập môn (Introduction à la poétique sociologique, 1928) của bà Thụy Khuê thực ra chỉ là… cái phụ đề của cuốn sách mà thôi!

 

3. Bà Thụy Khuê không cập nhật vấn đề

 

Bây giờ xin đọc tiếp. Bà Thụy Khuê viết: “Hiện giờ, trong bản dịch tiếng Pháp, những sách này được in lại dưới tên Bakhtine, kèm theo tên Volochinov và Medvedev trong ngoặc”.

Câu này cũng cho thấy rằng bà Thụy Khuê không theo dõi đời sống văn học ở Pháp. Chuyện in tác phẩm của Voloshinov và Medvedev dưới tên Bakhtin là chuyện xưa rồi. Vì không đọc, bà không biết rằng gần đây, với bằng chứng đầy đủ, tác quyền của Voloshinov và Medvedev đã được khôi phục, và tác phẩm của họ được tái bản với tên tác giả đích thực của chúng chứ không còn chuyện kèm tên Bakhtin. Cuốn Chủ nghĩa Marx và triết học ngôn ngữ của Voloshinov, chẳng hạn, được Les Éditions de Minuit xuất bản năm 1977 với tên tác giả là Mikhaïl  Bakhtine (N. V. Voloshinov). Tuy nhiên, năm 2010 (tức là trước khi cuốn sách Lột mặt nạ Bakhtin của Bronckart và Bota được xuất bản), nó đã được Patrick Sériot dịch lại và xuất bản với tên của Voloshinov. Dịch giả Patrick Sériot viết rất rõ về chuyện tác quyền này trong nhiều trường hợp. Chẳng hạn, tóm tắt (tiếng Anh và tiếng Pháp) của bài Vološinov, la philosophie du langage et le marxisme ông viết: “V. Vološinov’s book Marxism and the philosophy of language (1929), wrongly attributed to M. Bakhtin, gave rise to contradictory reactions…”; và “Le livre de V. Vološinov Marxisme et philosophie du langage (1929), faussement attribué à M. Bakhtine, a suscité des réactions contradictoires…” (Cuốn sách Chủ nghĩa Marx và triết học ngôn ngữ của V. Voloshinov, bị gán một cách sai trái cho M. Bakhtin, từng gây nên những phản ứng trái chiều…)[2]

Ở Nga, dự án công bố Toàn tập Bakhtin từng tuyên bố sẽ bao gồm cả các tác phẩm của Voloshinov và Medvedev. Trước các chứng cứ đầy đủ, người ta đã buộc phải từ bỏ ý định đó. Hiện nay bộ sách đã hoàn thành và không hề có các tác phẩm quan trọng kia.

 

4. Bà Thụy Khuê không đọc cuốn sách của Bronckart và Bota

 

Bà Thụy Khuê kết án cuốn sách của hai tác giả Thụy Sỹ là chỉ “thích hợp với môi trường anh chị” và dạy họ rằng: “bất cứ việc nghiên cứu nào cũng phải lấy sự cẩn trọng của mình và sự tôn trọng người mình phê phán làm đầu, người nghiên cứu đích thực không kết án hồ đồ, cũng không mạ lỵ, trước khi chứng minh”.

Nếu bà Thụy Khuê đã đọc cuốn sách của họ, tôi dám chắc bà đã không dám viết như thế. Bởi cuốn sách dày hơn 600 trang chữ nhỏ, đầy ắp dữ liệu, phân tích cực kỳ công phu, tuy nghiêm khắc nhưng không hề có từ nào mạ lỵ. Còn cái kết luận rằng Bakhtin khai man lý lịch, rằng ông đạo văn, rằng ông không phải là tác giả của các tác phẩm gọi “là tranh cãi” đều được chứng minh cẩn thận. Khi đã có đủ bằng chứng cho thấy anh ăn trộm, thì dù anh là ai, người ta cũng phải tuyên bố rằng anh là kẻ trộm. Đó là mạ lỵ sao? Còn việc bà coi những người quan tâm đến cuốn sách, và hai dịch giả đã dịch nó sang tiếng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, là không thuộc “Giới văn học chân chính” mà không hề chứng minh thì không phải là mạ lỵ hay sao?

Về chuyện này, mới đây, tạp chí Critiques của Les Éditions de Minuit, nhà xuất bản từng in cuốn sách của Voloshinov dưới tên Bakhtin năm 1977, mới đây đăng bài của Bakhtin tên tuổi ấy thuộc về ai của Laurent Jenny. Tác giả bài báo nhận xét về cuốn sách: “Giọng điệu cay nghiệt, tuy phân tích vẫn cực kỳ nghiêm túc”, “Nhưng không nên lấy giọng điệu mạnh mẽ, đôi khi giận dữ, làm cái cớ để tránh đối diện với những vấn đề được đặt ra. Các sự kiện phải được công nhận và phải dùng để tương đối hóa việc sùng bái Bakhtin trong quá khứ, đồng thời trả lại cho các tác giả thật những công trình và những tư tưởng mà họ đã bị tước đoạt”.

Laurent Jenny kết luận: “Không dễ dàng, cũng không dễ chịu, khi phải từ bỏ sự ngưỡng mộ [dành cho Bakhtin] từng được chia sẻ bởi cả một thế hệ, nhất là khi rất nhiều tên tuổi lớn đã tham gia vào việc xây dựng nên sự ngưỡng mộ ấy, và khi sự ngưỡng mộ đó đã tạo cảm hứng cho biết bao nhiêu công trình. Tuy nhiên, các thông tin tích lũy được mà ngày nay chúng ta có đang buộc chúng ta phải từ bỏ, vì sự trung thực của trí thức và vì sự thật”[3].

 

5. Nguồn gốc ý kiến của bà Thụy Khuê

 

Không đọc cả Bakhtin lẫn cuốn sách của Bronckart và Bota, vậy bà Thụy Khuê dựa trên căn cứ nào? Thì đây, mấy câu phán xét hời hợt của bà chỉ là lặp lại ý của Serge Zenkin:

“…hai tác giả Thuỵ Sĩ không biết tiếng Nga, điều đó, tất nhiên, sẽ khiến cho sự phân tích của họ giảm giá trị: hãy hình dung một nhà cổ văn học không biết tiếng Hy Lạp mà lại cả gan bàn luận về “vấn đề Homer”!”[4]

Còn bà Thụy Khuê thì viết:

“Hai tác giả người Thụy Sĩ này viết tiếng Pháp, để “chứng minh” Bakhtin “đạo văn” qua các bản dịch văn và lời nói của Bahktin từ tiếng Nga sang tiếng nước khác, vì họ không rành hay không biết tiếng Nga. Sự việc này chẳng khác nào một người Pháp “chứng minh” Nguyễn Du đạo văn qua một bản dịch truyện Kiều sang tiếng Pháp, với những lời tuyên bố của Nguyễn Du được dịch sang tiếng Pháp”.

Điều buồn cười là bà Thụy Khuê không biết tiếng Nga, nên khi phê phán hai tác giả Thụy Sỹ không biết tiếng Nga, phải dựa vào các bản dịch, bà lại dựa vào… bản dịch!

Nếu đọc sách, bà Thụy Khuê sẽ biết rằng việc chứng minh Bakhtin đạo văn không phải riêng Bronckart và Bota làm, mà đã được nhiều người chứng minh bằng cách so sánh các nguyên bản bằng tiếng gốc. Poole (1998, 2001) Matejka (1996) đều chỉ ra sự đạo văn của Bakhtin bằng cách so sánh tác phẩm tiếng Nga của ông với tác phẩm tiếng Đức của Scheler,  Hartmann, Christiansen, Spitzer, Cassier... Hai tác giả Thụy Sỹ chỉ làm một việc là tổng hợp chúng lại. Về phần họ, sau khi đã có bằng chứng chứng minh rằng Bakhtin không phải là tác giả thật của các tác phẩm ký tênVoloshinov và Medvedev, họ bổ sung bằng kết luận: Voloshinov và Medvedev chính là những người bị Bakhtin đạo văn nhiều nhất.

Thật ra, những ai đọc cuốn sách của hai tác giả Thụy Sỹ sẽ thấy rằng sự phê phán của Zenkin về những “chỗ dịch sai, trái nghĩa” chẳng qua là vài chi tiết vụn vặt, không hề ảnh hưởng gì đến cuốn sách. Giống như khi có một người phụ nữ được giới thiệu là nhà phê bình văn học, bỗng có người nhặt một chiếc lông chim trên áo bà ta và tuyên bố “Vật thể này không liên quan gì đến văn chương, vậy không thể giới thiệu bà ta là nhà phê bình văn học được”.

Sự so sánh vụ Bakhtin với trường hợp Homère và Shakespeare cũng là lặp lại ý của Zenkin. Nhưng sự so sánh ấy chẳng qua cũng là một lối đánh tráo. Tôi đã bàn về chuyện này và bài viết của Zenkin trong bài Bakhtin, Voloshinov và Medvedev: Vấn đề tác quyền và những lý do lịch sử của một huyền thoại[5], xin không nhắc lại ở đây.

 

6. Lời cuối

 

Tôi viết những dòng này cũng là cực chẳng đã. Theo tôi, và chắc là ai cũng đồng ý, rằng trong nghiên cứu, chân lý phải đặt lên cao nhất. Chắc là bà Thụy Khuê không đọc tôi, và dĩ nhiên bà không có nghĩa vụ phải đọc. Nhưng nếu bà hạ cố đọc thì sẽ thấy rằng những bài viết của tôi đều có dẫn chứng, trích dẫn rất cẩn thận. Nếu bà Thụy Khuê hoặc bất kỳ ai thấy có điểm gì sai trong các bài viết của tôi, xin hãy chỉ bảo, tôi sẵn sàng chấp nhận nếu có chứng cứ thuyết phục. Tương tự như vậy với cuốn sách của Bronckart và Bota. Nhưng trước khi phê bình, người ta cần phải đọc.