Vấn Đề Cải tiến Chữ Viết hay là Tư Duy Nước đôi và
Tâm lý “Khen Cho Nó chết” của người Việt

 

Nguyễn Trọng Bình

 

 

1. Truyền thông, đám đông, nạn nhân và thủ phạm

Trước hết, phải nói rằng đề xuất cải tiến chữ viết tiếng Việt của PGS TS Bùi Hiền đang tạo ra cuộc tranh luận trái chiều trên khắp cả nước có công rất lớn hệ thống truyền thông nước nhà. Đầu tiên là một vài anh chị nhà báo vì đã rất khôn khéo khai thác và dẫn dắt đám đông bằng những thủ thuật rất tinh vi và điêu luyện. Bởi lẽ, đề xuất cải tiến chữ viết của PGS Bùi Hiền vốn đã được đề cập trong kỷ yếu Hội thảo ngôn ngữ học tại trường Đại học Quy Nhơn cách đây gần hai tháng.

Tuy nhiên, tại Hội thảo ấy đề xuất kia không được các nhà nghiên cứu quan tâm nhiều. Vì theo họ, vấn đề mà PGS Bùi Hiền đặt ra là không mới và hoàn toàn không khả thi, không thật cần thiết. Ấy vậy mà chỉ bằng vài thủ thuật giật tít để câu view đơn giản, một vài tờ báo đã tạo ra một “cơn bão trong tách trà” (như lời của GS Hoàng Dũng) trên khắp các trang mạng xã hội! Vì như một thói quen thường thấy, kể từ khi mạng xã hội bùng nổ, đám đông ngay lập tức mạnh ai nấy thể hiện sự nhanh nhạy và hiểu biết mang tầm “bách khoa toàn thư” của mình. Những lời khen, tiếng chê ngay lập tức nhảy ra khỏi bàn phím. Vậy là, thêm một lần nữa các anh chị phóng viên báo đài lại có dịp khai thác. Câu chuyện học thuật giờ đây được đính kèm thêm câu chuyện về “văn hóa tranh luận”, “văn hóa phản biện” rất chi là xôm tụ. Có người bảo PGS TS Bùi Hiền và những người thuộc phe ủng hộ ông giờ đây đang trở thành nạn nhân của một đám đông chỉ biết chê bai ném đá và nhất là không có văn hóa tranh luận, luôn bảo thủ và kỳ thị cái mới... Thế nhưng, ngẫm kỹ lại sẽ thấy không phải thế. Ông Bùi Hiền lẫn đám đông của cả hai phe ủng hộ và phản đối ông tất cả đều là nạn nhân của nền báo chí vốn rất “kén chọn đề tài” (nhất là những đề tài liên quan và có ảnh hưởng đến vận mệnh của quốc gia dân tộc) nhưng lại thừa mưu mẹo trong việc dẫn dắt đám đông dân chúng.

2. Sự bảo thủ trong lời khen hay tiếng chê đâu mới thực sự là tính xấu của người Việt?

Từ khi có mạng xã hội đến nay, mỗi khi có vấn đề nào đó gây tranh cãi, nhiều người thường hay lên tiếng phê phán những người chưa chi đã vội chê bai và “ném đá” người khác mà không chịu tìm hiểu hết ngọn nguồn sự việc. Thế nhưng, ở chiều ngược lại, rất hiếm khi thấy có sự phê phán hay sự cảnh tỉnh nào dành cho những người cũng chưa chi đã vội vàng đưa ra những lời khen vô tội vạ nhằm chứng tỏ bản thân mình cấp tiến và luôn ủng hộ cái mới. Hoặc những người trước một vấn đề nào đó hầu như chỉ dám khen, chê theo kiểu tư duy nước đôi.

Thực ra, mà nói mọi sự khen, chê trong vội vàng tất cả đều nguy hại như nhau. Thậm chí trong nhiều trường hợp những lời khen vội vàng có khi còn nguy hại hơn những lời chê rất nhiều lần. Bởi vì khen như thế dễ tạo ra sự ảo tưởng cho đối tượng được khen, nói như cố nhà văn Nguyễn Khải thì khen như thế là “khen cho nó chết”. Hay nói khác đi, trên thực tế lời khen của người Việt thực ra cũng có lắm vấn đề để bàn. Ví như có những chỗ đáng khen thì không thấy khen, chỗ không đáng thì lại khen và tâng bốc đến tận mây xanh. Hay khen người khác nhưng kỳ thực là để chứng tỏ mình là “bậc bề trên”, chuyện gì cũng am tường, thông suốt; hoặc tuy cũng khen nhưng là khen cho có, khen xã giao, khen lấy lòng, khen để sau này người ta sẽ khen lại; … Và dù khen để tâng bốc nhau nhưng cũng không hẳn là đã thực sự tôn trọng nhau. Thậm chí có không ít người, ngoài miệng thì khen nhưng trong lòng thì coi khinh, chờ cơ hội là sẵn sàng ra tay để hạ bệ nhau. Khen như thế dân gian gọi là là khen đểu.

Như đã nói, từ khi có mạng xã hội, mỗi khi có việc gì không hài lòng, nhiều người Việt liên tỏ thái ngay lập tức mà nhiều người gọi là “ném đá”, chê bai người khác. Hiện tượng này là có thật nhưng nói cho cùng nó chỉ diễn ra trên không giản ảo – nơi mà chẳng ai biết mặt ai. Chứ thực ra khi đối diện với nhau trong không gian thực theo kiểu “ba mặt một lời” thì người Việt lại ít khi như vậy. Tại sao người Việt lại có tâm lý này xin được lý giải vào dịp khác. Vấn đề ở đây là, khi thấy nhiều người gần đây hay tỏ thái độ chê bai trên không gian mạng nên có không ít ý kiến cho rằng người Việt bảo thủ, kỳ thị với “cái mới”, “cái khác”? Điều này đúng không? Theo tôi là chưa đủ cơ sở để khẳng định như vậy.

Ngược lại, nhìn lại lịch sử mấy nghìn năm, có lẽ phải nói rằng Việt Nam là một dân tộc rất “hồn nhiên” và “vô tư” trước những cái mới của thiên hạ. “Hồn nhiên” và “vô tư” đến mức không ngần ngại bê nguyên xi những phát minh, phát kiến hay sản phẩm của người khác về xài mà chẳng thèm quan tâm đến chuyện bản quyền và sở hữu trí tuệ của người ta. Ngoài ra, người Việt còn là một “bậc thầy” trong chuyện coppy, “cắt dán”, “xào chẻ” sản phẩm của người khác để biến thành sản phẩm của mình. Trong cái nhìn tích cực nhất, người Việt cũng là một dân tộc chịu khó dung nạp và Việt hóa những tư tưởng, văn hóa của các dân tộc khác trong quá trình giao lưu và tiếp biến. Những vấn đề này, chúng ta có thể dễ dàng kiểm chứng trong thực tiễn, đời sống hàng ngày.  

Thế nên, một cách nghiêm túc nhất, nếu phải chỉ ra một trong những tính xấu làm cho xã hội và đất nước Việt Nam trì trệ thì theo tôi, đó chính là sự bảo thủ trong lời khen chứ không phải ở tiếng chê của người Việt. Hãy nhìn xem, mấy ngàn năm qua dân tộc này lúc nào không tự khen mình là thông minh, cần cù, dũng cảm…? Hay như khoảng vài chục năm trở lại đây, những người lãnh đạo cầm quyền của đất nước có bao giờ thôi tự khen mình đâu? Lúc nào mà Đảng ta không “tài tình và sáng suốt” hay Đảng là “niềm tin”,  là “hi vọng”…?

3. Tư duy nước đôi và “khen cho nó chết”

Đến thời điểm này, có thể thấy sau khi có sự lên tiếng chính thức của các nhà nghiên cứu nhất là nhà ngôn ngữ học hàng đầu như: GS Hoàng Dũng, GS Nguyễn Đức Dân, nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân; một số bài viết trên các trang cá nhân của tác giả như Bác Văn Vương, GS Trần Đình Sử, TS Chu Mộng Long, nhà nghiên cứu Nguyễn Hoàng Đức… cho chúng ta thấy hóa ra phe ủng hộ và khen ngợi đề xuất của PGS Bùi Hiền cũng rất vội vàng và ấu trĩ trong nhận thức.

Cũng chẳng khác gì phe “ném đá”, những người nhanh nhảu dành sự khen ngợi cho ông Bùi Hiền tất cả đều rất cảm tính chứ hoàn toàn cũng không đủ năng lực về chuyên môn để nhận ra những sự bất hợp lý trong toàn bộ đề xuất cải tiến chữ viết của ông Hiền. Lẽ ra, nếu bình tỉnh và biết kiểm soát bản thân tốt hơn họ sẽ không vội vàng lên tiếng ủng hộ đề xuất của ông Hiền như vậy.

Và nếu biết tự trọng, lẽ ra họ phải biết kiên nhẫn để chờ nghe ý kiến của các nhà ngôn ngữ học thực thụ trước bởi đây là vấn đề thuần túy về học thuật chuyên sâu. Đằng này chưa chi họ đã khẳng định đề xuất của ông Hiền là ý tưởng mới trong khi đó, với cái nhìn của các nhà ngôn ngữ học chuyên nghiệp thì đây là vấn đề cũ mèm.

Sự vội vàng này của họ đương nhiên là cơ hội béo bỡ cho giới truyền thông lợi dụng và khai thác để tạo ra “cơn bão trong tách trà”. Điều đáng nói là, sau khi thấy mình bị hố họ lại hướng câu chuyện sang vấn đề “văn hóa tranh luận”; cho rằng đám đông ném đá ông Bùi Hiện là quá khích, quá bảo thủ, kỳ thị cái mới…chứ cũng bảo thủ không chịu thừa nhận chính những lời tung hô vội vàng của mình cũng nguy hại không kém gì sự vội vàng “ném đá” của phe không đồng tình.

Dĩ nhiên ở đây, chúng ta không cổ vũ cho việc công kích và xúc phạm cá nhân PGS Bùi Hiền của phe không ủng hộ nhưng riêng trong trường hợp này cũng nên thông cảm cho họ. Vì sao như vậy? Theo tôi, về chuyện này có lẽ bài viết của TS Chu Mộng Long đã phân tích khá kỹ lưỡng và thấu đáu.

Một vấn đề khác, trong cuộc tranh luận này cũng cho thấy một tính xấu của người Việt nữa, đó là kiểu tư duy nước đôi của một số trong khi chê và khen. Trong cuộc sống và đặc biệt là trong khoa học, kiểu tư duy nước đôi nói cho cùng chẳng giúp gì cho sự phát triển của khoa học cùng sự tiến bộ của xã hội. Vì tư duy nước đôi nói thẳng ra đó là kiểu tư duy ba phải, láu cá…Trước một vấn đề nào đó, để tỏ ra mình thận trọng nên không ít kẻ không dám nói ra hết những suy nghĩ thực của mình; hoặc không thì làm ra vẻ khệnh khạng, kiểu “người khôn ăn nói nữa chừng/để cho người dại nửa mừng nửa lo”. Hoặc không nữa thì để bản thân được an toàn nên chỗ này khen một tí, chỗ kia chê một tẹo… Đất nước ta mươi năm qua đã đạt được những thành tựu to lớn, tuy nhiên bên cạnh đó còn những mặt tồn tại chưa đáp ứng kỳ vọng mong mõi của nhân dân; tham nhũng là vấn đề ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ, phải kiên quyết ngăn chặn nhưng phải thận trọng, chống tham nhũng nhưng phải giữ sự ổn định; “đánh chuột đừng để vỡ bình”… Những cách nói như thế này chính là biểu hiện cụ thể nhất của tư duy nước đôi. Vì cách tư duy này nên đất nước sẽ muôn không thể phát triển và nạn tham nhũng chắc chắn sẽ luôn giữ ở mức.. “ổn định”!

Quan sát cuộc tranh luận liên quan đến đề xuất cải tiến chữ viết của PGS Bùi Hiền sẽ thấy có không ít ý kiến có tính tư duy nước đôi như thế. Thậm chí có người còn đánh tráo giữa vấn đề nghiên cứu khoa học với chuyện tuổi tác của PGS Bùi Hiền. Kiểu như hãy thông cảm dù sao ông cũng đã lớn tuổi, cũng có đóng góp cho sự nghiệp giáo dục nước nhà, hay ông đã nghiên cứu vấn đề này 30 năm rồi… Thử hỏi, người cao tuổi thì được quyền ưu ái kể cả khi anh làm sai à? Thậm chí cái sai đó của anh nếu không quyết liệt và kịp thời ngăn chặn sẽ dẫn đến nguy cơ gây tổn hại cho cả dân tộc?

Đúng ra trước một vấn đề quan trọng trong khoa học như vậy, không cho phép những kiểu tư duy nước đôi mà nhất định cần một sự phản biện nghiêm túc để có thể đi đến tận cùng của sự việc trên tinh thần khoa học. Nếu không chẳng những vấn đề khoa học đặt ra không được giải quyết đến nơi đến chốn mà còn gây ra sự ngộ nhận vảo tưởng cho tác giả nghiên cứu lẫn đám đông công chúng bình dân. Trong chuyện này đúng ra, phải quyết liệt đặt câu hỏi phản biện và buộc PGS Bùi Hiền trả lời vì sao suốt 30 năm nghiên cứu nhưng ông lại đề xuất một vấn đề mà hầu hết tất cả những chuyên gia ngôn ngữ học đều khẳng định là không mới và không có tính khả thi? (Bởi lịch sử trước đây cũng đã có nhiều trường hợp như thế thậm trong số ấy có những học giả đặt vấn đề và lập luận còn chặt chẽ hơn ông?)

Hay, đồng ý là chữ viết tiếng Việt có những bất cập nhưng về mặt khoa học, đặc biệt là tính bức thiết của vấn đề nghiên cứu cũng như thực tiễn sử dụng ngôn ngữ trong thời điểm hiện tại thì có cần phải xóa bỏ tất cả cách viết tiếng Việt như hiện nay như đề xuất của ông không? Vì một khi đặt vấn đề “cải tiến” toàn bộ hệ thống chứ viết nghĩa là đã ngầm khẳng định sự tệ hại và không thể chấp nhận được của cách viết tiếng Việt hiện nay?

 Nói khác đi, trong khoa học nào đáng chê và buộc phải chê cũng nên mạnh dạng chê; chê để cho tỉnh người ra và không bị lạc lối. Dĩ nhiên chê phải có cơ sở và sòng phẳng, vô tư, khách quan. Thế nên, có thể thấy trong trường hợp này, chính cách tư duy nước đôi của một số người chính là nguyên nhân gây nhiễu và rối loạn thông tin cho những đối tượng không có chuyên môn đặc biệt là đám đông dân chúng.

Không dừng lại ở đó, có nhà khoa học tuy miệng thì lên án, chỉ trích những người khác “ném đá” PGS Bùi Hiền nhưng bản thân mình cũng “ném đá” bằng ngôn từ rất hoa mĩ, nghe qua tưởng là nhẹ nhàng nhưng thực ra là rất  ác liệt:

“Nếu là một nhà nghiên cứu ngôn ngữ am hiểu sâu sắc vấn đề thì sẽ không bao giờ đưa ra đề xuất cải tiến chữ viết mang tính đảo lộn”. 

Thử hỏi, nói như thế này thì có khác gì đang chửi cha người ta (không phải nhà ngôn ngữ, không am hiểu sâu sắc). Mới biết “ném đá” bằng ngôn từ hoa mĩ về bản chất cũng chẳng khác gì “ném đá” bằng ngôn từ thô kệch hay tục tĩu. Nhưng “ném đá” bằng ngôn từ hoa mĩ, trong nhiều trường hợp còn cho thấy sự trí trá, thâm hiểm và láu cá của kẻ ném đá.

4. Thay lời kết

Trong cái nhìn tích cực nhất, cá nhân người viết bài này cho rằng qua cuộc tranh luận này một lần nữa cho thấy nhờ có mạng xã hội mà người Việt hôm nay đã dần dần bộc lộ hết “bản chất thật” của mình. Dù tốt hay xấu thì đây cũng là cơ hội để chúng ta nhìn lại, tự nhận thức lại chính mình, dân tộc mình. Điều tôi đang lo là sắp tới đây tất cả chúng ta còn có cơ hội tự do tranh cãi như thế này nữa hay không nếu như dự luật An ninh mạng với đề xuất buộc các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài phải đặt máy chủ ở Việt Nam để chính quyền kiểm soát và kiểm duyệt. Đây là gì nếu không phải là kiểu tư duy nước đôi của những bộ óc lãnh đạo “tài tình sáng suốt” nước nhà?

CT, 29/11/2017

--------

Tham khảo:

1. Bác Văn Vương, “Ngôn luận, sáng tạo: xin gọi cho đúng tên”. Xem tại: https://bacvanvuong.blogspot.com/2017/11/ngon-luan-sang-tao-xin-goi-cho-ung-ten.html

2. Hoàng Dũng, “Đường dẫn xuống địa ngục lót toàn bằng thiện ý” – về một đề xuất cải tiến chữ Quốc ngữ. Xem tại: https://www.facebook.com/dzung.hoang.501

3. Chu Mộng Long, “Về cải tiến chữ Quốc Ngữ theo sáng kiến của Bùi Hiền”. Xem tại https://www.facebook.com/Chumonglong/posts/1942481972432703

4. Chu Mộng Long, “Vì sao thiên hạ chửi ông Bùi Hiền”. Xem tại: https://www.facebook.com/Chumonglong/posts/1943664548981112

5. Trần Đình Sử, “Một đề xuất có tính hủy hoại văn hóa”. Xem tại: https://www.facebook.com/profile.php?id=100005255232519

6. Paul Nguyễn Hoàng Đức, “Ngôn ngữ đứng ngoài ngữ pháp là ma cà bông”. Xem tại: https://www.facebook.com/profile.php?id=100005255232519

7. Hiền Hòa,Tiếng Việt mà thành Tiếq Việt sẽ đứt gãy văn hóa dần dần”. Xem tại: https://tuoitre.vn/tieng-viet-ma-thanh-tieq-viet-se-dut-gay-van-hoa-dan-dan-20171127112804828.htm

8. “Có cần thay đổi cách viết tiếng Việt?” Xem tại: https://thanhnien.vn/giao-duc/co-can-thay-doi-cach-viet-tieng-viet-904014.html

9. “Nếu đủ sức thuyết phục, Tiếng Việt viết thành Tiếq Việt cũng có sao?” Xem tại: https://thanhnien.vn/giao-duc/neu-du-suc-thuyet-phuc-tieng-viet-viet-thanh-tieq-viet-cung-co-sao-903688.html

10. “Đề xuất cải tiến giáo dục thành záo zụk: không nên cải tiển chữ viết”. Xem tại: https://news.zing.vn/de-xuat-giao-duc-thanh-zao-zuk-khong-nen-cai-cach-chu-viet-post799144.html

 

 Tác giả gởi cho viet-studies ngày 29-11-17