Người Việt và Bệnh “Rối loạn Niềm tin”

Nguyễn Trọng Bình

 

Người Việt mấy mươi năm qua phải sống trong một xã hội do một Đảng duy nhất nắm quyền lãnh đạo. Lâu nay và đặc biệt là sau mỗi kỳ đại hội, các cơ quan tuyền truyền của Đảng thường công khai khẳng định “toàn dân” hay “đại bộ phận nhân dân trên cả nước rất phấn khởi và tuyệt đối tin vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng”. Thực tế có đúng như vậy không? Làm sao để biết người Việt hôm nay thật sự tuyệt đối tin Đảng hay tin ai và tin vào điều gì nhất? Thiển nghĩ, rất khó để có đáp án chính xác cho câu hỏi trên nếu như chưa có một cuộc trưng cầu dân ý công khai, minh bạch trước toàn thể 90 triệu dân. Tuy vậy, với những gì đã và đang diễn ra hiện nay, ở phương diện và góc nhìn văn hóa, có thể nói người Việt hôm nay đang bị “lạc đường” vì mất phương hướng. Hay nói như giới truyền thông và một số nhà nghiên cứu văn hóa thì người Việt hôm nay đang bị “khủng hoảng niềm tin”.

1. Một vài biểu hiện cụ thể

Chuyện thứ nhất, hiện nay có một “nhà phê bình” nọ, qua blog cá nhân tự nhận mình “chuyện gì cũng biết” rồi viết bài nhục mạ, chửi bới, xúc phạm tất cả nhân sĩ trí thức trên cả nước mà theo ông ta là bọn “phản động”, “chống Đảng”,... Điều đáng nói là, một mặt “nhà phê bình” nói tin Đảng (dù không là Đảng viên); viết bài ca ngợi, xu nịnh các lãnh đạo Đảng hết lời nhưng mặt khác lại sùng bái và tôn thờ một người phụ nữ nào đó mà theo ông là hiện thân của “Phật Bà” xuống trần gian (nhằm cứu khổ, cứu nạn chúng sinh nước Việt). Trong suy nghĩ của “nhà phê bình”, ở Việt nam hiện nay chỉ có Đảng và người phụ nữ kia là đáng tin còn tất thảy đều là “sâu, bọ, rắn, rết” hết. Thậm chí, “nhà phê bình” còn tin “nữ Bồ Tát” kia hơn cả Đảng (có lẽ trong Đảng đang tồn tại “một bộ phận không nhỏ” bị suy thoái chăng?). Vì thế, “nhà phê bình” ra sức viết bài tôn vinh công đức và “bảo vệ” Bồ Tát của mình bằng cách mắng nhiếc tất cả những ai có ý hoài nghi những điều ông nói. Đọc ông mà không thể nhịn cười, vì nếu đã là Bồ Tát, là Thánh Thần thì sợ gì bọn phàm trần mắt thịt hãm hại mà ông phải lo lắng và “bảo vệ” chứ? Hơn nữa, một người tự nhận là “trí thức chính hiệu”; là đệ tử của Bồ tát (vốn từ bi hỉ xả) nhưng mở miệng ra là chửi rủa, sỉ vả tất cả những ai không cùng quan điểm với mình bằng lời lẽ của dân chợ búa (mà không biết rằng đang gây ra “nghiệp khẩu” theo như giáo lý nhà Phật). Ngoài ra, nếu thật sự “Phật bà” kia của ông có khả năng thấu thị mọi lẽ vậy sao không cầu xin “Phật Bà” hiến kế giúp cho “Đảng ta” đối phó với người Trung Quốc đang xâm lấn và bắn giết đồng bào ngư dân ta ngoài biển Đông? Làm được như vậy thì mới thật sự là “cứu khổ cứu nạn” chúng sinh và dân tộc này chứ?  

Chuyện thứ hai, chuyện này liên quan đến những phát ngôn của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh thời gian qua các cơ quan truyền thông cả lề phải lẫn lề trái đều trích dẫn. Ông Bộ trưởng khi bàn về thể chế kinh tế lẫn chính trị ở VN hiện nay đã không ngần ngại cho rằng “làm gì có cái đó mà đi tìm”. (Cũng cần phải nói thêm, trước ông Bùi Quang Vinh có không ít người trong hàng ngũ lãnh đạo của Đảng đã bày tỏ sự nghi ngờ này. Và hiện nay cũng có không ít người có chung suy nghĩ như vậy nhưng có lẽ, do cuộc sống riêng tư họ buộc phải giả vờ câm điếc, cố đấm ăn xôi không dám công khai nói ra trên các diễn đàn chính thống mà thôi). Qua đây, ít nhiều đã cho thấy sự hoài nghi, hoang mang về con đường đi lên CNXH của dân tộc hiện nay trong nhận thức của ông Bộ trưởng. Nói cách khác, hóa ra từ trước đến nay, ngay cả những người “trong cuộc” của Đảng cũng không tin những điều mà họ đã, đang và sẽ làm đối với đất nước và nhân dân!

Chuyện thứ ba, cách đây mấy năm người viết có quen một anh bạn vốn là giảng viên ngành điện tử viễn thông ở một trường đại học nọ. Làm nghề dạy học nhưng anh này rất “máu me” kinh doanh. Lần đó, anh bạn hào hứng kể đang ấp ủ một kế hoạch kinh doanh, làm giàu trong tương lai. Anh nói, hiện tại đã mua một miếng đất ở ngoại ô TP để chuẩn bị xây một... ngôi chùa. Trong khi chờ gom góp đủ tiền và xin thủ tục xây dựng anh nói sẽ mua vài cây cổ thụ về trồng trên mảnh đất kia. Tiếp theo, anh sẽ cho dựng lên một ngôi miếu nhỏ chỗ gốc cây cổ thụ giữa miếng đất nhằm tạo nên cái không gian kì bí, huyễn hoặc, linh thiêng... cho chiến lược kinh doanh của mình sau này. Thì ra, sở dĩ anh phải làm động thái này trước là để nhằm mê hoặc và chiêu dụ bá tánh thập phương đến viếng Chùa cúng tế về sau. Đến đây hẳn mọi người đã hiểu được “ý tưởng kinh doanh” của anh ta là gì. Có lẽ chỉ những con người trong thời đại XHCN hôm nay mới có thể nghĩ ra cái ý tưởng làm giàu “độc nhất vô nhị” đến cả Thần Thánh cũng không ngờ tới này!?

Chuyện cuối cùng, mới đây nhất, hôm rồi thấy anh bạn hàng xóm (là một luật sư) đi chợ mua hoa quả, nhang đèn về chuẩn bị cúng rằm tháng Giêng, người viết bài này mới đùa vui rằng: “chắc làm nhiều chuyện ác quá nên giờ mua hoa quả cúng Phật sám hối chứ gì?”. Nghe vậy, ngay lập tức anh bạn trả lời không một chút đắn đo: “Bây giờ không tin Đảng nữa thì cũng nên tin vào thần Phật chứ! Mà ông thử nhìn đi, trên đất nước này đâu phải chỉ mình tôi đâu!”.

Những câu chuyện trên nói lên điều gì?

Qua những chuyện trên có thể nói, người Việt (đủ mọi thành phần) hôm nay dường như đã rất hoang mang, mệt mỏi và cạn kiệt niềm tin về những mục tiêu, lý tưởng trong cuộc sống. Không khó để nhận ra, nhiều người ngoài miệng thì bảo “Đảng là ánh sáng, là niềm tin” nhưng trong đầu thì hoàn toàn không phải vậy. Hay khi vào cơ quan, công sở thì mang Nghị quyết của Đảng ra “nghiên cứu” nhưng khi bước vô quán nhậu; vào các đền, chùa, miếu mạo thì những lời lẽ hay ho trong các bản Nghị quyết đã vụt bay khỏi đầu lúc nào không hay. Thay vào đó là những cuộc bàn luận chửi bới lãnh đạo; hay tranh nhau vái lạy, cúng tế như thể “hối lộ”, “đút lót” Thần Thánh. Vì thế, mới có chuyện trong các lễ hội người ta tranh nhau cướp phết, cướp ấn đền Trần (vừa rồi còn có thêm dịch chuyển phát nhanh ấn đền Trần trong và ngoài nước – thật hết chỗ nói); hay nhét tiền lẻ vào tay thần Phật, lấy tiền quẹt vào máu con lợn vừa bị chém dã man vì tin rằng như thế sẽ được may mắn cả năm... Hóa ra, Đảng và chính quyền Nhà nước vốn là “thực” nhưng khi dân chúng cần thì hóa nên “hư”; còn Thần, Thánh vốn từ chỗ “hư” nhưng trong phút chốc lại trở nên rất... “thực”!

Điều này cũng giống như chuyện anh luật sư không một chút đắn đo nói rằng: “không tin Đảng nữa thì cũng nên tin vào thần Phật”; còn anh giảng viên đại học thì nẩy ra cái ý tưởng “kinh doanh niềm tin” của dân chúng để làm giàu. Hay qua những bài viết của “nhà phê bình” nọ, những người có lương tri và hiểu biết đều dễ dàng nhận ra “nhà phê bình” chỉ giả vờ tin Đảng để xỏ mũi các vị lãnh đạo văn hóa văn nghệ u mê nhằm thỏa mãn thói háo danh và mê tín rất hợm hĩnh của mình. Còn người phụ nữ mà “nhà phê bình” xem như Bồ Tát (cứ cho là cô có một năng lực siêu nhiên mà khoa học chưa lsy giải đi nữa) chẳng qua chỉ là tấm bình phong để ông ta dễ bề “chém gió” mà thôi.

Như đã nói, những biểu hiện trên đây của người Việt, thời gian qua giới truyền thông cùng các nhà nghiên cứu văn hóa nước nhà gọi tên bằng cụm từ “khủng hoảng niềm tin”. Tuy vậy, ở phạm vi hẹp và cụ thể hơn, có lẽ phải gọi đây là căn bệnh hay hội chứng “rối loạn niềm tin” của người Việt mới chính xác hơn chăng?

Sở dĩ nói “rối loạn niềm tin” là vì đây là vấn đề thuộc về bệnh lý (tâm lý) nhiều hơn. Vì sao? Vì trong cả hai trường hợp (tin Đảng hay tin Thần Thánh) của người Việt hiện nay, đa phần đều đang ở trong trạng thái của sự hoang tưởng, mê muội từ đó dẫn đến sự thiếu lành mạnh, thiếu nhân văn thậm chí là man rợ, bất nhân trong hành xử, ứng xử với đồng bào, đồng loại xung quanh. Về chuyện này (hoàn toàn không có ý phân biệt vùng miền nhưng qua thực tế các lễ hội hàng năm) có thể nói, người Việt nhất là đồng bào các tỉnh phía Bắc có vẻ “bệnh” nặng và trầm trọng hơn đồng bào ở trong Nam.

2. Thử tìm nguyên nhân

Nguyên nhân sâu xa

Ở góc nhìn lịch sử - văn hóa, xã hội, bệnh “rối loạn niềm tin” của người Việt có lẽ bắt nguồn từ thời “cải cách ruộng đất” ở miền Bắc – cái thời mà sau này nhà thơ Nguyễn Duy đã khái quát lại qua mấy câu thơ trong bài “Nhìn từ xa tổ quốc”:

“...Xứ sở linh thiêng
sao thật lắm đình chùa làm kho hợp tác
đánh quả tù mù trấn lột cả thần linh

Giấy rách mất lề
tượng Phật khóc Ðức Tin lưu lạc
Thiện – Ác nhập nhằng
Công Lý nổi lênh phênh....”

          “Đình, chùa làm kho hợp tác” hay “tượng Phật khóc Đức Tin lưu lạc” là sự khái quát mang tính biểu tượng rất sinh động và chính xác về sự “đứt gãy văn hóa” (chữ dùng của giáo sư Trần Quốc Vượng) đặc biệt là văn hóa tâm linh của người Việt. Không những vậy đây là sự “đứt gãy” có nguyên nhân từ sự áp đặt và cưỡng bức.

Công tâm mà nói, trong hoàn cảnh đất nước bị đô hộ, sự ra đời của Đảng cùng khẩu hiệu đấu tranh giải phóng dân tộc khỏi xiềng xích nô lệ là vô cùng hợp lòng dân. Tuy nhiên, phương thức tuyên truyền để người dân tin và nghe theo Đảng trong giai đoạn này là một sai lầm rất nghiêm trọng. Giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước là điều ai cũng muốn và sẵn sàng hy sinh nhưng niềm tin, đức tin tôn giáo hàng mấy ngàn, mấy trăm năm của dân tộc mà buộc phải gột rửa, tẩy xóa trong một sớm một chiều (để chứng minh lòng trung thành) là điều không thể.

Ngoài vấn đề trên, có thể nhận ra dấu tích của bệnh “rối loạn niềm tin” của người Việt hôm nay qua bản kê khai hồ sơ lý lịch của mỗi người dân khi đến tuổi trưởng thành. Đó là chữ “không” ngay sau dấu hai chấm của mục kê khai về tôn giáo. Một chữ “không” giản đơn nhưng nói lên rất nhiều điều. Cho dù trên thực tế anh là một con chiên ngoan đạo trước Chúa hay là một Phật tử đi nữa nhưng nếu muốn có một cuộc sống an lành hoặc cơ hội thăng tiến trong hàng ngũ của Đảng và chính quyền thì chữ “không” kia nhất định phải ghi vào. Đây không chỉ là bằng chứng nói lên tất cả những hoang mang, hoảng loạn của người Việt một thời mà đó còn là... đỉnh cao của sự dối trá. Dối trá ngay với chính mình nhằm mục đích làm đẹp lòng Đảng nhưng lại đau lòng Thần Thánh.

Tuy nhiên, đời việc gì đến sẽ đến, giờ đây, sau một chặng dài “quá độ” lê thê, những bài tụng ca về sự “tài tình, sáng suốt” đã trở nên bội thực, thừa mứa. Trong khi đó, soi vào thực tế những lời hay ý đẹp về một Việt Nam “dân giàu nước mạnh xã hội dân chủ, công bằng, văn minh” trong các bản Nghị quyết chẳng qua chỉ là cái khẩu hiệu nói cho sướng miệng mà thôi. Điều này đã làm cho dân chúng thật sự mệt mỏi, chán chường, thất vọng. Từ đó, họ bắt đầu có xu hướng tìm lại, xác định lại niềm tin đích thực của mình. Tuy nhiên, đau đớn và chua xót thay, những kẻ cơ hội thời đại đã nhanh nhạy “ngửi” thấy và nắm bắt được tâm lý này. Một lần nữa, chúng lại nhân danh văn hóa, cấu kết, “đi đêm” với nhau bày ra những chiêu trò phục dựng lễ hội, trùng tu đền đài miếu mạo; song song với đó là xây thêm những tượng đài, lăng tẩm hoành tráng để giăng bẫy người dân. “Có bệnh thì vái tứ phương”, người Việt, vì thế, ngày càng bị cuốn vào cái ma trận của những kẻ “kinh doanh niềm tin” bất nhân kia mà không có cách nào thoát ra được.

          Nguyên nhân trực tiếp

Nguyên nhân sâu xa là vậy, còn về trực tiếp có lẽ phải thừa nhận, từ sau ngày đất nước hòa bình thống nhất đến nay, nước Việt hình như không sản sinh ra một nhân vật nào có tầm ảnh hưởng lớn đối với dân chúng ở phương diện văn hóa, tư tưởng và nhân cách. Nói như GS Trần Hữu Dũng trong một bài viết cách đây mấy năm là Việt Nam đang vào trong thời kỳ “thiếu vắng những nhà văn hóa lớn”.

Đây thực ra là hậu quả tất yếu của một nền giáo dục chỉ chăm chăm vào một mục đích duy nhất là nhồi nhét những mớ kiến thức giáo điều và lỗi thời. Một nền giáo dục không những không dám, không muốn khai phóng mà trái lại còn một góp phần thủ tiêu mọi suy nghĩ và sự sáng tạo của cá nhân thì làm sao sản sinh ra những nhà văn hóa lớn để có thể định hướng, dẫn dắt dân chúng đi theo con đường “chính đạo”. Một đám đông mất niềm tin, mất phương hướng nhưng không có ai dẫn dắt nên sinh ra hỗn tạp, xô bồ, rối loạn âu cũng là một kết cục mang tính tất yếu.

3. Thay lời kết

Có thể nói, dù nhìn ở góc độ nào thì bệnh “rối loạn niềm tin” của người Việt hôm nay đều có chung một điểm: đây là hệ quả tất yếu của sự cưỡng bức, áp đặt niềm tin đối với dân chúng trong đời sống xã hội cụ thể nhất là ở lĩnh vực tư tưởng văn hóa, lịch sử, giáo dục... Nói như cố nhà văn Nguyễn Khải trong hồi ký sau khi mất là: “người dân có cái đầu để suy nghĩ nhưng cũng bị trưng thu luôn”. Hay như trước đó, Hồ Chủ Tịch đã nói “dân chủ là để cho người dân được mở miệng” nói ra những điều họ nghĩ nhưng người ta đã nhẫn tâm “bịt miệng”, “khớp miệng” nhân dân lại. Thế nên, mới có chuyện, cuộc đấu tranh chống bọn xâm lược Trung Quốc tháng 2/1979 của dân tộc được “ưu ái” dành cho vỏn vẹn 11 trang trong sách giáo khoa lịch sử. Nhưng ngược lại với “bọn” “thực dân Pháp” và “đế quốc Mỹ”... thì cho phép mắng chửi thả ga; bất cứ bất lúc nào và bất cứ nơi đâu; ngôn từ càng thậm tệ, càng cay nghiệt càng hay...

Từ đây, nếu phải khái quát cụ thể và sâu xa hơn nữa, phải chăng căn bệnh “rối loạn niềm tin” của người Việt hôm nay có nguyên nhân từ một cái bẫy mang tên “ý thức hệ” mà người láng giềng to xác và nham hiểm kia đã giăng ra để hãm hại dân tộc này cách nay đã mấy mươi năm? Nói khác đi, đây là hệ quả của những lối cai trị thừa độc tài thiếu dân chủ; tự nghĩ ra trong đầu một mục tiêu và lý tưởng nghe qua thì rất hay ho nhưng lại không được kiểm nghiệm qua thực tế lại bắt mọi người phải nghe theo, làm theo hay thậm chí phải tôn thờ nó vì (tự cho) đó là chân lý.

***

Người xưa nói, mọi chuyện hôm nay đều có căn nguyên, có đầu dây mối nhợ của nó trong quá khứ. Cho nên, nếu những giả thiết về những biểu hiện và nguyên nhân của căn bệnh “rối loạn niềm tin” của người Việt (như vừa phân tích ở trên) là đúng thì để giải quyết căn cơ và triệt để vấn đề trên thiển nghĩ chỉ còn một cách duy nhất. Trước hết là phải tìm ra một người có đủ dũng khí; dám gạt bỏ những lợi ích riêng tư, bè phái; đặt lợi ích và sự tồn vong của dân tộc lên trên hết. Sau đó là bình tĩnh và quyết tâm lần ra những đầu mối của cái “mớ” bùng nhùng kia. Nếu nhận thấy chỗ nào còn có thể tái sử dụng được thì cố gắng nhẹ nhàng tháo gỡ nó ra; chỗ nào quá tệ, không thể tái sử dụng được thì tốt nhất là lấy kéo ra và cắt phựt một cái cho xong. Nói như ngôn ngữ của giới trẻ hiện nay là “thà đau một lần rồi rồi thôi chứ không nên dây dưa để rồi đau cả đời”.

 

Cần Thơ, 24/2/2016

Tác giả gởi cho viet-studies ngày 24-2-16