TRƯỜNG SA CỦA TÔI

 

Tùy bút

 

Nguyễn Thị Hậu

 

 

Tiếng kẻng báo động trên “vùng trời bình yên”

 

Chúng tôi lên đảo Sơn Ca vào buổi sáng biển trời thăm thẳm một màu xanh thanh bình. Sau phút chào đón xúc động những ánh mắt những bàn tay xiết chặt, những nghệ sĩ của Trung tâm ca nhạc nhẹ thành phố bắt đầu chương trình văn nghệ phục vụ chiến sĩ. Cùng hát với các ca sĩ trẻ là những người lính đảo. Thật bất ngờ, nói như nghệ sĩ ưu tú Tạ Minh Tâm, MC của chương trình, lính đảo hát hay không thua gì ca sĩ chuyên nghiệp. Những tiết mục nối nhau tạo nên không khí khi sôi nổi khi sâu lắng, trên gương mặt những người lính đảo tràn đầy nét vui tươi hồn nhiên, tưởng như không phải họ là những người đang ngày đêm đối mặt với muôn vàn khó khăn nguy hiểm.

          Khi ca sĩ Yến Nhi đang bay bổng lời ca Từng vòng tay trao hơi ấm, rộn rã, đôi tim mừng vui gặp gỡ, trong ngày mới… của ca khúcVÙNG TRỜI BÌNH YÊN thì bỗng một hồi kẻng dồn dập vang lên. Báo động! Những người khách còn đang ngơ ngác thì chủ nhà đã đâu vào đấy trong nháy mắt. Chưa dứt tiếng kẻng bộ đội đã có mặt đúng vị trí, mũ sắt buộc nghiêm chỉnh, vũ khí trong tư thế sẵn sàng.

Một lúc sau khi kẻng báo yên, nhanh thoăn thoắt, những người lính lại ùa về “sân khấu”, cả chủ và khách lại hồn nhiên tiếp tục Nắm tay ta về vùng trời bình yên…

Đã lâu lắm mới nghe thấy tiếng kẻng báo động dồn dập căng thẳng, tôi chợt nhớ lại những phản xạ quen thuộc của thời chiến: chạy nhanh, nhảy xuống hầm trú ẩn gọn, mũ rơm đội ngay lên đầu. Nhìn những người lính còn rất trẻ nhưng đã thuần thục các thao tác quân sự, ranh giới mong manh giữa thời chiến và thời bình trên đảo này, trên vùng biển này hiển hiện rõ ràng hơn bao giờ hết. Trong cái khoảnh khắc “thời chiến” vừa vụt qua, sự sống bỗng quý giá hơn gấp ngàn lần, sự sống của mỗi con người, của mỗi chàng trai cô gái chỉ như những đứa con của tôi.Bao thế hệ đã làm tất cả để tuổi trẻ được sống trong hòa bình, để không bao giờ họ phải làm quen và thuần thục với thứ phản xạ mà nếu chậm trễ chỉ giây lát sẽ phải trả giá bằng mạng sống của mình.

Cuộc chiến tranh nào rồi cũng qua đi, nhưng hòa bình chỉ thật sự đến khi  những “phản xạ thời chiến” không còn có cơ hội “di truyền” cho thế hệ sau.

 

Màu xanh Trường Sa

 

Chuyến hành trình ra Trường Sa của tôi có thể coi là một “hành trình xanh”, bởi từ đầu đến cuối chuyến đi nhìn đâu cũng thấy một màu xanh bất tận.

Ngày lên đường tòan đòan trong màu áo xanh của lính.Trong màu áo xanh lá quen thuộc ngày nào những cựu chiến binh bồi hồi nhớ lại một thời thanh xuân, thế hệ chúng tôi nhớ lại nỗi vui mừng khi thấy bóng áo xanh của cha của anh ngày về phép. Khóac lên mình chiếc áo màu xanh là tự có ý trách nhiệm chia sẻ cùng Trường Sa thân yêu tất cả những khó khăn vất vả của nơi tiền tiêu đầu sóng ngọn gió.

Những ngày tháng tư âm lịch vẫn còn trong thời gian thuận lợi cho những chuyến đi biển dài ngày, gió nhẹ, nắng nóng.Ra khỏi cửa Cần Giờ là biển hiện ra một màu xanh hiền hòa.Cứ vậy suốt gần ba ngày đầu của hành trình xung quanh là sắc biến xanh biến đổi khôn lường. Mỗi sáng mỗi chiều, nhìn gần nhìn xa… biển xanh nhạt xanh thẫm xanh tím xanh đen… Mỗi ngày vào lúc bình minh và hòang hôn mặt trời đỏ rực phía chân trời, biển chuyển màu vàng cam nhưng chỉ thóang chốc biễn lại trở về với sắc xanh bất tận của mình.

Hành trình miệt mài trên biển cứ ngong ngóng khi một chấm, rồi một dải xanh mờ hiện lên, rõ dần, mọi người lại nôn nao… Đảo của ta đấy, những tên đảo đã thân quen tự khi nào mà bây giờ mới được tận mắt nhìn thấy: Song Tử Tây, Đá Nam, Đá Thị, Sơn Ca, Sinh Tồn, Len Đao, Đá Lát, Đá Tây, Trường Sa lớn… Đảo nổi đảo chìm xanh màu lá trên nền xanh của biển của trời. Ca nô cặp sát tàu đưa từng nhóm vào đảo. Những cái bắt tay siết chặt, những nụ cười những ánh mắt thân thương, và màu áo của những người lính hòa cùng màu áo xanh biển của chúng tôi.

Đảo xanh, có thể gọi tất cả những hòn đảo của Trường Sa như vậy bởi màu xanh của cây lá  có mặt khắp nơi. Trên những đảo nổi có hai lọai cây phổ biến là bàng trái vuông và phong ba. Đặc điểm chung là đều có lá đan nhau rậm rạp, từng chiếc lá to dày che chắn cho nhau dưới ánh nắng như nung. Mùa này bàng trái vuông chưa có nhiều trái, thấp thóang trong đám lá  chùm nụ hoa xinh xắn chờ đêm tối nở bung nhụy lấp lánh như đèn lồng, vài trái non xanh đong đưa trong gió. Mấy anh lính trẻ luyến tiếc vì chưa có trái bàng để tặng cho người từ đất liền vì ai cũng muốn có được một trái bàng vuông mang về làm kỷ niệm. Nhưng thôi, mọi người bằng lòng chụp hình và mang những tấm hình trái bàng vuông về đất liền khoe với bạn bè, để trái bàng kia trên cây cho chúng già đi, hạt lại mọc mầm nảy lên cây mới, mang lại làn gió mát mang lại màu xanh mà sau này ai ra thăm đảo cũng được nhìn thấy cây bàng trái vuông độc đáo.

Trên mấy đảo nổi còn có lớp cát san hô mỏng trên mặt còn các đảo chìm thì chỉ có nhà xây nổi trên mặt nước, nhưng đảo nào cũng xanh trong từng mét vuông mặt đất trong từng mét vuông lấn ra biển cả. Đó là những vuông đất, khay nhỏ đổ đất trồng rau xanh.  Rau trồng bằng hạt theo từng luống nhỏ xíu, chăm sóc từng cây: rau muống, rau cải, mồng tơi là 3 lọai rau được trồng hầu hết trên các đảo. Lính ta nói đùa “rau muống còn thì đảo ta còn, đảo ta còn thì biển trời ta còn”.  Trên Song Tử Tây còn trồng được chuối, ớt, lá lốt, rau ngót… Trên đảo chìm có cả dàn bầu trái sai lúc lỉu, có nơi trồng cả sả, riềng và lá mơ – lọai rau đặc sản chỉ dành cho mấy chú cẩu.Có nơi phải đóng dàn rồi dùng nilon quấn xung quanh vườn rau nhỏ để tránh gió mang hơi nước mặn làm cháy hết lá. Ngay trên nhà dàn DK 1 trong cái vuông đất nhỏ xíu cao hàng chục mét chênh vênh trên mặt biển còn trồng cả hành và thìa là nữa (món cá biển làm sao thiếu rau thìa là?). Nước tiết kiệm qua nhiều lần dùng và lần cuối để tưới rau.Mà  cũng đâu được tưới thỏai mái. Rau cũng như người, chắt chiu từng giọt nước ngọt hứng từ cơn mưa đỏng đảnh thất thường ở Trường Sa hay dành dụm từ những thùng nước ngọt theo tàu từ đất liền ra đảo. Ở nơi đảo xa này mới thấy quý từng giọt nước từng nắm đất, mới càng hiểu hơn hai chữ  ĐẤT NƯỚC  thiêng liêng!

Màu xanh Trường Sa của biển cả, của ngọn rau quê nhà, là gương mặt tỉnh táo người lính đảo dõi canh biển trời, là ánh mắt vời vợi người mẹ người em gửi thương gửi nhớ… Hành trình của chúng tôi đi theo màu xanh Trường Sa đầy sức sống mãnh liệt mà bình dị, bỗng nhớ câu thơ trong bài Văn tế Nghĩa sĩ Cần Giuộc của nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu: “Tấc đất ngọn rau ơn Chúa, tài bồi cho nước nhà ta; bát cơm manh áo ở đời, mắc mớ chi ông cha nó”.Hàng ngàn năm qua mỗi tấc đất mỗi tấc biển đảo là mồ hôi nước mắt, là xương máu tiền nhân.

Màu xanh Trường Sa nhắc nhớ không để ai có thể quên điều đó.

 

Trên biển  và trên đảo

 

Đêm trên biển. Khi hai ngọn đèn pha của tàu tắt hẳn chỉ còn quầng sáng mờ mờ trên đài chỉ huy, một mình trên boong bỗng thấy cả con tàu to lớn là vậy như tan vào không trung, tan vào gió tan vào sóng. Rất lâu, một chấm sáng nhỏ nhoi trên mặt sóng. Có khi chấm sáng lung linh rồi biến mất. Có khi chấm sáng ấy lớn dần lớn dần. Một chiếc tàu đánh cá nho nhỏ chập chờn lướt qua.  Cũng có khi chấm sáng biến thành quầng sáng chiếu thẳng vào đêm đen, một tiếng còi rúc lên, chiếc tàu chở hàng to lớn chầm chậm đi qua. Rồi tất cả lại chìm vào đêm. Vẫn biết tàu đi theo hải trình đã định vậy mà không tránh khỏi cảm giác lo sợ khi xung quanh là màn đêm đen quánh chỉ có tiếng sóng lướt nhẹ dưới thân tàu. Biển mênh mông thế, tưởng như những con tàu luôn cô đơn trên biển… Nhưng không, đồng hành với những con tàu là những ngọn hải đăng.

Vùng biển Trường Sa có nhiều ngọn hải đăng: Song Tử Tây, An Bang, Sơn Ca, Đá Lát, Đá Tây, Trường Sa lớn, Tiên Nữ, Huyền Trân, Phúc Tân, Quế Đường… Có ngọn hải đăng xây trên đảo nổi, có ngọn xây trên đảo chìm, cũng có ngọn chỉ là  đèn biển lắp trên các nhà dàn. Độ cao thấp khác nhau, tầm hiệu lực ánh sáng khác nhau nhưng đều có nhiệm vụ cực kỳ quan trọng giúp tàu bè họat động trong vùng biển định hướng và xác định vị trí của mình, đồng thời canh giữ vùng biển trọng yếu của Việt Nam. Trong chuyến hành trình đi qua nơi nào có hải đăng tôi đều cố gắng leo lên tận nơi để từ đó được ngắm nhìn vùng biển vùng trời bao la đẹp hơn tranh vẽ.

Đi trong mênh mông trời biển, khi nào nghe thấy tiếng còi tàu rúc lên hồi dài là biết đã gần tới đảo.Hồi còi báo hiệu tràn ngập niềm vui. Mọi người đổ ra boong ngóng về phía xa để được nhìn thấy một chấm nhỏ hay một vệt mờ hiện ra, rõ dần lớn dần… Kìa ngọn đèn biển vươn cao vững chãi, kìa những cánh quạt gió như những cánh chim chấp chới, kìa màu xanh của cây bàng trái vuông, của cây bão táp, phi lao… Có đi biển dài ngày mới hiểu nỗi bồi hồi khi thấy đảo như thấy đất liền. Ba hồi còi tàu rúc lên, đã nhìn thấy áo trắng áo xanh của lính đảo nơi cầu tàu.

Lên đảo, việc đầu tiên là đứng trước cột mốc chủ quyền chụp hình kỷ niệm, lại còn “tranh nhau” đứng cạnh người lính đang bồng súng đứng nghiêm bên cột mốc chủ quyền. Đôi lúc quên mất là anh lính đang làm nhiệm vụ, xúm lại hỏi thăm anh, em, cháu, con tên gì quê đâu ra đảo lâu chưa? Vẫn trong tư thế đứng nghiêm, có người trả lời dõng dạc như quân lệnh, cũng có chú lính ngượng ngùng “xin lỗi, con đang làm nhiệm vụ ạ”.Nhưng chỉ ít phút sau được thay ca, và chú lính ào vào náo nức ngắm nhìn người từ đất liền ra.

Trên đảo Song Tử Tây, phía sau doanh trại có mấy cái chuồng gà toàn gà trống, khi được thả ra chúng đập cánh đua nhau gáy ầm ĩ làm lũ vịt đang nằm tránh nắng dưới bóng cây nhao nhao đứng dậy. Hỏi một người lính: sao toàn là gà trống thế hả cháu?

Chú lính trẻ vui vẻ trả lời:

 - Gà mái đi tàu ra đảo bị say sóng chả sống được cô ạ. Tôi đùa:

-       Khổ thân bọn gà trống.

Lỡ lời rồi tôi ân hận ngay khi nghe chú lính nửa đùa nửa thật:

-       Sao cô chả khổ thân bọn cháu, cả năm có nhìn thấy bóng dáng con gái đâu hả cô?

Nhưng cũng cậu lính ấy tếu táo: không sao cô ạ, bọn gà trống ghê lắm, chúng nó toàn đi “yêu” bọn vịt đấy. Không tin cô chờ tí nữa mà xem.

Thế là mấy cô cháu cười vui vẻ.

Để vào được mấy mấy đảo chìm tàu phải neo đậu xa hơn. Ca nô lướt trên mặt biển trong veo nhìn thấy bãi ngầm san hô lô nhô dưới nước. Có khi ca nô gần cập bến thì các chú chó nuôi trên đảo liền phóng xuống nước ra đón khách, chúng ì oạp bơi ra bơi vào, lao lên bờ rũ lông bắn nước tung tóe, dụi cái đầu ướt nhẹp vào bất cứ ai đi gần, hệt như lũ trẻ con mừng mẹ về chợ. Bước lên bờ là bước vào “nhà” cũng đủ nhà bếp phòng ngủ phòng khách. Đứng bên mấy cô ca sĩ trẻ trên ban công đón gió biển, bàn tay anh lính vụng về mà trìu mến đội cho cô gái chiếc mũ hải quân rồi bối rối khi cô đứng gần chụp hình lưu niệm. Mắt tôi nhòe đi… bao giờ bàn tay kia được cài vòng hoa cô dâu lên đầu một người con gái?

Và lính hát, hát cùng nhau và hát cùng ca sĩ.Vừa rối rít nhận đồng hương đấy nhưng khi cất tiếng hát tất cả đều là đồng đội. Không phân biệt đâu là lính đâu là ca sĩ, đâu già đâu trẻ, không phân biệt đâu người Hà Tĩnh Nghệ An với người Sài Gòn An Giang, không phân biệt đâu người Nam Định Bắc Giang đâu người Bình Dương Bình Thuận… Những bản hành khúc một thủa cha anh và những bàn tình ca hôm nay của họ. Có người lính trẻ đứng trong công sự mắt dõi ngoài kia, biển trời vẫn xanh, và bàn chân anh vô tình vẫn nhịp theo bài tình ca quen thuộc.

Thời gian trên đảo qua nhanh lắm, chưa kịp ấm bàn tay đã nghe còi nhắc trở về tàu. Ca nô quay mũi, những bàn tay vẫy. Sẽ còn gặp lại sẽ còn gặp lại. Lời chào chung cũng là niềm hy vọng của mỗi người.

 Đi qua vùng biển Len Đảo – Cô Lin – Gạc Ma, qua vùng biển của những nhà dàn DK,  mọi con tàu đều tổ chức Lễ Tưởng niệm những người lính đã hy sinh bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc. Một buổi lễ thiêng liêng không chỉ là nghi thức mà là tình cảm thật sự của những người còn sống dành cho các anh. Tàu tôi đi vào những ngày đẹp trời, sóng nhẹ gió nhẹ, khi vòng hoa đỏ và những bông cúc vàng được thả xuống trong mờ ảo khói nhang trầm tôi thấy như các anh đang hiển hiện quanh đây… Tiếng còi tàu lại vang lên như nói: Các anh không mất, những người lính đã nằm lại với biển Đông và những người lính đã ngã xuống nơi biên giới phía Bắc, chừng nào chúng ta còn nhớ đến họ, còn tiếp tục những công việc của họ.

           Đất nước ta trọn vẹn một màu xanh. Xanh núi xanh sông xanh rừng xanh biển  bởi trong màu xanh bất tận ấy có màu máu đỏ của biết bao con người.


Tác giả gửi cho viet-studies ngày 13-10-18