Nguyễn Ngọc Tư và hành trình “trở về”

 (Hay là vấn đề tâm thức văn hóa và tư tưởng khuyến thiện trừng ác
 trong sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư)

 

Nguyễn Trọng Bình

 

1. Đặt vấn đề

Tôi thường nghĩ, nhà văn, thật ra ngay từ lúc cái ý nghĩ“mình sẽ viết văn, mình sẽ viết một cái gì đó” bất chợt bật ra trong đầu họ; hay khi họ bắt đầu đặt bút xuống trang giấy, đặt tay lên bàn phím máy vi tính để viết ra, để gõ nên những con chữ đầu tiên là trước đó họ đã trải qua nhũng cuộc hành trình trong tâm tưởng rồi. Điều đó cũng có nghĩa là tác phẩm văn học ra đời cũng chính là cái hành trình trở về sau những cuộc, những chuyến “ra đi” trước đó (vấn đề là trong hành trình trở về ấy nhà văn có mang theo tư tưởng gì độc đáo để chia sẻ với bạn đọc hay không). Cố giáo sư Hoàng Ngọc Hiến từng ít nhiều đề cập về “mối quan hệ” này thông qua việc cắt nghĩa rất hay các câu thơ mở đầu trong truyện Kiều:

Trăm năm trong cõi người ta

Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau

Trải qua một cuộc bể dâu

Những điều trông thấy mà đau đớn lòng!

 

Có thể thấy, để có thể khái quát về:“cõi người ta”, về “một cuộc bể dâu”, về “những điều trông thấy”, về nỗi“đau đớn lòng”… trong truyện Kiều bằng mấy câu thơ trên thì cụ Nguyễn Du đã phải làm rất nhiều những “chuyến ra đi”; còn qua những câu thơ trên chúng ta hiểu thêm “thái độ”, “cái nhìn”, “tư tưởng” (bộc lộ qua giọng điệu, qua thể thơ lục bát)… chính là “hành trình trở về” sau khi đã trải nghiệm cuộc đời, trải nghiệm nhân tình thế thái của cụ Nguyễn.

Hay khi Trịnh Công Sơn viết: “Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi/Đi đâu loanh quanh cho đời mõi mệt” là nhờ trước đó Trịnh Công Sơn đã làm rất nhiều cuộc “khảo sát”, “khảo nghiệm” về tình đời, tình người hay thậm chí “khảo nghiệm chính mình”. Câu (thơ) hát trên thực ra chính là “hành trình trở về” sau “bao nhiều năm rồi còn mãi ra đi” của Trịnh Công Sơn mà thôi.

Cho nên trong văn học cách nói, cách điểm lại, hay nhìn lại các “chặng đường đã qua”, “hành trình đã đi” của những nhà văn nào đó thông qua những “cột mốc” (những tác phẩm cụ thể) theo trình tự thời gian hay bám vào một phát biểu nào đó của nhà văn thật ra cách làm không thuyết phục cho lắm. Bởi lẽ, trong thực tế sáng tác của một nhà văn, tác phẩm ra đời sau có khi lại không hay bằng tác phẩm ra đời trước đó và ngược lại; hay có nhà văn trong cuộc đời có thể viết rất nhiều nhưng đọng lại trong lòng công chúng có khi chỉ một tác phẩm... Vì lẽ đó, nếu muốn làm một cuộc “tổng kết” về “hành trình đã đi” của nhà văn (với nghĩa là tìm và chỉ ra những nét độc đáo) nhất thiết phải chỉ ra được sự thống nhất về tư tưởng nghệ thuật (vừa mang tính ổn định vừa có sự phát triển) trong hệ thống tác phẩm của nhà văn ấy.

Từ vấn đề trên, nhìn lại trường hợp của Nguyễn Ngọc Tư, có thế thấy trên văn đàn nước nhà mười năm qua, nữ nhà văn này gần như là người không những có một “phong độ ổn định” để chạy đường dài mà trong từng thời điểm nhất định còn thể hiện sự “bứt tốp” so với các cây bút truyện ngắn còn lại. Có nhiều yếu tố làm nên thành công ở Nguyễn Ngọc Tư, tuy nhiên, từ góc nhìn văn hóa truyện của Nguyễn Ngọc Tư (dù vô tình hay cố ý) đã ít nhiều chạm vào tâm thức văn hóa của bạn đọc thuộc mọi tầng lớp thông qua tư tưởng mang đầy tinh thần nhân văn: khuyến thiện và trừng ác. Hay nói khác đi, tư tưởng khuyến thiện trừng ác cũng chính là “hành trang” mà Nguyễn Ngọc Tư mang theo trong hành trình viết văn – hành trình “trở về” của mình.

2. Vấn đề tâm thức văn hóa trong truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư

2.1. Một người nước ngoài biết tiếng Việt nếu đọc hai câu thơ trong truyện Kiều: “Đau đớn thay phận đàn bà/ Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung” không khó để giải thích nội dung của hai câu thơ trên thông qua lớp nghĩa từ vựng. Tuy nhiên, họ sẽ gặp khó khăn trong việc giải thích vì sao đại thi hào Nguyễn Du lại viết như vậy, lại thốt lên như vậy nếu không có sự tìm hiểu thấu đáo đằng sau những con chữ ấy là một lớp áo văn hóa đã ăn sâu vào tiềm thức dân tộc, ăn sâu vào tiềm thức Nguyễn Du – lớp áo văn hóa Khổng giáo trong vấn đề “ứng xử” với người phụ nữ trong xã hội cũ nói chung.

Tương tự, khi chúng ta đọc những Ông đồ của Vũ Đình Liên, đọc Chùa hương của Nguyễn Nhược Pháp hay Chân quê của Nguyễn Bính… sẽ bắt gặp đằng sau các con chữ trong những bài thơ ấy lớp áo văn hóa truyền thống ngàn đời của dân tộc dù muốn dù không nó cũng đã ăn sâu trong tiềm thức của những “cái tôi” của các nhà Thơ mới giai đoạn 1930-1945. Và cho dù họ có muốn “cách tân”, có muốn làm một cuộc “thay máu” nền thi ca của dân tộc đến mức nào đi chăng nữa thì những lớp áo văn hóa ấy cũng không bao giờ mất đi; không dễ gì mất đi. Điều này cho phép chúng ta giải thích vì sao các nhà thơ mới thời kì đầu họ rất “hăng hái” trong việc “đả kích” “châm biếm” thơ cũ; “đả kích” nhà thơ Tản Đà. Thế nhưng, sau khi đã giành được “thắng lợi” rồi và nhất là sau khi Tản Đà mất họ mới “nhìn lại” và thấy mình có lúc thật “nông nổi”. Và nhà phê bình Hoài Thanh trước khi bắt đầu tổng kết 10 năm thơ mới đã phải nghiêng mình “rước anh linh hương hồn Tản Đà” về “chứng kiến”.

Khi Nguyễn Ngọc Tư viết: “Mười tám tuổi, anh Hai đã nổi tiếng dám nghĩ dám làm. Quen chị Nhiễm biết chị thích tân cổ, anh đi đào đất mướn, sắm cái loa sắt mắc lên ngọn tràm bông vàng, chiều chiều mở casette cho Minh Vương, Lệ Thủy ca bài “Duyên kiếp” lồng lộng trời Đội Đỏ. Cưới nhau rồi, anh đổi hai chục giạ lúa lấy cây đàn để gảy từng tưng cho chị nghe chơi. Rồi anh đổi năm công ruộng để lấy chiếc máy suốt, đổi những ngày êm đềm bên người vợ trẻ để lang thang giữa đồng khơi, những mong cuộc sống sẽ khá lên… Lần này làm cầu, anh Hai biết mình sẽ phải hi sinh, sẽ phải đánh đổi nhiều thứ lắm. Anh về nhà thưa với má đừng buồn, anh sẽ đứng ra bắc cây cầu qua Đội Đỏ…”  (Qua cầu nhớ người) thì không đơn giản là câu văn vẻ chân dung và việc làm một người đàn ông mà đằng sau nó cũng lại là một lớp áo văn hóa đã hằn sâu trong tiềm thức của chị - văn hóa về con người Nam bộ với cá tính nổi bật: “trọng nghĩ khinh tài” hay dám nghĩ, dám làm, dám chơi… như trong cách nói của dân gian là “xả láng sáng về sớm.

Qua những ví dụ trên, có thể nói, từ góc nhìn văn hóa, nhà văn trong quá trình sáng tác dù muốn dù không họ cũng bộ lộ những yếu tố thuộc về bản sắc văn hóa vào trong tác phẩm trước hết là của cá nhân họ và sau đó là của một cộng đồng, một tập thể, một dân tộc... Vì những lớp áo văn hóa hay bản sắc văn hóa vốn tồn tại trong “vô thức”, trong “tiềm thức” ở mỗi con người nên chúng tôi tạm những yếu tố ấy là tâm thức văn hóa. Tâm thức văn hóa vì thế, vừa mang tính cá nhân vừa mang tính cộng đồng; vừa mang tính cụ thể vừa mang tính phổ quát… Điều này ít nhiều cũng lí giải vì sao một tác phẩm của nhà văn tít bên trời Tây nhưng vẫn có thể tạo được sự đồng cảm đối với người đọc ở ta và ngược lại. (Dĩ nhiên trong sáng tác văn học còn một yếu tố quan trọng nữa đó là tài năng của mỗi nhà văn trong việc “tưởng tượng” và “thiết kế” ra câu chuyện để dẫn dắt người đọc bước vào thế giới của riêng họ.)

2.2. Những năm đầu thế kỷ XXI, khi đất nước bước vào giai đoạn “đổi mới” (từ bao cấp sang kinh tế thị trường) để hội nhập và phát triển một cách toàn diện, dù là “vô tình” hay “cố ý” hẳn chúng ta đều đã chứng kiến có những sự “va chạm” và “đổ vỡ” rất nhiều những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Trên lĩnh vực văn chương, có thể thấy, trong khi có khá nhiều nhà văn hăng hái xung phong vào “mặt trận” phản ánh những sự kiện mang tính “thời sự” của đời sống xã hội thì có vẻ như Nguyễn Ngọc Tư lại lặng lẽ “lùi về” để quan sát, để “chiêm nghiệm”. Sau khi đã quan sát và chiêm nghiệm, Nguyễn Ngọc Tư như thể đã nhận ra cả một xã hội đang lao vào “công nghiệp hóa”, “hiện đại hóa”; mọi người thì lao vào vòng xoáy của cuộc sống để “kiếm tiền” nên chắc chắn sẽ có lúc nào đó họ sẽ mõi mệt, chán chường, chao đảo… Dự cảm và nắm bắt được xu thế ấy, Nguyễn Ngọc Tư bằng tài năng của mình đã nhẹ nhàng “thổi” những cơn “gió lẻ”, những “dòng nhớ”, những “cánh đồng bất tận”, những con “chuồn chuồn đạp nước”, những mảng “khói trời lộng lẫy”… vào trong từng trang viết của mình. Hay nói cách, thông qua những câu chuyện bình dị, chân chất, Nguyễn Ngọc Tư đã khéo léo khai thác những yếu tố thuộc về tâm thức văn hóa của đất nước và con người Việt Nam vì những lý do (chủ quan lẫn khách quan) khác nhau của đời sống “hiện đại” nên ít nhiều đã bị che mờ và phủ lắp; trong hoàn cảnh đất nước và thế giới đang ngày một “nóng” lên và “phẳng” đi; trong hoàn cảnh mà niềm tin, sự trung thực của con người rất thường xuyên “bị đánh cắp” và không được xem trọng thì Nguyễn Ngọc Tư đã rất khôn ngoan khơi gợi và “đánh động nhân tâm” bạn đọc thời “hậu hiện đại” bằng những “món ăn” dân dã, bình dị nhưng lại là “dân tộc”, là “quê hương”. Ở mức độ nào đó, có thể nói không ngoa rằng bằng liều thuốc tâm thức văn hóa dân tộc, sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư đã góp phần giải cứu cho những linh hồn đang “lạc chốn thị thành” [1] thoát khỏi cái “thế giới xô lệch” [2] ngoài kia. Cho nên, ở chỗ này, vì thế, có những cách nói, cách đánh giá sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư là đặc sản miền Nam (Trần Hữu Dũng),hành trình” tìm về cội nguồn”; “một ý thức tìm về với văn hóa truyền thống của cha ông” hay "ở phương diện nào đó, đây là những lời quãng bá và “tiếp thị” bằng văn chương rất độc đáo Nguyễn Ngọc Tư về những nét đẹp của văn hóa làng quê đồng bằng sông Cửu Long.” (Nguyễn Trọng Bình) hoàn toàn có cơ sở. Dĩ nhiên, cũng cần phải hiểu rằng đây cũng chỉ là những "cách nói" mang tính "ước lệ" nhằm trình bày một cách khái quát (một trong những nét độc đáo làm nên phong cách riêng  của Nguyễn Ngọc Tư) sau quá trình tiếp cận truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư từ góc nhìn ngôn ngữ và văn hóa mà thôi. Không nên "máy móc" mổ xẻ từng con chữ ra để rồi bắt bẻ này nọ. Phải hiểu rằng trong nghiên cứu văn học mỗi cách tiếp cận tác phẩm đều có những ưu diểm và hạn chế riêng; mỗi người nghiên cứu tùy vào góc nhìn của mình có thể tiếp cận ở những góc độ khác nhau và kết quả nghiên cứu sẽ là sự bổ sung, bổ khuyết cho nhau có như thế may ra mới "giải mã" được những nét đặc sắc và độc đáo của những hiện tượng văn học; làm cho đời sống văn học thêm phần sinh động, phong phú… 

3. Tư tưởng “khuyến thiện trừng ác” trong truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư

 Đọc Nguyễn Ngọc Tư dù là truyện ngắn hay tạp văn chúng ta đều thấy nổi bật và xuyên suốt trong các chặng đường sáng tác của chị thời gian qua tựu chung lại đều bộc lộ khá rõ suy nghĩ và mong muốn của nhà văn về một “mối quan hệ tốt đẹp” giữa người và người trong cuộc đời. Mối quan hệ ấy, theo Nguyễn Ngọc Tư nhất thiết phải được nâng niu, phải được trân trọng và gìn giữ cho dù thế giới này có “nóng”, có “phẳng” đến mức nào đi nữa. Kiếp người vốn ngắn ngủi vì thế đã là người thì phải đối đãi và cư xử với nhau cho đàng hoàng; con người trong ứng xử với nhau không nên và cũng không được “trong tay có đá”; đã là người thì phải sống thành thật với chính mình, “phải thành thật với con tim”, “thấy việc phải thì làm”…  Hay gần đây nhất, trong buổi ra mắt tập truyện Khói trời lộng lẫy, Nguyễn Ngọc Tư có nói rằng Khói trời lộng lẫy là tập kết thúc mạch truyện liên quan đến vấn đề “trả thù” của con người trong cuộc sống [3]. Hẳn mọi người đều đã biết những bi kịch liên quan đến vấn đề trả thù ở hai truyện Cánh đồng bất tận Gió lẻ trước đó. Qua Khói trời lộng lẫy, một lần nữa chúng ta bắt gặp “thông điệp” làm người phải có là tấm lòng vị tha của Nguyễn Ngọc Tư. Với Khói trời lộng lẫy có thể thấy, con người trong cuộc sống cho dù có “trả thù” được đi chăng nữa thì cuối cùng cái được ấy cũng giống như khói trời mong manh mà thôi; cái được hóa ra là cái mất - một thông điệp chịu ảnh hưởng rất rõ từ giáo lý nhà Phật của tác giả.

Như vậy, xâu chuỗi tất cả những vấn đề này trong hầu hết các truyện ngắn của chị không khó để mọi người nhận ra một “thông điệp” ở đây tôi xin tạm gọi là tư tưởng “khuyến thiện, trừng ác”. Từ góc nhìn văn hóa, thông điệp này trước hết chịu ảnh hưởng rất rõ từ giáo lý Phật giáo của bản thân tác giả. Ngoài ra, đây còn là sự kế thừa và tiếp nối truyền thống văn học dân tộc ở mỗi chặng đường lịch sử (“Đem đại nghĩa để thắng hung tàn/ lấy chí nhân để thay cường bạo” - Nguyễn Trãi; “Thiện căn ở tại lòng ta” - Nguyễn Du; “Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà” – Nguyễn Đình Chiểu; “Sống trên đời sống cần phải có một tấm lòng” – Trịnh Công Sơn; “Kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm lên vai người khác để thỏa mãn lòng ích kỷ, kẻ mạnh là kẻ biết giúp đỡ người khác trên đôi vai của mình” – Nam Cao…)

Tóm lại, đọc Nguyễn Ngọc Tư dù là ở tạp văn hay truyện ngắn; dù với đề tài “nhỏ nhặt” hay “lớn lao” người đọc cũng bắt gặp một “quan niệm”, “cách đặt vấn đề” khá rõ ràng: đã là con người thì phải sống cho lương thiện. Hay nói khác đi, đây cũng chính là quan niệm nghệ thuật về con người hướng thiện, con người bản thiện trong sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư. Đọc Nguyễn Ngọc Tư vì thế, rất hiếm thấy“những con người bịp bợm, cơ hội kiểu như Xuân Tóc Đỏ của Vũ Trọng Phụng; không có những con người “tha hóa” trở thành “quỹ dữ” như Chí Phèo của Nam Cao; không có những con người muôn mặt, thủ đoạn, gian xảo, “đốn mạt”, “không ra gì” kiểu như các nhân vật trong hàng loạt sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp ở thập niên 80 của thế kỷ XX; hay những con người với lối sống hưởng thụ, gấp gáp và đầy dục vọng… trong những trang viết của những nhà văn cùng thế hệ với chị như: Phong Điệp, Nguyễn Đình Tú, Đỗ Hoàng Diệu…” .Tất cả những điều này, theo tôi cũng góp phần giải thích vì sao Nguyễn Ngọc Tư là nhà văn có một giọng văn rất hiềnrất lành trong lịch sử văn học nước nhà những năm đầu thế kỷ 21. 

4. Thay lời kết

Gần đây, tác giả Bùi Công Thuấn có bài phê bình Nguyễn Ngọc Tư và hành trình đã đi… đã chỉ ra những “bước đi mới” trong hành trình sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư. Trước hết, theo tôi bài viết có nhiều kiến giải khá hay và có ý nghĩa góp phần bổ sung và làm lung linh hơn nữa cho những trang văn của Nguyễn Ngọc Tư. Tuy vậy, lập luận chung trong bài viết đôi chỗ còn thiếu thuyết phục vì tác giả chủ yếu bám vào phát biểu đơn thuần của Nguyễn Ngọc Tư trong một lần chị trả lời phỏng vấn liên quan đến tác phẩm Cánh đồng bất tận:

“…Tôi đã thực sự nhìn thấy một bi kịch, là bạn đọc cứ trải chiếu ở cái chỗ Cánh Đồng Bất Tận và muốn tôi ngồi uống rượu mãi ở đó. Trong khi tôi muốn đi và thực sự đã đi rồi. Tại sao tôi cứ luẩn quẩn ở cánh đồng đó trong năm năm, mười năm và hai ba mươi năm nữa, mà không được đi uống rượu, ngắm cảnh ở không gian khác? Tôi biết, cái chỗ tôi muốn tới và thích tới không đông đảo người chờ đợi và chúc tụng; nhưng tôi tự hào là mình cũng chịu dời chân khỏi cái hào quang cũ mà đi.” [4]

Bám vào câu nói này và nâng nó lên thành một luận điểm (khá chủ quan) Bùi Công Thuấn đã có những phân tích và khái quát nhằm điểm lại “hành trình đã đi” của Nguyễn Ngọc Tư là: “Nguyễn Ngọc Tư đã đi từ truyện phản ánh hiện thực đến kiểu truyện tư tưởng, từ truyện khai thác chất liệu đời sống đến kiểu truyện hư cấu. [5]

Thực ra, nhận định trên của Bùi Công Thuấn không phải là không có cơ sở. Tuy nhiên, nhận định trên có vẻ chủ yếu thiên về việc khái quát ở cái hình thức thể hiện trong truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư (“kiểu truyện”) mà chưa cho thấy sự thống nhất hài hòa với những vấn đề thuộc về nội dung tư tưởng bên trong tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư. Bên cạnh đó, suy cho cùng thì tác phẩm văn học nào không là sản phẩm từ sự hư cấu thông qua việc khai thác chất liệu đời sống của nhà văn; cho nên phân văn học ra thành “kiểu truyện khai thác chất liệu đời sống”“kiểu truyện hư cấu” như Bùi Công Thuấn thật ra không thuyết phục cho lắm. Ngoài ra, khi Bùi Công Thuấn nói “hành trình” của Nguyễn Ngọc Tư là “đi về phía nghệ thuật hiện đại” thì lại là một nhận định có vẻ như đê… “nói cho sang” vì quá chung chung với lại làm sao biết “phía nghệ thuật hiện đại” là phía nào và ra làm sao? Tuy vậy, nói gì thì nói dù sao đây là vấn đề thuộc về quan điểm của mỗi người, vì thế những lý giải của Bùi Công Thuấn vẫn rất đáng trân trọng.  

Như đã nói, bài viết của Bùi Công Thuấn tuy có nhiều điểm kiến giải khá hay thế nhưng điều đáng tiếc nhất là trong bài viết này tác giả đã mắc một lỗi rất nghiêm trọng nên ít nhiều làm giảm đi cái giá trị và tính trung thực của toàn bộ bài viết.

Ví như, trong bài "Đặc trưng ngôn ngữ truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư" của Nguyễn Trọng Bình có đoạn:

"Có thể thấy, đa phần đối tượng mà Nguyễn Ngọc Tư phản ánh trong truyện ngắn của mình đều là những người dân sống ở thôn quê. Chính vì thế, khi đi vào tìm hiểu ngôn ngữ trong truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư chúng tôi nhận thấy, cách diễn đạt, cách hành văn của chị nhiều khi nôm na, mộc mạc, hóm hĩnh nên cũng rất dễ đọc, dễ hiểu và dễ cảm. Đây cũng là một bằng chứng khẳng định sự ảnh hưởng của môi trường và văn hóa vùng đất Nam bộ đến nhận thức cũng nhưduy nghệ thuật của Nguyễn Ngọc Tư”. [6]

Và ở một bài viết khác cũng của Nguyễn Trọng Bình - bài "Truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư từ góc nhìn văn hóa" có đoạn:

“Như vậy, có thể nói do được sống và lớn lên trên mảnh đất Nam bộ, những nét tính cách trong văn hóa ứng xử cũng như ngôn ngữ của cha ông đã ăn sâu vào tiềm thức của Nguyễn Ngọc Tư. Vì thế, khi sáng tác, những nét văn hóa “rặt Nam Bộ” ấy đã đi vào trang viết của chị một cách tự nhiên như một điều tất yếu không thể nào khác được”.[7]

Thì  trong bài viết của mình, Bùi Công Thuấn trích dẫn lại bằng cách như sau (Bùi Công Thuấn viết):

"Trong những tác giả viết về Nguyễn Ngọc Tư, có lẽ Nguyễn Trọng Bình là người có nhiều bài nghiên cứu về văn chương Nguyễn Ngọc Tư nhất. Ông khám phá được nhiều mặt giá trị của văn chương Nguyễn Ngọc Tư. Ông khám phá được nhiều mặt giá trị của văn chương Nguyễn Ngọc Tư. Tuy nhiên, nếu tin vào những gì ông viết, thì người đọc sẽ thấy Nguyễn Ngọc Tư độc đáo, tài năng và  sâu sắc hơn hẳn tất cả các tác giả khác, từ Hồ Biểu Chánh đến Ngô Tất Tố, Nam Cao, Nguyễn Huy Thiệp và cả Nguyễn Bính nữa (!) Có điều ông chỉ thấy được những giá trị xã hội học, giá trị văn hóa của văn chương Nguyễn Ngọc Tư, mà không khám phá được thế giới nghệ thuật của Nguyễn Ngọc Tư. Xin trích một nhận định của ông: "Có thể thấy, đa phần đối tượng mà Nguyễn Ngọc Tư phản ánh trong truyện ngắn của mình đều là những người dân sống ở thôn quê… có thể nói do được sống và lớn lên trên mảnh đất Nam bộ, những nét tính cách trong văn hóa ứng xử cũng như ngôn ngữ của cha ông đã ăn sâu vào tiềm thức của Nguyễn Ngọc Tư. Vì thế, khi sáng tác, những nét văn hóa “rặt Nam Bộ” ấy đã đi vào trang viết của chị một cách tự nhiên như một điều tất yếu không thể nào khác được.”[8]

 Trong đoạn vừa trích dẫn trên, thì ở phần trích dẫn lại bài viết của Nguyễn Trọng Bình, Bùi Công Thuấn đã cố tình cắt xén 2 đoạn văn đoạn văn ở 2 bài viết khác nhau sau đó lắp ghép lại theo “ý đồ” của mình. Không hiểu sao Bùi Công Thuấn lại làm như thế!

Bên cạnh đó, trong đoạn văn trên Bùi Công Thuấn còn cố tình bóp méo một nhận định về truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư của Nguyễn Trọng Bình mà trong bài “Phong cách truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư nhìn từ phương diện nội dung tự sự” Nguyễn Trong Bình viết:

“…Nhìn lại truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư, có thể chị vẫn chưa thể sánh ngang với những Vũ Trọng Phụng, Nam Cao hay xa hơn là với Nguyễn Du… trong lịch sử văn học dân tộc nhưng qua những vấn đề mà chị đã đề cập, chúng tôi cho rằng chị là một nhà văn có tâm và có tài thật sự. Nghiền ngẫm truyện ngắn của chị, qua những gì đã phân tích ở trên, chúng tôi nhận thấy ở Nguyễn Ngọc Tư ít nhiều đã bộc lộ được những tư tưởng đáng quý của một nhà văn biết sống, biết nghĩ, biết quan tâm, biết trăn trở và đau đớn trước những số phận hẩm hiu mà chị đã từng gặp đâu đó trong cuộc sống quanh mình. Đây cũng chính là giá trị nhân văn trong truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư.”[9]

 Một nhận định rất rõ ràng như thế, vậy mà để phục vụ cho “ý đồ” của mình, Bùi Công Thuấn lại nỡ lòng “nói ngược” lại là:

Trong những tác giả viết về Nguyễn Ngọc Tư, có lẽ Nguyễn Trọng Bình là người có nhiều bài nghiên cứu về văn chương Nguyễn Ngọc Tư nhất. Ông khám phá được nhiều mặt giá trị của văn chương Nguyễn Ngọc Tư. Ông khám phá được nhiều mặt giá trị của văn chương Nguyễn Ngọc Tư. Tuy nhiên, nếu tin vào những gì ông viết, thì người đọc sẽ thấy Nguyễn Ngọc Tư độc đáo, tài năng và  sâu sắc hơn hẳn tất cả các tác giả khác, từ Hồ Biểu Chánh đến Ngô Tất Tố, Nam Cao, Nguyễn Huy Thiệp và cả Nguyễn Bính nữa (!)"[10]

Tóm lại, dù rất trân trọng cách đặt và tiếp cận vấn đề của Bùi Công Thuấn khi nghiên cứu truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư. Tuy nhiên, phải chi Bùi Công Thuấn đừng mắc lỗi rất tệ hại trên thì đáng khâm phục biết dường nào! Một tác phẩm văn học có giá trị, một tài năng văn chương đương nhiên là tài sản chung, là "vốn quý" của mọi người; cùng nhau tìm hiểu, khám phá những cái hay, cái đẹp từ những "vốn quý" ấy trong sự sẻ chia bổ sung, bổ khuyết và tôn trọng nhau là việc rất nên và rất cần thiết; và có lẽ cũng không cần phải "tranh giành" chuyện "mình thì là chân lý còn người thì hời hợt" một cách ác ý làm gì? Bởi suy cho cùng người phê bình là người đi khám phá cái hay, cái đẹp của tác phẩm văn chương nhưng vì lý do nào đó (dù vô tình hay cố ý) anh lại tạo ra những cái không hay, những cái không đẹp trong tác phẩm của mình thì cũng là sự phản bội lại cái thiên chức cao quý của văn chương vậy.   

Vĩnh Long, 27/5/2011

Nguyễn Trọng Bình

 [1], [2]: Tên một tác phẩm của nhà văn Phong Điệp

[2]: Tên một tác phẩm của nhà văn Bích Ngân

[3]: bài viết Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư và chiếc chiếu chật hẹp. www.baomoi.com/Nha-van-Nguyen-Ngoc-Tu-va-chiec-chieu-chat-hep/152/5196673.epi

[4]: Trích từ http://www.viet-studies.info/Nguyễn Ngọc Tưu/VoDacDanh_NguyenNgocTu.htm

[5] [8]; [10]: Trích dẫn từ bài viết Nguyễn Ngọc Tư và hành trình đã đi của Bùi Công Thuấn trên http://www.viet-studies.info/NNTu/NNT_BuiCongThuan.htm

[6], [7], [9]: Trích dẫn từ các bài viết của Nguyễn Trọng Bình về truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư trên http://www.viet-studies.info/NNTu/index.htm

 

 

Tác giả gửi, và lên trang viet-studies, ngày 27-5-11