Đảo

 

Nguyễn Ngọc Tư

 

Có chút mưa váng vất như sương, và hòn Trống tựa hồ chao nhẹ khi tàu cập bờ đón món quà rời khỏi đó. Ngoái lại không thấy khói lên. Hòn đảo lặng như không người, như không ai loay hoay cạnh bếp lúc quà đi. Chắc hơi nước nặng làm khói không vượt khỏi những tàng cây xòa rễ ra trên đá. Ghe cày vài giồng sóng, món quà thấy hơi say, chiều chưa kịp ăn gì. Ngủ quên, lúc hớt hãi chạy ra bãi chỗ ghe đậu, thấy đám đàn ông trên ghe cười bậy bạ món quà mới hay nút áo gài lệch, vạt cao vạt thấp.

Áo này hình như không phải tự mình mặc lại, quà lơ mơ nhớ, trong lúc mắt liếc đong đưa. Cũng chiếc ghe này, những người này bữa trước đem quà ra hòn Trống. Họ nói đi theo đường mòn vòng qua dãy đá trời trồng này, sẽ thấy nhà Sáng. Cả hòn chỉ có mỗi cái nhà của thằng cha đó, khỏi lo quà thất lạc không tới tay. Nói rồi họ quay đầu ghe đi, không quên dặn vói theo nhớ nhắn Chín Ái gởi lời chào.

Nhưng người đàn ông trên đảo không nhớ Chín Ái nào, ơn nghĩa gì mà tặng quà kỳ cục. Ông vẫn thường được tặng thịt bò, áo ấm, radio, nhưng mấy thứ đó không hổn hển mùi người như quà lần này. Mỗi tháng có vài chục ghe biển ghé qua, để hỏi coi giông gió sao. Đài báo biển yên nhưng biển chỉ yên khi Sáng nói trời này êm đó. Người ta tin ông cũng như tin đằng sau cái vẻ dịu dàng của trời biển là sự hung hiểm khó lường. Như có một thỏa hiệp với bóng tối, Sáng nhận từ nó những thứ cảm giác mà ông chỉ đơn giản gọi là “đánh hơi”. Cũng không phải chỉ một lần ông quyết liệt cản mấy chiếc ghe biển bạo gan ra khơi, “gió giành ngọn, đừng giỡn”. Một trong những kẻ thoát chết sau câu nói của ông, giờ gởi tặng món quà nóng hổi.

Ngồi đòng đưa cho khô cái ống quần bết nước vì va quệt cỏ ướt, món quà kêu trời đất ơi xứ sở gì mà buồn ác liệt, không thèm người sao ? Nhà cửa gì kỳ khôi, trốn góc nào cũng gặp gió. Bếp có gì ăn không, cơm cháy cũng được, sáng giờ mới bỏ bụng tô hủ tiếu ở cửa sông Đông. Chém bàn tay trước mặt chủ nhà, quà buột miệng trả lời chính mình, ừ, mù thiệt. Mù mà sống được ở chỗ này mới sợ chớ.

Quà kể mình được trả tiền để ra hòn Trống cho tới chiều mai, làm vợ. Họ nói chồng là thằng cha mù, tên Sáng. “Đui mà sáng mụ nội tui”, quà cười trong lúc nhẩm tính giá, chẳng vì điều đó mà thêm bớt đồng nào. Đàn ông kiểu gì cũng là đàn ông. Quà chẳng quan tâm mình sẽ tới một nơi cách bờ mười hai hải lý, bạn cùng một kẻ sống lẻ trên một hòn đảo cũng lẻ giữa biển trời. Lẻ như bị lưu đày, lúc nhìn thấy ngôi nhà của Sáng, quà nghĩ vậy. Cái gọi là nhà lọt thỏm giữa những bãi đá và vài ba luống rau, những lùm bụi hoang dại. Từng ấy đất đá  chỉ là chút bụi mờ trên mặt trùng khơi. Lúc đi quà có cảm giác quên gì đó, giờ rõ ra mớ áo chống đạn bỏ lại đầu giường. Không sao, chồng này coi bộ sạch. Vùi trong tấm mền rách, quà nghĩ ngủ cái đã, đâu có ai nói làm vợ là không được ngủ. Chỉ kịp nghĩ tới đó trong cổ họng đã sôi tiếng ngáy. Cứ nằm thẳng lưng là quên đời, không nghe tiếng chảo gang rơi vì có người vấp chân, và xoài hòn chín cây rụng ngoài sân.

Thức dậy lúc bầy gà đã về đậu trên mái nhà sau một ngày lang thang kiếm ăn trên hòn. Sáng lọng cọng, hết va lại vấp ngay trong cái tổ của chính ông. “Ngồi yên đi cưng. Vợ có ăn thịt đâu mà sợ”, quà nói cười liến láu, trong lúc tự lục cơm ăn. Chồng ra ngồi dựa cửa, tựa thằng ăn mày bị hắt hủi. Cảm thấy cái bóng tối mình đang náu, rốt cuộc cũng bị chọc vào.

Không phải lần đầu ông đón đàn bà. Từng có người tới hòn ở non một tuần rồi bỏ đi, chỉ vì không thở nổi quạnh hiu quánh đặc. Anh muốn vô đất liền thì tôi đợi, chị nói. Sáng chỉ cười. Gió biển nhanh chóng mang hơi muối oi oi làm bay biến mùi người. Giống như sáu ngày đêm đó chỉ là cơn mơ nhỏ, thức dậy vẫn gió này, tiếng sóng ấy. Sự bất biến của biển là một thứ ảo giác làm nguội nhanh vết thương.

Một đợt gió vãi qua, nghe tiếng quà rên lên ui trời trời, lạnh kiểu này sao dám tắm. Níu Sáng lên bộ vạc ghép bằng cây tạp, tự lần mở vải gói mình ra, gió thốc qua làm những sợi lông tơ trên người quà dựng sững. Quà hối ông làm chồng nhanh đi cho ấm. Lảng vảng cái cảm giác lạ lẫm giữa hai làn da thịt, rồi người Sáng râm ran, áp vào đâu nghe quà mọc gai tới đó. “Tại gió”, quà nói trong lúc tay Sáng đã chạm tới vết sẹo trên cổ tay mình, “à, cái này là có lần tự tử”.

Nhưng vết sẹo như con sâu róm nằm vắt ngang cổ tay, ngay trên những mạch máu có nhiều lịch sử khác, tùy theo tên quà.

Quà nói mình là Đào, nhà hồi xưa gần một cái chùa nhỏ, hàng dương trồng ở đó bốn mùa xào xạc tiếng mưa. Má Đào ca chính cho đội ca tài tử của xóm Gò Tây, hay đi ca cho đám giỗ đám ma nên thường say rượu. Một bữa nửa đêm cây rơm giữa xóm cháy ngụt trời, nghe tanh khét người ta mới hay má Đào ngủ queo trong đó. Nửa tháng sau ba cưới vợ khác, đúng hôm cưới Đào đi dậm cù bắt chuột với mấy đứa trong xóm, thò tay vô miệng hang ngay lúc con chuột dọt ra, thằng kia cầm dá xắn bụp một phát. Con chuột đứt hai, tay Đào thì phun máu, không nhận ra đâu máu chuột đâu máu người.

Rời nhau ra, đuôi tóc quà gại lên cổ Sáng chờn rờn như nước chảy, bảo “cưng cứ kêu em là Phượng”. Cho tới mười hai tuổi không có cha. Một bữa má dắt về một người đàn ông gò má cao má hóp, mắt nhiều tròng trắng, nói “cha mày đó, Phượng”. Cha hay tắm cho Phượng lúc má đi gom bạc góp. Nửa năm sau má hay được thì hai người cãi vã bay nóc nhà, cha nổi khùng vác dao chém má, Phượng đưa tay đỡ một nhát. Cha Phượng sợ chạy mất, má nói khỏi kêu lại chi mất công, cái thứ cha ngang hông trời đánh thánh vật.

“Ê, mấy con vừa nãy em giỡn cho vui. Hòn vắng quá, nói cho có tiếng người. Ở cửa sông Đông người ta kêu em là Mỹ Châu. Nội em mê cải lương nên toàn lấy tên đào kép để đặt cho con cháu”.  Nội là chủ nhà máy chà gạo, giàu nhất xứ Bàu Dừa. Ở đó, chỉ chị em Châu là được mặc áo đầm xập xòe như bướm. Bữa nọ có ghe hàng xáo ghé qua mua gạo, Châu mười sáu tuổi, đang ngồi đọc tiểu thuyết trên bến, bỗng nghe có tiếng gọi “em ui”. Nhìn quanh thì thấy con sáo đen treo đầu ghe. Nó nhảy lạch chạch trong lồng, lâu lâu nghiêng đầu nghe ngóng rồi kêu Em ui. Theo anh đi. Nghèo mà vui. Châu lén tuôn xuống ghe, giở sạp ém dưới lườn. Chừng ghe đi xa mới bò ra cười xòe với người chủ ghe đầu bạc. Con sáo tỉnh bơ không giật mình, như thấy cảnh này quen quá. Từ giã áo đầm, Châu làm vợ thứ mười ba của chủ ghe hàng xáo, cho tới khi con nhỏ thứ mười bốn theo ghe về. Châu buồn tình ăn cắp con sáo bỏ đi. Nó lột lưỡi thêm mấy lần thì biết nói Nín đi. Khóc con mẹ gì. Bữa con sáo sổ lồng bay đi mất, Châu buồn tình quá cắt cổ tay.

- Nghe hay không ?

Quà hỏi trước khi day nghiêng qua ngủ. Cái đùi nặng trịch đè lên bụng dưới của Sáng bứt rứt. Gót chân quà bị nẻ, cọ nhột bên đùi. Mùi da thịt hơi nồng tựa hành lá giập, chắc do quà không tắm. Những người từng gặp Sáng không hề biết họ đã được vẽ lại hình dáng trong bóng tối, theo cách của riêng ông. Từ giọng nói, kiểu cười, cách họ thở, ông phác lên những nhân dạng, tự biết chúng chỉ là khói khi bước ra ánh sáng. Hơ ngón tay trên môi đàn bà hình dung màu của nó, Sáng tự hỏi người nằm cạnh mình bao nhiêu tuổi, là Châu, Phượng hay Đào. Món quà giàu có, không như mình chỉ trụi lủi mỗi một cuộc đời, kể không tới ba câu. Mặt trời tắt năm lên bảy sau mùa thủy đậu, mười tuổi có lần bà mẹ kéo lại nói phải má đẻ trứng gà thì đỡ quá, đi đâu chỉ cần bỏ túi đem theo. Nghe giọng nghẹn lại thằng nhỏ tưởng bà nghẹn khoai. Nó ngủ một giấc thức dậy, nhìn quanh đã không còn ai, như ba năm trước thức dậy thấy toàn bóng tối. Mười hai gia đình trên chuyến vượt biên đêm đó, nghe nói đều tuyệt tích. Những ngày đầu ra hòn Trống cặm chòi, thằng nhỏ ngày xưa nghĩ trong những con sóng ngày đêm la liếm bãi bờ gờ đá, có những người thân của mình.

Gần sáng sưởi ấm xong, lật Sáng nằm ngửa ra quà hỏi, “tội tình gì mà chạy tuốt ra đây?”, ông muốn kể chuyện mình cho thật ly kì, nhưng không nghĩ được gì, đùa “tôi nhìn lén vợ người ta tắm”. Quà cười ngắt ngoẻo, vú trái áp vào sườn Sáng nhão và lạnh. Câu hỏi đó Sáng nghe hoài. Người ta không tin ông tự dưng bỏ ra đảo sống. Sau hai chữ “vì thích” tròng trành nhiều dấu hỏi. Những ai trôi giạt ngoài này, không nợ nần cũng gây tội ác, hoặc chán ghét con người. Người ta kể bên hòn Sếu Bạc có nguyên ổ trộm bị truy nã, ai cũng biết họ ở đó nhưng chẳng thèm truy bắt. Giữa trời với nước, nghe sóng vỗ miết người cũng mòn. Nhìn cảnh họ đào tìm nước ngọt, khai hoang trồng cây ăn trái, nuôi cu ky bầy gà nhà chức trách cũng cho qua. Gặp nhau giữa biển, người ta hỏi nhau quá khứ chẳng qua bâng quơ đưa chuyện.

Quà cũng hỏi Sáng cho có, cô ta mãi thêu dệt cuộc đời mình. Cái thực tại lượn lờ ở mấy cửa sông làm vợ thiên hạ là không đổi, nhưng cuộc nổi trôi cũng nhiều ngoạn mục. Buổi sáng thức dậy ở hòn Trống, rửa mặt xong quà thành Mỹ Nhân, hồi mới lớn gặt mướn miệt Ngã Hai. Một lần bị liềm cứa đứt cổ tay, tức tối nghĩ mình là mỹ nhân mà, sao lại suốt ngày phơi dưới nắng, máu trộn mồ hôi, thôi đi làm gái cho mát mẻ mà lại nhiều tiền. “Như hôm qua giờ, không mẻ đồng nào vì cả cơm cũng miễn phí”, quà nói với giọng khoái tù ti. Con đàn bà ba mươi này hơi trơ tráo, khác với Út Hên vừa qua hai sáu tuổi của buổi chiều. Con gái chợ Rơm một bữa theo bạn đi coi đoàn phim Gió đùa ngọn cỏ đang quay ở đình cũ. Một người hỏi em có thích đóng phim không, vai của em là chạy xẹt qua máy quay một cái, ngoái lại nói với nữ chính, “giặc rượt tới rồi kìa”. Đoàn phim đi rồi, Út Hên cũng bỏ nhà đi. Ba năm trời diễn mấy cái vai chạy xẹt qua màn ảnh có khi nói được một câu có khi không. Đạo diễn nào coi đùi coi ngực xong cũng chê diễn chưa tới. Bữa được giao vai cô ca ve cắt cổ tay để trốn khỏi đầu gấu, Út Hên nghĩ mình phải diễn vai này hết mình mới được. Cô làm máu chảy thật, chảy đến trôi lớp vải băng bó, trôi cục thuốc gò dùng để rịt vết thương. Vai diễn cuối cùng đó, lâu lâu nhớ lại vẫn còn chóng mặt.

- Lâm ly hơn đời mấy con nhỏ hôm qua giờ, ha ?

Quà hỏi, miệng bả lả mùi xoài chín. Mùa này xoài rụng đầy sân lầy đất, quà vừa mút chòm chọp vừa xin cái túi mang về, bảo “chuyến này mà có bầu, tôi bỏ nghề luôn. Về quê đẻ con, đặt tên nó là thằng Xoài hay con Xoài gì đó”.

Tự dưng Sáng nghe giận run, tay quăng mẫu bọt biển vào một bụi rậm dày không tiếng vọng. Thứ ấy ông định cho quà, để dành mài đôi gót chân bị nẻ. Cơn giận dâng ứ ngang cổ họng, ông không gọi quà dậy để ăn chút gì trước khi đi, cũng làm lơ chẳng tiễn đưa món quà ra ngoài bãi sau tiếng hú dài làm hiệu của chiếc ghe ghé đón. Hai mươi bảy tiếng đồng hồ ở đó, quà không lân la lại bếp lần nào, ai nói làm vợ là phải nấu cơm đâu. Quà chỉ trễ nãi nằm chơi, kể mãi chuyện những đứa con gái ngây thơ, đổ nát.

Tiếng máy nổ của chiếc ghe câu chìm dần giữa bao đợt sóng rã rời. Những ngày sắp tới sẽ động lắm đây, Sáng cảm giác những cột sóng phủ lấy người mình, vô phương chạy trốn. Coi như là mơ, nhưng gói sao cũng không vừa. Cô ta nói sẽ sinh con là thiệt hay chơi ? Nếu thiệt thì làm gì đây khi cả cái tên người đàn bà đó ông còn không biết chắc.

 

Dùng bản Tư gởi
Lên trang này ngày 24-8-14