Những thiên thần mắc đọa

Tạp văn

Nguyễn Ngọc Tư

 

Chiều nào bà mẹ cũng dẫn con ra công viên bên bờ sông, chỗ chị hay tụ tập đánh cầu lông với bạn bè. Nhẹ nhàng đặt đứa bé lên băng đá, mẹ chạy quanh, lúc che mặt cút hà, lúc lại giả đò trợt té. Đứa trẻ bị giảm thiểu năng trí tuệ, nên ngờ nghệch, có khi cũng nhoẻn cười, nhưng ánh mắt dại mông mênh. Chị hay đứng đằng xa, lén nhìn cảnh đó mà xót thương, bởi cảm giác, đang quấn quýt bên con nhưng bà mẹ ấy như cô đơn chơi vơi dưới nắng chiều. Day qua day lại, chị thấy nhiều người cũng ngẩn ra ngó hai mẹ con họ, và cũng như chị, họ giấu giếm cái nhìn của mình, mắt đậu vào bâng quơ. Dường như ai cũng sợ mình sẽ không kềm chế ánh mắt thương hại, như nhát roi quất vào lòng bà mẹ, vốn đã đau.

Bất giác, chị nhớ cái quãng thằng con bị chứng biếng ăn, chị đã mệt mỏi như thế nào. Thằng nhỏ ốm nhom, nhẹ hều, cái đầu to quá khổ so với thân mình đẹt ngắt, nhiều bữa bưng chén cơm nguội ngơ đuổi theo nó hàng giờ đồng hồ, chị khóc ròng. Không hoàn toàn vì thương con, đôi lúc, chị nhận ra, chị đang thương cho niềm kiêu hãnh của mình. Chị còn không muốn chở con ra đường chơi, sợ người ta quở, nuôi con gì ốm nhách.

Xấu hổ vì ý nghĩ đó, chị chậc lưỡi, tự nhủ, người ta ai cũng vậy. Bà mẹ nào cũng mong đứa con mình thật bụ bẫm và xinh đẹp. Không thì cớ gì lúc mang bầu, nhiều bà mẹ treo hình những cô cậu bé béo múp míp trong phòng ngủ (những mong đứa nhỏ mình sinh ra sẽ giống hệt vậy). Không thì cớ gì mẹ phải tần tảo dành dụm mua sữa Pháp, sữa Mỹ với hy vọng nhỏ con mình ú quây y như… quãng cáo trong ti vi. Không thì cớ gì một vài người giữ trẻ bất lương đã cho thuốc tăng trọng vào thức ăn, để đám trẻ vùn vụt tăng cân, vừa được tiếng thơm vừa thoả mãn lòng hãnh tiến của những bà mẹ.

Chị nhớ hồi nhỏ mình cũng xấu đau xấu đớn (bây giờ thì đã bớt xấu chút đỉnh), hẳn má buồn lắm. Hỏi má, má cười, đẹp không phải là niềm tự hào duy nhất. Má vui vì chị bốn tuổi đã biết đọc sách báo, năm tuổi đòi quét nhà, sáu tuổi biết lon ton xách thùng tưới rau… Má nói, miễn con mình là đẹp. Chị không tin.

Nhưng nghề báo đã đứa chị đi nhiều nơi, gặp nhiều người. Có lần, chị đến T, vùng đất nghèo, xơ xác những di chứng chất độc màu da cam. Hoàn cảnh có khác nhau, bọn trẻ cũng mang dị tật khác nhau nhưng những bà mẹ trong xóm thì có chung ánh mắt, ưa nhìn xuống, lầm lũi, tủi cực. Cái cười cũng rụi ngọn từ khi đứa con ra đời, héo hắt khóc trên tấm khăn. Có đứa nguyên vẹn đến năm, mười tuổi, mẹ vui được quãng đó, rồi một bữa con nhìn mẹ, cái cười ngờ ngệch hiện ra trên khuôn mặt xanh xao. Tóc bạc chảy tràn trên mái đầu của người mẹ trẻ. Chị muốn ôm ghì người phụ nữ ấy vào lòng, khi bà mẹ vẫn đưa cái nhìn trìu mến bọc lấy thằng bé đang nằm mút ngón chân trên giường, khoe, Út Cưng hiền khô hà, nó đeo tui hỏng rời, hễ đi vắng chút xíu là nó nhớ, thấy thương lắm.

Cái nhìn vừa sâu nhói, vừa chan chứa thương yêu đó chị vẫn gặp trên khắp ngã đường. Bởi khi đậu xuống chiếc nôi ấm áp của người, một ít thiên thần đã bị mắc đọa. Tình mẫu tử bị thử thách nghiệt ngã và dai dẳng. Nhà hàng xóm cũng có một đứa con tật nguyền, nhiều bữa bên đó mở tiệc, chị thấy họ nhốt thằng bé không hoàn hảo vào phòng, giấu biệt. Tình thương không đủ mạnh để lấn áp sự mặc cảm, lòng kiêu hãnh bị tổn thương.

Nhưng nhiều người đã vượt lên những ám ảnh tầm thường. Như bà mẹ ở công viên chiều. Đoán được cái nhìn ái ngại của mọi người đối với mình, nên một bữa, người mẹ cầm tay đứa bé, ngoắc lia lịa, rối rít nói thay con “Cô ơi, chú ơi, bữa nay Ti mặc áo mới nè, nhìn Ti xem có đẹp không?”.

Thái độ chủ động của bà mẹ khiến mọi người trở nên nhẹ nhỏm. Họ vẫy tay gọi đứa bé, họ lại chỗ bán hàng rong, mua vài cây kẹo dúi vào tay nó. Thằng bé ngây ngô nhoẻn cười, ngọng nghịu nói theo mẹ hai chữ cảm ơn. Bà mẹ cũng cười, hạnh phúc khi con được người đời yêu thương như một đứa trẻ bình thường. Mặt trời cũng rạng rỡ cỡ vậy, là cùng…

Chị nghiêm cẩn như đang đứng trước một kỳ quan.

Trở về trang chủ Nguyễn Ngọc Tư 

Lên trang này ngày 8-7-2006
(Dùng bản của Tư gởi)