Dư vị thời đứng ngó

Tạp văn

Nguyễn Ngọc Tư

 

Bà thím bán gỏi đu đủ ở góc chợ giờ đã quen mặt mình. Cũng như mình quen cái cách bà dùng tay không xếp mấy lát da heo mỏng dính lên mặt dĩa gỏi, đúng cái tay vừa đếm tiền và gãi đầu xong. Lúc đó mình tần ngần tần ngần, như ước lượng coi có mấy ký lô vi trùng sinh ra từ bàn tay đen quéo đó, bao nhiêu vôi làm cho sợi đu đủ giòn tới chừng này, bao nhiêu con ruồi từng ghé qua đây...

Nhưng tới khi bà thím chan nước mắm ớt cay xé vô cái dĩa gỏi tươi rói kia thì mình không nghĩ tới điều gì khác nữa, nước miếng rỉ ướt mèm rồi, ăn thôi.  

Hai lăm năm trước, với mình, đó là món ngon nhất trần đời.

Mình vẫn nhớ cái gánh gỏi đu đủ của nhà cô giáo Tý bán ở mảnh sân sau trường. Chắt mót thì mỗi tuần hai lần mình được làm khách hàng của cô. Ngồi lên cái ghế cây nhỏ xíu, bưng dĩa gỏi cũng nhỏ xíu ngấu nghiến cọng đu đủ cuối cùng, ăn miếng da heo mỏng đến nỗi có thể làm đứt tay người ta, húp nước mắm (chủ yếu là muối) tới giọt cuối cùng… thấy mình sao mà sang. Những ngày còn lại buổi ra chơi mình sẽ đi ngang qua đó, thời may nếu đứa bạn nào sộp và có tấm lòng nhân ái thì "bao" cho một dĩa. Không cũng không sao, mình chỉ cần liếc qua màu đỏ nhạt của đu đủ, trắng ngà của da heo và chút xanh của mớ rau răm rắc trên mâm là sướng rồi.

Má mình dạy lúc người ta ăn mà mình đứng ngó lom lom không được, người ta cười con nhỏ chết thèm. Nên những ngày không có tiền ăn vặt, mình thường chơi nhảy dây. Mệt chỉ muốn uống nước, không thấy thèm ăn. Nhưng mùi nước mắm pha chanh ớt của món gỏi đu đủ thường đeo đẳng theo mình, trên áo của đứa bạn nọ hoặc phảng phất trên tóc đứa kia. Mình chống chọi lại cơn lũ nước miếng vô cùng vất vả.

Những bữa má cho tiền dằn (đáy) túi thì mình lại dằn vặt kiểu khác. Mình thật không biết chọn giữa nửa khúc bánh mì chan nước sốt cà hay dĩa gỏi đu đủ tai heo. Thời may dĩa gỏi nhiều lần thắng cuộc, vì mình khoái ăn mặn (lúc đó đã biết câu cha ăn mặn con khát nước nhưng mình chớ hề nghĩ rồi mình sẽ có con, tưởng làm con nít hoài hoài chớ).

Giờ mình hay nghĩ mình sẽ không thòm thèm, hoài nhớ món gỏi đu đủ đó nếu đã được ăn nó mỗi ngày (bằng đũa chớ không phải bằng cách đứng xa xa… ngó). Chuyện ăn uống nhỏ nhặt này biết đâu làm lệch lạc cả một con người. Lý do nào mà mình ghét người giàu có phải vì tụi bạn khá giả sống bên kia cầu Phán Tề được ăn mặc no đủ hơn mình? Cứ coi tụi nó cầm ổ bánh mì chật căng những viên xíu mại thịt khìa hay chéo nguẩy ngồi ăn bún riêu là mình ghét lắm. Mình tuyệt không chơi với đứa hôm nào cũng tới lớp với vệt cà phê sữa đóng vành trên mép. Mình cũng chẳng ưa đứa hay trải ra bàn những cây viết chì đầy màu sắc, những cuốn tập trắng tinh... Tất nhiên là mình vô cùng ghét những đứa ăn gỏi đu đủ da heo sáu bữa trong tuần. Ý thức giai tầng của mình rõ ràng hơn bao giờ hết.

Mà cái món sang cả gì cho cam, gỏi đu đủ có lẽ chỉ đứng sau khoai lang nướng hay bắp luộc… về sự bình dân, giản dị. Đu đủ hườm chín (mỏ vịt) xắt sợi, da heo luộc chín đem thái mỏng, sang hơn thì có vài con tép luộc chẻ đôi, ít đậu phộng, gì thiếu được nhưng không thể thiếu nước mắm pha chanh ớt. Gánh này ngon hơn mâm kia ở chỗ đu đủ giòn hơn, da heo béo hơn sự đậm đà vừa miệng của nước mắm pha. Cũng đừng quên ớt, thứ ớt hiểm cay xé, vừa ăn vừa chắt lưỡi hít hà, nồng như ai thổi tro nhóm lửa trong mũi.

Mình giờ sắp hai thứ tóc, đã thưởng thức những món ngon nhất trần đời khác, nhưng mình không bao giờ bỏ qua khi đã nhìn thấy gỏi đu đủ. Ăn cho thời đứng ngó, thời thương khó. Và bà thím kia có chui tận góc chợ tối om, mặt mày có nhăn nhó, tay có gãi đầu cũng đừng hòng đẩy mình nhảy qua quán bánh lọt giò heo hay bún nước lèo. Gì chớ gỏi đu đủ mình có thể ăn mỗi ngày, và mỗi lần đôi ba dĩa, không chừng…

Những lúc cảm thấy món gỏi hơi mặn và có chút đắng, mình không hề rầy rà bà thím, vì biết những dư vị đó chỉ mới phát sinh khi trôi qua cổ họng mình, khi cái thời xa xắc bỗng quặn quặn trong lòng. Sau trận trả thù đời thấy khát nước gần chết (nhân tiện nhận ra nuôi hận phải chăng là tự tàn phá chính mình?)

Một bữa nọ ăn như là ăn thôi, mới hay món này cũng ngon quá chớ…

 

Trở về trang chủ Nguyễn Ngọc Tư 

 

Dùng bản Tư gởi
Lên trang này ngày 28-8-10