Chuyện ngoài... văn chương

Tạp văn

Nguyễn Ngọc Tư

Có một dạo bạn bè tôi sốt ruột nhắn hỏi sao lúc này chẳng thấy viết gì (câu này thấy nhẹ nhỏm vậy mà tôi sợ muốn chết, nó luôn mang ý nghi ngờ “hình như con Tư tiêu rồi”).  Tôi buộc phải ngó lại coi mình đã làm gì mà không viết.  Cũng chẳng phức tạp lắm, thí dụ thời gian của tôi chia làm năm phần, thì một phần tôi lên mạng tìm hiểu những sản phẩm kỹ thuật số mới nhất (mua chúng lại là chuyện khác), một phần cho công việc nhà và công việc cơ quan, đọc sách báo chiếm một phần, một phần dành để viết ba lăng nhăng.  Chỗ thời gian còn lại, thật ngạc nhiên, tôi sử dụng để đi… đám.

Tôi là con gái út.  Ba tôi cũng thứ út.  Mà thôi, kể lể một hồi giống như làm gia phả. Nói vầy cho dễ hình dung, bên nội tôi như cây cổ thụ chi chít nhánh to nhánh nhỏ, nhà tôi thuộc hàng… mút đọt.  Bên ngoại, má tôi lại là cành lớn nhất, gần gốc nhất.  Má tôi tính mỗi tháng họ hàng nội ngoại có sơ sơ chừng bốn đám (bao gồm nhiều loại hình đám giỗ, đám cưới, thôi nôi đầy tháng, kể cả đám… ma).  Đó là chưa kể đối xử với xóm giềng.  Nhiều lần nghe má liệt kê danh sách đám tiệc những ngày sắp tới mà toát mồ hôi dù trời đầy gió.

Ở quê lưu truyền câu chuyện khá vui, có ông nọ cháy nhà không chịu vác ti vi, cassette ra ngoài, chỉ gò lưng na cánh cửa chạy.  Bởi trong cánh cửa có ghi ngày đám giỗ của bà con, hàng xóm.  Nhà tôi không có cánh cửa quý báu, bởi má tôi nhớ hết, thuộc hết.  Đám gì thì đám, chứ cúng quảy ông bà tuyệt không được quên, má thường nói với mấy chị em tôi, giỗ tổ tông còn quên thì sao làm ăn nông nổi.

Hồi còn con nít, tôi thích đi đám vì được ăn ngon.  Lớn lên bỗng không thích, vì buộc phải làm công chuyện, trong khi tôi chẳng khéo khôn gì (rang đậu phộng còn khét…).  Lớn thêm chút nữa, vẫn còn xớ rớ khi vào bếp, nhưng tôi bắt đầu… thực dụng, khi thấy ba má mình có tuổi, nghĩ mình đến nhà người ta (có qua) để dịp nào đó họ tới với mình (gọi là có lại).  Ngay thời điểm này tôi lại thích… đi đám (mà không so đo chuyện ba má mình già).

Đó là mối quan hệ ngoài gia đình duy nhất mà tôi còn duy trì, sau khi để vuột khỏi tay đám bạn bè, đồng nghĩa với đánh mất thú vui la cà, bù khú.  Đó là khi vùi vào những câu chữ đến bạc người, thèm một ai đó để cười, nói vài câu bông lơn thì má tôi rủ, rằm này đi đám không.  Dại gì tôi không gật đầu, đi thì đi, để chạy trốn cái cô độc đang rợn ngợp trong lòng.  Những câu chào hỏi, những cái cười giòn rụm trên môi, khói tầng quầng trong bếp, hương thơm của những món ăn, nhang khói ngào ngạt ở gian nhà thờ, bóng người tất tả bận bịu… rót đầy lại cái không gian đã bị văn chương rút rỗng.

Tôi không thích đám tang (hợp lý, chẳng ai thích), bởi tôi hay cười, cười để khỏi phải nói, nhưng đến chia buồn mà ngoác cái miệng ra cười hoài khó coi. Những cái đám cưới gả ở chợ lại quá dư tưng bừng, thiếu thân mật, lúc đến lơ láo, lúc về lơ láo.

Tôi thương những đám giỗ ở quê.  Mê nhất nhất là cái hồi người ta chưa đi đám giỗ bằng… tiền, hàng xóm hay mang lại những thứ mà họ có, mục măng tre, rổ cải xanh, con gà mái, mớ tép đất hay mấy con cá trê vàng. Bữa cúng coi giản dị vậy nhưng đã được gia đình chuẩn bị rất lâu, họ để dành mấy giạ nếp hồi đầu mùa gặt, rồi dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị củi to củi nhỏ, lá chuối, lá dừa… Hôm trước giỗ chính mọi người dành cả một ngày gói bánh, sao cho dư nhiều để… cho.  Có bữa ra về một quãng xa thì thấy đứa con nít hào hển chạy theo để dúi vào tay tôi nửa đòn bánh tét với mấy trái lê ki ma, thấy mà thương.

Cái không khí đó bây giờ đã phai nhạt ít nhiều, đơn điệu ít nhiều, nhưng sự gắn bó, mối thân tình ruột ràng vẫn còn nồng ấm. Kẻ nằm xuống vẫn làm được điều có ích, là gắn kết người với người. Ngoài việc thắp nhang tưởng niệm người đã khuất (việc này cũng khó khăn, tôi chỉ biết thầm thì nội ơi hay ngoại ơi hay bác ơi, con là con Tư nè), tôi luôn tận dụng những đám giỗ để nhớ mặt họ hàng bà con, vì chỉ gặp dịp này rồi ai lại về nhà nấy.

Hồi chưa có chồng, má tôi dặn nhớ mặt để khỏi… yêu nhau. Sau này nhớ mặt để tránh… đánh nhau, mắc công bẽ bàng. Nhưng họ hàng đông quá, lại chẳng người nào không thay đổi, theo thời gian.  Có người già đi, có người dậy thì, nhổ giò, năm trước khác, năm sau thấy khác. Mấy nhỏ cháu hồi nào còn mắc cỡ đấm thùm thụp giấu mặt vào lưng nhau ngoài sàn nước, lần sau gặp đã bồng đứa trẻ, cầm tay thằng bé ngoắc ngoắc mình, biểu “thưa bà cô đi con”, nghe muốn… mếu.

Trong đám giỗ, nghe râm ran cháu nội cô Tư vừa sinh đứa thứ hai, con anh Ba gần đám cưới.  Trời ơi, phải có thời gian tôi sẽ tới trước bữa nhóm họ một ngày, hụ hợ mấy đứa cháu cắt bẹ chuối, thắt lá dừa, lá đủng đỉnh trang trí rạp, để coi tụi nó dùng cách nào làm cái rèm rủ bằng bông dừa xiêm tuyệt đẹp.

Đang nghĩ lung tung xèng thì có cô nhỏ lại gần nhỏ nhẻ, tháng mười tới là lễ ăn trầu uống rượu con, cô nhớ về. Về chớ, phải về, vì lần trước lỡ dự đám hỏi của Hường, của Xuyến, nên phải đối xử đẹp với đứa cháu này, gia cảnh con nhỏ nghèo, mình càng phải tới.

Đi đám cũng có triết lý của việc đi đám, vậy đó.

Ở đời, công bằng là thứ quan trọng khủng khiếp nên đi đám người ta cũng nghĩ tới chuyện làm sao cho công bằng, đừng bên trọng bên khinh.  Điều này tôi ảnh hưởng chút đỉnh từ má tôi. Để nuôi dưỡng, duy trì sự tử tế, có tháng má tôi ít khi… ở nhà, má luôn áy náy, thằng anh cưới dâu mình ở suốt, con em gả con mình không tới, nó buồn.  Hoặc dịp đó, người đó lăn xả trong bếp nhà mình tới hai ngày, bây giờ mình dùm có một buổi, thấy kỳ.  Má tôi xài từ “giùm”, tôi khoái.  Nó không chỉ thanh thản “đi”, không chỉ bệ vệ “dự”, chữ “giùm” nhiều trách nhiệm, như gánh đỡ lo âu, nghe có tình có nghĩa, nghe ấm lòng.  Tôi học chưa được chữ giùm đó. Và cũng chẳng biết đến bao giờ mới học xong.

Nên tôi không tiếc gì nếu nửa tháng trời chẳng viết chữ nào vì bận… đi đám.  Văn chương làm tôi mất bạn bè (một số đứa có lịch chơi trẹo ngoe với tôi, một số đứa khác chê tôi làm nghề quá xa lạ, đã vậy còn… nổi tiếng), và tôi cảm thấy không đáng phải đánh đổi.  Nếu viết với tôi là sống, những khi không viết tôi cũng muốn sống. Đi đám là một ví dụ…

 

Trở về trang chủ Nguyễn Ngọc Tư

Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn 27-4-06
Lên trang này cùng ngày
(dùng bản Tư gởi -- nhưng dùng tựa trên báo, tựa nguyên thuỷ là "Kể chuyện... ngoài văn chương")