20, 21

Tạp văn

Nguyễn Ngọc Tư

 

Chị trắng trẻo, vấn tóc cao, sang trọng trong chiếc áo dài nhung đính cườm, ngồi bên phải, trước cô dâu. Em bận một bộ đồ ba ba đã cũ nhàu, khổ sở dán thân mình gầy nhom vào chiếc ghế chạm trổ tinh tế. Em cười thiu thỉu. Chị cũng cười nhưng mắt không nhìn thẳng, vẻ mặt ngượng ngập, buồn hiu.

Tấm ảnh nằm lẫn trong album cũ của gia đình. Mọi người vẫn thường giở ra xem và vẫn không hiểu tại sao cái khoảnh khắc đó chị lại buồn, bởi trong tất cả tấm ảnh còn lại, chị luôn rạng rỡ, viên mãn. Cái áo dài màu trái giếc tôn làn da trắng chị không mặc thêm lần nào nữa. Chị muốn thay nó ra ngay trong ngày cưới của con trai mình, ngay khi đứa em mà chị kéo từ dưới bếp lên cứ bần thần chùi cùi tay vào vạt áo, “chụp hình chi không biết, chế coi, tui ăn mặc xấu quá chừng…”. Chị gạt ngang, ấn em ngồi vào ghế, cảm giác em lọt thỏm ở đó, nhỏ nhoi, tự dưng chị nghe xương vai của em nhọn sắc buốt tay mình. Người thợ ảnh bảo mọi người cười. Chị không dám nhìn vào cái ống kính đen ngòm, nghẹn thở bởi cái áo mà mình đang mặc, bởi cái ghế mình đang ngồi, bởi sự viên mãn mà mình đang có.

Bởi em đang ngồi cạnh chị, già nua, khốn khó. Chị mua gởi cho em nhiều bộ quần áo mới, sau đám cưới đó. Lâu lâu về quê, thấy mớ đồ vẫn xếp trong tủ, nhãn mác còn nguyên, nhưng chị không thể cất tiếng quở rầy, vì em ướt mẹp từ ngoài đồng vô. Em giăng lưới cá, được chừng chục ký, loại cá rô phi nhỏ chừng hai ngón tay khép, xách tới chợ xã bán được mỗi ký hai ngàn. Tay em nhiều vết xước do bị vây cá đâm. Từ chợ về em đi sạ mớ lúa giống đã lên mầm trắng xóa. Tối lại em chong đèn làm sạch mấy thùng cá, ủ mắm. Em ngồi miết bóng vào đêm, mấy cây nhang muỗi vẽ những đường khói cong cong, gió lọt qua vách làm khói bay dùng dằng đâu đâu.

Khói cũng không bao bọc lấy người. Rời rạc. Khói của hiện đại, mà em thì cũ. Khói này của chị, như cái ti vi kia của chị, như mấy bộ quần áo đẹp kia của chị, nên chúng chỏn lỏn trơ khấc giữa căn nhà em, thấp và tối, ẩm ướt hơi đất, ngai ngái mùi lá mục.

Đó là cái bìa bọc lấy quyển từ điển đời em. Mỏng lắm, chỉ vài trang ít ỏi đề mục ít ỏi. Lấy chồng. Sinh con. Bầy đàn đông đúc. Quanh quẩn ruộng vườn. Làm lụng. Mồ hôi. Đứt tay. Hết gạo. Giăng lưới. Đặt lờ. Trồng tưới. Chợ khuya… Em đã đi gần hai phần đời bằng những từ nhọc nhằn đó, phần đời còn lại, em chỉ còn chữ Thiệt thòi, ở trang cuối.

Chị đã từng thêm vào cuốn sách em những Son môi, Giày da, Đi du lịch, Xem phim… nhưng chúng cứ rơi khỏi đó, hay em tự rời ra. Chúng quá rực rỡ và sang trọng trên cái nền giấy lem nhem loang nước. Và vô vọng, xa xỉ hơn là Bức tranh, Tiệc tùng, Ngắm mưa, Quán cafe...

Bù đắp cho đứa em nghèo, nhiều lúc chị sắm sửa cho em thật nhiều để rồi nhận ra lấy tấm áo của mình đắp lên em thì cũng không thay đổi được gì. Cái ti vi màu chị tặng vẫn nằm im lìm trong căn nhà chưa có điện. Tiền của chị dúi vào tay em không thể dùng để viết chữ “khám sức khỏe định kỳ” hay “máy rửa chén” vào từ điển của mình. Mỗi người phải sống cuộc đời riêng. Vài lần, giữa buổi tiệc bàn tay cầm ly vang Pháp của chị đã run khẽ khi đứa con gọi điện thoại, dì ra chợ bán trầu, ghé nhà mình chơi. Tay chị run như cái sức nặng của giỏ trầu đang treo lủng lẳng trên đó. Giá của chúng, chắc chỉ bằng ly rượu sóng sánh này.

Nhìn lại tấm ảnh lạc lõng, rơi ra khỏi chuỗi hình ảnh hào nhoáng của tiệc cưới, chị thấy không phải chỉ cách nhau hai cái tay ghế. Không phải chỉ khác nhau màu áo, màu da. Chị đã đi quá xa, đã hút bóng.

20, 21, ai cũng biết chuỗi số đó liền nhau, nhưng với chị và em, nó cách hàng trăm năm. Em còn mãi ở nửa thế kỷ trước, chị đã ở đầu thế kỷ này. Người ở lại 20 ngóng nhìn và hy vọng, kẻ 21 thì ngoái lại thấy thương, nhưng tầm nhìn đã xa lắm, sự xót thương chỉ là mường tượng, một cảm giác trách nhiệm mơ hồ. Chị không thể quay lại và em cũng không thể nhanh hơn. Ngày còn gần gủi, lâu lâu chị đứng chờ để dắt em theo mình một quãng, em được chị tặng cho mấy chữ Ăn sáng, Karaoke, Mua sắm… mà em nhắc hoài, nhớ hoài, vì thấy gì cũng tốn nhiều tiền, mắc xót.

Nhưng giờ thì không còn nhớ cái cảm giác những ngón tay chị và em đan vào nhau ngày đó. Giờ thì tấm ảnh cũ của gia đình không còn gây buồn, vì người ta đã nhận biết một cách bình thản, nếu chụp ảnh dãy phố này, khu phố này, thành phố này, hay vùng châu thổ này… thì sẽ nhìn thấy những khoảng cách, những vết cắt, những từ điển nghèo nàn của người còn ở lại thuở 20.

Những tấm ảnh ma mị, ta thấy ta đứng cùng một không gian thời gian nhưng kẻ trước người sau, ta thấy ta đứng chung nhau mà không hề đứng chung nhau, ta thấy rõ ràng ta nắm tay nhau nhưng ta đã không nắm tay nhau từ lâu lắm.

 

Trở về trang chủ Nguyễn Ngọc Tư 

Lên trang này ngày 9-11-07
Dùng bản Tư gởi